Người ta vẫn thường tin rằng những kẻ sát nhân đa phần là những con người bệnh hoạn, những kẻ nhân tính thì ít mà thú tính thì nhiều. Chỉ với những đặc tính như trên, những kẻ sát nhân mới đủ can đảm ra tay giết chết một đồng loại của mình. Tuy nhiên lịch sử hình sự đã từng ngạc nhiên khi ghi nhận rằng có những kẻ sát nhân đã ra tay giết người chẳng có một mục đích nào cả và cũng chẳng có dấu hiệu gì để chứng minh hắn là một kẻ tàn ác hay bệnh hoạn. Trong nhiều trường hợp, tội ác đã xảy ra chỉ một trong phút chốc ngắn ngủi khi thiếu vắng lương tri mà chính ngay kẻ sát nhân cũng không hiểu vì sao mình đã phạm tội ác. Thực tế cuộc sống cho thấy có nhiều lúc trong đời, mọi người trong chúng ta ai cũng có những phút giây không còn điều khiển được chính mình, và chính trong những giây phút đó, con người đã phạm tội.
Bấy giờ là một buổi tối Thứ Sáu ngày 2.10.1931, một cặp nam nữ với hành lý trên tay bước vào khách sạn Station Temperance nằm trên đường New Bridge St ở trung tâm của thành phố Manchester, Anh Quốc. Người đàn ông là một thanh niên trẻ lịch thiệp ăn mặc rất chải chuốt, còn người đàn bà thì mập và luộm thuộm dơ dáy. Cả hai cho biết họ muốn thuê một căn phòng trọ qua đêm với giá 10 xu Anh và ký tên trong sổ là vợ chồng Harry Stanley. Sau khi trao chìa khóa phòng số 6 cho cặp nam nữ nói trên, tay quản lý khách sạn Walter Stead nghĩ thầm chắc chắn người đàn bà là một cô gái điếm và tay thanh niên ngây thơ kia đã bị ả mồi chài mang vào đây. Tuy nhiên Stead không nghĩ ngợi gì lâu vì thời buổi làm ăn khó khăn, có được người khách nào là mừng người khách đó. Người đàn ông tên Harry Stanley bảo Stead đánh thức anh ta dậy trước 8 giờ sáng mai để ông ta đi làm cho kịp giờ. Stead lễ phép vâng... dạ...
Sáng hôm sau cô hầu phòng Mary Casey thấy ông Harry Stanley rời khỏi khách sạn đã lâu mà bà vợ vẫn chưa dậy, bèn đến gọi cửa để làm vệ sinh căn phòng trước khi về nhà đi chợ. Sau khi gõ cửa hoài không thấy ai trả lời, Casey đành phải dùng chìa khóa riêng mở cửa vô phòng và thấy bà Stanley vẫn còn nằm im lìm trên giường ngủ. Nghĩ rằng bà khách ngủ mê mệt sau một đêm ân ái cuồng nhiệt, Casey vén nhẹ chiếc chăn vắt lên giường và chợt nhận ra trên chiếc gối của bà Stanley vấy máu. Casey nhìn kỹ lại và kinh hoàng nhận ra có vật gì lạ màu đen vắt ngang qua cổ của bà khách. Không dám chậm trễ, Casey chạy xuống lầu và gọi Stead, sau đó phái người đi mời một viên cảnh sát.
Khi đến hiện trường thám tử Westwell nhận ra người đàn bà đã bị thắt cổ hay tự treo cổ và ngừng thở, tuy nhiên theo ông vẫn còn có thể cứu được vì cơ thể còn ấm. Tuy nhiên khi bắt đầu làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân, Westwell nhận thấy quanh cổ của bà có đến hai đoạn dây có lẽ từ một chiếc cà vạt bằng lụa. Một đoạn thì lỏng nhưng đoạn còn lại thì quấn chặt đến bấm sâu vào cổ của nạn nhân và người đàn bà đã chết cứng không sao còn hồi sinh được nữa. Kết quả điều tra tại hiện trường cho thấy nạn nhân đã bị giết chết bằng cách thủ phạm dùng một chiếc cà vạt siết cổ. Theo pháp y, tên sát nhân dùng chiếc cà vạt siết cổ nạn nhân và chiếc cà vạt đứt làm hai, khiến hắn phải dùng đoạn còn lại siết cổ nạn nhân cho đến chết. Nghi can duy nhất là là ông Harry Stanley, chồng của nạn nhân, như lời khai trong sổ khách sạn. Tuy nhiên khi kiểm tra giấy tờ của nạn nhân thì ra bà ta tên là Annie Riley một gái điếm 28 tuổi sống tại vùng Deansgate và quản lý khách sạn mới hay rằng anh ta đoán trúng và tên của người đàn ông chỉ là một tên giả.
Khám nghiệm hiện trường cảnh sát thấy ví tiền của cô gái điếm dưới nệm còn nguyên vì thế vụ sát nhân chắc chắn không phải vì động cơ cướp của. Để giúp cảnh sát làm sáng tỏ vụ án sở cảnh sát Manchester cho đăng cáo thị truy lùng người đàn ông tên Harry Stanley với nhân dạng do Walter Stead miêu tả lại và đăng báo về nhân dạng của cô gái điếm Annie Riley. Sau đó một cặp vợ chồng già đến đồn cảnh sát và cho biết cô gái điếm đã chết chính là con gái của họ đã từ bỏ gia đình ở Dublin đi biệt tăm từ năm 1922. Tuy nhiên chẳng có một tin tức phúc hồi nào về lai lịch hay tung tích của nghi can thủ phạm của vụ sát nhân cả.
Bất ngờ ngay trong ngày hôm sau trong khi đang ngồi trong đồn cảnh sát thảo luận về phương thức hữu hiệu nhất để tìm ra tên sát nhân, hai thám tử Valentine và Bill Page thấy một thanh niên ăn vận lịch sự đi vào và tự nhận mình chính là thủ phạm vụ án mạng nói trên. Ngạc nhiên, hai thám tử nhận ra tay thanh niên tự khai tên là Solomon Stein hoàn toàn trùng khớp với nhận diện đã được Stead mô tả. Sau khi thẩm vấn các cảnh sát viên quyết định truy tố Stein tội sát nhân và càng ngạc nhiên hơn nữa các thám tử thấy hắn nhận tội một cách lịch sự và bình tĩnh. Stein lập tức bị tống giam chờ ngày ra tòa.
Cũng như mọi thanh niên gốc Do thái bình thường khác trong thành phố Solomon, Stein làm thợ máy cho một công ty sản xuất vải không thấm nước trong thành phố và sống lương thiện tại số nhà 110 đường Charlotte với bố mẹ. Vào mỗi đêm Thứ Sáu, sau khi ăn tối xong, Stein thay áo quần bảnh bao và đi xuống phố xem phim City Lights do danh hề Charlie Chaplin đóng. Tối hôm xảy ra vụ án mạng, khi cuốn phim chấm dứt lúc 10 giờ 30 tối, thay vì đi về nhà như mọi hôm, Stein rảo bước về phía đường Market. Ngày mai là ngày sinh nhật thứ 21 của Stein và tự nhiên anh ta có ý định tìm gặp một cô gái điếm để biết mùi vị ái ân và từ một gã trai tân trở thành một người đàn ông thực sự. Đi thêm một đoạn nữa, Stein nghe từ phía sau có tiếng chào và nhận ra đó là một cô gái thấp bé. Cô bước theo Stein và cho biết tên cô là Annie Riley mới từ Liverpool lên và nếu Stein đồng ý trả tiền khách sạn thì Stein có thể ngủ lại với cô nàng qua đêm. Stein đồng ý và cả hai đã vào khách sạn Station Temperance Hotel nói trên.
Sáng sớm hôm sau khi tỉnh giấc, Stein nhìn lại cô gái điếm trên giường và nhận ra cô ả xấu xí kinh khủng đến nỗi không hiểu vì sao anh ta lại ân ái lần đầu tiên trong đời với một cô gái như vậy. Chợt nhìn thấy chiếc cà vạt của một người khách nào đó trước anh ta còn quên lại trong phòng, Stein cầm lên và trước khi nhận thức rõ anh ta đang làm gì, Stein đã quấn chiếc và vạt vào cổ của cô gái điếm và siết mạnh đến nỗi chiếc cà vạt đứt làm hai đoạn. Stein liền lấy đoạn còn lại tiếp tục siết cổ cô gái. Nhận ra mình đang bị siết cổ, cô gái điếm cố hết sức dùng tay giật chiếc cà vạt ra nhưng bất lực và chỉ một chốc sau đã xuôi tay chấp nhận số phận. Stein buông tay, đốt một điếu thuốc lá và nhìn khuôn mặt gớm ghiếc của nạn nhân với cặp mặt trợn trừng, lưỡi thè dài ra ngoài và cơ thể bắt đầu chuyển sang màu tím. Lấy tấm mền đắp lên người nạn nhân, Stein mặc áo quần và nhận ra trong ví của mình chẳng còn đồng xu nào. Ả gái điếm đã lấy hết tiền của hắn.
Tuy nhiên Stein không còn thì giờ lục kiếm tiền vì chợt nghe có tiếng động lạ bên ngoài hành lang, dường như có ai đang đi lại gần về phía phòng của anh ta. Stein vội vàng rời khỏi khách sạn đến nỗi không kịp đáp lại câu chào buổi sáng của cô hầu phòng Casey đang đứng ở tầng dưới. Sau khi rời khách sạn Solomon Stein đi thẳng về nhà và bảo với mẹ rằng anh ta gặp một người bạn thân lâu ngày không gặp và đã ở lại nhà anh này qua đêm để tha hồ tâm sự. Lúc 9 giờ 15 Stein đến sở làm muộn 15 phút và chỉ sau khi làm việc có 10 phút, anh ta thấy trong lòng bất an đến nỗi phải bỏ ra về và đi lang thang cả ngày trong thành phố Manchester. Lúc 4 giờ 30 chiều anh ta đến gần ga Victoria và vì sự hiếu kỳ bước đến gần khách sạn Station Temperance. Nhìn vào anh ta thấy nhiều cảnh sát đang đi lui đi lại và biết xác chết của Annie Riley đã được phát hiện.
Mua một tờ báo để xem nội dung tường thuật vụ án mạng, Stein tiếp tục lang thang và cuối cùng thuê phòng một khách sạn ở vùng Belle Vue Zoo với tên Leonard Harris ở qua đêm, bất chấp cả gia đình đang chờ anh ta về nhà dự tiệc mừng sinh nhật thứ 21. Tuy nhiên sáng hôm sau tâm tư trĩu nặng với cảm giác tội lỗi về vụ sát nhân mình đã gây ra, lúc 5 giờ 20 chiều, Solomon Stein bước vào đồn cảnh sát và tự thú nhận tội lỗi.
Khi phiên tòa xử Solomon Stein bắt đầu vào ngày 25.11.1931, trước sự ngạc nhiên của cả chánh án, luật sư và bồi thẩm đoàn, Stein đã công nhận tất cả mọi phát hiện của bác sĩ pháp y Renshaw tái hiện lại tiến trình của cái chết của Annie Riley là hoàn toàn đúng sự thật. Khi tòa hỏi anh ta có nhận tội không, Solomon Stein lập tức trả lời nhận khiến cho luật sư bào chữa do cha mẹ thuê cho anh đã phải nhảy dựng lên và kêu trời. Sau đó, luật sư biện hộ đòi phải cho bác sĩ khám nghiệm thân chủ của mình xem anh có điên khùng hay không. Tòa đồng ý cho mời một bác sĩ tâm thần để xác định tình trạng tâm thần của Solomon Stein. Mặc dầu trong quá khứ cha của Stein khai rằng có lúc anh khùng khùng điên điên, bác sĩ nhận ra hiện tại Stein hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt. Không còn cách nào hơn chánh án Finley tuyên án Stein phạm tội sát nhân và tuyên án tử hình bằng hình phạt treo cổ. Phiên tòa chỉ kéo dài có đúng 30 phút.
Trong khi chờ đợi ngày hành hình ở nhà tù Strangways, Solomon Stein hầu như từ chối không gặp bất cứ thân nhân nào trong gia đình ngoại trừ một lần gặp cha là Jacob. Ông Jacob khuyên con trai nên hợp tác với luật sư kháng án với cớ rằng Stein đã giết người trong lúc nổi cơn điên đột xuất. Tuy nhiên Stein trả lời thẳng thắn rằng anh ta đã giết chết một người phụ nữ vô tội và vì thế anh ta phải chấp nhận mọi hình phạt mà xã hội dành cho anh ta. Đó là lẽ công bằng và anh ta thấy không có lý do gì để chạy tội cả. Việc này thật cay đắng cho ông Jacob vốn trốn khỏi Liên xô, đến Anh tỵ nạn và tần tảo làm việc nuôi vợ nuôi con, mong một tương lai tươi sáng hơn. Jacob đi khắp nơi trong thành phố xin chữ ký của 50 ngàn người xin bộ nội vụ hoãn vụ hành quyết để chờ bị can thay đổi ý kiến. Tuy nhiên đơn bị bác và ngày hành hình đã đến.
Stein từ chối gặp bất kỳ ai trong ngày hành hình ngoại trừ một tu sĩ Do thái giáo. Một đám đông gốc Do thái bao gồm thân nhân của tử tội đang chờ đợi bên ngoài cổng nhà tù để chờ nghe tin tức. Trước khi rời khỏi phòng giam của tử tội, Stein ăn ngon lành một bữa ăn sáng cuối cùng gồm hai quả trứng, trà, bánh mì và bơ. Sau đó anh ta thay áo quần tươm tất đến nỗi các viên đao phủ thủ khi vào ngục dẫn tử tội đi đã ngạc nhiên chưa từng thấy một tội nhân nào sắp bước lên giá treo cổ mà lại đường hoàng, lịch sự và tươi tỉnh như Solomon Stein.
Phút giây xúc động duy nhất trên nét mặt của Stein là khi anh ta nắm lấy tay của vị tu sĩ và nói lời vĩnh biệt. Một dòng nước mắt chảy dài trên đôi má trước khi Stein bước lên giá treo cổ.
Sàn gỗ nơi Stein đứng sụp xuống và cả thân hình của tội nhân treo lơ lửng trên giá. Khuôn mặt của Stein thanh thản và nhẹ nhàng như đã tìm thấy sự giải thoát hoàn toàn nơi thế giới bên kia, sự thanh thản của một tội nhân đã sung sướng được đền tội vì một tội ác mà mình đã gây ra trong một phút giây không thể hiểu được trong đời người. Quả thật, lịch sử nhân loại chứng kiến hàng trăm ngàn tội nhân chết dưới giá treo cổ, nhưng chưa có một ai có được gương mặt tươi tỉnh, thanh thản và hạnh phúc như Stein. Thì ra, một người nếu chót gây ra tội ác, biết thành thật nhìn nhận tội lỗi, và thanh thản chấp nhận hình phạt, người đó vẫn có thể tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc ngay khi bước đến giá treo cổ.