Một vấn đề cần được trình bày cho thật rõ ràng, nhiều ngừơi hiểu chữ “bailout” có nghĩa là chính phủ sẽ dùng $700 tỷ tiền của người dân đóng thuế để giúp những cơ sở tài chính, và số tiền này sẽ mất luôn sau khi kinh tế được ổn định. Sự thật là chính phủ sẽ dùng 700 tỷ để mua lại những chứng khoán được bảo đảm bởi địa ốc, dưới hình thức đầu tư. Chính phủ trở thành nhà đầu tư, nhưng họ không lợi dụng tình trạng bất ổn này để mua với giá thật rẽ, sẽ giết chết ngân hàng, những cơ sở tài chính , mà chính phủ sẽ mua với giá tương đối để giúp ngân hàng có tiền, giải quyết những khó khăn hiện tại, cùng lúc ổn định thị trường tài chính và kinh tế của HK.
Khi kinh tế ổn định, tạo được niềm tin, những nhà đầu tư sẽ tiếp tục bỏ tiền ra mua chứng khoán, giá nhà sẽ lên trở lại như bình thường, lúc số tiền đầu tư $700 tỷ của người dân đóng thuế chẳng những được trả lại mà còn có được một số tiền lời vô cùng to lớn.
Dân biểu Steven C. La Tourette (R-Ohio) đã yêu cầu chính phủ giải thích một cách đơn giản, để một người thợ, một người dân thường có thể hiểu vấn đề. Để họ chấp thuận, dân chúng cần được hiểu rõ, nếu QH không chuẩn chi thì họ có bị mất việc, có thể mượn tiền mua xe" Có thể vay tiền cho con đi học…
Trước khi đi sâu vào những khủng hoảng kinh tế hiện tại, tưởng cũng nên nhắc qua về hiện trạng kinh tế Mỹ bị đình trệ trong hơn một năm qua. Nạn lạm phát, thất nghiệp gia tăng trong lúc thị trường địa ốc đình trệ trầm trọng. Số nhà bị tịch thu bị tăng lên rất nhiều. Đi đối với ngành địa ốc là ngành tài trợ địa ốc, trong năm qua Chính phủ đã đứng bên lề để thị trường tự giải quyết . Chính phủ có đưa ra hai biện pháp để cứu vãn tình trạng trì trệ bằng cách kích thích kinh tế với “Stimulus Package”, hoàn trả lại cho mỗi người dân $600 để họ tiêu xài và tạm thời tăng số tiền cho cơ quan FHA (Federal Housing Administration) để họ có thể cho vay đến $729,750.
Bắt đầu từ Tháng 10, 2007 lưỡng viện của Quốc Hội HK đã nghiên cứu tìm cách chận đứng sự xuống dốc của thị trường địa ốc. Tháng 3, 2008 Hạ Viện đã thông qua Dự Luật “Housing Rescue Bill” do Dân Biểu Barney Frank (D-Mass) đề nghị. Phía Thượng Viện có TNS Chirstopher Dodd (D-Connecticut) cũng đề ra một dự luật gần tương tự, có vài điểm khác biệt. Nhưng Tổng Thống Bush cho biết sẽ phủ quyết. Mãi đến cuối Tháng 7, khi một số ngân hàng lớn của Mỹ sắp sập, Bộ Tài Chánh mới nhảy vào, tiếp thu và quản lý hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac. Đây là một việc làm lịch sử chưa từng có từ thời Great Depression (1929-1933). Ngày 30 Tháng 7, Tổng Thống Bush ký ban hành “HR 3221-Housing and Economic Recovery Act of 2008”( Đạo luật tiếp sức Thị Trường Địa Ốc và Kinh Tế), sẽ có hiệu lực ngày 1 Tháng 10 tới đây.
Chính phủ tuyên đoán Đạo luật này sẽ giúp khoảng 400,000 nhà khỏi bị tịch thu, đây là một số nhỏ so với số tiên đoán sẽ có 3.5 triệu nhà sẽ bị mất trước năm 2011, nếu chính phủ không tích cực tìm biện pháp thích ứng. Nhiều nhà kinh tế phê bình chính phủ đã quá chậm trễ trước nguy cơ hiện tại.
Cuối tuần qua Tổng Thống Bush và Chính phủ đã yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi $700 tỷ để cứu vớt những công ty tài chính lớn ở Wall Street đang bị lung lay. Sự phá sản của hệ thống tài chính, sẽ đưa tới khủng hoảng kinh tế toàn diện, làm cho người Mỹ mất hằng triệu việc làm và kéo theo khủng hoảng cả thế giới.
Trong những buổi họp với những vị dân cử lưỡng viện Quốc Hội HK, Bộ Trưởng Tài chính Paulson và Chủ Tịch Federal Reserve Bernanke trình bày những giải pháp nhắm vào trọng tâm cứu vãn kinh tế. Hai ông đã đưa ra nhiều hình ảnh “ớn lạnh”, hậu quả không thể lường được, nếu Quồc Hội không biểu quyết chấp thuận gắp đề nghị chuẩn chi 700 tỷ.
Chương trình đưa ra liên hệ đến hằng trăm tỷ mỹ kim để chính phủ mua những chứng khoán được bảo lãnh bởi địa ốc, sẽ giúp cho nhà băng có thêm tiền, tiền tệ được luân lưu. Vì mất tự tin, Thị trường tiền tệ “Mutual Fund” đã bị rút tiền ra quá nhiều trong những ngày gần đây, nếu tình trạng mất tự tin, rút tiền ra khỏi ngân hàng tiếp tục, cạn tiền thì việc cho vay gặp nhiều khó khăn, sẽ kéo theo thất nghiệp, kinh tế xuống dốc trầm trọng… Vì vậy hai vị này đã yêu cầu Quốc Hội chấp thuận gắp.
Bộ Trưởng Paulson nói, việc bỏ 700 tỷ mỹ kim ra cứu vãn tình trạng kinh tế, tài chính hiện tại sẽ tốn kém nhưng nếu để các công ty tài chính tiếp tục bị vỡ nợ thì hậu quả của kinh tế HK và thế giới sẽ khủng khiếp hơn. Thường thì một dư luật đưa ra Quốc Hội luôn bị những nhà lập pháp thêm bớt, sửa đổi, sẽ chấp thuận với điều kiện thêm bớt điều này này, điều nọ… nhưng việc chấp thuận ngân khoản 700 tỷ là việc vô cùng cấp bách, quan trọng, nếu kéo dài thảo luận, kèn kèo sẽ làm dân chúng mất niềm tin, càng làm cho thị trường thêm giao động, khủng hoảng trầm trọng hơn.
TNS Shelby (R-Ala) Senate Banking Committee quan tâm tới số tiền 700 tỷ quá lớn, có thể đưa tới những hậu quả không ngờ trước được. Dân biểu J. Hensarling (R-TX) rất bi quan, lo sợ và không tin những khó khăn hiện tại được giải quyết. Những lo âu, hoài nghi đã làm cho cuộc thảo luận kéo dài, cho đến trưa hôm qua thì không đạt được kết quả mong muốn.
Tổng Thống Bush đã mời Ứng Cữ Viên McCaine và Barack Obama cùng họp ở White House để cấp bách tìm giải pháp cho một vấn nạn chung, vô cùng quan trọng. Từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Bush đã đọc diễn văn, cảnh cáo “Nền kinh tế của chúng ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm”, trừ khi Quốc Hội hành động nhanh chóng, chấp thuận ngân khoản 700 tỷ để cứu vãn hệ thống tài chính . Tổng Thông Bush giải thích, sự “bailout” này không đặt mục tiêu giúp ở một công ty hay k ỹ nghệ nào mà nhắm vào việc duy trì toàn diện kinh tế HK. Ông cũng báo động Hoa Kỳ có thể sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, cuối cùng sẽ đưa tới tình trạng suy thoái kinh tế lâu dài…
Vài giờ trước khi Tổng Thống Bush đọc diễn văn, House Speaker Nancy Pelosi (D-Cali) và House Minority Leader John. Boehner (R-Ohio) đưa ra một văn thư cho biết họ đang làm việc và có nhiều triến triển. Trong lúc đó Ứng cử viên McCain nói, ông không tin chương trình sẽ được thông qua, ông sẽ trở lại Quốc Hội để hướng dẫn thảo luận. Những vị dân cử Dân Chủ nói họ sẽ chấp thuận chương trình chỉ khi nào phần đông các vị dân cử Cộng Hòa ở hai viện đồng ý.
Bộ Trưởng Paulson nói, không ai muốn vẽ một bức tranh khủng khiếp để đe dọa dân chúng. Nhưng sự thực là thị trường tài chính không ổn định. Và tình trạng hiện tại rất là nguy kịch, trầm trọng…
Sau nhiều cuộc vận động, Bộ trưởng Paulson và Chủ tịch Federal Reserve Bernanke không đạt đựơc kết quả mong muốn nên chính Tổng Thống Bush đã phải đọc diễn văn, diễn tả tình trạng kinh tế có thể bị sụp đỗ. Ngân hàng thất bại, thị trường chứng khoán xuống thấp làm giảm tiền hưu, nông dân không được tín dụng, cha mẹ không thể cho con đi vào đại học..Tổng Thống Bush nói , với tình trạng bâp bênh mỗi ngày, ông đối đầu với sự chọn lựa, hoặc là bước vào hành động thích hợp hay đứng ra, để một số người hành động vô trách nhiệm phá hoại hệ thống tài chính. Tổng Thống Bush nói trong những trường hợp bình thường ông để thị trường tự điều chỉnh lầy. Nhưng đây không phải là trường hợp bình thường.
Trong tuần vừa qua Công ty Tài chính lớn Lehman Brothers tuyên bố vỡ nợ. Công ty tài chính Merry Lynch và Công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG có thể bị vỡ nợ và có thể chính phủ phải ứng ra 85 tỷ mỹ kim cho vay.
Cổ phần trong ngân hàng Washignton Mutual gần như mất hết giá trong ngày 16 Tháng 9, 2008. Thị trường tài chính của Mỹ và cả thế giới đang thực sự lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Nhiều người mong mỏi Quốc Hội HK sẽ biểu quyết chấp thuận ngân khoảng 700 tỷ vào cuối tuần này!