- Ngũ ông và Ngũ Tử Tam đã bị Sở vương đưa đi… bán muối. Sao huynh lại ở đây"
Tử Tư trố mắt đáp:
- Cha và anh của ta là những bậc trung thần. Suốt đời tận tụy với lê dân, mà nay thân một nơi đầu một nẻo, là cớ làm sao"
Bảo Thúc một tay đè lên ngực, một tay nắm lấy áo của Tử Tư. Vội vàng nói:
- Trung thần là phải nhìn sắc mặt buồn vui của vua mà cư xử, và phân biệt được chuyện nào nên nói chuyện nào không. Tóm tắt là phải nghe vua suốt đời suốt kiếp. Nay cha và anh của huynh chẳng những không nghe mà còn bày chuyện ra mà can gián, khiến Sở vương mặt mày cau lại - khoát nhẹ đôi tay - đành… bay mất giống là vì duyên cớ đó!
Tử Tư nghe đầu đuôi như vậy, bỗng ngồi phịch xuống đất. Hoảng hốt nói:
- Thấy vua sai mà không can là bất nhân. Vua không nghe mà im luôn là cái đồ bất nghĩa. Cha và anh của ta đối với vua có nghĩa có nhân. Sao lại đối xử với nhau cạn tàu ra như thế"
Thúc nghe Tử Tư thốt lời oán trách như vậy, liền nghĩ đến câu tai vách mạch rừng, bèn đưa tay bịt miệng của Tư lại. Thảng thốt nói:
- Lúc này không phải là lúc bàn đề. Nếu huynh muốn giữ lại chút hậu duệ mai sau, thì phải gấp rút dong liền tức khắc.
Tư nghe tới chuyện bỏ chạy, mặt bỗng xụ xuống như bánh tráng gặp mưa. Khổ sở nói:
- Tiền bạc. Lớp thì mua cổ phiếu. Lớp đầu tư địa ốc. Lớp cho mượn dài ngày. Bây giờ sự thể thế ni. Mần răng thu góp"
Rồi gục đầu xuống mà thở. Thúc thấy vậy, tay thì đẩy, mắt ngó dọc ngó ngang. Sợ hãi nói:
- Tiền bạc là chuyện nhỏ. Giữ được tấm thân để lấy vợ mới là chuyện lớn. Nay chuyện lớn không lo, lại đổ hết tâm tư vào lo chuyện nhỏ. Coi đặng hay chăng"
Tư nặng nhọc đáp:
- Thù cha không trả, lại lo chuyện vợ con, là nghĩa làm sao"
Thúc mau mắn nói:
- Muốn báo thù thì phải có người nối dõi. Muốn có người nối dõi mà thiếu vợ thì mần được hay sao"
Tư toan tìm lời đáp lại, bỗng đâu có tiếng vó ngựa từ xa đưa tới. Thúc xanh mét cả mặt mày. Lắp bắp nói:
- Bây giờ mà không chạy, thì ngày này năm sau, đệ sẽ bắt con gà mái tơ làm giỗ đầu cho huynh đó!
Rồi quay mình nhắm ngõ sau mà vọt. Tư thấy vậy, cũng bất giác chạy theo, được một đỗi thì không còn nhìn thấy nhau nữa. Tư mới đứng lại, vừa thở vừa nói:
- Làng ta gần biên giới nước Ngô. Chạy qua đó lánh nạn là yên tâm nhất.
Đoạn, nhắm hướng biên giới nước Ngô mà chạy. Lúc đói thì ăn trái cây rừng. Lúc khát lại tìm suối nước trong. Thét rồi cũng đến được nước Ngô, bèn ngửa mặt lên trời. Cương quyết nói:
- Thù cha phải trả. Thù anh phải báo, nhưng trước mắt phải lo chuyện uống ăn, mới bình tâm chơi tới.
Nghĩ vậy, liền nhắm hướng có đường mòn mà bước. Lúc đi ngang bờ sông Lại Thủy, bất chợt gặp một thiếu nữ đang đập sợi ở bờ sông, bèn sáng rỡ mặt mày. Lao tới nói:
- Tôi lỡ đường, lại lỡ luôn tiền bạc, nên không thể mua chén cơm cho mình qua cơn đói. Nay gặp được cô đây, lại có giỏ cơm nằm chình ình bên cạnh. Vậy, có thể vì tình người, mà giúp cho chút xíu được chăng"
Thiếu nữ ngơ ngác đáp:
- Không họ hàng thân thuộc. Không liên hệ bà con. Không phải người trong mộng. Sao lại có thể san sớt chén cơm chung dễ dàng mau như thế"
Tử Tư phần thì đói, phần hổng có tiền, phần sợ khó gặp lại cơ hội tốt như vầy lần thứ hai, liền lẩm bẩm nói:
- Tay chưa đeo nhẫn là còn con gái. Còn con gái thì lòng cũng dễ xiêu, mà ta mần không được. Lỡ gặp phải người đã có chồng, hoặc đực rựa nguyên con, thì sự sống chết hổng biết phải tính làm sao đây nữa"
Nghĩ vậy, bèn hít vội hơi sâu. Tha thiết nói:
- Lưng chén cơm không nhiều, nhưng cũng giúp cho kẻ sa cơ hiểu được cõi dương gian vẫn còn người tử tế
- dư tấm lòng để vớt kẻ không may - dù hai ta chẳng phải là người thân thuộc.
Thiếu nữ lắc đầu đáp:
- Thiếp ở một mình với mẹ. Năm nay đã ngoài ba mươi tuổi. Chưa có chồng và cũng chưa hề tiếp chuyện với đàn ông. Vậy thiếp mong ông hãy biến đi cho khuất mắt, đừng để thiếp phải mang tai tiếng với xóm làng thân cận. Cơm thiếp, thiếp ăn. Tuyệt không sớt chia cho đứa nào hết cả.
Tử Tư nghĩ tới thù cha phải trả, thù anh phải báo, nên dù phải quỳ gối khom lưng, cũng nhất quyết chẳng thở than gì hết cả. Vả lại, thu phục một thiếu nữ còn chưa được, thì nói chi đến chuyện thu phục… Sở vương, bèn gắng sức nói:
- Cho thì còn, ăn thì mất. Chân lý đó lẽ nào không hiểu mà tin được hay sao" Lại nữa. Hùng tâm cao muôn trượng. Ý chí vượt ngàn trùng. Chỉ là thiếu đặng chén cơm ăn, nên mới phải hạ mình mà cầu xin như thế. Chớ một mai ông Trời ngoảnh lại, thì chẳng những xe ngựa có dư, mà dãi giang sơn hổng chừng lại nằm trong tay nữa!
Thiếu nữ nghe tới xe ngựa, thêm một dãi giang sơn, liền nghĩ ngay tới câu mẹ hay nói: "Một bước thành… bà", liền chớp nhẹ đôi mi. Ngập ngừng đáp:
- Thiếp với chàng chưa dạm ngõ trầu cau, thì không thể ăn chén cơm chung mà coi được! Chắc chẳng đặng đâu!
Tử Tư biết tình hình có đôi phần thuận lợi, nên tươi cả nét mặt. Mừng rơn nói:
- Nếu nàng nhủ lòng thương cho kẻ khốn quẫn này một chén cơm, để mưu tìm việc lớn, thì ân đức của buổi tao ngộ hôm nay nguyện… hằn chết trong tim, đặng mai này báo đáp.
Thiếu nữ e thẹn đáp:
- Có thề. Hứa mới tin!
Tử Tư đến nước này, thì cho dù có phải sửa ngày sanh của cha mẹ, hoặc thay họ đổi tên, cũng còn chưa ngán. Huống chi một đôi lời ở bờ sông kiểu này, bèn ngước mặt lên cao. Khuỳnh tay nói:
- Tai hạ họ Ngũ, tên Tử Tư. Nay được thiếu nữ đây coi như người thân thuộc, trao tặng chén cơm, thì ân đức ấy nguyện suốt đời báo đáp. Nếu sai lời trong muôn một, hoặc phú quý rồi quên, thì cúi xin Hà Bá, Thiên Lôi. Cứ nhào vô phang tới!
Thiếu nữ từ nào tới giờ bên gối mẹ. Chớ chưa hề nhận được lời thề thốt của ai, bây giờ bỗng dưng có một chén cơm mà đổi được cả ngàn hôm báo đáp, bèn sướng tận tâm can. Ỏn ẻn mà rằng:
- Thiếp họ Châu, tên tự là Tiểu Thúy, người ở làng Kiết an, huyện Gio Lương. Xin chàng tự mình mà ghi lấy.
Tử Tư thề xong bỗng đói mờ cả mắt, bụng dạ muốn hứa thêm, nhưng văn chương chợt ào bay tất cả.
Ngay lúc đó bỗng nhìn thấy Tiểu Thúy mở giỏ cơm của mình ra, lấy một cái tô đầy, cọng thêm hai con cá bống kho tiêu nằm dài trên đó, bèn rúng động tâm can. Lắp bắp nói:
- Cơm không đã ngon. Nay có cá lại càng ngon thêm nữa. Thiệt là hứng thú!
Tiểu Thúy nghe Tử Tư bàn về đồ ăn như vậy, liền xụ mặt nói:
- Còn người mở giỏ thì chàng nghĩ làm sao"
Tư hoảng hốt đáp:
- Nhiều người mai mối mà vẫn không chịu. Đến tuổi ba mươi mà vẫn tràn dư điều lễ nghĩa. Cỡ này mà không thành… áp trại phu nhân, thì… công hầu bá tử nam chắc ăn là phải có.
Tiểu Thúy đỏ mặt nói:
- Lời của chàng vừa thốt. Có thiệt hay không"
Tư lã người đáp:
- Ăn mới nói được. Không ăn nói được hay sao"
Thúy nghe vậy, liền ân cần trao tô cơm cho Tư, không quên mang bầu nước và một trái quýt ra mà khoản đãi. Tư quá đã, cúi mặt xuống mà nuốt. Lúc cạn cái tô xong, miệng vẫn còn thèm. Chưa kịp xin thêm, đã thấy Tiểu Thúy lần tay vào giỏ cơm mang ra một nắm nữa. Tươi tắn nói:
- Gạo lức muối mè. Mẹ thiếp cho dù ở nơi dân dã vẫn chú ý đến thuật dưỡng sinh, nên muốn thiếp mỗi ngày chơi một nắm. Nay thiếp tặng lại cho chàng, để quân tử ăn được thật no, hầu ở mai sau hoàn thành đặng tâm nguyện, thì trước là quân tử được vui, sau thiếp cũng theo đó mà thoát đời đơn chiếc.
Tử Tư. Lúc đói thì không để ý, nhưng khi trí óc đã không còn bận bịu bởi miếng ăn, mới nhìn thấy thực tế đang bày ra trước mắt, bèn rối loạn tim gan. Thảng thốt nghĩ rằng: "Ngoài ba mươi tuổi mà còn ở với mẹ, bất kể da dẻ hồng hào, dáng hình coi được, thì chắc chắn phải có điều chi khiến bà con không… rước! May mà ta, lúc thề hứa lại chưa biết tên, thành thử Cậu Bà có muốn quở trách ta cũng khó lòng trách đặng.". Nghĩ vậy, bèn vọt miệng nói:
- Ta ở đây ăn cơm với nàng, là điều…. tuyệt mật. Xin đừng kể lại với ai, kẻo hung nhiều kiết ít.
Tiểu Thúy sửng sốt nói:
- Vừa mới thề hứa trao tay, lại tuồng ra lạng quạng, là nghĩa làm sao"
Tư mạnh miệng đáp:
- Ngày công thành danh toại. Ta sẽ hậu tạ ơn sâu. Chớ đừng nghĩ thêm cái gì hết cả.
Tiểu Thúy hiểu được mộng làm… bà của mình sụp đổ, liền đau đớn nói:
- Thiếp ! Ba mươi năm một mình bên gối mẹ. Chưa hề hò hẹn với ai, và cũng chưa có ai hò hẹn với thiếp, nên vẫn còn trinh bạch. Chưa hề mang tai tiếng. Nay thiếp làm liều đưa cơm cho trượng phu ăn, so ra đã vượt qua vòng lễ giáo, mà chàng không xúc động mảy may, lại ra ý không muốn chuyện dài lâu với thiếp, khiến thiếp ruột dạ xót xa. Tưởng như lúc cha mất cũng hổng buồn đau như thế !
Tư thấy mình hơi nhẫn tâm, bèn nhỏ giọng nói:
- Ta biết. Nàng biết, đã là đủ. Cần chi phải kể với ai!
Tiểu Thúy thút thít đáp:
- Lần đầu tiên có người thề thốt với mình, mà bảo thiếp giữ ên trong bụng. Chịu được hay sao"