Ra Mắt Sách ‘Trời Đất’ Của Võ Đình Và Trình Diễn Y-Phục Phụ Nữ Của Vn Qua Các Thời
Một ngôi nhà thật đẹp trên đồi, với hoa xuân rộ nở, nhìn xuống một hồ nước lăn tăn, giữa hồ là một phông-ten phun nước lên tung toé. Một cảnh an-bình tưởng chừng như chỉ có trong tiểu-thuyết, đã là khung cảnh thiên-nhiên thật đẹp cho buổi ra mắt sách mới nhất của nhà văn hoạ-sĩ Võ Đình đến từ Florida.
Đó là tư-gia của bà Hồ Thuỳ, người đã cho Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ mượn phòng âm-nhạc ở tầng dưới để tổ-chức buổi lễ ra mắt cuốn Trời Đất, gồm 10 truyện và 10 chuyện mới nhất của tác-giả. Từ khoảng 2 giờ chiều thứ Bảy, 17/5, khách đã bắt đầu đến nên chỉ ít lâu sau 3 giờ là G.S. Đặng Đình Khiết đã có thể tuyên-bố khai mạc.
Nhân dịp này, không chỉ có sách Võ Đình ra mắt đồng-bào thủ-đô (ngoài cuốn Trời Đất do Tổ Hợp in ra còn thấy bầy bán cuốn Võ Đình Tuyển Tập do nhà xb Văn Mới in ra nữa), khách đến dự còn luôn tiện được xem một số tranh do hoạ-sĩ vẽ trong mấy năm gần đây. Đặc-biệt kỳ này có mấy bức tranh lớn mà có cái để giá lên tới 11 nghìn đô-la (vậy mà cũng có một thân-chủ từ tiểu-bang Washington đặt mua một tấm) và một số tranh nhỏ hơn, thường vẽ hình tròn trông như mặt trăng nhưng màu sắc và bố-cục trong hình khác nhau, gợi ý cho ta những ý-tưởng về Phật-pháp và thiền-học.
Sau những lời chào mừng của Ban Tổ-chức do nhà thơ, nhà văn Trương Anh Thuỵ đảm trách nhân danh Tổ Hợp, phần giới-thiệu về Tác-giả và Con người do Bác-sĩ Nha-khoa Trương Linh Đài trình bầy. Cho rằng tiểu-sử cũng như số tác-phẩm đồ sộ của ông đã được ghi lại trong sách, bên cạnh những lời phân-tích, giới-thiệu trang trọng của hàng chục nhà phê-bình nổi tiếng, diễn-giả chỉ muốn nói đến một người “bác” thân thương và gần gũi dù biết là ông rất đa tài và uyên bác.
Bài nói chuyện nổi bật là phần trình bầy của nữ-tu Cecilia Nguyễn Thị Sen, đến từ Denver, Colorado. Tuy là nữ-tu, diễn-giả đã lên bục trong một chiếc áo dài truyền-thống, duyên dáng của phụ nữ Việt-nam để trình bầy về những điều thông-cảm, chia xẻ giữa diễn-giả và “chú Võ Đình.” Sở dĩ vậy là vì nữ-tu Cecilia cũng là một hoạ-sĩ và người cầm bút. Đã hơn một lần, theo bà kể, bà đang đọc Võ Đình mà phải bật dậy vì những nhận-định vô cùng chính-xác của ông, những tư tưởng bàng bạc chất Thiền. Ở trong ông, hình như mọi sự đã hoà-hợp để thành một, ngụ ý cái “bất nhị” của nhà Phật, trong đó sống cũng là chết, mà chết cũng là sống, hoạ cũng là văn, văn cũng là hoạ.
Sau hai bài nói chuyện về tác-giả và tác-phẩm, một số quan-khách cũng được mời lên phát biểu. Nhà báo Ngô Vương Toại lên kể về trí nhớ rất tốt của tác-giả Võ Đình cũng như sự khuyến khích mà ông đã nhận được từ hoạ-sĩ để đi vào ngành hoạ. Nhà phê-bình Nguyễn Tà Cúc, mới dọn về miền Đông từ Cali, lên biểu tỏ sự vui mừng được thấy một sinh-hoạt văn-học nghệ-thuật đầy ý-nghĩa. Nhà báo Lê Quỳnh Mai, đến từ Montreal, Canada, cũng lên kể về sự khuyến khích của nhà văn Võ Đình đưa bài phỏng vấn của cô lên tờ Hợp Lưu làm cho nhiều người biết đến cô. Cuối cùng, dịch-giả Nguyễn Ngọc Bích kể lại một số kỷ-niệm với hoạ-sĩ Võ Đình khi ông mới đặt chân đến Mỹ từ Pháp cách đây gần 50 năm, ở New York. Chỉ đáng buồn là, cũng như Beethoven ngày xưa làm nhạc mà lại bị điếc từ thuở 30 tuổi, hoạ-sĩ Võ Đình đã phải đi mổ mắt mấy lần, làm cho thị-lực của ông kém hẳn. Ông, do đó, đã thành một thứ “tragic hero” trong làng văn nghệ VN, một kiểu “anh-hùng bi phẫn” giữa chúng ta.
Tiếp nối phần ra mắt sách là một màn văn nghệ ngắn ngủi nhưng chọn lọc do hai tiếng hát Hiếu Tâm và Hiếu Thuận trình bầy, với những bài cổ-điển như “Tiếng Thời gian” của Lâm Tuyền và một bài song ca về Huế thật điêu luyện. Ca-sĩ Diễm Trang cũng lên trình bầy một cách rất vui nhộn bài “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!”
Phần 2 của chương-trình là một màn trình diễn trang-phục phụ nữ từ thời xa xưa, từ y-phục thời Hùng Vương, như được thấy vẽ trên trống đồng Đông-sơn, qua y-phục của thời Hai Bà Trưng (và cả nữ-tướng Lê Chân) rồi Triệu Thị Trinh, để đến thời hiện-đại với những mẫu áo vẽ thật công-phu và bắt mắt do các cô kiểu mẫu thật xinh ở trường Đại-học Maryland trình bầy. Tất cả các kiểu áo đều là sản-phẩm nghiên cứu phong phú của bà Trần Thị Lai Hồng, tức phu-nhân nhà văn, hoạ-sĩ Võ Đình. Em-xi một cách duyên dáng và lưu loát bởi Kiều Thu của Đài VATV, phần trình diễn thời-trang đã thu hút được nhiều tràng pháo tay thật vang động.
Đến 6 giờ hơn, phần chương-trình chính-thức chấm dứt. Ở lại hàn huyên, xem tranh rồi dùng cơm tối là một số bạn thân thiết với hoạ-sĩ Võ Đình và nhà thiết kế thời-trang Trần Thị Lai Hồng. Chưa kể là còn màn khiêu vũ kéo dài đến đêm khuya, do ban nhạc The Diamond chơi nhạc sống.