...đảng Dân chủ đề ra nhiều biện pháp kiểm soát hoặc hạn chế mậu dịch...
Kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm hay chưa, và sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra tại Mỹ" Kính thưa quý vị, tuần qua, khi dầu thô lên giá tới mức kỷ lục thì thống kê lao động Hoa Kỳ lại cho thấy một sự sút giảm nặng nhất từ năm năm nay. Nguy cơ suy trầm kinh tế tại Hoa Kỳ đang trở thành hiện thực, giữa một cuộc tranh cử tổng thống có đầy bất ngờ. Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ tìm hiểu về ảnh hưởng của tình hình kinh tế đối với cuộc bầu cử và chính sách kinh tế của Hoa Kỳ. Phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, với thống kê lao động vừa được công bố Thứ Sáu mùng bảy vừa qua, dư luận Hoa Kỳ tin rằng kinh tế xứ này đang bị suy trầm vì số người có việc làm đã sút giảm đáng kể trong ba tháng liền. Nhiều người còn dự báo một cuộc khủng hoảng lớn nếu nhìn ra rất nhiều vấn đề chồng chất, như dầu thô lên giá kỷ lục là hơn 109 đồng một thùng, và hệ thống tài chính tín dụng đang bị nghẽn tắc dù Ngân hàng Trung ương đã liên tục hạ lãi suất. Trong khi ấy, cuộc tranh cử tổng thống tại Mỹ đang đi vào giai đoạn ráo riết với rất nhiều bất ngờ mà hồi đầu năm ít ai đoán ra.
Trong chương trình chuyên đề tuần này, xin đề nghị là ta sẽ tìm hiểu xem kinh tế Hoa Kỳ có bị khủng hoảng hay không, và tình hình kinh tế đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến đường lối chính sách Hoa Kỳ trong một năm tranh cử, với hậu quả ra sao trên toàn thế giới.
Thưa ông, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là kinh tế Mỹ có bị khủng hoảng hay không"
- Trước khi đi vào đề tài rất rắc rối này vì bao hàm nhiều dự đoán mà chưa ai biết kết quả, tôi xin được nói tới một khía cạnh văn hoá khá đặc biệt của dân Mỹ.
Người Mỹ nói chung thường rất lạc quan tin tưởng vào định mệnh khác biệt của mình, là gặp trở ngại thách đố nào thì Hoa Kỳ cũng thừa sức vượt qua và thế giới nên theo gương của họ. Đồng thời, cũng người Mỹ lại rất dễ hốt hoảng vì thường bị khủng hoảng vào lúc bất ngờ. Đặc điểm ở đây là cùng một người hay một thành phần dân chúng lại có thể đảo ngược lập trường từ lạc quan sang bi quan thái quá, và thường đảo ngược như vậy trong một năm tranh cử do lý luận của giới chính trị hay truyển thông ít am hiểu về kinh tế.
Năm nay, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử để bầu lại Tổng thống, toàn thể Hạ viện, chừng một phần ba Thượng viện và rất nhiều chức vụ dân cử khác, từ Thống đốc các tiểu bang trở xuống, cho nên sự đảo chiều tâm lý là điều rất dễ xảy ra, và có thể là đang xảy ra.
Trở lại câu hỏi của ông, thì từ năm 1929, tức là từ gần 80 năm nay, dân Mỹ luôn chờ đợi một cuộc đổi đời như vụ tổng khủng hoảng 1929-1933 đã phần nào dẫn tới Thế chiến thứ Hai vào năm 1939. Trong năm tranh cử tổng thống, các ứng cử viên đều nhắc dân chúng về viễn ảnh u ám đó và vì năm nay tình hình kinh tế lại có vẻ bết bát hơn nên càng nhiều người nêu lên câu hỏi ấy - tất nhiên là với những hứa hẹn giải cứu.
Hỏi: Nhưng, vụ tổng khủng hoảng 1929 là biến cố gì mà cho đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người Mỹ, khiến thiên hạ lại nói đến nguy cơ tổng khủng hoảng"Tình hình thời đó so với thời nay có gì tương đồng để người ta lại lo sợ như vậy"
- Vào quãng 1920, người Mỹ là dân tộc hồ hởi nhất thế giới với những triển vọng vô biên của nền công nghiệp mở ra trước mắt mà quên hẳn nỗi lầm than của khu vực canh nông đang bị đào thải dần. Như mọi sự thăng trầm trên đời, đỉnh cao của hồ hởi cũng báo hiệu sự suy sụp trước mắt. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã gây hốt hoảng lan rộng và dẫn tới những liều thuốc đổ bệnh, từ khủng hoảng gây ra tổng khủng hoảng.
Dù đã xảy ra từ tám chục năm trước, nỗi kinh hoàng ấy vẫn còn ám ảnh người Mỹ và ám ảnh mạnh mỗi khi kinh tế bị suy trầm, là hiện tượng bình thường của "chu kỳ" hay "thời vụ kinh doanh", thường xảy ra sáu bảy năm một lần. Lần này, chúng ta có thể đang gặp một vụ suy trầm mới sau đợt suy trầm năm 2001, nhưng xảy ra trên nỗi lầm than của khu vực chế biến công nghiệp trong khung cảnh toàn cầu hóa cho nên người ta mới dễ hốt hoảng.
Người lạc quan thì cho rằng kinh tế sẽ bị suy trầm như đã từng bị trong các năm 1981-82, hay 1990-91, hoặc vào năm 2001 và tính bình quân thì nạn suy trầm sẽ không kéo dài quá một năm. Người bi quan thì cho rằng lần này sẽ khác và có thể là một tái diễn của 1929.
Hỏi: Nhưng liệu chúng ta có thể biết trước được thời điểm hay mức độ trầm trọng của nạn suy trầm hay suy thoái hay khủng hoảng ấy không"
- Với tất cả những hiểu biết của nhân loại về kinh tế học từ hơn hai thế kỷ nay, người ta vẫn chỉ có năm sáu cách dự báo không hoàn toàn chính xác, là đúng hay sai về thời điểm và về cường độ. Tuy nhiên, cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm từ vụ Tổng khủng hoảng 1929, hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ biết cách ứng phó linh động và chuẩn xác hơn nên nhờ đó mà chu kỳ suy trầm không kéo dài và mức độ suy sụp cũng bớt trầm trọng.
Nói chung thì cho đến nay, chưa ai có thể biết trước được mọi việc. Chuyện éo le là khi cơ quan có khả năng theo dõi rất sát như Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, gọi tắt là NBER, thông báo rằng kinh tế đang bị suy trầm thì thực tế là nạn suy trầm đã kết thúc. Nhưng vì mọi sự đều mơ hồ như vậy nên các chính trị gia càng có cơ hội báo động hay đề nghị giải pháp cứu nguy, đôi khi là giải pháp đổ bệnh mà mãi về sau người ta mới biết được.
Hỏi: Nhưng chẳng lẽ một quốc gia tiên tiến về kinh tế như Hoa Kỳ lại không biết là tình hình kinh tế đang lên hay xuống hay sao"
- Dạ thưa không biết và đấy mới là sự lý thú của đời sống! Chỉ có chủ quan như Marx mới mạnh miệng nói về quy luật kinh tế hay thiếu hiểu biết kinh tế như Lenin mới cho rằng quản lý kinh tế theo kiểu tập trung kế hoạch cũng đơn giản máy móc như phát thư!
Cũng vậy, mươi năm về trước nhiều người Mỹ hồ hởi nói đến sự xuất hiện của một hình thái gọi là "kinh tế mới" nhờ cuộc cách mạng siêu kỹ thuật khiến kinh tế sẽ thoát khỏi sức hút của địa cầu và ra khỏi quy luật chu kỳ kinh doanh bình thường. Sau đó là vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2000 và nạn suy trầm năm 2001. Vì vậy mà ta mới nói về tính lạc quan thái quá sau đó là sự hốt hoảng bậy của cùng một thành phần dân chúng.
Nhưng ta nên trở lại đề tài hôm nay là từ sau Thế chiến II, kinh tế Hoa Kỳ đã trải qua ba giai đoạn tăng trưởng dài ngắn khác nhau qua nhiều đổi thay lớn trong cơ cấu sản xuất. Sự thay đổi ấy đang diễn ra trong khu vực công nghiệp chế biến nên dẫn tới phản ứng dội ngược là tinh thần bảo hộ mậu dịch và thậm chí chống toàn cầu hoá đang xảy ra tại Mỹ, với hậu quả vô cùng tai hại cho thế giới, trong đó có cả Việt Nam.