Hôm nay,  
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”

Sự phân cực chính trị và cuộc bầu cử năm 2024 ở Mỹ

02/02/202400:00:00(Xem: 1135)

Capture
Ngoài lựa chọn đảng phái, cử tri cũng còn dựa vào các quan điểm và vấn đề chính sách được quan tâm đặc biệt của chính quyền liên bang như giới tính, quyền LGBT, hôn nhân đồng tính, quyền tự do dân sự, văn hóa, sở hữu súng đạn, phá thai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu...


Tình trạng phân cực chính trị giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa bao giờ biểu hiện mâu thuẫn và căng thẳng như hiện nay. Sau cuộc bầu cử năm 2020, bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và trước thềm cuộc tổng tuyển cử đặc biệt ngày 5 tháng 11 năm 2024, mọi người có thể thấy nước Mỹ có sự phân cực chính trị và sự chia rẽ rõ rệt.
 
Từ sau cuộc bầu cử năm 2020, sự kiện ngày 6 tháng 1 năm 2021, những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tràn vào Điện Capitol nhằm chống lại việc công nhận thắng cử của Tổng thống Joe Biden và nhiều biến cố khác khiến Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ngày càng trở nên phân cực chính trị gay gắt hơn, ngày càng khác nhau về quan điểm trong nhiều lĩnh vực chính sách. Hệ thống chính trị Mỹ phải đối mặt với các thách thức mới trong những năm gần đây khi chứng kiến nhiều biến động trong chính trường, những chia rẽ về giá trị và tính bền vững của nền dân chủ.
 
Tình trạng chia rẽ giữa hai đảng đã ngăn cản quá trình lập pháp lưỡng đảng, tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị và ảnh hưởng đến chính sách công. Các thành viên của hai đảng trong Quốc hội, bỏ phiếu theo đúng phe cánh trật tự đảng cũng khiến cho sự phân cực đảng phái trở nên trầm trọng hơn. Với hệ thống lưỡng đảng đoàn kết với nhau, thống nhất mỗi khi cần bỏ phiếu cho chính sách của đảng mình hoặc chống lại đảng kia ở Quốc hội dần chuyển thành sự phân cực trong Quốc hội. Hệ quả của sự phân cực hóa trong Quốc hội làm cho tiến trình chính sách chung trở nên khó thông qua, khiến Quốc hội nhiều lần bị bế tắc, tê liệt.
 
Cuộc tổng tuyển cử năm nay của nước Mỹ sẽ bầu chọn nhiều dân cử lập pháp tiểu bang, lãnh đạo quận hạt, thành phố, các ủy viên hội đồng địa phương, 11 thống đốc tiểu bang, 435 dân biểu Hạ viện cùng 1/3 nghị sĩ trong số một trăm nghị sĩ tại Thượng viện và quan trọng nhất là bầu chọn Tổng thống. Nhiều người dân Hoa Kỳ và thế giới đang háo hức vì sự gây cấn và hồi hộp dõi theo cuộc bầu cử này vì kết quả của nó sẽ định hình cho chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ trong bốn năm tới, từ 2025 đến 2029. Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia khác trên thế giới, có thể ảnh hưởng đến chính trị, quyền lợi của các đảng và tất cả thành phần dân chúng trong nước.
 
Sự phân cực đảng phái ngày càng lớn dẫn tới sự phân cực giữa các nhóm cử tri, chia rẽ theo quan điểm của đảng mình. Sự phân cực sâu sắc trong xã hội và đời sống chính trị cũng khiến cử tri bỏ phiếu dựa vào sự gắn bó với một đảng hoặc dựa vào sự phân phối lợi ích thông qua hệ thống chính sách công từ chính phủ của đảng cầm quyền. Ngoài ra cử tri cũng còn dựa vào các quan điểm và vấn đề chính sách được quan tâm đặc biệt của chính quyền liên bang như giới tính, quyền LGBT, hôn nhân đồng tính, quyền tự do dân sự, văn hóa, sở hữu súng đạn, phá thai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu...
 
Sẽ dễ dàng nhận thấy các mối quan tâm chính của người dân Mỹ ở thời điểm này là về kinh tế, an ninh y tế, và bảo vệ biên giới. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đưa ra các quan điểm chính sách cả đối nội và đối ngoại trở nên khác xa và bất đồng với nhau rõ rệt nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân và cũng để tăng khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
 
Về đối nội, Đảng Cộng hòa tập trung vào chính sách ủng hộ quyền sở hữu và sử dụng súng, hủy bỏ chương trình Obama care, chống nhập cư bất hợp pháp, ngăn chặn di dân tìm cách vượt biên đến Mỹ qua biên giới Mỹ-Mexico, chống toàn cầu hóa và chống phá thai để thu hút sự ủng hộ của các cử tri vì đây là các quan điểm được đa số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ công bố đạo luật giảm một số loại thuế cá nhân và doanh nghiệp, mục tiêu là tập trung kéo Mỹ thoát khỏi lạm phát, đưa kinh tế đất nước trở lại đà phát triển như trước đại dịch. Đảng Cộng hòa dự kiến triển khai thêm các gói tài trợ liên bang để bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm tại các tiểu bang và cũng cam kết hỗ trợ phúc lợi y tế cho người dân thông qua việc thúc đẩy chương trình cung cấp bảo hiểm y tế cho những cá nhân và gia đình có thu nhập thấp tại các tiểu bang.
 
Đảng Dân chủ ngoài việc ủng hộ chính sách toàn cầu hóa, bảo vệ môi trường, bảo hiểm Obama care, đầu tư nâng cao cơ sở vật chất y tế, giảm giá một số loại thuốc kê đơn, cũng như hợp thức hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ, nới lỏng nhập cư, thực hiện mục tiêu ngăn chặn các cá nhân có nguy cơ về an ninh sở hữu và sử dụng các loại vũ khí tấn công, còn chủ trương sẽ triển khai vận động thông qua các gói hỗ trợ ngân sách lên đến hàng ngàn tỉ USD để đầu tư phát triển kinh tế. Chính quyền Tổng thống Joe Biden với mục tiêu “hàn gắn nước Mỹ”, “khôi phục lại nền dân chủ” và cam kết tiếp tục nỗ lực giảm lạm phát, giảm giá lương thực và năng lượng cho người dân.
 
Về đối ngoại, tuy cả hai đảng đều chủ trương tuyên bố đứng về phía Ukraine, ủng hộ Do Thái, giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ, nhưng hành động thực tiễn lại có mức độ khác nhau. Đảng Dân chủ muốn tiếp tục ủng hộ tài chính cho Ukraine, còn Đảng Cộng hòa muốn kiểm soát sự viện trợ thêm cho Ukraine, sự ủng hộ và phản đối rất khác biệt về các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen. Đối với Trung Quốc, Đảng Dân chủ có kế hoạch tái cấu trúc trật tự quốc tế, trong khi Đảng Cộng hòa chủ trương ngăn chặn và tập trung giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc...
 
Trong khi đó, hệ thống chính trị báo chí, truyền thông Hoa Kỳ cố đưa tin, thảo luận để làm nổi bật toàn bộ những vấn đề khác biệt giữa hai phái cấp tiến và bảo thủ. Điều này làm cho hai phe cấp tiến và bảo thủ trở nên cấp tiến hơn, bảo thủ hơn đối với các quan điểm khiến không khí chính trị và tình hình phân cực chính trị càng trở nên căng thẳng hơn.
 
Truyền thông kỹ thuật số hiện đại đã trở thành công cụ không thể thiếu trong các chiến dịch tiếp thị chính trị. Các chiến thuật tiếp thị chính trị là thiết kế thông điệp để tiếp cận những cử tri, sử dụng chiến thuật định vị lại các đối thủ cạnh tranh trong mắt cử tri, truyền tải những thông điệp quảng cáo truyền hình để tấn công các đối thủ cạnh tranh.
 
Vì sức mạnh và sự lan tỏa rất nhanh của các trang mạng xã hội, nên các đảng chính trị, ứng cử Tổng thống và các ứng cử các cấp đều cố gắng kết nối trực tiếp với cử tri Mỹ thông qua các trang mạng xã hội. Các trang web mạng xã hội thường xuyên được sử dụng không chỉ để điều hành chiến dịch bầu cử, quảng cáo trực tuyến mà còn sử dụng để kêu gọi bỏ phiếu và gây quỹ cơ bản.
 
Kết quả kiểm phiếu tại Iowa Caucus ngày 15 tháng 1 năm 2024, bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng Hòa, Cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng kỷ lục 51%. Cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire, diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 2024, ông Trump đã dễ dàng giành chiến thắng.
Với chiến thắng của ông Donald Trump tại cả hai tiểu bang bầu cử đầu tiên, Đảng Cộng hòa có khả năng sẽ chọn ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2024.
 
Về phía Đảng Dân chủ, Tổng Thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ở tiểu bang New Hampshire thông qua viết tên vào lá phiếu và nếu không có thay đổi trước Đại hội đảng vào mùa hè tại thành phố Chicago, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ là người được đảng đưa ra tái tranh cử như thông thường. Như vậy kỳ bầu cử tháng 11 năm nay, Cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ lại tranh cử với nhau cho chức vụ Tổng thống.
Cộng đồng người Việt, cử tri gốc Việt tại nhiều tiểu bang cũng rất quan tâm bầu cử năm nay, từ sự tranh cử của các dân cử lập pháp tiểu bang, lãnh đạo quận hạt, thành phố, các ủy viên hội đồng địa phương, các thống đốc tiểu bang, những ứng cử viên thượng viện, hạ viện cho đến cuộc vận động tranh cử giữa Cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
 
Những dân cử gốc Việt các cấp, tập trung đông nhất là ở các thành phố gần Little Sài Gòn. Hai thành phố Westminster và Garden Grove, nơi có đông người Việt cư ngụ, không khí bầu cử sôi nổi, mạnh mẽ nhất. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã trở thành chủ đề thường trực, thu hút sự chú ý và quan tâm của mọi người. Mùa bầu cử, đi đâu cũng thấy người Việt tại quận Cam liên tục bàn chính trị và chuyện bầu cử, từ trong công ty, ra các quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu, buổi tiệc, đám cưới, ngay cả đám tang cũng có người bàn chuyện bầu cử năm nay. Đó là điều tốt, nhưng nhiều khi các cuộc bàn luận đi tới quá khích, gây ra những cuộc cãi vã giữa người già và lớp trẻ, giữa bạn bè, người thân làm mất đi tình cảm.
 
Nhiều người đã cãi với nhau, so sánh vấn nạn nạn trộm cắp cướp giật lan tràn, kinh tế trì trệ, lạm phát dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden và dưới thời chính quyền Cựu Tổng thống Donald Trump. Mỗi lần giá xăng dầu tăng hay giảm, họ lôi ra tranh cãi dằng dai tại vì ai? Khi có bạo loạn, họ đặt câu hỏi, ai là người gây ra mối đe dọa cho nền dân chủ? Mọi người bất đồng ý kiến với nhau về sự suy giảm các quyền, lo lắng cho nền dân chủ trong tương lai, quan ngại đến biên giới thiếu an toàn và tội phạm ngày càng tăng cao. Các chiến dịch tranh cử của đại diện đảng Cộng hòa tranh với đại diện đảng Dân chủ bao trùm lên Little Saigon, các luận điểm quyền sở hữu súng và chống sở hữu súng, chống và ủng hộ phá thai, tách trường học công cộng ra khỏi tôn giáo, hệ thống phúc lợi công cộng… lại được mọi người đưa ra bàn luận.
 
Sự phân cực chính trị trong Cộng Đồng người Việt ở quận Cam cũng thấy rõ khi sự tranh cãi của những người theo đảng phái, các hội đoàn, gia đình và cả cá nhân về cuộc bầu cử tháng 11 năm 2024 sắp tới. Điều thấy khá rõ là cử tri gốc Việt hiện nay, những người theo khuynh hướng cấp tiến tất nhiên sẽ bầu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ và người theo khuynh hướng bảo thủ bầu cho ứng cử viên Đảng Cộng hoà, bất kể về chính sách của hai đảng, của hai ứng cử viên như thế nào.
 
Sự phân cực chính trị khiến những người không cùng quan điểm chính trị với nhau trở nên ít lý tính và thiếu tính xây dựng khi tranh tranh luận với nhau về các vấn đề chính trị thông thường. Việc không cùng ủng hộ một quan điểm chính trị là bình thường của một nền dân chủ lành mạnh, nhưng việc cho rằng những khác biệt của nhau là nghiêm trọng đến mức trở thành kẻ thù và không thể ngồi lại nói chuyện với nhau thì đã trở thành phân cực chính trị cực đoan.
 
Một người đưa quan điểm chính trị lên mạng xã hội, một số người khác nhảy vào tranh cãi gay gắt và khi không thể tìm thấy tiếng nói chung trong những vấn đề mâu thuẫn thì họ đã chửi bới, nhục mạ nhau thậm tệ. Một cá nhân viết bài trên tài khoản Facebook hay trên các trang mạng xã hội thể hiện sự đồng tình với một quan điểm hay một chính trị gia nào đó liền có nhiều người tham gia vào, chia phe ủng hộ và chống đối. Họ bình luận, tranh cãi gây gắt rồi đưa ra các ngôn từ và thái độ mà người trưởng thành và có văn hoá thường không dám làm.
 
Một lượng lớn các nhóm trên mạng xã hội liên kết với nhau, ngày càng trở nên cực đoan, tự cho rằng chỉ có lý tưởng, quan điểm của mình là đúng và những ai không cùng lý tưởng, khác quan điểm đều sai. Các mạng xã hội và các trang tin tức củng cố thành kiến, đẩy nhanh sự phân cực khiến mọi người từ các quan điểm chính trị khác nhau tin rằng phía bên kia là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền lợi và nền dân chủ của quốc gia. Sự phân cực dựa trên ý thức hệ đảng phái chính trị cũng đã vượt qua định kiến sắc tộc, chủng tộc. Không như hành vi phân biệt chủng tộc, chưa có một chuẩn mực pháp lý nào ngăn chặn hay một đạo luật nào lên án hành vi thành kiến dựa trên ý thức hệ đảng phái chính trị này.
Có một số ít người dự báo, sự phân cực chính trị ở Mỹ, sự đối kháng sắc tộc, chủng tộc, sự bất bình đẳng kinh tế và sự tập trung quyền lực có thể làm sụp đổ nền dân chủ Mỹ, khiến “tất cả kết thúc” và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc nội chiến.
 
Rất nhiều người không tán thành với quan điểm trên, sự phân cực chính trị của Hoa Kỳ hiện nay không như sự mâu thuẫn về chế độ tập quyền, chế độ phân quyền, chế độ nô lệ trước thời nội chiến và cũng không thể so với sự phân cực lớn hơn đã từng có trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ như các vấn đề liên quan đến phân biệt sắc tộc và chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970. Tuy hệ thống chính trị Mỹ hiện nay chịu tác động sâu sắc của sự phân cực chính trị, sự căng thẳng đảng phái, các liên minh chính trị khó thỏa hiệp, những quan niệm cố hữu, bất mãn và mâu thuẫn chia rẽ xã hội, nhưng sẽ không có nội chiến và “tất cả kết thúc”.
 
Các nhóm chính trị, hai Đảng Cộng hoà và Dân chủ đã thích nghi với sự vận động thực tiễn của đời sống chính trị hiện nay và đang có những giải pháp mới, có hướng đi không còn chỉ phục vụ cho cộng đồng cử tri của riêng đảng phái mình. Với thể chế dân chủ và cơ chế tam quyền phân lập vững chắc, sự phân cực chính trị tại Hoa Kỳ sẽ tự điều chỉnh theo những lề luật và sẽ duy trì cục diện cạnh tranh chính trị trong khuôn khổ hiến định.
 
Phước An Thy

*Bài viết trong mục "Quan Điểm" là quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
04/04/202411:21:00
Chúng ta đang chứng kiến những nghịch cảnh “đấu thầu dân chủ” trong cuộc sống Bầu Cử Tổng Thống 2024 vốn chỉ dựa theo thủ đoạn tuyên truyền, quảng cáo mị dân, mà xa lìa những nguyên tắc điều hành tổ chức chính trị, hay danh dự và trách nhiệm lãnh đạo của những người ứng cử viên trong đảng phái chính trị đã được ghi nhận từ Hiến Pháp Hoa Kỳ...
27/03/202413:35:00
Đất nước đang nằm trong sự định đoạt của những nhà cai trị mà, trên lý thuyết, phải thực sự vô thần. Nhưng trên thực tế, như có thể thấy qua nhiều thông tin gián tiếp, họ lại phó thác gần hết sự quyết định trong tay đám thầy bói, thầy địa lý hay thầy cúng. Giới cai trị “vô thần” đang mê tín hơn bao giờ hết và sự thể cũng chẳng có gì là lạ bởi, dù là vô thần, bản chất thực sự của họ là mê tín. Họ mê tín trước lãnh tụ. Họ mê tín trước giáo điều. Và khi những thứ này hết thiêng mà phải vẫy vùng giữa cái “thị trường quyền lực” đầy bất an, họ phải bám víu vào đám “thầy” sực nức mùi nhang đèn. Trên thì bất an với chuyện quyền lực xuống, lên. Dưới thì nhân dân phải sống trong một môi trường bất trắc -- từ chuyện mưu sinh đến việc ăn học hay bệnh tật của con cái đến sự thiếu an toàn của xã hội v.v. – nên thị trường tâm linh mới sinh sôi mạnh mẽ cùng sự hình thành của những “nhóm lợi ích” tín ngưỡng.
26/03/202413:12:00
Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa, Alaska) kinh ngạc trước khả năng ra tranh cử của cựu Tổng Thống Donald Trump và đường lối của đảng của bà, vừa tuyên bố với CNN trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phổ biến trên cách đây hai ngày rằng bà sẽ không loại trừ việc rời khỏi Đảng Cộng Hòa. Là một đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu ở Alaska và là một trong bảy đảng viên Cộng Hòa đã bỏ phiếu kết tội Trump trong phiên tòa luận tội lần thứ hai sau hậu quả của ngày 6-1-2021, Murkowski nói rằng bà đã xong việc với cựu tổng thống và nói rằng bà "tuyệt đối” sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy.
16/03/202409:43:00
Ở Liên Bang Nga, hôm nay, toàn dân đi bầu ông Tổng thống của mình. Dĩ nhiên ông Tổng thống đương nghiệm Poutine sẽ tái đắc cử, và sẽ với số phiếu tối đa, phải 80%. Đó là tiêu chuẩn bất hủ của chế độ độc tài. Nhưng năm nay, khác hơn các năm trước, bầu cử vừa mở cửa, có nhiều nơi, phòng phiếu bị đốt, bị nổ bom, bị phá hoại. Poutine chủ quan cho tổ chức bầu cử ở vùng bị chiếm ở Ukraine bị LHQ phản đối vì vi phạm luật pháp quốc tế...
15/03/202400:00:00
Mái tóc “chameleon” của ông Donald Trump mà báo chí Mỹ bàn tán mới đây làm tôi nghĩ đến một sơ suất của nhà văn Võ Phiến, nhỏ thôi, rất nhỏ, liên quan tới tóc. [1] Đó là việc Võ Phiến nhạo báng nền văn học cách mạng và hiện thực xã hội chủ nghĩa là thứ văn học “thương râu nhớ dép” trong khi nó, thực ra, “thương tóc” hơn là “thương râu”.
05/03/202416:23:00
Thật là ngây thơ khi tin rằng Trump sẽ đánh Tầu giúp Việt Nam trong khi Trump từ chối viện trợ cho Ukraine chống Nga xâm lăng. Về chính trị, Trump chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” (America First), “Chủ Nghĩa Dân Tộc Thiên Chúa Giáo Da Trắng” (White Christian Nationalism), lo chuyện nội bộ, rút nước Mỹ ra khỏi Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO), mang quân đội trở về Mỹ, không can thiệp vào chuyện thế giới, phục hồi chủ nghĩa không can thiệp (non-intervention) hay còn gọi là chủ nghĩa biệt lập (isolationism) vào thế kỷ XVIII và XIX và thời kỳ tiền Đệ Nhị Thế Chiến.
01/03/202400:00:00
Chuyện chẳng dính dáng gì đến Trump mà lại kết thúc bằng Trump, cái giả định trong hình thức một câu hỏi nhưng cũng kiêm luôn lời đáp, rõ ràng, dứt khoát, và người đối diện chỉ có thể mĩm cười gật đầu, hoàn toàn thuyết phục.Tôi chứng kiến cuộc đối thoại này trong buổi họp mặt tại nhà Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn. Lan man, câu chuyện chuyển sang vấn đề an ninh mạng và một chuyên viên IT quay sang thổ lộ với tôi lạc thú của nghề: hoàn thiện một chương trình chỉn chu, hoàn hảo cũng sẽ thấy đã, thấy sướng như là hoàn tất một bài thơ, một bài văn đắc ý.
08/02/202407:25:00
Hãy thiền như một kẻ khờ? Vâng, cần phải tế nhị chữ nghĩa, khi nói về chuyện nên thiền như một kẻ khờ. Bởi vì Phật Giáo là con đường trí tuệ, không thể nào có chuyện tu hành theo một kiểu khờ khạo, ngu ngơ. Hẳn nhiên phải là có ý nghĩa ẩn mật, khi nhiều Thiền sư tự nhận là kẻ ngu, kẻ khờ, mặc dù quý ngài rất là uyên bác kinh điển. Và, ngay cả trong thời Đức Phật sinh tiền, vẫn có những kẻ ngu khờ chứng quả A la hán để giải thoát.
03/02/202404:59:00
Chúng ta thường nghe dặn dò rằng, hãy tu đi, đừng nói nhiều, đừng lý luận nhiều, đừng dựa vào chữ nghĩa biện biệt sẽ dễ loạn tâm, hãy ngồi xuống hít thở, hãy ngồi xuống quán sát tâm mình, hãy ngồi thiền, hãy đi bộ thiền, và vân vân. Những lời dặn dò đó không sai. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, trong kinh ghi rằng, lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ có thể dẫn tới giải thoát, có thể dẫn tới có thể tới thánh quả Bất Lai (A na hàm), chỉ nhờ thuần nghe lý luận và để tâm mình tập theo lý luận đó. Kinh ghi rằng ngay cả khi nằm giường bệnh, đau đớn toàn thân trong giờ cận tử, không thể tập gì được hết, nhưng khi được nghe lý luận biện biệt về Chánh pháp sẽ sinh về cõi trời Đâu suất thiên để học đạo tiếp.
02/02/202400:00:00
Trong cuộc sống, luôn có thiện và ác. Thiện và ác có mặt ở mọi nơi. Kể cả trong mỗi một con người. “Hướng thiện” là cái đích mà con người luôn cố gắng học hỏi, uốn nắn, tập tành cho được hoàn hảo hơn. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu người tốt nhiều hơn kẻ ác. Vào khoảng 6 giờ 35 phút sáng sớm ngày thứ Bảy, 07 tháng 10, 2023, quân khủng bố Hamas từ Dải Gaza mở một cuộc tấn công hỗn hợp bất ngờ, sử dụng hàng ngàn hỏa tiễn bắn tới tấp vào các thành phố Do Thái, ngay cả Tel Aviv và Jerusalem, đồng thời mở nhiều cuộc tấn công cùng lúc bằng đường bộ, từ biển và trên không, đa số nhắm vào các vùng kinh tế Kibuutz nằm gần Gaza, phía Nam Do Thái, gồm chừng 20 thị trấn và doanh trại quân đội.