Hôm nay,  

Giới thiệu tuyển tập “KÝ 3” của Đinh Quang Anh Thái

23/06/202217:09:00(Xem: 2616)

Giới thiệu tuyển tập “KÝ 3”

của Đinh Quang Anh Thái

 

Phan Tấn Hải

 
blank

Tuyển tập “KÝ 3” của Đinh Quang Anh Thái đã phát hành gần đây. Tuyển tập gồm những bài ghi lại tiếng nói của nhiều người có liên hệ tới dòng chảy lịch sử của quê nhà, và phần lớn là những người được gọi là dị kiến, hay những ý kiến nằm ngoài khu vực chính thống của nhà nước CSVN.
 

Đọc trang Mục Lục là có thể thấy những âm vang ngoài vòng chính thống, nhưng lại chính là tiếng nói chân thực phù hợp với suy nghĩ của đa số đồng bào.

- Vĩnh biệt bác Bùi Diễm;

- Dan Southerland, những phút cuối cùng của VNCH;

- Nguyễn Tú - "Phạm Xuân Ẩn làm gián điệp gây tai hại vô cùng cho đất nước".

- Nguyễn Thừa Du và Trần Thụy Ly - Biến động mi62n Trung 1965

- Lê Thị Ý - Ngày mai đi nhận xác chồng

- Tống Văn Công - Bước qua lời nguyễn

- Tô Hải - Hồi ký của một thằng hèn

- Thái - Bình

- Tiêu Dao Bảo Cự - Nửa đời nhìn lại

- Bùi Minh Quốc - Tiếng thét trong thơ

- Sinh hoạt văn học Miền Nam trước 1975 trong mắt: Võ Đắc Danh, Tuấn Khanh, Thúy Hà, Tống Văn Công, Nguyễn Thanh Bình, Trần Đĩnh, Kim Chi, Nguyễn Thị Hậu, Dương Thu Hương

- Nam Phương - Lời bạt.

.

Tuyển tập dày 248 trang. Trong Lời Ngỏ, Đinh Quang Anh Thái viết, trích: "KÝ 3 là một nén hương của tác giả thành kính tưởng nhớ những người đã khuất và cũng là tấm lòng đối với những người còn sống ẩn hiện trong cuốn sách."

Để độc giả có thể nhìn sơ lược nội dung sách, nơi đây chúng ta sẽ trích tiếng nói của vài tác giả được tác giả ĐQAT phỏng vấn.

.

Trường hợp nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018), người đã viết cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" – cũng là một điển hình cho nhiều trí thức gia nhập Đảng CSVN và rồi, khi tỉnh thức, đã rời bỏ Đảng CSVN. Nhạc sĩ Tô Hải tức Tô Đình Hải sinh năm 1927 tại Hà Nội. Bắt đầu học chữ và học nhạc tại các trường soeur Hà Nội, và sau khi đậu tú tài I chương trình Pháp, Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Đoàn rồi trở thành đảng viên đảng Cộng Sản. Từ năm 1947, tên tuổi Tô Hải được nhiều người biết đến với các ca khúc Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Đô Thành… Tô Hải viết nhiều, trên dưới 1,000 bản nhạc, nhưng như chính lời ông thú nhận, “hầu hết sáng tác của tôi là do ‘hèn’ nên nội dung chỉ là hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền.” Năm 1960, Tô Hải bỏ đảng Cộng Sản, ra khỏi quân đội. Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn và năm 1986 về hưu non. Khi tác giả ĐQAT phỏng vấn, nhạc sĩ Tô Hải lúc đó là 83 tuổi. Cụ từ trần 7 năm sau đó.

Nơi đây chúng ta trích vài đoạn nơi trang 118-119 của tuyển tập “KÝ 3” khi nhạc sĩ trả lời tác giả Đinh Quang Anh Thái:

 

“ĐQAT: Thông thường, khi viết hồi ký, người ta có thói quen nói tốt về mình; riêng ông, ông lại viết rằng, đây là Hồi Ký Của Một Thằng Hèn; tại sao ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Cuốn hồi ký này, chủ yếu tôi chỉ viết về sự hèn của tôi thôi. Hèn của tôi vì sống trong một xã hội mà suốt cả cuộc đời mình – cho tới khi về hưu – tôi mới dứt ra được. Trước kia, ăn lương của đảng và nhà nước, mình cứ phải viết những điều mình không muốn viết để tồn tại. Tôi cũng giống rất nhiều anh em khác, cuối đời mới thấy mình cần phải soi lại mình. Hành động soi lại mình này tôi đã làm từ 15-20 năm nay nhưng tôi không dám đưa ra ở trong nước, cho nên phải đưa ra ở ngoài nước. Nếu tại Việt Nam được tự do sáng tác, tự do xuất bản thì tôi in ở trong nước chứ tôi đâu phải đưa ra ngoài. Tới hôm nay, sách chưa ra mắt độc giả mà báo chí tại Việt Nam đã chửi tôi rồi. (Ho sù sụ). Tôi xin lỗi dạo này tôi hơi yếu nên hay ho và nói năng không lưu loát.

 

ĐQAT: Đọc hồi ký của ông, độc giả thấy ông vào lúc tròn đôi mươi đã nhìn lá cờ đỏ sao vàng như biểu tượng niềm tin của dân tộc, nhưng sau này ông nói rằng, cụ thân sinh ra ông từng bảo ông rằng “theo Cộng Sản mà thất bại trở về thì cụ thân sinh ra ông sẽ tống ra ngoài cửa”. Hẳn rằng lúc bấy giờ, cụ thân sinh ra ông đã ý thức được sự tác hại của Cộng Sản đối với đất nước?

Nhạc sĩ Tô Hải: Bố tôi lúc bấy giờ làm trong ngành bưu điện, nên ông có nhiều sách báo ở bên Tây gửi sang thành ra ông đọc được nhiều và tôi cũng đọc theo. Hai bố con chúng tôi có hai quan điểm rất đối lập nhau. Lúc bấy giờ, không chỉ riêng tôi, mà cả Vua Bảo Đại và các nhà cách mạng lão thành cũng đều thấy cái ông Nguyễn Ái Quốc sau đổi tên thành Hồ Chí Minh là người yêu nước chứ chẳng phải là Cộng Sản gì cả. Nhất là ông Hồ lại còn giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương và thành lập Chính phủ Liên hiệp với sự tham gia của nhiều người không Cộng Sản. Bố tôi thì bảo “mày bị lừa” và cũng chính câu nói của ông bố tôi đã đẩy tôi đi theo ngọn cờ đỏ sao vàng. Nói thật, đó là tự ái của tôi lúc bấy giờ mới 18 tuổi. Thế cho nên tôi tiếp tục theo Cộng Sản. Cho tới thời kỳ Cải cách Ruộng đất thì tôi vỡ mộng và tôi bắt đầu viết..." (ngưng trích)

.

Trong khi đó, trưởng thành trong khói lửa Miền Nam, có một nhà thơ độc đáo. Bài viết của ĐQAT về “Lê Thị Ý: Tác giả ‘ngày mai đi nhận xác chồng’” đã cho thấy một hình ảnh khác của cuộc chiến. Lúc đó là cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý. Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Đức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954. Tháng 11 năm 2010, nhân dịp từ California đi Virginia, tác giả Đinh Quang Anh Thái nói chuyện với nhà thơ Lê Thị Ý.

 

Trích nơi trang 71-72 của “KÝ 3” khi nhà thơ trả lời ĐQAT về duyên khởi bài thơ:

“Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình..." (ngưng trích)

 

Bài thơ đó nơi đây, chúng ta ghi lại nửa sau bài thơ “Thương Ca 1”, với 10 dòng thơ cuối bài thơ (trang 74-75):

"...Dài hơi hát khúc thương ca

Thân côi khép kín trong tà áo đen

Chao ơi thèm nụ hôn quen

Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau

Chiếc quan tài phủ cờ màu

Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng

Em không thấy được xác chàng

Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?

Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”"

Trong khi giọng thơ Lê Thị Ý rất buồn, thơ của Bùi Minh Quốc rất mạnh mẽ. Tuyển tập “KÝ 3” ghi lại ngôn ngữ của nhà thơ này qua bài “Bùi Minh Quốc: tiếng thét trong thơ” nơi trang 189:

 

“Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã nhiều lần uất ức gào lên trong thơ của ông:
 

Tổ quốc hỡi tình chi đau đớn mãi

Con yêu người, ngục tối nuốt trời xanh

Ôi tổ quốc vào tay quỷ dữ

Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình.

 

và Bùi Minh Quốc cũng đã thét lên:

 

Đảng… chỉ tay,

Quốc Hội… giơ tay,

Mặt Trận… vỗ tay,

Chính Phủ… ra tay,

Doanh nghiệp nhà nước… ngửa tay,

Công an… còng tay,

Tội phạm… bắt tay,

Báo chí… chùn tay,

Trí thức… phẩy tay,

Đồng đội… cụt tay,

Quan chức… đầy tay,

Dân… trắng tay.

 

Vài dòng tiểu sử Bùi Minh Quốc được Đinh Quang Anh Thái ghi lại như sau, nơi trang 190:

“Bùi Minh Quốc còn có bút hiệu là Dương Hương Ly, sinh năm 1940 tại Hà Tây. Ông làm thơ ngay từ thủa nhỏ và nổi tiếng rất sớm. Bùi Minh Quốc và vợ là Dương Thụy Xuân Quỳ thuộc vào thế hệ của những người gắn liền với “huyền thoại” mà giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội gọi là “các văn nghệ sĩ hy sinh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ,” nhưng thực chất chỉ là cuộc xâm chiếm miền Nam, đưa cả nước quy về một mối dưới chế độ toàn trị của đảng cộng sản. Bà Dương Thụy Xuân Quỳ cũng là một nhà thơ nổi tiếng. Bà đã hy sinh trong chiến tranh, để lại một người con gái tên là Dương Ly Hương. Bùi Minh Quốc dùng tên con gái làm bút hiệu của mình.”

 

Thế hệ trẻ nghĩ gì? Tuấn Khanh là một người cầm bút nổi tiếng trong thế hệ trung niên, bản thân cũng là một nhạc sĩ, nhận định về văn học Miền Nam trước 1975 nơi trang trang 210-211, trích:

 

“…Văn hóa miền Nam bị giằng xé rách rưới, đứng giữ đống bùn lầy, vẫn mỉm cười kiêu hãnh, bất chấp đạo quân chiến thắng năm 1975 đã trút mọi căm thù lên bằng cách đốt, cấm, bắt cả những người viết sách đi tù.

Tôi được nghe rằng sau năm 1990, có một chỉ đạo từ Hà Nội, rằng những gì mà miền Nam đã có, nguồn lực của chế độ mới có thể thay thế, thì phải ra sức thay, để nhấn chìm văn hóa miền Nam vào quên lãng. Chẳng hạn như sách dịch: cuốn Hoàng Tử Bé, bản gốc Le Petit Prince của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry do Bùi Giáng dịch được thay bằng bản mới là Hoàng Tử Nhỏ. Bố Già, nguyên tác The Godfather của Mario Puzo, bản dịch của Ngọc Thứ Lang, thì được thay bằng bản mới là Ông Trùm. Đỉnh Gió Hú, nguyên bản của Emily Bronté do Nhất Linh chuyển sang Việt ngữ thì thay bằng Đồi Gió Hú…

Rõ ràng, có một chủ trương muốn thay thế và cào bằng đối với văn học miền Nam, nhưng có vẻ như sức sống của một giai đoạn văn chương và tri thức của hai nền Cộng Hòa vẫn đứng vững. Những ấn bản được nhặt lên từ bùn lầy, bị xô giật rách rưới, vẫn tỏa sáng kỳ lạ đến tận hôm nay...." (ngưng trích)

 

Có nhiều thông tin trong tuyển tập “KÝ 3” của Đinh Quang Anh Thái để đọc, để quan tâm, để suy nghĩ. Đây là một tác phẩm nên đọc để thấy rằng có rất nhiều điều bất bình tại quê nhà, nơi có nhiều tiếng nói bây giờ chỉ được nghe ở hải ngoại.

 

Độc giả có thể mua sách qua mạng:

https://www.barnesandnoble.com/

với Keywords: “Ky 3” hoặc “Dinh Quang Anh Thai”.

 

Cũng có thể mua qua nhà sách Tự Lực:

14318 Brookshurt St.
Garden Grove CA 92843
Phone: 888-204-7749

.

 

 

 

 

 




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuốn Chí Phèo, thật ra, là hồi ký của một gã nông dân bị tha hoá trong một xã hội thối nát. Nam Cao chỉ là người chấp bút. Tôi không cần ai viết giùm. Tôi có thể tự viết. Viết, ở đây, là việc làm hoàn toàn có tính cá nhân, một tiếng nói của cái tầm thường. Tôi tưởng tượng: Một ngày nào đó, tâm hồn thật thanh thản, hết những tranh chấp trong/ngoài, quốc/cộng, người ta sẽ nhìn lại mấy chục năm văn học hải ngoại. Sau khi đọc những bài thơ hay, những cuốn tiểu thuyết lớn, hẳn có lúc người ta sẽ nảy chút tò mò muốn tìm hiểu những cái tầm thường chung quanh đời sống văn học: Lúc ấy cuốn sách này sẽ lên tiếng.
Lời Bạt tập thơ Lục Bát Tản Thần 2...
Chuyện Nào Vẫn Cần Thuật Lại, cuốn I / Tác giả: Phạm Quốc Bảo / Nhà xuất bản: Lotus Media...
Tôi nghĩ, thế giới tài trợ áo quần thực phẩm cho dân nghèo được sống; tài trợ súng đạn để người dân bảo vệ lý tưởng; tại sao lại không thể tài trợ kiến thức cao đẹp cho những tâm hồn đen tối một cách tích cực? Đối với người dân trong những quốc gia chưa phát triển, cho họ cơ hột truyền bá kiến thức sâu rộng, là cách giúp họ tự thoát ra độc tài, nô lệ. Chỉ có sự hiểu biết, không phải súng đạn, mới có thể cứu dân kém tri thức.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Khánh Hà đã từng có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong cộng đồng văn học Hoa Kỳ; từng nhận nhiều giải thưởng; từng có một quyển sách được trao đến hai giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ cách nhau chỉ một tháng—đó là giải truyện ngắn 2020 William Faulkner Literary Competition trong tháng 9, 2020, và tháng 10, 2020 anh lại đoạt tiếp giải The 2020 Orison Anthology Award in Fiction từ tác phẩm The Woman-Child. Những điều hiếm có này đã được người viết trình bày trước đây trong bài Khánh Thúc Hà (Khanh Ha) Ngôi Sao Việt Tỏa Sáng Trên Vòm Trời Văn Học Hoa Kỳ, đăng trên Việt Báo ngày 29/10/2020. Và sau đó thì tuyển tập truyện ngắn A Mother’s Tale and Other Stories của anh cũng được C&R Press 2020 Fiction Award trao giải thưởng và phát hành năm 2021. Sẽ có bài viết khác về quyển sách đặc biệt này.
Nhà văn Mỹ gốc Việt Khánh Hà đã từng có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang trong cộng đồng văn học Hoa Kỳ; từng nhận nhiều giải thưởng; từng có một quyển sách được trao đến hai giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ cách nhau chỉ một tháng—đó là giải truyện ngắn 2020 William Faulkner Literary Competition trong tháng 9, 2020, và tháng 10, 2020 anh lại đoạt tiếp giải The 2020 Orison Anthology Award in Fiction từ tác phẩm The Woman-Child...
Ngày Chủ nhật 26/6/2022 lúc 2:00 chiều tại Viện Việt Học,Westminter California sẽ có một buổi ra mắt sách và thảo luận cuốn Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản...
Tập truyện ngắn « Cuốn Theo Chiến Tranh » là tác phẩm thứ tư của Đào Như, được nhà xuất bản Nhân Ảnh tại Hoa Kỳ ấn hành vào năm 2022. Tác giả Đào Như vốn là một nhà văn, nhà bình luận, quen thuộc với quí vị độc giả tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu , Á, về các đề tài chính trị, văn hóa, xã hội, cũng như tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông cũng đã từng đoạt giải Danh Dự trong cuộc thi viết về nước Mỹ do tờ Việt Báo tổ chức tại California, Hoa Kỳ, năm 2005, với tự truyện « Tự Khúc »...
Nếu ai đã đọc "Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa", chắc chắn đều bày tỏ sự thán phục đối với tác giả, tôi cũng vậy. Tác giả NTV đã đem tấm lòng thành cùng với nhiệt tâm thu thập dữ liệu về các nhân vật nói tới trong sách, cùng với các hình ảnh ghi dấu cuộc đời bể dâu của họ. Tuồng như tôi thấy họ sống lại thêm một lần nữa. Thật vậy, khi nhìn thấy hình ảnh một nhà văn quen biết ra đi từ lâu, và qua lời kể chuyện của tác giả, tôi xúc động biết bao, tưởng chừng như người ấy vẫn ở đâu đó, chưa một lần vĩnh biệt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.