Hôm nay,  

Chân Văn - Đỗ Quý Toàn: CHÚ GÀ CON GIỮ CHÁNH NIỆM

17/04/202212:58:00(Xem: 1475)

blank
Bản tiếng Anh mua ở đây, trên Amazon.

Bản tiếng song ngữ, Lotus Media đang chuẩn bị ra mắt.

 

Cuốn sách nhỏ này có thể áp dụng được. Trẻ em có khả năng tập sống trong chánh niệm một cách tự nhiên, dễ dàng. Tôi đã thấy và đã học, từ một cháu bé.

Hồi ba, bốn tuổi, cháu Anica thường được gửi ông bà ngoại nhiều lần, có khi ở lâu mấy tháng. Buổi tối bà ngoại ngồi thiền, cháu hỏi bà làm gì, sao không chơi với cháu. Bà nói bà ngồi thở, tốt lắm. Bà rủ cháu cùng ngồi. Cháu vì thương bà nên đồng ý ngồi xuống, được mấy lần.

Khi cháu 6, 7 tuổi, ở xa ông bà đã mấy năm, một hôm mẹ cháu điện thoại kể ông bà nghe một bài cháu viết trong lớp. Cô giáo bảo các học sinh hãy kể lại về nơi nào mình thích nhất. Anica kể ở nhà ông bà. Cháu nhắc đến chuyện buổi tối bà rủ ngồi thở, viết “… có thể nói là chán lắm, nhưng cũng tốt. Vì bây giờ mỗi khi tôi bực tức (upset) chuyện gì, tôi thở một hơi từ từ, thấy hết upset.”

Cháu Anica theo bố mẹ qua sống ở Thái Lan lúc một tuổi. Nhà cháu ở trong khu Đại học Mahidol. Mỗi khi theo bố mẹ ra ngoài, cháu thấy các sinh viên đi tới góc đường thì đứng lại, ngưng trò chuyện, chắp tay vái pho tượng Phật trên ban thờ. Dân Thái Lan hay đặt bàn thờ Phật khắp nơi như vậy. Ngày ngày, Anica bắt chước vái theo. Cháu học được động từ “vái” trong tiếng Thái Lan.

Khi về thăm ông bà ở Mỹ, vào trong nhà thấy bàn thờ Phật cháu cũng dừng chân, chắp tay, vái. Ra vườn thấy pho tượng Quán Thế Âm, cháu cung kính vái. 

Một hôm hai ông cháu cùng ở vườn sau nhà, ông ngồi đọc sách, cháu tha thẩn với mấy món đồ chơi. Có lúc, ông ngoại ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách để tìm cháu, thấy cháu đang đứng trước một bông hoa. Cháu đứng nhìn hoa, im lặng, khoảng một phút đồng hồ, rồi bỗng dưng cháu chắp hai bàn tay lại, vái bông hoa, cung kính như vái Phật. 

Ông ngoại ngạc nhiên hỏi: “Anica, tại sao  con vái bông hoa?” Tôi nói tiếng Anh, trừ động từ “vái.” Cháu trả lời: “Vì nó đẹp quá!” (Because, it’s beautiful!)

Đứa cháu ba bốn tuổi đã dậy ông một bài học. Nhìn một bông hoa đẹp, nhìn chăm chú, nhìn toàn thể, nhìn bằng mắt, nhìn bằng cả tâm, thân. Cả thế giới chỉ còn bông hoa và người đứng ngắm hoa. Người và hoa thở chung một bầu không khí, trao đổi với nhau trong im lặng. Không biết cháu thấy bông hoa đẹp thế nào đến nỗi trong lòng nổi lên một niềm mến yêu, cung kính, biết ơn, cháu chắp tay vái.



Từ đó, mỗi khi nhìn một bông hoa tôi lại thực tập bài học của Anica. Khi thấy một cảnh chiều tà mặt trời đỏ ối, tôi chăm chú định thần ngắm nghía. Gặp một tảng đá đẹp, một gốc cây già, một búp lá xanh, tôi chiêm ngưỡng, rồi cúi đầu vái. Thế giới chung quanh thay đổi.

Các em nhỏ có thể thực tập theo cuốn sách này của Bạch Xuân Khang và Bạch Xuân Phẻ. Tập thở chậm và đều. Dễ lắm. Tập khi ăn thì biết đang ăn gì, ăn thế nào, cảm thấy miệng mình tiếp xúc với từng miếng thức ăn. Khi đi, biết chân mình bước thế nào, mỗi hơi thở mình đi mấy bước. Như thế gọi là có chánh niệm. Khi trong lòng nổi lên một niềm vui hay một nỗi bực bội, bỗng nhiên mình nhận ra: Ah! Mình đang vui! Ah! Mình đang giận! Đó cũng là có chánh niệm.

Bất cứ người theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều có thể thực tập chánh niệm. Sống chánh niệm quen dần dần, sẽ thấy mình sống bình an, hạnh phúc hơn. 

Xin mời quý vị thử đọc cuốn sách nhỏ này, đọc từ từ, từng dòng, từng chữ. Đọc một trang rồi gấp sách lại, thở một hơi dài chậm và đều. 

Xin chép tặng quý vị và hai tác giả một bài thơ viết ở Làng Cây Phong, Québec, Canada, là nơi chúng tôi vẫn về thực tập sống chánh niệm. 

HÂN HOAN NHƯ MỚI THỞ LẦN ĐẦU

Ở trên núi rất nhiều không khí

Người tới đó tha hồ được thở

Hít vô hai lá phổi đã đời

Máu chảy nhộn nhịp tim hớn hở

*

Không khí rất tốt cho sức khỏe

Phải nói, không khí là nguồn vui

Dù người hăm bốn giờ bận rộn

Cũng nên thỉnh thoảng thở vài hơi

*

Vì không khí quý báu như thế

Cho nên mình phải thở đàng hoàng

Như khi người bịnh cần tẩm bổ

Phải đọc kỹ cách dùng thuốc thang

*

Trước hết người thở phải hít vào

Hít vào đầy đủ rồi thở ra

Hít vào, thở ra, bụng nghe ngóng 

Cẩn thận như hồi tập lái xe

*

Dù mình biết thở không khó lắm

Nhưng thở vô ý là phí phạm

Trái đất, cỏ cây và mặt trời

Giữ bầu khí quyển mấy tỷ năm

Không biết, dùng sai, thật rất uổng

*

Cho nên vừa thở vừa chăm chú

Thở ra xong rồi là hít vào

Mỗi bận về Làng, lòng rộn rã

Hân hoan như mới thở lần đầu



Đỗ Quý Toàn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
WESTMINSTER (VB) -- Nhà xuất bản Văn Học Press cho biết vừa ấn hành thi tập mới của Trầm Phục Khắc, nhan đề "Gã tình nhân & Vở kịch không dành cho sân khấu"...
Cư sĩ Nguyên Giác, tức nhà văn Phan Tấn Hải, cho biết trong hai ngày qua ông đã đích thân cầm một số ấn bản tới dâng cúng các bậc tu hành tôn quý tại Quận Cam
ra mắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2020 tại Viện Việt Học Nam Cali. Lạ là vì đây là một tác phẩm mang hồn Việt đến từ Pháp Quốc! Tác phẩm mang tên cũng đặc biệt, gây tính tò mò cho độc giả: "Một lối đi riêng vào cõi thơ"!
thể hiện những ý nghĩa chua chát của tình đời bằng lối hành văn sáng sủa. Xin mời quí độc giả đọc văn họ Đào qua những đoản thiên phong phú, cũng là để suy gẫm về triết lý xã hội, thế sự nổi trôi thăng trầm của loài người.
Nguyễn Vy Khanh - Nhận định về 73 tác giả - gồm một số các tác-giả đã khởi đầu sự nghiệp thời miền Nam 1954-1975 và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ khi rời đất nước sau 30-4-1975
Tập thơ mới Ngôn Ngữ Xanh của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, xuất bản cuối năm 2019, đã được nhiều tác giả chú ý và viết lời bình phẩm. Việt Báo xin giới thiệu Ngôn Ngữ Xanh qua các trích đoạn dưới đây của ba tác giả: Tô Đăng Khoa, Vũ Hoàng Thư và Trịnh Y Thư.
Thơ mộng và đau đớn. Truyện Lưu Na hiển lộ một định mệnh của rất nhiều người... quê hương là hình ảnh không dứt bỏ được… đó là những dòng chữ lay động tận sâu các góc thương đau của những người con Sài Gòn – nơi tôi đã sinh ra và chia sẻ một phận chung của đất nước.
thơ thời kỳ này của thi sĩ Lê Giang Trần dễ làm chúng ta mất ngủ, với những thao thức về những đời thơ bay theo gió lộng ra biển. Có phải thơ chàng là để trôi theo biển gió? Hay là thơ cũng lấm bụi theo chân giang hồ
Nhân sinh nhật thứ 80 của nhà văn Nhã Ca năm 2019, Văn Học Press đã cộng tác với chị xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề Phượng Hoàng, mà được biết là một cuốn sách đã bị lưu lạc suốt 50 năm.
Tên thật là Trần Tuấn Kiệt, còn ký bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 1/6/1939 lại Sa Đéc. Thuở bé sống tản cư ở Đồng Tháp Mười, mẹ mất lúc lên 8, cha bỏ đi giang hồ, ông sống với bà ngoại cho đến lớn. Có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc, bị lính Ma-rốc đánh nên rất thù bọn Ma-rốc. Ông bỏ lên Saigon sống lang bạt lúc 11 tuổi, học âm nhạc rồi bỏ dù đậu hạng Nhất về thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc. Về sau ông làm huấn luyện viên võ Thiếu Lâm môn phái Tây Sơn Nhạn.