Hôm nay,  

Kể Chuyện Mà Chơi Nhưng Đầy Ắp ... Chuyện Thật!

31/07/202114:51:00(Xem: 2729)


Kể chuyện mà chơi I

(Đọc tập truyện ngắn và tản văn “Kể chuyện mà chơi” của Tiểu Lục Thần Phong, NXB Nhân Ảnh, Hoa Kỳ phát hành tháng 7/ 2021)

“Kể chuyện mà chơi” là tác phẩm thứ 6 của Tiểu Lục Thần Phong, sau những tác phẩm Thơ, Truyện đã phát hành trước đó (Giữa con đường với vết trầm, Mộng trùng hoa, Em vẫn là nỗi đau đời, Hoa đào năm ấy, Học cầm...).

Tiểu Lục Thần Phong là cây bút quen thuộc của các báo: Việt Báo, Chánh Pháp, Thư viện Hoa Sen, v.v... Tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, còn có nick name: Steven Nguyen và nhiều bút hiệu khác, anh vốn quê ở Thị trấn Diêu Trì, thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định, từng học qua trường Đại học Tổng hợp tại Sài Gòn, định cư tại Hoa Kỳ đã hơn 20 năm nay. Hiện ở Atlanta, Georgia.

“Kể chuyện mà chơi” dày 420 trang, gồm 65 “câu chuyện”, được tác giả thể hiện qua hình thức truyện ngắn và tản văn, với lối viết giản dị, có phần chân chất và mộc mạc qua góc nhìn của một người có khá nhiều kinh nghiệm về ứng xử và suy xét tế nhị, mang dấu ấn của người Việt và là tín đồ của cửa Phật, đó là sự bù trừ và luật nhân quả của thiền môn.

Mở đầu tập sách là “Lời nói đầu” mà có lẽ cũng chính là tâm sự của tác giả. Một nét tâm sự nhẹ nhàng và cũng đầy sự khiêm tốn. Tác giả đã tự nhận mình: “ Tôi là cỏ lá dại nơi đồng nội, quanh năm vui với bờ bãi và muôn loài...”  song những “đóa hoa dại, những lá cỏ bờ mương” ấy lại “mang tâm thức con người, biết đau với nỗi đau đồng loại”“bất bình trước thời cuộc nhiễu nhương...” ( trang 7), để rồi “ mượn văn chương chữ nghĩa” cho dù “không làm dũng sĩ, không thành hào kiệt” nhưng cũng là những “ghi chép, những điều cần ghi” và “ bày tỏ nỗi lòng cần bày tỏ”. Gã và cũng chính là tác giả Tiểu Lục Thần Phong mong những hoa cỏ dại ấy, có thể “tết vòng hoa cho em đội đầu” hay cũng góp cho đời một ít “sắc xuân” ( trang 8). Mà một ít sắc xuân ấy, cũng sẽ làm cho độc giả thêm ngẫm nghĩ trong cuộc sống vốn xô bồ và hiện đại hôm nay.

Câu chuyện “Kể chuyện mà chơi” được in từ trang 11 đến trang 20 và cũng là tựa đề chung cho tập sách là ý niệm đã được tác giả khẳng định, sử dụng văn chương, hay những câu chuyện kể để “ cảm hóa” hay “giác ngộ” những người chung quanh về những tâm niệm “thiện” hoặc ít ra cũng là sự “tử tế”, cho dù về bản thân có thể bị gán ghép là...”điên” song là “sướng” trong cái điên của con người tử tế, lương thiện. Cho dù có một chút “phạm giới” ( vì uống chút rượu” vì tình tri kỷ! Quả là đời thật trong sự “kể chuyện chơi”. Hay như câu chuyện “Nó” ở trang 21, trái tim lương thiện đã thắng chính bản ngã “tham sân si” khi tình cờ nhặt được cái ví trong đó có một số tiền lớn, để cuối cùng trả lại cho người bị mất, sau những đấu tranh, dằn vặt của chính bản thân, khi tác giả khẳng định: Món tiền lớn tao còn trả lại được, thì cái tiếng thơm hư danh nghĩa lý gì! (trang 26).

Truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong, không nhiều chi tiết, ít gút thắt mở, nhưng đằm sâu trong sự chiêm nghiệm và tự sự, như câu chuyện đào được vàng Hời ở gò Chàm của ông Hai Thảnh, trong truyện “Ghè gốm gò Chàm”, dù ông cố giấu diếm, nhưng rồi một ngày nọ cũng bị “chính quyền” phát hiện, nên phải vào tù, với cái kết cục bi thương, thằng Hai Đẹn con ông vì đua đòi ăn chơi sa ngã dẫn đến “tán gia bại sản”, đòi cha mẹ già phải bán nhà cho nó làm ăn... Phải chăng đó cũng là chuyện “nhân quả”, khi có nhiều tiền vàng là của “trên trời rớt xuống” không tốn giọt mồ hôi? ( trang 43). 

Mặc dù là người xa quê khá lâu, song những câu chuyện kể của Tiểu Lục Thần Phong vẫn luôn thấp thoáng bóng làng quê hương Việt Nam, và cả những ngôn ngữ đời thường, mộc mạc như chính người bản địa, cho dù tác giả đã từng có những tập thơ chính anh dịch sang tiếng Anh. Đọc hay nghe những câu chuyện như “Đổi thay” (trang 186), “Đồng hương” (trang 200), “Đồng nữ” (trang 204), “Ông giáo Ngữ” trang 307, “ Vàng Hời” ( trang 386), người đọc như thấy gần gũi với những cái tên nhân vật như “Mễn, Mén, Cu Hai, con Lành, Lệ, Thúy...” dù bên cạnh những nhân vật mang tên nước ngoài như Tim, Jack, Bambi... Cùng những câu văn “chân quê” một thuở: “ Con Mén đi ngang, mùi hương bông bưởi từ mái tóc tỏa ra thoang thoảng...”, hay “ Con Mén da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như bông bụp đầu ngõ...” (Đổi thay, trang 187). Hoặc như: “ Ông Hân giáng bạt tai vào mặt Hoa, gằn giọng:

-Đồ bất hiếu! Mày phải lấy thằng Hưng con chú Ba, đây là lệnh, không lôi thôi yêu đương gì cả. ( Đồng nữ, trang 204). Và quan niệm của người quê: Nhà có phước sanh con giỏi lội, nhà có tội sanh con hay trèo...” ( Ông giáo Ngữ, trang 307). Với cảnh sinh hoạt làng quê giờ đã xa lăng lắc: Mặt trời lên chừng tám con sào thì chợ đã đông nghịt, dân các tổng: Long, An, Thành, Thạnh. Thế, Mỹ, Tài... đổ về mua bán, trao đổi sản vật... ( Vàng Hời, trang 386). Rồi cả những con người:Út Cọp tợp ly đế quốc lũi nghe cái ót, mắt lim dim, thóp bụng, phồng ngực lấy hơi ca: “ ... Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...” ( Xứ mình ngộ hén, trang 404). Đó cũng là tình người, tình quê của người xa xứ, vẫn luôn muốn tâm tình với quá khứ quê nhà...(Đồng hương, Mùa xuân vĩnh viễn, Hồn người xưa nay đâu).

Trở lại “câu chuyện” Lời nói đầu của Tiểu Lục Thần Phong, khi tác giả viết: Văn chương chữ nghĩa đâu chỉ là nghệ thuật ngôn từ, đâu chỉ là nghiệp chữ. Văn chương còn là đạo, người xưa từng tuyên bố: “Văn dĩ tải đạo” kia mà! Văn chương còn là người, đọc văn biết người, dẫu có dùng bao biện bóng bẩy cũng không thể che được mắt người đời. Văn chương có cao rộng, có hạ liệt, có đại thụ thì cũng có lá cỏ bờ mương. Y đích thị là hoa dại đồng nội, là lá cỏ bờ mương. Y đã đến cõi này rong ca như du tử giữa dòng đời...” mà thấu cảm cùng anh, mong những câu chuyện “dù kể mà chơi” vẫn làm lòng người lắng lại để mà ngẫm, mà nghĩ... Và chợt nhớ bài kệ: Ví như ong hút hoa/ Sắc hoa rất sạch thơm/ Lấy vị ngọt cho người/ Đạo sĩ và làng xóm/ Không chê bai việc người/ Cũng không nhìn phải quấy/ Chỉ tự quán thân hạnh/ Quán kỹ chánh không chánh...”. 

Vâng, “ Chuyện kể mà chơi” ít ra cũng góp một phần để “Tự quán thân hạnh” mà hướng về điều thiện mỹ...

Katy, TX, cuối tháng 7/2021

TRẦN HOÀNG VY

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
WESTMINSTER (VB) -- Nhà xuất bản Văn Học Press cho biết vừa ấn hành thi tập mới của Trầm Phục Khắc, nhan đề "Gã tình nhân & Vở kịch không dành cho sân khấu"...
Cư sĩ Nguyên Giác, tức nhà văn Phan Tấn Hải, cho biết trong hai ngày qua ông đã đích thân cầm một số ấn bản tới dâng cúng các bậc tu hành tôn quý tại Quận Cam
ra mắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2020 tại Viện Việt Học Nam Cali. Lạ là vì đây là một tác phẩm mang hồn Việt đến từ Pháp Quốc! Tác phẩm mang tên cũng đặc biệt, gây tính tò mò cho độc giả: "Một lối đi riêng vào cõi thơ"!
thể hiện những ý nghĩa chua chát của tình đời bằng lối hành văn sáng sủa. Xin mời quí độc giả đọc văn họ Đào qua những đoản thiên phong phú, cũng là để suy gẫm về triết lý xã hội, thế sự nổi trôi thăng trầm của loài người.
Nguyễn Vy Khanh - Nhận định về 73 tác giả - gồm một số các tác-giả đã khởi đầu sự nghiệp thời miền Nam 1954-1975 và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ khi rời đất nước sau 30-4-1975
Tập thơ mới Ngôn Ngữ Xanh của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, xuất bản cuối năm 2019, đã được nhiều tác giả chú ý và viết lời bình phẩm. Việt Báo xin giới thiệu Ngôn Ngữ Xanh qua các trích đoạn dưới đây của ba tác giả: Tô Đăng Khoa, Vũ Hoàng Thư và Trịnh Y Thư.
Thơ mộng và đau đớn. Truyện Lưu Na hiển lộ một định mệnh của rất nhiều người... quê hương là hình ảnh không dứt bỏ được… đó là những dòng chữ lay động tận sâu các góc thương đau của những người con Sài Gòn – nơi tôi đã sinh ra và chia sẻ một phận chung của đất nước.
thơ thời kỳ này của thi sĩ Lê Giang Trần dễ làm chúng ta mất ngủ, với những thao thức về những đời thơ bay theo gió lộng ra biển. Có phải thơ chàng là để trôi theo biển gió? Hay là thơ cũng lấm bụi theo chân giang hồ
Nhân sinh nhật thứ 80 của nhà văn Nhã Ca năm 2019, Văn Học Press đã cộng tác với chị xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề Phượng Hoàng, mà được biết là một cuốn sách đã bị lưu lạc suốt 50 năm.
Tên thật là Trần Tuấn Kiệt, còn ký bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 1/6/1939 lại Sa Đéc. Thuở bé sống tản cư ở Đồng Tháp Mười, mẹ mất lúc lên 8, cha bỏ đi giang hồ, ông sống với bà ngoại cho đến lớn. Có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc, bị lính Ma-rốc đánh nên rất thù bọn Ma-rốc. Ông bỏ lên Saigon sống lang bạt lúc 11 tuổi, học âm nhạc rồi bỏ dù đậu hạng Nhất về thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc. Về sau ông làm huấn luyện viên võ Thiếu Lâm môn phái Tây Sơn Nhạn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.