Hôm nay,  

Một Ông Già Noel Họ Nguyễn

24/12/202312:42:00(Xem: 2706)

 

Một Ông Già Noel Họ Nguyễn

 

Phan Tấn Hải

 

 

Có một Ông Già Noel như thế, mang họ Nguyễn trên đất nước Hoa Kỳ này. Không rõ tôi gọi như thế có bị xem là sai phạm luật đạo gì không, vì tôi không phải tín đồ Công Giáo, nên những so sánh văn chương có thể không thích nghi với luật đạo. Nhưng, nếu gọi Ông Già Noel là người mang những món quà yêu thương tới cho những người tội nghiệp trên trần  gian này, thì ông cụ họ Nguyễn đó còn mệt nhọc hơn nữa, vì trong hơn hai thập niên, ngày nào cũng là ngày để ông tặng quà yêu thương, nghĩa là, ngày nào ông cũng thấy là ngày Lễ Giáng Sinh và ông hóa thân ra thành 365 Ông Già Noel để bận rộn trọn năm (Đúng ra, nên trừ các ngày cuối tuần mới chính xác, nhưng như thế là chẳng văn chương gì cả). Điểm khác với những Ông Già Noel truyền thống, Ông Già Noel họ Nguyễn không mang túi quà, mà là mang một khối kiến thức pháp lý: ông hành nghề luật sư, và ông vào các nhà tù để cứu người, để an ủi, để chữa lành những vết thương hình sự hay tâm lý, cả oan hay ưng.

 

Qua những cơ duyên may mắn, tôi được quen biết, thân thiện và hỗ trợ một số việc cho Ông Già Noel họ Nguyễn này từ rất lâu, đầu tháng 12 năm 2005, tức là mười tám năm. Tức là gần 2 thập niên. Tôi vẫn thắc mắc tại sao lại quen Ông Già Noel họ Nguyễn này vào đầu tháng 12 dương lịch? Có phải là để đăng một bài viết của Ông Già Noel họ Nguyễn tặng cho cộng đồng tiếng Việt của mình đọc trong mùa Lễ Giáng Sinh. Thời đó, tháng 12 là tháng bận kinh khủng đối với nghề báo. Vừa lo bài cho báo mùa Lễ Giáng Sinh, lo cho báo Tết dương lịch, nhưng kinh hoàng nhất là góp sức cho Giai Phẩm Xuân Việt Báo sẽ trình làng mỗi năm vào đầu tháng 2 dương lịch năm sau. Hóa ra, một Ông Già  Noel rất bận rộn từ xứ tuyết Oklahoma (Úi giời ôi, tôi lão hóa rồi, tôi lại viết sai chính tả thành ra: Oaklahoma. May mà trí nhớ còn chút đỉnh, nên đã kiểm chứng lại cho đúng chính tả): Ông Già Noel này đã đem những câu chuyện rất tình người kể lại cho đồng bào mình nghe trên trang Việt Báo.

 

blank

Từ phải: Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San và nhà báo Phan Tấn Hải

hôm Thứ Tư 20/12/2023, tại Costa Mesa, Quận Cam, California.

 

 

Ông Già Noel họ Nguyễn này là đã có 32 năm thụ phong chức Thầy Phó Tế để làm việc mục vụ cho Giáo Hội Công Giáo (tính tới khi về hưu, nhưng chức Thầy Phó Tế là trọn đời), và có 21 năm trong nghề luật sư đã nhận nhiệm vụ chính thức cố vấn (và cả bào chữa khi cần thiết) cho các tù nhân trong hệ thống nhà tù Oklahoma, bất kể tù nhân gốc Việt, gốc Hàn, gốc Mễ, da trắng, da nâu, và đủ thứ màu da, hễ ai kêu cứu thì Thầy Phó Tế này bước tới, lắng nghe, rồi bày mưu tính kể để giúp nếu có thể, và đôi khi chỉ là an ủi, giúp hàn gắn các nỗi đau. Người đời thường như tôi chỉ nghe tới hạnh nguyện nặng nề như thế (một phần, gần như Kinh Địa Tạng của Phật Giáo) là đủ để đứng lên, nghiêm chào thán phục.

 

Trong tuần vừa qua, Ông Già Noel này tới thăm lại Quận Cam, ở tuổi 84 dĩ nhiên lẽ ra là sức khỏe khá yếu, nhưng theo lời Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San nói, rằng nhờ ơn Chúa nên sức khỏe còn đi đứng vững, suy nghĩ minh mẫn. Tôi nói, tìm đâu ra một ông cụ 84 tuổi đi đứng còn khỏe mạnh thế này, vì trong cương vị nhà báo ba thập niên qua, tôi chứng kiến nhiều bạn bè thân hữu, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo ra đi, có khi rất là sớm. Trong cách xưng hô rất tình thân từ lâu, tôi gọi Ông Già Noel họ Nguyễn này là “Thầy Phó Tế” hoặc ngắn gọi, là “Thầy San.”

 

Thầy San kể rằng tuy là đã về hưu từ lâu, nhưng vị Giám mục địa phương, hệ thống nhà tù Oklahoma, hay các luật sư khu vực vẫn liên lạc, đề nghị Thầy San giúp tư vấn cho một số vụ án. Trung bình là mỗi tháng, Thầy San nhận nghiên cứu hồ sơ để giúp cố vấn cho khoảng 2 hay 3 vụ án. Trường hợp mới nhất là nữ tù nhân mà Thầy San gọi là chị Lê Vân, người bị lãnh án 20 năm, mà là án oan theo chị kêu cứu và theo Thầy San nhận định. Chị Lê Vân đã thọ án tù 11 năm rồi, hồ sơ kêu cứu lại đưa ra. Thầy San đề nghị luật sư của chị (mà do chính Thầy tìm luật sư này giúp chị) khi chuyện xảy ra, được người hàng xóm gửi đứa con vài năm tuổi giữ giùm khi họ đi đâu đó. Chị không ngờ bé này đã bị thương tích rạn nứt sọ, vài giờ sau thì họ tới nhận con về, và nói rằng họ khám phá ra đứa con bị thương nơi đầu và tố với cảnh sát rằng chị làm té hay đánh đập bé. Ba mẹ bé không dám nói thật vì lẽ gì đó. Không có ai là nhân chứng, nhưng trong nhà lúc đó chị có đứa con cỡ 11 tuổi đang chơi game. Cảnh sát hỏi cậu bé có thấy mẹ (tức là chị Lê Vân) đánh hay làm té em bé kia không? Cậu bé con chị Lê Vân nói là có thấy. Thế là oan, vì chính lời đứa con kể.

 

Thầy Phó Tế San lúc đó mới cố vấn cho luật sư là hãy lấy máy quay phim tới tận nhà chị, quya phim, đo khoảng cách từ chỗ cậu bé chơi game, tới phòng và giường nơi em bé được người hàng xóm gửii chị chăm sóc. Đó là trên lầu, nhưng phòng chơi game của cậu bé và phòng chăm sóc em bé  cách biệt nhau, không thể nhìn thấy bằng mắt được. Vậy mà khi đưa phim ra tòa, Chánh án vẫn tin lời “cậu bé chứng kiến” hiện trường kia, và kết án chị 20 năm tù. Bâyg iờ, hồ sơ mở lại sau 11 năm, Thầy San đang suy tính để tranh cãi. Thầy San kể rằng, lời luật sư kia nói rằng nếu theo lệ thường, luật sư kia sẽ đòi luật sư phí là 30.000 đôla, nhưng vì tình thân với Thầy San và  tin rằng chị kia bị oan, lại nghèo, nên không đòi gì cả. Khi tôi viết những dòng chữ này, hồ sơ kia chưa quyết định xong. Hóa ra, Ông Già Noel vẫn không có đủ quyền lực để làm một số việc (mà Thầy San ưa gọi là, đó là Ý Chúa). Quyền lực các Ông Già Noel có giới hạn, dĩ nhiên, vì nếu tặng quà được, thì hòa bình đã tới cho Palestine và Ukraine rồi.

 

Thực tế là như thế. Thầy Phó Tế San than thở, muốn là một chuyện, còn cuộc đời lại xảy ra thì là chuyện khác. Thầy San kể về một trường hợp cho thấy lòng người phức tạp. Tại Hoa Kỳ (cụ thể, tại Oklahoma, nơi Thầy San hành nghề luật sau khi học ra trường), người phụ nữ được bảo vệ rất kỹ. Có anh chị kia ly hôn. Tòa phán rằng anh chồng phải cấp dưỡng cho vợ con. Chỗ này phải ghi rõ, tiền cấp dưỡng con là “child support” sẽ ngưng khi con tới tuổi thành niên. Thầy nói, tiền này là hợp lý, vì khi con vào đại học thì tự bay nhảy được. Còn tiền cấp dưỡng vợ cũ gọi là tiền “alimony” sẽ phải cấp suốt đời, cho tới khi người vợ cũ kết hôn (lấy chồng, có hôn thú) hoặc là chết. Còn nếu cô vợ cũ chung sống với bồ, mà không làm hôn thú, thì tiền “cấp dưỡng” vẫn bị trích ra  cho cô vợ cũ hàng tháng. Một trường hợp, người chồng cũ thấy bất mãn quá, thấy tiền lương của mình bị trích ra cho vợ cũ, mà vợ cũ lại ngang nhiên đưa anh bạn tình về chung nhà, liền tự ý nghỉ việc. Anh chồng làm nghề kỹ thuật, nên lương rất cao. Cô vợ kiện, vì chồng cũ nghỉ việc thì tiền cấp dưỡng bị mất, thế là cảnh sát tóm cổ anh chồng cũ, tống giam. Thầy Phó Tế San (vốn có tâm của Ông Già Noel, muốn mang quà yêu thương cho cả 2 người) tới thăm cô vợ cũ của anh tù nhân này. Thầy San hỏi cô vợ, tại sao bây giờ đã sống chung với bạn trai (kể như chồng) mà sao không làm giấy tờ hôn thú để anh chồng cũ (đang ở tù vì tự ý nghỉ việc, bị xem là trốn nợ tiền cấp dưỡng) không bị ràng buộc.

 

Thầy San kể lại cho tôi nghe, mới hôm kia, khi tôi chở Thầy từ khu Phước Lộc Thọ về Costa Mesa, nơi thầy khi về thăm ở tạm nhà con trai: “Cô vợ kể với tôi rằng, Thầy Phó Tế ơi, tiền cấp dưỡng [alimony] mỗi tháng con nhận từ tiền lương của ảnh là 5.000 đôla, thì con tha hồ xài, sẽ suốt đời độc thân lãnh tiền thôi, khỏi đi làm hay bận tâm gì cả.” Thế là Thầy San im lặng. Giỏ quà luật pháp của Ông Già Noel họ Nguyễn cũng bó tay.

 

blank

Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San được Đức Giáo Hoàng Phaolo Đệ Nhị tiếp kiến ngày 20 tháng 6 năm 1988 tại Tòa Thánh Vatican.
blank
Được đặc ân Phó Tế Lễ với Ngài tại Nguyện Đường riêng bởi 2 lý do đặc biệt: Thầy San là người VN đã có gia đình đầu tiên trên toàn thế giới, được thụ phong chức “Phó Tế Vĩnh Viễn” (permanent deacon) nên được Đức Giáo Hoàng ban cho đặc ân này.

 

Hiện thời, Thầy San kể, rằng Thầy có một project: một luật sư sẽ làm việc chung với Thầy, sẽ viết một cuốn sách để ký tên chung mà Thầy (cả cương vị Phó Tế, cả cương vị luật sư) sẽ cung cấp sự kiện cụ thể (người, bị can, tù năm nào, oan hay ưng, án nặng hay nhẹ…) và luật sư Hoa Kỳ kia sẽ dựa theo luật viết với những tham khảo để đáp ứng nhu cầu độc giả chuyên ngành pháp lý, xem như hy vọng trở thành một trong những cuốn sách tham khảo cho sinh viên luật và chuyên gia luật, dưới ánh sáng chữa lành của hy vọng và thiện tâm. Như thế, đó sẽ là tác phẩm mới và độc đáo của Thầy, hy vọng sớm hoàn tất vì tuổi Thầy đã 84 rồi, chần chờ là mệt lắm.

 

Cũng nên nhắc rằng Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San đã in một tuyển tập bằng tiếng Việt, nhan đề Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng. Sách chỉ tặng, không bán, và tái bản vài lần. Bản dịch tiếng Anh do dịch giả Chu Tất Tiến thực hiện, cũng chỉ để tặng.

 

Cũng nên kể rằng, Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San không chỉ giúp chuyện pháp lý Okalhoma, đủ thứ chuyện trong các nhà dòng cũng là bận tâm của Thầy. Mới hôm kia, Thầy Phó Tế San đã chuyển một email tới tôi (người mà Thầy gọi là “ông Hải, một người con Phật hiền lành”) để kể rằng đầu năm 2023 Thầy San có một “Quà tặng Xuân Năm Mới cho Nhà Dòng La San Việt Nam.” Để độc giả hiểu tận tường, nhà dòng La San là của các nhà giáo dục, khi trước 1975 thường gọi là “sư huynh” chứ không gọi là “linh mục” như dòng khác.

 

Trong email nhan đề “Quà tặng Xuân Năm Mới cho Nhà Dòng La San Việt Nam” đề ngày 13/1/2023, Thầy San gửi tới các nhà hoạt động Công Giáo VN và đặc biệt các nhà giáo dục, như sau:

 

“Thưa quý vị thân hữu:

Tình cờ cùng trùng hợp với Thạc sĩ Lê Ngọc Tiết viết sách tặng không bán, gửi qua email cho tôi dưới đây. Tôi cũng đã viết sách tặng không bán dưới đây, để tặng cho các Sư Huynh Dòng La San Taberd và tặng cho quý vị thân hữu; đồng thời nếu bất cứ ai muốn tìm hiểu về Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, thì xin quý vị cứ tùy nghi chuyển email đến cho họ đọc. Cuốn sách này tôi đã cho in ra 4 ngàn cuốn Tuyển Tập #1 và Tuyển Tập #2. Tất cả những câu chuyện trong 2 cuốn sách này, mục đích để dẫn chứng về các câu chuyện vi phạm pháp luật đều là chuyện thật 100%. Qua hơn 32 năm liên tục, ngay sau khi tôi ra trường tại Hoa Kỳ, Thiên Chúa đã ban ơn sủng đặc biệt cho tôi có cơ hội được phục vụ trong Ngành Tư Pháp Hoa Kỳ tại Tòa Án Liên Bang thuộc tiểu bang Oklahoma và hơn 21 năm liên tục, tôi tình nguyện phục vụ cho anh chị em tù nhân là Tuyên Úy trong các trại tù, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và màu da vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đó là lý do tôi viết 2 cuốn sách này theo ý chỉ của Thiên Chúa muốn tôi nên chia sẻ những kinh nghiệm của riêng tôi về pháp lý và về những tệ đoan xã hội cho mọi người cùng biết. Chắc một số quý thân hữu chỉ nghe biết tôi là cựu giáo sư dạy học trường Taberd đường Nguyễn Du Sài Gòn từ năm 1970 đến tháng 4, 1975, thời Frere Bề Trên Adrien Phạm Văn Hóa làm Hiệu Trưởng và có 3 Freres đã qua đời: Adrien Phạm Văn Hóa, Bernard Bường Lê Văn Tâm (sau này cũng là Phó Tế vĩnh viễn như tôi) và Algibert Nguyễn Văn Cách. Tất cả 3 Sư Huynh này đều là những bậc tiền bối của tôi trong ngành dạy học. Chúng tôi đều gặp mặt nhau vài lần tại Hoa Kỳ và tại Pháp Quốc.

Thân mến,

PT. Nguyễn Mạnh San”

.

Tuyệt vời là Ông Già Noel họ Nguyễn, đã tặng nhiều ngàn cuốn sách, không bán. Giỏ quà sau lưng hiển nhiên là gánh rất nặng, không có xe nai nào chở nổi, phải có mây từ cõi trời giúp sức.

  

blank

Bìa sách và tác giả là Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San.

  

Sau đây là bản tóm lược tiểu sử Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San (viết năm 2011, do Nguyễn Đức Linh soạn).

 

Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San:

- Sinh năm 1940 taị Bắc Việt , 1954 đất nước chia đôi, Thầy theo gia đinh từ bỏ Miền Bắc (Cộng sản) vào Miền Nam (Quốc Gia), định cư tại Sài gòn.

 

Trước năm 1975, Thầy San dạy học tại các trường trung học Taberd, Thánh Mẫu và Đức Trí ở Sài gòn, - Làm Thông dịch viên và Dịch thuật (Anh ngữ) cho Cơ quan Cố Vấn Viện Trợ Hoa Kỳ MACV. - Phụ tá Trung Tâm Trưởng (Chief Quarterman) 18 kho Tồn Trữ Tiếp liệu Quân Lực Hoa Kỳ tại Tân Thuận Đông – Nhà Bè, Sài gòn, trước khi Trung Tâm này được di chuyển đến căn cứ Long Bình, Biên Hòa.

 

Ngày biến cố 30 tháng 4-1975. Cộng sản xâm chiếm Miền Nam .Thầy Sáu San di tản khỏi VN, cùng vợ con tới miền “đất Hứa” Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

- 4/1975 . Cùng vợ con rời VN sang Hoa Kỳ định cư liên tục tại Oklahoma city. Làm việc cho Cơ quan Thiện nguyện Công giáo Hoa Kỳ (USCC) Oklahoma city, Oklahoma, đặc trách chương trình Tỵ nạn Á Châu (Coordinator for USCC the Southeast Asia Refugees Program).

 

- 1980 rời USCC chuyển sang làm việc tại Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ tới nay, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng:

 

- Phụ tá trưởng phòng Tố Tụng, đặc trách Luật sư đoàn Liên Bang và Nhập Tịch (Attorney admission and Naturalization Deputy) tại Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ (United States District Court, Western District of Oklahoma).

 

- 18 tháng 9 năm 1998, tốt nghiệp khóa huấn luyện Tuyên uý Trại Tù do cơ quan đặc trách các Trại Tù Liên Bang (Bureau of Federal Prison Chaplains) thuộc bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổ chức tại Aurora, Colorado.

 

- 10 tháng 8 năm 2001 tốt nghiệp khóa đào tạo Tuyên Úy đặc trách Cải huấn (Correctional Chaplain) doTổng Hội “American Catholic Correctional Chaplains’ Association” tổ chức. - Được Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ Chính thức công nhận và cấp chứng chỉ Tốt nghiệp ngành Tuyên úy các Trại Tù Liên Bang Hoa Kỳ.

 

- 6 tháng 1- 2003 đảm trách chính thức “TUYÊN ÚY TRẠI TÙ “ (Certtified Prison Chaplain) được quyền thăm viếng tất cả các Trại Tù Liên Bang trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

 

- 30 năm phục vụ Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ (US District Court of Western District of Oklahoma) liên tục là Phụ tá Trưởng phòng Tố Tụng đặc trách Luật Sư Đoàn Liên bang HK và Nhập Tịch.( Attorney admission & Nauralìzation Deputy).

 

Hiện nay (năm 2011) vẫn giữ chức vụ Phụ tá Trưởng phòng Tố Tụng (kiêm nhiệm chức vụ Tuyên úy Trại Tù tại Oklanoma City County Jail.

 

- 31/3/1979 Thầy San là người VN đã có gia đình đầu tiên trên toàn thế giới được Thụ phong Phó Tế Vĩnh viễn (Permanent Deacon) qua sự đặt tay của Đức Tổng Giám Mục Charles Salatka tại Oklahoma City.

 

- 20/6/1988 Được Đức Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ Đệ Nhị cho diện kiến và được đặc ân Phó Tế Lễ với Ngài tại Nguyện Đường riêng bởi 2 lý do đặc biệt: Thầy SAN là người VN đã có gia đình đầu tiên trên toàn thế giới, được thụ phong chức “PHÓ TẾ VĨNH VIỄN” (permanent deacon) nên được Đức Giáo Hoàng ban cho đặc ân này.

 

Về phương diện Phục vụ:

 

- 11 năm tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, phụ tá Linh mục quản nhiệm Antôn Nguyễn Ngọc Bảo và cộng đoàn Công giáo Việt Nam .

 

- 2 năm tại Giáo Xứ Corpus Christi Roman Catholic Church (giáo xứ Mỹ da mầu).

 

- 7 năm rưỡi (từ tháng 6/1996 tới 1/2003,) tại Giáo xứ Anré Dũng Lạc, phụ tá Linh mục chánh xứ Dominic Hoàng Mạnh Hùng và toàn thể cộng đoàn dân Chúa thuộc giáo xứ trong những công tác ”Tông Đồ Mục Vụ”.

 

- 1-2003 đảm nhận trách nhiệm ”TUYÊN ÚY TRẠI TÙ” của Tổng Giáo phận theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục Eusebius Joseph Beltran, Tổng Gíáo phận Oklahoma city. Thầy SAN liên tục phục vụ cho Tổng Giáo phận OKC.

 

- 1994 cho tới nay (2011), những ngày cuối tuần,Thầy SAN lãnh nhiệm vụ ủy lạo tù nhân trong các Trại Tù tiểu bang OKLAHOMA với sự trợ giúp của vị Thừa Tác Viên Trại Tù Nguyễn văn Cường (Prison Minister) do Đức TGM bổ nhiệm

 

Tính cho tới tháng 3-2009, theo lời ông Chánh Án Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ nhân danh Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, trong buổi lễ vinh danh Thầy Sáu San Nguyễn, cho cac1 thông tin như sau.

 

1/ - Hoàn tất thủ tục pháp lý cho 16,000 ngàn người, thuộc các sắc tộc trên thế giới, được tuyên thệ trở thành Công dân Hoa Kỳ tại Toà án Liên Bang Hoa Kỳ.

 

2/ - Phục vụ liên tục 30 năm trong ngành tư pháp Hoa Kỳ tại Tòa Án.

 

Lúc đó, Ông Chánh Án trao tặng cho Thầy SAN “Lá QUỐC KỲ MỸ” là một biểu tượng có ý nghĩa trang trọng và cao quí, chỉ dành tặng cho những người dân có công với chính phủ, với đất nước Hoa Kỳ. Sau này nếu có mệnh hệ thì gia đình được vinh dự phủ lá cờ này lên quan tài.

 

Các đóng góp của Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San đã giúp cộng đồng Việt hiểu thêm về pháp lý Hoa Kỳ.

 

Trong mùa Lễ Giáng Sinh, xin chúc Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San  sức khỏe an lành, sẽ đem lại thêm niềm vui cho rất nhiều người trong cõi này.

 

----

ĐÍNH CHÁNH Từ Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San:
Tác giả bài viết là Phan Tấn Hải xin ghi thêm Lời đính chánh, do Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San gửi tới, vài giờ đồng hồ sau khi bài này lên mạng. Nhà báo Phan Tấn Hải thành kính nhận lỗi về tất cả các sai sót, và xin ghi toàn văn bổ chính như sau:

Xin hết lòng cảm ơn nhà báo Phan Tấn Hải đã tận tình viết bài tường thuật một cách đầy đủ chi tiết về cuộc hội ngộ giữa chúng ta sau nhiều năm không gặp mặt nhau. Trong bài tường thuật này, tôi xin ông Hải cho tôi có dịp được phép cải chính lại 4 điều sau đây cho chính xác đúng như sau:
1. Tôi không hành nghề luật sư sau khi ra trường như ông Hải đã nghĩ, mà tôi chỉ là một chuyên gia cố vấn về pháp lý đối với công chúng và cho anh chị em tù nhân trong các trại tù Liên Bang và Tiểu Bang Oklahoma, trong khi tôi đang phục vụ cho Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ thuộc Tiểu Bang Oklahoma hơn 32 năm liên tục tại đây.
2. Nữ tù nhân Lê Thị Vân lãnh án tù Chung Thân không có ngày ra khỏi tù (Life Sentence without parole). Cô ta đã ở trong tù 11 năm rồi.
3. Con trai của cô ta mới có 7 tuổi là nhân chứng duy nhất trước phiên tòa xử án Lê Vân
4. Bố mẹ ruột của em bé nạn nhân không hề truy tố chị Lê Vân làm chết con của họ trước pháp luật. (Hết đính chánh)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.