Hôm nay,  

Gì cũng chửi...

06/08/202309:26:00(Xem: 4277)
Phiếm

chui-nhau

Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số.
    Nhà văn Nguyễn Văn Trung viết tác phẩm “Ngôn ngữ và thân xác”, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1968, trong đó có nhận xét: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt Nam. Đó là một hiện tượng rất phổ thông trong ngôn ngữ hằng ngày và cũng rất phong phú vì gồm rất nhiều lối văng tục, chửi tục, sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để xây dựng câu chửi, nhưng cũng nhằm rất nhiều ý nghĩa...”
    Nhà Lý luận Phê bình Văn Học Nguyễn Hưng Quốc đã kỳ công trong một bài viết, thống kê “lai lịch” và ý nghĩa của từ “chửi” trong các bộ Tự điển của Việt Nam như sau: “Trước, trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes (1651), chỉ có hai từ chửi và chửi mắng; sau, trong Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), có thêm chửi bới, chửi rủa, chửi lộn và chửi thề; kèm theo một số thành ngữ như: chửi như tách nứa, chửi như gõ thoi; sau nữa, trong Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (1952), thêm: chửi bâng quơ, chửi vào mặt, chửi tục, chửi vung, chửi xối hay chửi xối xả. Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1963), ngoài một số hình thức chửi trên, còn thêm: chửi bóng chửi gió, chửi chữ, chửi đổng, chửi xỏ. Nhiều nhất là trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970) với một số kiểu chửi mới, chưa thấy trong các từ điển trước: chửi bỏ, chửi bông lông, chửi đùa, chửi khống, chửi lén, chửi tắt bếp, chửi thầm, chửi thề, chửi trổng, chửi vãi, chửi vụng, và chửi xiên chửi xéo. Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng liệt kê một số thành ngữ bắt đầu bằng chữ chửi: Chửi cha không bằng pha tiếng, chửi chó mắng mèo, chửi lắm nghe nhiều, chửi như chó ăn vã mắm, chửi như mất gà, chửi như vặt thịt.
    Ngoài ra, có nhiều từ hoặc thành ngữ khá phổ biến ngoài đời nhưng không hiểu sao lại không có trong từ điển: chửi cha, chửi xéo, chửi móc, chửi leo, chửi đông đổng, chửi té khói, chửi không kịp vuốt mặt, chửi như vãi trấu, chửi như tát nước (vào mặt), chửi tưới hột sen, chửi tá lả, chửi tá lả bùng binh, chửi búa xua, chửi tứ tung, chửi tứ tung lung tàng, chửi tùm lum tà la, chửi sa sả, chửi cho tắt đài, chửi thẳng vào mặt, chửi sủi bọt mép, chửi như hát, v.v…”
    Đấy là chưa kể các từ chửi gần đây như: Chửi tắt bếp, Chửi liên thanh, Chửi liên hồi kỳ trận, chửi huỵch toẹt, chửi ra rả, chửi rống, xả một trận, chửi tới tấp... cùng các ngôn ngữ mạng của thời đại @ như: “Ném đá, tặng gạch, xả street, tương đểu, chết... đầy rẫy trên các mạng xã hội hiện nay.
    Chửi mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời tiết mưa, nắng, nóng, lạnh. Chỉ cần không vừa lòng, trái tai, gai mắt là... chửi. Chửi như cái bệnh và cũng là đại dịch... lây lan khó có thuốc trị. Đặc biệt là “chửi góp”, “ chửi hùa”, “chửi ké”... đang là model “thịnh hành” trên các trang Facebook, khó có cách gì để ngăn chận được.
    Trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng, xã hội thì có “cơm chửi, cháo chửi, phở chửi...” thậm chí “xe bus chửi, taxi chửi” v.v... các cơ quan công quyền, nhà nước, sếp... chửi thì nói là “huấn thị”, “giáo huấn”, trong trường học thì là “giảng moral, lên lớp”! Nhiều thể loại và hình thức chửi. Ghét, giận, nóng, thù: Chửi. Sung sướng, cưng nựng cũng... chửi, gọi là “mắng yêu” như: Tiên sư bố cái nhà anh... hay “Đ... má. Quá đã!”
    Song nghệ thuật chửi... Từ sáng tới chiều. Chửi như hát, chửi có vần có điệu thì phải kể đến các bà, các... ông ngày xưa bị mất gà, mất vịt, mà dân gian còn truyền khẩu như sau:
    Chửi mất gà: “Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng. Sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy… ấy… ấy ! 
    Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa ! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, con thành đanh mỏ đỏ, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ , chồng, con cái nhà mày đấy… ây… ấy ! 
    Mày mà ăn thì con gà nhà bà thì ăn một miếng chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, ăn ba miếng chết ba đứa, và ăn cả con gà đó sẽ chết cả nhà cả ổ nhà mày.

    Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá ! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, để sót nhau. Chết mau, chết sớm ! Chết trẻ, đẻ ngang nhá. 
    Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn, mang trả ngay con gà đó cho bà, kẻo không bà đào mồ, quật mả cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỷ, muội nhà mày đấy. 
    Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy, bà tha cho mày...”
    Mất vịt: Tiên sư đứa nào bắt mất con Vịt xiêm lai nhà ông, Vịt ở nhà ông là con công con phượng, Vịt về nhà mày thành con cáo con diều hâu.
    Bố mày là A, mẹ mày là B, ông cho vào ngoặc ông ‘khai căn’ cả họ nhà mày. Ông rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu. 
    Ông ‘khai căn’ cả họ nhà mày xong rồi, ông ‘tích phân n bậc,’ ông bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà ‘đạo hàm n lần.’
    Ái chà chà, mày tưởng nuốt được con Vịt nhà ông là mày có thể yên ổn mà chơi trò ‘cộng trừ âm dương’ trên giường với nhau à. Ông là trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là ‘vô nghiệm,’ cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi. 
    Ông sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong ‘âm vô cùng,’ sẽ gặp tai ương đến ‘dương vô tận,’ cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến ‘maximum’ của sự ‘vô hạn’ tối tăm 
    Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò ‘tiệm cận’ hàng rào nhà ông là ông không biết đấy à ? Ông là ông ‘giả thiết’ mày ăn cắp hơn hai chục con Vịt xiêm lai nhà ông, mày về mày vỗ béo để nhồi ‘đường cong’ cho con vợ mày, à... à… mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi ‘đường cong’ con vợ mày nó nứt toác, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ ‘vuông góc’ một mạch thẳng xuống ‘góc tù.’ ”
      Và “Mất chó” mới sưu tầm, tân trang và bổ sung cho phù hợp: “Tiên sư cha ba, bốn đời cái  đứa bắt chó nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẵn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia. mày mà giết chó nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột mày ra a a a a …
    Mày dám xơi thịt con chó yêu quí của bà í à? Bà là bà rủa cho mày ngóc đầu lên không được đấy con ạ ạ ạ ạ …
    Cái con chó nó ở nhà bà nó là con cún con thỏ, chứ nó về đến nhà mày nó thành con sói, con cáo, con thần nanh mỏ đỏ, nó mổ chồng mổ cha mổ tiên sư ông bố ông cố nội mày ra thành trăm mảnh. Bà là bà vứt xuống ao cho cá nó rỉa, rồi bà lại đem lên bờ cho ruồi nó liếm đấy con ạ. ạ ạ ạ ạ…
    Bà rủa cho mày là mày ngủ giường: giường sập, mày ngủ võng: võng đứt, mày thức mày cũng mơ thấy ma móc mắt mày ra, mày tắm ở ao mày chết chìm trong chậu, mày đi ra đường xe bò cán mày bẹp đầu, mày đi trên lề đường cây khô rớt xuống gãy cổ, mày uống được ngụm nước vào mồm máu đỏ mày phọt ra đằng mũi, máu trắng mày tuồn ra đằng tai, mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt. Mày dám đớp thịt con chó của bà hở? Thì ối giời ơi tóc tai lông lá mày rụng sạch. Bà cuộn lại thành chổi bà quét hố xí í í í í ….
    Hờ hờ...ờ... chúng mày nghe bà truyền đời đây. Hồn linh chó nhà bà sẽ về chửi gâu gâu, gấu gấu, từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều chí tối. Không cho cả làng cả xóm, cả họ nhà mày yên giấc ngủ mà trân tráo, thao láo ngó mắt lên bàn thờ nhà mày mà nổi cơn điên sằng sặc ra nhóa, nhóa... Bà về bà... đái rồi ra chửi tiếp nhóa, óa... óa... gấu, gấu...”
    Thế mới biết để chửi được người ngoài... kỳ khu sưu tầm, tìm kiếm những từ ngữ độc địa còn phải có nội công thâm hậu mới có thể... truyền âm đến đối tượng nghe chửi để họ phải...”tắt bếp”, “tắt đài” mà nghĩ suy cặn kẽ lẽ đời cùng chung sống với nhau...

 

– Trn Hoàng Vy

Ý kiến bạn đọc
21/08/202302:10:43
Khách
Tuyệt vời, Rất cám ơn tác giả đã cất công sưu tầm.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.