Hôm nay,  

Ukraine Gợi Lại Ký Ức Chiến Tranh

03/03/202212:47:00(Xem: 1394)
BuiVanPhu_20220301_UkraineVaHoiTuongChienTranh_H01
H01: Thành phố Berkeley treo cờ ủng hộ Ukraine (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Người Việt ở vào tuổi sáu mươi hay lớn hơn chắc hẳn chưa quên trải nghiệm chiến tranh trên quê hương mình. Chiến tranh nam bắc kéo dài, chiến tranh biên giới phía bắc, phía tây nam.

 

Những ngày qua, theo dõi tình hình chiến sự Ukraine tôi không khỏi xúc động hồi tưởng về Tết Mậu Thân 1968, Mùa hè Đỏ lửa 1972 và tháng Tư năm 1975. Cảnh dân chạy loạn, người chết ở Huế, chết dọc Đại lộ Kinh hoàng. Nhớ người thân, bạn học đã hy sinh trên chiến trường.

 

Với nhiều người Việt lớn lên ở miền Bắc, nhắc đến chiến tranh chắc hẳn không quên cảnh máy bay Mỹ ném bom mười hai ngày đêm vào mùa lễ Giáng Sinh 1972, hay cảnh đạn pháo như mưa ở biên giới phía bắc vào mùa xuân 1979. Làm sao quên những đứa con “sinh bắc tử nam”, những thanh niên bỏ mình trên chiến trường biên giới hay trên đất Kampuchia.

 

Chúng ta đã đều kinh qua chiến tranh, bom đạn, chết chóc.

 

Nhìn cảnh đổ nát, cảnh người dân Ukraine sống dưới hầm hay đang theo đoàn người di tản ra khỏi vùng giao tranh, tưởng từ một nơi xa xôi lắm nhưng sao lại thấy rất gần.

 

Chiến tranh có lẽ ở đâu cũng thế, vì đã kinh qua nên người Việt đồng cảm với người dân Ukraine.

 

Với nhiều người Việt, hay gốc Việt đang sống ở Ukraine, đông nhất ở thành phố Kharkiv, trước nay chiến tranh có thể còn là điều xa lạ hay đã mờ nhạt theo quá khứ, nhưng bây giờ họ đang lại phải đối diện với bom rơi, súng nổ.

 

“Tản cư”, “sơ tán”, “chạy giặc”, “chạy loạn”, “di tản” là những gì ông bà, cha mẹ ngày xưa đã trải qua nay chính họ đang phải có những quyết định. Đi hay ở. Mà bỏ Kharkiv thì đi đâu bây giờ. Còn ở lại, không biết sống chết ra sao.

 

Hôm 28/2 một người Việt ở thành phố này đã hơn 40 năm, ông Vũ Chân, gửi tin cho phóng viên VOA mô tả cuộc ném bom của Nga vào thành phố: “Hôm nay nó bắn nhiều quá thôi. Năm 72 so với hôm nay chưa là cái gì cả. Nó toàn bắn vào nhà dân thôi.”

 

Tôi nhớ Tết Mậu Thân 1968, khi Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn là lần đầu tiên tôi giáp mặt với chiến tranh.

 

Nhà ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nghe tiếng đạn nổ rất gần, nhà cửa cháy. Xa xa thấy máy bay lao xuống bỏ bom. Sau tiếng nổ như sấm, một miểng bom rơi ngay trước sân, tôi nghịch ngợm chộp lấy, sức nóng của mảnh bom còn như lửa khiến tôi vội vàng vất xuống.

 

U tôi cũng đã chuẩn bị khăn gói cho các con chạy loạn, ghi tên từng con nhỏ trên mảnh giấy rồi nhét vào gói quần áo đeo vai, để phòng có lạc nhau, hay chết trên đường thì còn tìm ra xác.

 

Sau chiến trận, có những đêm Việt Cộng bắn hoả tiễn 122 ly vào thành phố, rớt gần nhà, xác người tung toé. Nhiều gia đình làm tăng-xê bao cát để tránh đạn pháo. Nhà tôi không làm. U nói nếu ý Chúa định cho mình chết dưới bom đạn thì không sao tránh khỏi.

Năm 1972 chiến tranh lại bùng phát khốc liệt. Xe tăng, đại pháo Bắc Việt tràn qua vùng giới tuyến vào Quảng Trị, cùng lúc tấn công nhiều tỉnh phía nam. Nhưng rồi bị chận lại ở Quảng Trị, Kontum, An Lộc.

 

Tháng Tư 1975, từng vùng đất quê hương rơi vào sự kiểm soát của bộ đội cộng sản, để rồi miền Nam đầu hàng ngày 30/4/1975.

 

Hết chiến tranh. Đất nước thống nhất. Những tưởng người Việt sẽ được sống trong hoà bình.

 

Ai ngờ chỉ vài năm sau người Việt lại phải đối diện với bom đạn từ chiến trường tây nam, từ biên giới phía bắc. An Giang, Châu Đốc, Tây Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang lại trở thành những bãi chiến trường.

 

Một buổi sáng tháng 2 năm 1979, khi nghe tin Trung Quốc tấn công, các bạn sinh viên ở cùng ký túc xá hỏi tôi nghĩ sao về nền hoà bình ngắn ngủi mới được vài năm trên quê hương Việt Nam. Khi đó, theo hiểu biết của mình tôi giải thích cho các bạn là Hà Nội muốn thành lập một Liên bang Đông Dương gồm ba nước Việt, Miên, Lào dưới sự lãnh đạo của thành phần thân Liên Xô trong bộ chính trị. Chiến tranh xảy ra vì Trung Quốc không muốn một vùng lãnh thổ phiá nam là thù nghịch.

 

Nhưng quân phương bắc không chiếm được Hà Nội. Với thiệt hại nhân mạng không lường trước, sau ba tuần tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, Bắc Kinh đã phải phải rút quân về.



BuiVanPhu_20220301_UkraineVaHoiTuongChienTranh_H02_SunFlower
H02: Hoa hướng dương là quốc hoa của Ukraine (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

 

BuiVanPhu_20220301_UkraineVaHoiTuongChienTranh_H03_NewsBoard
H03: Hình ảnh Ukraine trong sân trường Đại học Berkeley hôm 28/2 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chiến tranh ở Ukraine hiện nay cũng thế, vì Tổng thống Putin của Nga không muốn Ukraine ngả theo NATO và Liên hiệp Châu Âu để trở thành thù nghịch, nên đã ra lệnh tấn công vào nước này.

 

Ukraine có sẽ chống lại được cuộc xâm lăng hay không? Cho đến lúc này, có khả năng Nga đã ước tính sai tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine, nên sau gần một tuần quân Nga cũng chưa kiểm soát được thành phố lớn nào.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong buổi tường trình trước Quốc hội về “Hiện tình Liên bang” vào tối 1/3 đã dành 15 phút đầu tiên nói về tình hình khẩn trương ở Ukraine mà Hoa Kỳ cùng Liên hiệp Châu Âu đã có biện pháp bao vây kinh tế Nga, cùng lúc viện trợ vũ khí, tài chánh để giúp Ukraine đánh đuổi quân xâm lược.

 

Có khả năng Ukraine sẽ là mồ chôn quân Nga lúc này. Còn nếu bị chiếm đóng, Nga sẽ sa lầy và Ukraine là một Việt Nam 2 cho nước Nga, như cuộc xâm lăng Afghanistan năm 1980.

 

Nhiều nơi trên thế giới, từ Washington D.C., Toronto, San Francisco, Berlin, Bangkok, Berkeley cho đến Colombo, Paris, London người dân đã xuống đường phản đối Nga xâm lược. Các biểu tượng xanh và vàng là mầu cờ của Ukraine, cùng những bông hoa hướng dương đã được phô bày để biểu tỏ sự ủng hộ Ukraine đang chiến đấu chống lại quân Nga.

 

Tại Việt Nam thì khác, không mấy ai công khai lên tiếng kết án Nga xâm lăng. Trên truyền thông cũng như qua các phát biểu của quan chức bộ ngoại giao đều không dùng từ “xâm lược” để chỉ hành động của Nga, chỉ gọi đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, như Putin đã dùng khi ra lệnh tấn công, vì cho rằng Ukraine đã từng là một phần lãnh thổ của Liên Xô trước đây, nay phải đưa trở lại cùng đất mẹ.

 

Hồ Chí Minh cũng đã từng coi miền Nam Việt Nam là một phần bất khả phân ly của nước Việt nên đã phát động chiến tranh giải phóng, không bao giờ gọi đó là xâm lăng. Ngược lại Hà Nội còn lên án Mỹ phát động chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

 

Chiến tranh Việt Nam kéo dài hai thập niên với hàng triệu binh lính và thường dân chết. Kết quả chiến thắng về phe cộng sản, nhưng lãnh đạo Hà Nội đã phải trả một giá rất đắt và nước Việt Nam nay cũng đang trong hoàn cảnh không khác Ukraine trước khi Nga đưa quân vào.

 

Quốc hoa của Ukraine là hoa hướng dương. Mong rằng những bông hoa vàng vẫn còn nở rộ trên quê hương đó. Mượn lời ca trong ca khúc “Hoa vẫn nở trên đường quê hương” của Phạm Thế Mỹ, viết trong thời chiến tranh Việt Nam, để gửi niềm hy vọng đến với dân tộc Ukraine:

 

Hoa vẫn nở trên đường quê hương

Ôi quê hương ta đó

Dù bóng đêm đang gieo kinh hoàng

Dù mái tranh bơ vơ điêu tàn

Từng cánh hoa, từng cánh hoa

Hoa vẫn nở trong đêm mù sương

Hoa vẫn nở trên đường quê hương....

 

© 2022 Buivanphu

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.