Hôm nay,  

Lại Las Vegas

07/09/202109:26:00(Xem: 3383)
Las Vegas_Pixabay
Thành Phố Las Vegas. (nguồn: www.pixabay.com)


Vùng tôi ở cách Las Vegas khoảng 4 giờ lái xe. Cũng khá gần, cho nên trung bình mỗi năm tôi đi Las Vegas một lần. Tính ra tôi đã đến đó hơn 30 lần. Năm vừa rồi không đi vì cơn đại dịch. Nay được tin Las Vegas đã “chế ngự” được đại dịch, và đã mở cửa 100%, vợ chồng đứa con trai của tôi mời bố mẹ đi Las Vegas xem thử bây giờ nó ra sao. Hơn một năm trời không gặp lại cũng thấy nhớ. Những đứa con khác thì im lặng chờ tôi quyết định có nhận lời đi hay không. 
 

Tôi phân vân. 

Cơn đại dịch này ghê gớm quá. Nhìn lại lịch sử nhân loại, ta vẫn biết đại dịch cũng có xẩy ra, một vài trăm năm một lần, nhưng không chừng lần này khủng khiếp nhất từ xưa đến nay. Nó như đám mây dày đặc bao trùm cả hành tinh ta đang sống. Có lẽ ví von như thế không đúng. Mà đấy là những đám bụi mênh mông, đứng yên một chỗ chờ chực, hay có thể bám vào một môi trường hoặc một vật thể nào đó để di chuyển và đậu vào nơi khác, hạt bụi nhỏ vô cùng nhỏ, không màu sắc, không hương vị, không hình, không dáng, không bóng. Nó lồng lộng như một thứ ánh sáng kinh dị, bí ẩn, và chứa đầy chất độc giết người. Chỉ giết người thôi. Nó có khả năng len lỏi vào mọi ngõ ngách, và tụ lại vào bất cứ nơi nào. Trên đồ vật, trên động vật. Trên và trong con người. Tất nhiên đây không phải là một cái nhìn của giới khoa học.

Nó mang bệnh tới, lan truyền từ người này qua người khác, gây chết chóc cho hàng triệu người trên thế giới. Loài người hối hả một mặt ngăn cản sức tấn công của nó bằng cách tự cô lập hay cách ly  để tránh lây nhiễm, mặt khác ra sức tìm cách kháng cự. Nhờ vậy cũng đạt được vài chiến thắng nhỏ sau những tổn thất lớn. Nhưng nó chưa chịu tha. Như một kiếm khách võ nghệ tuyệt luân thời cổ, nó luôn luôn biến chiêu khiến địch thủ của nó là loài người thoạt tiên ngơ ngác, rồi  lúng túng, hoảng hốt chống trả. Nó còn biết liên kết với tàn quân của những đại dịch trước để tạo thành một sức mạnh khó lường. Nay một vùng nào đó vừa mới tuyên bố thắng trận, thì vùng khác lại bị nó tàn sát tơi bời. Mai nó trở lại vùng nó từng chiến bại để phục thù. Trận chiến cứ thế tiếp diễn kéo dài cho đến nay là gần hai năm trời rồi. Cuối cùng, ai sẽ thắng ai? Câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát. 

 

Las Vegas, một con quái vật khổng lồ do loài người tạo dựng đã biến đổi một nơi xưa kia vốn là sa mạc cằn cỗi, hoang vu, nóng bức, chết chóc, thành một quần thể kiến trúc vĩ đại gồm vô số lâu đài nguy nga nhất với đầy đủ mọi thứ tiện nghi hiện đại nhất. Đặc biệt là ánh đèn rực rỡ nhất, nhiều nơi giải trí hấp dẫn nhất, nhiều khách sạn và sòng bạc lôi cuốn nhất. 

Nhưng Las Vegas cũng không thoát khỏi sự tàn phá của đám bụi đại dịch. Sau 15 tháng bị đại dịch tấn công, Las Vegas biến thành một đô thị ma. Xe cộ vắng tanh, đèn đóm tắt ngấm, dăm ba cô hồn thập thò đây đó. Mọi âm thanh và tiếng động - tiếng pháo bông, tiếng kèn trống, tiếng nhạc, tiếng còi, tiếng nói, đều câm nín. Con quái vật đã gục ngã? Vô phương cứu chữa? Tôi lo sợ. Không có nó, nhiều người buồn, và tiểu bang Nevada sẽ mất đi một nguồn lợi lớn. Có năm nó mang về trên 50 tỷ đô la.

Một tin vui. Vừa rồi nghe nói cơn đại dịch nơi đấy đã bị khống chế, Las Vegas được phép mở cửa đón khách, kể cả khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi tự hỏi sau gần một năm rưỡi bị cơn đại dịch hoành hành, con quái vật có còn cựa quậy được hay không. Hay nó đang dở sống dở chết. Lông lá xác xơ, mình mẩy tiều tụy, mặt mày hốc hác. Đèn đóm không ai lau chùi; những tấm thảm trùm kín trên tất cả lối đi, trên hàng vạn tầng nhà không ai chăm sóc, hút bụi, tẩy sạch; hoa cỏ không ai xén tỉa, tưới bón; máy móc không ai gìn giữ, bảo trì, vân vân.    

Vậy thì không phân vân nữa, hãy theo lũ con đi thăm Las Vegas, xem nay nó ra sao. Quen nhau mấy mươi năm thì đừng lạnh nhạt với nhau. Chúng tôi đều đã được “bảo vệ” bằng hai mũi chích ngừa. Nhưng lòng vẫn không yên. Liệu hàng trăm ngàn người đến đấy đã được chích ngừa chưa? Lại nữa, Las Vegas cũng không đòi hỏi khách bốn phương xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe. Trên đường đi, ngồi trên xe, tôi nhận qua điện thoại những lời dặn đi dặn lại của mấy đứa con không cùng đi, rằng bố mẹ nhớ cẩn thận “rửa tay, mang khẩu trang, cách ly”. Tất nhiên tôi sẽ làm theo những lời dặn đó. Hơn thế nữa, tôi mong Las Vegas sẽ vắng như “chùa Bà Đanh” hầu tránh “tên bay đạn lạc”.  Vâng, biết đâu Cô Vít vẫn còn luẩn quẩn rình rập, mà thuốc ngừa không được công hiệu 100%. 

Chúng tôi đến nơi vào chiều Thứ Bảy, ngày 7 tháng 8, và sẽ ở lại đấy ba hôm. Đã sẫm tối. Bầu trời trên cao thì đen thăm thẳm trong khi dưới này là là trên mặt đất, mọi nơi mọi chốn đều ngập lụt trong ánh đèn rực rỡ muôn màu. Xe cộ chen chúc san sát trên đường dành cho xe, người bộ hành tràn ngập khắp các lề đường dành cho người đi bộ. Cảnh tượng rất quen mắt, chúng tôi sung sướng gặp lại cố nhân, nhưng nay coi bộ nó còn rầm rộ, chói loà hơn xưa. Chúng tôi vừa lo lắng, vừa vui mừng. Trước hết tìm chỗ ăn tối. Nhà hàng mọc lên khắp nơi, nhiều hơn hai năm trước. Bước ra khỏi xe, trời nóng như thiêu như đốt.

Lái đến chỗ đậu xe của khách sạn. Cũng thế, vừa mở cửa xe, chúng tôi bị ngay cơn nóng hừng hực trên 100 độ F bủa vây. Tại cửa vào khách sạn, gặp ngay người đứng gác nhắc mọi người đeo khẩu trang vào. Bên trong khách sạn, nhờ máy điều hoà không khí, mát rười rượi. Chúng tôi  vào thang máy lên căn phòng thuộc tầng 36 của khách sạn Cosmopolitan, nơi trước đây chúng tôi vẫn quen đến, sau khi tới quầy ghi tên, lấy chìa khóa, nhận phòng (check in).

Cùng với chúng tôi, số người tới
check in rất đông, sắp hàng dài “rồng rắn”, rồi kéo va-li có bánh xe lăn đi toả ra nhiều nơi. Tôi chột dạ. Đây không phải là Chùa Bà Đanh chút nào cả như tôi mong muốn. Đông đảo như thế này thì làm sao thực hiện được biện pháp cách ly, làm sao ngăn cản được con Cô Vít xâm nhập, truyền nhiễm. 

Những lối đi trải thảm vẫn sạch bong, căn phòng cùng giường nệm bàn ghế vẫn thơm tho, bóng lộn. Đứng trên lầu cao nhìn xa, nhìn quanh. Thành phố với cao ốc nguy nga, lộng lẫy, rực rỡ trong biển ánh đèn. Thế là trong thời gian đóng cửa hơn một năm, con quái vật Las Vegas vẫn luôn luôn được chăm sóc kỹ càng.

Sáng Chủ Nhật chúng tôi dậy trễ sau một đêm thức khuya. Xuống tầng 1, định đổi thang máy để đến  nơi đậu xe, tôi dừng lại nơi đây vì ngạc nhiên vô cùng. Trước kia người ta đến Las Vegas đông nhất vào chiều Thứ Sáu, chiều Thứ Bảy. Qua sáng Chủ Nhật, người ta lũ lượt rời nơi này. Hoạ hoằn lắm mới có một vài cặp kéo đến. Hôm nay cũng Chủ Nhật nhưng không thấy khách đi, trái lại khách đến hết lớp này đến lớp khác đông vô kể.  Họ đứng, ngồi, nằm xúm xít thành nhiều nhóm chờ “check in”. Thôi thì đủ nam phụ lão ấu, và đủ màu da. Lớp thanh niên con trai thường mặc áo thun, quần “sọt”, thỉnh thoảng cái cổ và hai cánh trần đầy hình xăm màu xanh, hoặc đen; con gái thì áo chẽn, quần cụt rách lai, hay quần dài thì rách đầu gối, hoặc rách đùi.

Bỗng từ xa tiến đến một cảnh tượng đập mạnh vào mắt: Một bà già tóc bạc phơ đẩy xe lăn trên đấy là một ông già tóc trắng xóa. Xe có máy, nhưng họ không dùng máy. Có lẽ họ chỉ dùng máy khi đi xa, khi mệt mỏi. Hai khuôn mặt đó trông rất bình thản, thư thái,  như muốn nói, Các người vui chơi thì cũng phải để bọn già cả chúng tôi xía vào chút đỉnh chứ. Lại một hình ảnh nổi bật khác. Một người cao lỏng khỏng, râu ria xồm xoàm, đi lững thững một mình, lưng mang cây đàn ghi-ta to tướng nằm trong cái bao làm bằng vải dày. Anh chàng này đi lạc đường chăng, hay tới đây định tìm nguồn hứng, tôi tự hỏi.

Mọi người như muốn cướp thời gian để vui sống. Họ không chịu ngồi yên nhìn thời gian trôi nhanh vuột khỏi tầm tay. Las Vegas là nơi họ thích đến để “hành lạc” mỗi năm một lần, hay vài ba lần (Có thể họ còn đến những nơi khác để chen vào những kẽ hở của một năm cặm cụi làm việc). Thế nhưng đại dịch đã ngang nhiên xía vào cuộc sống của họ. Nay “xả cảng”, thì họ phải vội vàng “đến bù”. Họ cùng một nòi với cụ Nguyễn Công Trứ: 


Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù. 


Las Vegas vào những hôm chúng tôi ở lại đông hơn hẳn trước kia. Trong “cơn mê” tập thể đó, chúng tôi cũng bị cuốn hút, nhiều khi quên hẳn cô-vít dù thường được nhắc mang khẩu trang. 


Có người nghĩ rằng Las Vegas là thành phố của tội ác. Người ta đến đó để đánh bạc, lừa gạt, chém giết. Thật ra không phải thế. Las Vegas có rất nhiều sòng bài, và đánh bài theo đúng luật lệ. Nhưng cũng có rất nhiều nơi để thăm viếng, thưởng ngoạn. Nhiều lắm. Chỉ xin lướt qua một số tụ điểm du ngoạn, giải trí. 

Ngay trung tâm thành phố: 

Những vòi phun nước theo điệu nhạc trước khách sạn Bellagio. Vòng quay High Roller đường kính gần 160 mét và có đến 28 ca-bin lồng kính; ngồi trong ca-bin, khi được nó đưa lên cao, ta thấy toàn thể thành phố. Con đường Linq với rất nhiều nhà hàng ăn uống, và những dòng dây song song đưa người bay trên không trung. Khu Nghệ Thuật (The Las Vegas Arts District) với bảo tàng viện, phòng tiển lãm, các trò vui chơi trẻ trung, các món ăn đặc biệt, v.v... 

Xa hơn từ 20 phút đến 40 phút lái xe, có thể đi thăm Vùng Thung Lũng Đá Đỏ (Red Rock Canyon), đập Hoover và hồ Lake Meade, hoặc khu Mountain Spring, v.v... Hoặc thuê máy bay đi xem Las Vegas từ trên không.

Nếu thích coi Trình Diễn (Shows), có thể đến David Copperfield tại khách sạn MGM; Cirque Du Soleil tại khách sạn Treasure Island; Blue Man Group tại khách sạn Luxor; V – The Ultimate Variety Show tại khách sạn Planet Hooywood; Shin Lim/Limitless tại The Mirage Theater. 

Tại những khách sạn lớn như MGM, Mandalay, Ceasars Palace, T-Bobile Arena v.v... có hòa  nhạc, hoặc ca nhạc trình diễn bởi những danh ca nổi tiếng trên thế giới, hoặc những trận vô địch hạng nặng quyền Anh, vô địch UFC v.v... 

Nếu thích thể thao, tha hồ đến những sân vận động với nhiều môn chơi khác nhau. Một sân vận động của đội banh cà na nổi tiếng Raiders (fooball) vừa mới cắt băng khánh thành vào ngày 14/8/2021, có thể chứa tới 65 ngàn khán giả. Một khách sạn trị giá trên 4 tỷ đô-la cũng vừa được đưa vào hoạt động, The Hilton Resorts World. Chúng tôi hăm hở đến xem khách sạn này. Cảm tưởng đầu tiên là nó tuy rộng lớn nhưng trông nặng nề quá. Lại thêm tường sơn màu đỏ thẩm không tươi tắn chút nào. 

Tuy nhiên, công bằng mà nói, hễ nhắc tới Las Vegas, ta nghĩ ngay đến những sòng bài nổi tiếng trên thế giới. 

Thì tất cả khách sạn tại Las Vegas đều có sòng bài ở tâng 1, và được gọi là Hotel and Casino. Chẳng hạn MGM Grand Hotel and Casino, Mandalay Bay Resort and Casino. Những món bài  bạc thường có là Slot Machine, Blackjack (Xì lát), Poker (Xì phé), Roulette. Baccarat, v.v...

Xin nói đến vài môn được nhiều người chiếu cố. 

Thường người nào không biết hay không thích lối đánh bài đòi hỏi phải có một số người cùng ngồi vào bàn tham dự, chẳng hạn poker, blackjack, thì chọn một Slot Machine để ngồi một mình với với cái máy đó. Trước kia môn nay được gọi môn Kéo Cần: nhét chip (thẻ tròn bằng nhựa dùng thay tiền) vào máy, rồi kéo cái cần kích hoạt, và máy sẽ cho kết quả thắng bao nhiêu tiền. Hoặc không thắng, thì nhét thêm chíp vào nếu muốn chơi tiếp. Về sau, khỏi cần kéo cần, chỉ bấm nút, đỡ “tốn sức lao động” và thua nhanh hơn. Chơi trò này ít khi thắng lắm. Có những ông già, bà già ngồi suốt ngày trước Slot machine cạnh những lon bia. Mua chip rẻ tiền chơi lâu, thua ít. Lâu lắm mới thắng một vố to, nhưng cũng không đủ bù cho những trận thua dài dài, bèn khoe với con cháu rằng mình có tay đánh bạc. Có những cặp chờ “check in”, hoặc đang nối đuôi rồng rắn chờ coi “show”, sốt ruột bèn để một người đứng giữ chỗ, người kia xề tới slot machines. Khi trở lại khoe với vợ hoặc chồng rằng mình “bấm” sướng tay mà chỉ thua có vài chục đô-la. 

Chơi trò blackjack chẳng hạn, thì khác. Tại Hotel and Casino Cosmopolitan này, khi ế, mỗi chip đổi 15 đô-la. Khi có nhiều người tham dự, mỗi chip được tăng lên tối thiểu là 25 đô-la. Có thể đặt từ 1 chip đến 100 chips hay nhiều hơn, tùy “cái gan” và túi tiền con bạc. Tại những bàn đánh lớn, mỗi chip tương đương 200 đô-la. 

Hôm nay đông người quá, tôi đến bàn blackjack loại rẻ tiền nhất, loại 25 đô-la mỗi chip. Đã có 5 người ngồi sẵn, may còn một ghế trống, tôi nhảy vào, ngồi giữa một thanh niên gốc Ấn Độ và một nàng da trắng khó đoán tuổi vì đeo khẩu trang. Người chia bài cũng đeo khẩu trang. Dựa theo tiếng nói và dáng dấp, tôi đoán cô này chỉ trên dưới 20 tuổi. Tôi rút trong ví ra 200 đô-la đổi được 8 chips. Nếu xui, sẽ thua mau lắm, trong mươi phút thôi. Tôi tính nếu may thì khi nào ăn tới mức 200 đô, hoặc xui thua hết tiền sẽ thôi chơi, vì tôi có kinh nghiệm rằng khi đã thắng tới một mức nào đó mà cứ ưa thắng thêm, không sớm thì muộn sẽ cháy túi; hoặc thua mà bỏ thêm tiền để gỡ sẽ thua thêm. Đứa con biết tôi thua sẽ chìa tiền bù cho tôi. Không lẽ tôi chê tiền, nhưng quả thật tôi không muốn nhận. Ai lại cứ phung phí tiền của con cái. 

Nghĩa là tôi chơi blackjack để “giải trí” cũng có, nhưng cũng muốn “kiếm chác” đôi chút. Và thua nhiều hơn thắng. Tôi để ý thường thường người da trắng ngồi bàn blackjack để vui chơi hơn là vì tiền. Chẳng hạn cô da trắng ngồi cạnh tôi lấy ra 500 đô đổi thành 20 chips. Khi thắng lớn, hoặc trúng “già dách”, biếu ngay người chia bài năm, ba đô. Trong khi chơi, cô chuyện trò tía lia, vui vẻ, với mọi người, với cả người chia bài.  

“Sao cô đi một mình?”

“Thì có sao đâu. A, mà mẹ tôi đang ngồi đằng khu slot machines.”

“Vậy bạn trai đâu? Chưa có hả?”

“Ô, lại thắng rồi.” Cô reo lớn. Reo xong, cô trao đổi với tôi ngồi bên trái, và người ngồi bên phải, mỗi người một “cú nắm đấm”. Nhẹ thôi. Vì cô-vít nên không đưa bàn tay lên đẩy vào nhau. Rồi cô biếu người chia bài vài cái chips lẻ, mỗi chip  trị giá 1 đô la. Xong cô tiếp tục câu chuyện:

“Bạn trai hả, có chứ, tôi đẹp mà. Bạn tôi thích thể thao, lái xe xuống khu kia từ sáng sớm. Chốc nữa tới đón chúng tôi. Tức là mẹ tôi và tôi. Chúng tôi sẽ lái xe về Colorado suốt đêm.”

Khi bại, cô ta tỉnh bơ, không lằm bằm cáu kỉnh như nhiều người khác. Câu chuyện tiếp tục:

“Thế cô không thích thể thao? Không đi theo bạn trai?”

“Ai bảo anh vậy? Con gái Mỹ thích và giỏi thể thao lắm. Anh không biết sao, nước Mỹ nhờ con gái Mỹ mà vào ngày chót ở Thế Vận Tokyo vừa rồi vượt Tàu về huy chương vàng. Cho nên nhất cả huy chương vàng lẫn tổng số huy chương.”

“Huy chương vàng về môn gì?”

Chưa kịp trả lời câu hỏi đó, cô thua hết các con chips, rút 300 đô-la đổi 12 chips, chơi tiếp, và chuyện trò tiếp:

 “Anh hỏi huy chương vàng về môn gì hả? Về bóng rổ, bóng chuyền, và xe đạp lòng chảo.”

“Thế cô thì chơi môn gì?”

“Tennis. Nhưng kìa, kìa, Bob. Thôi, tôi phải đi ngay. Chào các anh nhé. Chúc anh may mắn. Chào anh chia bài. Bye, bye!” 

Cô đứng dậy còn trong tay 2 chips và 4 chips lẻ. Liền biếu người chia bài 4 chips lẻ, rồi đến quầy đổi 2 chips ra tiền mặt. 


Vừa có tin Cô-vít biến thể lan truyền dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới cũng như tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, nhất là những nơi có nhiều người tụ họp đông đúc. Nhờ hai mũi chích ngừa, sau chuyến đi Las Vegas vừa rồi, tôi vẫn được yên thân. Chờ hai tuần vẫn không thấy cô – vít hỏi thăm, thì ngồi viết những dòng này. Tôi sẽ chích mũi thứ ba trong một ngày gần đây. Las Vegas lại có thể bị đóng cửa trong một thời gian ngắn hay dài tuỳ theo mức độ lây nhiễm.

Con quái vật khổng lồ đó sẽ nằm yên chờ đợi. Rồi sẽ trỗi dậy như nước Mỹ trẻ trung đã bao lần trỗi dậy, ngày càng hùng mạnh sau những biến động kinh hoàng. Tôi không muốn nghĩ tiếp nhưng cái liên tưởng cứ vụt xẩy đến. Người dân của những nước nhược tiểu, đặc biệt trong đó có Việt Nam, đang quằn quại dưới nanh vuốt của cơn đại dịch. Khi nào đại dịch sẽ lắng xuống? Khi nào dân ta sẽ bớt khốn khổ?


24/8/2021

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.