Hôm nay,  

Miếng Ăn

24/07/202111:50:00(Xem: 4266)


1

Sáu giờ sáng. Vừa mới thức dậy, My xem liền tin nhắn của gia đình trong cell phone. Mấy chị em vẫn thường dùng cách “text” để trò chuyện với nhau. Bên này là sáng sớm, bên Việt Nam mọi người đã ăn xong cơm tối.

Em gái út nhắn: 

“Hôm nay chùa cho mấy ổ bánh mì, để trước nhà, mình ra lấy.”

My trả lời:

“Vậy sao? Tốt quá! Bữa trước em nói thèm bánh mì nhưng không đi mua được. Nay thì ước gì được nấy rồi nhé!”

“Mấy bữa chùa cho gạo, em không lấy, để nhường cho người nghèo hơn. Chùa bảo cứ lấy đi, chùa cho đồng đều hết. Hôm nay gặp bánh mì nên em lấy. Chùa còn bỏ tiền ra để đi thu mua rau ở các nhà vườn, về phát cho người dân quanh đây. Nhà mình hay đi cúng chùa, nên chùa cho lại như phát lộc. Mình lại đóng góp tiếp cho chùa.”

“Tình hình bên đó sao rồi, em?”

“Chị ơi, hôm nay khu vực gần nhà mình bị phong tỏa. Sắp tới chắc lại khó khăn thêm. Lo nhất là mua không được hàng, nhất là thức ăn.”

Hai chị em kể hết chuyện nọ đến chuyện kia cho bớt căng thẳng. Kể cho đến khi em gái chào để đi ngủ. 

Đến đêm ở bên này, My lại trằn trọc khi nghĩ đến miếng ăn. My vẫn luôn nhớ câu Má hay nói:

“Miếng ăn là miếng tồi tàn, 

Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.”

Hồi nhỏ nghe câu ca dao này cảm thấy tức cười, nhưng nghe Má giải thích My thấy thấm thía vô cùng. Chắc cũng không mấy ai mất ăn mà tức giận dữ dội lắm đâu! Nhưng nói miếng ăn quý giá thì chắc đúng. Đặc biệt là trong những ngày thiếu thốn, xếp hàng cả ngày để mua gạo. Mà nếu không mua được thì người ta buồn lắm. Nhưng rồi có được trăm phần trăm gạo đâu! Còn có thứ độn nữa, không khoai lang hay khoai mì xắt lát phơi khô, thì bo bo, và cả bột mì. Miếng ăn lúc đó không còn là miếng tồi tàn, mà quý lắm. Cái thời phải chuyển đổi từ mua bán tự do sang cách mua hàng phân phối, cũng khó khăn lắm để thích nghi. Đôi khi con người còn có tâm trạng buồn chán, tự hỏi tại sao mình lại phải chạy theo miếng ăn hàng ngày như vậy. Ba của My, ông công chức quanh năm quen công việc văn phòng, từ chối mãi không chịu mang những thực phẩm được “phân phối” về nhà. Ông nói ông không quen! Cuối cùng ông cũng chịu thua, vì không nỡ để gia đình thiếu ăn.

Đó là câu chuyện của thời cách nay mấy mươi năm. Sau này, khi cuộc sống tương đối thong thả hơn, đã xuất hiện những cảnh ở thành thị nhiều người ăn uống thừa mứa, thậm chí phung phí thức ăn. Nhưng người dân nghèo, người ở miền quê, người ở miền núi thì vẫn không đủ ăn, vẫn phải vất vả kiếm sống. Cái ăn hàng ngày luôn là một nỗi nhức đầu…

Rồi trong giấc ngủ chập chờn, My mơ thấy mình đang trở về những ngày tháng sau cuộc “đổi đời” cách nay mấy mươi năm. My thấy bà ngoại mỗi ngày ngồi lượm gạo, nhặt những hột sạn gom lại một đống, nhìn mà rùng mình. Chưa hết, những con sâu gạo cũng đông đảo không kém! Bà ngoại nói lượm gạo riết thành “cái nghề” cho bà, một cái nghề không lương, cũng vui! My mơ thấy Má đem bo bo đi xay cho vỡ ra, nấu dễ mềm, và đỡ làm đau bao tử. Bo bo có cái tên mỹ miều là “cao lương” nhưng ai cũng sợ, không muốn ăn. My mơ thấy mấy chị em lựa những lát khoai lang, khoai mì bị mốc đem bỏ. Mà đa số là đã mốc! My mơ thấy hôm nào mua được bột mì để ăn độn là coi như hôm đó trúng số. Mấy chị em xúm lại tập làm bánh mì, làm mì sợi, làm nui. Những ngày đến trường, đem một “lon gô” cơm hay nui, mì, bo bo, ăn với muối ớt, là xong, cho cái bụng được vững để vào giảng đường, vào phòng thực tập.

Đó là cảnh “đổi đời” của người dân. Còn cảnh “đổi đời” của những người bị giam trong những nơi gọi là “trại cải tạo” nữa, giấy bút nào tả cho hết! Lúc cái đói trở nên khủng khiếp, người tù tìm bất cứ thứ gì để ăn cho no bụng, bất kể đó là rắn rết, chuột bọ hay côn trùng. Chỉ với một ước muốn: sống còn để trở về với người thân!


2

Sài Gòn đang trong một mùa hè nóng bỏng. Không phải chỉ vì thời tiết, mà như đang ở trong một cuộc chiến. Sài Gòn giới nghiêm! Nói theo từ ngữ thời đại là phong tỏa. Sẽ có dây giăng, rào chắn để không ai ra vào khu vực cách ly. Người có xét nghiệm dương tính với Covid sẽ phải vào khu cách ly. Dịch bệnh mang lại sự sợ hãi đã đành, cái ăn cũng là một nỗi âu lo. Chợ búa đóng cửa, xe cộ nằm ụ nên không chuyên chở được hàng. Người dân dù có tiền cũng không mua được thức ăn. 

Hôm nay em gái út nhắn tin, kể:

“Nhà kia có một vạt rau muống thật tốt. Họ để tấm bảng chữ in rõ ràng: Điểm tặng rau miễn phí. Ai cần đến lấy. Thêm một tấm bảng to, ghi chữ viết tay: Rau muống giải cứu. Ai mua thì bán, 5 ngàn một bó. Ai xin thì cho. Tự bỏ bọc, xin đừng bới móc.”

“Nghe dễ thương quá, em à!”

“Dạ, bây giờ nhiều nơi làm như vậy đó chị! Quyên được nhiều tiền như nhà chùa, nhà thờ, thì mua gạo, mì gói, hàng hóa thiết yếu đem tặng bà con. Người trồng được rau quả thì nửa bán nửa cho, như nhà trồng rau muống kia vậy. Không có xe chuyên chở, chẳng lẽ đem đổ bỏ, mang tội.”

“Hơn thế nữa, em à! Đó là sự tử tế, là lòng thương người, là sự đùm bọc.”

“Đúng vậy. Chị biết không, nhiều người mang thực phẩm đến tặng cho những người ở trong khu cách ly đang rất thiếu thốn, rất tội.”

“Em gái có nhớ năm ngoái nước Mỹ thê thảm thế nào? Ai nghe nói cũng xót xa cho nước Mỹ. Số người nhiễm Covid và số người chết hàng ngày thật không thể tưởng tượng được. Nay nước Mỹ tương đối yên ổn rồi vì đã có vaccine. Nhưng cả thế giới sẽ không thể yên ổn nếu vẫn còn dịch bệnh.” 

“Nay đến lượt Việt Nam!”

Có một khoảng lặng, hai chị em không viết gì. Rồi cùng một lượt, hai câu giống nhau:

“Má có buồn vì con cháu không thể tụ họp ở nhà Má không?”

“Má buồn, hơi trách móc, nhưng đành chịu, phải giải thích cho Má hiểu thôi!”

“Chị không biết đến bao giờ mới có thể về được để thăm Má!”

Em gửi một cái hình “emoji” mặt buồn.


3

Hôm nay em hỏi một câu rất hay:

“Ở bên Mỹ, lúc dịch bệnh, có khi nào phải nhịn ăn không chị?”

“Ồ, có chứ em! Người ta hạn chế đi chợ, hạn chế đi ăn tiệm, nên ăn uống trong nhà cũng phải dè xẻn. Có khi mình nhịn bớt để… mọi người ăn nhiều một chút.”

“Vậy là giống Má ngày xưa.”

“Đại khái là vậy.”

“Mấy bà mẹ thường vậy ha!”

“Thuở di tản, em út còn bé quá chắc không nhớ, bữa nào Má mình cũng nấu một nồi cơm cho mấy chục người ăn, thêm một nồi canh to, một nồi cá to. Nhưng ngày nào bụng Má cũng đói meo.” 

“Hi hi, mấy bà mẹ là vậy.”

“Em út biết không, xưa nay ở xứ mình, có những gia đình nghèo, trẻ con có thói quen ăn cơm không, có miếng thịt thì chừa lại. Ăn mấy chén cơm cho no bụng, miếng thịt vẫn còn nguyên, để dành đến cuối cùng…”

“Người mình đa số nghèo khổ ha chị!”

“Ừ. Bởi vậy, lúc học trung học, khi chị kể câu chuyện cha mẹ con cái trong một gia đình nhường nhau một con tôm do người mẹ đi chợ lượm được về kho, chị được cô giáo Việt Văn khen, các bạn cũng tấm tắc khen cảm động. Nếu bây giờ kể câu chuyện này thì sao nhỉ?”

“Ngày xưa ăn tôm là sang hả chị?”

“Tùy nhà thôi! Nghèo thì cái gì cũng quý. Mà ngộ lắm, ăn thịt gà là sang, ăn cá là nghèo. Qua bên Mỹ thì ngược lại, thịt gà rẻ, coi như bình thường. Còn ăn cá là “healthy” tức là lành mạnh. Ăn cá là sang.”

“Ngộ quá ha chị!”

“À, còn nữa, có một dạo người Việt mình hay nói đến thức ăn “xuất khẩu” để chỉ những mặt hàng phẩm chất cao. Đương nhiên, giá cả cũng cao. Do đó, người dân nghèo khó lòng mua được hàng “xuất khẩu” để dùng. Thí dụ, tôm xuất khẩu thì người nghèo chẳng bao giờ thấy. Thời đó, ra chợ, thấy có bán đầu tôm xuất khẩu. Có nghĩa là… cái mình con tôm thì đã được xuất ngoại rồi!”

“Hi hi, nói chuyện thức ăn cho vui, quên dịch bệnh ha chị!”

“Ừ.”

“Ở bên mình bây giờ người ta cũng dùng cách đặt hàng online, tiện lắm chị à! Nhưng chỉ có một số nào đó thôi, còn đa số dân mình mua hàng theo cách truyền thống, cầm tiền mặt ra chợ, mua bán, trả giá, khen chê… Bây giờ cách này gặp khó khăn, vì ngăn sông cấm chợ. Có một nghề mới, gồm những người đi giao hàng, được gọi là “shipper” nghe hay ha! Họ thường đi bằng xe gắn máy, giao hàng tận nhà. Nhưng lúc này họ cũng gặp không ít khó khăn.”

“Thời Covid bên Mỹ cũng vậy. Người giao hàng an toàn hơn, nhưng cũng tránh tối đa việc tiếp xúc. Họ đặt các túi hàng trước cửa nhà mình, bấm chuông rồi đi. Mình chờ mười mấy phút rồi ra lấy. Thức ăn đem vào đều được rửa sạch sẽ trước khi cất hoặc dùng. Lúc chưa có vaccine, chỉ trông mong vào chiếc khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách và tránh tụ họp. Sau này, chích vaccine rồi, nhiều người cũng vẫn giữ những thói quen đó. Thật ra, điều gì tốt thì mình cứ làm thôi!”


Vẫn là trong giấc mơ chập chờn, My thấy những người bệnh nằm trong bệnh viện, với máy trợ thở. My nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đưa người vào khu cách ly. My thấy mình cầu khấn các đấng thiêng liêng cứu dân mình. Rồi My tự nhủ lòng, thôi thì nghĩ tới miếng ăn… chắc đỡ sợ hơn!

Và thật thế, miếng ăn là miếng tồi tàn, như Má nói, nhưng quý giá lắm. Nghĩ đến miếng ăn, tự nhiên bớt sợ. Chẳng trách nhiều người tìm đến sự ăn uống như một cách để giảm buồn phiền. Nhiều người xem ăn uống là một nghệ thuật. Thời đại dịch, ngay cả ở nước Mỹ, cái ăn cũng trở nên thiết yếu, quan trọng vô cùng. Nhưng trên tất cả, miếng ăn là phương tiện truyền tải lòng nhân, tình thương yêu, sự đùm bọc. Chị em ở Mỹ thời đại dịch không tụ họp với nhau được, vẫn không quên nấu hoặc mua những món ăn, đem đến để trước cửa nhà nhau. Ở Việt Nam bây giờ cũng vậy. Còn nữa, có những người ở tỉnh khác, tìm mọi cách gửi thực phẩm về tiếp tế cho Sài Gòn. Người ở các vùng quê cũng nói thương Sài Gòn lắm!

Một thuở, Sài Gòn và những nơi khác có những thùng bánh mì miễn phí, những thùng trà đá miễn phí, dành cho người nghèo, người lao động, người lỡ đường… Một thuở, Sài Gòn và những nơi khác còn có những quán cơm mang tên Nụ Cười, quán cơm Tình Thương, mang hình bóng của những Quán Cơm Xã Hội thời Việt Nam Cộng Hòa. Người ta vẫn sống với nhau bằng tấm lòng!

My thiếp ngủ trong một niềm ao ước…


Tháng 7/2021

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.