Hôm nay,  

Châu Về Hợp Phố - Bức Tranh Luân Lưu Nửa Thế Kỷ

28/06/202111:21:00(Xem: 4521)

Châu về Hợp Phố là một thành ngữ  gốc Hán: “Hợp phố châu hoàn” có nghĩa là những cái quý giá không thể mất đi được, trước sau cũng quay về với chủ nó.


Châu Về Hợp Phổ - đó là câu nói của Bs Nguyễn Đức Tùng, khi ông có nhã ý trao tặng bức tranh khảm xà cừ để chúng tôi đưa về Mẹ tôi. Chúng tôi thoạt đầu rất áy náy nhưng khi hiểu rõ câu nói và tấm chân tình của ông thì hân hạnh và cảm động được làm người nối tiếp cuộc hành trình 50 năm của bức tranh hy hữu. Bên dưới góc phải của bức tranh là tấm bảng nhỏ ghi tên người tặng là Ba tôi, đại tá Nguyễn Ngọc Khôi đang trong chức vụ thị trưởng Đà Nẵng và người nhận là trung tướng Donn J. Robertson, thuộc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Tấm plaque ghi rõ ngày 14 tháng 4 năm 1971. Qua bao nhiêu thăng trầm, một người trở về quê hương Hoa Kỳ nắm giữ những chức vụ quan trọng trước khi hồi hưu sau 34 năm quân vụ (1938-1972); một người rời bỏ quê hương thành người tỵ nạn trên đất Hoa Kỳ sau quốc biến 30 tháng 4 năm 1975. Bức tranh đã luân lưu theo cuộc đời binh ngũ của ông tướng Robertson và khi ông giải ngũ thì được trưng bày tại tư gia của gia đình ở Virginia. Bây giờ bức tranh đi đoạn hành trình cuối để về lại người, có lẽ là kẻ đem nó về đầu tiên. Đó là người Mẹ gần cửu tuần của chúng tôi.  


Đầu tháng Năm vừa qua, vợ chồng chúng tôi trở về căn nhà Maryland sau gần một năm rưỡi ở lại California vì dịch COVID.  Trong dịp này, ngoài việc được sum vầy với các cháu, chúng tôi còn được gặp lại một số bạn bè và người quen tại một buổi tiệc tại nhà anh Charles Cường và Kim Yến ở Virginia mừng lễ ra trường của ái nữ Joanne. Joanne là sinh viên tốt nghiệp trường Catholic University of America nơi anh Cường đã giữ vai trò là Dean of the School of Engineering trong rất nhiều năm.  Joanne đạt được thành tích là hoàn tất một lần cả hai bằng Cử Nhân và Cao Học nên buổi tiệc mừng rất đông các bạn bè và gia quyến thân thuộc. Buổi tiệc này là nơi chúng tôi được biết đến bức tranh hy hữu lần đầu tiên. 



Như trong những buổi tiệc khi có dịp hàn huyên tâm tình, đa số người Việt hải ngoại, sau khi “nói quanh nói quẩn” nhiều đề tài rồi thì cũng đi vào việc chia sẻ và tìm hiểu xuất xứ của nhau, nơi nào trên quê hương Việt Nam là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, là nơi chất chứa những kỷ niệm không bao giờ quên. Dường như đó là mẫu số chung tạo thêm tình thân của người Việt sống trên đất khách, nhất là khi tìm được người cùng xứ. Thế rồi khi nghe Bs Nguyễn Đức Tùng nói quê ông ở Hội An thì chồng tôi bèn nói vợ anh lớn lên ở Đà Nẵng.  Mỗi lần nói về đề tài “xuất xứ” thì chồng tôi thường bị “lép vế” vì anh ấy là dân di cư 1954 từ Bắc vào Nam, lúc ấy còn là cậu bé mới bảy tuổi, chưa có được những kỷ niệm hoặc một ấn tượng sâu đậm nào về quê ngoại ở làng Kim Lâm, Hà Đông hoặc quê nội là Nam Định. Anh bảo tôi là vào Saigon anh sống trong một xóm lao động, luôn phải “vật lộn” với mớ bài vở. Khi vừa mới lớn đủ để đi chơi thì lại xuất ngoại du học tại Đức quốc. Lần về thăm quê hương đầu tiên sau mười năm vào dịp tết năm 1975 cũng là lần cuối! Mất quê hương, chẳng còn nơi chốn để trở về. Có lẽ vì thế nên chồng tôi rất nhớ những câu chuyện về những nơi gia đình tôi đã sống và thích trò chuyện với Bố tôi về những gì ông đã trải qua ở Việt Nam.  Khi chồng tôi nói tên Bố tôi ra thì Bs Tùng thốt lên là hai vợ chồng ông vừa mua được một bức tranh có tên Bố tôi trên đó.  Ông giải thích là vợ ông thích sưu tầm tranh cổ và đã tìm thấy bức tranh khảm xà cừ này tại một Estate Sale ở Virginia. Bức này có một tấm plaque bằng đồng ghi rõ “To Lt.General Donn J. Robertson USMC, Commanding General, Presented by Colonel Nguyen Ngoc Khoi, Mayor of Danang, Vietnam.”  Lúc ấy dường như có một vài giây im lặng trong bàn tiệc vì mọi người nhận ra đó là một sự tình cờ hy hữu vô cùng. Liền sau đó Bs Tùng nói với chồng tôi là bức tranh ấy phải trở về lại gia đình tôi. Chồng tôi nói nhạc phụ anh đã khuất rồi thì Bs Tùng lại bảo, thế thì phải gởi lại cho cụ bà.  Sau khi nghe chồng tôi kể lại những lời Bs Tùng nói, lòng tôi xao xuyến băn khoăn.  Một phần cảm động vì một vật từng có liên hệ mật thiết với Bố tôi 50 năm trước tại Việt Nam bây giờ bỗng dưng lại hiện diện quanh đây trong tầm tay với. Một phần cảm thấy áy náy vì cử chỉ cao thượng thật bất  ngờ của một người chúng tôi chỉ mới gặp lần đầu tiên.  Càng suy nghĩ, tôi càng cảm thấy sự hy hữu mà chỉ có một từ tiếng Anh mới diễn tả chính xác  - serenedipity – một sự bất ngờ may mắn. Giữa chúng tôi với chủ nhà là Anh Charles Cường thì đã có một mối tình thân vì bố mẹ chúng tôi đã từng là bạn thân với nhau ở Đà Nẵng và anh Cường cũng là dân du học Đức quốc như chồng tôi. Tuy chúng tôi đi dự tiệc tại nhà anh Cường nhiều lần, đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp Bs Tùng. Ví như dịp đó chúng tôi còn ở Cali thì cũng đã không dự được buổi tiệc ấy như vài lần trước đây và cũng sẽ chẳng có cơ hội gặp được Bs Tùng và hay biết về bức tranh này. 


Trước hôm trở về lại Cali, chúng tôi lên văn phòng Bs Tùng nhận bức tranh mang về. Đó là lần  đầu tiên tôi thấy tận mắt những gì Bs Tùng tả. Bức tranh khảm xà cừ với cảnh Hương Giang và Chùa Thiên Mụ nhìn thanh tao, đơn sơ, không nhiều chi tiết cầu kỳ; vẻ mộc mạc và cảnh tượng thanh vắng của bức tranh gợi lên sự tĩnh lặng của xứ Huế ngàn đời khép kín. Đưa tay sờ vào tấm plaque đồng nhỏ khắc tên Bố tôi, tôi hình dung ra nụ cười hiền hoà và ánh mắt thân thiện của ông khi trao tặng cho ông Robertson bức tranh này. Tấm bảng ghi rõ ngày tháng năm. Những chi tiết này làm tôi suy nghĩ mãi và muốn tìm hiểu rõ hơn bối cảnh lịch sử của đất nước và quá trình binh ngũ của Bố tôi vì lúc ấy tôi còn bé quá nên  không nhớ gì nhiều.  


Năm 1971 là thời gian gia đình chúng tôi đang ở Đà Nẵng. Ngày 14 tháng 4 năm 1971, trong chương trình rút quân của Mỹ, là ngày vị tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tham chiến tại Việt Nam, cố trung tướng Donn J. Robertson từ biệt Việt Nam đưa các đơn vị dưới quyền rút khỏi Việt Nam (Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ tại băi biển Sơn Trà vào tháng 3 năm 1965). Trong dịp này, Bố tôi, với tư cách Thị Trưởng Đà Nẵng và Tư Lệnh Biệt Khu Quảng Đà, đã trao tặng ông Robertson bức tranh khảm xà cừ này để cảm ta sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.


Đà Nẵng có lẽ là nơi tôi nhớ nhiều nhất vì đã ở lâu nhất. Những nơi chốn khác, từ Saigon nơi tôi sinh ra cho tới Nha Trang, Đà Lạt, Kontum  và cuối cùng trở về Saigon, hầu như chỉ còn là những kỷ niệm rời rạc vì những di chuyển liên tục theo cuộc đời binh ngũ của Bố tôi. Bố tôi thường nói, nếu đất nước không chinh chiến thì ông đã được ở lại nhà dòng Pellerin ở Huế, đi tu và hiến dâng cuộc đời cho Chúa.  Tuy nhiên thế thời đã đẩy ông vào nghiệp binh ngũ – ông nhập ngũ năm 1950 theo học Võ Bị Quốc Gia, và dòng thời gian đưa ông qua nhiều nơi chốn và phận sự như sĩ quan huấn luyện viên Võ Bị Quốc Gia (1953-1955), tùy viên quân sự tại Hoa Thịnh Đốn (1956-1958), tư lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ (1960-1963), phụ tá đại diện Toà Đại Biểu Chính Phủ tại Đà Lạt (1964-1968), thị trưởng Đà Nẵng (1968-1972), và cuối cùng là thành viên phái bộ thi hành Hiệp Định Paris. Vào đầu năm 1975, sau 25 năm quân vụ, ông được giải ngũ, ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,  và chỉ mong muốn một cuộc sống bình dị với gia đình. Thế nhưng bỗng nhiên thành người tị nạn trên đất Hoa Kỳ. Cho tới khi ông mất năm 2014, Bố tôi chưa hề đặt chân trở lại Việt Nam bao giờ.  Ông được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huân chương cao quý Legion of Merit cho thời gian ông làm việc ở Hoa Thịnh Đốn dưới thời chính phủ Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam (Nguyen Khoi - Recipient - (militarytimes.com) nhưng mãi đến năm 1982 ông mới chính thức được gắn huân chương này tại Los Alamitos, California. 

 

Cố trung tướng Robertson sinh năm 1916 và nhập ngũ năm 1938. Ông tham dự Đệ Nhị Thế Chiến tại mặt trận Thái Bình Dương và qua Việt Nam hai nhiệm kỳ (1966-1968 và 1970-1971). Trong nhiệm kỳ đầu, ông chỉ huy Sư Đoàn Một Thủy Quân Lục Chiến đóng tại Chu Lai, tham gia các cuộc chiến tại các mặt trận Quế Sơn, Đồng Sơn. Trong trận chiến Tết Mậu Thân, ông chỉ huy Operation Allen Brook tấn công Việt Cộng đẩy ra khỏi Đảo Gò Nội cách Đà Nẵng 25 cây số. Ông đã nhận được  Navy Distinguished Service Medal  và những huân chương khác từ chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Trong nhiệm kỳ hai, ông chỉ huy Sư Đoàn 4 và Sư Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, đóng quân ở  Đà Nẵng và đã được huân chương Legion of Merit trong thời gian này. Khi trở về lại Hoa Kỳ, Tướng Robertson đã đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy tại Tổng Hành Dinh Thủy Quân Lục Chiến ở Hoa Thịnh Đốn. Ông mất năm 2000 hưởng thọ 84 tuổi và được chôn cất tại Nghĩa Trang Tử Sĩ Quốc Gia Arlington. Cuộc đời binh ngũ của ông thật oai hùng và đạt được nhiều danh dự cho quốc gia Hoa Kỳ.


Khi mang bức tranh từ Maryland về California, tôi chụp hình và gởi điện thư kể cho các anh chị em trong gia đình biết. Tất cả đều vui mừng và biết ơn Bs Tùng. Chúng tôi dự định sẽ giữ kín không cho Mẹ biết để trao tặng Bà vào dịp sinh nhật 89 của Mẹ vào cuối tháng Sáu. Tuy nhiên, một tuần trước đó, các chị em tôi về Cali dự lễ cưới cậu con út của anh đầu chúng tôi. Cuối tuần đó cũng là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và ngày Lễ Hiền Phụ – Father’s Day nên chúng tôi quyết định trao bức tranh cho Mẹ vào dịp này. Chú tôi là linh mục Nguyễn Ngọc Hàm từng là tuyên úy Vùng 1 Chiến Thuật từ Chicago về dự lễ cưới và sau đó theo lời yêu cầu của gia đình, dâng thánh lễ tại tư gia chúng tôi để cảm tạ ơn trên cho gia đình dòng họ tai qua nạn khỏi trong đại dịch COVID và cầu nguyện cho hương hồn Bố chúng tôi trong dịp Father’s Day. Sau đó chúng tôi mời Mẹ ngồi và chồng tôi tường thuật ngọn ngành câu truyện về bức tranh. Mẹ tôi nước mắt rưng rưng khi nghe nhắc đến Bố tôi và cảm động khi nhìn dòng chữ khắc tên Bố tôi trên tấm bảng nhỏ. Khi chú tôi nghe câu truyện và nhìn kỹ tấm plaque thì ông chợt nhớ ra tướng Robertson là người đã có lần cho chú tôi cùng đáp máy bay trực thăng từ Huế vào Đà Nẵng. Lại thêm một sự trùng hợp lý thú. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Mẹ tôi bảo chúng tôi cho bà gởi lời biết ơn đến Bs Tùng và Khoa Trưởng Cường. Bà nói ở tuổi “gần đất xa trời, sắp về với Chúa” bà chỉ muốn giữ lại kỷ niệm đẹp mà bức tranh gợi nhớ. Bà trao bức tranh cho anh cả chúng tôi, căn dặn nên cho con cháu hiểu về quê hương đất nước và biết về ông Nội chúng để bức tranh này nối tiếp từ thế hệ này sang đến thế hệ sau. 


Anh tôi cảm động trân trọng nhận bức tranh và trong đầu tôi lúc ấy hình dung ra cảnh tượng Bố tôi đang giảng giải cho các cháu với cây thước chỉ vào bản đồ Việt Nam treo trên tường như ông vẫn thường làm mỗi khi các cháu đến thăm ông bà những ngày còn thơ.  Có những buổi ông tụ tập hết các cháu tại một công viên, hỏi từng cháu đang học những gì ở trường và mai sau sẽ làm gì cho đất nước Hoa Kỳ và Việt Nam.  Rồi ông đưa ra một cuốn tập và cho mỗi cháu một trang ghi lại những điều ấy. Sau này khi tình cờ tìm được cuốn tập và đọc lại những dòng chữ Bố tôi viết và lời các cháu chia sẻ, tôi thương và cảm phục Bố tôi vô cùng. Lúc ấy các đứa cháu còn nhỏ dại, ham chơi, chả để ý nhiều đến những gì ông đang muốn chỉ dạy và hun đúc cho chúng. Tuy nhiên, bây giờ đàn cháu ấy đã bước vào “tam thập nhi lập,” bắt đầu có ý thức về cội nguồn và muốn hiểu rõ hơn lịch sử đất nước và gia đình. Bức tranh trở về gia đình chúng tôi đúng lúc để chúng tôi tiếp nối nỗ lực Bố tôi đã làm lúc xưa. Chính các con cháu thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Hoa Kỳ, nhất là các cô cậu bắt đầu xây dựng mái ấm riêng, bây giờ lại có khuynh hướng quay về tìm nguồn gốc. Có lẽ “Châu Về Hợp Phố” không chỉ đúng cho việc tìm lại một vật quý mà thôi chăng? Hay có lẽ cái cội nguồn là  hạt ngọc quý và bất kỳ sau bao nhiêu thế hệ, các con cháu gốc người Việt tị nạn rồi cũng có lúc quay về tìm lại trân châu này….

Tái Bút của Bs Nguyễn Đức Tùng: 

Châu về hiệp phố, cái chữ Duyên đã hiện rõ ở đây. Không ai xứng đáng hơn Cụ Bà Khôi để giữ  bức tranh này. Phải chăng ngày ấy trong tiệc đưa tiễn có thể bà ngồi đó đẹp rực rỡ trong chiếc áo dài Việt Nam khi chồng đại diện nhân dân Đà Nẵng trao tặng; biết đâu các anh các chị con Cụ Khôi cũng có mặt. 50 năm nửa thế kỷ rồi còn gì .

Tôi cứ lẫn quẫn hoài niệm với năm 1971 mình đang làm gì, ở đâu, khi bức tranh được trao tặng. Ngày đó tôi bắt đầu học lớp 12 vưà di chuyển vào SG học trường Petrus Ký; cha mẹ mình đang còn sống và khoẻ mạnh vô cùng, nay thì đã không còn. Vợ mình hiện giờ thì chưa gặp vì vào y khoa mới gặp.  Cuộc chiến sẽ khốc liệt với muà hè đỏ lưả 1972 chỉ một năm sau.

Cám ơn giáo sư Cường mời đến nhà để được ăn ngon và gặp bao nhiêu đồng hương đáng mến, Tùng.

 

 


blank
Hình gia đình tại Saigon giữa thập niên 60


blank

Nguyen Viet Kim 02












blank

    

blank
Hình Tướng Robertson với Tướng Hoàng Xuân Lãm


blank
Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi Thị Trưởng Đà Nẳng



blank
 Mẹ đang lắng nghe anh Nguyễn Viết Kim tường trình câu truyện nhận được bức tranh



Nguyen Viet Kim 04
Linh Mục Tuyên Úy Nguyễn Ngọc Hàm dâng lễ tạ ơn




















blank
Mẹ trao bức tranh cho anh cả Nguyễn Ngọc Khoa



blank
 Mẹ trong ngày sinh nhật 26/6/2021

                                                                                               

Nguyen Viet Kim 05













Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.