Hôm nay,  

Đi Thăm Thiền Viện Chân Nguyên và Tu Viện Sơn Tùng Sau Một Năm Đại Dịch

07/05/202116:52:00(Xem: 4691)
Thien Vien Chan Nguyen
Trước tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)

 

Tại Miền Nam California vào đầu tháng 5 năm 2021 tình hình đại dịch vi khuẩn corona cũng có thể nói là đã được kiểm soát rất tốt mà phần lớn có lẽ nhờ chiến dịch chích thuốc ngừa Covid-19 đã giúp đưa đến thành công. Nếu nói một cách lạc quan thì cuộc khủng hoảng đại dịch đang đi vào giai đoạn cuối mùa.

Chanh Dien Chan Nguyen
Trước Chánh Điện Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)

Các hạn chế được sử dụng để chận đứng đà lây lan của vi khuẩn corona trong một năm qua đã được nới lỏng hay gỡ bỏ từng phần mà trong đó nhiều nơi tại Miền Nam California chính quyền đã cho phép các sinh hoạt tôn giáo tại chùa chiền và nhà thờ được mở cửa trở lại với sức chứa có nơi lên tới 50%.

Anh em trong tòa soạn Việt Báo cả năm qua vì Covid-19 phần lớn đã làm việc tại nhà và hầu như cũng không đi đâu, nhất là đi chùa. Bình thường anh em trong tòa soạn Việt Báo hay đi chùa vào cuối tuần để tham dự các sinh hoạt của Phật Giáo. Rồi đại dịch ập đến và lệnh phong tỏa được đưa ra vào giữa tháng 3 năm 2020 mà trong đó các sinh hoạt tập trung tại chùa chiền đều bị cấm. Từ đó đến giữa tháng 4 năm 2021 nghĩa là hơn một năm, chuyện đi chùa chiền xem như bị xếp lại, cùng lắm là một mình lái xe tới chùa rồi âm thầm vào chánh điện chùa lạy Phật và đi về. Không khí các chùa vốn đã thanh tịnh lại càng vắng vẻ hơn!

Chup hinh vơi Thay Chan Nguyen 01
Với Thầy Trú Trì Thích Đăng Pháp tại Chánh Điện Thiền Viện Chân Nguyên. (Hình Doãn Quốc Hưng)

Trong nhóm anh em Việt Báo thì Doãn Quốc Hưng là người có nhiều sinh hoạt với các nhóm Phật tử trẻ như Giới Trẻ Mây Từ. Dù không còn làm việc cho Việt Báo vì đã và đang làm việc trong ban vận động tái tranh cử của cựu Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda, Hưng vẫn thường ghé qua văn phòng Việt Báo để thăm anh em. Mấy hôm trước, khi lệnh phong tỏa và hạn chế sinh hoạt tại chùa chiền đã gỡ bỏ phần lớn, Hưng rủ mọi người đi tham quan các chùa sau một năm đại dịch. Ý kiến này vừa đưa ra thì đã được mọi người hưởng ứng vì có lẽ nó đáp ứng đúng ý nguyện của các anh em Việt Báo cũng muốn đi thăm chùa vì đã lâu chưa đi. Cũng Hưng đề nghị lần này mình đi thăm Thiền Viện Chân Nguyên.

Chup hinh vơi Thay Chan Nguyen 02
Với Thầy Trú Trì Thiền Viện Chân Nguyên Thích Đăng Pháp. (hình Doãn Quốc Hưng)

Thế là chuyến đi thăm Thiền Viện Chân Nguyên sau một năm đại dịch được thực hiện. Hưng text cho mọi người: “8 giờ sáng Thứ Năm mình bắt đầu đi nha.” “8 giờ sớm quá. 9 giờ đi nhe,” Quang và anh Thanh Huy text lại.

Chưa tới 9 giờ mà anh Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy và anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã có mặt tại bãi đậu xe của văn phòng tòa soạn Việt Báo. Còn anh Tâm Huy Huỳnh Kim Quang tới trễ hơn hai vị huynh trưởng này. Bác tài Hưng tới đúng giờ. Mọi người lên xe. Anh Thanh Huy gọi điện báo cho chị Hằng Nguyễn chuẩn bị để xe lên đó đón.

Cong Tam Quan Chan Nguyen
Nhìn ra cổng Tam Quan Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)

Xe chạy theo hướng bắc của Xa Lộ 57. Ngày thường xa lộ này vào giờ cao điểm tan sở buổi chiều thì rất kẹt xe, nhưng buổi sáng ma đi về hướng bắc thì lại rất trống xe. Từ 57 north qua 60 east rồi lên 15 north, không có chỗ nào kẹt xe lắm, trong khi nhìn sang hướng đối diện của freeway 60 thì xe không nhúc nhích giống bãi đậu xe dài thòng thọc. Bác tài Hưng nói kiểu này khi mình đi về không biết đường có còn kẹt như vậy không. Chị Hằng đề nghị nếu sợ thì một lát đi về mình đi theo Xa Lộ 10 rồi chuyển qua 57 cho chắc ăn.

Bác tài Hưng không những lái giỏi mà còn vui tính và bắt chuyện rơm rả không ngừng làm cho không khí lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và những câu chuyện dường như không dứt.

Khi xe rẽ vào exit để vào Xa Lộ 395, anh Quang chợt nhớ con đường này cũng là đường đi vào Tu Viện Sơn Tùng của Hòa Thượng Thích Minh Dung. Chị Hằng và anh Hưng không bỏ lỡ cơ hội đề nghị lúc về mình ghé thăm Sơn Tùng.

Xe chạy gần 2 tiếng đồng hồ mới nhìn thấy Thiền Viện Chân Nguyên hiện ra trước mặt. Bác tài Hưng chỉ cho mọi người thấy. Trên xe, ngoài anh Thanh Huy và chị Hằng, còn lại 3 vị kia đều chưa đến Chân Nguyên lần nào.

Duc Phat Niet Ban tai Chan Nguyen
Tôn Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn tại Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)

Từ xa nhìn Thiền Viện Chân Nguyên như một ốc đảo màu xanh tươi mọc lên giữa vùng sa mạc mênh mông với cây cỏ vàng úa. Bác tài Hưng cho xe chạy từ từ vào bãi đậu xe rộng thênh thang của Thiền Viện. Mọi người xuống xe. Cái cảm giác đầu tiên mà có lẽ ai cũng cảm nhận được là không khí yên tĩnh của Thiền Viện, chi có tiếng gió rì rào với những tàn cây xanh tươi được trồng thành hàng trông rất đẹp.

Trước Chính Điện là tôn tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cao khoảng 7 mét rưỡi đứng trên tòa sen trong ao nhân tạo. Tôn tượng Phật Bà này được tương truyền trong giới Phật tử Miền Nam California là rất linh thiêng. Mọi người đều đảnh lẽ tôn tượng Đức Bồ Tát và sau đó không quên chụp hình lưu niệm. Từ cổng Tam Quan vào đến tôn Bồ Tát Quán Thế Âm là một con đường dài mấy chục mét lát xi măng và hai bên trồng cây. Đây là mặt tiền tiêu chuẩn của một ngôi chùa đẹp theo truyền thống những chốn già lam của Phật Giáo Việt Nam.

Thầy Trú Trì Thiền Viện Chân Nguyên là Thượng Tọa Thích Đăng Pháp đang ở trong cái cốc phía sau, theo lời một vị Thầy dẫn đường cho biết. Vị Thầy dẫn đường mở cửa phòng và vào trong thông báo cho Thầy Trú Trì có phái đoàn anh em Việt Báo tới thăm. Mọi người vào phòng khách của phương trượng trong lúc Thầy Trú Trì mặc áo hậu vàng bước ra. Thầy mời mọi người ngồi vào ghế.

Tay Phuong Tam Thanh tai Chan Nguyen
Tôn Tượng Tây Phương Tam Thánh tại Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)


Với giọng nhỏ nhẹ và nụ cười luôn không tắt trên môi, Thầy niềm nỡ tiếp chuyện anh em nhà báo. Thầy cho biết trong năm qua Thiền Viện không có sinh hoạt vì lệnh đóng cửa do Covid-19 gây ra. Thầy kể chính Thầy cũng đã bị dính Covid-19 và tự cách ly tại Chùa và đã qua khỏi. Nhà báo Nguyễn Thanh Huy kể vào lúc Thiền Viện khánh thành tôn tượng Phật Bà thì anh cũng đã có đến đây chụp hình và làm tin mà đặc biệt nhất là tấm hình có vầng hào quang trên đầu của Phật Bà. Thầy Trú Trì nhân đó mới kể rằng tính đến nay đã có khoảng hai trăm mấy cặp vợ chồng hiếm muộn con nhờ cầu nguyện trước Phật Bà mà đã có con.

Thầy Trú Trì cũng kể cho anh em biết Thầy đã mua một miếng đất kế bên Thiền Viện với diện tích 9 mẫu tây dự trù sẽ xây Ni Viện cho chư Ni thường trú tu học, nhưng vì sức khỏe yếu – năm nay Thầy đã 79 tuổi – nên đành phải gác kế hoạch này lại.

Được hỏi năm nay Thiền Viện có tổ chức Lễ Phật Đản không, Thầy Trú Trì cho biết Thiền Viện sẽ tổ chức Lễ Phật Đản vào Chủ Nhật ngày 30 tháng 5 năm 2021. Đây là Đại Lễ đầu tiên sẽ được thực hiện sau hơn một năm đại dịch.

Ton Tuong Bo Tat Quan The Am tai Chan Nguyen
Tôn Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Thiền Viện Chân Nguyên. (hình Nguyên Giác)


Sau cuộc đàm đạo, Thầy Trú Trì hướng dẫn anh em Việt Báo vào Chánh Điện lạy Phật. Mới bước vào Chánh Điện mọi người đều nghĩ chắc có mở máy lạnh vì bên ngoài trời thì nóng mà sao bên trong này thì mát rợi. Anh Thanh Huy hỏi Thầy có phải đang mở máy lạnh không, Thầy nói máy lạnh thì có nhưng hiện giờ thì không mở. Thầy giải thích thêm vì trần của Chánh Điện cao và dưới nền thì lát đá nên tạo không khí mát như thế. Chánh Điện này rất rộng có lẽ đủ sức để chứa khoảng 500 người một lúc. Anh Thanh Huy đã hỏi Thầy về kinh phí xây dựng Thiền Viện Chân Nguyên tính đến nay là bao nhiêu, Thầy nói khoảng 16 triệu đô la và điều đặc biệt là Chùa không nợ một đồng nào. Sau đó Thầy dẫn anh em Việt Báo vào thăm thư viện của Chùa. Dường như tôi chưa từng thấy một ngôi chùa nào ở Mỹ có thư viện lớn như vầy. Hàng ngàn kinh sách được để trên các kệ dọc theo các vách tường và ở giữa cũng có mấy hàng kệ để sách. Phần nhiều sách đã có vào danh sách với các số mã được dán nơi gáy mỗi cuốn sách, nhưng vẫn còn nhiều sách chưa được sắp xếp và cho vào danh sách.



Thầy Trú Trì cũng không quên mời anh em Việt Báo ở lại dùng cơm vì cũng đã tới giờ cơm trưa. Thầy dẫn vào trai đường là một dãy nhà hai tầng, với tầng trên để ở và tầng dưới làm phòng ăn mà sức chứa có lẽ vài ba trăm vị vẫn đủ. Buổi cơm chay với rau cải và canh chua thật ngon miệng. Ăn xong mọi người kính lễ tri ân và chào Thầy Trú Trì đi về.

Ra xe trên đường chạy tới Tu Viện Sơn Tùng, mọi người đều nhận thấy sức khỏe của Thầy Trú Trì trông có vẻ yếu hơn lúc trước. Một cơ ngơi Tam Bảo nguy nga đồ sộ như vậy cần phải có những vị đạo cao đức trọng như Thầy để gánh vác. Anh em đều cầu mong Thầy Trú Trì Thiền Viện Chân Nguyên Thích Đăng Pháp sức khỏe đầy đủ để lo cho Phật sự của Thiền Viện.

Bác tài Hưng nói từ Thiền Viện Chân Nguyên qua Tu Viện Sơn Tùng mất khoảng hai mươi mấy phút. Nhưng thời buổi văn minh tiến bộ với khoa học kỹ thuật tối tân thì chuyện lái xe đi tới chỗ lạ không còn sợ bị lạc đường vì có ứng dụng hướng dẫn đường đi trên iPhone. Chỉ cần mở ra và theo lời hướng dẫn trong đó là đi tới nơi. Dù vậy, đi một hồi mà cẫn chưa thấy gì, mọi người hỏi anh Quang có thấy chỗ nào quen quen chưa. Mọi người còn lo không biết mình tới bất ngờ như vầy thì có Thầy Viện Chủ ở đó không. Anh Quang nói ngày thường Thầy Viện Chủ ở Tu Viện và cuối tuần thì Thầy về Chùa Quang Thiện để lo Phật sự nên hy vọng bây giờ mình tới thì sẽ gặp Thầy.

Duc PHat Niet Ban tai Son Tung
Tôn Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn tại Tu Viện Sơn Tùng.(hình Nguyên Giác)


Rồi như định luật tất yếu của nhân quả, có đi thì có tới, sau hai mươi mấy phút chạy lòng vòng theo sự chỉ đường của iPhone, xe cũng tới trước cổng Tu Viện Sơn Tùng. Thấy công Tu Viện đóng kín mọi người có vẻ lo Thầy Viện Chủ đi vắng. Anh Quang xuống xe bước lại cổng thì thấy cổng khóa chặt. Lấy iPhone gọi cho Thầy.

-         Bạch Hòa Thượng có ở Tu Viện không? Xin ra mở cổng cho chúng đệ tử vào thăm Chùa.

-         Có thiệt không? Tôi đang ở Tu Viện đây. Được rồi. Chờ một chút lấy chìa khóa ra mở ngay.

Đi theo Thầy Viện Chủ ra mở cổng Chùa là một đàn “đệ tử” sáu chú chó, lớn có nhỏ có, chạy tung tăng đi trước. Có con ngoắc đuôi. Có con lên tiếng chào khách lạ. Chiếc xe chạy vào Chùa. Đàn chó chạy theo quấn quýt quanh những vị khách lạ mới tới. Mọi người bước xuống xe. Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Sơn Tùng Thích Minh Dung ngạc nhiên khi nhìn thấy phái đoàn hùng hậu của Việt Báo đến bất ngờ, nhưng niềm hoan hỷ thì đã lộ ra trên gương mặt với nụ cười từ bi hỷ xả. Anh Quang giới thiệu hai vị khách mà lần đầu Thầy mới gặp là anh Doãn Quốc Hưng và chị Hằng Nguyễn.

Thầy Viện Chủ dẫn phái đoàn đi sâu vào Tu Viện. Hai bên lối đi là những hàng cây tùng lắc lư vì gió giữa vùng sa mạc khô nắng. Tu Viện tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng rộng 5 mẫu tây. Đến trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn với chiều dài bảy tám thước và chiều cao hơn hai thước, Thầy Viện Chủ giới thiệu với mọi người đây là công trình của chư Tăng Tu Viện tự kiến tạo. Mọi người chụp hình chung với Thầy Viện Chủ trước tôn tượng Đức Phật Niết Bàn và rồi đi theo Thầy vào Chánh Điện. Mấy chú “đệ tử” vẫn đi theo mọi người không rời nửa bước, nhưng khi vào Chánh Điện thì chỉ có một chú vào còn mấy chú kia thì ở ngoài làm nhiệm vụ “canh gác” Tu Viện. Chánh Điện của Tu Viện Sơn Tùng rộng lớn và cao nên không khí thật mát mẻ dễ chịu. Chánh Điện thờ rất đơn giản nhưng thật trang nghiêm, với Tôn Tượng Đức Bổn Sư ngồi ở giữa thật cao. Sau khi mọi người lạy Phật, Thầy Viện Chủ mời lại bàn nước ở góc Chánh Điện để dùng nước, nghỉ ngơi và đàm đạo.

Hòa Thượng Thích Minh Dung, đệ tử xuất gia của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã khai sơn Tu Viện Sơn Tùng vào năm 2010. Trong cuộc đàm đạo, Thầy Viện Chủ ân cần hỏi thăm anh chị Trần Dạ Từ và Nhã Ca cũng như tình hình sinh hoạt thời đại dịch của Việt Báo. Thầy cũng không quên vấn an sức khỏe của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sĩ. Thầy kể rằng nhiều năm về trước đọc một bài phỏng vấn của một tờ báo với nhà văn Doãn Quốc Sĩ khi được hỏi lúc ngồi tù dưới chế độ cộng sản Việt Nam điều gì đã làm cho ông có đủ nghị lực để vượt qua mọi gian nguy và khổ nạn, nhà văn Doãn Quốc Sĩ trả lời rằng nhờ giữ tâm bình lặng mà có thể đứng vững trước mọi gian nguy. Thầy Viện Chủ nói tiếp rằng chính câu trả lời đó mà Thầy có ấn tượng rất đặc biệt đối với nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Anh Doãn Hưng nhân đó cũng kể rằng nhà văn Doãn Quốc Sĩ trước giờ vẫn thực tập thiền định dù lúc ở trong tù và bây giờ gần 100 tuổi Ông Cụ nói rằng Ông “đang sống Thiền.”

Tu Vien Son Tung
Chụp hình với Thầy Viện Chủ Tu Viện sơn Tùng Thích Minh Dung. (hình Nguyên Giác)


Thầy Viện Chủ hỏi thăm nhà nghiên cứu Thiền và Phật Giáo Nguyên Giác Phan Tấn Hải dạo này có ra sách mới không. Anh Phan Tấn Hải nói sắp ra cuốn sách mới và hứa gửi tặng Thầy khi có sách. Thầy cũng không quên kể chuyện vào tháng trước 8 người Trung Đông, gồm 6 phụ nữ, đã vào Chùa Quang Thiện ở Pomona xin chư Tăng làm lễ cầu an cho người mẹ sắp có giải phẫu tim. Trong lúc chư Tăng đang tụng kinh tại Chánh Điện thì đám người này đã vào các phòng trong chùa để lấy trộm nhiều đồ đạc rồi bỏ chạy trước khi chư Tăng phát hiện. Những vụ trộm cắp theo cách này đã và đang diễn ra tại nhiều chùa trên khắp nước Mỹ. Mới ngày 20 tháng 4 năm 2021, tại thành phố Rogers thuộc tiểu bang Arkansas một vụ trộm cắp tại một ngôi chủa nhỏ đã dẫn tới việc cảnh sát bắt 6 người Romania. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Thầy Viện Chủ Tu Viện Sơn Tùng đã nuôi nhiều “đệ tử” để giúp giữ gìn an toàn vào ban đêm nơi vùng sa mạc đèo heo hút gió này.

Thầy Viện Chủ cho biết Tu Viện Sơn Tùng không có sinh hoạt hàng tuần. Mọi sinh hoạt hàng tuần đều được tổ chức tại Chùa Quang Thiện. Tu Viện Sơn Tùng, thời gian trước đại dịch, dùng để tổ chức các khóa tu học định kỳ trong năm như mùa lễ cuối năm hoặc mùa nghỉ hè.

Trên đường tiễn anh em Việt Báo từ Chánh Điện ra cổng Tu Viện để lên xe đi về gió thổi lồng lộng, nhưng có lẽ chưa đến mùa nắng cao điểm nên không khí vẫn còn có thể chịu được. Ở đây khí hậu rất khắc nghiệt, với mùa hè nắng như lửa đốt và mùa đông thì tuyết rơi giá lạnh. Cuộc sống của những vị tu sĩ chắc chắn cần một nội lực tâm linh vững chãi để có thể nhẫn chịu mọi hoàn cảnh thuận và nghịch. Chỉ mỗi sự vắng vẻ tịch lặng mọi bề thì cũng đủ là một thử thách khó vượt qua với những ai không kham nhận với nỗi trống vắng tận cùng.

Trên đường về lại vùng Little Saigon, xe cộ giao thông không được thông suốt như buổi sáng đi lên. Nhưng dường như sau một ngày đi viếng cảnh hai ngôi Chùa vắng vẻ và yên tịnh, lòng mọi người cũng bình lặng, sâu lắng và an lạc hơn, cho nên dù trời nắng và bị kẹt xe ai nấy đều không cảm thấy khó chịu. Đúng là “tâm bình thì thế giới bình!”

Có lẽ vì thế các chuyên gia thời đại dịch khuyên mọi người hãy thực hành các phương thức lắng đọng tâm thức để vượt qua những căng thẳng hàng ngày.

Đối với người Phật tử, đại dịch có thể đến rồi đi dù mang theo nó muôn vàn tai ương và khổ lụy, nhưng vòng xoáy nghiệp lực và quy luật tự nhiên của sinh, già, bệnh, chết sẽ không bao giờ chấm dứt nếu không tự mình thức tỉnh và nỗ lực hành trì Phật Pháp để có đủ nghị lực lội ngược dòng sông sanh tử luân hồi. Đó chính là những gì người con Phật có thể cảm nhận được lợi lạc cao cả nhất trong đời mình mỗi khi đi đến Chùa.

Thiền Viện Chân Nguyên tọa lạc tại địa chỉ 20635 US Hwy 395 - P.O. Box 248, Adelanto, CA 92301; Tel: (714) 656-5004; Fax: (760) 530-7254; Email: tvchannguyen@yahoo.com  Website: www.thienvienchannguyen.net

Tu Viện Sơn Tùng tọa lạc tại địa chỉ 10124 White Road, Pheland, California 92371; Cell Phone: 909-717-2433.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.