Hôm nay,  

Tiếng Nước Tôi

06/03/202115:05:00(Xem: 4693)

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…..

(Phạm Duy)


 Ngày xửa ngày xưa ở ngay trên đất nước này, có rất nhiều người từ các nước trên thế giới tìm tới định cư. Họ mang văn hóa ngôn ngữ của nước họ tới và chia sẻ với nhau trong một vùng nào đó. Tuy nhiên để thích nghi với đời sống của con cái và chính mình, họ phải học hỏi ngôn ngữ và văn hóa của phần đất bao dung họ.


Cha mẹ của bà Emily cũng ở trong những thành phần này. Khi từ Việt Nam tới Mỹ, Emily mới lên 10 tuổi, từ tên Mỹ Lệ, đi học, Mỹ Lệ được đổi thành Emily và chắc chắn Emily nói tiếng Mỹ nhiều hơn tiếng Việt. Cha mẹ Emily cũng là thành phần có học ở Việt Nam. Mẹ là Giáo Sư Việt Văn cho một trường Trung Học Công Lập và Cha thì làm thông dịch viên trong ban Biên Tập cho Hãng Thông Tấn nhà nước. Sang Mỹ, cả hai ông bà cũng như những người khác vất vả hội nhập, kiếm việc trong một hai năm đầu, sau đó họ đều có việc làm tương đối hợp với khả năng của cả hai người, đủ để nuôi con ăn học, cho đến khi con lập gia đình.Vì có Mẹ là giáo sư Việt Văn nên Emily được  Mẹ tiếp tục dạy tiếng Việt, cô nói và viết tiếng Việt khá thông thạo. Mẹ cô nói:


-       Con phải nói tiếng Việt để mai kia Mẹ về già có người trò chuyện với Mẹ.


-       Mẹ biết tiếng Mỹ mà, Mẹ đâu có cần nói tiếng Việt với con.


-       Nhưng chắc về già, Mẹ sẽ nhớ quê hương xứ sở và thích nói tiếng Việt hơn con ạ.


Emily chỉ cười, cho là Mẹ cô hơi khôi hài, bà ở đây lâu quá rồi, cần gì tiếng Việt nữa. Cũng như cô, chỉ khi nào cần thiết lắm cô mới nói tiếng Việt với cha mẹ, thường cha mẹ hỏi gì bằng tiếng Việt, cô trả lời bằng tiếng Mỹ cho nhanh, vì thỉnh thoảng có chữ ít khi dùng tới, cô phải suy nghĩ, rồi dịch trong đầu trước khi nói.


Thoắt một thoáng, cô đã già hơn mẹ cô ngày trước, cái ngày gia đình cô tỵ nạn ở Mỹ. Bây giờ, mẹ Emily thành Cụ và Emily đã thành Bà.


 Cả mấy năm nay bà Emily vất vả với mẹ, Cụ bị suy sụp tinh thần từ khi chồng qua đời đột ngột vì bệnh tim cách đây hai năm. Bà Emily bước vào tuổi 50, vợ chồng bà vẫn còn đi làm và vẫn còn cô con út của ông bà đang học lớp 10. Mẹ bà rất yếu, cần nâng, vực, mỗi lần di chuyển, vệ sinh và tắm gội.


 Bà Emily thuê người về nhà chăm cho mẹ khi bà đi làm. Nhưng việc kiếm người cũng không dễ, phải thay đổi luôn. Đôi khi bà Emily phải ở nhà trông mẹ vì người phụ việc nghỉ bất tử. Cuối cùng mẹ bà nói:


-       Con cứ tìm “Nhà Già” cho mẹ vào, chứ con cứ phải nghỉ việc hoài mẹ nghĩ sẽ khó cho con.


Bà Emily không nỡ, bà nghĩ mẹ bà sẽ thấy buồn lắm, nếu phải vào Nhà Già.


Bà Cụ trấn an con gái:


-       Không sao, cuối tuần, con và các cháu vào chơi với mẹ. Mẹ nói được tiếng Mỹ thì không sợ không có bạn. Mẹ vào đó có người giúp, để mắt đến mẹ thì tránh được vấp ngã.


Sau cả mấy tháng đắn đo, cuối cùng đành phải đưa mẹ vào “Nhà Già”. Bà Emily kiếm được một chỗ khá gần nhà mình, sạch sẽ, giá cả cũng phù hợp với tiền hưu trí và tiền để dành của Bố Mẹ có trong quỹ. Có một điều ở đây toàn là người Mỹ, không thấy người Việt, bà sợ mẹ sẽ buồn, nhưng mẹ bà nói tiếng Mỹ thông thạo và đầu óc còn minh mẫn (chỉ cơ thể yếu đuối thôi) và chính mẹ cũng trấn an bà:


_ Đừng có lo lắng nhiều, Mẹ biết tiếng Mỹ mà con.


Đúng thật, Cụ vào “Nhà Già” mấy tháng là có bạn thân ngay và xem chừng Cụ thích nghi được, Cụ ăn ngủ ngon và lên cân. Có điều Cụ vẫn cần người săn sóc vệ sinh cá nhân.


Vợ chồng bà Emily và các con vẫn mỗi tuần vào thăm Bà Ngoại, rồi dần dần mỗi tháng hai lần, rồi mỗi tháng một lần. Cụ ở trong đó được hai năm, bà Emily vẫn thỉnh thoảng ghé mẹ, nhưng mấy đứa cháu ngoại, đứa đi học xa, đứa lấy chồng xa. Sự thăm viếng mỗi ngày một thưa, bà Emily mỗi lần nghĩ đến mẹ vẫn yên trí, mẹ nói được tiếng Mỹ, mẹ có bạn Mỹ, mẹ “Everything O.K.” Nếu mẹ không O.K thì người ta sẽ gọi mình.


 Sang năm thứ ba, mọi việc vẫn bình thường, khi vào thăm mẹ, bà thấy Cụ vẫn tỉnh táo, vui vẻ. Cho đến một hôm, “Nhà Già” gọi bà vào có việc muốn nói, bà hốt hoảng hỏi:


-       Mẹ tôi có sao không?


-       Không, Mẹ già của bà vẫn bình an, chúng tôi chỉ muốn gặp bà để nói chuyện về sự thay đổi của Cụ.


Bà Emily hấp tấp lái xe vào gặp mẹ, tí nữa thì tông phải cái xe phía trước, mắt bà bây giờ ở tuổi ngoài 50 cũng bắt đầu thấy kém đi nhiều rồi.


Emily tới nơi thì bà Quản Lý “Nhà Già” cho hay là Mẹ của bà, mấy bữa nay vẫn ăn, ngủ bình thường nhưng tự nhiên hình như quên mất tiếng Mỹ, hỏi gì Cụ cũng ngơ ngác và trả lời bằng tiếng Việt, nên người trông coi Cụ không hiểu được Cụ muốn gì và Cụ không muốn gì.


Emily ngẩn người ra hỏi:


-       Việc này đã lâu chưa?


Độ hơn một tháng nay, bắt đầu thì Cụ nói tiếng Việt lẫn vào tiếng Mỹ, sau đó thì chỉ hoàn toàn tiếng Việt và Cụ hình như không hiểu gì khi nghe lại bằng tiếng Mỹ.


Emily hỏi lại bà Quản Lý:


-       Bà cho tôi gặp Mẹ tôi ở phòng ăn được không? Bây giờ 3 giờ, ở đó đang vắng người.


-       Vâng, mời bà vào phòng ăn, để tôi gọi người đỡ Cụ ra.


Bà Emily phân vân không biết chuyện gì đã xảy ra mà Mẹ mình tự nhiên lại quên hết cả tiếng Mỹ. Bà biết là Cụ rất khá, Cụ nói tiếng Mỹ ngang với tiếng Việt và Cụ lại là người thích đọc sách, đọc báo Mỹ.


Bà Cụ vừa thấy con gái thì mắt sáng lên, ríu rít nói bằng tiếng Việt, một tràng dài:


-       Sao con bây giờ mới tới, chắc cả gần ba tháng rồi, mẹ không thấy con. Mẹ muốn về nhà mình ở, ít ra mẹ và vợ chồng con còn nói chuyện được, ở đây họ nói toàn tiếng Tây tiếng Mỹ , Mẹ chẳng hiểu gì cả, buồn lắm.


-       Mẹ nói gì lạ vậy. Tiếng Mỹ của mẹ giỏi lắm mà. Tại sao lại không hiểu?


-       Không con ạ, con cho mẹ về, mẹ có biết tiếng Tây, tiếng Mỹ nào đâu.


Bà Cụ nói xong, ngồi thừ ra một lúc, rồi ứa nước mắt. Bà Emily thấy mẹ khóc, sợ quá, bà ôm vai mẹ nói.


-       Nếu mẹ thật sự muốn về thì con sẽ đón mẹ về, con chỉ còn hai tháng nữa sẽ nghỉ hưu, nhà con thì đã hưu từ năm ngoái. Con sẽ kiếm người phụ thêm ngày vài tiếng thôi. Con trông được mẹ.


Cụ mừng quá, rút tờ khăn giấy ra lau nước mắt đang thi nhau trào ra. Bà Emily ngạc nhiên vô cùng. Tại sao tự nhiên mẹ mình lại quên hết một ngôn ngữ cụ thông thạo cả 50 năm nay mà chỉ nhớ lại ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Bà cho rằng có thể vì muốn về với con cháu nên cụ nại cớ ra, nói dối không hiểu tiếng Mỹ.


Đón mẹ về nhà hơn một tháng, bà Emily để ý, Mẹ không nghe đài tiếng Mỹ, mỗi lần vợ chồng bà ngồi nghe tin  tức thì Cụ không tham dự, lăn cái ghế đủn của mình sang phòng khác, sách báo tiếng Mỹ cụ vứt vào thùng rác, nếu cụ đang ở gần thùng rác. Có hôm cụ cầm tờ quảng cáo của chợ Mỹ, cụ hỏi.


-       Con xem hộ mẹ có thuốc Bổ của mẹ hạ giá không? Mẹ không đọc được chữ Mỹ.


Bạn hàng xóm Mỹ sang thăm, cụ ú ớ không biết nói năng gì cả.


Bà Emily buồn lắm, không biết đầu óc của mẹ mình có vấn đề gì mà tự nhiên quên hẳn một ngôn ngữ mà Cụ đã thông thạo. Bà làm hẹn cho mẹ tới gặp Bác Sĩ Tâm Thần.


Ông Bác Sĩ sau khi khám cẩn thận sức khỏe cho Cụ, nói Cụ chỉ có bệnh lão hóa thông thường ở những tuổi 80 của Cụ thôi. Bác Sĩ nói thêm, thường người bệnh đang ở phút hấp hối, người ta quên hết các ngôn ngữ khác mà trước đây người ta đã học và chỉ biết ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Đây là một trường hợp hiếm là Cụ quên trong khi sức khỏe và đầu óc chưa lẫn. Bác Sĩ khuyên nên thỉnh thoảng nói tiếng Mỹ với cụ để đánh động cái phần trí óc quên lãng của Cụ.


Bà Emily về nhà nói chuyện với chồng, hai vợ chồng bàn nhau, hay là chỉ nói tiếng Mỹ với Mẹ, xem Cụ có nhớ lại không? Điều quan trọng không phải là Cụ không nói được tiếng Mỹ mà là sợ một phần nào đầu óc Cụ bị lãng và dần dần có khi cả tiếng Việt cũng không nhớ.


Khi hai vợ chồng bà bắt đầu thử nói tiếng Mỹ thì Cụ ngẩn người ra, lúng túng không trả lời, Sự lúng túng của Cụ thấy thành thật đến tội nghiệp, Cụ bắt đầu tránh mặt hai người và bỏ cả bữa ăn. Trong vòng hai tuần Cụ hốc hác hẳn và vẻ sầu não trông rất đáng thương. Cụ tự nhiên thành một chiếc bóng im lặng trong nhà vì bất đồng ngôn ngữ. Bà Emily sợ quá, vội vàng nói tiếng Việt lại với Mẹ và Cụ dần dần hồi phục.


Bà Emily nói với chồng:


-       Em nghĩ là mẹ về già, mẹ nhớ quê hương quá, mà ngôn ngữ là phần quan trọng nhất trong những điều một người xa quê nhớ tới. Chắc bây giờ óc của mẹ không còn sáng suốt như hồi trẻ, nó co lại rồi nên có bao nhiêu mẹ dồn hết cho tiếng “Mẹ Đẻ” của mình.


Bà lại đến tìm gặp Bác Sĩ Tâm Thần của Mẹ và nghe ông kể cho bà về những bệnh nhân già, quốc tịch khác nhau, mà ông đối diện với họ vào giờ cận tử. Ông kể là khi họ hấp hối thì họ toàn nói tiếng “Mẹ Đẻ” của họ với Bác Sĩ, Y Tá, không cần biết đó là ngôn ngữ xa lạ, không ai biết, một mình họ biết. Họ tìm về nguồn trong ngôn ngữ.Thật sự những ngôn ngữ bản xứ lúc đó không còn lại trong đầu óc họ nữa.


Bà Emily thương mẹ quá. Mẹ bà đã ở giai đoạn cận tử đâu, Cụ tuy có yếu đi, nhưng vẫn hiểu biết, nghe và nói rõ ràng. Cụ chỉ quên mất cái ngoại ngữ mà Cụ đã được học, đã sử dụng hồi trẻ thôi. Bác Sĩ nói, có thể đây là trường hợp đặc biệt.


 Bà Emily lên mạng, tìm đặt mua sách Việt, băng nhạc Việt (mà chính bà cũng lâu lắm không đọc, không nghe) cho Cụ.


Cụ vui lắm khi mở nhạc Việt nghe. Cụ nói huyên thuyên về tên những Ca Sĩ, những bản nhạc Cụ được nghe từ thời ở quê nhà. Bà Emily thấy mẹ vui và khỏe ra thì cũng vui lắm, nhưng đôi khi nghe những bài hát vọng ra từ phòng mẹ, Bà tự hỏi: “Liệu mình có bị di truyền bệnh này giống mẹ không? Nếu mình cũng quên hết tiếng Mỹ và chỉ nhớ và giữ  “Tiếng Mẹ đẻ” trong não mình, thì ai sẽ trò chuyện với mình. Con mình thì chắc chắn KHÔNG rồi, vì chúng nó chỉ bập bẹ đôi ba câu. Nếu chồng mình chết trước mình thì ai sẽ mua sách Việt, băng nhạc Việt cho mình? Thôi, không dám nghĩ tiếp nữa.”


Một buổi sáng, Cụ muốn ra ngoài hàng hiên ăn điểm tâm. Bà Emily thay quần áo cho Cụ, rồi đủn xe Cụ ra chỗ có nắng ấm áp nhất. Cụ tươi tỉnh xem chừng vui lắm, ánh mắt cụ sáng lấp lánh trong bình minh, Cụ muốn Bà mang chiếc máy cassette nghe nhạc để bên cạnh, Cụ tự chọn băng cho mình. Bà Emily vào bếp pha trà, làm bữa điểm tâm cho hai mẹ con. Khi Bà mang ra thì nghe thấy tiếng hát Thái Thanh lảnh lót vang lên:


“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, Mẹ hiền ru những câu xa vời….À ơi, tiếng ru muôn đời.”


 Bà mỉm cười, đặt khay thức ăn trước mặt mẹ, nói: Mẹ chọn bài này hay quá!


Cụ không trả lời, hai mắt Cụ nhắm lại, hai giọt lệ ứa ra ở hai khóe mắt, miệng Cụ như mỉm cười.


 Bà Emily đặt chiếc khay thức ăn xuống cái bàn nhỏ trước mặt mẹ,


Bà khụy chân xuống nhìn sát vào mặt mẹ, bà thấy đầu Cụ như nghiêng về một bên, hai mắt vẫn nhắm và những giọt nước mắt nữa… và hình như Cụ không còn thở. Bà vòng tay ôm đầu Cụ ngã vào vai mình. Bà yên lặng, vùi cái đầu đã hoa râm của mình vào mái tóc bạc phơ của mẹ.


    Tiếng Thái Thanh vẫn cất lên:


Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…Nước Ơi!


 Trần Mộng Tú

Ngày 19 tháng 1 năm 2021 -

Những ngày cuối năm nhớ nhà, nhớ nước.


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1620 xa xưa con tầu Mayflower đã chở các gia đình người Anh từ Anh Quốc vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ để tìm đất hứa. Ngày nay con tầu này cũng đưa chúng tôi rời khỏi VN để đi tìm một vùng đất hứa như vậy. Chúng tôi đi trong Tháng Tư nên tên tàu April Flower được khai sinh từ đó
Bằng ngôn ngữ không chủ từ, bằng câu kệ không đầu đuôi, tôi cố thuyết phục bệnh nhân rằng chết không phải là chọn lựa thích hợp, rằng đâu đó trên thế gian này vẫn còn một người yêu thương cô hơn yêu thương chính mình, rằng trong những thứ con người có được, không gì quý bằng mạng sống. Tôi nói cho một mình tôi nghe. Tôi kể chuyện mẹ tôi. Tôi kể chuyện cha tôi. Tôi kể chuyện em gái tôi. Tôi kể chuyện nửa đêm tôi quýnh quáng lại nhà người bệnh. Con mắt đứa bé đã đứng tròng, chân tay co giật từng hồi. Muộn lắm rồi. Nhưng người mẹ khóc lóc nài van. Chích cho cháu mũi thuốc hồi sinh. Hay thuốc gì cũng được. Miễn là có chích. Biết đâu cháu nó lại không chết. Mũi kim nhọn ánh lên dưới ánh đèn dầu trong đêm tăm tối. Vậy mà thằng bé lại sống, cô Thắm biết không. Bây giờ cô Thắm biết thằng bé ấy đang làm gì không. Nó học y tá. Nhà nó nghèo không vào trường y được nhưng nó nhất định làm y tá để cứu người. Cô gái vẫn nằm nghiêng quay mặt vào tường. Lạnh băng tượng gỗ. Đôi vai khẽ chuyển động như v
Lão Honda Accord đã quá già, hơn hai trăm ngàn dặm rồi chứ ít sao. Lão đã gắn bó với cậu chủ mười mấy năm nay. Ngày mới về với cậu chủ, lão còn mới toanh, cậu chủ cưng như trứng hứng như hoa, một tí trầy xước trên thân lão cũng đủ làm cậu chủ đau lòng, mỗi tuần cậu chủ tắm rửa đánh bóng lão… Ấy vậy mà giờ cậu chủ chẳng ngó ngàng gì đến lão nữa, lão già và trở nên xấu xí, đôi khi còn giở chứng nữa.
Bất cứ ai sống trên đời, không nhiều thì ít, đều có những kỷ niệm đặc biệt vui buồn in sâu trong tâm trí. Một trong những kỷ niệm này cũng là khi mình từng được lãnh nhận những món quà xem như những kỷ vật tinh thần vô giá được lưu trữ từ đời này đến đời nọ cho con cháu sau này.
Tiếng chuông chùa đòng vọng, vang xa trong không gian buốt lạnh của một chiều cuối Đông khiến quang cảnh quanh chùa trông thật tịch liêu. Mặt trời nghiêng về phía quê xưa. Những tia nắng mong manh nhẹ nhàng ve vuốt từng phiến đá gầy trước sân chùa.
Đăng lại nhớ chuyện con chó bơi qua sông trong một truyện ngắn của sư Giới Đức. Con chó ở chùa nghe chuông, ăn cơm chay, quanh năm quấn quýt với thầy. Một hôm kia nó nghe mùi thịt nướng bên kia sông nên bơi qua bên ấy, bơi đến giữa giòng thì nghe tiếng sư phụ gọi nên bơi quay về, gần tới bờ thì lại thèm mùi thịt nướng nên lại bơi ngược qua sông, cứ như thế nó bơi qua bơi lại đến khi kiệt sức thì chết đuối giữa giòng.
Tôi vẫn tin rằng tương lai một dân tộc, một đất nước sẽ khá hơn khi những công dân trẻ tuổi đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi vì những bạn trẻ đã tự vấn như vậy sẽ không để cho cuộc sống quí giá của mình trở nên lãng phí.
Khi nó mở mắt tỉnh dậy thì có cảm giác cả thân mình nó bị lôi ngược. Nó cố vùng vẫy nhưng cái đuôi có sợi dây buộc. Nó nhướng mắt nhìn về sau thì thấy hai con tàu màu xanh với những sọc đỏ chạy dọc hai bên lườn đang kéo nó ra khơi. Muosa cũng được hai con tàu khác lôi ngược ra xa. Khi cả thân mình to lớn của nó vẫy vùng dễ dàng trong làn nước biển thì sợi dây buộc ở đuôi được tháo ra. Nó ngoái đầu lại kêu “hoop hoop hoop” liên hồi. Nó không biết nói tiếng của loài người, nó cảm ơn những con tàu đã kéo nó về biển sâu bằng âm thanh của nó.
Vốn đã đóng góp nhiều cho một số tổ chức thiện nguyện hàng năm, đặc biệt là tổ chức "Raise Hope for Congo"(Phi Châu), trong đại dịch Aaron Rodgers đã trích một triệu đồng từ tiền túi của mình để giúp đỡ cho 80 cơ sở thương mại ở sinh quán của anh, thành phố nhỏ Chico ở miền Bắc California.
Vẫn như có sẵn định mệnh cho từng người, không ai chọn lựa được đâu! Ai mà biết được mình sẽ chết vì cái gì, chết lúc nào và chết ra sao? Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều người chết nên Ái có một cách nghĩ cho riêng mình. Đó là làm việc bằng tinh thần của một người lính. Giường bệnh là chiến trận. Người lính chỉ có một con đường là chiến đấu.
Ngoài sân tuyết lất phất bay, tôn tượng bổn sư bằng đá trắng như hòa vào trong tuyết trắng, những dây cờ ngũ sắc như viền quanh chùa một vòng kiết giới an lành. Trên đường lài xe về, Sơn nghe ca khúc “ Xuân này con không về” mà khóe mắt cay cay. Bản nhạc tha thiết đầy ắp nỗi niềm của những người con xa quê.
Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên. Nhưng, Trang đưa tay đón, chiếc xe đò dừng lại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.