Hôm nay,  

Kể Chuyện Mà Chơi

01/08/202010:58:00(Xem: 3361)

 


Chẳng biết y trở thành tay kể chuyện tự bao giờ? Y vốn là người chẳng có tài cán hay năng lực chi cả, chỉ được mỗi cái thật thà như đếm và chịu đọc sách, thỉnh thoảng cũng đi đây đi đó nên thu thập khá khá chuyện để mà kể. Thiên hạ nhiều khi cũng khóc cười theo chuyện của y, cũng có kẻ chửi, khi dễ cho là chuyện của y nhạt như nước ốc. Y cười hì hì như thằng khờ chẳng chấp chi, vì y vốn tâm niệm: “Kể chuyện chơi thôi mà!”

Y sanh ra và lớn lên ở một trấn nhỏ thuộc vùng quê xa xôi, ở đây tuy nghèo, dân cư mộc mạc chất phác đến độ quê mùa, nhưng laị đầy ắp những huyền sử hấp dẫn, chuyện cổ sử hào hùng và tàn khốc vào hàng bậc nhất của xứ sở này, thỉnh thoảng có người laị khẳng định đã gặp những nàng ma nữ đẹp thiên kiều bá mị thường khóc dưới đêm trăng. Cái trấn nhỏ ấy đã qua bao đời chủ, tuy khác giòng giống nhưng oanh liệt không ai bằng. Trấn nhỏ nhưng trầm tích chứa trong lòng không hề nhỏ chút nào! Không biết nhân duyên thế nào mà y laị lang bạt bỏ trấn cũ nọ để đến sinh sống ở trấn Mộc Lan này. Kẻ mau miệng bảo may mắn nhưng cũng có người laị hàng hai: “ Chắc gì may mắn? có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Y nghe thế nhưng cũng cười xuề xòa thôi, thời thế nó thế, số phận đẩy đưa, có mấy ai làm chủ được số phận đâu?  Người đời nói gì thì nói, trước sau y cũng chỉ ngoác miệng ra cười hềnh hệch như thằng đần, có khi thì nhếch mép cười ra vẻ khinh bạc, hoặc giả cười giả lả nói đa tạ thế thôi.

Y lên rừng, xuống bể, vào thành ra trấn, về đồng chơi nội…có đôi khi dừng chân ở góc phố nào đó, làm ly cà phê kiểu Ý, ngồi ghi ghi chép chép. Người ta chẳng biết y viết gì mà cắm cúi viết hoài, có người ngứa miệng:

- Lão gàn ấy mà! viết gì mà mải miết viết hoài? rượu không uống, gái đẹp không nhìn, đời vui không hưởng…gàn sao mà gàn thế! cái lão viết ra có làm cho lão sướng chăng? Nó có thú bằng uống rượu chơi gái chăng? Có giúp lão no bụng chăng?

Nghe thế, y ngước mặt lên, cái bản mặt sao mà ngờ nghệch cười tủm tỉm:

- Cái sướng của ta làm sao ngươi biết được? 

Gã kia nghe thế bèn vặn:

- Lão sướng thế nào? Hí hoáy viết là sướng sao? thế lão có điên không?

Y không cười tủm tỉm nữa mà cười thành tiếng khanh khách.

- Cái điên của ta ngươi có muốn điên theo cũng không thể điên được đâu! 

- Vậy thì lão cứ sướng với cái điên của lão nhé! Tôi đi hưởng cái sướng của tôi.

- Ta có bảo ngươi xía vào cái điên của ta đâu? ta điên với cái sướng của ta, ngươi cứ việc sướng với cái tỉnh của ngươi, chưa biết cái điên của ta và cái tỉnh của ngươi cái nào hay  hơn?  Ngươi không thể nào biết cái điên của ta sướng ra làm sao và ta cũng không làm sao biết được cái tỉnh của ngươi sướng như thế nào.

Người kia nghe thế bèn bỏ đi, y laị tiếp tục rị mọ viết, lúc thì y đi chỗ này chỗ nọ kể chuyện cho người đời nghe chơi. Chuyện y kể bên Tây bên Tàu cũng có, chuyện cổ chuyện kim cũng có, đôi khi laị kể chuyện nhơn tình đạo lý, những lúc bực bội quan quyền nhận giặc làm cha thì y kể chuyện sử, chuyện dân tình quốc sự… Những người thường nghe y kể chuyện thì nhận thấy y khoái kể chuyện thiền môn, chuyện chữ nghĩa, những lúc y kể chuyện ấy thì mắt y sáng long lanh, nhìn xa xôi diệu vợi, thân xác y ngồi đó mà tâm thần y như chơi vơi nơi xa khơi, hoặc là nhập thần vào câu chuyện chứ chẳng còn sống với thực tại nữa. 

Y đã từng có ý định “ Thấy người sang bắt quàng làm họ”, gởi thiệp xin cầu kiến kết thân, ký sách tặng những bậc cây đa cây đề… hy vọng bọn họ để mắt đến, hoặc mong được bọn họ cho nhập hội, tiếc thay chẳng thấy bọn họ hồi âm, có thể bọn họ vất vào sọt rác, hay coi như những loại quảng cáo rẻ tiền, cũng có người thương haị nên khen vu vơ, trổng trơ vài lời khách sáo cho có lệ. Có lẽ nhờ thế mà y có được phút giây giật mình tỉnh ra, từ đó  y bỏ ý định kết thân hay nhập hội. Y an phận vui lòng với phần số của mình, ngày ngày rong chơi kể chuyện  với người đời.

Thiên hạ vốn thiên sai vạn biệt, có người không ưa nhưng cũng có một số người thích, chịu cái điên của y, thậm chí vui với cái điên của y, mến mộ và có vài lời khen tặng chân tình. Không biết có phải vì quá cảm kích nên y càng kể chuyện hăng say hơn, cái điên của y càng ngày càng nặng hơn. Không ít lần y dốc cạn những đồng tiền ít ỏi để mua giấy hoa tiên chép thơ tặng khách qua đường. Người ta cười cợt, có người vất ngay tại chỗ, cứ như mấy miếng giấy quảng cáo trĩ mạch lương, keo dính chuột, sơn Nippon… Cũng có người chịu đọc lướt qua rồi nhét vào túi. Một hôm kia, có gã trung niên đi qua. Y kính cẩn tặng mấy tờ hoa tiên chép thơ, người ấy trân mắt nhìn y rồi chăm chú đọc, đọc xong lật qua lật laị xem xét tờ hoa tiên kỹ lắm. Kế người ấy bảo:

- Anh có thể vào vào rượu bên kia đường cùng ta?

Y gật đầu và bước theo người ấy, an vị và một chai rượu Tây ra, gã trung niên ấy vặn hỏi:

- Anh làm thơ như thế liệu có hối hận chăng? thời buổi hôm nay không có chỗ cho kẻ làm thơ, laị càng không có đất cho những người kể chuyện mà chơi như anh đâu.

Y thật thà giải bày:

- Không hề hối hận, âu cũng là nghiệp chữ. Xin cảm ơn tân khách đã có lòng hạ cố, xin nhận đây một lễ bái làm huynh. Thật tình mà nói, mười mấy năm nay ai cũng bảo đệ điên, ai cũng cho đệ không xứng đáng góp mặt cùng mâm cùng chiếu, chưa có ai đối xử với đệ như huynh cả. Đệ xin đa tạ tấm lòng trân quý của huynh

Gã trung niên dường như có vẻ hữu tình liên đới:

- Cảm ơn hiền đệ, ta lang bạt phong trần cũng hơn nửa đời người, gặp đủ hạng người trong thiên hạ, nay gặp đệ ở đây coi như cũng có duyên phần. Ta qúy con người đệ, cung cách đệ và nhất là những giòng chữ đệ viết ra,  mời đệ một chén này!

Y bất chợt lung túng:

- Đệ đã thọ giới, mười lăm năm nay môi chưa chạm một giọt rượu nào.

Gã trung niên cười ngất:

- Thảo nào thiên hạ bảo đệ điên, thế hôm nay vì tình huynh đệ cũng không dám một lần vượt qua sao?

Y thật sự lung túng, chữ nghĩa bay biến mất, không tìm được lời nào để chống chế bèn bưng chén rượu uống cạn. Buổi sơ ngộ thật viên mãn nhưng rồi cũng đến lúc phải giã từ, gã trung niên dúi vào tay y một tấm danh thiếp và bảo:

- Sau này có việc, hãy theo địa chỉ này mà đến.

Y cầm tấm danh thiếp nhưng cũng chẳng nhìn trên ấy viết gì, chỉ nhét vào cái đãy vải đeo bên mình. Kể từ buổi tao ngộ lạ lùng ấy, y càng ngày càng điên hơn, kể chuyện chơi mà quên cả bản thân, quên cả thời gian và quốc độ, càng kể chuyện thì càng điên, điên đến độ như lên đồng nhập cơ, như phê thuốc phiện, như nghiện xì ke. Một hôm y kể chuyện quan quyền bức hiếp, hạnh hoẹ dân lành; chuyện giặc Tàu xà xẻo non sông, biển cả; chuyện triều đình qùy gối ôm chân…Y còn đang say sưa thì nhận được tin nhắn của mật vụ hăm dọa:

- Hãy cẩn thận! chuyện của ông sẽ làm cho ông gặp rắc rối đấy! 

Bạn bè y biết chuyện, bèn khuyên y:

- Thôi, né tránh chuyện nhạy cảm đi! việc đó để triều đình lo! 

Y thấy lòng trống trải dễ sợ, đành cảm ơn cho có lệ chứ thật tình y chẳng muốn nói gì thêm. Bạn bè y phần nhiều đều công thành danh toại, có nhiều đứa làm quan lớn, địa vị cao, tài sản kếch xù. Có đứa trở thành thương gia nghiệp chủ, có kẻ thành bác sĩ, kỹ sư… Nói chung bọn họ đều là ông nọ bà kia cả, bọn họ rất lanh, rất khôn và nhạy bén chứ hổng có điên và hậu đậu như y. Trong đám bạn ấy, có đứa lấy tình đồng môn, kêu y ra quán nhậu nhắn nhủ:

- Kể chuyện tiếu lâm, chuyện tục, chuyện hài có phải vui hơn không? kể chuyện chân dài, đaị gia, gái ghú có phải hấp dẫn hơn không? chuyện thời thượng bây giờ là khoe thân, khoe của, ăn chơi, trai trẻ lái máy bay bà già, trâu già gặm có non, chuyện tình tay ba, tay tư…cả khối chuyện ấy không kể. Lão kể ba cái chuyện dân tình quốc sự chi cho nguy hiểm, lão đừng động đến nữa nhé! Không chừng gặp tai nạn bất ngờ, bị giang hồ chém lầm, bị đuổi khỏi chỗ trọ…lão cứ kể mấy chuyện mà tôi vừa gợi ý đó, tên lão sẽ nổi như cồn laị còn có chút cháo. 

Nghe bạn khuyên thế, y ngoác miệng cười hề hề như thằng ban khỉ, y không trả lời nhưng bụng y đang thầm thì:” Bố khỉ nhà anh, khôn lanh có thừa! thiên hạ đầy những người như anh thảo nào giang san này sứt mẻ, xã hội suy đồi, đạo đức hư hỏng, giềng mối lơi lỏng, văn hoá thụt lùi, ngôn ngữ lai căng, chữ nghĩa nhảm nhí…” Nghĩ thế thôi chứ y không nói ra. Y biết nói với những người như thế thì thà nói với đầu gối của y còn hơn, dù sao y cũng cảm ơn anh ta. Hôm nọ y lại quay về với sở trường của mình, y kể chuyện thiền môn. Xứ sở cố cựu của y ngày nay chùa chiền mọc lên như nấm, toàn những ngôi chùa to lớn đồ sộ cả ngàn lượng vàng, vàng son lộng lẫy, cái thì như cung vua phủ chúa, cái thì như tử cấm thành Bắc Kinh. Tà sư ma tăng quanh năm bày trò cúng sao, giải hạn, mở ngải, trừ tà , phong thủy, cúng đám… giá cả niêm yết rõ ràng, thậm chí cho trả góp. Mấy vị ấy rủng roẻn bạc tiền, ăn uống lu bù, du hí khắp nơi, hội hè tung tẩy… Y thấy thương cho những tín đồ mê muội, cung phụng quá đáng  cho những kẻ lợi dụng lòng tin. Thế rồi giọng của y chùng xuống, y kể về ông tăng nơi am vắng, mắt trừng suốt ba ngàn thế giới, thân gầy guộc mà vững như bàn thạch, gió giông chẳng suy suyển, lợi lạc không lung lay, uy quyền không khuất phục. Bàn tay sư gấy, tấm cà sa mong manh mà chắn cả cuồng phong để hộ pháp, hộ dân, hộ quốc. Ông tăng âý ngày đêm chịu sự uy hiếp của quan nha, đồng đạo  pháp lữ dèm pha, cô lập…Y còn say sưa kể thì có kẻ chen ngang:

- Lão dư hơi rảnh háng, kể chi chuyện khô khan vậy? hãy kể chuyện đaị gia cặp chân dài, chuyện thiếu gia ăn đặc sản cường dương, chuyện tranh ghế ra đòn độc…có phải bốc lửa hơn không? 

Y đập tay xuống bàn cười sằng sặc, cười văng nước bọt, cười rơi nước mắt:

- Ta vốn điên, giờ bảo ta kể những chuyện ấy hoá ra ta tỉnh ư? đem cái điên của ta đổi cái tỉnh ấy thì ta nhất quyết không đổi! Ta sướng với cái điên của ta, một mai hết điên thì liệu ta có còn sướng? ai bảo sao kệ họ, ta quyết sống chết với cái điên của ta, kể chuyện mà chơi, điên lắm! nhưng không điên không được đâu! một mai không điên nữa thì ta có còn là ta không? 

Người kia nghe thế bèn lầu bầu trước khi bỏ đi:

- Đồ điên, điên thật tình rồi! ai laị sướng với cái điên? Sao không vui với cái tỉnh như thiên hạ? điên mà đòi hơn tỉnh được à? 

Thế rồi một hôm kia, có ả má đỏ môi hồng, mắt long lanh đong đưa đến bên y thỏ thẻ:

- Lão  khá bảnh trai, kể chuyện cũng hay! Em thích nghe lão kể chuyện chơi, trái tim em có phần xao xuyến vì lão, ngặt lão điên quá, giá mà lão đừng điên nữa, hoặc bớt điên đi, mình yêu nhau hưởng cái vui của cuộc đời. 

Y nghe xong, bần thần chột dạ:” Ta vốn xấc bất xang bang, không chức tước danh vị, không tiền bạc của cải, chỉ có mỗi cái bụng chữ vớ vẩm ẩm ương, thân ta vốn từ tứ đaị giả hợp mà thành, vậy nàng yêu cái gì ở ta? Nàng bảo thích nghe ta kể chuyện chơi nhưng laị bảo ta đừng điên, nếu không điên thì làm sao ta kể chuyện chơi được? rốt cuộc nàng yêu cái gì đây? phải chăng con gái nói có là không, nói không là có? Sao mà giống hệt Tâm Kinh vậy? sắc tức là không, không tức là sắc đây mà! Ta có nên đừng điên nữa để mà yêu nàng? “ đầu óc y quay cuồng với muôn vàn câu hỏi, những câu hỏi xoáy vào, xoắn xuýt mà không có lời giải. Y ngồi thừ ra đấy, lát sau y mới khẽ khọt:

 - Cảm ơn nàng đã hạ mình chiếu cố đến ta, cảm kích cái tình của nàng lắm, nhưng ngặt nỗi một khi ta không điên nữa để yêu nàng thì lấy ai mà kể chuyện chơi với đời? một khi ta không điên nữa, không kể chuyện mà chơi với đời thì liệu nàng có còn xao xuyến? chính nàng bảo nàng xao xuyến vì ta kể chuyện chơi với đời cơ mà! 

Ả nghe xong, ngúng nguẩy mông, chu mỏ mà bỏ đi. Tối ấy, nằm trong căn nhà gỗ cũ kỹ giữa vườn hoa. Y đang vẩn vơ tìm tứ để kể chuyện cho những ngày sắp đến, chợt có tiếng cười trong trẻo như pha lê thánh thót văng vẳng ngoài hiên. Y lắng nghe, không phải một giọng cười mà có nhiều giọng cười khác nữa, có giọng thì khanh khách giòn tan như trẻ con, có giọng thì ngân nga như khánh ngọc, laị có giọng như suối róc rách giữa rừng và lẫn trong đấy có giọng trầm ấm của nam nhân. Y khẽ vén rèm nhìn ra thì thấy một nhóm đồng nam và đồng nữ bên thềm hoa, hình như bọn họ có thần thông nên biết y nhìn lén:

- A, lão điên vẫn chưa ngủ, mời lão ra ngoài này thưởng hoa ngắm trăng với bọn em, cớ sao đêm trăng thanh hoa quỳnh nở, quang cảnh tuyệt vời như thế này mà lão nằm ru rú trong căn phòng tù túng như thế? 

Y thoáng mắc cỡ với bọn đồng nam đồng nữ, ra đến cửa thì y cảm thấy như hoa cả mắt. Y nghĩ bụng:” Bọn chúng xinh đẹp quá, thơm quá, mơn mởm quá”. Y chống chế:

- Ta đang tìm tứ cho những chuyện sắp kể trong những ngày sắp đến.

Một cô trong bọn đồng nữ cười nắc nẻ:

- Lão khờ quá! người ta bảo lão điên quả thật không sai tí nào, trăng sáng, hoa nở, gái đẹp như thế này không hưởng laị lo tìm chuyện để kể. Lão bỏ cái điên của lão đi! hãy mang nậm Hoàng Hoa tửu ra đây, cùng say với bọn em đêm này!

Y khoái chí ra mặt nhưng lòng còn ngần ngại vì sợ phạm giới:

- Ta thọ giới với lão sư phụ năm xưa, tuy muốn uống rượu nhưng không dám!

Gã đồng nam mặt mày tuấn tú khôi ngô, đưa tay rẽ mái tóc loà xoà trước trán và cười khanh khách

- Lão điên quá mấy em ơi! Lão kể chuyện mà chơi cho thiên hạ nghe bao năm nay, thế mà lão không thông, lão “y ngữ bất y nghĩa”, lão chấp chặt văn tự, đáng thương cho lão. Này lão điên kia! Nhà Phật chế giới cấm là để ngăn ngừa sự say sưa quá đáng, sự đắm đuối hư hỏng chứ nào phải để cấm tri kỷ tương phùng. Nhất hoa, nhất diệp nào khác nhất thế giới, nhất Như Lai! Lão tự phụ một bụng chữ mà lão không thông lý, không rõ lẽ, lão  kẹt vào chữ nên không thoáng nghĩa… thảo nào thiên hạ bảo lão điên. Lão vui với cái điên của lão kể cũng nhất rồi, giá mà lão vượt qua chính lão thì cái điên này mới thật là sướng không gì bằng, thật không chữ nghĩa nào tả được! lúc bấy giờ cái điên của lão mới thật là thượng thừa điên! 

Y nghe gã đồng nam nói thế, giật mình toát mồ hôi đầm đìa, mặc cho không khí đêm khuya đang lạnh hơi sương, bao nhiêu chữ nghĩa bay biến như mây trên đầu núi, đầu óc y lâng lâng, bàn chân cơ hồ như không còn đứng trên mặt đất. Y quay vào căn nhà gỗ lấy bầu Hoàng Hoa tửu giấu trong góc tủ mười mấy năm nay, mang ra thềm hoa, y rót một chén, hai tay nâng rất trịnh trọng:

- Tạ ơn Phật, tạ ơn trời đất, tạ ơn lời cảnh tỉnh của qúy huynh đệ. Ta lâu nay quờ quạng trong cái màn hư ảo mà ngỡ mình sướng vì điên, cứ ngỡ mình điên thật, thật sự chưa phải điên, chưa sướng đúng điệu với cái điên, chẳng qua là mới ngấp nghé cái bờ mé mà thôi! Kể chuyệm mà chơi cho người đời nghe, nếu mình còn dính mắc cái tôi, có người đi kể, có kẻ ngồi nghe, có chưyện để kể đó là hạng xoàng! Đêm nay trăng sáng, hoa quỳnh nở, bọn đồng nam, đồng nữ đến thềm hoa hiên nhà đã giúp ta mở mắt ra và thấy rõ rằng cái điên của ta chưa thật sự điên, chưa thật hưởng cái sướng thật sự của cái điên này!

Y dứt lời, bọn đồng nữ, đồng nam vây quanh kéo tay bẹo má lão, cù lét lão. Bọn chúng cười như nắc nẻ, tiếng cười lay động cả ánh trăng, khuấy động cho làn hương hoa quỳnh tỏa ngan ngát.

- Lão điên thật rồi! giờ lão điên thật sự rồi! Bọn ta yêu cái điên của lão, đến đây vì cái điên này! kể từ đêm nay, lão thật sự sướng với cái điên thượng thừa của lão.

Rượu ngọt, tay mềm, hương thơm làm cho y ngất ngây:”Ta mơ hay tỉnh đây? Ta điên thật sự? ta sướng với cái điên? Bao năm qua kể chuyện mà chơi, tưởng mình có vốn liếng chữ nghĩa khá khá, nào ngờ đêm nay tan biến sạch làu, lòng trống như không gian mênh mông này! Kể chuyện mà chơi, văn chương ấm ớ, chữ nghĩa nhì nhằng, văn tự lôm côm hoá ra không bằng hơi rượu đêm trăng. Ta là ai trong cuộc đời này? ta đến đây để làm gì và mai này sẽ về đâu?”  Y còn ngơ ngẩn như người mặt đất lên cung trăng. Bọn đồng nữ, đồng nam kéo y ngồi xuống ghế, các cô bẹo má, bóp vai. Có kẻ còn mơn trớn hôn lên môi y. Cả bọn cười như thể chưa được cười bao giờ:

- Lão điên thật sự rồi các cậu ơi! Lão đang tận hưởng cái điên của lão. Lão làm cho bọn ta cũng sướng lây vì cái điên của lão. 

Gã đồng nam rót chén rượu mời y, chén rượu sóng sánh lấp loáng ánh trăng tan. Y uống cạn chén rượu, mùi hoàng hoa phảng phất , cái nồng cay cay tê đầu lưỡi, làn sóng đê mê xuyên suốt châu thân y, lan toả vào tận tâm can phế phổi.  Y thấy sảng khoái lạ thường, tinh thần hưng phấn, tâm trí rạng rỡ, bao nhiêu dự tính chuyện kể mà chơi cho ngày mai tan biến sạch trơn như chén rượu cạn. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 072020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.