Hôm nay,  

Tháng Năm Về, Nhớ Tiếng Dương Cầm

26/05/202009:17:00(Xem: 3630)

 


Chuyện xảy ra năm tôi 13 tuổi. Là một câu chuyện cũ xưa, chỉ vài tháng thoáng qua cuộc đời, nhưng chẳng bao giờ xưa cũ trong ký ức của cô học trò nhỏ.


Đó là một buổi chiều, lớp tôi được nghỉ môn học giữa giờ vì cô giáo bịnh. Chúng tôi, ba đứa bạn thân và tôi, rủ nhau ra ngoài trường, tản bộ trên vỉa hè quen thuộc có hàng cây rợp mát. Đi dọc theo đường Bà Huyện Thanh Quan, ngắm những căn biệt thự nằm khuất bên trong khoảng sân rộng, bốn đứa chúng tôi hỏi nhau căn nhà nào đẹp, và thích căn nào. Đứa thích nhà trồng nhiều hoa. Đứa thích nhà có cửa sổ bốn phía, v..v... Bỗng dưng tôi nghe có tiếng dương cầm văng vẳng trong gió khi vừa đi qua. Tôi dừng chân trước một biệt thự cổ kính. Âm thanh phát ra từ trên lầu. Tôi ngắm kỹ ngôi nhà và thấy bức tường đá của nó được phủ kín bởi một loại dây leo có lá nhỏ tròn, bò ngộ nghĩnh. Bức tường cao quá nên tôi không thấy gì bên trong, chỉ nhìn qua song cửa sân. Lúc đó tôi sợ bị người ta bắt vì tội nhìn lén nên đứng xớ rớ một lát rồi đi.


Từ đó, mỗi lần được nghỉ học, tôi không bỏ lỡ cơ hội để đi qua và nhìn vào “ngôi nhà có tiếng dương cầm của tôi”. Giai điệu du dương thường đúng vào giờ những chiều lang thang, tôi hình dung ra một chị dáng mảnh mai với mái tóc dài xõa nghiêng bên bờ vai, những ngón tay thon đang lướt nhẹ trên phím đàn từng đoạn nhạc say đắm lòng người của Chopin, Mozart, ... Hình ảnh sao mà đẹp và thánh thiện quá!


Trên đường đi học, lũ học trò chúng tôi hay cạo nhựa của những thân cây to trồng hai bên lề, vo lại thành hình tròn như quả banh. Nó hơi thơm và tưng lên cao như trái banh nỉ tennis để chơi đánh đũa. Không biết từ lúc nào tôi tự nhiên cũng có thói quen ngồi bên kia đường đối diện căn nhà đó, vo trái banh nhựa cây nhỏ trong tay, ngắm bức tường phủ dây leo, và nghe đàn. Có khi Lan Hương Vũ, bạn tôi, cũng chịu ngồi chơi với tôi một lát rồi cùng đạp xe về nhà. Nó rất tế nhị, chẳng bao giờ hỏi tôi chuyện gì xảy ra.


Một ngày kia, tiếng đàn đang réo rắc bỗng nhiên dừng lại, tôi bất chợt nhìn qua đường thì thấy một “anh” đang đứng ở ban-công hướng mắt về phía chúng tôi. Tôi chăm chú ngó hắn. Lạ quá! Có lẽ nào tiếng đàn lâu nay là của hắn? Còn cái chị tóc dài xinh đẹp của tôi đâu rồi? Hay hắn là đứa em? Nhiều câu hỏi lòng vòng trong đầu khiến tôi cứ ngồi im lặng mà mắt vẫn không rời hắn. Cuối cùng, hắn bỏ vào nhà.


Bị bắt gặp tại trận, tôi mắc cỡ không dám đi qua đường Bà Huyện Thanh Quan nữa. Hơn một tuần sau, không dằn được sự tò mò, tôi trở lại con đường cũ và tự trấn an “chắc là tình cờ thôi”.


Từ xa, tôi đã thấy bóng hắn đứng trên ban-công. Định rẽ qua hướng khác, nhưng lại nghĩ “tại sao phải tránh, đường mình mình đi chứ, nếu hắn còn đó thì tôi sẽ đạp xe đi thẳng, có sao!” Quả nhiên, hắn vẫn đứng đó. Thế là tôi đạp xe đi thẳng, không ngó lên nhưng tôi biết hắn đang nhìn theo.


Lần khác cũng vậy, nhưng hơi lạ... hình như hắn đang vẫy tay chào tôi. Ngó qua ngó lại, chẳng có ai khác ngoài tôi trên đường, đúng là hắn ngoắc mình rồi. Hơi ngần ngại nhưng tôi cũng vòng xe lại, chống một chân bên lề đường trước nhà hắn, ngó lên. Hắn ra hiệu đứng đợi, rồi xuất hiện cùng một cô bé trạc tuổi tôi bên cổng sắt lớn. Hắn hỏi rất tự nhiên:


- Em muốn vào nhà không? Đây là em anh.


Thì ra dân “Bắc Kỳ rốn”. Tôi chưa kịp trả lời thì cô bé đã mở cổng và mời:


- Vào đi, chúng mình học cùng trường, bồ lớp mấy?


Tôi nói lớp đệ lục. Cô bé học trên tôi một lớp. Nhìn cô ta dễ thương, tôi cũng bớt e dè. Mời lịch sự vậy sao không vào, sợ gì. Cái nhà này tôi quá quen rồi, thuộc lòng số nhà, trong sân trồng cây gì, hoa gì, cả cây dây leo bờ tường ngoài kia nữa, tôi chẳng biết tên gì nhưng đã quên hình như nghe ai đó hay là tôi tự nghĩ ra cho nó cái tên ”cây thằn lằn”. Sau này nhớ lại tôi thấy mình quá “gan”, dám ngang nhiên vào nhà người lạ. Ờ, mà thật ra mẹ tôi cũng thường nói tôi là một đứa gan lì mà.


Chị giúp việc bưng chè và nước ra mời anh em hắn và tôi. Hắn nói “em ăn đi, tự nhiên nhé!”. Xời, cái kiểu hắn nói làm tôi mất tự nhiên thì có. Chơi với lũ bạn gái, tôi tha hồ la hét vô tư chẳng để ý để tứ, sao ngồi trong ngôi nhà này tôi lọng cọng, lúng túng đến vậy? Hắn bưng chén chè ăn trước. Tôi cũng làm bộ nhẹ nhàng cầm muỗng. Chè hột sen đường phèn thơm dịu, ăn một muỗng mát cả người. Ăn hết chè mà chẳng ai nói câu nào. 


Nhắp ngụm nước, đôi mắt như biết cười nhìn tôi, hắn cất tiếng:


- Ngon không? 


- Ngon. 


Tôi trả lời cụt ngủn rồi tiếp tục im lặng, thầm mong nước da ngăm đen của mình không tố cáo khuôn mặt đang đỏ bừng vì ngượng.


Hắn thân thiện nói tiếp:


- Em gái anh cũng học buổi chiều, hôm nay được nghỉ.


Tôi nhìn cô bé, tự nhiên hơn:


- Ừ, nhà gần trường đi học sướng ha, chỉ cần đi bộ cũng không sợ trễ giờ.

 

- Bây giờ mình là bạn, rảnh đến nhà chơi. Anh tớ nói bồ hay ngồi bên kia, chờ mát mới về hả?


À, có chuyện này nữa. Giọng cô gái nhỏ nhẹ mà tôi nghe như lời buộc tội của quan tòa. Thì ra hắn theo dõi tôi chứ tôi đâu mắc tội dòm lén nhà hắn. Hừ! Lại còn dám kêu tôi là em. Chẳng qua hắn có em gái học hơn tôi thôi, còn khuôn mặt trắng trẻo thư sinh kia ai mà đoán tuổi hắn được. Nhưng phải công nhận hắn nghiêm trang, chững chạc hơn tôi nhiều. Tuy vậy, thời gian lâu sau tôi vẫn không gọi hắn bằng anh mà chỉ gọi tên xưng tui, giống như nói chuyện với lũ bạn gái của tôi vậy. Hắn thì khi em, lúc tên, và luôn xưng anh. Khoa ăn nói của tôi so với anh em hắn thật là quá tệ!


Quen hắn rồi, tôi không cần mất thì giờ ngồi chầu rìa bên đường nghe ké nhạc nữa. Hắn đàng hoàng mời tôi tới nhà nghe đàn vào mỗi chiều cuối tuần. Hắn luôn tự ra mở cổng và dẫn xe đạp tôi vào sân, vừa đi vừa hỏi han ân cần. Cử chỉ tự nhiên của hắn đủ làm lòng tôi rộn ràng sung sướng. Đôi khi tôi rủ em gái tôi đi theo, nhưng vài lần thì nó chán không thèm đi nữa. Nó nói “cái nhà gì buồn quá”, “mặt ông này lạnh lùng quá”, ... Nhận xét của nó làm tôi tức cười nhưng đâu cần để ý, theo tôi hắn chơi đàn tuyệt mà! Tôi không biết nhận xét hay dở ra sao, nhưng vì hắn có thể đàn cho tôi nghe bất cứ bản nhạc nào tôi yêu cầu nên tôi rất thích. Có hôm hắn hỏi tôi biết hát không. Tôi khoái chí muốn la lên vì được hỏi trúng tim đen mà trả lời rằng, không những tôi biết hát mà còn thích hát nữa, nhưng làm bộ thản nhiên “ờ, biết hát vài bài”.


Từ đó, ngoài việc được nghe hắn đàn, tôi còn hát cho hắn nghe. Ngồi bên cạnh, vừa hát vừa nhìn những ngón tay hắn gõ trên phím đàn, tôi quên hết thời gian. Hắn thích bài “When we were young”, cả lời việt “Khúc hát thanh xuân” và thường khen tôi hát bài này hay. Tôi cũng khen hắn chơi đàn giỏi. Hắn hứa sẽ xin phép bố mẹ cho hắn dạy tôi đàn khi mùa Hè tới.


- Thích không? Hắn mỉm cười hỏi tôi. 


Còn phải hỏi, tôi nghe mừng muốn ôm hắn mà rối rít cám ơn, nhưng lại cứ ngồi trơ người như con ngốc.


Đến khi đã chơi thân với hắn, tôi không còn “giữ kẽ”, kể chuyện lũ bạn quỷ sứ trong lớp cho hắn nghe để cùng cười. Hắn khá hóm hỉnh nhưng mặt lúc nào cũng nghiêm trang. Chắc học sinh trường Taberd nên vẻ ngoài giống cha xứ? Tôi chỉ nghe nói bố hắn là công chức, mẹ ở nhà. Còn bạn bè và cuộc sống của hắn thì tôi không biết. Em gái hắn cuối tuần đi học múa ba-lê nên chúng tôi ít khi gặp nhau. Trong nhà này ngoài anh em hắn, tôi chỉ quen chị giúp việc. Kệ, tính tôi cũng không thích hỏi chuyện gì người ta không muốn kể...


Rồi một ngày cuối tuần đáng ghét, không đáng nhớ lại xảy ra. Như thường lệ, tôi đến nhà hắn chơi. Khi hắn và tôi định lên lầu nghe nhạc thì chị giúp việc xuất hiện:


- Bà bảo cậu tiếp bạn ở phòng khách, bà đang nghỉ.


Chuyện gì nữa đây? Tôi trố mắt nhìn hắn. Còn hắn thì ngạc nhiên nhìn người giúp việc rồi nhìn qua tôi. Mặt hắn dài ra, cặp mắt lộ vẻ buồn bực nhưng thái độ vẫn bình thản. Hắn xin lỗi tôi như thể sợ mất lòng một người bạn quý. Lẽ ra tôi đã đi về ngay lúc đó, nhưng nhìn vẻ đau khổ của hắn tôi không nỡ. Ngồi im lặng một lúc, tôi chào hắn để về. Hắn dắt xe tôi ra cổng, nhẹ nhàng:


- Em đừng giận nhé! Có lẽ hôm nay mẹ anh mệt. Tuần sau em đến chơi.


Không đâu, hắn có lỗi gì đâu mà tôi giận chứ? Còn tuần sau à, không đời nào! Tôi muốn nói một câu gì đó cho bớt căng thẳng nhưng chỉ đặt nhẹ bàn tay mình lên bàn tay hắn đang cầm ghi-đông, nhỏ giọng “về nghen”. Hắn trả xe cho tôi. Lên xe, tôi đạp một mạch không quay đầu lại. Tôi sợ con tim nhỏ bé này sẽ yếu mềm khi nhìn hắn, tưởng tượng hắn như một con chim bị nhốt trong lồng, dù là chiếc lồng đẹp nhất, muốn bay nhảy ngoài bầu trời xanh kia cũng không thể. Vài tháng trước, tôi từng mơ ước có được căn biệt thự đầy hoa, có chiếc dương cầm, có xe đưa đón như anh em hắn. Bây giờ trái lại, thà tôi cứ là con nhỏ mồ côi mà có một cuộc sống thong dong tự tại còn hơn.


Đó cũng là ngày cuối cùng tôi gặp hắn. Tôi thật sự rất tiếc và buồn vì phải chia tay một người bạn mới dễ mến như hắn. Hết nuôi mộng được học piano rồi tôi ơi! Những ngày sắp tới chắc là phải khó khăn lắm mình mới dằn lòng không đi qua đoạn đường này, không lui tới căn nhà này. Tôi nghĩ thầm, nhưng mười ba tuổi, tự ái con nít ghê lắm! Mẹ tôi rất nghiêm khắc nên tôi hay để ý những lời nói của người lớn. Tôi không muốn đến nhà hắn nữa. Chẳng cần giải thích, hắn sẽ thừa thông minh để hiểu. Ở trường, em gái hắn vẫn thường đến tìm tôi lúc giờ ra chơi, nói chuyện vui vẻ, và trước khi về lớp không quên nhắc “nhớ cuối tuần đến nhà tớ chơi nhé, anh tớ hỏi đấy!” Nhưng, tôi đã nói là không đời nào rồi, cũng không suy nghĩ nhiều về chuyện đã qua. Có phải lỗi tại tôi?


Chúng tôi không gặp lại nhau, có thể là xa nhau mãi mãi, nhưng vẫn còn tiếng dương cầm đọng lại trong bài hát kỷ niệm mỗi khi chợt nhớ về thời hoa mộng, và hắn.


“One day when we were young, that wonderful morning in May. You told me, you loved me, when we were young one day...”


Hồ Thị Kim Trâm

Virginia, May 2014

Ý kiến bạn đọc
26/05/202019:18:53
Khách
Dễ thương như những truyện Tuổi Hoa của Sài Gòn ngày xưa!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.