Hôm nay,  

Ôn Dịch

21/05/202014:40:00(Xem: 3519)

 


 Cả ngàn cây im phăng phắc, không một chiếc lá lay, không một cơn gió thoảng. Khu rừng trầm lắng đến độ có thể nghe được âm thanh tăng trưởng của từng thớ gỗ trong thân cây, cái không khí lặng mà căng như dây đàn, nó dồn nén tưởng chừng chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm bùng lên, nổ tung ra. Toàn bộ cây rừng đang lo lắng cho số phận của mình, dù biết rằng có lo sợ cũng không giải quyết được gì, nhưng một khi đứng trước cái chết gần kề thì không thể nào không lo. Các loài thú rừng, chim muông, sâu bọ…cũng hoang mang tột độ. 

 Cụ thông già vài trăm tuổi nhưng thân hình rắn rỏi vươn thẳng lên trên không, mái đầu xanh thẫm, thân rất ít cành nhánh. Cụ đã trải qua bao nhiêu bão tố, tuyết băng… mùa đông có lạnh thế nào đi nữa cũng không thể làm suy sắc xanh của cụ. Cụ là chứng nhân biết bao chuyện buồn vui của khu rừng này và thế sự của loài người quanh đây. Cụ cất tiếng ồm ồm:

 - Kiếp nạn chúng ta sắp đến rồi, bọn người sẽ đến chặt phá, ủi trọc khu rừng này. Bọn họ dự định xây một thương xá mới ở đây. Bọn họ thật ích kỷ và lãng phí! những thương xá cũ vẫn còn bền vững nhưng quyết bỏ đi để xây cái mới. Bọn họ sống nhờ dưỡng khí của chúng ta cung cấp, điều hoà chúng ta làm, chắn bão chúng ta lo, ngăn xói mòn lũ lụt chúng ta liều thân…Ấy vậy mà bọn họ laị đi haị chúng ta không thương tiếc. Bọn họ thậm vô minh, haị chúng ta cũng tức là haị chính bản thân họ, con cháu họ. 

 Bấy giờ khu rừng mới lào xào, có tiếng thút thít, tiếng thở dài, thậm chí có tiếng phẫn nộ. Bọn cát đằng, cát căn, tường vi, đậu biếc, chùm ớt… quấn quýt nương nhờ những thân chủ quanh đấy rên rỉ:

 - Chúng ta chết ư? làm sao bây giờ? Chúng tôi không muốn chết! 

 Những hạng tầm trung như: hoàng điệp, xoan, táo nhơn, dogwood… thì run rẩy:

 - Kiếp nạn thật rồi! bọn ta dâng hoa quả cho đời, thế mà bây giờ bị haị, thật không công bằng tí nào! 

 Đám cây bụi: cùm rụm, dú dẻ, mận gai, mân xôi, việt quất…than vãn ỉ ôi:

 - Chúng mình thấp cổ bé họng, sống chết bởi tay người. Chúng mình góp cho đời quả ăn, thuốc uống nhưng giờ người đối xử không ra làm sao cả! 

 Riêng đám cỏ gấu, cỏ cú, mắc cỡ, cỏ may…chẳng biết vì đần độn, vô tư lự hay nâng bi mà trơ tráo tuyên bố:

 - Chuyện lớn có người lo, chúng ta cứ sống mà hưởng là được rồi, đừng nghe lời xúi của bọn phá đám! 

 Đặc biệt họ nhà dương xỉ, tuy thân thảo nhỏ bé, mền yếu nhưng laị có sức sống mãnh liệt phi thường. Dương xỉ vẫn thường tự hào:

 - Tổ tiên nhà tớ có mặt ở thế gian này từ kỷ Jura, tuổi ngang bọn khủng long, bọn ấy và bao loài khác bị tuyệt chủng thế mà họ nhà tớ vẫn còn đến hôm nay. Bọn tớ là nhân chứng sống, là hoá thạch sống của loài thực vật. Họ nhà tớ đã từng trải vô số kiếp nạn: động đất, cháy rừng, đất lở, lũ quét, bão tố, băng hà… nhưng vượt qua cả! 

 Lời thì thầm của dương xỉ như làn sóng âm vang trong hư không, muôn loài đều cho là phải, phần nào trấn an cây rừng và muông thú. Cây bạch quả cũng là cư dân lâu đời nhất nhì của khu rừng, danh phận cũng thuộc hàng có số má. Thân cao to, chỉ thua loài cù tùng, tuyết tùng mà thôi. Tuy thân dáng dấp trượng phu nhưng tâm hồn như cô gái, mỗi mùa thu là vàng rực cả lên, lấp lánh sắc màu, tung vào không gian muôn triệu chiếc lá rực rỡ như bướm bay. Lá bạch quả làm sáng cả khu rừng, thảm lá đẹp như người ta rắc cánh hoa, rắc kim tuyến trên sàn catwalk của những cô đào xi nê. Bạch quả vượt trên tán rừng, nói riêng với cụ thông:

 - Kiếp nạn này thật nghiêm trọng, bọn chúng ta chết đã đành, chỉ e con cháu tuyệt diệt, vô số thú rừng mất giống, muôn loài thê thảm thay. Nếu ngày xưa cháy rừng, động đất, bão tố… chỉ ảnh hưởng một khu vực nào đó thôi, còn kiếp nạn này thì tất cả cùng chung số phận. Bọn người kéo đến với máy móc cơ khí và phương tiện hiện đaị thì không một loài nào có thể thoát. Bọn người dùng hoá chất khai quang, chất sinh hoá… thì tất cả chết sạch! cậu thấy đấy, hàng triệu ha rừng đã cạo sạch, đất đai sa mạc hoá, hàng ngàn kênh rạch bị lấp, nhiều ngàn con sông bị bức tử, nhiễm độc, đaị dương nhiễm độc, rác thải nhựa ngập biển… những con cá voi vốn là cư dân khổng lồ của hành tinh này cũng chết oan vì nuốt nhựa. Cái chết đang đe dọa muôn loài! Bọn người chỉ là một phần nhỏ cùng cộng sinh ở thế gian này, nhưng lòng tham, sự ích kỷ, tàn độc đang ra tay haị muôn loài, bức tử mẹ thiên nhiên. 

 Những cây dầu nghe lọt lời tâm sự của bạch quả, lòng cũng sầu vô hạn, thả những quả dầu xoay tít trong không trung để cầu nguyện:

 - Mong cho kiếp nạn này sớm vượt qua, mong sao loài người tỉnh thức, ngừng bức haị thiên nhiên. Họ phải hiểu rằng: Bức haị thiên nhiên chính là tự haị mình, tự đầu độc chính mình! 

 Cây chò chỉ, cây sao, cây sồi… chụm đầu bàn bạc:

 - Chúng ta phải có kiến nghị, cư dân của khu rừng này cũng như những nơi khác ( dù chưa bị haị) cũng phải lên tiếng! nếu im lặng thì hôm nay chúng tôi chết, ngày mai sẽ đến lượt các bạn!

 Gió nổi lên ầm ầm, cả khu rừng lay động, gió lan từ rừng này sang rừng khác, gió vượt qua triền đồi, gió thổi lên non. Muôn loài hưởng ứng lời kêu gọi sinh tử thống thiết. Cây tuyết tùng hiệu triệu:

 - Hỡi cư dân thảo mộc! loài thân gỗ, thân thảo; loài lá kép, lá đơn; loài thường niên, loài mùa vụ; loài đứng thẳng, loài leo quấn; loài thân ngầm, thân lộ. Hỡi cư dân muông thú! Loài có thân chạy cánh bay, loài có chân đi vây bơi, loài trên cạn dưới nước, loài có da có lông, có vảy, loài hai chân bốn chân hoặc nhiều chân; loài sống thọ sống ngắn…Tất cả chúng ta cùng cộng sinh, tương tác qua laị với nhau. Loài người cũng cùng cộng sinh nhưng ra tay tàn độc. Chúng ta chết bọn họ cũng chết, chúng ta sống bọn họ mới sống được. Chúng ta phải lên tiếng, phải hành động, bằng không thì chết tất cả! 

 Gió đưa lời tuyết tùng bay xa, bay cao khắp bốn phương. Rừng rùng rùng lay động, muông thú rền rĩ, biển dâng sóng lớn, đất chấn động trong lòng làm làn sóng toả khắp mặt địa cầu. Các vị thần nương cây cao bóng cả dùng thần lực truyền lời kêu của tuyết tùng vang khắp cõi người ta. Vô số các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần biển…cùng trợ lực cho lời tuyết tùng mạnh mẽ hơn, thẩm thấu hơn vào tâm can của bọn người. Các vị thần hứa:



 - Chúng tôi sẽ hộ vệ những người biết bảo vệ thiên nhiên,  tìm mọi cách cảnh tỉnh người mê muội tàn độc. Kiếp nạn này tuy nguy hiểm nhưng có thể khắc phục được, chỉ cần loài người giảm bớt tham, bớt mê muội và tàn độc thì tất cả sẽ được cứu! 

 Cây bồ đề nói chậm rãi nhưng rõ ràng rành mạch từng lời: 

 - Loài người vô minh đã lâu, cái bản tánh của họ bị mê mờ vì tiền bạc, danh vọng, sắc dục…Cái tâm họ vốn như tấm kiếng, nhưng vì buị đất, sắc màu phủ lên, giờ phải lau bụi và sắc màu đi thì họ sẽ tỉnh ra thôi! Tuy nhiên nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm, cần phải kiên trì và thời gian dài. Một khi loài người tỉnh ra thì họ sẽ an, họ an thì muôn loài mới an theo. 

 Thần cai quản thú rừng buồn rầu:

 - Cư dân chúng tôi cai quản ngày càng cạn kiệt, nhiều loài bị  tuyệt chủng và nhiều loài nữa đang bị đe dọa. Những con thú vô tội là nạn nhân của con người, họ tận dụng mọi cách để bắt và sát haị. Ngày xưa với bẫy thú thô sơ thì không sao, ngày nay với phương tiện khoa học kỹ thuật cao, nào là súng, lưới, âm thanh giả, sóng âm nhân tạo…họ tận diệt không thương tiếc. Các con vật trên không, trong rừng, dưới nước đều bắt cho kỳ hết. Họ ăn thịt, lấy da, lấy lông, lấy vuốt, lấy ngà, lấy xương…trăm ngàn cách giết tàn bạo để ăn thịt, uống máu, nấu cao, giết để làm thú tiêu khiển… Những con thú vô tội, ngày đêm sống trong sự sợ hãi. Rừng núi cào phá, sông ngăn, biển lấp, bức haị mẹ thiên nhiên như thế thì sớm muộn gì cũng phải nhận lấy hậu quả thảm khốc!  

 Thế rồi khu rừng san phẳng, toàn bộ cây rừng triệt hạ, muông thú chết, chỉ một số ít vượt thoát sang những khu rừng khác. Nơi ấy mọc lên một thương xá đồ sộ, người vào ra mua bán ì xèo , bao nhiêu của cải, quần áo, phấn son, đồ đạc trưng bày lềnh khênh. Trong dãy hàng ăn  bao nhiêu xác thú rừng treo lủng lẳng: thịt hưu, nai, hoẵng, lợn lòi…trong những cái lồng sắt bọn chồn, thỏ, nhím, rắn… ngơ ngáo, đau khổ hoảng loạn trong cơn sợ hãi hùng. Chúng gào lên ư ử, chạy tới lui để tìm đường ra  trông thật đau lòng. Những nhà hàng đặc sản bày bán thân xác của cư dân rừng nào là: lẩu pín cọp, tay gấu, tim rắn, óc khỉ, súp dơi, bào thai chuột, thậm chí nhau thai của chính bọn người. Hồn các con thú căm hờn rền rĩ từ ngoài chợ cho đến bếp nấu và quanh bàn ăn của các thực khách. Chúng kêu đền mạng, chúng đòi trả oán, chúng gào khóc phải trả laị máu thịt của chúng…Tiếc là bọn đầu bếp và đám thực khách không nghe thấy, không hay biết chi cả. Cuộc sống kim tiền càng thịnh thì các con thú càng chết thảm, xác chúng sẽ chế biến thành những món ăn độc nhất cho bọn người nhiều tiền ít đức, thừa kim ngân thiếu tình thương, dư của cải thiếu lương tâm. Bọn họ tin rằng: ăn thú rừng với những cách chế biến tàn độc ấy sẽ cường dương, bổ thận, sẽ sống lâu để hưởng thụ… Loài dơi vốn chẳng haị ai, laị có ích cho bọn người. Dơi ăn muỗi mòng, côn trùng  thế mà chết thảm trong bát súp, xác chúng trong bát súp trông ghê rợn thế mà bọn người vẫn ăn ngon lành. Điều ấy cho thấy cái tâm của bọn người còn ghê rợn hơn. Cái ý niệm hư huyễn vô căn cứ của bọn thực khách là ăn thú rừng sẽ bổ thận, cường dương ấy đã haị không biết bao nhiêu loài. Thật ngu muội, không khoa học, bằng chứng là những người không ăn thịt thú rừng, thậm chí không ăn bất cứ thịt gì vẫn khoẻ mạnh, thậm chí còn khoẻ mạnh hơn, an lạc hơn! 

 Thế rồi một ngày kia, đột nhiên từ thương xá ấy xuất hiện một căn bệnh lạ. Những kẻ mắc phải đều đau nhức, ho khan, phổi hư, không thở nổi và chết trong đau đớn. Căn bệnh nhanh chóng lan tràn khắp thành phố, rồi nó theo những dân di trú, du lịch, ngoại kiều… lan ra toàn thế giới. Bấy giờ loài người kinh sợ, lớp lớp người chết, vô số người nhiễm bệnh. Căn bệnh quái lạ không có thuốc ngừa hay thuốc chữa vì nó mới lạ quá. Căn bệnh lây lan không biên giới, không giai cấp, không phân cao thấp, từ thường dân cho đến quan chức, từ nghèo hèn cho đến giàu sang, không phân biệt nam - nữ, đông - tây… ai ai cũng hoảng kinh, tự bịt miệng, bịt mũi mình laị, tự mình tránh xa loài người hoặc bị buộc phải cách xa loài người. Lịch sử loài người chưa bao giờ có hiện tượng quái đản lạ lùng như thế. Loài người phải trốn trong nhà như những con thú ẩn trong hang. Phố phường vắng hoe, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hoá, thể thao, tôn giáo…hủy bỏ. Các khoa học gia, bác sĩ lao vào chế thuốc nhưng vẫn chưa thấy bất cứ tia sáng nào ở cuối đường hầm. Xã hội loài người ngưng trệ chỉ chừng vài tuần, vậy mà bầu khí quyển ở các thành phố trong trẻo trở laị, khói bụi ô nhiễm giảm thiểu, đến độ đứng ở xứ Ấn có thể nhìn thấy Hy Mã Lạp Sơn (điều mà trước kia không thể, vì ô nhiễm quá nặng), tầng ozone phục hồi laị một cách kỳ diệu, những con kênh trong xanh, đàn cá heo từ đaị dương vào sâu tận thành viene, các loài rùa vích lên bờ đẻ trứng mà không sợ loài người, thú rừng xuống đường hoặc tràn vào những trấn nhỏ gần rừng. Thiên nhiên dường như lấy laị những nét hoang sơ của buổi ban đầu. Bấy giờ loài người sợ đụng thú hoang, sợ thịt thú rừng. Loài người sợ loài người luôn, không bắt tay nhau, né nhau, thương nhau cũng không laị gần, không cả xã giao. Loài người kỵ kẻ đối diện như giặc, như kẻ mang mầm bệnh, người với người nhìn nhau và ai cũng nghĩ kẻ kia là quái vật ôn dịch. Loài người kỵ nhau, đổ lỗi cho nhau, trách móc nhau và tăng tốc độ chơi xỏ nhau. Giữa lúc ôn dịch vậy, lẽ ra phải tỉnh, đằng này có kẻ còn lợi dụng ôn dịch dàn quân ra để giành thế bá chủ, cướp biển, cướp đảo, lập quận… Ôn dịch vốn nguy hiểm vậy mà cái tư tưởng ôn dịch kia còn nguy hiểm hơn. 

 Các vị thần dường như cũng im lặng, không bảo cho loài người biết là nạn ôn dịch ấy từ súp dơi, từ thú rừng, chợ cá hay từ phòng thí nghiệm sinh học mà ra. Riêng hồn muông thú và các cây rừng chết oan mạng thì phần nào hả hê vì đã rửa được một chút oán hận.

 Loài người vẫn vật vã trong cơn dịch, loay hoay chế thuốc, tung ra tin giả, thuyết âm mưu… Loài người đang gạt nhau để mưu lợi, nạn ôn dịch kia mới xảy ra nhưng rồi sẽ qua. Riêng cái tư tưởng ôn dịch bành trướng muốn làm bá chủ kia thì ngàn đời nay vẫn còn, chẳng những không thuyên giảm mà càng ngày càng ngông cuồng hơn.


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 052020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết hát nhưng thích nghe nhạc và thuộc cả một “kho tàng” nhạc đủ loại của nhiều tác giả như Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Trịnh Công Sơn…( còn nhiều nữa, không thể kể hết) và đặc biệt tôi cũng mê dòng nhạc Bolero...
Mười chín tuổi, tôi trở thành một dân quân du kích. Tôi được phát một khẩu súng và một băng đạn. Tôi cũng được tập bắn súng, nhưng mỗi lần tập chỉ được bắn ba phát vì không có nhiều đạn. Khẩu súng là vật bất ly thân, mặc dù công việc của tôi mỗi ngày là trồng ngô sắn, và đi mua lương thực như thịt cá về cho nhà bếp...
Người đàn bà tóc búi cao, cổ thon dài tuy trang điểm nhẹ vẫn để lộ nét đẹp mặn mà một thời son trẻ. Sau vài cử chỉ khách sáo ban đầu, tôi dần nhận ra ánh mắt và nụ cười quen thuộc dù đã bốn mươi năm. Thời gian lướt nhanh thoáng chợt, đã bốn mươi năm, làm sao không thay đổi mặt người!
Tiếng súng nửa đêm vang dội cả một vùng phía đông của Kiev, toàn thể chúng tôi đang gật gù sắp ngủ trên nền xi-măng cứng lạnh, thì tỉnh ngay dậy, trên tay ai cũng sẵn khẩu súng dài được cấp để chống lại bọn “xâm lăng phát-xít”; nếu không gọi họ là kẻ xâm lăng thì tôi suy nghĩ mãi không còn một danh từ nào nhân đạo hơn để đặt cho họ nữa; nhà chúng tôi đang sống, đất nước chúng tôi đang hòa bình, bỗng có một bạo chúa cường quyền hùng mạnh hơn ở sát cạnh dùng vũ lực lấn chiếm tàn phá nơi chúng tôi đang ở thì chỉ có bọn xâm lăng phát-xít mới làm việc này?!
Năm nay 2023, thời tiết nóng quá nóng ở khắp nơi, kể cả ở Châu Âu, nhất là đang mùa hè, khi nóng hung có tới 39° và 40° kéo dài cả hàng tuần lễ không mưa, làm ai ai cũng khó thở. Nhưng mà nghĩ tới nghĩ lui, ít ai dám than thở, nhìn ra xa coi, Canada cháy rừng, Hy Lạp vừa cháy xong là lụt lội. Maroc động đất, Lybia bão lụt, vỡ đập, sa mạc không có chỗ thoát nước, chết gần hai, ba ngàn người, chưa kể Ukraine, chiến tranh vẫn triền miên kéo dài!
“Màu quan san” là màu gì? Hỏi cô giáo dạy văn thì cô giáo mỉm cười nói: “Đó là màu của... thi ca, mà sau này lớn lên các em sẽ hiểu”...
Chắc ngoài tôi, chẳng có ai mê sầu riêng đến nổi bỏ công nghiên cứu thời gian từ lúc sầu riêng đơm hoa cho đến khi trái chín rồi đem vào thơ như thế.. Mà là thơ tình mới chết! .../ ... I am sure no one else was passionate enough about durian to spend time researching how long a fruit takes from blooming till ripening, then put it into poetry like that. And for god's sake, a love poem!
Chuyện ngày xưa, 1300 năm trước, xứ Hoa Hạ, tại một làng chuyên nghề chài lưới sống dọc hai bên bờ con sông Li, huyện Gullin, tỉnh Guangxi. Buổi chiều dần xuống êm đềm, mây mờ len lỏi giăng phủ ven lưng chừng núi, soi bóng xuống mặt sông tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt vời pha chút nét sương khói mông lung; lão ngư phủ họ Tống phải chuẩn bị ít đồ ăn thức uống, và cả một ít thuốc hút cho chuyến đi săn cá đêm của mình...
Đứng trong hành lang phi trường Tân Sơn Nhất giây phút tiễn đưa cận kề thật não lòng, cả nhà cùng buồn, hai người ở lại tiễn hai người đi xa. Bà Tám cứ ôm riết thằng cháu nội đích tôn duy nhất trong tay, hết vuốt ve ngắm nghía nó từ đầu đến chân lại rưng rưng nước mắt hỏi cháu...
Mùa hè, trời cứ cao xanh, thăm thẳm, ong ong và chong chao cái nắng. Chỉ có mùa thu, bầu trời như xuống thấp hơn một cung bậc, và mây cứ từ đâu, đùn đẩy, xếp hàng, có khi chồng chất nhau thành những đụn mây với những màu sắc: trắng, xám, ánh vàng và có cả đen của màu... tóc làm nhung nhớ của một thời bịn rịn, với tóc mây (không phải tóc mai) thơm mùi bồ kết, hương nhu, thao thức hoài trong giấc ngủ...
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”...
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy, chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu để tôi học hỏi chính là chị. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.