Hôm nay,  

Về Tuyết Sơn

14/04/202008:50:00(Xem: 2369)




 Tiếng niệm chú rì rầm trầm hùng vang rền cả đại điện, bóng các tăng sĩ trong màu áo huyết dụ lắc lư, tay lần tràng hạt trong ánh đèn bơ lung lay trông thành kính vô cùng. Toàn bộ mọi người như nhập thần vào câu chú, thân người ngồi đó mà thần thức như ở cung trời nào chứ chẳng phải trên mặt đất này. Khói trầm phảng phất bay lên, pho tượng Phật trên toà tay bắt ấn kiết tường, mắt mở to như nhìn thấu những tấn tuồng của trò đời, thông suốt những nỗi đau của chúng sanh, biết tường tận tâm can của của mỗi người.

 Mở mắt ra nhìn đồng hồ báo thức ở cạnh bàn, mới ba giờ sáng. Sư Viễn cảm thấy sảng khoái lạ thường bèn dậy sớm hơn thường lệ, ngồi bắt ấn niệm lục tự chơn ngôn. Chỉ chừng giây lát là sư thấy chập chờn lung linh vô vàn hoa trắng bay bay, trông ra như pha lê, laị như sương khói ẩn hiện, lúc thì biến hoá vô số sen trắng ngập trong đất trời. Lòng an lạc lạ lùng, trên gương mặt sư thoáng nụ cười vô hình thể như năm xưa ngài Ca Diếp nhìn đoá sen trên tay Thế Tôn vậy. 

 Đã ba năm rồi, kể từ ngày kết nghĩa với sư Rinpoche ở tu viện Rajahanta. Sư Viễn đã học và phát hiện một cung trời mới lạ của Phật pháp ở thế gian này, một cánh cửa huyền diệu được mở ra với bao nhiêu kỳ bí laị vừa mới mẻ của Phật giáo và văn minh của tuyết sơn. Nền văn minh ấy đang bị phá huỷ và đồng hoá bởi sự tham lam, tàn độc của lũ người ngạo mạn tự xưng mình là cái rốn của vũ trụ. Hàng chục ngàn ngôi chùa bị san bằng, hàng triệu người vừa là tăng sĩ và dân chúng bị giết… Dòng người lần lượt vượt qua núi tuyết đi tìm đất sống. Người ở laị thì oằn mình rên siết dưới sự cai trị tàn độc của bọn người vô minh. Sư Rinpoche từ đất tị nạn ấy được gởi sang thành Ất Lăng này để hoằng pháp và tạo một nhịp cầu với thế giới bên ngoài, hầu có thể đưa ra thế giới tiếng kêu đau thương của đồng loại đang ngày đêm bị bách haị trên tuyết sơn. Sư Viễn quen sư Rinpoche trong một lần tham quan vườn hoa Botanical, ban đầu chỉ chào hỏi xã giao, sau đó nói chuyện về Phật pháp, về chuyện đất nước mình, dân tộc mình… Hai sư cảm thấy tương đắc tâm đồng với nhau, sau buổi ấy hai sư thường viếng thăm chùa của nhau. Qua nhiều lần đàm đạo, dù mới quen nhưng mà cảm thấy thông hiểu nhau như từ lâu, hai sư bèn kết nghĩa huynh đệ. Cái tâm rộng mở, khảng khái, cái nỗi đau của hai dân tộc đã làm cho hai người có cùng tâm sự nên nhanh chóng thông cảm với nhau. Nhân duyên gần là thế, còn căn nguyên sâu xa thì  không biết, vì cả hai cũng chỉ là những ông tăng bình thường mà thôi. Nào ai đã chứng đắc Arahanta đâu mà biết được cội nguồn của tấn bi kịch dân tộc mình. Có lần sư Rinpoche hỏi: 

 - Tôi sẽ về tuyến sơn, đệ có muốn đi một chuyến không? 

 Sư Viễn hoan hỷ nhận lời, sư xin sư phụ và gia đình một ít tiền làm lộ phí, chuyến bay của hãng Delta đưa họ đáp xuống đất nước của những kẻ tham tàn đang bách haị dân tộc sư Ripoche, từ đó mới bắt xe đi lên tuyết sơn. Quá trìnhTừ  xin giấy thông hành cho đến khi đặt chân lên đất Lasha tốn không biết bao nhiêu công sức và phiền toái, những đòi hỏi, hoạnh hoẹ, tra vấn và cả vòi vĩnh nữa. Biết làm sao được? đấy là căn bệnh mãn tính của những nhân viên ở các xứ độc tài, lạc hậu, chậm tiến. 

 Sư Rinpoche tâm sự:

 - Thật buồn cười, mình về nhà mình mà mình phải xin phép kẻ ngoại lai trên đất nước mình!

 Trước khi khởi hành lên tuyết sơn, sư Rinpoche đã mướn trước một bình oxy nhỏ và mang theo một số thuốc cần thiết, vì sư biết sư Viễn sẽ gặp rắc rối về sức khoẻ. Người ở đồng bằng lần đầu lên núi cao ai cũng bị thế cả. Xe lên độ cao hai ngàn mét, không khí lạnh lắm rồi và sư Viễn cảm thấy hơi khó chịu. Xe lên ba ngàn mét, sư viễn bắt đầu hơi khó thở nhưng vẫn còn chịu nổi, lúc này nhìn ra thảo nguyên mênh mông bát ngát lòng sư thấy khoan khoái nên tạm quên cái cảm giác khó chịu kia. Xe nghỉ giữa đường cho mọi người xuống vệ sinh và vận động thân thể một tí cho đỡ mệt mỏi. Khí trời lạnh, ấy thế mà cỏ trên thảo nguyên còn xanh, xa xa có những vạt vàng trông như một tấm thảm kéo dài đến tận chân trời. Bây giờ mới tháng bảy, lúc này là lúc tiết trời đẹp nhất trong năm, từng đàn trâu yark, cừu nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng mới thấy một túp lều du mục của người Tạng chăn gia súc. Xa xa là những rặng núi tuyết cao ngất trời, tuyết sơn vĩnh cửu trắng  tinh khôi, không biết là mây trời rơi xuống hay tuyết hắt lên hư không. Sư Viễn thấy lòng hoan hỷ vô cùng, dang hai tay quay vòng và hát to bài Chú Đaị Bi bằng tiếng Phạn. Đoạn sư nằm dài trên cỏ như một gã du tử quên rằng mình là một tu sĩ đang khoác cà sa. Sư cao hứng ứng tác:

 Tuyết sơn, tuyến sơn

 Mây trắng nghìn năm rong ruổi

 Mà mỗi mùa qua laị thanh tân

 Trâu yark già

 Lội qua dòng nước lạnh

 Gặm cỏ xanh chẳng thấy bầu trời xanh

 Miền tuyết lãnh

 Vết chân gã du tử chưa kịp in hằn

 Gió đùa ngọn cỏ xoa mất dấu

 Người đâu?

 Ta đâu?

 Đến đi hạt bông cỏ những mùa sau

 Thảo nguyên mênh mông 

 Chẳng ngại câu sắc không

 Xe laị lên đường, chạy bon bon cả buổi không thấy bóng người, thỉnh thoảng gặp một gia đình người Tạng giữa đồng cỏ, người đàn bà vắt sữa, những đứa trẻ chơi đùa với nhau, chúng hồn nhiên sống và lớn lên như cộng cỏ giữa thảo nguyên. Cuộc sống của họ thiếu thốn những tiện nghi vật chất thiết yếu nhất của con ngưởi, thế mà họ vẫn nhẫn naị và lạc quan  yêu đời. Họ thành tâm và cung kính với tam bảo một cách cao độ, có thể nói không có ai cung kính và đặt trọn niềm tin vào Phật pháp như người dân Tạng. Họ lạy Phật, năm vóc gieo sát đất, cứ mỗi bước đi là lại lạy xuống, cung đường có dài bao nhiêu cũng không làm họ nhụt chí. Họ coi cái chết cũng rất nhẹ, cứ tự nhiên như ăn cơm uống nước, chết rồi thì cái thân tứ đaị laị bố thí cho các loài chim . Người Tạng sinh ra, lớn lên và chết đi trên tuyết sơn hết sức hiền lành, mộ đạo chẳng haị ai bao giờ. Ấy vậy mà bọn người tham lam, tàn độc từ dưới đồng bằng kéo lên cướp đất, phá chùa, giết người, hủy hoaị văn hoá của họ…Càng nghĩ sư Viễn càng như gnười mộng du, không còn biết là mình đang ngồi trên chuyến xe này. Lần đầu về tuyết sơn, tâm hồn sư mở rộng ra như chưa từng mở vậy bao giờ. Tuyết sơn vừa hoang sơ, huyền bí laị vừa thiêng liêng biết bao. Sư Viễn thấm mệt nhưng tinh thần rất khoan khoái

 Xe lên một ngọn đồi, nơi ấy có một pho tượng trắng toát cao lồng lộng giữa thảo nguyên xanh, mây trắng trên đầu lơ lửng như ngừng trôi. Một phong cảnh vừa lặng lẽ mà laị hào hùng, vừa lãng mạn mà cô đơn . Mọi người ghé vào tham quan, sư viễn nghe chuyện công chúa Văn Thành từ lâu, giờ mới diện kiến, dù chỉ là một pho tượng. Sư Viễn khâm phục tài nghệ của người nghệ sĩ tạc tượng, pho tượng cứ như một vị công chúa thật của nghìn năm trước. Nàng công chúa Trường An về làm hoàng hậu miền tuyết lãnh. Nàng ra đi chắc không ít lệ đã đổ ra theo mỗi bước đường, một ra đi không bao giờ trở laị, vạn lý đường của ngàn năm trước là cả một cuộc tử sinh. Ban đầu chỉ là cuộc hôn nhân chính trị, sự giao hảo giữa nhà Đường và Tùng Tán Cán Bố, nhưng dần dần đã thành tình yêu. Trai tài gái sắc là lẽ thường xưa nay. Sư Viễn ngắm pho tượng mà thì thầm:” đẹp quá, sống động quá! cứ ngỡ xiêm y của nàng phơ phất trắng thảo nguyên này!”. Sau khi đi quanh pho tượng và viếng ngôi đền tưởng niệm, sư Viễn ngồi xếp bằng trên cỏ xanh, lòng laị nhớ sử cũ Huyền Trân công chúa về làm hoàng hậu xứ Champa. Ngọc Hân công chúa về làm hoàng hậu nhà Tây Sơn. Hai nàng công chúa Đaị Việt xem ra bất hạnh hơn Văn Thành công chúa của Đường triều. Mặc dù bọn họ đều là những cuộc hôn nhân chính trị, là những nạn nhân của quyền lực và lợi ích của triều đình, cho dù sau đó có nảy sinh tình yêu vì cái lẽ trai tài gái sắc vốn rất thường tình. Sư Viễn cảm thương cái khổ của kiếp người, nhất là phụ nữ. Họ phải mang nặng đẻ đau, quần quật làm lụng, vun vén cho gia đình, lo cho chồng con… Nếu họ có phước, sinh ra có sắc đẹp thì sẽ trở thành đồ vật để mặc cả đổi đất, giao kết chính trị… dù có dùng cái mỹ từ nào đi nữa thì số phận họ cũng khổ đau. Văn Thành, công chúa của Đường triều về làm hoàng hậu miền tuyết lãnh, một đi không trở laị bao giờ! 

 Xe lên bốn ngàn  mét thì sư Viễn choáng, không thở nổi, áp suất loãng, đầu nặng muốn chúc xuống mà chân như ngược lên. Bấy giờ sư Rinpoche mở bình oxy cho thở:

 - Người đồng bằng lần đầu lên cao ai cũng thế, từ từ sẽ quen thôi! 

 Bữa ăn chiều dọn ra có khoai tây, ít rau, thịt hun khói, sữa trâu yark. Sư Viễn còn mệt nên chỉ ăn qua loa chút ít khoai tây rồi thôi. Sư Rinpoche bảo:

 - Ta biết đệ không ăn thịt đã hai mươi lăm năm nay, nhưng giờ phải ăn một chút để lấy sức đi cho trọn hành trình này. 

 Sư Viễn cầm miếng thịt hun khói lên, dù biết nó là tam tịnh nhục nhưng lập tức trước mắt sư hiện ra cảnh tượng con trâu yark bị cắt cổ, đập đầu tiếng nó rống thảm thiết, ánh mắt nó van lơn chảy nước mắt… sư Viễn bèn bỏ xuống.

 Sư Rinpoche laị nói:

 - Miếng thịt hun khói này đã nhiều năm rồi, nếu ở điều kiện bình thường thì nó hoá đất từ lâu. Giờ đệ hãy xem nó như miếng gỗ, cục đất vậy! 

 Sư Viễn laị cầm miếng thịt lên toan cắn, lập tức cảnh xẻ thịt con trâu yark laị hiện ra, đầu con trâu yark cắt lìa khỏi thân rồi mà đôi mắt nó còn mở thao láo, trông tha thiết van lơn lắm. Sư Viễn buông xuống

 - Đệ hơi mệt, vả laị cũng không đói, để hôm sau vậy! 

 Sư Rinpoche bảo:

 - Ở đây khí hậu vô cùng khắc nghiệt, không cây cối nào sống nổi, rau quả chỉ có vào tháng hè, nếu không ăn thịt thì sẽ chết. Trâu yark cho thịt, sữa và da để mọi người tồn taị, ngay cả đèn cúng dường cũng bằng sữa của nó, nếu không có trâu yark chắc chẳng ai sống nổi! ăn thịt cũng là bất đắc dĩ, bằng không sẽ chết trước khi việc học đạo hoàn thành. 

 Tối hôm ấy sư Viễn tham dự tụng kinh chung với toàn bộ các sư trong tu viện Tenzin Mandala. Mấy trăm người rì rầm tụng, tiếng Tạng trầm hùng như có sức lay động tận tâm can con người, tiếng tụng rền cả đaị điện, lời kinh bay lên xao động cả ngân hà. Sư Viễn  biết chút chút tiếng Tạng, chỉ mới thuộc Tâm Kinh và chú Đaị Bi bằng tiếng Phạn. Sư thì thầm tụng lục tự chơn ngôn Om Mani Pad Me Hum, đến khi các sư tụng đến Tâm Kinh thì sư Viễn mới hoà nhịp kịp. Buổi lễ tan, nhìn lên thấy tượng Tùng Tán Cán Bố được thờ như một vị bồ tát. Pho tượng rất oai phong uy vũ, hai mắt mở to nhìn xuyên tâm kẻ đối diện, tà ma nhìn thấy ắt thất kinh. Sư Viễn chợt nghĩ:” Tùng Tán Cán Bố là vua, là hộ pháp hay bồ tát đây?” phải chăng đôi mắt mở to thấy rõ đâu là trung thần, gian nịnh để mà cai trị quốc gia? phải chăng đôi mắt mở to của hộ pháp để mà thấy rõ đâu tà, đâu chánh để mà tồi tà phụ chánh? phải chăng đôi mắt mở to của bồ tát để nhìn tường tận nỗi đau của kiếp người, của chúng sanh? 

 Đêm ấy sư Viễn ngủ laị ở một căn phòng vắng của tu viện, nửa đêm mơ màng thấy một vị hộ pháp hỏi:” Phải chăng sư định phá giới, ăn thịt?” còn đang ngơ ngác thì một vị hộ pháp khác lại đến:” Phải chăng sư định không ăn thịt, để rồi kiệt sức và vĩnh viễn nằm laị tuyết sơn?”. Sư Viễn choàng tỉnh dậy, đêm Tây Tạng im lặng đến tận cùng. Từ miền đất cao nhất của cõi nhân gian này, những âm thanh của đời thường rất hiếm khi có, tất cả lặng lẽ, tịch mịch đến độ nghe rõ mồm một tiếng lòng sâu thẳm trong tâm mình. Cái im lặng của đất trời, của tuyết sơn, của thảo nguyên; cái im lặng của những pho tượng nghìn năm mở to đôi mắt nhìn nhơn gian biến động sao mà hùng tráng đến như vậy! 

 Bốn giờ sáng sư Viễn dậy cầu kinh cùng các sư trong tu viện, sau khoá lễ thì kinh hành quanh tu viện. Sư thấy từng tốp người Tạng hướng về tu viện mà lạy, họ lạy dài xuống đất, cả thân thể nằm sát đất, cứ từng bước là laị lạy xuống. Họ xuất phát từ các hướng khác nhau, quãng đường xa gần khác nhau nhưng tất cả hướng về tu viện mà lạy, lòng thành kính lay cả động đất trời. 

 Mấy hôm sau sư Rinpoche dẫn sư Viễn lên viếng cung Potola, một cung điện mà cũng là một tu viện, dù đã thấy qua phim, ảnh nhưng sư Viễn vẫn sững sờ trước một Potola vĩ đaị, quá to lớn, quá đồ sộ, vượt qua sự tưởng tượng của mình. Từ ngàn xưa, người Tạng với hai bàn tay không mà họ dựng được Potola cũng như hàng ngàn ngôi tự viện vô cùng đồ sộ như thế! Sống trên tuyết sơn khắc nghiệt vậy mà người Tạng đã có một nền văn minh Phật giáo kiệt xuất, khiến người ta phải tâm phục khẩu phục! Những công trình kiến trúc, những tranh, tượng, điêu khắc, kinh sách… đều tuyệt vời. Sư Viễn bước từng bước , lấy tay sờ vách tường mà cứ ngỡ mình đang ngược dòng thời gian trở về những thế kỷ xa xưa. Bên ngoài Potola, người Tạng từ bốn phương hướng về mà lễ lạy. Họ từ các vùng xa xôi hành hương về đây để lễ Phật và âm thầm tưởng nhớ đến ngài Dalai Lama, mỗi bước chân là lạy dài phủ phục xuống đất. Trên thế gian này không có nơi nào mà con người thành tâm, cung kính đến như thế. Mặc dù họ sống trong thiếu thốn vật chất, bị cai trị tàn bạo nhưng họ vẫn kham nhẫn và hết lòng cung kính tam bảo. 

 Tuần sau, khi những triệu chứng khó thở vì không khí loãng đã giảm bớt, không còn choáng váng nữa. Sư Rinpoche dẫn sư Viễn đi hành hương núi Kalas, ngọn núi cao tưởng chạm trời xanh, từng nhóm người Tạng mang theo thực phẩm, nước uống để hành hương quanh ngọn núi thiêng này. Tấm lòng mộ đạo, chơn chất, thuần khiết của họ khiến sư Viễn không ngớt cảm phục. Thỉnh thoảng sư thấy những bộ tóc, lóng xương của người chết trên đường đi. Sư thêm thấm thía sự vô thường là như thế nào và càng dễ buông bỏ cái tấm thân tứ đaị này, việc này cũng giống như phép quán tử thi mà Thế Tôn đã dạy. 

 Hôm sau tu viện Tenzin Mandala diễn ra thảo kinh đơn, các giáo thọ và các sư trẻ lần lượt tra vấn hỏi đáp lẫn nhau. Sân tư viện giống như một cuộc thi đình ngày xưa, các vấn đề giáo lý, kinh, luật, luận đều bàn luận đến độ như cãi cọ vậy. các sư dùng lời, cử chỉ, hành động tay, chân và toàn thân. Nếu một người chưa từng biết đến Phật giáo Tây tạng thì có lẽ sẽ ngứa mắt vì thấy sao mà lộn xộn, không trang nghiêm, không có oai nghi như các sư dưới đồng bằng. Cuộc vấn đáp keó dài lê thê, từng vấn đề được truy đến căn nguyên gốc rễ, cứ như người lột bẹ chuối, lột đến khi không còn lột được nữa mới thôi. Sư Viễn không hiểu nổi, sư Rinpoche phải thông dịch hộ cho.

 Những ngày trên tuyết sơn, sư Viễn có cảm giác mình lạc vào một vùng đất lạ lùng không phải của thế gian này. Một nguồn cội đông phương vô cùng huyền bí và thiêng liêng. Lòng sư mến mộ và khâm phục tinh thần của người Tạng, sống với băng tuyết, sống dưới sự cai trị tàn độc của ngoaị xâm mà họ vẫn kham nhẫm và cung kính tam bảo đến như vậy. Có một vị sư Tây Tạng, sau khi ra khỏi nhà tù và vượt thoát sang Ấn Độ, ngài đã nói với vị Phật sống rằng:” Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng cái con sợ nhất là không giữ được lòng từ bi với chính kẻ bách haị mình” 

 Đây quả là hành trạng của bồ tát, tâm của bồ tát, người thường làm sao mà làm nổi được việc này! Các vị sư Tây Tạng đã tự thiêu thân mình để thức tỉnh kẻ thủ ác chứ nhất định không làm haị đến họ. Người Tạng đang sống và đang hành như vậy! 

 Đêm cuối cùng trên tuyết sơn, trước khi về laị Ất Lăng thành. Sư Viễn cùng với các sư trong tu viện ngồi niệm Om Ma Ni Pad Me Hum. Tượng đaị nhật Phật mở to mắt nhìn sư, tượng hộ pháp mở to mắt nhìn sư, tượng Tùng Tán Cán Bố cũng mở to mắt nhìn sư. Đèn tuyết sơn lung linh qua đĩa sữa trâu yark.  Bóng các sư lắc lư trong tiếng niệm trầm hùng.


TIỂU LỤC THẦN PHONG 

Ất Lăng thành, 12/2019

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...