Hôm nay,  

Huxley, Orwell, Ionesco: Mô hình nào cho Việt Nam?

02/04/202311:22:00(Xem: 4382)

Chính luận

Screenshot 2023-04-02 114443

Đài truyền hình Pháp-Đức ARTE gần đây đặt câu hỏi: mô hình xã hội nào cho thế giới, Huxley hay Orwell? Aldous HUXLEY và George ORWELL, hai nhà văn tiên tri của thế kỷ 20, đã tiên đoán thế giới sẽ đi tới đâu dưới sự cai trị của các chế độ độc tài, toàn trị. Ngày nay, tất cả những gì họ tiên đoán đang xẩy ra trước mắt, khắp nơi, đặc biệt là bên Tàu.
     Cả hai đều nghĩ đều nghĩ độc tài sẽ biến con người thành cái máy, không còn cá tính, không còn nhân phẩm, không suy nghĩ, không phẫn nộ, không bất bình, hoàn toàn vô cảm, chỉ biết cúi đầu tuân lệnh để được yên ổn thở, sống và hưởng thụ.
     Câu hỏi rất đáng đặt cho Việt Nam. Khẩn cấp.

 

XÃ HỘI TÊ GIÁC


Có lẽ phải thêm mô hình IONESCO. Trong tác phẩm Rhinocéros, Những Con Tê Giác, Eugène Ionesco mô tả một xã hội trong đó mọi người trở thành những con tê giác, mặt mũi giống nhau, hình dạng giống nhau, suy nghĩ như nhau, nghĩa là không còn cá tính, không suy nghĩ, chỉ sống, cư xử theo bầy đàn. Trong một thành phố, dân chúng dần dần biến thành những con tê giác phá phách, hung bạo. Tê giác trở thành đa số. Những người còn lại lần lượt đi theo, biến thành tê giác. Mỗi người có một lý do: vì sợ, vì phục tòng đa số, vì ngây thơ, nghĩ là thế giới tê giác đẹp hơn, vui hơn thế giới thực.
    Cả thành phố chỉ còn lại 3 người, cố gắng cầm cự: Dudard và cặp tình nhân Bérenger, Daisy. Cuối cùng Dudard, được coi là trí thức, cũng tìm cách bào chữa cho hành động phá hoại xã hội của tê giác để bỏ nhà nhập bày. Như các trí thức bỏ cuộc, Dudard tự bào chữa: “Bổn phận của tôi là đi theo lãnh đạo và các đồng chí’’. Daisy muốn ở lại với người tình, nhưng cũng đầu hàng, vì thấy bên ngoài đàn hát vui nhộn. Daisy coi tê giác như thần tượng: “Ce sont des Dieux.’’(Đó là những bậc thánh).
     Người duy nhất còn lại là Bérenger. Bérenger cô độc, chiến đấu trong tuyệt vọng. Ôm súng chờ, Bérenger gào: “Tôi sẽ chiến đấu chống tất cả. Tôi là người cuối cùng, tôi sẽ là người tới cùng. Tôi không đầu hàng”.
     Người đọc gấp sách, tự hỏi: Bérenger sẽ cầm cự bao lâu?
     Ionesco (1904-1994) là một nhà văn Pháp, gốc Lỗ Ma Ni (Roumanie). Thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, ông công bố một cáo trạng lên án chính sách diệt chủng của Đảng Cộng sản. Cùng với Samuel Beckett, Ionesco là người khai sinh trường phái kịch nghệ phi lý (Théâtre de l’absurde). Những vở kịch của Ionesco đều phi lý, vô nghĩa, nhưng nói lên sự thực hơn cả sự thực, từ Rhinocéros, Le roi se meurt, tới La Cantatrice Chauve.
     Rhinocéros
tố cáo chế độ toàn trị biến con người thành những con vật. La Cantatrice Chauve (Nữ ca sĩ trọc đầu) trong đó không có nhân vật nào là ca sĩ, không có ai trọc đầu. Từ đầu tới cuối vở kịch là những đối thoại ngớ ngẩn, đầu Ngô mình Sở, không câu nào liên hệ tới câu nào, không ai hiểu gì, từ khán giả tới diễn viên.

      Ionesco muốn nói tới một thế giới hỗn loạn, mọi người không còn khả năng trao đổi, đối thoại; chữ nghĩa, ngôn ngữ trở thành vô nghĩa, ngớ ngẩn, khiến xã hội đã hỗn loạn trở thành hỗn loạn hơn. Như câu của Albert Camus: Mal nommer des choses c’est ajouter au malheur du monde (Gọi tên sự vật không chính danh là thêm hỗn loạn vào cái hỗn loạn của thế giới).

      Người là sinh vật duy nhất biết nói. Đáng lẽ ngôn ngữ phải là sợi dây nối liền con người, các chế độ độc tài toàn trị đã  làm băng hoại ngôn ngữ, khiến ngôn ngữ thay vì là cái cầu, đã khiến người ta xa nhau hơn.

     La Cantatrice Chauve chiếm kỷ lục về thời gian trình diễn: gần 3 phần tư thế kỷ. Từ khi ra mắt năm 1957, vở kịch được trình diễn liên tục cho tới ngày nay, ở Théâtre de la Huchette, khu Latin, Paris.

 

HUXLEY, ORWELL, HAI CÁI NHÌN TRÁI NGƯỢC


Viết cách đây 3 phần tư thế kỷ, tác phẩm Brave New World (1932, bản tiếng Pháp: Le Meilleur Des Mondes) của Huxley (1), và 1984 (ra đời năm 1949) của Orwell (2), đã mô tả sống động thế giới ngày nay, thế giới được cai trị bằng những thuyết âm mưu kỳ quái, những fake news, những dối trá được coi là sự thực, những sự kiểm soát khủng khiếp, từ hành động tới tư tưởng của mỗi người dân, mỗi giây phút. Độc giả Việt Nam ít nghe nói tới Aldous Huxley, nhưng rất quen thuộc với George Orwell nhờ 2 tác phẩm dịch sang Việt ngữ: Animal Farm (Trại Súc Vật)1984.

     Người Việt bắt gặp chính mình trong Trại Súc Vật, một xã hội toàn trị, trong đó bất công, thối nát được hoá trang dưới chiêu bài cách mạng, vô sản. Một xã hội dối trá, nham nhở, cười ra nước mắt, trong đó “… tất cả mọi người đều bình đẳng, nhưng có những người được… bình đẳng hơn thiên hạ đôi chút”. Bằng cách nào các chế độ toàn trị biến con người thành những cái máy vô cảm, chỉ biết tuân lệnh? Huxley, Orwell nghĩ hoàn toàn khác nhau.

 

ORWELL VÀ BIG BROTHER


Orwell, trong 1984, tố cáo một xã hội trong đó guồng máy cầm quyền, dưới con mắt của Big Brother, kiểm soát nhất cử nhất động của người dân, đàn áp dã man những người muốn ra khỏi lề phải, mon men tới lề trái, suy nghĩ hành động khác thiên hạ. Tóm lại, cai trị, kiểm soát bằng kinh hoàng. Orwell là một nhà cách mạng, xuất thân từ giai cấp bình dân, muốn chống bất công, thay đổi thế giới. Ông tình nguyện sang Tây Ban Nha kháng chiến chống độc tài quân phiệt, cùng với những người Cộng sản.  Lúc đầu, ông hăng say, thấy cách mạng tuyệt vời, dân từ mọi giai cấp sát cánh bên nhau chống độc tài. Là cựu quân nhân của quân đội Anh ở Miến Điện, ông đóng vai huấn luyện quân sự cho quân kháng chiến, trực tiếp tham gia những cuộc hành quân, xuýt bỏ mạng vì đạn xuyên qua cổ họng.

     Dần dần, sống bên cạnh các đồng chí, ông khám phá bộ mặt thực của những người muốn dùng bạo lực, dối trá, cải trắng thành đen, coi mục đích tiến tới chính quyền biện minh cho những phương tiện bất nhân, vô luân tàn bạo nhất. Ông vỡ mộng, bỏ về nước. Là ký giả ở London, trong lúc tả phái hoành hành ở Âu châu, Orwell kinh hoàng trước sự dối trá của báo chí, media Cộng sản. Sự thực khách quan không còn nữa. Lịch sử được viết lại, nguỵ tạo trắng trợn. Dối trá trở thành sự thực. Ngôn ngữ hoàn toàn bị cưỡng hiếp, trắng thành đen. Chiến tranh là hoà bình. Hận thù là tình yêu. Bạo lực là công lý. Ngu dốt là sức mạnh.

Orwell trở thành nhà văn chống Cộng quyết liệt nhất, trong một thời đại đứng về phe tả là lẽ tất nhiên của “trí thức tiến bộ”. Ông kiếm một hòn đảo hẻo lánh, dù bệnh hoạn (bị lao phổi nặng), túng thiếu, cặm cụi viết 2 cuốn sách để đời: Animal Farm 1984, để đánh thức thế giới. Ông từ trần ở tuổi 46, sau khi đã viết gần xong những ưu tư của mình.

     Trong 1984, mỗi người dân bị theo dõi mỗi giây phút, khắp nơi, dưới một con mắt vô hình, gọi là Big Brother. Không ai biết Big Brother là gì, ở đâu, nhưng ai cũng biết mình bị theo dõi, từ đó không dám làm gì, nghĩ gì khác với nhà nước. Trong chính phủ, bộ quan trọng nhất là Bộ Sự Thực (Ministry of Truth), có nhiệm vụ… trá hình sự thực, viết lại lịch sử, nguỵ tạo tin tức, hướng dẫn dân suy nghĩ, suy luận theo nhà nước.

                            

HUXLEY VÀ NHÀ TÙ KHÔNG TƯỜNG

Huxley, sinh năm 1894, hơn Orwell 9 tuổi, coi tác phẩm của Orwell có tầm vóc quan trọng, nhưng không chia sẻ cái nhìn của Orwell. Huxley không tin vào sự hữu hiệu của chính sách chỉ cai trị bằng kinh hoàng, bằng cách đạp vào mặt người dân. Ông nghĩ khủng bố là một yếu tố để cai trị, nhưng muốn cai trị lâu dài, vĩnh viễn, phải biến chính người dân thành những chiến sĩ bảo vệ cho chế độ, thay vì bất mãn, dù chỉ thụ động, bất mãn trong im lặng. Khỏi cần cai tù, mỗi người dân sẽ trở thành cai tù cho chính mình, vì không muốn mất quyền hưởng lạc, vì thoả mãn với đời sống vật chất của mình.
     Cách củng cố quyền lực hữu hiệu nhất theo Huxley là xoá bỏ những giá trị tinh thần, thoả mãn những thú vui vật chất, những giải trí ấu trĩ nhất, những nhu cầu tiêu thụ phù phiếm nhất. Đó là phương pháp cổ truyền thời La Mã: hãy cho dân bánh mì và những trò vui (thí dụ trò giác đấu), người dân sẽ quên mọi chuyện, ngoan ngoãn chấp nhận chính quyền.
     Huxley, trong The Brave New World: “Nhờ kiểm soát tư tưởng, nhờ khủng bố thường trực để giữ cá nhân dưới sự phục tòng, ngày nay chúng ta đã bước vào một chế độ độc tài hoàn hảo nhất, một chế độ có bề ngoài dân chủ, một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ tới chuyện vượt ngục, không nghĩ tới chuyện lật đổ bạo chúa. Một chế độ, trong đó, nhờ được tiêu thụ, được giải trí, những người nô lệ đâm ra yêu thích thân phận nô lệ của mình’’ (3)


     Là một trí thức thuộc giai cấp quý tộc Anh, Huxley sinh ra trong một gia đình có nhiều khoa học gia nổi tiếng,  kể cả Nobel Y khoa, Huxley tiên đoán và kinh hãi thấy người ta sẽ dùng những tiến bộ kỹ thuật để kiểm soát con người một cách hữu hiệu cùng cực.

     Orwell và Huxley thuộc 2 giai cấp khác nhau; Huxley, trí thức, thuộc giai cấp quý tộc; Orwell, một nhà hành động thuộc giới bình dân, nhưng cả hai đều trăn trở trước đại hoạ của nhân loại. Hai người đã gặp nhau, trao đổi, khi Orwell được học bổng vào trường Eton, là nơi đào tạo những phần tử ưu tú của giai cấp thượng lưu, nơi đào tạo giới lãnh đạo nước Anh. Huxley là giáo sư văn chương Pháp. Hai người bất đồng ý kiến trên mọi chuyện, nhưng nhờ Huxley, Orwell khám phá và say mê những tác giả Pháp như Maupassant, Zola, Anatole France. Orwell rời Eton vì hết học bổng, và cũng vì thấy đó không phải là thế giới của mình. Huxley cũng bỏ Eton sau 2 năm, vì không thích nghề dạy học, chỉ muốn làm nhà văn.

 

MÔ HÌNH HUXLEY, ORWELL Ở NƯỚC TÀU


Huxley, Orwell, ai có lý? Orwell với kinh nghiệm trước mắt, thấy rõ cái tàn bạo bệnh hoạn của độc tài toàn trị. Huxley là trí thức, thấy cái đại hoạ của một xã hội chỉ biết tiêu thụ. Nếu một nhà độc tài muốn khai thác, thoả mãn các thị hiếu phù phiếm của người dân, họ sẽ cai trị vĩnh viễn. Người nô lệ, một lúc nào đó, sẽ đứng dậy, bứt phá xiềng xích, nhưng ai chống lại những thú vui, những trò tiêu thụ cho họ có cảm tưởng mình là những người tự do?
     Những chuyện đang xẩy ra tại các xứ độc tài, đứng đầu là Trung Cộng cho thấy những điều Huxley, Orwell tiên đoán đang thực hiện dưới mắt chúng ta mỗi ngày. Và sự thực vượt xa trí tưởng tượng của những nhà văn giầu tưởng tượng nhất.
     Trung Cộng đang thực hiện cả hai mô hình Orwell, Huxley.
     Một mặt, nhà nước đàn áp dã man những người loạng quạng đi vào lề trái. Không phải chỉ có một Bộ Sự Thật, nhưng có hàng triệu dư luận viên để nguỵ tạo tin tức, vu cáo, bôi nhọ, nhục mạ, triệt hạ những người suy nghĩ trái chiều. Không phải chỉ có một Big Brother vô hình, nhưng có trên 400 triệu caméras tại khắp các ngõ nghách. Không ai tránh khỏi cameras quá 7 phút, dù đi lại ở những khu hẻo lánh nhất. Công an, nhờ cameras tối tân nhất, có thể, trong vài phút, nhận diện những người đang bị theo dõi trong số 7, 80 ngàn khán giả trong một trận football.

     Ngay cả Orwell cũng không tưởng nổi một cuốn sổ xã hội (crédit social) của mỗi công dân Tàu ngày nay. Mỗi người có một số điểm công dân, do computers quản trị. Bị báo cáo có lời lẽ thiếu tin tưởng vào Đảng, leo vào mạng coi những websites phản động, vượt đèn đỏ… sẽ bị mất một số điểm. Mua một cuốn sách tư tưởng Tập Cận Bình, chăm chỉ tham dự những buổi học tập đường lối của Đảng, sòng phẳng trả tiền điện, tiền nước, v.v. sẽ được tăng điểm. Những người có sổ xã hội tốt sẽ được hưởng vài đặc quyền, đặc lợi, nhất là được yên ổn làm ăn. Những người có sổ xã hội xấu sẽ gặp khó khăn, cho tới khi bị theo dõi, bị vào sổ đen, hết kiếm việc làm. thuê nhà, mua vé xe lửa, ghi tên cho con vào trường học. Sổ xã hội là một tiêu chuẩn để tuyển lựa nhân viên, lấy vợ lấy chồng, để thành công hay thất bại.
     Tại nhiều địa phương bên Tàu, người ta thí nghiệm dự án cho mỗi smart phone một tiếng reo khác nhau, tuỳ theo số điểm trong sổ xã hội của mỗi người. Nghe tiếng reo, người ta biết ngay người gọi là công dân tốt hay xấu, có nên tiếp xúc hay không, có nên cộng tác, cho thuê nhà, cho vay tiền hay không.
     Đó là cai trị theo mô hình Orwell.
     Theo mô hình Huxley, xã hội Tàu là xã hội tiêu thụ xả láng, hơn cả những nước tư bản. Thị trường béo bở nhất cho hàng hoá xa xỉ, đắt tiền như Vuiton, Chanel, Dom Perignon, Tesla, Rolls Royce, v.v. là thị trường Tàu. Du khách Tàu được chiều đãi nhất, bất chấp tư cách rừng rú của họ, vì mỗi du khách Tàu tiêu xài trung bình mỗi lần ít nhất 5000 dollars trong chuyện shopping, bỏ xa các du khách những nước giầu nhất. Siêu thị loại sang La Fayette, Printemps ở Paris có khu dành riêng cho du khách Tàu, lựa sẵn những hàng hoá đắt tiền người Tàu thích, mở cửa bất cứ giờ nào nếu có một đoàn du khách ghé Paris nhưng chỉ có vài giờ làm shopping.

     Tất cả những trò chơi, thú vui của tư bản, từ golf tới football, từ champagne tới rượu chát đều phát triển mạnh bên Tàu. Người Tàu, ít nhất là người có tiền, thoả mãn, hãnh diện. Cũng như rất nhiều người Việt hãnh diện: “Ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng có ông ơi”. Đó là những người bảo vệ Đảng tích cực nhất, hơn cả Đảng viên.
     Tóm lại, áp dụng hai mô hình Orwell, Huxley, nước Tàu của Tập Cận Bình đang thực hiện một xã hội toàn trị hoàn hảo nhất, đã Hán hoá dân tộc Tibet, đã lập một trại cải tạo khổng lồ cho cả dân tộc Ngô Nghĩ, đã xây những nhà tù thật, tối tân, bên cạnh những nhà tù không tường. Tập Cận Bình đang thành công trong việc biến người Tàu thành những con tê giác!

 

CƯỠNG BỨC NGÔN NGỮ, BÓP NGHẸT NGÔN LUẬN

 

Một trong những tệ hại dẫn đường tới độc tài toàn trị là cưỡng hiếp tự do ngôn luận, tiêu diệt khả năng phán đoán, suy luận của người dân. Tự do ngôn luận là căn bản của các chế độ dân chủ. Thông tin trung thực là võ khí để bảo vệ dân chủ. Đối thoại, thảo luận một cách xây dựng là phương tiện hữu hiệu nhất để cải thiện xã hội. Khi nắm trong tay các media, nhà cầm quyền bóp chết xã hội, độc quyền cai trị trên các xác chết biết đi, trên những con tê giác. Về hiện tượng lũng đoạn ngôn luận, Huxley và Orwell cũng có cái nhìn khác nhau.

     Orwell tố cáo chuyện bưng bít thông tin. Huxley, trái lại, nghĩ đại hoạ là hiện tượng quá nhiều thông tin, cái giả cái thực lẫn lộn. Học giả Mỹ Neil Postman, trong cuốn sách best seller Amusing Ourselves to Death tóm tắt 2 quan điểm khác nhau về truyền thông của Huxley và Orwell:
     – Cái sợ của Orwell là nạn cấm in sách; Huxley sợ sẽ không cần cấm sách vì không ai đọc sách nữa.

     – Orwell sợ thông tin bị bưng bít; Huxley sợ có quá nhiều thông tin, khiến chúng ta trở thành thụ động (không suy nghĩ, phân tách nữa), và ích kỷ (chỉ đọc và nghe những media hợp ý mình).

     – Orwell sợ sự thực bị che giấu; Huxley sợ sự thực bị ngập lụt trong biển cả của những chyện tào lao.

     – Orwell sợ chúng ta sẽ có một văn hoá tù túng (a captive culture); Huxley sợ một văn hoá nông cạn, nghèo nàn (a trivial culture).

     Ngày nay, tất cả những e ngại của Orwell và Huxley, dù trái ngược nhau, đã trở thành sự thực. Một mặt người ta bưng bít sự thực, mặt khác, người ta cho tràn ngập những tin tức vô bổ, những fake news, những tin tức dựng đứng phản khoa học, phản lý trí của các thuyết âm mưu đủ loại. Trước đây, những cơ quan báo chí làm công việc gạn lọc, giải thích. Ngày nay, ở những nước độc tài toàn trị, công việc đó là độc quyền của nhà nước. Tại những nước tự do, với mạng lưới xã hội, bất cứ ai cũng trở thành những nhà báo, những chuyên viên truyền thông. Không cần đọc một cuốn sách, khỏi cần ra đường, khỏi cần tìm hiểu, ngồi trong góc nhà, gõ vài hàng có thể dẫn đám đông đi như một bầu cừu của Panurge.
     Tựa cuốn sách của Neil Postman về các đài truyền hình, Amusing Ourselves to Death (bản tiếng Pháp: Se distraire jusqu’à la mort s’ensuive. Hãy giải trí cho tới chết) nói lên hiện tượng một đại chúng ngụp lặn trong những chương trình có mục đích duy nhất là giải trí khán giả để bán hàng, quên tất cả những cái còn lại liên hệ tới trí tuệ, kiến thức, văn hoá. Huxley không nói gì khác về một thế giới do các chuyên viên đủ loại điều khiển, vô văn hoá, không còn lý trí, trở thành đất dụng võ cho độc tài toàn trị.

     Trung Cộng ngày nay là hiện thân của mô hình của 2 mô hình Huxley, Orwell cộng lại, với tần số 1000, để đào tạo một xã hội tê giác theo kiểu Ionesco.
     Đáng lẽ đó chỉ là chuyện thiên hạ, cũng chẳng có gì đáng ưu tư. Vấn đề là những gì xẩy ra ở bên Tàu đã, và sẽ xẩy ra nguyên con ở Việt Nam.

 

– Từ Thức

(Tokyo. 03/2023)

tuthuc-paris-blog.com

 

(1)     ALDOUS. HUXLEY (1894-1963). Tiểu thuyết gia, thi sĩ, ký giả, triết gia. Tác phẩm: 12 tiểu thuyết, 7 tuyển tập truyện ngắn, 8 tập thơ, 22 sách nghị luận, 3 ký sự du lịch, 1 vở kịch. Nổi tiếng nhất: Brave New World.

(2)     GEORGE ORWELL (1903-1950). Tên thực: Eric Arthur Blair. Tác giả 9 tiểu thuyết, ký sự và hàng trăm bài báo, nghiên cứu, nghị luận đủ loại. Nổi tiếng nhất: Animal Farm, 1984.

(3)     “Tại sao vẫn không có thay đổi tại VN, 47 năm sau?” ( tuthuc-paris-blog.com).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quy hoạch vùng cho hệ thống cao tốc đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước đã được phê duyệt, thực ra công trình giao thông này đã đến với dân chậm mất vài thập niên vì quy hoạch này đã sớm phải là một trong những ưu tiên cao nhất quốc gia...
Cũng thôi đừng đập phá nghĩa trang và bia mộ của những kẻ thuộc bên thua cuộc nữa. Trút hận thù lên ngay cả những nấm mồ của người đã chết thì làm sao với tay đến được thân nhân của họ, những khúc ruột xa, ở tận nước ngoài?
Báo Washington Post loan tin rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR) hoãn các cuộc tấn công "hàng loạt" chống lại Nga mà họ đã lên kế hoạch vào ngày 24/2/2023, cuộc tấn công kỷ niệm tròn 1 năm Nga xâm lược. Theo kế hoạch mật, Ukraine dự kiến lúc đó là tấn công Moscow và Novorossiysk, một thành phố ở Nga bên ngoài khu vực xung đột.
El Niño đang đến. Gió dọc theo xích đạo Thái Bình Dương đang yếu dần. Nhiệt đang tăng dần bên dưới bề mặt đại dương. Đến tháng 7, hầu hết các mô hình dự báo đều cho rằng tác nhân lớn nhất của hệ thống khí hậu – El Niño – sẽ quay trở lại lần đầu tiên sau gần 4 năm.
PARIS – Pháp, Ukraine và các quốc gia vùng Baltic Estonia, Latvia và Litva bày tỏ sự thất vọng sau khi đại sứ Trung Quốc tại Paris đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, theo tin Reuters.
HOA KỲ – Một vụ nổ súng xảy ra tại một bữa tiệc after-prom ở Jasper, Texas, vào sáng sớm Chủ Nhật, khiến 9 thanh thiếu niên bị thương, theo tin Reuters.
Trump sẽ chọn ai làm ứng viên Phó Tổng Thống cho cuộc đua 2024? Người đang "dẫn đầu danh sách ứng viên Phó Tổng Thống" là một "kẻ muốn phất cờ Liên quân Miền Nam [thời Nội chiến Mỹ]" có tên là Marjorie Taylor Greene, theo một cựu cố vấn Cộng Hòa trên đài MSNBC hôm thứ Bảy.
Kim Thánh Thán là một văn nhân nổi tiếng vào cuối đời Minh đầu đời Thanh, trong gia tài văn chương của ông có một bài tản văn nổi tiếng mà người yêu thích văn chương xưa nay đều biết. / Jin Shengtan was a famous writer in the late Ming and early Qing dynasties. In his literary legacy, there is a famous prose that all lovers of literature know.
Mở đầu bài viết, con xin mạn phép gửi thắc mắc của bản thân đến các vị Sư Thầy, Sư Cô và những vị Cư Sĩ, mong các vị có thể giải đáp giúp con. / I would like to ask the monastics and lay followers, hoping that you can answer them for me.
Nhà văn Qúach Tấn, trong ký sự gọi Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương, viết: Cây quế thiên thai mọc ngoài hang đá Trầm hương Vạn Giã ngát cả sơn lâm / Writer Quách Tấn, in his book named “The Land of Agarwood,” referring to Khánh Hòa Province, writes: Heavenly scented agarwood trees in the wild rarely grown Mountains filled with this fragrance as Vạn Giã’s well known
Latvia đã cam kết chuyển giao tất cả các hệ thống hỏa tiễn Stinger di động của mình cho Ukraine, theo báo LSM của Latvia đưa tin ngày 22/4, trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Inara Murniece tại một cuộc họp: “Latvia đã đáp ứng yêu cầu của Ukraine về các hệ thống phòng không và đã quyết định chuyển giao tất cả các hệ thống phòng không Stinger mà chúng tôi có cho Ukraine.
Độc chiêu của Cộng Hòa để thắng phiếu Dân Chủ: bất kể sở làm ở đâu, cử tri phải về phòng phiếu đã quy định gần nhà để đứng xếp hàng bầu phiếu, thay vì được bầu ở bất kỳ phòng phiếu nào trong quận. Các địa điểm bỏ phiếu trên toàn quận vào Ngày bầu cử sẽ bị cấm ở Texas theo dự luật được Thượng viện Texas thông qua vào thứ Năm 20/4/2023.
Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Chính xác, tính từ ngày quân Nga tràn ngập tiến vào Ukraine ngày 24/2/2022, là khoảng một năm và hai tháng. Những con số thương vong, tan tác ngày càng tăng thêm. Cuộc chiến chưa biết tới bao giờ sẽ ngưng. Những cơ quan có trách nhiệm như Liên Hiệp Quốc, các hội chăm sóc thiếu nhi, các tu sĩ tôn giáo, và ngay các bậc cha mẹ trong gia đình cũng tự suy nghĩ, rằng phải nói gì cho trẻ em để hiểu được rằng cần phải có tình thương yêu mới xây dựng được thế giới an toàn bền vững. Và phía ngược lại, các em đang nói gì với người lớn về thế giới đau đớn này, vì lỗi đâu phải ở các em?
Mọi người thỉnh thoảng sẽ bị nấc cụt và đôi khi các cơn nấc cụt khá lì lợm, không chịu biến đi. Nấc cụt là sự co thắt không chủ ý của cơ hoành (diaphragm) – cơ ngăn cách phần ngực với phần bụng, đóng vai trò chính trong việc hít thở – sau đó là các dây thanh âm đóng lại đột ngột.
Bệnh Mất Trí (Alzheimer) là chứng bịnh mà các tế bào thần kinh trong não bị teo đi. Đó là do sự tích tụ bất thường của protein beta-amyloid và protein tau. Nghiên cứu về các loại thuốc chống lại bệnh Alzheimer cho thấy rằng nên điều trị sớm trong quá trình điều trị bệnh, trước khi quá nhiều tế bào thần kinh của não bị chết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.