Hôm nay,  

Bốn ngàn ngày và đêm

20/09/202212:17:00(Xem: 2899)

Văn học

japanese lake 

 

Tóc sau gáy tôi đứng dựng lên khi đọc mấy câu thơ treo trên trang Facebook của nữ sĩ LDV:

 

Để có sự hiện diện của một bài thơ,

bạn và tôi đã phải giết,

phải giết chết nhiều thứ,

nhiều điều dấu yêu, giết bằng súng, ám sát,

giết bằng độc dược.

 

Để làm ra một bài thơ mà phải hung tợn, phải bạo hành thế ư? Xin mời đọc tiếp:

 

Hãy nhìn kìa!

Từ trong bầu trời bốn ngàn ngày và đêm,

chỉ vì chúng ta muốn cái lưỡi run rẩy của một con chim nhỏ,

bốn ngàn đêm nín lặng và bốn ngàn ngày thỏa hiệp,

bạn và tôi tiêu diệt bắn giết.

Hãy lắng nghe!

Từ trong tất cả những thành phố mưa bay, những lò nung chảy

những bến cảng hạ chí, và những mỏ than,

chỉ vì chúng ta cần lắm nước mắt của một đứa trẻ đói khát,

bốn ngàn khối tình thương đất sét và bốn ngàn đêm trắc ẩn,

bạn và tôi tiêu diệt, ám sát.

Hãy nhớ kỹ!

chỉ vì chúng ta muốn nỗi kinh hoàng của một con chó hoang,

nó có thể thấy được những điều tôi và bạn không thể nhìn bằng chính đôi mắt mình,

và có thể nghe được những điều tôi và bạn không thể nghe bằng chính đôi tai mình,

bốn ngàn đêm ảo giác và bốn ngàn ngày hồi ức hãi hùng,

bạn và tôi tiêu diệt bằng thuốc độc.

Để có được một bài thơ

bạn và tôi đã phải thủ tiêu nhiều điều dấu ái.

Đây là cách duy nhất để mang chúng về từ cõi chết

bạn và tôi phải làm theo cách đó.

(Bản dịch của LDV)

 

Té ra là “giết nhiều điều dấu ái” để “mang chúng về từ cõi chết.”

Xin mời đọc lại vài đoạn trong bài Phục Sinh của Thanh Tâm Tuyền:

 

tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh

tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật. (TTT)

 

Tác giả của bài thơ là Tamura Ryuichi (1923-1998). Ông họ Điền Thôn, tên Long Nhất. Tôi gọi ông là Thanh Tâm Tuyền của Nhật Bản vì mấy lý do khác nhau. Tamura Ryuichi từng được huấn luyện để làm phi công cảm tử trong Đệ Nhị thế Chiến nhưng cuối cùng ông không được tham chiến vì lý do sức khỏe. Thay vì đi góp phần vào cục diện Thế chiến Thứ Hai, Tamura Ryuichi ở lại để làm thay đổi bộ mặt thi ca Nhật Bản qua tạp chí Wasteland.  Vai trò của ông trên thi đàn Nhật thật chẳng khác với Thanh Tâm Tuyền trong cách làm mới thơ tự do những thập niên 50-60 ở miền Nam. Ảnh hưởng của ông lên các thế hệ thi sĩ Nhật tiếp nối rất sâu đậm. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng danh dự về thi ca ở Nhật.

 

Trong bản dịch của nữ sĩ họ Lưu có hai chữ đã làm tôi mấy đêm trăn trở, lục lọi đi tìm trên mạng xem trong nguyên tác hai chữ“hạ chí” trong cụm từ “những bến cảng hạ chí” ấy vốn là chữ nào? Tác giả Tamura Ryuichi đã muốn nói gì với cụm từ ấy?

 

Với tôi thì “hạ chí” là một thời điểm trong chu trình chuyển động của trái đất quanh mặt trời, là một ngày nhất định trong Dương lịch, và cũng cả trong Âm lịch. Người Tây phương gọi ngày hôm đó là ngày bắt đầu của mùa hạ, khi trái đất đi ngang kinh độ 90o trên đường hoàng đạo (~22 tháng 6, ngày Hạ Chí, summer soltice). Người Á Đông thì bảo hôm đó là ngày chính giữa mùa hạ vì mùa hạ theo họ bắt đầu trước đó 45 ngày, khi trái đất nằm ở kinh độ 45o (~6 tháng 5 ngày Lập Hạ.) Tôi không biết bài thơ trên được dịch từ phiên bản Anh ngữ nào. Nhưng hai bản tiếng Anh tôi tìm thấy trên mạng đều viết là “midsummer.” Chữ này có khi cũng đồng nghĩa với “summer solstice.” Dịch là “hạ chí” thì đúng rồi. Nhưng cái ông họ Điền Thôn tên Long Nhất ấy đã dùng chữ nào trong nguyên tác? Sau một lúc lọ mọ trên mạng tôi đã tìm được bài thơ trong nguyên tác tiếng Nhật. Câu thơ có hai chữ ấy là:

 

真夏の波止場と炭坑から (Chân hạ…ba chỉ trường…thán khanh…)

Không phài “hạ chí” mà là “chân hạ”, là ngay trong mùa hạ,  Kiến thức về Nhật ngữ của tôi vỏn vẹn nằm không đầy quyển sách vỡ lòng 𝐾𝑎𝑛𝑗𝑖 của J.W. Heisig. Nhưng Nhật ngữ vốn được viết một phần bằng chữ Hán Kanji (Kan= Hán, ji=tự, chữ tượng hình) hợp chung với một phần là loại chữ riêng của người Nhật là Kana (kari=giả, na=danh, chữ âm tiết), nên tôi đã có thể nhận ra hai chữ đang làm mình mất ngủ là “chân hạ” (真夏). Các dịch giả tiếng Anh dùng chữ midsummer để dịch chân hạ thì hợp lý, vì ngoài nghĩa summer solstice hay hạ chí (夏至), midsummer còn có nghĩa là giữa mùa hạ, ám chỉ các mùa lễ hội ở Âu châu khoảng thời gian gần ngày hạ chí. Và tôi đoán là có lẽ trong câu thơ ấy tác giả Tamura Ryuichi muốn nhắc đến một ngày nắng hạ chói chang trên cầu tàu bến cảng, đối với ngày mưa gió bão bùng giữa lòng phố thị ở câu trên.

 

Thơ thì mỗi người cảm mỗi cách. Các bản Anh ngữ cũng trưng hiện đôi ba ý khác nhau. Tôi cũng hiểu theo cách có phần khác họ. Xin trình bản dịch theo ý riêng như sau:

 

BỐN NGÀN NGÀY VÀ ĐÊM

Tamura Ryuichi ( 田 村 龍 一)

Điền Thôn Long Nhất

 

Để một bài thơ được ra đời

Ta phải giết đi

Giết đi nhiều điều ta yêu mến

Phải xạ sát, ám sát, độc sát

 

Nhìn kìa,

Từ trời không của bốn ngàn ngày và đêm

Để có được cái lưỡi run rẩy của con chim bé nhỏ

Chúng ta đã phải nổ súng,

Phải xạ sát sự tĩnh lặng của bốn ngàn đêm

Phải xạ sát tia nắng dội của bốn ngàn ngày

 

Nghe này,

Từ phố phường gió mưa hay trong lò luyện thép,

trên bến tàu nắng hạ hay dưới hầm mỏ than,

Để mang về giọt lệ của đứa bé đói bụng

Chúng ta đã phải lén lút ngấm ngầm

Phải ám sát tình yêu thương của bốn ngàn ngày

Phải ám sát lòng trắc ẩn của bốn ngàn đêm

 

Nhớ là,

Nhìn ra những điều mắt không nhìn thấy

Nghe thấy những điều tai không nghe ra

Để thấy được sự sợ hãi của con chó hoang

Chúng ta đã phải dùng độc dược,

Phải độc sát sức tưởng tượng của bốn ngàn đêm

Phải độc sát mảng ký ức của bốn ngàn ngày

           

Để có được một bài thơ

Ta phải giết đi nhiều điều ta yêu mến.

Đây là cách duy nhất

Để phục sinh những gì đã chết

Là con đường bắt buộc

Phải đi qua.

 

Tại sao lại bốn ngàn ngày? Thưa bài thơ được viết khoảng năm 1955, 1956, bốn ngàn ngày sau khi hai quả bom nguyên tử nổ ờ Hiroshima và Nagasaki tháng 8 năm 1945.  

 

Thật ra thì ý tưởng tự hủy hoại để tái sinh từng được nhắc đến từ lâu, như hình ảnh phượng hoàng phục sinh từ tro tàn lửa thiêu trong thần thoại Hy Lạp. Nhưng đều là những hành động tự kết liễu, hay “tự bóp cổ” như lời TTT. Như là hành động tự do cuối cùng có thể có của một con người.  Nhưng giết đi những gì ta yêu mến lại là điều khác. Giết đi sự tĩnh lặng, giết đi tình thương yêu, giết đi sức tưởng tượng của bốn ngàn ngày và ký ức của bốn ngàn đêm, phải chăng là công cuộc phải giết đi sử lịch để làm làm phục sinh lịch sử? Dân tộc Nhật Bản đã ý thức và đã làm điều ấy sau 10 năm.

 

Đã hơn 45 năm sau cuộc huynh đệ tương tàn. Sắp đến lượt người Việt chưa vậy? Hay còn đến bao giờ?

 

Tô Thẩm Huy

(Houston, Tiết Thu phân, Nhâm Dần, 2022)


Phụ lục:
 

Bản tiếng Anh của Samuel Grolmes và Tsumura Yumiko, University of Hawai’i Press:

Four Thousand Days and Nights

For one poem to be born
we must kill
We must kill many things
We shoot, assassinate, poison the many things we love

Look
We shot
the silence of four thousand nights and the glare of
    
                                                                    four thousand days
simply because we wanted the trembling tongue of one small bird
from the sky of four thousand days and nights

Listen
We assassinated
the love of four thousand days and the pity of four thousand nights
simply because we needed the tears of one hungry child
from all the rainy cities and blast furnaces
and the midsummer wharves and the coal mines

Remember
We see things our eyes cannot see
We hear things our ears cannot hear
We poisoned
the power of imagination of four thousand nights
    
            and the cold memories of four thousand days
simply because we wanted the fear of one stray dog

To give birth to one poem
we must kill the things we love
This is the only road to take to resurrect the dead
This is the road we have to take

 

Và bản tiếng Anh của Stavros Deligiorgis, University of Iowa. So sánh hai bản Anh ngữ sẽ thấy có vài dị biệt.

 

Four Thousand Days and Nights

 

For the birth of one poem

we must kill

we must kill many

we must shoot, assassinate, poison many beloved.

 

Look, simply because we wanted the trembling tongue of a small bird

from four thousand days and nights

we shot the silences of four thousand nights and

the backlight of four thousand days.

 

Listen,

simply because we wanted the tears of a starving child

in all the rainy cities, the smelting furnaces and

midsummer wharves and coal mines

we assassinated the love of four thousand days

and the pity of four thousand nights.

 

Bear it in mind,

because we wanted the fear of a stray dog

 who sees what we cannot see

who hears what we cannot hear

we poisoned the imagination of four thousand nights and

chilly memories of four thousand days.

 

To give birth to one poem

we must kill our beloved.

This is the only way to resurrect the dead,

the way we must take

 

Nguyên tác tiếng Nhật (các chữ Kanji phiên âm sang Hán Việt):

 

四千の日と夜 Yonsen No Hi Yoru

Tứ thiên nhật dạ

nhất thiênthi が sinh れるためには、
われわれは sát さなければならない
đa くのものを sát さなければならない
đa くの ái するものを xạ sát し、ám sát し、độc sát するのだ

 

kiến よ、
tứ thiênnhậtdạkhông から
nhất tiểu điểu のふるえる thiệt がほしいばかりに、
tứ thiêndạtrầm mặc と

tứ thiênnhậtnghịch quang tuyến
われわれは xạ sát した

thính け、
のふるあらゆる đô thị 、dung khoáng
chân hạba chỉ trườngthán khanh から
たったひとりの えた tử cung? がいるばかりに、
tứ thiênnhậtáitứ thiêndạliên みを
われわれは ám sát した

ức せよ、
われわれの nhãnkiến えざるものを kiến
われわれの nhĩthính えざるものを thính
nhất thất lương khuyểnkhủng bố がほしいばかりに、
tứ thiên の dạ の tưởng tượng lực と tứ thiên の nhật のつめたい kí ức を
われわれは độc sát した

nhất thiên のthi が sinh むためには、
われわれはいとしいものを sát さなければならない
これは tử giả を tô らせるただひとつの đạo であり、
われわれはその đạo を hành かなければならない

 

Chú thích: Thích nghĩa một vài từ chính:

 

一篇 詩 nhất thiên thi: một bài thơ

れるためには: để có thể

われわれ: chúng ta

殺 sát: giết

さなければならない: phải

多 くのものを: nhiều điều

愛 ai: yêu

射殺 xạ sát: giết bằng súng đạn

暗殺 ám sát: giết bằng âm mưu

毒殺 độc sát: giết bằng độc dược

見 kiến: trông thấy、

四千tứ thiên; bốn ngàn

日夜 nhật dạ: ngày đêm

空 không: Trời không

一羽の小鳥 nhất vũ tiểu điểu: một cánh chim nhỏ

のふるえる: run rẩy

舌 thiệt: lưỡi

がほしいばかりに: chỉ vì ta muốn

沈黙 trầm mặc: lặng lẽ

逆光線 nghịch quang tuyến: luồng ánh sáng dội ngược

射殺 xạ sát: bắn chết

聴 Thính: Nghe

雨 Vũ: Mưa

都市 Đô thị: Phố phường

溶鑛 炉 Dung Khoáng lô: Lò luyện kim、

真夏 Chân hạ: Ngay giữa mùa hè

波止場 Ba chỉ tràng: Cầu tàu

一匹 野良犬 Nhất thất dã lương khuyển: Một con chó hoang

死者 Tử giả: Kẻ đã chết

甦 Tô: Sống lại

らせるただひとつの道: Con đường duy nhất mà...

を行かなければならない: Phải đi

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phát biểu của nhà thơ Trịnh Y Thư nhân dịp mừng thượng thọ, sinh nhật thứ 90 của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, hôm 10 tháng 6 năm 2023 tại Orange County.
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Trong bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu về cách ăn uống của Đạo Phật – những qui định, tầm quan trọng, tượng trưng, và những lý do ẩn sau những nguyên tắc này...
Vào mùa thu năm 1988, ban tổ chức một hội nghị ở Hong Kong đã mời vợ chồng tôi đến để diễn thuyết về lòng tự tin và hiệu lực tối đa của đức tính này. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đến miền Viễn Đông, nên chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi dài hơn và đến viếng Thái Lan...
Chiều Chủ Nhật 21/5 vừa qua chương trình nhạc “Tôi vẽ đời em: dòng nhạc Trần Hải Sâm” đã diễn ra trên sân khấu Elizabeth A. Hangs tại Santa Clara Convention Center với sự tham dự của gần 700 khán giả yêu thích văn nghệ vùng San Jose, trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Việt ở miền bắc California...
Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH...
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành...
Làm sao để có được cuộc sống bình an hạnh phúc là mối quan tâm, là điều ước mơ chính đáng của mọi người, Đông phương hay Tây phương, Bắc hay Nam, giàu hay nghèo, đều có giấc mơ chung đó. Sở dĩ chúng ta có cuộc sống không được bình an hạnh phúc là vì chúng ta có tầm nhìn sai, nhận thức sai, về cuộc sống hiện tại của chúng ta. Từ tầm nhìn sai lầm này, đã đưa chúng ta đến lối sống không đúng, không phù hợp với giá trị của thực tế của cuộc sống chúng ta đang có. Do đó đã gây ra lo âu, phiền não triền miên cho ta...
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.