Hôm nay,  

Giới Thiệu Sách Mới: MẢNH DA VÀNG – Tác Giả Chu Lynh

09/09/202220:56:00(Xem: 2176)
chulinh

Tôi nhận được quyển sách “Mảnh Da Vàng” (MDV) do tác giả Chu Lynh, nhà làm phim của Vietnam Film Club gửi tặng. Nhằm lúc đang bận lo vài công chuyện quan trọng cần phải hoàn thành đúng thời hạn, nên tôi định để quyển sách lại khi nào xong việc thì mới mở ra đọc. Nhưng cái tựa đề đã cám dỗ tôi phải mở sách ra ngay để xem thử thế nào. Không ngờ đọc qua vài trang là tôi chẳng thể nào dừng lại được nữa.  Quyển sách đã lôi cuốn tôi tiếp tục lật trang.

 

Mảnh Da Vàng viết ra rồi đốt bỏ, viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần. Viết lén lút trong trại giam Sông Măng sát biên giới Miên. Viết trong nỗi kinh hoàng ở trại tập trung Hóc Môn. Viết sau cơn sốt cuồng điên trên đồi gió hú trại tập trung Long Giao.  Viết nắn nót trên những trang giấy rẻ tiền trong căn nhà tranh vách đất vùng kinh tế mới. Viết trên giường bệnh viện Bình Dương tồi tàn. Viết trong nỗi cô đơn ròng dưới ngọn đèn dầu le lói nơi miền quê nghèo...” (MDV, tr. 9)

 

Những dòng chữ thiết tha, u uất, nghẹn ngào đó của tác giả như réo gọi, như thôi thúc người đọc phải khám phá sâu hơn về Mảnh Da Vàng. Tôi thường đọc những lời giới thiệu trước khi đọc kỹ một quyển sách. Tập sách Mảnh Da Vàng có đến năm nhà văn viết giới thiệu và cảm nhận.

 

Tác giả Chu Lynh trong mắt nhà văn Đỗ Tiến Đức, chủ nhiệm báo Thời Luận California: “Chu Lynh với đôi bàn chân không biết mỏi lăn xả vào nhiều phim tài liệu lịch sử chiến tranh Việt Nam và cả văn học nghệ thuật. Chỉ trong ít năm mà ông đã có mặt ở nhiều nước hơn bất cứ vị nào trong giới hoạt động chính trị hay nghệ thuật. Và tất nhiên, danh sách tác phẩm của ông cũng dài hơn nhiều vị đã trọn đời sáng tác” (Trích trang bìa sau)

Sự thật đúng như vậy. Rất nhiều phim tài liệu của Vietnam Film Club đã phát hành trong 12 năm qua. Mở đầu sự nghiệp làm phim tài liệu của đạo diễn Chu Lynh là cuốn phim song ngữ Việt Anh, “Di Sản Nguyễn Ngọc Huy”, sau đó thì hàng loạt, từ “Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam”, đến “Nhân văn Gia Phẩm”, và “Hồn Tử Sĩ, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” đến “Nguyễn Ngọc Bích, Tấm Lòng Cho Quê Hương”, rồi thì Lê Văn Khoa Một Đời Cho Nghệ Thuật” v.v... Và nhiều, nhiều lắm những cuốn phim tài liệu rất giá trị khác.

 

Vietnam Film Club còn thực hiện nhiều cuốn phim phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng người nước ngoài, Mỹ, Úc, Canada, từ nhà văn, giáo sư, đến những chính trị gia, như Dân biểu Alan Rosenthal, California; Dân biểu David Kilgour, Canada; nhà văn Mỹ Sophie Quinn-Judge ở Pennsylvania, Hoa Kỳ, là tác giả quyển sách nổi tiếng “The Third Force in The Vietnam War” (Lực Lượng Thứ Ba Trong Chiến Tranh Việt Nam), và nhiều nhân vật khác từ các quốc gia trên thế giới.

 

Có lẽ vì nhờ làm nhiều phim, có nhiều cuộc tiếp xúc với người thật việc thật, nên văn phong và những câu chuyện của tác giả Chu Lynh trong Mảnh Da Vàng thật sống động và đầy vẻ chân thật, gần gũi với độc giả, gần gũi với cộng đồng Việt, những người từng trải qua đau thương, mất mát sau ngày quê hương bị xẻ nghé tan đàn. Độc giả dễ dàng cảm thông và sẻ chia cảm xúc.

Cho nên, nhà văn Phong Thu đã viết, “Mảnh Da Vàng dù tả tơi, rách nát, vẫn là mảnh da vàng chan chứa ân tình, mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, niềm tin yêu một ngày mai quê hương Việt Nam sẽ tươi sáng hơn. Đọc Mảnh Da Vàng để tìm thấy bóng dáng của chúng ta ẩn hiện trên từng trang sách của tác giả Chu Lynh.” (tr. 380)

Cảm nhận của nhà thơ gốc lính Cao Nguyên lại càng nâng cao giá trị tác phẩm Mảnh Da Vàng, “Đây không chỉ là một tác phẩm văn học truyền lưu những nét đẹp quê hương, từ phong cảnh đến bản sắc dân tộc, mà còn là một tác phẩm sử học nhân bản của Việt Nam được ghi nhận lại từ một con dân Việt Nam đã sống qua giai đoạn lịch sử bi thương của đất nước trong chiến tranh và hòa bình”(tr. 381)

Đặc biệt, bình luận gia Trần Phong Vũ viết về một trong những truyện ngắn của Mảnh Da Vàng, “Chọn lối bố cục cổ điển “thủ vĩ ngâm” để mở đầu và kết thúc “Em Phải Sống”, cùng với cách hành văn thông thoáng, linh hoạt, cô đọng, trong chừng mực nào đó, tác giả Chu Lynh đã thành công trong việc xây dựng truyện ngắn, một thể loại không dễ đối với nhiều người.” (tr. 384)

Những lời này đã hấp dẫn tôi phải lật ra đọc ngay câu chuyện “Em Phải Sống” trước khi đọc những câu chuyện khác. Đây là một chuyện tình cảm động đến nát lòng thời chiến tranh Việt Nam, người lính xông pha nơi lửa đạn bảo vệ tổ quốc, anh trở về từ chiến trường Đức Lập trong chiếc túi đựng xác, để lại người em gái hậu phương với cái bào thai vừa tượng hình. Và để bảo vệ giọt máu của tình yêu, nàng đã tìm đường đến bến bờ tự do...

Nhà văn Trịnh Bình An nhận xét về Mảnh Da Vàng bằng những từ ngữ đầy văn hoa, cộng thêm sự lạc quan yêu đời, với niềm tin và hy vọng cho tương lai của một người sống trên miền đất tự do tràn ngập, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, “Trên miền đất mới, người lính trải qua những tháng ngày mới. Ngày trong lành, đêm an bình. Xuân bừng hoa, Hạ lóng lánh, Thu êm ả, Đông ấm áp. Nhưng ngần ấy niềm vui không lấp đầy nỗi trống vắng trong tâm.  Quá khứ như giấc mộng không tan...” (tr. 385)

Những tinh hoa trong tập sách Mảnh Da Vàng đã dược quý nhà văn nêu trên nói hết cả rồi. Riêng tôi, những cảm xúc, những nghẹn ngào, và đồng cảm chợt ùa về khi đọc những câu chuyện buồn đến não lòng.  Mở đầu quyển sách là chuyện “Nốt Nhạc Buồn” tác giả Chu Lynh đã kể lại rất sống động về một cái đám tang, và những dòng chữ này đã khiến tôi cảm thấy rưng rưng,  “...trong những đám bụi rậm rải rác giữa cánh đồng khô, tiếng đa đa khàn khàn đang điểm giờ tàn của hoàng hôn, như nhắc ai mau bước dồn về trả lại giang sơn cho chúng. Trên những hàng dây điện song song, những con chim én từng cụm hay rải đều ra như những nốt nhạc buồn. Chúng im lìm nhìn đoàn người đang đổ dốc tiến về nghĩa trang. Không gian tràn ngập quạnh hiu.” (tr. 15)

Có phải đây là lối viết ẩn dụ của tác giả, dù những con đa đa giọng đã khàn, hơi đã mỏi, giờ đã điểm hoàng hôn, chúng vẫn cố gượng chút tàn lực kêu lên để “đòi lại giang san”?

Là một nhà làm phim thực tế, cách viết của nhà văn Chu Lynh rất trung trực, sống động, và vô tư. Từ đầu đến cuối sách, độc giả không bắt gặp một dòng nào bày tỏ sự thù hằn hay nguyền rủa những kẻ đã hành hạ mình và đồng đội như nhiều tác giả cựu tù nhân CS thường làm. Tác giả chỉ thuật lại để cho đời và lịch sử phán xét.

Nhưng sự thuật lại rất tượng hình đó đã khiến người đọc phải đớn đau theo từng câu chuyện, cảm động, và khâm phục theo từng nghĩa cử của các nhân vật. Hãy nghe tác giả tả lại cảnh đói của tù nhân, “...khẩu phần ăn rút bớt. Đói từ sáng đến tối, đói khi thức giấc, đói ngoài ruộng, đói trên giường, đói cả trong chiêm bao.  Đói là kẻ đồng hành đáng ghét cứ bám sát người tù. Nó choán chỗ cả đầu óc, tạo cho vị giác cái thèm thuồng bất cứ vật gì có thể nuốt được.” (MDV tr. 73)

Giọng văn cho thấy tác giả là một người yêu đời, dù trong mọi hoàn cảnh, có lẽ nhờ vậy mà anh đã tồn tại qua bao gian truân và biến cố. Chúng ta hãy nghe triết lý đó trong ngày tù đón chờ năm mới, “... hãy chia sẻ niềm vui truyền thống mừng năm mới. Người lớn có lúc nên tập làm trẻ con, lấy cái vui nầy xua đuổi cái buồn kia, ít nhất một vài khoảnh khắc. Thêm một tuổi đời và thêm một tuổi tù.” (MDV tr. 90)

Cách diễn tả rất sống động, và ẩn dấu mỉa mai trong lời văn của tác giả làm cho tôi bái phục. Mời nghe anh kể về ngày cuối của đợt học tập chính trị để biết “Đế Quốc Mỹ là kẻ thù của loài người” sau khi giảng viên chính trị chấm dứt, “Tiếng vỗ tay nổ giòn, hội trường như muốn vỡ tung. Bên ngoài cây cối giật mình rơi những ngọn lá lào xào xuống sân, ngơ ngác nhìn đám người vừa biết yêu đời.” (Tr. 83)



Câu chuyện chính và cũng là tựa đề của tập sách, “Mảnh Da Vàng,” bản tiếng Anh đã nhận được giải thưởng cuộc thi của sinh viên trường Nova College, và bản tiếng Việt đã được giải Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, California. Đây là câu chuyện lịch sử thời đấu tố ở miền Bắc kéo dài vô Nam. Khi di cư vào Nam và tham gia quân đội VNCH, tác giả đã gặp lại người giám sát cuộc xử tử người thân tại chiến trường miền Nam, nhưng người đó đã là một xác chết. Tác giả thể hiện tấm lòng nhân hậu bỏ qua thù oán cũ và thật lòng giúp đỡ cho con gái của kẻ thù về sau, khi gặp cô này du học trên đất Mỹ, hy vọng giới trẻ thời đại sau này có thể giúp cho quê hương, “Núi xương và sông máu, qua hằng thế hệ trên quê hương tôi, là bài học lịch sử quả đắt giá hơn bất cứ đất nước nào, hôm nay với kẻ hậu sinh phải được gẫm suy để đưa vận nước thoát khỏi cơn mê lầm thế kỷ. Chiếc xe lịch sử phải chăng đã thản nhiên lăn trên con đường đầy máu và nước mắt cán nát cả những kẻ thân yêu của mình bởi vì lịch sử chỉ có một con đường để đi ” (tr. 353)

Đọc xong tập truyện Mảnh Da Vàng, nhiều cảm xúc nghẹn ngào vẫn còn đọng lại trong tôi. Dù hiện tại tác giả Chu Lynh đang ở nơi miền đất tự do, nhưng câu nói xé lòng của anh đã đem lại cho độc giả Việt, những thân phận tha hương, một sự đồng cảm và niềm đau vô bờ, “Và hôm nay bên bờ Trùng Dương đứng ở ngõ nào ruột cũng đau chín chiều” (Lời ngỏ - tr. 9)

Dưới đây kính mời quý độc giả nghe tác giả Chu Lynh (CL) tâm tình cùng người viết, Phương Hoa (P.Hoa), về tập sách Mảnh Da Vàng:

P.Hoa:  Thưa anh Chu Lynh, anh đã cho biết đây là tập hồi ký đời anh, tất nhiên là những câu chuyện thật mà anh đã trải qua, và chính anh là tác giả viết ra tập sách, có chứng minh bằng hình ảnh những trang hồi ký anh viết tay.  Xin cho hỏi, tại sao trong phần dẫn nhập anh đặt ra câu chuyện ngắn “Nốt Nhạc Buồn” nói về cái đám tang của một sĩ quan QLVNCH, và cái kết là đứa con gái của người đã khuất “từ phòng ngủ bước ra, cô bé cầm một cuốn tập dày, bao kỹ bằng giấy báo” và nói: “Cuốn Mảnh Da Vàng của ba cháu đây, thưa cô.” Có một lý do đặc biệt nào?


CL
: Thưa chị. Trong Mảnh Da Vàng có đủ thể loại: Hồi ký, tiểu thuyết, tuỳ bút, phóng sự, truyện ngắn… Nhiều biến cố của gia đình tôi, và của riêng tôi đều gắn liền với di cư, di tản suốt chiều dài của đất nước, nhưng tôi không muốn thuần tuý là hồi ký. Vì vậy tôi dùng những hình thức trên để diễn tả những sự kiện, như thể muốn sự kiện cần đi qua cái bình lọc trước khi trở thành Mảnh Da Vàng. Nốt Nhạc Buồn là một thí dụ. Tôi đã chết tại bệnh viện Bình Dương từ 7 giờ tối đển 3 giờ sáng. Một anh bộ đội nằm cạnh giường tôi phát giác hai ngón tay cái tôi cử động. Thế là bác sĩ được gọi đến. Tôi đã sống lại. Cuốn Mảnh Da Vàng đã viết xong trước khi tôi vào bệnh viện.


P
.Hoa:  Wow!  Quả thật ly kỳ! Cám ơn anh. Vậy là sau khi từ cõi chết trở về, anh tự coi như anh là nhân vật “tiếp quản” để hoàn thành cuốn sách đó! Câu trả lời của anh chắc chắn giải đáp được thắc mắc của nhiều độc giả. Thưa anh, xin anh cho biết, có phải tất cả những câu chuyện trong tập hồi ký này đều là sự thật và đều là của chính tác giả?


CL
: Thưa chị. Tiểu thuyết là những góp nhặt bi kịch hay hài kịch ngoài đời thực, được tiểu thuyết hoá thành một tác phẩm. Cho nên tôi muốn gia đình tôi, họ hàng tôi, đồng đội tôi, và dân tộc tôi sẽ tìm thấy phần nào chính mình trong cuốn sách. Mặc dù trước và sau chiến tranh, tôi có viết một số truyện ngắn, nhưng tôi vẫn nghĩ mình chưa ở trong thế giới của văn chương. Nếu nói viết văn là nhà văn thì cũng được, nhưng văn nhân, văn sĩ e không hợp với tôi. Hơn nữa tôi chỉ viết được khi đó là chuyện thật, thường xúc động đến phát khóc khi ai đó hát về quê hương, về người lính.


P
.Hoa:  Đúng là anh quá khiêm nhượng! Anh có thể cho biết, bắt đầu từ đâu, và bằng cách nào mà anh nhớ hết và viết lại được những câu chuyện với nhiều chi tiết thật sống động, thật rõ ràng như mới hôm qua, cho dù những sự việc đã trải qua đến gần 50 năm?


CL
: Những ngày đầu tháng 5, 1975, tôi đi qua đường Thống Nhất ở Sài Gòn chờ ngày đi trình diện Uỷ Ban Quân Quản, tôi tình cờ chứng kiến buổi lễ chiến thắng của Cộng Sản trước Dinh Độc Lập. Một ý nghĩ chợt loé lên: Tôi phải viết về “lịch sử sang trang” của đất nước mình bằng những gì mình nghe, thấy, và chính mình là nạn nhân của chiến tranh, đang đưa tay đón lấy một thứ cứ tưởng là hoà bình. Vào tù tháng 6/1975, tôi lượm giấy vụn để viết bằng mật mã của riêng mình. Rồi xé bỏ, qua trại giam khác viết tiếp. Đôi khi liều lĩnh viết thành “bạch văn”, rồi lại xé bỏ. Hai lần tôi xuýt nữa bị tịch thu, như có Ơn Trên che chở. Cả khi ra ngoài tù, trong lớp học dạy Anh văn cho một nhóm thanh niên sắp đi Mỹ, tôi đang viết thì một tên công an bước vào. Mục đích của họ là vào xem tôi dạy những gì có hơi hám “phản động” không. May mắn tên công an không biết đó là cuốn hồi ký.


P
.Hoa:  Ôi, thật...hú hồn! Đúng là anh Chu Lynh có duyên nghiệp với văn chương, một tia sáng lóe lên từ ý nghĩ đã làm nên mùa Xuân.  Cho P.Hoa hỏi câu sau cùng: Được biết, sắp tới Vietnam Film Club sẽ ra mắt bộ phim My South Vietnam.  Anh có thể cho biết đôi chút về cuộn phim này, và đến khi nào thì phim được ra mắt? Và cho hỏi thêm, các hệ thống truyền thông Việt cho biết, cuốn Mảnh Da Vàng sẽ được ra mắt độc giả vào ngày 10 tháng 9/2022 tại Hoa Thịnh Đốn. Vậy anh có dự định sẽ sang Cali để ra mắt sách Mảnh Da Vàng hay không?


CL
: Một cách thành thật, đứa con Mảnh Da Vàng ra đời sau 47 năm thai nghén, là cả một diễm phúc cho tôi, cho nên tôi chưa dám nghĩ đến chuyện ra mắt tại các nơi khác. Để chờ xem cái duyên có đến với mình không. Có điều tôi được an ủi, bởi khá nhiều người đã để mắt đến cuốn Mảnh Da Vàng, đặc biệt một số bạn trẻ đã giúp tôi một cách vô vị lợi trong buổi ra mắt sách sắp tới tại Virginia ngày 10/9/2022. Nhưng đặc biệt hơn hết, là chính chị Phương Hoa đang giúp tôi qua buổi trò chuyện thú vị này. Xin cám ơn chị nhiều lắm. Xin nói thêm một chút bên lề. Từ trước đến nay, Vietnam Film Club không gây quỹ, không kêu gọi đóng góp, không có nhà bảo trợ. Để thực hiện các phim tài liệu, anh em hoàn toàn tự túc. Nhưng sau mấy năm đại dịch, hầu bao của tổ chức gần như đã cạn kiệt. Cái khó bó cái khôn. Tôi dùng tiền bán sách Mảnh Da Vàng dành cho Vietnam Film Club để thực hiện bộ phim My South Vietnam vừa mới bắt đầu. Xin nói vắn tắt, My South Vietnam là bức tranh về xã hội miền Nam trước năm 1975. Tôi biết gay go lắm nhưng phải quyết chí thực hiện cho bằng được, bởi vì đó là My Vietnam, vì có những người đang trông chờ thấy lại bức tranh của quê hương Việt Nam trước năm 1975.


P
.Hoa:  Dạ cám ơn anh. Tấm lòng của anh thật đáng cảm kích, và ước mơ của anh chắc chắn là mơ ước của nhiều người Việt tha hương. P.Hoa tin rằng với sự quyết tâm đó anh sẽ hoàn thành bộ phim My South Vietnam trong một ngày không xa. 


Cuối cùng, xin cám ơn anh Chu Lynh đã cho P.Hoa cơ hội được nghe anh chia sẻ về tác phẩm mới “Mảnh Da Vàng” và bộ phim “My South Vietnam” sắp tới. Kính chúc anh luôn khỏe để tiếp tục con đường đầy ý nghĩa cho quê hương mà anh đang dấn bước.


Xin trân trọng kính giới thiệu tập sách Mảnh Da Vàng tới quý độc giả và đồng hương khắp nơi.

Quý vị muốn có sách, xin mời liên lạc tác giả: chulynh@gmail.com

 

Phương Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Nhà văn Vũ Thất, sinh năm 1940 tại Tân Châu, Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cựu học sinh trung học Võ Tánh, Nha Trang (1957-1959). Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình (1961-1963), TTHL Hải Quân Nha Trang. Xuất thân với 81 Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình...
Đọc tập thơ “Xếp màu cho tuổi”, thơ Đặng Toản, Houston 2022...
Nhân những biến động gần đây trên Tây Nguyên Việt Nam, tác phẩm tiểu thuyết "Vòng đai xanh" của nhà văn Ngô Thế Vinh được nhắc đến như một văn bản trung thực và khả tín để tìm hiểu thêm về nguyên do và tình trạng của cuộc xung đột có tính lịch sử này. Việt Báo xin đăng lại bài Tựa của cuốn sách trong dịp tái bản năm 2018 tại hải ngoại...
Tạp bút của Trịnh Y Thư, ấn bản 2023, định dạng eBook...
Trong hệ thống triết học và lề lối suy nghĩ của Tây Phương thì thế giới này có thật, sơn hà đại địa, con người và cái Tôi hay cái Ngã đều có thật. Descartes nói rằng “Tôi biết suy nghĩ nên cái tôi có thật” (Je pense, donc je suis). Còn Pascal nói rằng cái Tôi có thật nhưng nó chỉ đáng ghét thôi (Le moi est haïssable). Thậm chí Thượng Đế, một vị thần tối cao ở đâu đó cũng có thật.
Thân thể đau nhức mỏi nhừ, từng đốt xương rã rời như rụng rơi, những sợi cơ dường đã xơ cứng vô dụng, không còn co thắt được nữa, vô số những mạch máu ở những chỗ xa tim tắt lịm rồi, duy những mạch quan trọng ở gần thì còn thoi thóp tí ti, nhịp tim gần như không còn đập, nó nhẹ còn hơi gió...
Truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất xuất bản lần thứ nhất năm 1969 tại Sài Gòn, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ với nhân vật chính Võ Bằng, một sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp...
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ...
Chúng tôi thật vinh hạnh và danh dự khi được Giáo sư Nguyễn Bá Chung yêu cầu điểm sách đặc biệt này của một trong những bậc Thầy được tôn kính và ngưỡng mộ nhất ở Việt Nam. Cuốn sách có tên DREAMING THE MOUNTAIN – GIẤC MƠ TRƯỜNG SƠN của Tuệ Sỹ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.