Hôm nay,  

Tin Văn: V. S. Naipaul: Hai Thế Giới (3)

12/01/200200:00:00(Xem: 8440)
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).

Có một cửa tiệm của người Hồi giáo ở kế bên. Hàng hiên nhỏ cửa tiệm bà tôi đụng bức tường trần trụi cửa tiệm bên đó. Người chủ tên Mian. Tôi chỉ biết có vậy, về ông và gia đình ông. Chắc đã từng nhìn thấy ông ta, nhưng tôi chẳng còn giữ được một hình ảnh gì về ông. Chúng tôi chẳng biết gì về những người Hồi giáo. Cái ý nghĩ về sự xa lạ, về một điều gì [phải] bỏ phắt ra ngoài, vươn luôn tới những người Hinđi khác. Thí dụ, chúng tôi ăn cơm vào buổi trưa, và bánh mì vào buổi chiều, trong khi có một số người khác thường lại đảo ngược trật tự bình thường này, họ ăn cơm vào buổi chiều. Với tôi, những người ăn cơm vào buổi chiều như thế, là những kẻ xa lạ - hãy tưởng tượng ra thằng bé chưa đầy bẩy tuổi là tôi, bởi vì khi tôi đúng bẩy tuổi là cái cuộc đời ở căn nhà của bà tôi tại Chaguanas cũng chấm dứt luôn. Chúng tôi dời lên thủ đô, rồi lên vùng đồi tây bắc.

Nhưng cái đầu của con người, một khi bị lắc lư chao đảo vì những biến cố "đẩy ra-đóng vô" như trên, không phải dễ gì mà một sớm một chiều trở nên thanh thản. Nếu không đọc những truyện ngắn của cha tôi, tôi hoàn toàn mù tịt về cuộc sống chung của cái cộng đồng người Ấn của chúng tôi. Những truyện đó đã đem đến cho tôi không chỉ sự hiểu biết, mà còn là một sự vững tâm. [Như một cây gậy], chúng cho tôi điểm tựa để mà đứng ở trên đời. Tôi không thể tưởng tượng ra được, nếu không có chúng, cuộc sống tinh thần của tôi sẽ ra sao.

Thế giới bên ngoài hiện hữu như một thứ bóng đen; chúng tôi chẳng thèm tìm hiểu gì hết. Tôi cũng khá lớn và biết chút ít về những hùng ca Ấn Độ, đặc biệt là hùng ca Ramayana. Những đứa trẻ kém tôi chừng năm tuổi, trong cái gia đình mở rộng đó, đã không có được cái may như tôi. Không ai dậy chúng tôi tiếng Hinđi [được nói chủ yếu ở vùng phía bắc Ấn Độ]. Thỉnh thoảng cũng có người viết ra bảng chữ cái cho chúng tôi học, chỉ có vậy; muốn biết thêm, là phải tự mầy mò. Cứ thế, tiếng Anh thấm vô, tiếng mẹ đẻ mất dần. Căn nhà của bà tôi thì đầy tín ngưỡng: có đủ thứ lễ, kinh kệ, có những buổi lễ ngày này qua ngày khác. Nhưng chẳng có ai giải thích hoặc dịch cho chúng tôi, còn chúng tôi thì càng ngày càng nghe không kịp. Niềm tin về cội nguồn, về tổ tiên ông bà cứ thế lui dần, và thay vì niềm tin, nó trở thành một thứ huyền bí, không thích ứng với cuộc sống hàng ngày của chúng tôi.

Chúng tôi chẳng tìm hiểu về cái xứ Ấn Độ, những bà con trong gia đình bỏ lại đó. Khi nghĩ lại, hoặc mong ước lại được biết về xứ sở con người ở đó, thì đã quá muộn. Tôi chẳng biết gì về bà con bên nội, nghe nói hình như có một vài bà con như thế, tới từ Nepal. Cách đây hai năm, có một tay người Nepal đáng quí, khoái cái tên của tôi và đã gửi bản sao một số trang, từ một tập san địa lý của Anh vào năm 1872, về xứ Ấn Độ, giai cấp và Bộ lạc Hinđi tiêu biểu ở Benares. Có một số mang tên Naipaul, trong cả mớ ở trong đó, và thuộc vào danh sách những người Nepal sinh sống tại thánh địa Banaras. Tôi chỉ biết có vậy [về cái tên cúng cơm của mình].

Bên ngoài cái thế giới căn nhà bà tôi, nơi chúng tôi ăn cơm buổi trưa, bánh mì buổi chiều, là một cõi u u minh minh - dân trên đảo chỉ có 400 ngàn người; đa số Phi Châu, hoặc có gốc rễ Phi Châu. Họ là cảnh sát; họ là thầy giáo. Cô giáo đầu đời học trò của tôi, tại Trường Nhà Nước Chaguanas, là một trong số họ; trong nhiều năm tôi cứ nhớ hoài hình dáng khả ái, tính nết dịu dàng của cô. [Còn] có thủ đô, nơi chẳng bao lâu chúng tôi tới để học, và kiếm việc làm, cũng là nơi chúng tôi đóng trụ dài dài, giữa những người xa lạ. Có những người da trắng, không phải tất cả là người Anh; người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa, ngày xửa ngày xưa là di dân như chúng tôi. Và, bí ẩn hơn hết, là những người mà chúng tôi gọi là Spanish, 'pagnols', những người pha trộn (mixed) có mầu da nâu ấm, tới từ thời còn người Tây Ban Nha, trước khi hòn đảo tách ra khỏi xứ Venezuela và Đế Quốc Tây Ban Nha - một thứ lịch sử hoàn toàn vượt ra khỏi sự cảm thông của một đứa trẻ là tôi hồi đó.

Để bạn có ý nghĩ như trên, về gốc gác của tôi, là nhờ vào sự hiểu biết và những ý nghĩ đến với tôi mãi sau đó, chủ yếu là từ những gì tôi viết ra. Khi còn là một đứa bé, tôi hoàn toàn mù tịt, trừ những gì có được từ thế giới căn nhà bà tôi. Tất cả trẻ con, tôi cứ nghĩ, đều bước vào thế giới như vậy, chẳng biết chúng là ai. Nhưng với trẻ con người Pháp, thí dụ vậy, sự hiểu biết đang chờ đợi chúng. Nó ở lòng vòng chung quanh chúng. Nó sẽ tới, một cách gián tiếp, qua trò chuyện của người lớn. Nó sẽ có, ở trong tờ nhật báo, hay từ cái đài (cái la dô). Và ở trường, qua những tác phẩm của nhiều thế hệ những nhà học giả, được thu gọn vào trong những bài học; chúng sẽ đem đến cho những đứa trẻ ý nghĩ này nọ, về nước Pháp, và người Pháp.

Ở Trinidad, một đứa trẻ như tôi, cho dù thông mình sáng láng, bị bao quanh bởi những vùng bóng đen. Trường học chẳng soi sáng gì cho tôi. Tôi bị nhồi nhét đủ thứ, nào sự kiện, nào công thức. Mọi thứ đều phải học thuộc lòng. Mọi thứ đều trở thành trừu tượng đối với tôi. Một lần nữa, ở đây, tôi chẳng hề tin tưởng, rằng đã có một chương trình, hay mưu đồ đề ra những "giáo án" như vậy. Đây là chương trình học chuẩn chuẩn. Trong một khung cảnh khác, nó có nghĩa. Vả chăng, thất bại một phần là do tôi. Do hiểu biết quá nghèo nàn về xã hội, thật khó mà tưởng tượng, rằng mình đang lặn vào trong những cõi người khác, hay phiêu lưu tới những vùng đất xa lạ. Tôi yêu sách vở, nhưng đọc chúng sao khó quá! Tôi cảm thấy thật thoải mái, với những cuốn như của Andersen, Aesop, chúng như vượt nơi chốn, thời gian, không loại trừ những loại sách khác. Tới năm học chót (năm thứ sáu ở trung học), tôi bắt đầu thích những bài học trích ra từ những tác phẫm của Molière, Cyrano de Bergrac - theo tôi, chúng mang dáng dấp những câu chuyện thần tiên.

(còn tiếp)

Jennifer Tran chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).
Diễn văn Nobel 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).
Benjamin Markovits, trên tờ Điểm sách Luân Đôn, số đề ngày 18 tháng Mười 2001,
W. G. Sebald: Viết như chó chạy rông ở ngoài đồng.
W.G. Sebald, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học gốc Đức, đã mất,
Em thương anh, như thương một ông trời bơ vơ... Thơ Bùi Giáng
Trong bài "Nhân Văn" ("Humane Literacy", trong "Ngôn ngữ và Câm lặng"), George Steiner viết:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.