Hôm nay,  

Tin Văn: Tư Tưởng Gia Tân Thế Kỷ

10/12/200000:00:00(Xem: 5983)
John Cassidy, trong bài viết trên The New Yorker, số đặc biệt về "Next" (Oct 20/27, 97), coi Marx sẽ là nhà tư tưởng lớn của tân thế kỷ. "Một trăm năm chục năm trước, ông ta ngồi trong Thư viện Anh, phân tích những vấn đề của tư bản chủ nghĩa và những đức hạnh của chủ nghĩa CS. Marx đã sai lầm về chủ nghĩa CS. Liệu ông ta đúng, về chủ nghĩa tư bản"".

Tác giả kể lại một buổi gặp gỡ một người bạn. "Càng loanh quanh ở Wall Sreet, tôi càng nhận ra là Marx có lý". Ông ngạc nhiên, tưởng bạn nói đùa. "Hiện đang có sẵn một Nobel cho một kinh tế gia làm sống lại Marx, kết hợp những vấn đề của hôm nay và đưa ra một kiểu mẫu hợp lý. Tôi rất tin tưởng, cách của Marx là tối hảo, khi tiếp cận tư bản chủ nghĩa." Ông chới với. Cả hai cùng học Oxford, vào cái thời hầu hết các ông thầy đồng ý với Keynes, khi cho rằng chủ nghĩa CS là một sỉ nhục trí thông minh của con người. Nhưng anh bạn của ông là một chuyên gia, kinh nghiệm đầy mình về tài chính toàn cầu, một người ăn nằm với Wall Street.

Bị ám ảnh bởi câu nói của bạn, Cassidy đi nghỉ hè, còng lưng với gánh nặng lịch sử: Lý Thuyết Thặng Dư Giá Trị, Ý Thức Hệ Đức, Tuyên Ngôn...

Cách đây 50 năm, Edmund Wilson ghi nhận, phần lớn văn xuôi của Marx "thôi miên người đọc bằng những nghịch lý, sau cùng là giấc ngủ". Mấy chục năm, thời gian đâu làm cho Marx dễ đọc hơn. Ngay Engels cũng than phiền, những chương sách quá dài, văn thì hũ nút. Marx thích nhất, khi õng ẹo, làm dáng với những diễn đạt mượn từ Hegel. Không phải ông không biết viết. Khi nghĩ rằng, mình thích, ông có thể viết những câu văn giản dị, những "sấm ngôn", vốn là những khối thuốc nổ nén lại (Wilson). Nhưng thuờng ra, ông viết như thể sự trong sáng, thói tiết kiệm ngôn từ là những cái bẫy của giai cấp trưởng giả, cho những nhà văn "gà nhà".

Cùng với sự sụp đổ chủ nghĩa CS, di sản của Marx càng thêm u tối. Nhưng đây không phải điều ông quan tâm. Sự thực Marx rất ít biết về chuyện xã hội "xã hội chủ nghĩa" làm ăn ra sao. Là một "sinh viên" của chủ nghĩa tư bản, ông phải được đánh giá từ quan điểm đó. Khi không có ý định giải trí người đọc, ông kéo họ vào những nghiên cứu: tình trạng toàn cầu hóa, mất cân đối, tham nhũng chính trị, độc quyền, tiến bộ kỹ thuật, văn hóa cao xuống dốc, thiên nhiên ô nhiễm, sự bực bội về cuộc sống hiện tại... toàn những vấn nạn kinh tế gia đang phải đương đầu. Quan điểm "tự do kinh doanh" (free enterprise) của Marx được nhiều thương gia hò theo, nhưng thà bắt họ nằm sấp, đánh vài roi vào đít, chứ đừng gán cho họ là Mác-xít.

Trước 1975, giáo sư Trần Văn Toàn cũng cho rằng, chế độ tư bản hưởng lợi rất nhiều, nhờ Marx: Họ hiểu Marx, hoặc thực sự có đọc Marx. Chế độ công đoàn, tự điều chỉnh (auto-régulation)... là từ Marx. Khi những nhà bảo thủ khẳng định chế độ an sinh xã hội, welfare, bị sa lầy, và nó sẽ giết chết những cơ sở tư nhân, khi chúng ta tin rằng chế độ Xô-viết sụp đổ, vì không cùng nhịp (en jeu), với hiệu năng của chủ nghĩa tư bản, như vậy là đã chấp nhận quan điểm của Marx, về kinh tế chỉ huy. Marx tin tưởng, xã hội làm ra sản phẩm ra sao, con người như thế đó; nói rõ hơn, hành vi, niềm tin của con người hoàn toàn phụ thuộc đường hướng xã hội tổ chức, sản xuất, phân phối sản phẩm. Tuy chỉ trích sự thờ phụng đồng tiền xô đẩy con người vào những tham vọng thấp hèn, Marx không hề coi thưòng "thị trường tự do" (free market). Chỉ trong vòng 100 năm thống trị, giai cấp trưởng giả đã tạo nên những thành quả khổng lồ, bằng bao nhiêu thế hệ trước cộng lại. Hơn nữa cuộc cách mạng kỹ nghệ của họ không hề bị trói buộc, chỉ vào một quốc gia; bởi vì sự cần thiết thị trường mới, là một nhu cầu thường trực, nó luôn thúc vào đít giai cấp trưởng giả, "săn đuổi họ tới cùng trời cuối đất". Tới đâu, nó cũng coi thường những cách thức mang tính truyền thống, về sản xuất vật dụng. "Tất cả những kỹ nghệ mang tính quốc gia, cổ lỗ đã bị huỷ diệt, hoặc đang bị huỷ diệt từng giờ từng phút. Bóng dáng những kỹ nghệ mới nơi cuối đê đầu làng là một câu hỏi sống chết đối với mọi quốc gia có văn hóa. Không phải chỉ ba dịch vụ buôn bán cò con, địa phương đau khổ. Toàn thể văn hóa bị xô giạt qua một bên, bởi sức mạnh tàn nhẫn của hiện đại hóa, của nhu cầu hội nhập vào 'ngôi làng thế giới'. Sáng tạo mang tính trí thức của những quốc gia 'cá thể' được coi là 'tài sản chung'. Sự nhỏ hẹp, một chiều, quốc hồn quốc túy ngày càng trở nên 'bất khả hữu'. Một nền văn chương thế giới sẽ mọc lên từ những mầu mỡ có tên là văn chương địa phương."


Năm 1881 Jenny mất, "The Moor cũng chết theo", Marx viết cho Engels. Hai năm sau, The Moor (1) theo vợ xuống mồ. Engels đọc ai điếu, chắc cũng hợp ý Marx: "Như Darwin khám phá ra luật tiến hóa thiên nhiên, Marx khám phá ra luật tiến hóa của lịch sử con người". Không thực sự đúng, nhưng đâu có hoàn toàn sai. Chủ nghĩa tư bản không bị chủ nghĩa CS thay thế, nhưng nó đã không sống sót theo kiểu khốn khổ được miêu tả trong tiểu thuyết của Dickens, như Marx từng chứng kiến. Trong thế kỷ tiếp theo cái chết của ông, những nhà cầm quyền đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện mức sống: luật lao động, lương tối thiểu, trợ cấp xã hội, nhà công cộng, bảo hiểm sức khoẻ (health care), thuế tích luỹ... Những biện pháp này mang nhãn xã hội, socialist, ngày Marx còn. Ông đã miêu tả chúng, trong Tuyên Ngôn. Thật khó tưởng tượng chế độ tư bản có thể sống sót, nếu thiếu chúng. Nhưng như vậy chưa đủ để tiên đoán, sự trở lại của Marx.

Marx tin tuởng, trong bất cứ xã hội nào cũng có sự phân chia giữa những người sở hữu máy móc, cơ xưởng, phương tiện sản xuất (giai cấp trưởng giả), và những người tài sản chỉ trông vào sức lao động (vô sản). Sự phân chia, đúng ra là sự nứt rạn giữa họ ngày càng nặng nề. Kẻ thắng thế là những người kiểm tra phương tiện sản xuất: giám đốc điều hành, những người có cổ phần. Vào năm 1978, giám đốc điều hành một công ty lớn thu nhập gấp 60 lần một công nhân; vào năm 1995 sai biệt là 170 lần. Cổ phần viên (shareholders) cũng kiếm bẫm. Những con số cho thấy, một trong những tư tưởng gây nhiều tranh luận nhất của Marx đang tìm đường trở lại: lý thuyết về bần cùng hóa giai cấp lao động (immiseration). Marx không hề tin tưởng, như một số nhà phê bình đã cắt nghĩa ông, theo đó, tiền lương không bao giờ có thể tăng, dưới chế độ tư bản. Nhưng ông khẳng định, lợi nhuận tăng nhanh hơn lương, rốt cuộc, công nhân ngày càng nghèo. Hai thập kỷ vừa qua cho thấy, vào năm 1979, 16% tổng số thu nhập của nhà máy chạy vào túi lợi nhuận, bây giờ là 21%. Để trốn thuế, để thêm lợi nhuận, để bớt trả lương công nhân, đám chủ chuyển cơ sở sản xuất sang thế giới thứ ba, thế giới toàn trị, nếu cần mướn con nít, bắt tù cải tạo làm việc. Điều này Marx cũng đã tiên đoán: bọn chủ "sạch" lắm, chúng sẽ để cho người chết chôn người chết. Câu chuyện gây sôi nổi liên quan đến vụ gây quỹ đảng, mấy ngài tổng thống chiêu đãi những vị Mạnh Thường Quân ngay tại Bạch Ốc cũng chẳng làm cho Marx ngạc nhiên: chính trị gia là những tà lọt, kẻ điếu đóm cho những ông chủ chi địa, ngay từ thời Washington.

Jennifer Tran
Chú thích:
(1) Chỉ bất cứ người Hồi giáo nào đã chinh phục Tây-ban-nha và chiếm giữ phần đất phía nam của xứ sở này, từ 711 tới 1492. Gốc Ả-rập trộn lẫn với giống dân Berber. Từ này được dùng lần đầu tiên, để chỉ một cư dân ở Roman province of Mauritania, thuộc Tây Bắc Phi-châu. Do Marx đen đúi, râu ria xồm xoàm, nên mấy đứa con của ông gọi ông bằng biệt hiệu này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhưng than ôi, có một mùa Thu lá Thu rơi...
Những người từng ở Trại Cấm Sikiew, Thái Lan, chắc khó quên được Giáng Sinh 1991.
Trong những tác phẩm của Sơn Nam, có một, ít được nhắc tới, nhưng đối với cá nhân người viết,
Trước 1975, tôi làm ở… bên trong Bưu Điện. Sau 1975, tôi làm ở… bên ngoài
Tôi chẳng biết điều đó muốn nói gì Tôi thật quá buồn Một câu chuyện từ đời thuở nào Cứ ở mãi trong đầu tôi (nhạc phổ thông Đức)
Hiếm nhà văn được như Borges: ông đi vào truyền thuyết, ngay từ khi còn sống,
“Tình Trại” là một trong những cuộc phỏng vấn những kẻ sống sót từ trại tù Norilsk.
“Thời gian là nhân vật thực sự của tôi” Naguib Mahfouz
Tại sao thi sĩ, trong một thời đại khốn khổ như thế này"
Lò Thiêu Người, Holocaust, là một kinh nghiệm mang tính kỹ nghệ, thực dụng "siêu đẳng":
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.