Thơ xưa – Bạn cũ – Quê nhà

16/12/202200:00:00(Xem: 2365)

landscape
Hình minh họa
 
Một chút gì gợn lên nơi mùi cà phê sáng, nơi tách trà nhâm nhi buổi xế chiều, nơi ly vang đỏ nồng đêm tối, làm cồn cào nhớ đến câu thơ đã đọc từ lâu lắm, thơ xưa chăng, nhưng sao cái rung động hôm nay về nó vẫn làm ta xao xuyến đến vậy.
 
Thơ cũ như là áo xưa. Chút hương theo gió chút mùa gửi trăng. Chút phân vân duột tơ tằm. Chút mình lẫn chút trăm năm bùi ngùi. Chút thân. da thịt sần sùi. Chút tà dương vợi săm soi tuổi đời. (Hoàng Xuân Sơn).
 
Và phải chi những lúc như thế, được ngồi cạnh người bạn đã một thời cùng nhau chia sẻ, giờ đã phương trời cách biệt… Nhớ về nhau mới thấy rằng bạn được xem là cố cựu không phải ngày một ngày hai mà nên.
 
Và nơi xa xăm kia, là quê nhà, là trời đất cũ, là căn nhà ấu thơ, cảm hoài nhớ về, muốn thì thầm cùng người, dưới tàn mây trắng kia là nhà ta…
 
Thơ xưa. Bạn cũ. Cố hương. Ký ức của máu thịt. Luôn được bảo vệ bằng Nhớ. Nhớ, có phải cho ta được dừng lại để sống chậm đi một chút hưởng thụ thấm thía hơn, cái đằm thắm chín muồi của cảm xúc, của xa vắng thời gian? Biên giới giữa xa xưa và hôm nay chỉ một vách sương, bạn và ta như chưa hề chia biệt. Thốt nhiên trong đêm viễn xứ, hoàng lan ngoài vườn khuya ngát hương quê nhà…
 
*
 
VÕ CHÂN CỬU (1952-2020)
 
ĐƯỜNG VÔ NÚI
 
Theo mây đi một buổi
Trời đất nhẹ phiêu phiêu
Va đầu tưởng đụng núi
Chỉ đụng bóng sương chiều
Một mặt trời lầm lũi
Trên trần gian tiêu điều.
 
 
ÁNH NGỌC NÚI CAO
(Trích đoạn)
 
Mơ màng như một giấc chiêm bao
Người lại hồi sinh từ bao kiếp
Hơi truyền sóng gió lướt qua mau
Hơi truyền trong gió theo cát bụi
Cát bụi thì mờ vạn vạn năm
Cát bụi báo tin ta trở lại
Từ tro tàn của buổi xa xăm
Ta bay ngất ngưởng trong đại mộng
Nào mênh mông mấy nẻo quê nhà
Đợt sóng thiên thu hoài vang vọng
Trong lòng sao vẫn tưởng như xa
Đêm đêm dòm mãi trời cao ngóng
Không một vì sao buổi trăng tà
Âm âm tiếng núi trong sương đọng
Mười năm mà vẫn tưởng hôm qua
 
1972
 
*
 
VŨ HỮU ĐỊNH (1942-1981)
 
TRỜI ĐẤT CŨ
 
Về ngõ cũ, anh gặp trời rất cũ
Con chim cùng về hát lạnh trong sương
Bến sông ấy anh đứng nhìn lại nước
Mấy mươi năm nước cũng bình thường
 
Về ngõ cũ, anh gặp chiều rất cũ
Bầy vượn cùng về đuổi bóng trên nương
Rừng xưa có phai chút màu sắc cũ
Màu cũ đang về trong gió trong sương
 
Về ngõ cũ anh ôm hồn đất cũ
Mảnh đất nghìn năm sao vẫn không già
Con thỏ con chồn chào anh lủi chạy
Anh cũng vừa lủi chạy vô truông
Ô nơi đây anh còn tiếc đoạn trường
 
Về ngõ cũ gặp người bạn cũ
Người bạn bao năm sao cũng chưa già
Anh gặp lại anh vác cần xách giỏ
Sớm lên đường bóng lẫn mưa xa
 
Về ngõ cũ, anh đã về chốn cũ
Mấy mươi năm thấp thoáng trong đời
Trời đất cũ mở lời chào vạn đại
Màu trôi đi, anh đứng lại em ơi
 
1972
*
 
LOUISE GLÜCK
 
CÁNH CỬA TRÓC SƠN
 
Rốt cuộc, ở độ trung niên,
Tôi thèm trở về thời thơ dại.
 
Căn nhà vẫn vậy, nhưng
cánh cửa đã khác.
Không còn màu đỏ nữa – gỗ đã tróc sơn.
Những cái cây vẫn vẹn nguyên như trước: cây sồi, cây ngô đồng.
Nhưng con người – tất cả cư dân của thời quá vãng –
đã ra đi: thất lạc, qua đời, di tản.
Đám trẻ con từ phía bên kia đường
những ông già, bà lão.
 
Mặt trời vẫn thế, bãi cỏ
nâu khô mùa hè.
Nhưng hiện tại chất đầy người xa lạ.
 
Và theo cách nào đó mọi thứ đều hoàn toàn chính xác,
chính xác như tôi từng nhớ: căn nhà, ngõ phố,
ngôi làng phồn thịnh –
 
Không phải để được tái sinh hay để bước vào một lần nữa
mà để biện minh
cho sự thinh lặng và nỗi vời vợi,
nỗi vời vợi của nơi chốn, của thời gian
độ chính xác đến kinh ngạc của trí tưởng và chiêm bao –
 
Tôi nhớ về tuổi thơ của mình như một ước muốn
đau đáu là được sống ở nơi nào đó khác.
Chốn đây là nhà; đây chắc hẳn là
thời thơ ấu tôi mang trong tâm tưởng.
 
 “Unpainted Door” – Từ tập thơ “The Seven Ages” (2001)
LINH VĂN dịch (vanviet.info)
 
*
 
BÙI BẢO TRÚC (1944-2016)
 
GỬI CĂN NHÀ CŨ
(Trích đoạn)

Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui

Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa

Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn

Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi

Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.

(ngo-quyen.org)
 
*
 
CAO ĐÔNG KHÁNH (1941-2000)
 
TRÊN NÓC SAIGON

để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái như cỏ xanh mướt
mây và hoa trên nóc thành phố
nơi đóng rêu nơi anh hoang vu
chẳng ai ngờ anh hôn ngón tay
nơi anh kể chuyện buồn cổ tích
chẳng ai ngờ anh hôn mái tóc
một ngọn cây còn một gia tài
chẳng ai ngờ anh hôn đôi môi
con đường rong thành phố phế thải
chợt cơn nắng tiếp trận mưa mù
lá me rơi trong tách cà phê
chẳng ai ngờ anh chưa chết đói
bụi cỏ may mọc nửa lưng trời
một cụm mưa làm phong cảnh đẹp
mặt trời xanh mọc trên gò má
nơi mấy năm bụi phủ lặng thinh
chẳng ai ngờ anh hôn mắt khép
người dưới đất cờ bay phất phới
chẳng ai ngờ hai đứa tự tình
cờ trổ hoa trên nóc cao ốc
chẳng ai ngờ anh còn đủ sức
để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái nhỏ như sợi chỉ
chẳng ai ngờ em chết lạnh băng
 
(Gio O.com)
 
*
 
 
CÕI CHIA
(Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng)

Vạt nước hắt sương đi xa
trời mưa quyên đỗ
thâm tà áo
bâu
nên thơ
từ vụng hôn
đầu
muối chan môi lệ
đằm câu mặn nồng
bề gì tóc cũng phơi
hong
sợi trăm năm có nao lòng bể dâu?
vắt hương
cạn kiệt đàn sầu
bãi trăng chín lộng
mùa sâu
uẩn quỳnh
xưa còn tản mạn thiên kinh
ơi con bướm đậu tang tình ngũ cung
vàng âm. mai, khổn
tao phùng
trói nhau phương hướng
mịt mùng
cõi
chia

Sông về
thiêm thiếp mộ bia
đăm đăm hồ mị
ô kìa!
giấc ai?
lạc trần chuông mõ bi ai
tàn nhang khuya với chuôi dài đẩu tinh
đầy trời
mắt lạ cung nghinh
triêu dương ánh cũ
có bình yên chăng?
rề rà
xếp áo cùng khăn
rớt rơi còn chút bụi hằn tâm si
ở hoa cương
ngạt xuân thì
nhành khô
xác mượn
chờ chi bụi hồng
đá vàng
tủi nợ gai chông
trăm năm gối nhẹ
tang bồng
thốt
thưa
 
*
 
TRỊNH Y THƯ
 
THÁNG BA, HÃY TRÔI ĐI
(Viết đêm Cao Xuân Huy trút hơi thở cuối)
 
Tháng ba đỉnh trời toác máu
lũ kên kên chao chiêng
mùi tử khí trào dâng
tháng ba xác trẻ và người già.
 
Nằm bên nhau thanh thản nghe gió vi vu
bờ lau Cửa Việt sóng bủa lớn
nuốt chửng –
 
Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà
tên tuổi lãng quên như râu tóc
bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong.
 
Đêm trổ mưa, đi về như cơn mộng
rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi
ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa.
 
Chua xót viên đạn cũ còn sưng vết thương
tháng ba trở về bờ cát đỏ
tháng ba trôi đi như ngàn sương.
 
Lạ thổ ngơi lạ cả tình
bên kia núi còn nghe đồng vọng
u uất đêm trăng –
 
Chờ ngày hóa thân
cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa
cát trắng mái nhà nâu hàng dừa.
 
Hãy trôi đi tháng ba.
 
*
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
LỜI HẸN CỦA PHÙNG NGUYỄN
(Tưởng niệm nhà văn Phùng Nguyễn, ra đi ngày 17.11.2015)
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến*
Buổi mai cồn cào lời hẹn
Cà phê mắt đen đợi nhau
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Một góc bàn. Hai ly cà phê hẹn
Thị trấn giữa đàng. Thảng thốt. Nhịp trần gian

Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Starbucks bên đường hay cuối đất xa
Giờ cùng trời ngó nhau thăm thẳm
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Người vừa hẹn. Rồi đi ngay cái một
Then vừa cài. Cổng đã khói sương
 
Nghe trái tim đau trổ mùa hoa tuyết
Thôi tháng ngày là ký ức tìm nhau
Người đã đưa. Người đã chờ.
Và Người đã đến
 
Kia. Tiếng cười vừa tan trong câu chào
Tay bắt mặt mừng trời xanh nghiêng nón
Thị trấn giữa đàng. Chuyện kể chiêm bao…
 
11. 2015
 
* Câu văn của Phùng Nguyễn hẹn với
Nguyễn Xuân Hoàng đến cà phê Starbucks
ở Thị Trấn Giữa Đàng.
 
*
 
LÊ NGUYÊN TỊNH
 
BAY ĐI NHƯ MỘT CÁNH CHIM
(Tiễn biệt Họa sĩ Đinh Cường [1939-2016])

Không bút không mực tôi viết một câu thơ
lặng lẽ như con đường
không dấu chân của khách hành hương
yên tịnh và vô ưu
như giọt sương tan trên chiếc lá no đầy lục diệp
vô trú xứ như một cánh chim
tôi lao vào bầu trời xanh vô tận
không màu không sắc
tôi vẽ một bức tranh vô hình
chiều kích vô biên của bình minh
 
tôi chết lịm trong thinh lặng, trong lửa
trong thơ, trong sắc màu
như một sự tận hiến thơ mộng
 
(nguoi-viet.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
… Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ... (Ngô Thế Vinh, trong tập truyện Mặt Trận Sài Gòn.)
LTS: “19 Hè 72” là một bài trường ca của nhà thơ Ngu Yên viết về chiến tranh Việt Nam với những hình ảnh thống khổ và chết chóc đau thương do chiến tranh gây nên. Và để tri ân người lính Việt Nam Cộng Hòa. Khác với những trường ca thường thấy trước đây, nhà thơ đã kết hợp một cách sáng tạo giữa thi ca với tài liệu từ những trang bút ký, hình ảnh chiến tranh, ca khúc, thậm chí quân sử, để thơ không chỉ là những câu chữ thuần túy nữa, mà là một bức tranh linh động và xúc động khiến người đọc không khỏi bồi hồi khi đọc, dù những điều được nhắc đến trong bài thơ xảy ra cách nay đã trên nửa thế kỷ. Việt Báo trân trọng giời thiệu.
Dấu thời gian để lại trên con đường nó đi qua là tàn phai, là những đổi thay tác động vào tâm thái vui buồn của ta, tạo nên hoài niệm, và ước mơ. Vậy cái lúc đang thở, bạn có biết thời gian đang có mặt không, và có nhìn kỹ người bạn đồng hành ấy không. Phải chăng lúc dừng lại đó là ta đang thức cùng hiện tại? Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật dạy: Đừng tìm về quá khứ/ Đừng tưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại/ Kẻ thức giả an trú/ Vững chãi và thảnh thơi.
Gió gỡ bóng tối rừng thông./ Sáng trăng lang bạt theo dòng lân tinh./ Suốt ngày đuổi bắt ái tình./ Sương mù nhảy múa bóng hình yêu đương./ Hải âu lạc cánh tây phương./ Cao, cao, ngọn nến dễ thường ngôi sao.
Đó là câu kết một bài thơ của nhà thơ Iya Kiva, là một trong nhiều nhà thơ trẻ Ukraine hiện nay. Bà đã dùng câu thơ “Tháng hai. Lấy mực ra và khóc” của thi hào Nga Boris Pasternak (February. Get ink and weep!) để làm tựa đề cho ba bài thơ của bà. Cùng với các nhà thơ Ukraine khác như, Taras Shevchenko, Pavlo Vyshebaba, Oksana Zabuzhko, chúng ta thấm thía hơn thân phận dân tộc Ukraine, máu và nước mắt họ làm cháy bỏng trái tim thế giới.
Từ những ý nghĩa của bút hiệu Nhã Ca, tôi có thể viết ra một đoạn bói số mệnh nhà thơ:“Nhã Ca: tuy là một loài cỏ dại, nhưng có tiếng thơ thanh thoát tao nhã bên ngoài, bên trong chứa đầy nghịch ngợm, khác thường. Trải qua cuộc sống thăng trầm, tiếng thơ trở thành tiếng ho, tiếng nôn mửa, rồi tiếng thơ đó, về chiều, lắng đọng thành âm điệu cà sa.” Tác phẩm “Nhã Ca, Thơ” toàn tập cho phép tôi có cái nhìn tổng thể và cũng trả lời được nỗi niềm thắc mắc của cậu học trò mới lớn, khi đọc bài thơ “Vết Thẹo.”Từ tuổi thiếu niên vươn lên tuổi thanh niên, ngoài trừ thân xác nẩy nở, trí tuệ cũng gia tăng tò mò và tưởng tượng. Hầu hết, tò mò tưởng tượng lúc đó, hướng về phụ nữ, đối với tôi là một nhân vật thần bí. Khi vô tình đọc được bài thơ “Vết Thẹo”, tôi vô cùng sửng sốt. Tôi sống tự do trong thân thể mình / Nghe vết thẹo lớn dần và mọc rễ.” Đọc lên, nghe vừa lạ lùng, vừa khiêu khích, vừa bí mật.
Chúng giết người vào buổi sớm mai/ Sáng Mồng Hai, ngày Tết / Chúng giết người không ghê tay,/ không giấu mặt./Những hàng xóm, phố xưa quen biết lâu dài, /chung tộc họ, tính danh, gia cảnh / Chúng giết người bởi quyết tâm định sẵn / "Đường vinh quang xây xác quân thù /Lềnh loang màu cờ thẫm máu.
Một sáng mùa Xuân ngập ánh hồng, / Một cung đàn ấm khắp Tây, Đông. / Một rừng thông điểm trời mây biếc, / Một vũng vàng tô biển nước trong. / Một khối bao la hoa lá trổ, / Một bầu bát ngát sắc hương nồng. / Một tia nắng đẹp soi muôn cõi / Một chữ là mang một tấc lòng.
Thưa người nước mắt bình minh/ Cái trong veo để phục sinh lại đời / Thưa người những bước rong chơi / Đưa nhau ngàn dặm nụ cười tung tăng / Sóng cao vực thẳm thưa rằng / Chân con kiến bé cứ lằng lặng đi / Mùa nào hút cánh thiên di /Qua sông núi biếc. Sợ gì nắng mưa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.