Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân: Gió Đã Chuyển

09/09/200600:00:00(Xem: 27525)

“Trong những năm 30, Liên Bang Xô Viết không có một nhà bất đồng chính kiến nào, ít nhất thì cũng không có người nào được phương Tây biết đến… Nếu Gandhi của Ấn Độ đối diện với chế độ chính trị của Stalin hay Hitler thì chắc chắn cuộc đấu tranh của ông đã bị dập tắt trước khi nó bắt đầu." (Natan Sharansky, The Case For Democracy - Trans. Trần Trung Việt)

Cho đến những năm đầu của thế kỷ 21- dù khi Liên Bang Xô Viết đã tan hàng, và chủ nghĩa cộng sản sập tiệm từ lâu - mọi chính kiến bất đồng vẫn không được chấp nhận, ở Việt Nam. Vụ “Kết Ước Năm Hai Ngàn” là thí dụ tiêu biểu cho một “cuộc đấu tranh bị dập tắt trước khi nó bắt đầu,” như thế. Bản Kết Ước này, toàn văn, như sau:

Thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba đến vào giữa lúc mà xu hướng toàn cầu hóa đã trở thành áp đảo. Trong kỷ nguyên mới này, cũng là kỷ nguyên của sáng kiến và sự hiểu biết, các quốc gia mà biên giới được coi như hàng rào ngăn chặn đà tiến chung và những giá trị phổ cập của loài người sẽ không còn lý do tồn tại và sẽ không thể tồn tại. Các quốc gia như thế sẽ không được sự hương ứng của người dân, sẽ không động viên được nội lực, sẽ thua kém, sẽ bị giải thể trong lòng người và sau cùng sẽ tan rã.

Chúng tôi là những người Việt Nam cùng chia sẻ một lo âu trước sự tụt hậu của đất nước, trước sự thờ ơ của quần chúng và trước sự thiếu tầm nhìn của nhiều người lãnh đạo đất nước. Chúng tôi tin là phải tìm ra một giải đáp chung cho những khó khăn của đất nước; sự kiện người dân mất lòng tin và ý thức cộng đồng, mỗi người tự tìm một giải pháp cá nhân là rất nguy hại cho đất nước và cho mọi người. Chúng tôi muốn giữ đất nước mà ông cha đã đổ mồ hôi và xương máu tạo dựng cho con cháu. Chúng tôi muốn để lại cho các thế hệ mai sau một đất nước đẹp hơn, đáng yêu và đáng tự hào hơn.

Chúng tôi quan niệm đất nước cần cho mọi người, vì đó là một tình cảm và một không gian tương trợ giữa những người cùng một ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa. Đất nước ấy nhìn nhận và bảo đảm chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người.

Bạo lực và đàn áp phải được loại bỏ, thay vào đó, đối thoại, thoả hiệp và hợp tác phải được tôn vinh như những giá trị nền tảng của xã hội; mọi người Việt Nam phải quí mến nhau trong sự tôn trọng mọi khác biệt. Nhà nước phải xuất phát từ nhân dân qua một chọn lựa thực sự tự do; nhà nước ấy có sứ mạng làm công cụ của toàn dân để thực hiện một dự án tương lai chung, liên tục hình thành và đổi mới, nhưng lúc nào cũng được mọi người tự nguyện chấp nhận.

Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được quan niệm lại một cách đúng đắn để phát huy được nội lực và trí tuệ toàn dân, đất nước ta có thể vươn lên rất mạnh mẽ; giành được một chỗ đứng vẻ vang trên thế giới và góp phần xứng đáng làm đẹp hơn một trái đất đã trở thành mái nhà chung của nhân loại anh em.

Đầu thiên niên kỷ thứ hai, ông cha ta đã mở ra kỷ nguyên tự chủ. Chúng ta hãy bước qua mọi ngăn cách và hận thù để phấn đấu và động viên nhau phấn đấu mở ra cùng với thiên niên kỷ thứ ba kỷ nguyên của một nước Việt Nam tự do và dân chủ.

Dù chỉ chứa đựng những lời kêu gọi cho tự do/ dân chủ một cách hết sức thiết tha và hoà nhã như vậy, Kết Ước Năm 2000 đã khiến cho một số người (trong đó có ông Hà Sĩ Phu) bị đe doạ lãnh án tử hình, với tội danh phản quốc, chỉ vì nhà đương cuộc Việt Nam tin rằng ông Hà có liên hệ với những người … soạn thảo ra nó - theo như tường trình của HRW:“Vietnamese authorities apparently believe that Mr. Ha is connected to the drafters of an open appeal for greater democracy being prepared by some intellectual dissidents … and threatened to charge him with treason under Article 72 of Vietnam's Criminal Code. If put on trial and convicted, Mr. Ha could face a sentence from seven years imprisonment to the death penalty”.

Nhờ cả thế giới xúm lại can thiệp nên Hà Sĩ Phu (và bằng hữu của ông) thoát nạn nhưng bản Kết Ước Năm 2000 thì không. Nó bị chết từ trong trứng nước. Đây là một cuộc đấu tranh “đã bị dập tắt trước khi nó bắt đầu,” nếu nói theo kiểu Natan Sharansky. Quần chúng chưa có dịp, hoặc có (e) cũng không ai dám, ký tên vào bản Kết Ước này – dù chỉ để bầy tỏ (một cách hết sức ôn hoà và… tội nghiệp) rằng: “Nhà nước phải xuất phát từ nhân dân qua một chọn lựa thực sự tự do” - thế thôi!

Chỉ có “thế thôi” mà chính Hà Sĩ Phu cũng không tán thành việc vận động chữ ký cho Kết Ước 2000. Theo ông thì chưa phải lúc: “… tôi nghĩ không nên làm lúc này vì ai cũng biết nguyên lý sơ đẳng xưa nay là trong khi mọi ‘kết cấu hạ tầng’ chưa có mà đã khoa trương diện mạo thì diện mạo ấy dễ bị sụp đổ, đập nát ngay mà không có gì để bảo vệ và nuôi dưỡng nó… Việc này chỉ làm khi có tình huống, tình huống ấy nay chưa có, nếu có làm được chăng nữa thì cũng chỉ là một việc đơn độc thôi, môi trường chưa có gì để tiếp nối nó cả” (Thư Gửi Đỗ Mạnh Tri & Nguyễn Gia Kiểng ngày 14/12/2001).

Và lý do khiến Hà Sĩ Phu bi quan cũng được ông trình bầy ngay trong bức thư, vừa dẫn:

“Ở nước ta thì chỉ cần bộc lộ thái độ dân chủ một cách rõ ràng là sẽ bị bao vây, khống chế tứ bề, nói xấu khắp nơi… cứ như thế cho đến hết đời. Chẳng những mất cả cuộc đời mình mà còn khổ sở cả gia đình con cái nữa. Chỉ làm một việc bình thường theo lương tâm mà phải trả cái giá quá đắt như thế thì đương nhiên số đông người ta không ai muốn cả.”

Bức thư này viết vào tháng 3 năm 2000. Bẩy tháng sau, trong một buổi toạ đàm tại Berlin, nhà văn Phạm Thị Hoài cũng bầy tỏ sự bi quan tương tự về “tình huống” ở Việt Nam - vào thời điểm đó - như sau:“… xã hội Việt Nam là một tập hợp tạm bợ, rời rạc và hoàn toàn không hữu cơ của những cá nhân hoang mang và bất ổn”.

Cứ theo lẽ thường thì lịch sử tính bằng thế kỷ, đời người tính bằng năm. Tuy nhiên, có những lúc gấp ruổi, khi sắp sang trang, lịch sử cũng tính theo năm. Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ được công bố vào ngày 8 tháng 4 năm 2006, với chữ ký của 118 công dân VN đang sinh sống ở trong nước, là một biến cố như thế.

Không như nội dung ôn hoà và nhũn nhặn của Kết Ước Năm Hai Ngàn, Tuyên Ngôn 8406 thẳng thừng kết tội đảng cộng sản Việt Nam là nguyên nhân đưa đất nước và dân tộc này đến cảnh “điêu tàn và thê thảm”. Nó cũng ngang nhiên xác nhận mục tiêu của cuộc đấu tranh “là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được ‘đổi mới’ từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xẩy ra”.

Ý Trời, rõ ràng đây là những lời tuyên chiến với ĐCSVN - chớ còn (khỉ) gì nữa! Nhưng khác với sự dự đoán của Hà Sĩ Phu - ngay sau đó - đã có thêm hàng ngàn người ở trong nước đã ghi tên, sẵn sàng… tham chiến! Họ cũng không “bị bao vây, khống chế tứ bề, nói xấu khắp nơi…” – như sĩ phu họ Hà lo ngại. Đã thế, sự thể còn có khuynh hướng xẩy ra theo chiều hướng ngược.

Không phải những người lên tiếng ủng hộ tự do/dân chủ đang bị “nói xấu khắp nơi” mà chính ĐCSVN đang bị mắng mỏ, vì cách hành xử “còn thua quân đầu đường xó chợ” của họ - theo như cách nói (hơi hơi) chua ngoa của một thành viên 8406, nhà văn Trần Mạnh Hảo.

Một thành viên 8406 khác, mục sư Ngô Hoài Nở, đã lớn tiếng thoá mạ rằng“… đất nước VN… như một nhà tù bao la, còn tôi là một phạm nhân đang bị giam giữ trong tay một lực lượng cai ngục phi nhân là đảng CSVN… Tôi xin minh định lại rằng: Khối 8406 là tập họp của những người lên tiếng nói công bằng cho xã hội, lên tiếng đòi lại quyền mà ai làm người cũng phải có, trừ ra con vật thì nó không có quyền đó, nhưng làm người thì không thể thiếu nó”.

Một thành viên khác nữa, ông Nguyễn Ngọc Quang, trong thời gian qua đã bị công an thẩm vấn nhiều lần và buộc tội “chống phá chính quyền cách mạng. Khi phóng viên Trà Mi của RFA hỏi rằng “anh sẽ dự định làm gì, trước những lời đe doạ này,” ông thản nhiên tuyên bố: “Trước giờ do sợ hãi và hèn nhát tôi đã thiếu trách nhiệm với dân tộc mình. Tôi không thể câm lặng mãi và thiếu trách nhiệm với dân tộc mình nữa”.

Và cứ như là một chuyện đùa, những mẫu đối thoại giữa ông Nguyễn Ngọc Quang và nhân viên công an - không hiểu sao - đều được thu băng và gửi đến đài Á Châu Tự Do, sau mỗi lần phỏng vấn. Thính giả của đài này đã không nhịn được cười khi nghe nhân viên công an (hoang mang) “yêu cầu ông Quang phải xoá bỏ đoạn băng ghi âm trên web site RFA, nếu không sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Sau khi nghe xong hết những băng thu thanh này từ đài Á Châu Tự Do, nhà báo Phạm Nhân Quyền đã có nhận xét (ví von) rằng “công dân và công an đang khiêu vũ những điệu múa đôi ngoạn mục: Cứ một bên bước tới thì cùng phía chân đó, bên kia phải bước lùi”.

Cái thời mà tư thất của Hà Sĩ Phu (tự nhiên) biến thành lao thất, rồi Đảng sai du côn ném đá vào nhà, cùng lúc xua bọn bồi bút bôi bẩn thanh danh của ông trên đài cũng như trên báo đã qua - và đã… xa như dĩ vãng!

Bỉ nhất thời giả, thử nhất thời giả. Hồi đó là một thời. Bây giờ là một thời, hoàn toàn khác. Gió đã chuyển rồi.

Copyright © 2006 DCVOnline

Tưởng Năng Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những gia đình đông con thường nghèo, và những gia đình nghèo thường … đông con. Nghèo, tất nhiên, đi cùng với khổ. Khổ nhất là anh em phải mặc quần áo của nhau, nguời Việt gọi là
Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một chuyến đò ngang - qua bến Cà Tang -  bị nước cuốn trôi, khiến cho mười tám em học sinh chết đuối! Người phải chịu trách nhiệm trong tai nạn thương tâm này
Lấy cớ rằm tháng Tám - Tết Trung Thu - tôi hú cả đống bạn bè tụ lại, uống sương sương vài chai, cho nó đỡ buồn chút đỉnh. Sau khi cạn vài ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, dù tất cả đã bước vào tuổi
Tôi sinh ra đời sau tác phẩm Hoài Thu, và dưới một ngôi sao (vô cùng) xấu. Dù đã sống hết một phần đời của mình ở miền cao, tôi chưa bao giờ được hân hạnh cầm tay (chứ đừng nói chi đến chuyện tương tư) chị em cô gái H' Na - như nhà thơ Phan Ni Tấn
Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn ra đời ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Hà Nội. Ông đi du học năm 1949 và không bao giờ có dịp trở lại nơi sinh trưởng nữa. Không phải Hà Nội mà Paris, Sàigòn, Đà Lạt, và San Jose mới là những nơi ông đã sống gần hết cuộc đời lưu lạc của mình. Tuy thế, tác giả “Yêu Em, Hà Nội”
Thi sĩ Chế Lan Viên sinh năm 1920, bác sĩ Phạm Hồng Sơn chào đời năm mươi năm sau đó. Giữa hai ông có một khoảng cách khá xa về tuổi tác, và hoàn cảnh sống.
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới.” Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông,
Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông Nguyễn Hữu Đang & bà Lưu Thị Yên – bút hiệu Thụy An – (1) bị kết tội “gián điệp” và lãnh án mười lăm năm tù vì tội danh này. Tuy bị xử ở “toà án nhân dân” Hà Nội
“Bác đã xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc. Cũng từ đó, cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam và của miền Nam
Có nơi nào trên trái đất này Mật độ đắng cay như ở đây" Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ. Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy… Có nơi nào trên trái đất này Mật độ yêu thương như ở đây" Mỗi tấc đất có một người qùi gối Dâng trái tim và nước mắt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.