Hôm nay,  

Con đường cũ

01/03/202309:02:00(Xem: 2948)

Phiếm

golocal-cho-lon-sai-gon-4-1024x683

 

Thưa cách đây gần 50 năm, nghĩa là nửa thế kỷ, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày tui mới về với em, nghĩa là em mới cưới tui.

 

Hi hi! Xin mở ngoặc ở đây một chút về tiếng Việt sau nầy trong nước! Tui thường đọc thấy mấy ông nhà báo quốc doanh viết rằng: “Hoa hậu X, Y gì đó cưới chồng!” Thưa, tiếng Việt mà tui học hồi năm nẳm, thầy, cô tui dạy rằng: “Trai cưới vợ; gái lấy chồng!” Chớ tui chưa hề thấy gái cưới chồng bao giờ cả! Hay là tại vì xa quê đã lâu, tiếng Việt của tui giờ đã rỉ sét, đã lạc hậu hết rồi chăng? Không theo kịp với trình độ của những nhà văn thời ôn dịch?

 

Thôi thì cho rằng em cưới tui đi, để cho tui lên giá một chút, chớ già rồi cái gì cũng xuống hết trơn hết trọi hè!

 

Lấy chồng dạy giáo, cho dù mình dốt đặc cán mai, hổng biết chữ Nhứt một, đám học trò ra đường gặp mình, bao giờ cũng giở nón cúi đầu: “Thưa cô! Bộ hổng khoái hay sao?” Hai là vì tui dạy Sử, Địa, nghĩa là chuyện hồi xưa không hà. Giáo sư Sử Địa ai cũng bị bịnh nghề nghiệp, mê cổ vật; nên cho dù sau nầy em yêu trở thành bà già, già háp, xấu, má hóp da nhăn! Hề gì? Càng già tui lại càng yêu, càng trân quý! Bộ hổng khoái hay sao? Hổng thấy Vương Hồng Sển tiên sinh, chuyên sưu tầm cổ vật, sống với em yêu là Bà Năm Sa Đéc suốt 4, 5 chục năm mà tình đôi ta vẫn còn nồng như hồi mới cưới hay sao?

 

Em yêu của tui thông minh hết sức nhe! Vậy mà bấy lâu nay tui cứ tưởng là em lù khù, ai dè em vác cái lu mà chạy!

 

Thưa bà con!

 

Tết nghe câu vọng cổ Út Trà Ôn: Gánh nước đêm trăng để nhớ con bồ cũ mà tui từng gánh nước giùm em mấy trăm “đôi” rồi sau đó em cặp “đôi” với thằng khác!

Nghe vọng cổ đã rồi qua nghe tân nhạc: “Đêm nhớ về Sài gòn… thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi, những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi, đường im nghe quá khứ trong sầu, đường chia ly vẫn ngóng tin nhau, tình lẻ loi canh thâu…”

 

Mấy ông nhà nhạc nầy nhớ Sài Gòn, là nhớ phố nhớ phường; vì xưa tối ngày mấy ổng cứ đi long nhong ngoài đường, rồi vô quán cà phê nghe nhạc của chính mình viết mà người khác hát để… “Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa, ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa, ai sầu trong quán úa… Để bóng mẹ hiền mờ mờ bên song, mắt người tình một trời mênh mông, gợi bao nhiêu cho cùng…”

 

Thưa tui cũng nhớ Sài Gòn như mấy ổng vậy; nhưng nhớ vì tò mò. Tui nhớ nhứt là cái đường Da Bà Bầu mà trên đường đó, ông Nhạc trẻ Trường Kỳ hồi xưa, sau qua Canada viết báo, từng nói nhà tui ở đấy đó nhe. Chu choa người ta ở mấy con đường đẹp và thơ như Duy Tân, Tự Đức hoặc giàu như ở Tú Xương, người ta khoe là quá phải. Ổng ở đường Da Bà Bầu mà ổng cũng khoe?

 

Song, nghĩ cho kỹ! Mấy ông viết báo phải có cái đề tài gì độc nhứt vô nhị trên chốn giang hồ, bài viết mới ăn khách, không lo đụng hàng hay chôm của người khác trên web. Cả ngàn ông ký giả, chỉ có Trường Kỳ là ở đường Da Bà Bầu thì khoe là cũng phải quá rồi!

 

Xin tầm chương trích cú để thỏa mãn cái óc tò mò của một tay nhiều chuyện như tui, Da Bà Bầu hổng phải là da của bà bầu đâu, mà là quán của một bà tên Bầu (hay đang có bầu) dưới gốc một cây Da. Bà con miền Nam mình gọi là cây Da, bà con miền Bắc 54 mình, như ông Trường Kỳ gọi là cây Đa. Nếu cho ổng đặt tên thì Da Bà Bầu nó sẽ thành Đa Bà Bầu (để thiên hạ tưởng rằng đàn bà con gái trên đường nầy ai cũng ôm một bụng bầu hết ráo… thì càng thêm báo).

 

(Cây Da trốc gốc trôi rồi! Em xa người nghĩa đứng ngồi không an. Hay cây Da trước miễu, ai biểu cây Da tàn… Bao nhiêu lá rụng thương chàng bấy nhiêu! Dù sau 75, cây Da tàn và chàng đã bỏ nàng, vọt mất tiêu rồi!)

 

Cây Da thân lớn, tàn lớn, chống mưa bão phẻ re hè! Nếu cây Da không nằm cạnh bến sông là khó lòng trốc gốc lắm; nên bà Bầu mở cái quán dưới tàn cây Da nầy vừa mát vừa phẻ trong cái nóng bức của cái đất Sài Gòn.

 

Thưa xa quê từ độ đứt phim nên bà con mình lúc buồn tình hay đem cuốn phim cũ ra mà chiếu lại. Mấy tay tai to mặt lớn, có trách nhiệm nhiều về cái vụ mất nước nầy thì viết hồi ký để phủi trách nhiệm: “Hổng phải tại tui! Mà tại Trời xui khiến nên đôi mình mới xa?!” Còn bà con nào hơi “bèo” bởi con nhà nghèo, không chức tước danh phận gì ráo thì chiếu lại tuồng cũ như Vàm Kinh Cũ, nếu em xưa ở gần một bến sông. Còn anh nào dân chợ, đi đường lộ đá xanh đã quen chưn, thì viết Con Đường Cũ.

 

Nên tui cũng bắt chước quý ông anh viết về con đường tình ta đi, cho nó có tụ, vui với người. Vui đâu hổng thấy, tui chiếu phim cũ, vô tình, sót một khúc là bị rầy: Chẳng qua khi viết bài về: 

 

Đề ơi lúc chiều về mình đánh con dê,

Mà sao đề lại xổ con kê (tức con gà) hỡi đề!

 

Tui có nhắc tới đường Trần Hưng Đạo B mà bị rầy quá xá.

 

Ông bạn văn của tui vốn là bà con, cháu chít chừng mấy mươi đời vương của Trần Thượng Xuyên, ở Cù Lao Phố, Biên Hòa, vì ủng hộ Nguyễn Ánh nên bị nhà Tây Sơn dợt cho một trận lên bờ xuống ruộng. Đại Phố điêu tàn phải chạy về Chợ Lớn làm ăn buôn bán tiếp. Vừa là tác giả vừa là độc giả mà thằng chả khó dàn trời mây đi. Giả bắt lỗi là tui viết Trần Hưng Đạo B là hổng có được. Con đường nầy là do Vi Xi nó đặt ra năm 1976, hổng phải thời mình, nên ảnh hổng có chịu.

 

Trần Hưng Đạo B nầy là cái đường Đồng Khánh, thời Việt Nam Cộng Hòa mình, chạy từ đường An Bình mút chỉ vô tới Chợ Lớn.

 

“Tui sanh đẻ ở đó nè ông Nội!” Ảnh nói với tui như vậy đó bà con ơi!

 

Anh muốn đem tên con đường xưa em đi, đường Đồng Khánh, vô bài viết của tui mới được. Bạn bè mà! Muốn là chiều! Thế là tui lại tầm chương trích cú từ ông Vương Hồng Sển, ông Bình Nguyên Lộc tới ông Sơn Nam. Toàn là những ‘bồ’ kiến thức về đường phố Sài Gòn mà ngộ cái là… hổng có ông nào sanh đẻ tại Sài Gòn hết ráo!

 

Ông Vương Hồng Sển dân Sóc Trăng! Ông Bình Nguyên Lộc dân Đồng Nai, Biên Hòa (Lộc của ổng là con nai đó bà con ơi)! Còn ông Sơn Nam (không ở trên núi) mà tuốt miệt Gò Quao, Rạch Giá!

 

Thưa, trở lại thời Tây chiếm đóng! Sài Gòn và Chợ Lớn bị ngăn cách bởi một vùng đầm lầy. Từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, đi đường Route Haute (Đường Cao) tức đường Hồng Thập Tự, chạy trên đồi cao, nối với Route Basse (Đường Thấp), chạy ven đầm lầy, tức đường Nguyễn Hoàng vào những năm 60.

 

Mãi tới ngày Mùng 9 Tháng Chạp năm 1913, Tây lục lộ mới xây xong con đường thứ hai, đặt tên là Đại lộ Sài Gòn-Chợ Lớn băng qua vùng đầm lầy. Cuối năm 1916, Đại lộ nầy đổi tên là Đại lộ Galliéni, tên một viên tướng Tây có công trạng với Thực dân Pháp vừa mới đi chầu ông bà ông vải. Đại lộ Galliéni bắt đầu từ đại lộ Bonnard (tức đường Lê Lợi, trước chợ Bến Thành), chạy tới đường An Bình, nối với đường des Marins, tên thời Tây, sau đó chánh phủ mình đặt tên là đường Đồng Khánh!

 

Vi Xi không khoái Vua Đồng Khánh nhà Nguyễn nên đổi tên khúc đường nầy là Trần Hưng Đạo B để tiếp tục đi vào Chợ Lớn. Do đó nếu anh bạn văn Tàu lai của tui hổng chịu tên Trần Hưng Đạo B thì anh cự tụi nó! Sao lại quay qua cự tui hè? Thưa, tụi nó bây giờ đặt tên đường phố lôm côm lắm! Tui đâu có dám binh mấy cái chuyện ngu ơi là ngu nầy đâu.

 

Chớ hồi xưa chánh phủ VNCH mình đặt tên đường đâu ra đấy, lớp lang thứ tự, hợp lý chớ đâu có loạn xà ngầu như bây giờ. Chẳng hạn từ bến xe Miền Tây vô Chợ Lớn trước, mình có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà, Bà Triệu… rồi thì có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục… Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng gần hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… Nhà Nguyễn mới vãn hát không lâu, lại càng gần trung tâm hơn nữa như: Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng chư tướng như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt… Các bến sông thì có Vạn Kiếp, Hàm Tử… lớn nhất tên Bạch Đằng… Nơi mà quân ta đã thủy chiến mấy trận làm Tàu phù… phù mỏ hết ráo!

 

Thưa! Tên đường là chuyện lớn, chuyện quan trọng, chớ không phải là chuyện giỡn chơi. Vì nó có cất giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm của những người con xa quê, viễn xứ như chúng ta. Anh bạn văn, đường Đồng Khánh, hỏi tui Tết nầy có về Sài Gòn ăn Tết hay không? Tui trả lời: “Tui chỉ về khi nào không còn đường Trần Hưng Đạo B nữa mà phải là đường Đồng Khánh mới được!” Chi vậy? Vì tên đường năm cũ, tui mới quen, mới thuộc, mới biết đường lại nhà anh, kiếm tiền lì xì và nhậu chơi. Còn cầm bằng tên đường cũ mất rồi vẫn không phục hồi trở lại, mà tui ham vui về, sợ đi lạc, bị xe bắt chó bắt thì tội nghiệp cho con vợ của tui lắm nhe!

 

– Đoàn Xuân Thu

(Melbourne, Úc)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.