Hôm nay,  

Hành lý trở về

14/12/202209:36:00(Xem: 3678)

Truyện

father-son

Khi Cu Tí đã ngủ yên trong gối chăn. Tôi mở cửa ra đứng bên lan can nhìn quanh khu phố bình dân, những ngôi nhà bằng gỗ cũ kỹ đang đắm chìm trong mưa tuyết. Tôi tưởng cả dãy apartment này cũng đang ngủ như những căn nhà đối diện kia, vậy mà Phái đã đến bên tôi:

 

– Hiền chưa ngủ à?

 

– Cả anh nữa, anh cũng chưa ngủ à?

 

– Tuyết rơi nhiều quá nên tôi ra ngoài xem sao, thấy Hiền đứng đây.

 

– Vâng, tự nhiên tôi thích nhìn tuyết rơi trong đêm… dù chỉ nhìn vài phút thôi.

 

– Vậy Hiền cho phép tôi đứng với Hiền vài phút này nhé?

 

Tôi không nhận mà cũng chẳng chối từ, bâng khuâng nhìn màn tuyết trắng bay nghiêng, lung linh và mờ ảo trong ánh đèn đường vàng nhạt. Bất ngờ Phái nắm lấy bàn tay tôi, giọng anh run run:

 

– Hiền, tôi chưa bao giờ có cơ hội đứng với Hiền trong một đêm mưa tuyết đẹp như thế này. Tôi muốn nói với Hiền rằng tôi đã… yêu Hiền.

 

Tôi rút vội tay về và vụng về chẳng kém gì anh:

 

– Cám ơn anh Phái, nhưng… nhưng… Hiền… chưa nghĩ đến.

 

– Tôi chỉ cần Hiền hiểu và tôi sẵn sàng chờ đợi Hiền. Thôi, Hiền vào nhà đi kẻo lạnh.

 

– Chúc anh Phái ngủ ngon.

 

Tôi bước vào nhà, cảm tưởng như có ánh mắt anh nhìn theo che chở cho đến khi cánh cửa khép lại, để một mình anh đứng đó bao lâu nữa, tôi không biết. Giấc ngủ vẫn chưa đến, tôi trăn trở nghĩ đến anh. Chẳng cần anh phải nắm tay tôi tỏ tình thì điều này tôi cũng biết từ lâu rồi, hơn một năm nay rồi và vài hàng xóm người Việt Nam trong khu apartment này cũng biết thế, với những gì anh đã cư xử, chăm sóc hai mẹ con tôi.

 

Tôi làm ca sáng, anh làm ca chiều, trưa nào anh cũng đón con tôi về học, cho nó ăn, nó ngủ, chờ tôi đi làm về. Anh thường chơi đùa với thằng Cu Tí và dắt nó đi cùng xuống phố, khi thì đi đổ xăng, khi thì anh hớt tóc, Cu Tí cũng được hớt tóc, khi thì vào Wal- Mart mua những thứ mà Cu Tí thích. Cu Tí yêu mến và quấn quýt anh. Tôi bảo anh đừng chiều nó quá, anh mỉm cười hiền lành và giải thích là anh yêu trẻ con, có Cu Tí nên cuộc sống độc thân của anh đỡ buồn. Anh hiền lành và tử tế thế làm sao mà tôi không cảm động và ấp ủ tình cảm cho anh?

 

Chị Kim, người hàng xóm chơi thân với tôi và anh Phái luôn vun vào:

 

– Chị tìm đâu ra một người đàn ông chân tình như anh Phái? Anh ấy yêu chị và yêu thằng Cu Tí như con. Chị thì mẹ góa con côi, người ta độc thân chưa lập gia đình lần nào.

 

Tôi cũng nghĩ đến chuyện sẽ lấy anh, nếu như cách đây mấy tháng không có một chuyện quan trọng làm tôi đắn đo suy tính. Một bác hàng xóm cũ của cha mẹ tôi hồi còn ở Việt Nam, nay đang sống ở Houston, Texas, đã làm mai tôi cho một người quen của họ. Ông ấy hơn tôi mười mấy tuổi, góa vợ, có sẵn nhà cửa và đang làm chủ một nhà hàng đông khách. Bác hàng xóm cũ đã vẽ cho tôi cảnh phồn hoa đô thị, thành phố lớn sẽ là môi trường tốt cho con tôi ăn học. Bác thuyết phục tôi và đưa mẹ con tôi thăm Houston, Tôi tò mò thành phố lạ và tò mò cả người đàn ông có thể sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi. Thế là hai mẹ con tôi đã đến Houston vào mùa Thu vừa qua.

 

Ông Hòa và tôi gặp nhau, ông có vẻ ưng ý tôi ngay khi gặp mặt, ông cần một phụ nữ hiền lành chăm chỉ để cùng ông chung sống và chăm sóc cơ ngơi. Tôi choáng váng khi thấy căn nhà to đẹp và khu nhà hàng sang trọng lúc nào cũng tấp nập khách vào ra của ông.

Vợ ông mất, hai đứa con đã trưởng thành, sống ở nơi khác vì công việc, chỉ một mình ông tất bật với nhà hàng.

 

Sau lần gặp mặt đó ông Hòa và tôi thường trò chuyện qua điện thọai để tìm hiểu nhau thêm trước khi quyết định sống chung. Tôi, một cô gái tỉnh lẻ ở Việt Nam, được cưới sang Mỹ, an phận nơi phố nhỏ chồng tôi sinh sống. Hạnh phúc ngắn ngủi, khi Cu Tí được 3 tuổi thì chồng tôi mất vì một cơn bạo bệnh. Tôi và người chồng xấu số đều không có thân nhân nào ở Mỹ nên tôi vẫn bám lấy phố nhỏ này vì quen bạn bè, quen chỗ làm và chỗ ở. Nếu không có bác hàng xóm thì tôi cũng chả có cơ hội đến Houston để thấy cuộc đời còn bao la trước mặt.

 

Ông Hòa hẹn hết mùa Đông sẽ đến đón mẹ con tôi về Houston.

 

*

 

Sáng thức dậy tuyết đã ngừng rơi từ lúc nào, cả đường phố đâu đâu cũng có tuyết trắng. Mặc thêm áo ấm cho Cu Tí rồi hai mẹ con tôi lao ra phố, đánh thức cái lạnh mùa Đông bằng nhịp sống của mình như mọi người. Ra tới ngoài sân thì chiếc xe của tôi đã được cào tuyết sạch sẽ, bên cạnh những xe hàng xóm còn phủ đầy tuyết. Tôi ngước nhìn lên tầng lầu, căn phòng của anh đóng cửa, nhưng còn ai vào đây khác đã làm công việc này cho tôi ngoài anh? Chẳng biết đêm qua anh đi ngủ lúc nào? Và sáng nay anh dậy sớm lúc nào? Anh như người trong thần thoại, luôn đỡ tay đỡ chân cho tôi những lúc cần thiết như thế này. Suốt mùa Đông năm trước, tôi có lần nào phải cào tuyết trên xe đâu.

 

Bỗng dưng tôi đứng trước ngã ba đường, một con đường về phía anh và một con đường về phía ông Hòa. Vật chất phù hoa cũng làm tôi rạo rực như tình cảm của anh dành cho tôi. Tôi chỉ băn khoăn không biết ông Hòa có yêu thương Cu Tí như anh đã yêu thương nó không? Lần gặp ông Hòa ở Houston, ông không hề quan tâm tới thằng Cu Tí, ông chỉ ngắm nhìn tôi và khoe chuyện làm ăn của ông. Mà thôi, mới gặp gỡ lần đầu tiên thì làm sao ông Hòa có cảm tình với Cu Tí ngay được? Nếu ông yêu tôi, thì ông cũng sẽ yêu con tôi, giống như anh Phái. Tôi nghĩ thế.

 

Mùa Đông dường như đã qua đi. Ông Hòa đúng lời hứa hẹn sẽ đến đón mẹ con tôi vào tuần tới. Tôi làm một quyết định quan trọng là xin nghỉ việc và làm thủ tục trả căn phòng cho chủ. Khi tôi gặp chị Kim để thông báo chuyện này thì chị sửng sốt:

 

– Chị đi thật sao? Chị bỏ anh Phái thật sao?

 

Tôi hơi ngượng ngùng:

 

– Tôi đã hứa hẹn gì với anh ấy đâu?

 

Nhưng anh Phái yêu chị như thế nào chị biết rồi đấy. Tội cho anh ấy quá!

 

Tôi ngậm ngùi:

 

– Tôi cũng buồn lắm chị Kim ạ, nhất là phải chia lìa người mà thằng Cu Tí yêu mến.

 

Điều làm tôi ái ngại nhất là phải đối diện anh để nói lời chia tay. Nhưng chắc chị Kim đã nhanh nhẩu báo cho anh biết rồi nên khi mẹ con tôi sang nhà anh, thấy anh rất trầm tĩnh, dù trên nét mặt không giấu được nỗi buồn:

 

– Chúc mẹ con Hiền đi bình an. Hãy quên những gì tôi đã nói trong đêm mưa tuyết ấy đi.

 

Tôi nói lời xã giao nhạt nhẽo:

 

– Khi nào anh Phái có tin vui, lập gia đình, nhớ báo cho mẹ con Hiền mừng với.

 

Anh ôm Cu Tí vào lòng hôn lên mái tóc nó, không nói nên lời. Hình như đôi mắt anh rưng rưng. Còn thằng Cu Tí, tôi phải kéo tay nó về nhà và giải thích dỗ dành đủ điều nó mới tin rằng chuyến đi xa của chúng tôi sẽ làm nó vui và hứa hẹn một ngày nào đó chúng tôi sẽ về đây thăm bác Phái của nó.

 

Ông Hòa không đến đón mẹ con tôi bằng máy bay cho nhanh chóng như tôi nghĩ mà bằng xe do chính ông lái. Từ thành phố nhỏ của tiểu bang Kansas về Houston mất chừng 6 giờ lái xe, ông giải thích không quá xa để phải đi máy bay, thời buổi này vào ra phi trường tốn nhiều thì giờ và tốn tiền.

 

Tôi hớn hở chất va ly lên xe, hành lý của tôi là giấc mơ đổi đời chứ không phải đơn giản chỉ hai cái va ly này. Ra tiễn tôi tận xe chỉ có chị Kim, chị buồn thiu không biết vì sắp phải chia tay tôi hay vì thương cảm cho anh? Còn Phái, có lẽ giờ này anh đang ngồi trong căn phòng độc thân trống trải với nỗi thất vọng vì một lúc mất đi hai người mà anh thương mến. Chốc nữa anh ra cửa, nhìn sang bên nhà tôi chắc sẽ nhớ thằng Cu Tí? Ngày mai anh đi ra phố hớt tóc hay đi đổ xăng sẽ không có Cu Tí đi cùng và những ngày sắp tới anh sẽ yêu ai?

Tôi giơ tay chào chị Kim và nhìn dãy apartment lần cuối khi chiếc xe từ từ lăn bánh, dãy apartment đã lùi xa và khuất lấp. Xe ra khỏi thành phố, không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc nữa làm Cu Tí oà khóc kêu lên:

 

– Mẹ ơi, con muốn về nhà mình.

 

Tôi vuốt tóc nó an ủi:

 

– Mình đang về nhà khác đẹp lắm, sẽ có nhiều thứ cho con chơi, nhé!

 

Thằng bé bướng bỉnh:

 

– Không, con muốn về với bác Phái, con muốn chơi với bác Phái cơ.

 

Trời ơi, thì ra  thằng Cu Tí cũng đang quặn đau như tôi, đâu dễ gì chỉ một chuyến đi xa là người ta quên ngay được những hình ảnh đã từng quen thuộc.

 

Ông Hòa đang lái xe, nãy giờ vẫn im lặng, bỗng quay lại cau mày, gắt gỏng:

 

– Em có dỗ con em thôi gào khóc được không? Nó làm anh điếc cả tai!

 

Lần đầu tiên có một người đàn ông, không phải là cha nó, đã gắt gỏng với nó trước mặt tôi. Tim tôi như vừa chạm vào chiếc gai nhọn đau đớn. Ông Hòa lại tiếp tục càu nhàu:

 

– Em phải biết dạy con em, không đươc chiều nó quá.

 

Tôi yếu ớt và mủi lòng lên tiếng bênh vực cho con:

 

– Nó trẻ con rồi sẽ quên ngay ấy mà.

 

Cu Tí linh cảm ngay người đàn ông xa lạ này không chút gì cảm tình với nó, thằng bé nín khóc, tựa vào người tôi và len lén nhìn ông Hòa với vẻ sợ sệt. Tội nghiệp con tôi, quen được anh chiều chuộng nâng niu yêu quý, vậy mà trên chuyến xe chia lìa nó với bao kỷ niệm cũ, đã làm nó tổn thương, lại càng tổn thương hơn vì những ánh mắt lạnh lùng và những lời cáu gắt của người đàn ông mà tôi đã lựa chọn.

 

Tôi nhẫn nhịn không dám mở miệng. Ông Hòa chưa nguôi, quay nhìn Cu Tí với nét mặt khó chịu:

 

– Sau này nó mà bướng bỉnh để anh trị nó đâu ra đấy ngay.

 

Cu Tí sợ quá lại khóc òa làm tôi đau lòng không nhịn nổi nữa, tôi đã đọc thấy trong ánh mắt, trong cử chỉ và lời nói của ông Hòa không chút nào tình thân dành cho Cu Tí. Tôi hét lên:

 

– Không, tôi không muốn đi đâu nữa. Anh quay xe lại cho tôi về phố nhỏ, về dãy apartment nơi căn phòng cũ ngay đi.

 

Ông ta chưng hửng nhìn tôi và lạnh lùng đến tàn nhẫn:

 

– Nãy giờ đi được 1 tiếng rồi, tôi không có thì giờ lái xe quay lại, sắp đến rest area kia, nếu cô muốn thì xuống đấy nhé.

 

Ông ta không hề đe dọa, quẹo xe vào rest area ông bảo mẹ con tôi xuống xe trong khi ông thẳng tay thô lỗ lôi 2 chiếc va ly của tôi để xuống lề đường. Ông nhếch mép cười:

 

– Đây là quyết định của cô, đừng trách tôi.

 

Không thèm đợi tôi phản ứng hay nói năng câu nào ông Hòa lên xe đi luôn mặc hai mẹ con tôi đứng bơ vơ giữa chốn xa lạ này. Tôi kéo lê hai chiếc va ly vào trong kiếm chỗ ngồi, tủi thân nước mắt tuôn rơi như mưa, giá mà ông ta lên tiếng dịu ngọt năn nỉ có thể tôi sẽ mềm lòng nguôi giận và chuyến đi vẫn tiếp tục đến Houston. Chưa bao giờ tôi bị chà đạp và tổn thương như thế này. Nhìn Cu Tí đang lo sợ tôi vội lau nước mắt cố gắng mỉm cười trấn an con:

 

– Chúng ta sẽ trở về nhà.

 

Ngay lúc này trong đầu tôi vẽ ra 2 kế hoạch, gọi phôn cho Phái, nếu anh không đến tôi sẽ gọi cảnh sát 911 nhờ họ giúp đỡ kêu giùm tôi chiếc taxi để mẹ con tôi trở về nơi chốn cũ.

Tôi bấm số phone của Phái, tôi biết hôm nay anh nghỉ ở nhà vì còn lòng dạ nào mà đi làm. Khi anh mở phôn, tôi nói với anh là chúng tôi đang ở rest area cách phố nhỏ 1 tiếng, xe ông Hòa bị hư cần anh đến giúp đỡ. Phái giỏi sửa xe, mỗi khi xe tôi trục trặc lặt vặt gì đều nhờ đến anh. Anh lịch sự và tử tế đáp sẽ đến ngay, anh sẽ lái xe nhanh khoảng 45 phút thôi để chúng tôi không phải đợi lâu.

 

Phái tử tế bao dung quá, ngay cả khi tôi đã làm tổn thương anh, không chọn tình yêu của anh mà chọn người khác chỉ vì vật chất bạc tiền. Tôi ôm Cu Tí chờ đợi, Cu Tí vui mừng vì biết bác Phái sẽ đến đây đón chúng tôi về nhà. Phái sẽ còn yêu tôi nữa không? nhưng tôi biết chắc mẹ con tôi sẽ trở lại đời sống đơn giản nhưng bình yên tâm hồn.

 

Khi chiếc xe quen thuộc của Phái hiện ra đang tìm cách đậu vào lề đường thì Cu Tí vui mừng chạy ào ra chỗ anh, nó reo lên:

 

– Bác Phái ơi, bác ơi!

 

Tôi cố tình đi chậm chậm từ xa, cảm động nhìn Phái ôm Cu Tí vào lòng, cả hai mừng vui cứ làm như đang tái ngộ sau thời gian dài xa cách. Một lúc sau Phái buông Cu Tí ra hỏi tôi và sửng sốt bối rối:

 

– Xe ông ấy đậu chỗ nào để tôi ra xem? Kìa, sao Hiền lại khóc?

 

Tôi không giấu nổi đôi mắt ướt lệ:

 

– Không sao đâu. Anh vào trong bàn này ngồi nghỉ cho đỡ mệt đã.

 

Phái dắt tay Cu Tí đi theo tôi vào trong khu bàn ghế ngồi nghỉ chân, thấy hai chiếc va ly của tôi Phái ngạc nhiên và nhìn quanh không thấy ông Hòa đâu, Phái đã hiểu ra phần nào:

 

– Mẹ con Hiền không đi Houston với ông ấy sao?

 

– Không, anh Phái ạ. Đi một đoạn đường tôi đã hiểu ra mình đã quyết định sai. Cám ơn anh đã đến đây.

 

Cu Tí giục:

 

– Mình về nhà đi bác Phái, cháu chỉ muốn ở gần nhà bác.

 

Ánh mắt Phái hiền hòa nhìn Cu Tí và nhìn tôi rất lâu. Tôi cảm thấy yên tâm, chuyến trở về hành lý của tôi ngoài 2 chiếc valy còn có cả một tình cảm ấm áp vững chắc cho mẹ con tôi nương tựa mà xuýt nữa tôi đã dại khờ chối bỏ.

 

Nguyễn thị Thanh Dương

(November 30, 2022)    

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.