Hôm nay,  

Nơi có một tình yêu

02/09/202221:05:00(Xem: 2167)
Truyện ngắn

hoa phuong

 

Bâng khuâng chân bước ngày trở lại

Trường xưa lớp cũ vẫn đợi chờ

Con chim nào hót bên cửa sổ

Thức dậy trong tôi thuở mộng mơ…

 

Thương đứng chờ ngoài hành lang phòng giáo vụ, thầy chủ nhiệm khoa bước ra tươi cười trao cho Thương tập hồ sơ ra trường, rồi thắc mắc:

 

– Em nằm trong số ít người thi tốt nghiệp ra trường điểm cao, được quyền chọn nhiệm sở, sao em lại chọn về dạy ở quê nhà Gò Vấp?

 

Thương cúi đầu, nhìn bâng quơ ra sân trường tìm câu trả lời. Thầy lại nhìn Thương như đồng cảm:

 

– Thầy hiểu nỗi lòng của em khi muốn gần gia đình, nhưng các trường ngay trung tâm Sài Gòn cũng có xa xôi gì. Ở đây có nhiều trường điểm, cơ sở vật chất đầy đủ, các phụ huynh học sinh khá giả luôn tạo điều kiện tốt cho thầy cô giảng dạy, và em sẽ có cơ hội tiến thân trong nghề nghiệp, chuyên môn…

 

Thương vẫn đưa mắt dưới sân trường, nói như cho chính mình:

 

– Thưa thầy, thầy cũng là một nhà giáo, nên cũng hiểu rằng ở thời buổi vật chất lên ngôi như hiện nay, thì những người chọn Sư Phạm là xuất phát từ trái tim chứ không phải cài đầu lý trí. Em không nghĩ đến chuyện tiến thân, mà chỉ mong được dạy dỗ học sinh trong quận của mình, như một sự đền đáp lại công ơn thầy cô đã cưu mang em.

 

Thầy gật gù, hiểu được quyết định của Thương, vỗ vai cô học trò trước khi chia tay:

 

– Thầy chúc em nhiều may mắn. Em sẽ trở lại thăm trường không? Chúng ta vẫn có dịp gặp lại nhau chứ?

 

Thương chào thầy rồi quay đi:

 

– Dĩ nhiên rồi thầy ạ. Trái đất tròn, huống gì đất Sài Gòn chật hẹp của chúng ta.

 

Thương đến Phòng Giáo Dục giữa buổi trưa cuối hè nóng như chảo rang. Trời vắng lặng khô khan, mấy cây trứng cá ngoài sân đứng im lìm đón chờ ngọn gió mát hiếm hoi. Thềm bậc tam cấp dẫn lên văn phòng lác đác những lá trứng cá khô làm bước chân Thương nghe như vui mừng nôn nao, rạo rực như tiếng lá khô vỡ vụn dưới chân. Trong phòng chỉ có một người đang ngồi cắm cúi ghi chép gì đó trên chồng giấy trắng, nghe tiếng Thương liền ngẩng đầu lên:

 

– Thương hả em? Vào đây ngồi nghỉ cho mát. Thầy cứ nghĩ ngày mai em sẽ đến.

 

Thương đứng sững lại, khi nghe giọng nói quen thuộc của thầy Tiến, thầy dạy môn văn khi Thương còn ở dưới mái trường cấp ba. Khi ra trường, Thương cũng có nghe nói thầy đã chuyển qua làm việc trên Phòng Giáo Dục, nhưng không ngờ lại được gặp thầy hôm nay. Thầy đưa ly nước trà cho Thương, rồi chậm rãi:

 

– Vậy là mấy năm rồi em nhỉ? Ngày ấy, thầy vẫn mong em vào Đại Học Sư Phạm để về trường cũ nối tiếp thầy cô, vì thầy biết em có năng lực, có tâm huyết với nghề.

 

Thầy dừng lại, nhấp một ngụm trà:

 

– Nhưng em đã chọn Cao Đẳng Sư Phạm. Em có thể chia sẻ với thầy lý do không?

Thương vén lại mái tóc, rồi nhìn thầy rất tự tin:

 

– Thưa thầy, suốt mười hai năm đi học, em nhận ra giai đoạn cấp hai, từ lớp sáu đến lớp chín là đoạn đời trong sáng nhất, ngây thơ nhất của đời học trò. Lứa tuổi đó không còn bé, nhưng cũng chưa lớn, đã đọng lại trong em những kỷ niệm sâu sắc, nên em thực sự muốn sống lại quá khứ của mình qua thế hệ đàn em.

 

Thầy nở nụ cười đầm ấm:

 

– Vậy ư? Em làm thầy cũng nhớ lại thuở nghịch ngợm dại khờ cấp hai. Bữa đó trên đường đi học, thầy và đứa bạn mê xem đá banh ngoài sân vận động quên cả giờ học, bị cô giáo phạt mang giấy kiểm điểm về nhà cho ba mẹ ký tên, thế là hai đứa đi lang thang đến tối mới dám về nhà chịu đòn. Còn em chắc là có vô số kỷ niệm nhỉ?

 

Thương hơi mắc cỡ, nhưng bạo dạn nói tiếp:

 

– Dạ, thật khó mà nói hết cảm giác về những tháng ngày đó. Chỉ biết rằng em đã sống hết mình, từng phút từng giây cho trường lớp, bè bạn, thầy cô. Em chỉ biết học, rồi chơi, không vương vấn, âu lo một chút gì. Và em cũng nhớ có lần đã tặng cho anh bạn lớp bên cạnh một cái … bạt tai vì dám viết thơ tỏ tình với em, bởi vì lúc đó em mê học hơn mê chơi.

 

Thầy bật cười lớn:

 

– Trời, tội nghiệp anh chàng tuổi trẻ. Nếu có dịp em phải xin lỗi người ta đó, nhớ chưa?

 

Thầy đứng lên, đi ra phía sau tủ lấy ra một số giấy tờ, rồi trở lại ghế ngồi, châm thêm trà, báo cho Thương một tin bất ngờ:

 

– Nghe em kể chuyện, thầy quyết định đưa em về dạy tại ngôi trường cũ, thầy hiệu trưởng vẫn là thầy Triệu đấy.

 

Thương muốn hét to lên vì sung sướng. Còn nỗi hạnh phúc nào hơn được đứng trên bục giảng ngôi trường ngày xưa mình đã làm học trò? Không nói ra, Thương nhìn thầy Tiến bằng đôi mắt biết ơn. Nhưng Thương biết, là một nhà giáo lâu năm trong nghề, thầy hiểu rõ tâm trạng và nỗi khát khao của những người trẻ mới ra trường, nếu môi trường càng thoải mái, thuận lợi thì càng làm cho họ hứng khởi, tràn trề tâm huyết trên còn đường còn dài trước mặt.

 

Sau khi làm xong một số thủ tục giấy tờ, thầy tiễn Thương ra con đường cái, hai thầy trò đi dạo cho đến ngã tư, Thương mới leo lên xe đạp chạy về nhà. Thương vui sướng nhủ thầm, mình từ chối nhiệm sở ngoài Sài Gòn, mất cơ hội dạy trường nổi tiếng, nhưng về đây Thương được biết bao nhiêu điều tuyệt vời, gặp thầy Tiến cho về ngôi trường cũ, thầy hiệu trưởng vẫn còn đó, và chắc chắn một số thầy cô cũ cũng vẫn còn như xưa.

 

Trước ngày khai giảng, Thương đến trường trình diện với bộ quần áo đẹp nhất, với nỗi lòng háo hức bâng khuâng như thiếu nữ lần đầu hẹn hò. Thương bật cười với ý nghĩ đó, vì Thương chưa yêu nên không biết mình ví von có đúng hay không?

 

Cô hiệu phó đón Thương ngay cửa phòng giáo viên, nơi đang có cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới, và đưa Thương vào phòng giới thiệu với mọi người:

 

– Xin các thầy cô chào đón Thương, cô giáo dạy toán mới ra trường. Thương cũng là học trò cũ của trường mình ngày xưa.

 

Rồi cô quay sang Thương giải thích:

 

– Hôm nay thầy Triệu hiệu trưởng đi họp trên quận, nhưng có dặn tôi đón tiếp cô học trò cưng của thầy cho chu đáo.

 

Ở dưới phòng họp, Thương nhận ra vài khuôn mặt thầy cô giáo cũ. Thương chạy đến chào hỏi, mọi người cũ mới vây quanh cô nói lời chúc mừng, đón chào cô trở về với ngôi trường này.

Chờ cho các cuộc chuyện trò lắng xuống, cô hiệu phó thông báo giờ nghỉ giải lao, rồi dẫn Thương đến gặp một thầy giáo trẻ vừa bước vào từ phía hành lang:

 

– Xin giới thiệu đây là cô Thương, cô giáo mới, trong khối Toán của thầy đó. Còn đây là thầy Huy, trưởng khối Toán của trường. Hai người làm quen nhau nhé.

 

Nói xong cô bước đi, thầy Huy bắt tay Thương:

 

– Hy vọng là em không quên tôi?

 

Thương hóm hỉnh:

 

– Ai mà quên được thầy giáo trẻ, hiền lành, đẹp trai mới ra trường thuở nào, bị các cô học sinh lớp chín quậy phá tưng bừng!? Em còn nhớ lớp em có nhỏ Thủy tóc quăn, mấy ngày liền đạp xe lẽo đẽo theo thầy về tận nhà, em đã mắng cho cô nàng một trận, còn nhỏ hỷ mũi chưa sạch, không lo học hành mà bày đặt đi… mê thầy!

 

Thầy Huy bật cười:

 

– Ồ, vậy tôi phải cám ơn em vì chuyện này. Quả thật, ngày đó có lúc cô bé Thủy đã làm tôi khó xử.

 

– Cô nàng đó vậy mà biết yêu sớm. Vào giữa năm lớp mười một, chúng em đang bù đầu bù cổ học thi, hoặc tranh thủ giờ rảnh đi nghe nhạc xem phim, thì nó đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Bây giờ nàng đã một nách hai con và làm bà chủ sạp gạo bên cổng xe lửa, bữa nào rảnh thầy nhớ ghé mua gạo ủng hộ Thủy nhe.

 

Thầy Huy hơi bối rối, đưa hai tay vào túi quần, ngước đôi kiếng cận màu trắng nhìn theo con chim đang nhảy nhót trên cành bàng ngay giữa sân. Thương đổi đề tài:

 

– Còn thầy, chắc gì thầy đã nhớ em học lớp nào nhỉ?

 

Chỉ chờ có vậy, thầy Huy nói ngay:

 

– Nguyễn Thị Hoài Thương học lớp 9A3, căn phòng cuối cùng trên lầu ba, đúng chưa?

Thương mở đôi mắt thật to, nhìn thầy Huy ngạc nhiên, chưa biết nói gì, thầy lại tiếp tục cho Thương bất ngờ:

 

– Hồi đó em ngồi ở đầu bàn cuối, dãy bên cạnh cửa sổ. Em hay mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng hoặc áo sơ mi màu xanh đậm.

 

Thương reo lên:

 

– Ôi, thầy nhớ màu áo em mặc nữa sao?

 

– Bởi vì tôi nhớ có lần trong giờ toán của tôi, có anh bạn nghịch phá nào đó làm đổ cả bình mực vào chiếc áo trắng của em. Em đã khóc và nổi giận, nhưng tôi là thầy giáo trẻ chưa có kinh nghiệm, nên không có cách giải quyết thỏa đáng, em đã kéo anh bạn kia lên phòng hiệu trưởng để kiện cáo. Nghe đâu cô giáo chủ nhiệm phải họp lớp mấy lần mới xong chuyện cái áo trắng vấy mực đó, đúng không?

 

Thương úp mặt mình vào đôi bàn tay, che giấu niềm vui và xấu hổ:

 

– Sao hồi đó em dữ dằn quá thầy ơi! Anh bạn đó tên Nguyễn Tài Tư mà chúng em hay gọi là Tài Tử vì anh chàng có máu nghệ sỹ và giọng ca cải lương thiệt mùi. Sau năm học ấy vì nhà nghèo nên Tư nghỉ học, đi làm ở tiệm sửa đồng hồ ngay trước chợ Gò Vấp. Hễ lần nào em đi chợ gặp Tài Tư, là anh ta lên câu vọng cổ chọc ghẹo em: “Ngày lại ngày qua bao mùa thương nhớ… ớ… Chiếc áo năm xưa, anh giữ mãi… ớ… trong… ờ… lòng”.

 

Thầy Huy chăm chú ngắm nhìn Thương làm điệu bộ hát vọng cổ, làm Thương đỏ mặt dừng lại, rồi hai người cùng cười vang khiến con chim trên cây bàng giật mình vỗ cánh vụt bay đi. Thầy Huy hỏi:

 

– Thương muốn đi lên căn phòng lớp cũ chút xíu không? Cũng sáu năm rồi còn gì!

 

Thương bước theo thầy Huy lên cầu thang, đi bộ qua dãy hành làng dài im vắng, kỷ niệm ngày xưa ùa về làm bước chân Thương thêm ngập ngừng, xuyến xao. Đến lớp học cũ, Thương chạy vào ngay chiếc ghế ngồi thân quen nơi cuối dãy ngoài cùng. Thầy Huy cũng ngồi bên bàn đối diện, im lặng cho Thương sống lại những ngày cũ đầy nhớ thương. Một lát sau, thầy Huy lên tiếng:

 

– Em có nhớ ngày cuối cùng năm học, em và mấy cô bạn sau tiệc liên hoan đã đi một vòng khắp các lớp học trong trường, xuống phòng Ban Giám Hiệu, Phòng Giáo Viên, căng– tin, rồi em òa khóc nức nở dưới cây phượng già ngay góc sân?

 

Thương chống tay lên cằm, mơ màng nhớ xa xôi:

 

– Đúng vậy, hình như bữa đó trời mưa, mấy cánh hoa phượng nằm tả tơi dưới sân trường, làm em thêm nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc! Mà sao thầy nhớ nhiều về em thế, thầy đâu phải thầy chủ nhiệm của em? Hay là thầy nhớ em hoài vì chưa trừng phạt được những quậy phá của cô học trò ngỗ nghịch như con trai?

 

Thầy Huy lắc đầu, xoay người, nhẹ nhàng nhìn theo bàn tay Thương đang vân vê những dấu gạch khắc nguệch ngoạc trên mặt bàn gỗ:

 

– Em quên rồi sao? Hồi đó em là học sinh nổi bật trong trường, vừa giỏi toán lại biết làm thơ viết văn. Khi em có bài thơ đăng trên báo, thầy hiệu trưởng đã đọc ngay trước toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần, vì bài thơ rất đặc biệt, nói về ngôi trường của mình, với đầy đủ tên trường và tên các thầy cô trong đó.

 

– Vâng, nhưng lâu rồi, em không còn nhớ bài thơ nữa thầy ạ!

 

– Còn tôi thì vẫn nhớ một đoạn vì có… tên tôi: Cô Yến dạy Văn, thầy Huy dạy Toán, Thầy Vinh môn Anh, môn Sử thầy Huề, Môn Hóa cô Oanh, Sinh Vật thầy Thê, Thầy Hiển: Địa, Chính Trị: cô Mộng Điệp…” Trong số đó, bây giờ chỉ còn tôi và cô Yến, thầy Vinh, thầy Thê. Còn những người khác, kẻ theo chồng bỏ nghề, kẻ thì chuyển trường khác, và có người đã đi xuất cảnh bên trời Tây. Cuộc đời mới đó mà đã có bao đổi thay.

 

Thầy chợt nhìn sâu vào mắt Thương, hỏi nhỏ:

 

– Còn em, cảm giác ngày trở về hôm nay như thế nào?

 

Thương sửa lại tư thế ngồi, mắt vẫn không rời chiếc mặt bàn nâu bóng vì thời gian, làn môi Thương run run với nỗi xúc động chợt dâng trào:

 

– Ngày xưa Từ Thức trở về chốn cũ với hoài niệm xót xa vì cảnh vật đã đổi thay, còn em  về nơi đây, cảnh cũ cảnh mới, người cũ người mới, tất cả như đan xen với nhau cho em tìm lại được những kỷ niệm ngày nào. Cây phượng già còn đó, mấy cây bàng dưới mái hiên vẫn xanh tươi màu xanh hy vọng, trường cũ thầy xưa còn đây, có chăng là những khuôn mặt học trò mới lạ, em càng thấy náo nức đợi chờ. Chưa bao giờ em thấy mình thực sự hạnh phúc như hôm nay.

 

 

Tiếng chuông báo giờ giải lao đã hết, Thương cùng thầy Huy vội trở xuống phòng họp, bỏ lại căn phòng vắng những dư âm của câu chuyện còn đang dở dang. Khi buổi họp kết thúc, Thương đi bộ ra bãi đậu xe thì thầy Huy bước nhanh đến, ngập ngừng:

 

– Thương à, tôi chưa làm xong nhiệm vụ đưa Thương tìm lại chốn xưa, đúng không?

 

Thương nhíu mày, nghiêng đầu hỏi:

 

– Vậy còn nơi nào nữa em chưa ghé thăm?

 

Thầy Huy đưa tay chỉ ra ngoài cổng trường:

 

– Quán chè đá đậu ngày xưa em và nhóm bạn hay ăn sau buổi tan trường. Chủ quán vẫn còn đó, nay bán thêm vài món khác như nước mía, cà phê. Tôi mời em một ly chè, được không?

 

Vẫn còn lâng lâng như trong giấc mơ, Thương bước qua cánh cổng sắt mầu nâu rỉ sét, nơi mà những lần đi học muộn, Thương phải đứng nhìn qua cổng này năn nỉ chú bảo vệ cho Thương vào trường. Quán chè đá đậu chẳng hề đổi thay, Thương thấy mình là một cô bé tuổi mười lăm đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ xíu trong quán năm xưa, bụng cồn cào chờ ly chè đá ba màu ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Thầy Huy nhấm nháp ly café , ngắmThương thành thục đón lấy ly chè, quậy lớp đá bào ở trên với lớp đậu và nước dừa phía dưới đáy ly, rồi lấy muỗng chè đưa vào miệng với cả sự thưởng thức say mê, tưởng như không còn gì ngon hơn trên cõi đời này. Thầy Huy biết, Thương không chỉ đang ăn chè, mà còn đang gặm nhấm những cảm giác hạnh phúc ngọt ngào của ngày hội ngộ quá khứ.

 

Thương ngước mặt lên, bắt gặp ánh mắt thầy Huy nhìn Thương rất gần:

 

– Thương này!

 

– Dạ?

 

– Kể từ hôm nay, em đừng gọi tôi là thầy nữa nhe, vì Thương đâu còn là học trò của tôi nữa. Vả lại, tôi cũng chỉ lớn hơn Thương sáu tuổi, và bây giờ chúng mình lại là đồng nghiệp, phải không?

 

Thương không trả lời, nhìn qua bên kia đường phía ngôi trường. Cánh cổng đã đóng yên, nhưng vài ngày nữa sẽ tưng bừng rộn ràng đón học sinh đến trường cho năm học mới. Một vạt nắng yếu ớt buổi chiều chiếu lung linh trên những tán phượng trên bầu trời xanh trong, bồng bềnh êm ái như đôi mắt thầy Huy đang nhìn Thương đợi chờ.

 

Thương thấy mình trong ngày khai giảng, dịu dàng, thướt tha với bộ áo dài trắng mới may, gặp gỡ những khuôn mặt học sinh đầy sức sống, Thương sẽ được sống lại tuổi thơ của mình. Quá khứ và hiện tại vẫn là một, Thương sẽ tiếp tục yêu thương chốn này, yêu mến lũ học trò, yêu mến cả những vật vô tri vô giác đã từng cho Thương những rung động bồi hồi khi nhớ về: chiếc bục giảng, bàn ghế, lớp học, sân trường, hàng cây…

 

Và có thể, có một tình yêu mới đang bắt đầu.

 

Kim Loan

(Edmonton Tháng7/2022)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tên của tôi là Sierra. Mẹ đặt cho tôi như vậy. Tại sao lại là Sierra?...
Ở cái miền đấy hoa bông giấy nhiều lắm, nhiều vô kể, nhà học trò cô Anh Thơ, mỗi nhà có từng cụm cây hoa bông giấy trồng từ lâu đời, tàn lá sum suê rậm rạp. Hoa bông giấy có nhiều màu, màu đỏ xậm, màu đỏ tím như hoa sim, màu vàng cam, màu hồng, màu trắng, đủ màu, hoa không có hương, nhưng màu sắc rực rỡ vô cùng như những nụ cười chưa bao giờ khép...
Mặc dầu anh tôi qua đời không liên quan gì đến dịch bịnh Covid-19. Anh thọ đến 92 tuổi, anh qua đời vì biến chứng của tuổi già, sức khỏe yếu, trí tuệ bị hao mòn...
ngày trở lại em nhớ trăng cổ độ / giọt mưa chiều thấm áo mỏng lạnh vai / bến sông xưa còn ghi dấu miệt mài / hình ảnh cũ buồn như thơ sót lại...
Trong Stories to tell, Charles Williams viết: “Những hình chụp gia đình có thể xem như tài liệu văn hóa vì chúng ghi lại những sự kiện thành hình cuộc sống của gia đình.” Có nghĩa là một loại tiểu sử không có chữ nhưng có minh chứng về đời sống lúc tấm ảnh được ghi nhận. Nhưng, có lẽ, nhận xét này chỉ đúng trong một số nền văn hóa; ở một số khác, có khi ngược lại, vì ở quê tôi, khi chụp hình gia đình, thường được dàn dựng ở những nơi có hậu trường đẹp đẽ, giàu sang, nhưng không thuộc về mình, chỉ mượn chụp cho oai. Tôi vẫn còn tấm hình đứng bên cạnh chiếc xe thể thao “xì gà” màu xám bạc như phi thuyền của ông khách lạ. Nhiều bạn mới quen lé mắt vì tưởng tôi là chủ nhân chiếc xe đua. Người ta nói, một tấm hình có thể thay thế được cả ngàn chữ. Không biết những tấm hình ngày nay, nói thật hay nói nói dối?
Mùa hè năm nay, thời tiết Edmonton bỗng dưng “super hot” vì một tin tức “nóng, sốt, dẻo”: Đức Giáo Hoàng, Pope Francis ghé thăm Canada những ngày cuối tháng Bảy, và điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Edmonton bé nhỏ của tôi. Ngài sẽ làm duy nhất một thánh lễ ngoài trời tại The Commonwealth Stadium, nơi có sức chứa 65 ngàn người, hỏi sao hổng “hot”?
Tôi là út trong một gia đình có năm anh chị em. Năm tôi lên chín, cha qua đời. Năm ấy mẹ vừa bốn mươi sáu tuổi. Tôi quấn quít bên mẹ và người chị thứ ba nhiều nhất, kể cả những năm lên học trường huyện...
Trong lần về nước đầu tiên, năm 1996, tôi ở Hà Nội ba tuần, gặp gỡ khá nhiều người cầm bút ở đó, từ Dương Tường đến Trần Quốc Vượng, từ Hoàng Ngọc Hiến đến Đỗ Lai Thuý, từ Phong Lê đến Văn Tâm, từ Lê Đạt đến Dương Thu Hương, từ Trần Dần đến Hoàng Cầm, từ Nguyễn Huệ Chi đến Bảo Ninh. Nhưng có cảm giác thân nhất là hai người: Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Xuân Nguyên...
Một chị bạn mở cuộc thăm dò ý kiến những đôi uyên ương cao niên. Hỏi, trong túp lều tranh có bao nhiêu trái tim vàng xin ông Tơ bà Nguyệt xe thêm kiếp nữa...
Thú thật, tôi cũng là... khách khá thường xuyên nơi Tòa! Với đủ “tội danh”, đậu xe quá giờ, quẹo đường cấm, cầm phone texting trên xe, nhưng có lần nhớ mãi, là trong vòng hai tuần tôi có... ba giấy phạt cùng một địa điểm, chỉ là ngày giờ khác nhau...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.