Hôm nay,  

Yêu lính

19/06/202207:50:00(Xem: 2238)

Truyện ngắn

 

vn girls

 


Lớn lên trong thời buổi chiến tranh, 16 tuổi mộng mơ, tôi và Bích Hợp là hai đứa bạn thân cùng xóm, cùng say mê nghe nhạc lính đến nỗi yêu lính và ao ước được là người yêu của lính. Nhưng biết tìm đâu ra chàng lính chiến để mà yêu? Trong xóm có vài anh đi lính mà tôi không quen, chỉ quen anh Phượng gần nhà, anh cũng vừa đi lính, anh ấy có bao giờ để ý đến tôi đâu và mẹ anh thì khó tính quá nên tôi chỉ dám mơ thầm.

 

Bích Hợp hát hay, nó thường hát cho tôi nghe bài “Hành trang tạ từ” và “Một người đi”.  Hai đứa cùng bồi hồi thổn thức, chỉ mong có người yêu là lính để được… chia tay tiễn anh như lời trong bài hát “Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé…” Hay là “Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm…”

 

Có những buổi chiều buồn (chẳng biết lý do buồn cái gì nữa?) tôi và Bích Hợp rủ nhau đạp xe đi hái trộm xoài tại vườn nhà ông Trịnh Đình Thảo. Khu vườn xoài rộng lớn có ngôi biệt thự luôn kín cổng cao tường, chúng tôi biết thế mà vẫn cứ mơ có ngày vào được bên trong để hái trộm xoài. Không hái được xoài thì chúng tôi đứng ngoài cổng song sắt phóng tầm mắt vào ngắm những quả xoài xanh non treo lủng lẳng trên cành cũng thích lắm và tưởng tượng món xoài xanh chấm muối ớt.

 

Chiều nay cũng thế, ngắm vườn xoài xong tôi rủ Bích Hợp vào… nghĩa trang chơi. Nghĩa trang quân đội Gò Vấp nằm đối diện gần vườn xoài của ông luật sư Trịnh Đình Thảo. Lần đầu tiên vào nghĩa trang cả hai đứa chúng tôi đều thích vì cảnh đẹp vắng lặng êm đềm với những con đường trải sỏi giữa những dãy mộ thẳng hàng. Tôi và Bích Hợp đã đi qua từng dãy mộ, tò mò đọc tên, đọc nguyên quán, đọc ngày sinh ngày tử và nhìn hình ảnh từng tử sĩ. Hai trái tim khờ của chúng tôi đều chạnh lòng thương cảm.

 

Bỗng Bích Hợp sáng kiến:

 

– Chúng mình có người yêu là lính đây rồi, những anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc, mỗi đứa chọn một anh đi, có hình ảnh, có tên tuổi để mà… thương. Thỉnh thoảng chúng mình sẽ đến đây thăm các anh.

 

Tôi thấy cuộc chơi này cũng thú vị nên hí hửng nghe theo Bích Hợp. Hai đứa vừa mới chạnh buồn lại vui vẻ ngay, ríu rít đi tìm “người yêu” cho mình. Tôi chọn anh Nghiêm văn Hải 21 tuổi, bằng tuổi anh Phượng và có nét mặt hiền hiền giống anh Phượng. Hình ảnh bán thân của anh Hải trong quân phục trên bia mộ thật hiên ngang và đẹp trai. Bích Hợp chọn anh Nguyễn văn Tùng vì thích mái tóc bồng bềnh của anh ấy. Cả hai anh đều độc thân chưa vợ con, do cha mẹ lập mộ.

 

Thế là nỗi buồn không tên của buổi chiều nay đã trở thành ý nghĩa, cả hai đứa đều vui và hãnh diện vì đã có người yêu là lính. Hai đứa bàn bạc từ nay nếu có dịp thì cứ khoe ra cho oai và dĩ nhiên phải nói là người yêu đang bận chiến chinh đâu đó, xa lắm, mai mốt anh mới về thăm.

 

16 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhiệm vụ trông em, trông đứa em 3 tuổi cho mẹ tôi bán hàng. Tôi thương em lắm, em cũng bám theo tôi không rời nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lừa nó ở nhà để đi chơi riêng với Bích Hợp. Chủ nhật tuần sau tôi và Bích Hợp sẽ đi thăm “người yêu”. Tôi dọa em tôi:

 

– Chị đến chỗ này có nhiều ma lắm, em đừng đi theo chị.

 

Lần này đến nghĩa trang có chủ đích, có hương hoa đàng hoàng. Đi ngang qua chợ Hạnh Thông Tây chúng tôi ghé vào mua bó hoa Vạn Thọ (cho rẻ tiền) và một bó nhang. Đạp xe qua khỏi chợ một hồi, chúng tôi chẳng màng tới vườn xoài bên kia nữa mà quẹo thẳng vào nghĩa trang quân đội, chia hoa và thắp nhang cho hai mộ anh Nghiêm Văn Hải và anh Nguyễn văn Tùng như đã thân thiết với các anh từ lâu lắm rồi.

 

Một hôm anh Phượng về phép thăm nhà, anh đi ngang qua nhà tôi thấy tôi đứng ngoài sân liền dừng chân hỏi thăm:

 

–  Em Bông khỏe không?

 

Thấy “thần tượng” người lính bằng xương bằng thịt mà mình thầm mơ tôi bối rối vụng về không biết nói năng chi, liền vay mượn những câu trong bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương để hỏi anh:

 

–  Chào anh Phượng. Anh thường đi đó đây trên bốn vùng chiến thuật, chắc anh đang đóng quân ở Pleime gió mưa mù hay Tây Ninh nắng nung người hay Đồng Tháp vắng bóng hồng phải không?

 

Chẳng biết anh khen hay anh mỉa mai:

 

–  Coi bộ em thuộc nhạc lính ghê nhỉ. Trật lất, đơn vị anh ở Phú Giáo Bình Dương.

 

Anh bây giờ là người lính, tác phong người lính rắn rỏi phong sương, không là anh Phượng thư sinh nữa càng làm tôi mến mộ. Tôi vừa muốn khoe vừa muốn thử lòng anh Phượng xem anh có “đau khổ” tí nào không:

 

– Em có người yêu là lính rồi.

 

Anh không lộ vẻ gì buồn cả mà ngạc nhiên:

 

– Ủa, lạ quá ta. Nãy anh gặp Bích Hợp và hỏi thăm, cô nàng cũng tự động khoe có người yêu là lính rồi. Không lẽ con gái xóm mình yêu lính dữ vậy?

 

Rồi anh bỏ đi không ý kiến gì thêm làm tôi tức cành hông.

 

Anh Phượng trở về đơn vị để lại lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Tôi và Bích Hợp vẫn cùng nhau nghe những bài nhạc lính và vẫn thỉnh thoảng buổi chiều đến nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm “người yêu” trong những buổi chiều buồn vu vơ. Không biết gia đình anh Nghiêm Văn Hải ở đâu? có khi nào ghé thăm mộ anh không? Hay chỉ có tôi với những bông hoa vạn thọ và vài nén nhang đến thăm anh, một “người yêu” mà anh không biết mặt, chẳng biết tên. Anh Hải ơi, vì quê hương chinh chiến anh đã hi sinh và yên nghỉ nơi nghĩa trang xóm em nên em mới “có duyên” gặp gỡ anh trong cảnh ngộ này.

 

Chiến sự càng ngày càng khốc liệt, những chuyến xe tang mang xác tử sĩ từ chiến trường về nghĩa trang quân đội Gò Vấp càng nhiều. Tôi và Bích Hợp đã một lần chứng kiến cảnh thê lương cùng với gia đình một người lính chết trận tại nhà quàn trong nghĩa trang. Hình ảnh thi thể bó gọn trong tấm poncho bốc mùi tử khí, mẹ anh và vợ anh ngất xỉu, hai đứa trẻ thơ ngơ ngác, tiếng khóc của thân nhân thảm thiết. Hai đứa tôi sợ lắm đứng co rúm vào nhau nhưng vẫn tò mò muốn xem, Chưa có buổi chiều nào u ám đến thế. Tôi và Bích Hợp ở lại nghĩa trang đến chiều dần tàn mới vội vàng đạp xe về nhà mà tưởng như những tiếng khóc từ nghĩa trang vẫn còn đuổi theo.

Hôm sau tôi bị cảm sốt nặng, nằm thiêm thiếp. Chắc vì chiều qua nghĩa trang nhiều gió và vì hơi lạnh tử khí ám vào người tôi. Mẹ tôi tra hỏi Bích Hợp chiều qua hai đứa đi đâu mà về muộn, Bích Hợp khai ra hết, mẹ la mắng cả hai đứa và cấm chỉ từ giờ không được đến nghĩa trang nữa kẻo ma bắt hồn chúng tôi. Không được “đùa cợt” với người đã khuất, hãy để linh hồn họ yên nghỉ.

 

Sau vụ chứng kiến đám tang ấy chúng tôi đã bị ám ảnh trong nỗi sợ và nỗi buồn, khỏi cần mẹ cấm hai đứa cũng từ bỏ luôn.

Cuối năm anh Phượng về thăm nhà, gặp tôi đầu ngõ anh cười cười hỏi thăm:

 

–  Sao, “người yêu của lính” khỏe không?

 

Tôi ỉu xìu:

 

– Em không còn là người yêu của lính nữa.

 

– Biết rồi, mẹ em kể cho mẹ anh nghe hết rồi, chuyện em và Bích Hợp “yêu lính”, yêu người tình thiên thu tại nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã hạ màn sau một trận ốm kịch liệt.

 

Tôi quê quá vội bước đi, anh Phượng nói với theo:

 

– Cô bé 17 tuổi kia ơi, có bằng lòng làm người yêu của lính với… anh không?

 

Cho dù anh có nói đùa, cho dù anh “ trêu chọc” tôi, thì tim tôi vẫn đập loạn xạ, rộn ràng sung sướng. Nhưng tôi chợt khựng lại không dám mừng vui nữa và tự hỏi anh Phượng có nói câu này với Bích Hợp không và giữa hai đứa chúng tôi, anh… yêu ai?

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

(6/2022)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiến tranh, ai cũng sợ vì chiến tranh súng đạn bắn giết, mang lại những đau khổ triền miên, người Ukraine họ đang chạy nạn chiến tranh...
Sáng sớm nay, khi tỉnh dậy, công việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phải cọ sạch cái “deck” (sàn gỗ) sau nhà. Bước ra vườn, trời hôm nay đẹp quá. Thời tiết San Jose đang đổi sang lành lạnh, cái lành lạnh của mùa thu. Nhìn quanh vườn, chẳng thấy thu đâu, chẳng thấy lá vàng bay mà tôi chỉ thấy cô hàng xóm, cái cô gầy đét cuối ngõ, đang vén quần, trốn mẹ, nhẩy hàng rào, dáo dác tìm tôi...
Con gà mái dầu thì ai ai trên đời này mà không biết nó. Từ đông sang tây, từ quê ra tỉnh… ở đâu chả có gà. Gà nuôi làm nguồn thực phẩm thường dùng, cũng có người nuôi gà làm cảnh, gà chọi, gà tre. Con gà trống gáy ó o mỗi sáng báo hiệu bình minh, thức dậy làm việc, chiều thì gà lên chuồng là hết một ngày...
máu trăng rằm loang mây nằm võng / người nhợt nhạt đi về bên cỏ cây / xõa tóc hoa râm hớp thời gian / từng ngụm hả hê từng lời buồn bã / từng ngụm kêu réo đất trời tháng hạ / nghe tiếng ve rì rầm gọi tên không ngừng...
Chuông báo hiệu giờ tan học. Cửa trường vừa mở, bọn nhóc chen chúc nhau để ùa ra cho nhanh . Nhưng thay vì như ong vỡ tổ để bay khắp nơi rồi nhanh nhẹn về nhà ăn cơm như mọi hôm, chúng lại tụm năm tụm bảy, và thì thầm to nhỏ với nhau...
Mới đó, Ba lìa đời đã bốn năm. Hai đứa con út của Ba, nay đã “già” hơn Ba, thuở Ba đi tù cải tạo năm 1975. Giờ đây, mỗi khi bầy con quây quần kể chuyện, nhắc đến Ba ngày xưa, như nhắc một ông cụ, dẫu lúc đó, Ba chưa bước hẳn vào tuổi tri thiên mệnh...
Ở những quốc gia có "Ngày Của Cha" (Father’s Day) vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6, người ta đều nhớ đến thân phụ của mình (dù còn sinh tiền hay đã quá vãng). Với người Việt Nam, tháng 6 còn mang về hình ảnh hào hùng của Nguyễn Thái Học và các anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng với những lời cuối "Việt Nam muôn năm"...
Người cha nào trên trái đất này đều thương con của mình, thương con hơn thương chính mình, và trong máu của người con có máu của người cha. Cha mẹ làm việc vất vả để nuôi con, cho con ăn học thành tài, lo cho con đầy đủ những gì con cần, vì thế những đứa trẻ được thương yêu, đùm bọc sẽ học nhanh hơn những đứa trẻ bản xứ...
xô ngã một rừng ký ức / tìm ra một nhánh cây xanh / thấy như mùa xuân vừa thức / đâu đây hoa lá dỗ dành...
Ngày Father’s Day năm nay, lần đầu tiên anh chị em chúng tôi thiếu vắng Ba. Tháng sáu Canada thời tiết đẹp, tôi ngồi bên vườn sau nhà, tưởng tượng bên nghĩa trang Moore ở thành phố Arlington, Texas, phong cảnh đẹp đẽ với những con đường trải sỏi dưới hàng cây Magnolia to cao xòe bóng mát, chắc đang nở những hoa trắng thơm hương tinh khiết và bên những ngôi mộ, là thảm cỏ xanh có ngọn nước phun lên mặt hồ tung bọt trắng xóa, Ba đang nghỉ ngơi trong không gian và thế giới êm đềm đó...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.