Hôm nay,  

Những con hẻm thương yêu

15/05/202221:05:00(Xem: 1952)

alley

Những con hẻm thuở ấu thơ

Cho tôi đến những bến bờ yêu thương

Giờ đây lạc bước tha hương

Trong cơn mộng mị gọi buồn mênh mang

(KL)


Cứ mỗi khi nhìn trời mưa bên đây, tôi lại nhớ về mưa quê nhà, mưa trong ngõ hẻm nhà mình. Thuở còn là học sinh mới lớn, mùa hè thường không phải học hành, khi trời chuyển màu u ám rồi những hạt mưa rủ nhau rơi xuống, tôi hay ngồi ngay cửa sổ bàn học, nhìn ra ngoài mảnh sân nhỏ trước nhà, nơi góc trái là cây bông giấy đỏ. Những cảnh hoa mong manh bị nước mưa làm ướt đến tội nghiệp, tôi chống tay lên cằm nhìn mưa rơi với những suy nghĩ vẩn vơ! Ừ, mưa trong hẻm nhỏ, có ai nói như thế bao giờ chưa nhỉ, nhưng con hẻm này là nơi tôi sinh ra, lớn lên và có biết bao nhiêu tháng ngày hoa mộng suốt bốn mùa…


Hẻm nhà tôi không lớn mà cũng không nhỏ, được tráng xi măng sạch sẽ, cũng không phải con hẻm ngoằn ngèo “không có lối ra” như những con hẻm khác. Nhà tôi ngay giữa hẻm, nơi đầu hẻm là con đường cái dẫn lên chợ Thông Tây Hội, từ đó đi thẳng lên Ngã Tư Xóm Mới. Phía đầu hẻm còn lại dẫn ra một cái chợ nhỏ, nối liền một xóm khác, và cũng dẫn ra đường cái. Tuổi thơ của tôi trong con hẻm này là một thiên đường không tỳ vết, mặc kệ những bon chen nơi phố xá và cuộc sống bên ngoài. Những buổi trưa hè êm ả, trốn giấc ngủ trưa, tôi và lũ bạn chạy đến khu nhà trống cuối hẻm, chủ nhân bỏ đi vượt biên bị nhà nước tịch thu, chỉ còn lại bốn bức tường loang và đống gạch vụn vương vãi khắp sân, nhưng cây khế ngọt bao trùm cả sân nhà là nơi cho lũ trẻ đến chơi bày hàng, chơi ô quan, nhảy dây. Khi có cơn gió thổi qua, mấy đứa lại tranh nhau nhặt khế rụng và tưởng tượng chuyện cổ tích ăn khế trả vàng, mang túi ba gang đi mà đựng. Kế bên căn nhà trống, có một mô đất, bọn trẻ đặt tên là “đồi”, rủ nhau lên đồi “hóng gió”, rồi lại kéo xuống rãnh nước bên cạnh được gọi là “suối” để vớt lăng quăng về nuôi cá, cứ thế mà cuộc vui trẻ thơ không bao giờ tàn, cho đến xế chiều, không ai bảo ai cả đám rủ nhau ra về vì sợ cây khế có …ma, nhưng chắc chắn một điều là ngày mai sẽ trở lại tiếp tục cuộc vui.


Lên cấp hai rồi cấp ba, tôi không nhớ hết bao nhiêu con hẻm mình đã đi qua. Có khi đi bộ đến nhà bạn bè chơi, học nhóm, cũng có khi chạy xe đạp tìm nhà mệt muốn đứt hơi và vui sướng khi có người trong hẻm tìm giúp nhà (Có ai đã từng đi tìm nhà trong hẻm mà không phải hỏi người xung quanh chưa?). Vì là trong ban tổ chức lớp, hầu như tôi đã đến tất cả nhà các bạn trong lớp, ngoài mặt tiền cũng có, nhưng trong hẻm nhiều hơn, có khi đi suốt từ trưa cho đến tối mịt, đến nhà từng đứa để thu tiền hoặc xin phép cha mẹ các bạn cho những chuyến dã ngoại, picnic…Mỗi con hẻm đều có những nét riêng của nó, hẻm dài hẻm ngắn, hẻm rộng hẻm nhỏ, hẻm quanh co, hẻm thẳng tắp, hẻm giàu hẻm nghèo, hẻm ồn ào hẻm vắng lặng, nhưng tất cả vẫn mang đầy sức sống mãnh liệt của những con người sống trong hẻm, với tình làng nghĩa xóm đậm đà, tối lửa tắt đèn có nhau.


Khi ra trường làm cô giáo, tôi lại có dịp biết đến nhiều con hẻm khác: hẻm “học trò”. Trường của tôi nằm ngay khu lao động nghèo, gần Ngã Năm Nguyễn Oanh, hướng lên chợ Gò Vấp. Học sinh có rất nhiều em nghèo. Hằng năm trong giáo án chủ nhiệm phải hoàn thành việc thăm viếng nhà học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cần sự giúp đỡ của nhà trường. Lần đó trong lớp tôi có cậu học trò học rất giỏi, nhưng hoàn cảnh vô cùng khó khăn sau khi trở về từ vùng kinh tế mới. Đứa học trò này vừa đi học buổi sáng, chiều phải đi bán báo và đậu phộng rang giúp mẹ nuôi bốn đứa em nhỏ. 


Tìm theo địa chỉ trong sổ liên lạc, tôi dừng xe đạp ngoài đầu ngõ hỏi thăm, mấy đứa học sinh lớp khác cũng ở khu này nhận ra tôi, tình nguyện dẫn tôi đi đến đúng nhà. Trời đất, chưa bao giờ tôi đi qua một con hẻm dài đến như thế, cứ đi hết vòng này đến khúc cua kia, những căn nhà trong hẻm đã lên đèn cho bữa cơm chiều, những ánh mắt tò mò của lũ trẻ con nhìn tôi mỉm cười thân mến, những người lớn trong hẻm nhìn tôi đầy ái ngại cho cô giáo trẻ lạc loài nơi xóm nghèo. Cuối cùng thì sự kiên nhẫn của tôi cũng kết thúc khi “căn nhà” của đứa học trò hiện ra nơi một nghĩa địa nhỏ bỏ hoang, nơi tận cùng của ngõ hẻm mà chắc chắn tôi sẽ không biết đường quay trở ra. Đó là lần đầu tiên một con hẻm mang đến cho tôi cảm giác buồn bã, ưu tư suốt mấy ngày, cho đến khi tôi bắt đứa học trò hàng ngày phải mang báo và đậu phộng ế đến trường, tôi sẽ giúp bán lại cho các thầy cô trong trường, mà nếu còn dư nữa, tôi sẽ mang về nhà bán cho mấy người hàng xóm…dễ tính!


Biết bao nhiêu con hẻm đã in dấu những bước chân của tôi. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những con hẻm đôi khi bất chợt trở về trong ký ức không theo một trình tự nào. Khi ra nhà hàng ăn món bột chiên, tôi lại nhớ con hẻm Chu Mạnh Trinh gần Phú Nhuận, nơi nhà cô bạn đồng nghiệp thân thiết. Tối mùa đông se lạnh, cô bạn dẫn tôi ra đầu hẻm có xe bán bột chiên của bố con chú ba tàu. Hẻm thoáng rộng, sạch sẽ, cô bạn chỉ cho tôi ngôi nhà ngày xưa của gia đình Phạm Duy, rồi hai đứa nghêu ngao hát, “con đường tình ta đi với bàn chân nhỏ bé”, trong lúc chờ đợi được thưởng thức dĩa bột chiên nóng sốt đầy quyến rũ, với tương ớt bỏng môi hấp dẫn tuyệt vời!


Hồi học cấp ba, con nhỏ bạn thân có lúc tương tư, đã rủ tôi đi xem bói. Thú thật, tôi chẳng tin chuyện bói toán chút nào, nhưng thấy nhỏ bạn sầu khổ vì đang yêu, tôi cũng đồng ý đi theo nó. Nhà ông thầy bói nằm trong một con hẻm sâu, sau khi đi vào hẻm lớn mang tên “Vạn Kiếp” gần chợ Bà Chiểu. Tôi không hiểu nhỏ bạn mình tìm đâu ra cái địa chỉ của ông thầy bói này, đi vào hẻm lớn đạp xe mỏi cả chân, lại rẽ vào một hẻm nhỏ khác, vòng vo hỏi han một hồi cũng tìm được đúng địa chỉ. Nhìn căn nhà nhỏ xíu đóng kín cửa đầy u ám, tôi phải đi vào chung cho nhỏ bạn đỡ sợ. Khi xong việc, hai đứa vừa lò dò dắt xe đạp ra cửa thì gặp ngay cô Hiệu Trưởng đang ngồi hóng mát ở nhà đối diện (té ra nhà cô ở đây!). Báo hại cho cả hai đứa, ngày hôm sau bị Ban Giám Hiệu kêu lên văn phòng làm bản kiểm điểm vì không lo học, mà đi mê tín dị đoan. Đó là con hẻm cho tôi “kỷ niệm đau thương” mà sau này mỗi khi đi ngang qua đều làm cho tôi mỉm cười nhớ lại lần “lỡ dại” đó!


Nhưng con hẻm yêu thương nhất, gắn bó nhất và mang biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của thời con gái, là chính con hẻm nhà tôi.  Một buổi tối, trời bất chợt đổ cơn mưa giông, rất nhanh, rất lớn, nhưng chỉ hai mươi phút sau thì cơn mưa dịu lại, rồi ngừng hẳn. Tôi nghe tiếng rao quen thuộc “bánh mì nóng đây” liền chạy ra cổng đón mua. Trời mờ tối, con hẻm lấp loáng nước mưa còn đọng trên vỉa hè, hắt lên thứ ánh sáng yếu ớt từ những ngọn đèn trong xóm. Tôi ngồi xuống theo rổ bánh mì nóng được chị bán hàng vừa đặt xuống thềm, chợt nhìn lên theo phản xạ tự nhiên, tôi rất đỗi ngạc nhiên thấy một người quen đang đứng bên chiếc xe đạp trú mưa bên hiên nhà đối diện. Tôi hỏi: 


“Anh đến từ bao giờ, sao lại đứng đây?” 


Người ấy ngại ngùng, phân bua: 


“Anh mới tới đầu hẻm thì trời chợt đổ mưa, nên chỉ kịp chạy vào đây, không dám kêu cửa nhà em vì mưa lớn quá”


Tôi kêu lên:


“Trời, vậy anh đứng đây cả nửa tiếng rồi sao? Mình vào nhà đi, người anh lạnh hết rồi đấy!”

Rồi từ ngày đó, con hẻm đã đón những bước chân của người ấy, dù nắng hay mưa, dù mùa hạ hay mùa đông, dù sáng hay tối, con hẻm cũng trở nên dịu dàng, ấm cúng, tràn đầy yêu thương nhớ nhung khi đợi chờ bóng dáng quen …


Bao nhiêu năm qua rồi, tôi đã vài lần đi tìm những con hẻm ở xứ Canada này nhưng hầu như không có. Lối xây cất bên đây không có những ngõ hẻm quanh co cho người ta đi tìm nhau. Có lần qua Texas thăm chị ruột, hai chị em cũng đi vào những khu lao động nghèo của dân Mễ nhưng tuyệt nhiên vẫn chẳng thấy được một con hẻm nào, dù ngắn hay dài. 


Tôi lại thấy tiếc nhớ bâng khuâng những con hẻm quê nhà, đã từng là một phần đời sống của tôi, gắn bó khắng khít như hơi thở, bồi đắp tâm hồn tôi với những tháng năm dài chất chứa bao nhiêu kỷ niệm. 


Để rồi bây giờ, mỗi khi có cơn mưa bất ngờ chợt đến, tôi lại nghe như có tiếng rao “bánh mì nóng đây”, tôi sẽ lại bồi hồi muốn được chạy ra mở cổng, chờ đợi ai đó đang vụng về đứng trú mưa dưới hiên nhà ai, của một năm nào đó, đã thật xa rồi!


Kim Loan




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.