Hôm nay,  

Giọng Huế của Mạ

07/05/202220:29:00(Xem: 2089)

Tạp bút Ngày Của Mẹ

hoanquan
Thư pháp của thi sĩ Trụ Vũ.

 

Chưa đến ba mươi tuổi, một nách hai đứa con thơ, theo Ba, Mạ phải xa Huế. Từ đó, hơn nửa thế kỷ qua cho đến khi lìa đời, Mạ xuôi Nam, rồi sang Đức. Suốt mấy chục năm, Mạ chỉ còn những lần về Huế đôi ba ngày ngắn ngủi thăm gia đình, chứ Mạ không còn được sống ở Huế nữa. Bầy con Mạ sanh ở Quảng Ngãi, có lẽ đã ngấm giọng ru ngọt ngào của Mạ từ thuở chưa lọt lòng… à ơi, chiều chiều ông Ngự đi câu, cái ve cái chén cái bầu sau lưng... Bởi vậy, đứa nào giọng nói cũng đầy đủ sáu vài, mười hai nhịp.

 

Ở Quảng Ngãi, ở Sài Gòn, đi đâu chăng nữa, lời ăn tiếng nói của Mạ luôn xếp đặt mọi việc ổn thỏa ba bên, bốn bề. Mạ vào Sài Gòn đặt sách báo cho tiệm sách. Mạ đi mua trang thiết bị cho quán cà phê. Mạ đến những công sở ở Quảng Ngãi để tham dự đấu thầu cung cấp bút chỉ văn phòng. Mùa hè đỏ lửa, Ba không thể rời nhiệm sở ở miền Trung, Mạ dẫn bầy con nhỏ vào Sài Gòn chạy loạn. Thời gian này, một cảnh hai quê, lòng Mạ lo lắng ngổn ngang trăm mối. Tuy vậy, Mạ vẫn sắp xếp dắt bầy con nhỏ đi đó đây khắp Sài Gòn. Mạ muốn đưa mấy đứa con đi Chợ Lớn. Mạ hỏi đường, người Sài Gòn ngẩn người, không biết “Chợ Lợn” ở đâu. Nhưng rồi, Mạ vẫn tìm đến được những địa điểm như ý muốn. Người bạn của Mạ ở gần chợ Cầu Muối. Bác diễn tả, nhà bác có lát gạch bông đàng trước. Bình thường, với thông tin như vậy, có lẽ ai cũng phải lắc đầu, từ bỏ ý định tìm kiếm. Mạ lặn lội hỏi quanh và cuối cùng Mạ cũng đến thăm được người bạn.

 

Mạ giải quyết êm đẹp những “bất đồng ý kiến” giữa khách của quán cà phê nhà và các cô hàng cà phê. Một người khách quen kể: “Thiệt kỳ lạ, mỗi lần anh hồi tưởng về quê nhà Quảng Ngãi, là anh nhớ tới Mạ các em. Một người phụ nữ Huế, có khuôn mặt đẹp, cương nghị, dáng điệu khoan thai, trầm tĩnh, cư xử dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ. Các cô trong nhà chỉ cần học Mạ các em là đủ, không cần học thêm bất cứ ai”.

 

Người giúp việc trong nhà không hề chịu cảnh chủ tớ, mặc dầu có những người quen gọi Ba Mạ là ông chủ, bà chủ. Nhiều người, đã nghỉ việc, nhưng khi có dịp vẫn ghé qua nhà, thăm hỏi gia đình.

 

Sau cuộc đổi đời 1975, vai Mạ oằn xuống vì những gánh nặng khổ ải dồn dập. Khi công an, bộ đội súng ống hung dữ ập vào tịch thu nhà, Mệ nội quá hoảng sợ, tức giận, Mệ khóc lóc không chịu đi. Những khuôn mặt sắt máu lớn tiếng nạt nộ. Bầy con ngơ ngác, bàng hoàng. Mạ nhẹ nhàng trấn an cả nhà. Mạ tiếp tục cưu mang, gánh vác gia đình, sau khi cả nhà phải rời khỏi ngôi nhà Ba Mạ đã gầy dựng biết bao năm. Mất tiệm sách, mất quán cà phê, mất nhà, Mạ tảo tần với hàng cơm ở bến xe Quảng Ngãi, khách hàng đa số là người dân lao động. Trong những lần đi thăm Ba, Mạ luôn an ủi, khuyên nhủ, để Ba khỏi suy sụp tinh thần, để còn có ngày về đoàn tụ với gia đình. Mạ đau đứt ruột, tiễn các con rời Việt Nam, mà thuở ấy, khó mong có ngày trở về, với hy vọng các con có cuộc đời đáng sống. Ba về nhà sau gần mười năm tù với nhiều chứng bệnh mang trong người. Sau lần bị đột quỵ, Ba đã bị liệt nửa người. Mạ ghé vai Ba cho Ba vịn đứng dậy. Mạ rốt ráo hỏi tìm khắp nơi cách chữa trị, thuốc ta, thuốc tây. Mạ vái tứ phương. Tình thương yêu của Mạ như phép màu giúp Ba bình phục và vượt qua những cơn bệnh thập tử nhất sinh.

 

Mạ và một cô giáo của con, đã có những lần cùng nhau đi thăm chồng ở trại cải tạo. Mấy chục năm sau, gặp lại cô, cô hồi tưởng: “Dáng Mạ gầy gầy, vẻ nhẫn nhục chịu đựng gian khổ lo cho chồng, cho con. Nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái, cao sang. Dạo ấy, là người Huế, sống giữa đất Quảng, lại xa chồng, cô càng thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Mỗi khi cô đến với Mạ con, cô có cảm tưởng như mình đang ở Huế, gần gũi với gia đình.”

 

Lúc khá giả cũng như khi cơ cực, Mạ đối xử với mọi người như bát nước đầy. Thời nhà sách, Mạ thân thiết với những gia đình trên đường Phan Bội Châu. Sau khi Ba đi cải tạo, nhà bị tịch thu, bác Kh., một người chưa quen biết, đã mở lời giúp đỡ Mạ trong lúc ngặt nghèo, mặc dầu gia đình bác cũng chỉ sống đắp đổi qua ngày. Mạ về cùng bác Kh. bán hàng cơm ở bến xe lam cạnh cây xăng. Ban đầu, có người hàng xóm do đố kỵ, tỏ vẻ hằn học, hiềm khích. Thế mà, sau một thời gian, Mạ đã lay chuyển được thái độ của người ấy. Rồi Mạ có thêm nhiều người láng giềng gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau. Những năm cuối thập niên 70 cho đến ngày các con rời Việt Nam, nhà ở Phú Nhuận, các con nhiều lần khốn đốn với phường khóm địa phương. Vậy mà, khi Mạ ở đây và lúc Ba về nhà sau khi ra khỏi trại cải tạo, những tổ trưởng, tổ phó khắt khe, xét nét đã trở thành những người quen thoải mái, vui vẻ với Ba Mạ.

 

Ngày đón Ba Mạ ở phi trường Frankfurt, bầy con xúc động nước mắt lưng tròng. Gia đình sum họp sau nhiều năm xa cách. Mạ vui mừng khôn xiết. Nhưng Mạ lo Ba vừa qua cơn trọng bệnh, khéo léo nói nhỏ vào tai bầy con: “Mấy đứa đừng khóc, sợ Ba xúc động mạnh, không tốt”.

 

Mạ dặn dò, con gái đừng cằn nhằn với chồng, con trai đừng gắt gỏng với vợ. Khi thấy con phải đối mặt với nguy cơ rạn vỡ trong gia đình nhỏ, Mạ ân cần khuyên nhủ, “Con nì, quyết định chi, con nhớ nghĩ đến con của con nghe”. Mạ thấy đứa con này cuối tuần ở nhà, Mạ nhỏ nhẹ: “Sao con không đi thăm bồ!” Mạ thấy đứa con kia hơi tròn trịa, Mạ nghiêm giọng: “Ăn uống kỹ kỹ lại nghe con.”

 

Như vậy đó, giọng Huế của Mạ đã ru, đã nuôi, đã dưỡng bầy con từ thuở còn thơ cho đến khi con đầu có hai thứ tóc. Giọng Huế của Mạ tận tụy chăm sóc Ba trong những thăng trầm của cuộc đời. Giọng Huế của Mạ đã bươn chải ở nhiều nơi, để chồng con đầy đủ miếng ăn, cái mặc. Giọng Huế của Mạ đã chạm vào trái tim của người chưa quen biết để họ trở thành ân nhân của gia đình. Giọng Huế của Mạ đã là bản đồ tìm đường, kiếm lối. Giọng Huế của Mạ đã mang đến những bạn bè, những láng giềng tử tế. Giọng Huế của Mạ đã an ủi chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

 

Những cái tết Mạ còn trên đời, đêm ba mươi bên mâm cúng tất niên, Mạ lâm râm cầu nguyện cho toàn thể gia đình an lành, mạnh khỏe. Mạ vẫn giữ thông lệ lì xì con cháu cho đến cái tết cuối cùng, năm Mạ vĩnh viễn lìa xa trần thế. Con, cháu, dâu, rể xếp hàng khoanh tay chờ Mạ mừng tuổi. Mạ ngọt ngào gọi tên từng đứa con, cháu, nhỏ trước lớn sau và đặt vào tay con, tay cháu phúc lộc đầu năm. 

 

Giờ đây, tụi con không còn được nhận được bao lì xì mừng tuổi của Ba Mạ nữa. Nhưng trong tim tụi con vẫn nghe được giọng Huế của Mạ, phù hộ cho con cháu luôn được an lành, trên thuận dưới hòa, gia đình yêu thương đùm bọc nhau, vạn sự hanh thông như ý trong cuộc sống.

 

-- Hoàng Quân

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ...
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn...
Tôi có một người anh cá tính hoang nghịch trổ trời mà lên. Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm ram cả mạnh sườn...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.