Hôm nay,  

Giã Từ Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

08/02/202222:43:00(Xem: 3036)

Giã Từ Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

.

LÊ LẠC GIAO

.

blank

(Lời Giới Thiệu: Để tưởng nhớ tròn một năm nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021) ra đi. Một số bài viết về nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sẽ đăng trong tuần lễ này. Trước tiên là bài của nhà văn Lê Lạc Giao, người bạn có giao tình với NLV từ nửa thế kỷ trước, khi cả hai còn là sinh viên từ Miền Trung vào Sài Gòn học. ​Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ sinh ngày 9/5/1952 tại Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ trần ngày 18/2/2021 tại Quận Cam, California. Nguyễn Lương Vỵ nổi tiếng trong giới văn học Miễn Nam VN từ 1969, khi còn là học sinh trung học. Ông sáng tác đa dạng, nổi bật với văn phong riêng biệt, xuất sắc trong cả thơ đời và thơ đạo.

.

Tác phẩm đã in của Nguyễn Lương Vỵ:

. Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991);

. Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000);

. Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007);

. Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008);

. Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010);

. Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011);

. Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013);

. Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014);

. Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014);

. Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 – 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015).

. Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) (Văn Học Press, Q&P Production, California, 2020).

Bài viết của Lê Lạc Giao như sau.)

….()….

 

Giã Từ Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

.

LÊ LẠC GIAO



Lời giã biệt niềm chi đau gió hú

Khép lòng tay nghe nắng cũ thầm thì (NLV)

 

Tháng 10 2019, nhà thơ Du Tử Lê ra đi. Chúng tôi những người bạn của anh ở Orange County làm buổi tưởng niệm cùng ra mắt tập sách “Người Về Như Bụi” vào dịp kỷ niệm trăm ngày (15-1-2020). Ai cũng có có mặt buổi tưởng niệm ấy trừ Nguyễn Lương Vỵ vì lý do sức khỏe. Phải nói từ khi còn quán ăn Tài Bửu (trước năm 2018) mỗi sáng chiếc bàn trước cửa quán hầu như ngày nào cũng có mặt hai nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Lương Vỵ. Tôi thỉnh thoảng đến uống café với hai người. Đến cuối năm 2017, Nguyễn Lương Vỵ qua trận phẫu thuật tim cùng căn bệnh tiểu đường khiến anh phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Từ đấy sức khỏe anh ngày một mong manh hơn.

 

Năm 2020 trôi qua, trận đại dịch Covid 19 làm gián đoạn sự gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên tôi vẫn thường gọi điện thoại thăm Nguyễn Lương Vỵ (NLV) và bao giờ cũng được cho biết sức khỏe Ok. Anh vẫn tiếp tục làm thơ vì làm thơ với NLV như hơi thở để sống và anh đã hoàn tất Tuyển tập thơ 50 năm vào tháng 11 năm 2020. Văn Học in Tuyển tập gồm hai tập, mỗi tập hơn năm trăm trang. Nhìn công trình đồ sộ này, tôi hiểu NLV cố hoàn tất tổng thể sự nghiệp thi ca của mình. Vào tháng 12, NLV gọi điện thoại giọng buồn bã cho tôi biết nhà thơ Võ Chân Cửu, người bạn thân của anh vừa mới mất tại VN. Sau đó anh kêu gọi bạn bè đóng góp chút tiền gửi về VN cho gia đình Võ Chân Cửu. Hôm tôi chở NLV đi gửi tiền về VN và chia buồn với gia đình Võ Chân Cửu là lần cuối cùng tôi gặp anh. Hôm ấy chia tay trước nursing home, Nguyễn Lương Vỵ cho biết đang chờ được chích mũi vaccine đầu tiên. Về nhà tôi cứ cầu mong cho anh may mắn được sớm chích vaccine vì tình trạng tràn lan nguy hiểm của virus COVID 19 và cũng vì sự khó khăn trong việc phân phối vaccine lúc bấy giờ. Hình ảnh ốm yếu xanh xao và run rẩy từng bước đi của NLV khiến tôi lo lắng, nhưng chỉ biết thế thôi. Tất cả đều ngoài tầm tay trước cuộc vô thường! Nửa tháng sau được tin từ Tô Đăng Khoa, Nguyễn Lương Vỵ phải nhập viện UCI cấp cứu. Con gái anh qua Facebook kêu gọi bạn bè cầu nguyện nhưng cũng không cho biết tình trạng cụ thể của anh như thế nào? Mọi người đều cho rằng anh bị COVID 19. Ba tuần lễ trôi qua, bệnh tình không thấy tiến triển tốt vì anh vẫn chìm trong coma. Chừng một tháng từ Facebook, con gái NLV cho biết các bác sĩ bảo anh quá yếu sức và khó có thể tỉnh lại. Chiều 16 Tháng Hai Tô Đăng Khoa yêu cầu tôi tìm một số hình của Nguyễn Lương Vỵ gửi cho Lê Giang Trần để chuyển cho con gái NLV theo yêu cầu. Tôi biết việc gì đến cũng sẽ đến. Chiều 17 Tháng Hai lúc ba giờ rưỡi, Lê Giang Trần gọi cho biết hai giờ nữa bệnh viện sẽ rút ống vì cơ thể anh hoàn toàn không có cơ may phục hồi. Và NLV ra đi giữa mùa đại dịch trong sự buồn bã thương tiếc của bạn bè thân quen. Kỷ niệm với từng người bạn trong tôi là từng cột mốc thời gian. Chỉ hơn một năm, đã ba người bạn làm thơ (Du Tử Lê, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ) lần lượt biến mất  trên cõi đời này. Tôi ngồi hồi tưởng sinh hoạt bạn bè ngày cũ thoảng như hôm qua, và nắng chiều làm như úa màu khi nhớ lại.  

 

Tôi và Nguyễn Lương Vỵ quen nhau hơn năm mươi năm. Gặp lần đầu tiên năm 1970 qua Nguyễn Quốc Kỳ, người bạn học Văn Khoa năm thứ nhất ban Triết. Lúc bấy giờ tôi được đọc một số bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ trên báo Khởi Hành và rất thích cách xử dụng từ mới lạ của anh. Chúng tôi quen nhau và thường trò chuyện ở quán café. Tiếp theo cũng qua Nguyễn Quốc Kỳ tôi quen với Võ Chân Cửu và sau đấy mới biết bộ ba này cùng học năm cuối Trung học Kỹ thuật Qui Nhơn. Thời gian này tuy tình hình chiến tranh ác liệt, sinh hoạt văn nghệ miền Trung lại tưng bừng với nhiều khuôn mặt trẻ như Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Hồ Ngạc Ngữ, Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Võ Chân Cửu… và Nguyễn Lương Vỵ không ở ngoài vườn hoa văn nghệ trẻ này.

 

Tuy quen biết Nguyễn Lương Vỵ nhưng lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của anh ngoài ấn tượng là một nhà thơ trẻ miền Trung đang học đại học ở Sài Gòn. Nguyễn Lương Vỵ nhỏ con, gầy ốm nhưng tiếng nói có âm vang và nhiệt tình sôi nổi khi đề cập đến thơ văn. Đến khóa quân sự học đường năm 1970, tiểu đoàn sinh viên biểu tình xô xát với quân cảnh, Nguyễn Lượng Vỵ bị đánh dùi cui gãy xương sườn phải nằm bệnh viện Sùng Chính ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi và Nguyễn Quốc Kỳ đi thăm anh hai lần. Năm tiếp theo tình hình chiến sự leo thang và tổng động viên tăng thêm một tuổi nên đa phần sinh viên đều phải vào lính. Tuy nhiên Nguyễn Lương Vỵ không bị ảnh hưởng lần tổng động viên này. Sau khi vào lính và được biệt phái trở về làm công chức năm 1973, tôi không có dịp gặp lại Nguyễn Lương Vỵ lần nào nữa dù vẫn thường đọc thơ anh trên trang báo văn nghệ.

 

blank Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Phan Tấn Hải, Nguyễn Lương Vỵ và Trịnh Y Thư (Hình: Lê Lạc Giao)

 
Sau khi sang Mỹ, vào năm 2008 tôi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ cũng thật bất ngờ. Tại quán ăn Tài Bửu, Khiêm Lê Trung, một người bạn đang ngồi ăn sáng với một người đàn ông lạ mặt, tuy nhiên khuôn mặt tôi mường tượng ra có chút quen thuộc. Thấy tôi, Khiêm đứng lên vồn vã giới thiệu, “Đây là Nguyễn Lương Vỵ chắc ông biết.” Tôi bước tới bắt tay anh nói ngay, “Hơn bốn mươi năm mới gặp lại ông bạn!” Vỵ cười không nói tiếng nào. Vì thời gian xa cách quá lâu nên tôi nghĩ rằng nếu gặp ngoài đường cả hai đều không nhận ra nhau. Khi Khiêm nhắc đến tên tôi, Vỵ lúc này à lên một tiếng, tôi nói tiếp, “ông có gặp Nguyễn Quốc Kỳ hay chưa?” Anh lắc đầu và chúng tôi tiếp tục nhắc lại chuyện xa xưa. Vỵ cho biết đang sống một mình tại Orange County sau khi ly dị vợ. Tôi sau đấy thường cùng anh đi uống café nói chuyện đời rất tâm đắc. Vỵ phong phú trong sinh hoạt văn nghệ quá khứ có lẽ vì định mệnh anh chính là sự nghiệp thi ca. Có lần tôi nói với Vỵ, “Sau 30 Tháng Tư, 1975, cửa cuộc đời tôi đóng lại thế nên không biết việc gì xảy ra phía sau cánh cửa … “ Vỵ cười  bảo, “Tôi sẽ kể cho ông nghe…” Từ  đó Vỵ cho tôi biết ít nhiều những gì xảy ra liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc đời của anh trước khi sang Hoa Kỳ. Và chuyện đời hình như buồn nhiều hơn vui, tôi nghiệm như thế.

 

Nguyễn Lương Vỵ làm thơ đều đặn thoải mái như việc ăn uống hằng ngày. Thơ in ra đều tặng cho tôi. Đọc thơ anh, tôi mới thấy nội dung thơ không hề giống như thái độ biểu hiện khi sáng tác của anh. Mỗi tập thơ đều là cuộc đấu tranh khốc liệt tâm hồn theo từng giai đoạn của hành trình cuộc đời. Chỉ đọc tên từng tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ mới thấy được những thác ghềnh cuộc sống theo thứ tự thời gian. Rất nhiều khác biệt hiện diện trong các bài thơ, nhưng tất cả lại trong một thể nhất quán. Tôi cho rằng đó là cội nguồn, gốc rễ một niềm đau, nỗi bất hạnh khôn nguôi của cuộc đời, và nó được diễn tả như một dòng chảy tâm thức không dứt trong từng bài thơ của anh. Tôi có lần ví von, “bài thơ là những giọt mưa rớt từ một cõi thiên đường bất hạnh…”, nghe tôi nói anh suy nghĩ cuối cùng gật đầu. Tôi mượn ý niệm đối kháng để nói về nỗi đau con người vì ai cũng thế, không bao giờ có một điều bất hạnh, hay không-hạnh phúc tuyệt đối cả. Con người ta khi nhận ra nỗi đau đớn thường đã có một kinh nghiệm bình an. Thế nên thơ Nguyễn Lương Vỵ là một khát vọng, đôi lúc huyễn hoặc (dù nhiều bài thơ mang tính triết lý Phật giáo đi nữa) nhưng cái huyễn hoặc ấy rất tuyệt vời để diễn tả cuộc xung đột không ngơi nghĩ của nội tâm:

  

rất nhiều quán không ở trong mỗi chữ

rất nhiều bóng đời ở trong mỗi câu

rất nhiều sinh linh ở trong mỗi tứ

chẳng biết mần sao chẳng biết mần sao

...

ta mồ côi em ngồi khâu mộng ảo

những vết thương tâm chưa ráo sắc màu

năm tháng trong veo treo một tà áo

náo nức thiên thanh bay vút lên cao

...

ta đã gửi suốt một đời lầm lũi

đời mồ côi thương hạt bụi điêu linh

bụi ca hát cùng ta mơ chín suối

mộng mười sông đông đủ gió thâm tình

...

(Trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian - NLV)

  

Nhưng dù bao nhiêu khát vọng đi nữa, nó không hề giải quyết được những đau đớn buồn khổ khôn nguôi trong tâm tưởng của anh. Nó biến thành thứ Âm vọngSắc màu của giấc mơ dài cuộc đời để rồi anh sáng tác chính là anh đang sống, đang minh chứng sự tồn tại gắn liền ước mơ khát vọng của mình.

 

Âm Tuyết Đỏ Thời Gian là tập thơ cuối của Nguyễn Lương Vỵ. Tuy nhiên Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) là công trình cuối cùng. Cầm hai tập của Tuyển Tập mà anh tặng, tôi nhìn dòng chữ ký tặng nhận ra sức mạnh ý chí vô cùng của anh. Tôi từng hi vọng rằng thể chất của anh có thể nhờ ý chí mạnh mẽ này mà hồi phục dần. Nhưng ngày 17 Tháng Hai, 2021 Nguyễn Lương Vỵ đã ra đi, rất lặng lẽ âm thầm như ngày nào anh rời khỏi gia đình để mưu sinh và bắt đầu cuộc đời sáng tác thi ca bằng vào cõi lòng yêu thương định mệnh (amor fati) của mình. Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.  

  

2/22/2021

Lê Lạc Giao

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm nay ngày 30/4/2024, tròn 49 năm Miền Nam sụp đổ. Thơ Nguyễn Phúc Sông Hương: Tiểu Đoàn hai hàng đều bước / Tay không súng đạn,/ Vẫn ngước cao đầu,/ Dân làng bên đường / Vỗ tay chào đón,/ Người được thắng trận/ Ngơ ngác nhìn nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian hôm thứ Hai tuyên bố rằng các cáo buộc của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ đối đầu với Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump là nhằm mục đích bôi nhọ chính phủ TQ.
nhà văn Linh Bảo, vừa kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi vào Chủ Nhật 14/4/2024 đã qua đời tại tư gia vào Thứ Hai 22/4 ở thành phố Westminster, Nam California...
Truyền thông Israel hôm Chủ nhật đưa tin Mỹ đang nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thủ tướng Israel trước đó đã nhấn mạnh rằng các phán quyết của tòa án The Hague về Gaza sẽ tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm đe dọa binh lính và nhân vật công chúng của bất kỳ nền dân chủ nào chống khủng bố hình sự và xâm lược nguy hiểm."
- Chú ơi, chú ơi… cứu con với! Con mồ côi, con không có gia đình, nhà cửa, không có ai hết. Con đã mất hai đứa con rồi, chừ còn đứa nầy trong bụng mà mất nữa là con đâm đầu cho xe cán chết cả mẹ, cả con luôn. Cho con giữ đứa con trong bụng con lần nầy nhe chú… “Please, please uncle, don't move my kid out my tommy. Please help me. You take away my kid, I kill me self…”
California: Hôm thứ Năm rằng một vụ tai nạn xe kinh hoàng ở Pleasanton vào tối thứ Tư đã khiến một gia đình bốn người, đang đi trên một xe Vinfast, đã chết một cách bi thảm. Cảnh sát Pleasanton cho biết tai nạn xảy ra vào khoảng 9 giờ tối trên Foothill Road giữa Stoneridge Drive và Đại lộ W. Las Positas Boulevard ở rìa phía tây của thành phố. Chiều thứ Năm, cảnh sát xác nhận bốn người đã chết trong vụ tai nạn, một người mẹ, người cha và hai đứa trẻ dưới 15 tuổi.
Một người đàn ông tên là Xiaolei Wu đã theo dõi và đe dọa một nữ sinh viên Trung Quốc tại đại học Boston sau khi cô này dán tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị Tòa Mỹ kết án 9 tháng tù liên bang và Wu sẽ bị trục xuất về TQ khi mãn hạn tù. Các công tố cho biết sau khi thiếu nữ dán tờ rơi thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc, Xiaolei Wu, 26 tuổi, đã cố gắng tìm ra địa chỉ của cô và đe dọa chặt tay cô trong một tin nhắn trên ứng dụng WeChat, theo CNN.
Thế giới đã phải đối mặt với muôn vàn hỗn loạn và khó khăn trong những năm 2020. Sau đại dịch COVID là các cuộc xung đột và chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, khiến cho giá cả lương thực và nhiên liệu tăng cao chưa từng thấy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang gây ra những sự kiện thiên tai thảm khốc chưa từng có. Những cụm từ “chưa từng có,” hay “chưa từng thấy” đã trở nên quá quen thuộc đến mức nhàm tai.
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.