Hôm nay,  

Tách Trà Hoa Lài

29/08/202115:04:00(Xem: 5319)

Tram Ho


Đối với trẻ con, uống trà là một khái niệm mơ hồ. Tôi cũng vậy, vì mẹ tôi không uống trà. Mẹ thường pha cho cha một tách trà vào buổi sáng. Cha thong thả nhấp nháy đôi mắt trong làn khói tỏa ra từ tách trà, sau đó chậm rãi nhắp từng ngụm. Trong trí nhớ tuổi thơ của tôi, trà chỉ là thế!


Sau khi cha mất, mẹ vẫn pha một tách trà nóng để trên bàn thờ ông mỗi sáng. Đến khi trà nguội lạnh, mẹ đem xuống cho thêm nước sôi vào rồi uống. Mẹ không thích trà, hay sợ mất ngủ? Tôi chỉ đoán thôi chứ chưa từng hỏi mẹ, mà tôi cũng quên luôn hỏi lý do tại sao theo thời gian mấy mươi năm sau. 


Người ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” rất đúng! Tôi đã học được “một sàng khôn” từ ba năm đệ nhị cấp trên Bảo Lộc. Ở đây, tôi tận mắt nhìn thấy những đồi trà xanh thẳng tắp; thấy người ta hái trà, bỏ vào cái gùi đeo trên lưng. Tôi cũng đã biết cách người ta phân loại trà từ lá ngọn, rồi những lá kế tiếp để chế biến trà loại một, hay loại hai, ba. Nhà dân trong vùng có vườn lớn hay nhỏ đều thường trồng vài cây trà, mấy cây hoa lài, và bụi hoa sói. Tôi rất thích đi dạo qua những khu vườn xanh mướt thoảng hương thơm từ những khóm hoa Lài, hoa Sói trắng đẹp giản dị và thuần khiết mà Sài Gòn không có.


Những dịp nghỉ Tết và nghỉ Hè, tôi thường ghé tiệm trà Đỗ Hữu bên kia đường đối diện cổng trường, mua cho mẹ hai hộp trà Lài và trà Sói. Mẹ vẫn không hay uống trà, nhưng mẹ thích trà ướp Lài. Riêng tôi thì thích trà ướp Sói, cũng chỉ do hương thơm lạ lạ của nó chứ chưa uống thử. 


Lúc mẹ tôi qua đời, tôi bắt đầu tập nghi thức cúng trà mỗi sáng như mẹ ngày xưa, chỉ khác là có hai tách trà, một trà Sói và một trà Lài. Khi trà nguội, tôi cũng thêm ít nước nóng vào để uống, như một loại nước khác nước lọc chứ chưa biết thưởng thức mùi vị của trà. Nơi tôi làm việc có trà Lipton, đậm, không trong thơm như trà Bảo Lộc, nhưng uống hoài cũng quen vị.


Mỗi lần đi Huế, tôi đều về thăm quê ngoại Làng Chuồn. Mấy dì em của mẹ thường hái lá trà tươi từ vườn nấu nước uống, gọi là nước chè. Vườn nhà ôn mệ ngoại rộng, trồng đủ thứ: cau, trầu, chuối, mía v..v… có cả cái giếng đầy nước. Có lẽ nấu trà bằng nước giếng nên lá trà không cần phân loại, non già đều hái nấu chung, nhưng nước vẫn trong xanh và uống có vị ngọt. Thích nhất là sau nhiều giờ nhàn du thắng cảnh Cố Đô, ghé nhà mấy dì, được uống một ly chè xanh mới nấu thì theo tôi, ly nước chè tươi này mới đúng nghĩa “trà loại một”. 


Trà túi lọc ở Mỹ dùng phổ biến hơn trà sấy khô Việt Nam vì cách pha chế nhanh gọn, không cầu kỳ. Có rất nhiều loại trà túi lọc khác nhau tùy lựa chọn theo sở thích, không phải chỉ có trà Lipton như tôi biết trước đây. Thử đủ các loại trà từ những lần du lịch trong và ngoài nước, kể cả trên máy bay; rốt cuộc tôi vẫn chung thủy với trà xanh. Càng lớn tuổi tôi càng thích uống trà. Buổi sáng đọc báo với một tách trà trên bàn, thêm một tách trà chiều là đủ cho một ngày làm việc.


Mùa Thu hai năm trước, cô em dâu tặng tôi một chậu hoa Lài nhỏ, để ngoài sân vài tháng, thời tiết chuyển lạnh phải đem vô nhà. Mùa Xuân, tôi đem cây ra sân, chuyển qua chậu lớn, tỉa cành, thay đất, tưới nước. Rồi những nụ hoa trắng nhỏ nở đón mùa Xuân đầu tiên, thơm ngát một góc sân. Cứ chăm sóc như vậy, mỗi năm được ngắm hoa Lài khoe sắc cùng Hồng, Lan, là đủ vui.


Những lần hoa Lài rụng, tôi thường gom bỏ vào chiếc ly để trên bàn làm việc cho đến khi khô vẫn thơm khắp căn phòng nhỏ. Năm nay, thay vì giữ hoa khô, tôi bỏ vào tách trà, thưởng thức làn hương thơm nhẹ cùng vị ngọt trà xanh. Người Nhật thật tinh tế trong việc uống trà, như cách gọi thanh lịch của họ, “Trà Đạo”. Uống trà là một nghệ thuật quả không sai, 


Mấy hôm nay mưa nhiều vì trời sắp sang Thu. Lài vẫn chăm chỉ ra nụ và nở hoa vào những ngày nắng ít ỏi của cuối Hè còn sót lại. Nhưng những cánh hoa mỏng manh chỉ ở trên cành độ hai hoặc ba ngày, qua đêm mưa to là rụng hết. Chiếc ly nhỏ trên bàn làm việc đã đầy hoa!


Tôi pha hai tách trà hoa lài gửi hương thơm theo cha mẹ đã về chốn bình yên. 


Hồ Thị Kim Trâm
Mùa Vu Lan 2021




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một buổi tối, gió thổi mạnh, trời âm u, chúng tôi đi thăm đài tưởng niệm chiến sĩ Hải Quân Hoa Kỳ ở Seal Beach, Los Angeles County, California. Xung quanh tượng đài là những tấm bia ghi danh các chiến sĩ (tôi đoán như thế, trời tối quá, dưới ánh đèn mờ mờ, tôi không đọc được những hàng chữ ghi trên các tấm bia). Cây cỏ xanh mướt, tượng đài uy nghi tráng lệ, gió thổi rì rào như hồn các chiến sĩ về đây chứng giám cho người đang đứng đây cầu nguyện cho họ.
Làm thế nào để tâm an định khi xung quanh đời sống từ sức khỏe, cho đến chính trị, xã hội, vân vân., quá xáo trộn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều quan trọng là cần sống theo hoàn cảnh và chấp nhận nó không tìm cách phê phán về những gì thay đổi mà mình không thích, hay bị giới hạn.
Khi một nữ tu trẻ tại 1 dòng Công Giáo ở Đông Âu nói với Mẹ bề Trên rằng 1 linh mục đã tìm cách sờ mó cô, cô bị Mẹ Bề Trên nói có lẽ lỗi của nữ tu này đã khiêu gợi linh mục kia. Khi các nữ tu gốc Phi tại Minnesota hỏi vì sao họ cứ phải đi xúc tuyết thì được nói vì các nữ tu này trẻ và khỏe, bất kể các nữ tu da trắng cùng tuổi đang sống cùng trong tu viện.
Hôm nay là ngày Thứ Bảy Vì Kinh Doanh Nhỏ (Small Business Saturday), 2 ngày sau Lễ Tạ Ơn và 1 ngày sau Thứ Sáu Đen, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Quận Cam (hầu hết kinh doanh của dân Việt là kinh doanh nhỏ, như tiệm ăn, tiệm tạp hóa...) hy vọng mùa mua sắm sau đại dịch sẽ giúp tăng thương vụ.
Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938 – 2003) đã để lại nhiều tác phẩm lớn, vừa có giá trị Phật học, vừa có giá trị văn học. Một tác phẩm trong những tháng cuối của cuộc đời Ni Trưởng là tập thơ Ngọa Bệnh Ca, được sáng tác trong thời gian nằm bệnh vào đầu năm 2003. Rồi cuối năm 2003, Ni Trưởng tử nạn trong một tai nạn giao thông. Bài viết nảy sẽ ghi lại những suy nghĩ về bài thơ “Người Gỗ” trong thi tập Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.