Hôm nay,  

Đọc Truyện Nguyễn Văn Sâm: Giọt Nước Nghiêng Mình

05/12/202009:01:00(Xem: 4471)

 

   
blank 

Tôi có một thói quen từ thời đi học là khi viết chỉ thuận theo giọng Bắc. Phần lớn vì chương trình văn học bậc tiểu học và trung học nửa thế kỷ trước là chịu ảnh hưởng văn phong Miền Bắc. Khi sang Mỹ, học tiếng Anh cực kỳ vất vả, vì giọng tiếng Anh của nước Mỹ, nói ít thì có 4 giọng vùng miền chính, nói chi tiết thì có 24 giọng vùng miền dị biệt. Không thể nào học đầy đủ được, nên chỉ theo tiêu chuẩn giọng trên truyền hình làm chuẩn, mà ráng mấy cũng không thể nào học như người Mỹ được. Cho nên, nhìn thấy phương ngữ là cái gì rất đáng ghét, nó làm cho chúng ta mệt hơn. Nhưng rồi khi già hơn, đọc lại văn học Việt Nam, mới thấy những dị biệt vùng miền trong ngôn ngữ là cái gì rất đẹp và tự nhiên. Giọng là âm thanh, phương ngữ là chữ dùng. Nếu không có sự đa dạng địa phương, hẳn là cái đẹp không toàn bích. Do vậy, từ nhiều năm, tôi đã ưa thích đọc Nguyễn Văn Sâm với các truyện ngắn viết theo văn phong Nam Bộ.
 

Cũng như nhìn một thiếu nữ, chúng ta có thể nhận ra cái đẹp. Đó là nhan sắc, là khuôn mặt, là hình dáng. Cái đẹp này lơ lửng trên không gian, có thể là quyện theo sương khói từ ký ức hay từ kho tàng truyện và phim mà chúng ta đã từng đọc. Cái đẹp lơ lửng đó là bàn chân không chạm đất. Nhưng khi cô cất tiếng nói, giọng nói là cái gì làm cho cô chạm đất: chúng ta nhìn thấy cặp chân trần của cô hoặc dính bùn sớm mai của sông Hồng, hay thoang thoảng hương sen của Sông Hương, hay là hai bàn chân đong đưa nghịch nước Sông Mekong. Tập truyện Giọt Nước Nghiêng Mình của nhà văn Nguyễn Văn Sâm cũng thế. Nó không phải là cái đẹp lơ lửng không chân dung. Tập truyện là cái đẹp của văn học trong dòng chuyển động của đời sống rất buồn, và được viết bằng văn phong Miền Nam.
 

Nơi đầu sách, Nguyễn Văn Sâm giới thiệu ngắn gọn: “Những truyện ngắn viết trong khoảng thời gian mà những nỗi đau buồn của thời đại luôn làm trái tim chúng ta đau đớn khi phải bị bắt buộc chứng kiến hằng ngày.”

Văn học nơi đây là tiếng kêu đau đớn của một nhà văn, từ một người viết trở thành một nhân chứng, một người sống sót để kể truyện. Và kể bằng văn phong Nam Bộ. Trong đoạn tác giả giới thiệu vừa dẫn, chữ “đau” lặp lại hai lần --- nỗi đau buồn…. và trái tim [chúng ta] đau đớn…
 

Nỗi đau buồn là cái không thể chỉ ra được, nó lơ lửng, nó bay lảng vảng, nó như mờ nhạt hơn sương khói, nó không hình dạng, không màu sắc, không vuông, không tròn… Và trái tim đau đớn là cái được nhận ra cụ thể, nó ngay ở đây, ngay giữa ngực chúng ta, nó làm chúng ta đau tim nhức nhối… Và khi tim vỡ, chúng ta sẽ chết. Truyện Nguyễn Văn Sâm là cái đẹp của cả hai phần, vừa trừu tượng như nỗi đau buồn và vừa cụ thể tới mức nhận ra được là nó đau ở ngay giữa ngực, nỗi đau không ở đâu xa.
 

Tập truyện Giọt Nước Nghiêng Mình (GNNM) gồm 19 truyện ngắn, với Lời Tựa của Phạm Phú Minh. Một nhận định nhiều độc giả sẽ đồng ý dễ dàng với người giới thiệu họ Phạm --- đó là đặc chất Miền Nam ở tập truyện:

“…Khi đọc bản thảo Giọt Nước Nghiêng Mình của Nguyễn Văn Sâm tôi thấy mình bồi hồi cảm động như đang được tắm lại trong một dòng sông cũ, nơi phát nguyên dòng văn chương hiện đại của Việt Nam. Chính từ chỗ phát nguyên này, trong thế kỷ 20 tôi đã đọc Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên…, họ cùng nhiều bậc tiền bối nữa đã làm thành nền văn học miền Nam với tính chất riêng của nó…” (GNNM, trang 8)
 

Chúng ta dễ dàng nhận ra nhà văn Nguyễn Văn Sâm đã dùng nhiều chữ đặc chất Nam Bộ. Mở thử một trang bất kỳ, thí dụ trang 158, trong truyện Người Em Xóm Giếng, tác giả dùng các chữ rất miền Nam như: à nhe, cô nào bắt cặp với cậu nào, con gái nhà ai chịu đèn với con trai nhà nào, trật đâu được, tuổi cũng xồn xồn, để tui lo, dợm cẳng bước đi, đợi tôi về nha, buồn buồn trong dạ, trơn lu, trớt quớt
 

 Tôi đoán rằng, cũng y hệt như khi tôi vào Mỹ và học tiếng Anh, những anh ngoại quốc vào Việt Nam và học tiếng Việt sẽ rất là mệt nhọc khi học thêm các chữ vùng miền. Cũng như một học sinh tại Việt Nam, khi học Anh văn sẽ nhận ra tiếng Anh ở Anh sẽ có một số dị biệt với tiếng Anh ở Hoa Kỳ hay tại Úc châu.
 

Rất mệt nhọc để học cho đầy đủ. Nhưng chính như thế mới là văn học. Dễ nhìn thấy nhất là trong các cuộc tranh luận chính trị gần đây: trong khi Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump nói hình như là giọng New York thì Tổng Thống tân cử Joe Biden nói hình như là giọng Delaware. Trong cương vị một người học tiếng Anh (không bàn chuyện chính trị nơi đây), tôi thích nghe giọng của Trump hơn, vì rất gần với nhiều xướng ngôn viên truyền hình. Và giọng của Biden thì khó nghe hơn, có lẽ đó là lý do ông Biden thường nói chậm nhằm cố ý để người nghe không bỏ sót.
 

Có một điều dễ dàng nghiệm ra là trong văn học Nam Bộ thường có ca kệ, ca dao, hay một vài câu theo thể hát. Nghĩa là, đối với độc giả Nam Bộ, hay Nam Kỳ Lục Tỉnh, hay người Miền Nam, thì trong giọng nói thường kèm theo giọng hát. Đó là điều tôi nhận ra khi quan sát Thầy Thích Giác Nhiên thuyết pháp. Thầy đã viên tịch lâu rồi, nhưng tôi đoán nhiều người không thể quên kiểu nói chuyện của Thầy. Có khi Thầy chen vào vài câu ca dao Miền Nam trong khi đang thuyết giảng về diệu lý cao siêu của Kinh Phật. Cũng có khi Thầy hát một câu hò Miền Nam. Tại sao hầu hết các nhà sư Miền Bắc và Miền Trung không có thói quen này? Trong khi đó, từ rất nhiều thập niên trước, nhiều nhà đạo học, như Đức Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo, cũng ưa thích ca kệ, ca dao… kiểu như xuất khẩu thành ca, thành kệ, thành thơ.
 

Chúng ta cũng gặp thói quen trong truyện Nguyễn Văn Sâm bầu không khí này. Thí dụ, khởi đầu truyện ngắn Giọt Nước Nghiêng Mình, tác giả khởi đầu bằng hai câu thơ của Sơn Nam:

Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
(GNNM, trang 19)
 

Hay là khi khởi đầu truyện ngắn Hương Vị Đời, nhà văn Nguyễn Văn Sâm cũng khởi đầu bằng hai dòng thơ của chính tác giả:

Chút đăng đắng trong cuộc sống
cũng là chút hương vị đời
. (GNNM, trang 35)
 

Dĩ nhiên, nói về ca, thì vọng cổ là một tượng đài vĩ đại trong lòng người dân Miền Nam. Cho nên chúng ta sẽ thấy rất tự nhiên, một khi vọng cổ được hát lên ngay trên một chiếc ghe đang vượt biên trên Biển Đông đầy sóng gió. Nghĩa là, giữa những nỗi lo chưa biết ghe sẽ về đâu, và giữa cuộc nói chuyện về thế sự đầy gian nan những chuyện mịt mờ, một giọng ca bất ngờ vang lên, như để hòa giải, như an ủi, như để làm êm sóng gió đại dương, như để dịu lại những mệt mỏi đang trải qua:


 

Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi,
Đường trường mịt mùng em không đến nơi.
Mây nước buồn cơn lửa binh, hết chuyện chung tình,
Khóc than riêng em một mình…
Trời ơi, bởi sa cơ chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ
đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu ….Hà
. (GNNM, trang 32)
 

Một thời tôi dị ứng với vọng cổ. Hẳn là tôi nhiễm bệnh của các thầy giáo, cô giáo gốc Bắc dạy văn thời trung học. Khuôn mẫu văn luôn luôn phải là Nhất Linh, Khái Hưng… Lãng mạn nhất định phải là mối tình của Tú Uyên – Giáng Kiều hay Phạm Thái – Quỳnh Như… Không hề thấy một bài vọng cổ nào trong chương trình học của tiểu học và trung học hồi đó. Vậy mà… nhiều thập niên sau, khi tóc đã bạc và sức đã mòn, mới thấm được và phải nói rằng vọng cổ rất mực tuyệt vời. Phải đi rất xa quê nhà, mới thấy được như thế.
 

Ý tôi muốn nói rằng chúng ta hình như không thấy, hay rất ít thấy trích vài câu vọng cổ trong truyện Tự Lực Văn Đoàn, hay Mai Thảo hay Thanh Tâm Tuyền… Than ôi, đời người không có bao nhiêu, mà lại bỏ sót một mảng văn học Miền Nam rất đậm đà này. Hãy hình dung rằng, ngồi trên ghe vượt biên, mệt nhọc, lo sợ, tranh cãi, sóng nhồi rồi êm, người ngủ rồi tỉnh… và rồi vọng cổ đột nhiên vang lên. Như một lời từ biệt quê nhà. Hẳn là sẽ có người khóc được.
 

Chưa hết. Ca nhạc Nam Bộ không chỉ là vọng cổ. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm trong truyện Khói Thuốc Cả đã kể về một nhóm trẻ em vừa đi, vừa ịn chưn trên nền đất ẩm và hát một điệu nhạc mà tác giả chưa từng nghe:
 

"Dưới trời kỳ quái sao cùng/ Chân đâu còn vết ở trong đá này/ Ví đem sắc tướng tin đây/ Như Lai chưa dễ thấy ngay được ngài...

Bể oan lai láng trên đời/ Xưa nay ai vớt hết người trầm luân/ Mong cho ngọn nước chảy lần/ Lòng mê ta rửa dần dần tỉnh ra." (GNNM, trang 224)
 

Trang giấy trong tập truyện dĩ nhiên không chở được điệu nhạc. Nhưng hiển nhiên đây có thể là Kinh Phật viết theo thể thơ lục bát. Có thể đây là Kinh Kim Cang viết theo thể lục bát diễn nghĩa.
 

Bởi vì Kinh Kim Cang, nơi phẩm Pháp thân phi tướng, có lời Đức Phật dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai.” (Nếu lấy sắc thấy ta. Lấy âm thanh cầu ta. Người ấy đi đường tà. Không thể thấy Như Lai).
 

Ai đã phổ kinh thành thơ lục bát và dạy trẻ em hát như thế? Phải thấy, các tăng ni cư sĩ có trình độ rất cao mới làm được như thế. Nghĩa là, vùng đất Miền Nam một thời quá khứ (và hy vọng cả bây giờ và tương lai) vẫn là vùng đất được chư Phật hộ niệm.
 

Một đặc điểm truyện Nguyễn Văn Sâm cũng là hình ảnh Phật Giáo thoang thoảng hiện ra trong truyện. Nhà phê bình Phạm Phú Minh nhận định trong Lời Tựa:

"Nguyễn Văn Sâm đã mở đầu cuốn sách bằng cuộc đi viếng chùa, và giáo lý đạo Phật lại được bàn đến trong một số truyện khác, như là nối dài của một truyền thống tâm linh của dân tộc, với giai đoạn mới mẻ nhất, là sự hình thành của miền Nam." (GNNM, trang 12)
 

Có lẽ, tác giả Nguyễn Văn Sâm khi cầm bút không hề có ý viết truyện cho nhà Phật. Cũng không có ý xây một lâu đài văn học Nam Bộ trên truyền thống tâm linh. Mọi chuyện như dường rất tự nhiên lưu xuất từ ngòi bút của tác giả, từ con tim, và trong đó chữ của ông đã mang sẵn dấu ấn của Miền Nam, của cái hồn nhiên Phật Giáo.
 

Truyện Nguyễn Văn Sâm có một cái gì rất buồn phảng phất. Phải chăng đó là một ý thức về Khổ Đế? Nhưng nếu chỉ thuần nói lên ý thức này, cũng không hình thành được văn chương. Ngay cả khi viết truyện trong sân chùa, cũng chưa chắc đã là truyện nhà Phật. Chúng ta có thể nhớ rằng truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, viết với bối cảnh tại Chùa Long Giáng, với một nhân vật là chú tiểu Lan mà chàng trai tên Ngọc từ Hà Nội tới thăm chùa đã nghi là một cô gái giả trai… Cốt truyện ly kỳ, trong bầu không khí sương khói ở sân chùa. Nhưng không thể gọi là văn học Phật Giáo, vì chủ yếu là nêu lên tư tưởng lãng mạn trong phong trào làm mới văn học (và cải cách xã hội) mà Tự Lực Văn Đoàn muốn thúc đẩy tới cho một cuộc cách mạng toàn diện và lâu dài. Tương tự, trên YouTube có rất nhiều vở chèo phiên bản “Thị Mầu lên chùa ghẹo tiểu Kính Tâm” cũng không hoàn toàn là để “hộ trì chánh pháp Như Lai”… Chủ yếu là vui, mà khi hết vở chèo, không chắc người xem đã nhớ gì, chỉ trừ những màn cười vui nhộn…
 

Nhưng truyện Nguyễn Văn Sâm lại khác. Không có ý viết về Đạo Phật, nhưng là nêu lên một ý thức về Khổ Đế, về những “đau buồn” và “đau đớn” mà tác giả đã nói ngay ở đầu tập truyện. Phải chăng, cái buồn, cái bùi ngùi khi đọc xong, chính là một đánh thức về Khổ Đế mà chúng ta cần trong cõi này?
 

Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng các truyện của Nguyễn Văn Sâm sẽ giữ vai trò giải thích thêm về Đạo Phật hay bất cứ vai trò vị nhân sinh nào khác. Tác giả đôi khi cũng lý luận, nhưng không phải là chủ ý. Đôi khi, người đọc có thể không đồng ý với cách trình bày truyện: thí dụ, một nhân vật đang ngồi đọc kinh trước Phật đài thì một ông cụ tóc bạc phơ bước từ pho tượng tới… (Truyện Tiếng Hát Người Tín Nữ Ni Sư, GNNM, trang 120) Viết như thế là trái với mấy câu ca nơi đầu bài về “sắc tướng” với “Như Lai”… Nhưng đây là truyện, không phải lý luận như khi một nhà sư dẫn kinh ra nói chuyện.
 

Trước hết, và luôn luôn, là phải có yếu tố văn chương. Truyện của Nguyễn Văn Sâm viết là để đọc dưới mắt nhìn của người thưởng thức văn học. Cũng như chúng ta vào rạp hát xem phim, trước tiên chú ý là nghệ thuật. Cũng như xem một bức tranh, trước tiên là phải đẹp. Truyện cũng thế, chẳng cần vì đâu, chẳng cần vị nhân sinh hay bất kỳ vị cái gì, truyện phải là hay.  Nhiều truyện Nguyễn Văn Sâm đạt được như thế: hay, và rất hay. Đọc Nguyễn Văn Sâm không chỉ để nhớ quê nhà, không chỉ để ngậm ngùi với những nỗi đau mà cũng để có một cơ duyên trở về tắm mát trong dòng sông văn học Miền Nam, với dòng văn rất mực nhân bản kiểu Nam Kỳ, và rất mực xót xa của một người từng đứng giảng dạy văn học ở nhiều trường đại học và trung học tại Việt Nam trước khi rời nước ra đi.
 

Tập truyện Giọt Nước Nghiêng Mình do Viện Việt Học xuất bản, đề giá 25 Mỹ Kim. Liên lạc với tác giả để đặt sách có chữ ký của tác giả: samnguyen20002002@yahoo.com .
 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cựu phụ tá của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Michael Roman, đang đàm phán với Công tố đặc biệt Jack Smith để làm chứng về những nỗ lực của Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, theo New York Times đưa tin. Roman từng là giám đốc điều hành nhóm Election Day trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của Trump.
Bạch Ốc: Quốc yến là bừa tiệc chay. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đã chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi một bữa tiệc đêm ở cấp nhà nước với đồ ăn chay vào tối thứ Năm, với sự tham gia của hàng trăm vị khách cao cấp, biểu tượng đại diện cho sức mạnh của liên minh hai quốc gia.
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, người Việt Nam tạo nên một cộng đồng hải ngoại chừng trên 4 triệu người, tương đương với dân số của New Zealand. Cuộc bùng nổ dân số ra hải ngoại này cũng gây nhiều ly tán, con cái thất lạc cha mẹ. Nhờ các tiến bộ về công nghệ gien và DNA chúng ta được chứng kiến những cuộc tái ngộ, đoàn tụ tưởng như không bao giờ có được, đặc biệt là những người con lai “mồ côi” tìm lại được người cha quân nhân Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam sau gần 50 năm. Chúng ta thử tìm hiểu những tiến bộ về lĩnh vực thử máu hay DNA để thiết lập quan hệ cha-con trên bình diện sinh học.
Mùa thu năm ngoái, số liệu thống kê liên bang cho thấy mức tuổi thọ trung bình của người dân Hoa Kỳ năm 2021 đã giảm hai năm liên tiếp. Dễ thấy rằng nguyên nhân trực tiếp và rõ ràng nhất là do COVID-19. Đại dịch tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người ở Hoa Kỳ. Mức tuổi thọ trung bình đã giảm trong hơn hai năm, và giảm gấp đôi ở những người gốc Tây Ban Nha, người gốc da đen và người Mỹ bản địa, khiến đất nước chúng ta thụt lùi lại hai thập niên. Đây cũng là mức giảm tuổi thọ trung bình đột ngột nhất kể từ Thế Chiến II.
Cách đây vài năm, một cô nàng chó Sheepadoodle nổi tiếng trên TikTok có tên gọi là Bunny nhìn chăm chú vào gương và hỏi “Ai đây, Ai đây?” bằng cách đập móng chân vào một nút bấm được thiết kế như một cách để nói chuyện. Đoạn video có ý như cô nàng đang thắc mắc về sự tồn tại của mình, với ý nghĩa hài hước rằng cô chó này cũng như mọi người, đang gặp khủng hoảng về sự tồn tại.
Tổ tiên của chúng ta đã dùng chữ ký hiệu, những bức tranh trong hang động và chữ tượng hình để lưu lại những câu chuyện của họ cho chúng ta từ hàng ngàn năm trước. Nhưng đến thời đại chúng ta, không chắc rằng những thiết bị lưu trữ như ổ cứng, đĩa và bộ nhớ của chúng ta có lưu trữ nỗi hằng hà sa số dữ liệu cho thế hệ con cháu mai sau.
Các tháng hè đã đến, mùa hè là mùa thuận lợi để tận hưởng không khí ấm áp, thực hiện các hoạt động vui chơi ngoài trời và tận dụng tối đa những ngày dài hơn. Các tháng nóng cũng có thể gây thêm rủi ro cho các hoạt động ngoài trời, do đó hãy làm theo các gợi ý an toàn sau đây để tận hưởng một mùa hè vui vẻ và khỏe mạnh.
Covered California vừa thực hiện một chuyến tham quan truyền thông ảo vào thứ Tư để quảng bá rộng rãi về Chương Trình Ghi Danh chuyển từ Medi-Cal đến Covered California sắp tới và chương trình này sẽ giúp người dân California giữ được bảo hiểm như thế nào.
Tháng Năm 2023 vừa qua đi, để lại trong tâm tư tôi khá nhiều sự kiện đáng ghi nhớ: Đầu tiên là thời tiết: Hiện giờ, nơi tôi ngụ cư là thành phố Westminster - Little Sàigòn - phía nam của tiểu bang California, đang bước vào những ngày sang tháng sáu - June Gloom - [1], ban ngày thường lệ thì bầu trời nhiều mây, nhiệt độ ở mức trung bình mát mẻ giữa cuối xuân và đầu hè. Tiêu chuẩn thời tiết bình thường lâu nay vẫn vậy...
Một trận lốc xoáy đã làm 3 người chết tại thị trấn Matador ở Texas vào tối thứ Tư, với nhiều người bị thương hơn khi nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị cơn bão cuốn trôi. Bộ An toàn Công cộng Texas có mặt tại hiện trường ở Matador đã xác nhận các trường hợp tử vong, trong khi 10 người khác bị thương sau khi cơn lốc xoáy đổ bộ vào khoảng 8 giờ tối Thứ Tư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.