Hôm nay,  

Gặp Gỡ Họa Sĩ Trương Bữu Giám: Câu Chuyện Về Hội Họa Thuần Túy Và Hội Họa Thương Mại

08/09/200900:00:00(Xem: 3878)

GẶP GỠ HỌA SĨ TRƯƠNG BỮU GIÁM: CÂU CHUYỆN VỀ HỘI HỌA THUẦN TÚY VÀ HỘI HỌA THƯƠNG MẠI

Caption 1: Họa sĩ Trương Bữu Giám và hai bức tranh Marine Art tại nhà hàng Song Long

Khách hàng của nhà hàng Song Long trong khoảng một tháng nay rất thích thú với phong cách trang trí nội thất mới của nhà hàng. Với chủ trương nghệ thuật ẩm thực là sự kết hợp giữa thức ăn ngon, phong cách phục vụ và không khí thoải mái, chủ nhân của Song Long đã bài trí lại nhà hàng với một phong cách trẻ trung, nhiều màu sắc. Tác giả của những ý tưởng thiết kế, họa phẩm trưng bày ở nhà hàng Song Long là Hoạ Sĩ Trương Bữu Giám, một cái tên khá quen thuộc với giới am tường hội họa của cộng đồng Người Việt Đất Mỹ. Mặc dù khởi nghiệp với các tác phẩm hội họa thuần túy (fine art), Trương Bữu Giám cũng đã có gần 20 năm trên đất Mỹ làm việc trong lãnh vực hội họa thương mại  (commercial art).
Tôi đã gặp họa sĩ Trương Bữu Giám để hỏi thăm anh về sự khác biệt giữa hội họa thuần túy và hội họa thương mại. …
Họa Sĩ Trương Bữu Giám tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1970. Sau khi tốt nghiệp, cũng như những thanh niên thời loạn, với lý tưởng bảo vệ miền Nam Việt Nam tự do trước sự xâm lăng của khối Cộng Sản phương Bắc, anh đã gia nhập binh chủng Hải Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Khóa 23 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.
Sau 30-4-75, anh Giám tỵ nạn tại Mỹ. Anh bắt đầu làm lại cuộc đời ở Minnesota. Kỷ niệm không bao giờ quên được của anh trong những năm tháng đầu tiên trên xứ lạ là một người bạn Mỹ đã hỏi anh, chuyên nghiệp của anh làm gì " Anh trả lời là “a painter”, vì tiếng Pháp “un peintre” có nghĩa là họa sĩ. Thế là người bạn tốt bụng nầy giúp anh tìm ngay công việc đầu tiên ở Mỹ là …thợ sơn nhà cửa !
Đất lạ, xã hội mới, văn hóa khác biệt, anh quyết định đi học ngành hội họa thương mại, vì tin rằng sẽ dể mưu sinh hơn trong lãnh vực hội họa, và có thì giờ để tìm hiểu thêm văn hóa, thị hiếu của người Mỹ về mỹ thuật thuần túy. Cuộc sống ở Mỹ, muốn tồn tại phải thực tế với môi trường.
 Với kiến thức và căn bản sẵn có trong ngành hội họa thuần túy, anh hội nhập rất nhanh trong ngành hội họa thương mại ở Mỹ. Anh đã làm việc toàn thời gian và bán thời gian cho nhiều công ty quảng cáo, trình bày bìa sách, thực đơn, họa viên đồ án, trang trí nội ốc, v.v… nói chung tất cả những gì có liên quan đến lãnh vực mỹ thuật hội họa.
Năm 1981, anh dọn về sinh sống tại quận Cam, miền Nam California, và tiếp tục làm việc cho các công ty Mỹ trong ngành mỹ thuật thương mại.
Sau hơn 15 năm hội nhập với nền văn hóa và thị hiếu của người Mỹ, họa sĩ Trương Bữu Giám đã trở lại lãnh vực hội họa thuần túy nhiều hơn. Năm 1992, anh tham dự Art Expo California, và cũng nhờ lần triễn lãm nầy, anh đã quyết định chọn cho mình hướng đi mà anh hằng mong ước, trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Hai công ty xuất bản tranh lớn của thế giới, “Art in Motion” (Vancouver, Canada)  và “Verkerke” (Hòa Lan) đã ký hợp đồng xuất bản tranh của anh.
Năm 1996, anh Giám mở công ty Artistic Nature, tự tham gia các cuộc triễn lãm tranh toàn quốc nước Mỹ, để bán các tác phẩm của mình. Anh Giám bán bản chánh (original) và bản phụ (copy, limited edition) do chính anh thực hiện.
Tranh của họa sĩ Trương Bữu Giám thường sáng tác với dạng chất liệu hổn hợp (mixed media). Anh cho biết, anh không dùng những chất liệu căn bản như sơn dầu, màu nước… vì anh đã tìm ra một sắc thái đặc thù (style), chỉ riêng anh mới có, qua cách dùng chất liệu mới. Phong cách thường thấy trên các tác phẩm của anh Giám là sự sống động của màu sắc thể hiện qua sự loang chảy hết sức tự nhiên của chúng, nhưng vẫn tạo ra một bố cục hài hòa. Chúng ta sẽ dể dàng cảm nhận điều nầy khi đến xem những tác phẩm của anh thực hiện cho nhà hàng Song Long. Thí dụ như hai bức tranh trang trí vẽ phong cảnh dưới biển (marine art), được in lại trên nền vật liệu là gạch men. Anh cho biết, anh đã mất nhiều công nghiên cứu kỹ thuật nầy, vì chỉ có kỹ thuật in lại nầy mới giống bản chánh tranh của anh; những tác phẩm được in lại trên gạch men nầy có thể bền vững đến một trăm năm không phai nhạt! (information from the digital sublimation ink industry). Màu sắc trẻ trung, tươi sáng, sự kết hợp rất “sống động” giữa các hình thể trong bức tranh đã tạo cho nhà hàng một không khí mới lạ. Những loạt đèn trang trí trên trần của nhà hàng cũng thấy mang dấu ấn của anh.  Hình dạng của đèn khá độc đáo, hình thể trang trí đơn giản, cấu trúc tự nhiên, nên rất hài hòa trang nhã.


Khi được hỏi về sự khác biệt giữa mỹ thuật thuần túy và mỹ thuật thương mại, anh Giám cho biết riêng đối với anh thì sự khác biệt không nhiều. Thường thì người ta hay phân biệt là hội họa thương mại chỉ vẽ theo yêu cầu (commission) còn hội họa thuần túy thì vẽ cho mình. Đối với anh Giám, khi vẽ “thương mại” anh cũng không hoàn toàn “vẽ cho người khác”, vì có biết họ muốn thế nào"  Mình cũng phải bắt đầu từ cảm xúc, sở trường của chính mình mà thôi, phải từ căn bản mà ra, trước hết là phải đẹp. Trong mỹ thuật thuần túy (fine art), nếu không có cái độc đáo của riêng mình thì cũng khó có chỗ đứng. Một trăm năm trước đây, xứ Mỹ có thể có ít họa sĩ giỏi. Nhưng bây giờ thì có lẽ không nơi nào có nhiều họa sĩ giỏi như ở Hoa Kỳ, vì nhân tài thế giới qui tụ về đây rất nhiều. Không nơi nào khách hàng có nhiều lựa chọn như ở Mỹ. Một bức tranh nếu chỉ dừng lại ở ba yếu tố hình thể--màu sắc--bố cục, thì sẽ chỉ là tranh trang trí. Phải có thêm cái hồn, cái đặc thù (style) của người họa sĩ nữa thì mới gọi là một tác phẩm giá trị nghệ thuật.
Hội họa cũng có ngôn ngữ riêng của nó, người họa sĩ phải tìm cách dùng màu sắc, hình thể, bố cục như thế nào để diễn đạt ra; người thưởng lãm tranh nếu đọc được ngôn từ đó từ trong tranh sẽ cảm thấy thích thú và đồng cảm. Anh Giám kể rằng, trong một cuộc triễn lãm, có một người thưởng lãm ngắm tranh anh thật lâu. Sau khi anh có dịp tiếp xúc, nói chuyện mới biết ông ta là một nhạc sĩ hòa âm (a music composer); ông nói khi xem những tác phẩm của anh, ông có thể nhìn theo màu sắc, sự hòa hợp hay tương phản trong tranh và chuyển sang thành những nốt nhạc và cấu trúc thành một bài nhạc được.
Anh Giám nói, trở thành một họa sĩ giỏi đã khó, khó hơn nữa là làm sao bán được tác phẩm của mình, phải vẽ thế nào để người xem tranh cùng chung quan điểm với mình, cùng thấy cái đẹp giống mình. Có nhiều lần triễn lãm, anh cũng bị phê bình chỉ trích “màu sắc sặc sỡ quá”, “tranh xử dụng nhiều màu quá” (too many colors), “tranh vẽ màu Mỹ”… Anh chỉ cười—trong một đoạn phim về thiên tài âm nhạc Mozart, người ta cũng đã phê bình “nhiều nốt nhạc quá” (too many notes) . Người nghệ sĩ muốn hay phải chấp nhận phê bình và vui sướng khi được phê bình, vì ít ra cũng đã gây được chú ý nơi người xem.
Nói về hội họa và cội nguồn Việt Nam của mình, họa sĩ Trương Bữu Giám rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Những cuộc triễn lãm xuyên bang của anh thường được anh ví như những trận đấu về văn hóa nghệ thuật giữa một người tỵ nạn Việt Nam với cộng đồng nghệ thuật đa dạng của xứ Mỹ.
Anh thích nhìn xa hơn trong lãnh vực hội họa, theo anh, những gì mình đã được thấy rồi thì không muốn phải xem lại, dù đẹp và hay đến đâu. Đã hơn hai thế kỷ qua, khi nói về hội họa, ai ai cũng thường nhắc đến những thiên tài tranh ấn tượng (impressionist) như Van Gogh, Gauguin, Monet, Picasso… cho đến nay không có một trường phái nào mới lạ và hay hơn.
Nghệ thuật sáng tác là do cảm hứng từ môi trường chung quanh mà ra. Mình đang sống trong xã hội Mỹ, tranh vẽ cũng ít nhiều mang sắc thái cảnh vật xứ Mỹ, cũng giống như mình phải nói tiếng Mỹ trên xứ sở nầy vậy. Phải vẽ như thế nào để mọi người đều nhìn thấy cái đẹp mà không cần phải phân biệt được tác giả là người quốc gia nào, có như thế là mình đã nói được cái ngôn ngữ đại chúng (international language). Theo anh, ngôn ngữ của hội họa không thoát ra khỏi “Chân--Thiện--Mỹ”. Khi nhìn một người đẹp, một con thú đẹp, một cành hoa đẹp, ta không cần phải có kiến thức về nghệ thuật mới thấy là đẹp. Nghệ thuật không nhất thiết phải bị gò bó trong một nền văn hóa nào, tất cả chỉ là làm thế nào để diễn tả, để đạt tới “Chân--Thiện--Mỹ”, đẹp hay không đẹp mà thôi. Một họa phẩm, như một cuốn tiểu thuyết, một bản nhạc, chỉ khác là được thưởng thức bằng mắt (visual art), thường đều được “sáng tác lại” bởi chính người thưởng ngoạn xem tranh đồng cảm với họa sĩ  theo một góc nhìn riêng của mình, có nghệ thuật hay không là ở khía cạnh đó.
Tôi không phải là một người biết nhiều về hội họa, nên mạn đàm về đề tài nầy như vậy là khá đủ. Những ai thích xem tranh, xin cứ đến nhà hàng Song Long, để có cái nhìn của riêng mình về thế giới hội họa của họa sĩ Trương Bữu Giám (www.truongbuugiam.com).
Đoàn Hưng. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Để dễ hình dung ra sự trù phú của Nam Bộ trước 1975, tôi nhớ mãi câu nói đùa sau của anh Trần Đại Lộc
Rời bỏ quê hương sang định cư ở Mỹ, Người Việt đã thành lập ra rất nhiều hội đòan: hội cựu quân nhân, hội đồng hương
Ở khu vực Little Saigon, mở tiệm bán trái cây nhiệt đới hình như là một ngành kinh doanh đặc thù của người Việt mình
Như vậy là đã gần ba tháng kể từ ngày Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn cho ra mắt bộ phim tài liệu “Sự Thật Về Hồ Chí Minh”.
Cali cuối tháng 9 đã bắt đầu vào thu. Trẻ em đã trở lại trường học. Buổi sáng đã bắt đầu có sương mù. Tuần này buổi tối
Một đặc điểm dễ nhận thấy của cộng đồng Người Việt Đất Mỹ là chúng ta tham gia vào rất nhiều loại công việc từ thiện
Ngày 27/08/2009 vừa qua, tại nhà hàng Paracel Seafood, Phòng Thương Mại Việt Mỹ (VACOC) đã có buổi ra mắt Ban Quản Trị mới. VACOC là một
Khi đi chọn cho mình một cái nghề, mỗi người trong chúng ta thường lấy các tiêu chuẩn như: công việc phù hợp với sở trường
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.