Hôm nay,  

Kể Chuyện Gia Đình/Chuyện Tình/Kỷ Niệm/Chia Xẻ: Những Người Con Gái Miền Tây

23/02/201900:00:00(Xem: 3734)
Thụy Mân

 

Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ

Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ…  là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả. Các bạn có thể kể chuyện tình, đời sống hôn nhân, hay chuyện gia đình, chuyện nuôi dạy con, kỷ niệm thời đi học, thời tuổi trẻ, tuổi thơ, những hồi ức, tâm sự ….  của bạn, hay chia sẻ những bài viết hữu ích nói về tình yêu và đời sống gia đình, quê hương đất nước, … cho tất cả bạn đọc Việt Báo và Việt Báo Online cùng thưởng thức hay học hỏi từ chuyện tình/chuyện gia đình, bài viết  của bạn.

Có biết bao nhiêu chuyện để kể, tâm sự, chia xẻ, các chuyện vui, truyện ngắn, truyện dài… Mời bạn viết hay sưu tầm và gửi cho Việt Báo, hoặc eMail cho: giadinh@vietbao.com hay minanguyenha@yahoo.com

Trang Gia Đình/ Chàng&Nàng chờ chuyện tình, chuyện gia đình, hay bài chia sẻ của bạn.

Tuần này mời quý vị độc giả đọc phần 1 của bài hồi ký về những người con gái miền Tây của tác giả Thụy Mân. Cám ơn bạn Thụy Mân đã chia sẻ bài viết hay với độc giả trang Gia Đình Việt Báo.

NHỮNG NGƯỜI CON GÁI MIỀN TÂY

Thụy Mân

Lần đầu đi vượt biên, chúng tôi được đưa đến thị xã Cà Mau một đêm tối trời. Thị xã Cà Mau ngày ấy nhỏ lắm, chỉ vài dãy nhà xây gần bến xe là khu buôn bán tương đối thịnh, phần còn lại của thị xã là những ngôi nhà lá, có đoạn san sát nhau, có đoạn rải rác trong đường kính một hai km là hết. Người dẫn đường và chị chủ nhà là hai anh em. Họ trao đổi với nhau trong thầm thì và dưới ánh đèn dầu tù mù rồi đưa nhóm bốn người chúng tôi vào phòng trong, Chúng tôi sẽ được vợ chồng anh chị chủ nhà nuôi giữ trong nhà cho đến vài hôm sau khi có “taxi” sẵn sàng, họ mới đưa chúng tôi ra Năm Căn, nơi thuyền lớn sẽ đợi ở đó.

Ngôi nhà nhỏ từ nóc tới tường đều từ vật liệu là lá dừa nước. Trừ phòng khách là có nền gạch, hai phòng ngủ nhỏ ở phía sau, mà chúng tôi chiếm hết một phòng, đều chỉ có nền bằng đất nện cứng. Những căn nhà hàng xóm gần nhất cách đó độ vài chục mét. Buổi sáng rõ mặt người mới nhận ra chị chủ nhà còn rất trẻ và đẹp, người cao vừa tầm, mảnh mai như thiếu nữ, dù chị đã là mẹ của hai đứa con. Lúc đó tôi 17 tuổi, trông chị chỉ lớn hơn tôi khoảng 6, 7 tuổi là cùng, nhưng không biết chị có chồng từ lúc nào mà đứa con lớn của chị đã 8, 9 tuổi, đứa nhỏ gần 2 tuổi. Buổi sáng chị đi chợ, nhà vắng lặng, con bé lớn nằm trên võng hát ru em nó ngủ. Chúng tôi hỏi nó sao ngày trong tuần mà không đi học, thì nó kêu thầy hết chữ rồi! "Hết chữ" là sao, tôi hỏi gặng, thì con bé nói nó đã học xong lớp Ba, mà thầy mới học lớp Bốn cho nên không đủ chữ để dạy tụi nó nữa, thầy cho tụi nó ở nhà (cũng may con bé khờ, không hỏi lại tôi, ủa sao chị cũng không đi học?).


Kể xong chuyện học thì em khóc, nó quay lại nghêu ngao hát ru em. Một trong những bài hát ru em của nó có một bài vè nghe rất kỳ quặc:

“Con kia mày lấy chồng chưa?

Dạ thưa Bác con chưa có chồng

Chưa có chồng sao có bầy con?

Dạ thưa Bác con con nuôi giùm

Mày nuôi giùm có lấy tiền không?

Dạ thưa Bác con không lấy tiền

Không lấy tiền thì lấy gì ăn?

Dạ thưa Bác con ăn cứt mèo

Ăn cứt mèo có béo gì không?

Dạ thưa Bác Bác ăn biết liền …”

(có thể bài vè dài hơn, lâu ngày quá không còn nhớ chính xác…)

Được một lúc thì chị chủ nhà về, với giỏ đồ ăn nhiều món đồ biển tươi ngon, ngay cả dân từng sống gần biển như chúng tôi thấy cũng phải mê: tôm bạc, cua biển, cá chày… Chị chủ nhà làm bếp nhanh thoăn thoắt. Dù bằng dao chứ không xài kéo, mà chỉ với vài động tác thành thạo, chị đã làm xong sạch sẽ hai con cá chày. Khi tôi tròn mắt nhìn chị kiểu thán phục, thì chị nói: “Má tui nói con gái phải biết làm cá sao để vừa nhanh, vừa sạch, mà những nét cắt cũng phải sắc sảo, đẹp đẽ. Tụi tui ở quê làm đồ ăn nhậu cho tía, cho mấy anh từ lúc còn nhỏ hích, nên giờ này làm vầy là "chiện" nhỏ!” Trong lúc nói chuyện, nghe giọng miền Trung của tôi thì chị nói: “Sao em không nói tiếng Diệt (Việt) đi, em nói tiếng Quế(Huế), chị nghe không được." Khi tôi bảo chị tôi không phải người Huế, thì chị cãi: “Nhưng em cũng nói tiếng Quế mà, em đâu có nói tiếng Diệt đâu?”

Người dân miền Trung nghèo khổ chúng tôi rời nhà đi học, đi làm ăn tứ tán nhiều nơi, vô đến Sài Gòn là nơi thiên hạ tứ phương về đây, tiếng miền nào cũng có dịp nghe qua và hiểu được, còn chị ở Cà Mau này, đồng ruộng mênh mông, biển đầy tôm cá, chẳng phải tha phương, chưa chắc chị đã ra khỏi cái thị xã, hay đi xa quá Cần Thơ, cho nên chị hỏi tôi:” Từ đây đi xe đò lên Sì gòn, thì sẽ tới Sì gòn trước hay tới quê của em trước?“

Khi thầy dạy của mình dạy đến lớp Ba đã cho học sinh nghỉ học vì "hết chữ", địa lý chắc chắn là thứ xa xỉ cho những người con gái miền Tây thời ấy.

(còn tiếp)

Thụy Mân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà nghiên cứu Phật Học Nguyên Giác Phan Tấn Hải hành hương đến Phật Quang Sơn tại Đài Loan vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2019. Cảm ơn Cư Sĩ Nguyên Giác đã gửi hình.
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
Vợ nhắn tin cho chồng mách tội đứa con trai ở nhà hư hỏng. Chồng nhận được tin nhắn lại: - "EM LA CON DI'
Sự thiếu thành thật gây cho ta sự căng thẳng triền miên. Tại sao? Vì trong tâm của ta luôn luôn mang theo nổi lo sợ bị dấu kín là một ngày nào đó sự thiếu thành thật của mình bị lộ ra.
Anh Thư thương yêu của mẹ! Sáng nay là một buổi sáng rất tuyệt diệu trong cuộc đời của mẹ: thức dậy vào lúc 5:30 sáng và được đọc một tin nhắn của con. Rồi suốt cả ngày, mẹ đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, lần nào mẹ cũng không cầm được nước mắt vì xúc động!
Cháu Khôi Nguyễn ngồi chơi trên vách đá dọc theo đường biển San Francisco. Cảm ơn cô Trinh đã gửi hình cho Mục Gia Đình Việt Báo.
Trong đời có những ngày nắng đẹp khiến mình không bao giờ quên.
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Sẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả.
Cá kho nghệ là món ăn hết sức độc đáo, được ưa chuộng trong mỗi bữa ăn không chỉ bởi độ thơm ngon mà còn bởi món ăn này rất bổ dưỡng cho sức khỏe.
Hôm nay tôi sẽ cười. Tôi sẽ cười vào thế giới. Nhất là tôi sẽ cười vào chính mình. Khi tôi cười, tôi ăn dễ tiêu hơn, đời sống của tôi sẽ được kéo dài hơn và những lo buồn sẽ nhẹ đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.