Hôm nay,  

Việt Nam giữa hai lằn đạn

06/12/202216:56:00(Xem: 5190)
Chính luận

 vn court



Người dân Nam Bộ thường phê bình kẻ nói một đường làm một nẻo là “xạo ke”. Sau ngày 30/04/1975, đảng Cộng sản thu đất nước về một mối, nhưng không làm như đã hứa  khiến dân Nam Bộ lại phải gọi Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa là “xạo hết chỗ nói”. Câu nói này nhắc người miền Bắc nhớ tới lời nhạo báng của thời trước năm 1954 như “nói dối như Vẹm”, hay “nói láo như Việt Minh”, sau này trong Nam gọi là Việt Cộng để chỉ chung đội ngũ những người đi theo Cộng sản.

 

Nhắc lại câu chuyện dân gian này không phải để chế giễu mà để chứng minh người Cộng sản Việt Nam vẫn nói một đường, làm một nẻo nên bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn.

Bằng chứng, về Ngoại giao, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu lên chính sách đối ngoại: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.”

Nhưng trong hành động, Việt Nam đã làm theo Trung Quốc hầu như mọi việc. Rõ ràng nhất trong vụ Nga xâm lăng Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Trước tiên, phía CSVN không gọi cuộc hành quân của Nga “xâm lược” Ukraine mà gọi đó là “chiến dịch quân sự”. Việt Nam cũng nói theo Nga rằng Moscow phải hành động vì Ukraine có ý gia nhập khối quân sự NATO (North Atlantic Organization, Liên phòng Bắc Đại Tây Dương), mở đường cho NATO, do Hoa Kỳ lãnh đạo, đe dọa an ninh Nga. Sau đó, trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc lần thứ nhất ngày 3/3/2022, một Nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt cuộc xâm lăng và phải rút quân ngay lập tức được 141 nước ủng hộ, 5 phiếu chống (Nga và Bắc Hàn) và 35 nước bỏ “phiếu trắng”, trong đó có Bangladesh, China, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Laos, Mongolia, Pakistan, Sri Lanka, Tajikistan, và Việt Nam.

Trong khi đó, có 14 Quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương đã không những ủng hộ Nghị quyết mà còn bảo trợ Nghị quyết này gồm: Australia, Cambodia, Fiji, Japan, Kiribati, the Marshall Islands, Micronesia, New Zealand, Palau, Papua New Guinea, South Korea, Samoa, Singapore, and Timor-Leste. Việt Nam đã không có can đảm tự quyết định là phiếu của mình như Cambodia (Kampuchea), một nước mà Việt Nam coi như “đàn em” trong vùng Đông Dương.

Trong cuộc bỏ phiếu lần hai nhằm trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 7/4/2022, Việt Nam đã bỏ phiếu “chống”, cùng với Nga, Trung Quốc,  Cuba, North Korea, Iran và Syria.

Lần bỏ phiếu thứ  ba diễn ra ngày 12/10/2022 chống việc Nga “sát nhập” 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, sau cuộc trưng cầu dân ý giả tạo,  một lần nữa Việt Nam đi theo Trung Quốc bỏ “phiếu trắng”, trong khi Camboadia (Kampuchea) và Myanmar (Miến Điện) theo đa số  bỏ “phiếu chống”.

Như vậy, thêm lần nữa, Việt Nam đã tự “trát tro vào mặt” trước hành động can đảm của Cao Miên và Miến Điện, hai nước nhỏ trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á).

BIỆN GIẢI

Trước thái độ “theo voi Trung Quốc ăn bã mía” tại Liên Hiệp Quốc, vị trí chính trị của Việt Nam đã bị mỉa mai là không có lập trường, không  tự chủ và tự làm mất úy tín. Vì vậy, Việt Nam đã phản ứng: “Đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình. Ngày 1/3, phát biểu khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ)  đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.

Sau đó, tại họp báo thường kỳ ngày 6/10 (2022), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ca tiếp: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.

Đến phiên họp của LHQ ngày 12/10, ông Đặng Hoàng Giang, lại hợp xướng: “Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong đó, có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.”

Ăn nói rõ ràng như thế mà tại sao phải né tránh không dám lên án Nga như Cao Miên và Miến Điện đã làm mà phải cúi đầu làm theo Trung Quốc? Lý do vì Việt Nam có quan hệ ngoại giao và chịu ơn lâu đời với Nga, nước đã cưu mang, giúp súng đạn và lương thực trong suốt 30 năm miền Bắc xâm lăng Việt Nam Cộng hòa. Ukraine và Việt Nam Cộng sản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, sau khi Ukraine tách khỏi Liên bang Xô viết và tuyên bố độc lập.

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì Ukraine là “nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam. Ukraina đã đóng một vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội”. Vậy mà khi Ukraine bị Nga xâm lăng, tàn sát dân lành, đảng CSVN đã chọn “đứng giữa”, nhưng thực tế đã vô ơn bạc nghĩa, phản bội lại sự giúp đỡ của nhân dân Ukraine.

Vậy Việt Nam có lợi gì khi “ngoài mặt thì không chọn bên”, nhưng “trong lòng thì không dám bỏ Nga”?

Thứ nhất, Nga là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam trong chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, và trong giai đoạn hiện nay để đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Theo SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute),  vũ khí mua của Nga trong những năm gần đây bao gồm 6 tàu ngầm Kilo-class, 4 tàu hộ tống Gepard-class, 36 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, hai khẩu đội tên lửa tự hành phòng thủ bờ biển K-300P Bastion. Vũ khí của Nga chiếm US$7,4 tỷ trong tổng kinh phí US$9,07 tỷ (giai đoạn 1995-2021). Trong giai đoạn 1995-2014, vũ khí Nga chiếm 90% nhập khẩu, nhưng trong giai đoạn 2015-2021 đã giảm còn 68,4%.  Số còn lại, Việt Nam nhập của Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%),  Mỹ (3%), Hà Lan (2,4%).” (Nguyễn Quang Dy, Nghiên cứu Quốc tế)

Tuy nhiên, trong tương lai xa, nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vẫn tiếp tục và thiết bị của máy tầu Gepard-class bị hư hỏng thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì, theo chuyên gia Nguyễn Quang Dy, “đầu máy chiến hạm Gepard (vốn được sản xuất tại Ukraine) nay không còn nữa.”

Thứ hai
, Nga là nước hợp tác tìm kiếm và khai thác dầu khí lớn nhất với Việt Nam ở Biển Đông và tại Nga. Theo thống kê của Tạp chí Năng lượng Việt Nam (TCNL)thì Vietsovpetro, thành lập năm 1981, kết hợp giữa PetroVietnam và Công ty Xô Viết Zarubezhneft, đã “góp phần quyết định trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.Tiếp theo là sự có mặt của "Rosneft", chuyên thăm dò và khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên thếm lục địa của Việt Nam.



Từ năm 2000, theo TCNL, “Công ty Gazprom của Nga - doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên đã hoạt động tại Việt Nam, hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác trong vùng thềm lục địa phía Bắc, Trung và Nam Việt Nam. Cùng thời gian này, Trung Quốc liên tục đe dọa Tập đoàn dâu khí BP (The British Petroleum Company), khiến BP phải rút lui. Ngược lại Nga đã làm ngơ trước thái độ của Trung Quốc và tiếp tục hợp tác với Việt Nam.

Đến năm 2013, Tập đoàn Dầu mỏ Nga "Rosneft" đã tham gia thăm dò và khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên hai khối của thềm lục địa ở phía Nam của Việt Nam. Vào tháng 12 năm 2009, Gazprom và PVN đã thành lập công ty TNHH "Gazpromviet" với cổ phần của Gazprom là 51% và của PVN là 49% để phát triển các dự án dầu khí ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba. Năm 2012, Công ty này bắt đầu khai thác mỏ dầu và khí ngưng tụ Nagumanovskoye ở vùng Orenburg và mỏ khí, khí ngưng tụ Severo-Purovskoye ở Khu tự trị Yamalo-Nenets. Vào tháng 11 năm 2014, Gazpromneft và PVN đã thỏa thuận về hợp tác khai thác mỏ dầu Dolginsky trên thềm Bắc Cực của Nga, ở Biển Pechora.

Ngoài lĩnh vực vũ khí, Việt Nam và Nga đã ký Hiệp định ngày 07/3/1987 về hợp tác xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam (Đà Nẵng) Trung tâm nghiên cứu khoa học và thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Liên Xô (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô). 

Thực tế là thử nghiệm các loại vũ khí được chế tạo tại Việt Nam để sử dụng ở vùng nhiệt đới. Vì vậy, Trung tâm này được quy định “phục vụ thiết thực nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước, phấn đấu xây dựng Trung tâm thành cơ sở khoa học-công nghệ uy tín, có một số lĩnh vực trình độ khu vực và thế giới.” (Tài liệu Quốc phòng Việt Nam)

AI GIÚP VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG ?

 

Với mức độ hợp tác Quốc  phòng giữa Việt Nam và Nga lớn như thế, liệu Nga có sẵn sàng đứng về phía Việt Nam khi bị Trung Quốc tấn công ở Biển Đông? Câu hỏi  này nhắc ta nhớ lại lập trường của Nga khi Trung Quốc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam năm 1979. Khi đó, Mạc Tư Khoa đã ra tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt xâm lăng “ngay lập tức”, nhưng không có bất cứ hành động nào khi cuộc chiến này kéo dài đến năm 1990, trước khi Trung Quốc và Việt Nam nối lại bang giao năm 1992.

 

Do đó, mối đe dọa chiếm đất, dành biển tiềm ẩn của Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn còn đó vì Hải quân Trung Quốc vẫn duy trì tuần tra và đe dọa ngư dân Việt Nam đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau cuộc tấn công ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã chiếm vĩnh viễn 7 đảo chiến lược và một số bãi đá gồm Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi. Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, khi ấy do Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam kiểm soát.

Trung Quốc đã tái tạo và xây dựng nhiều căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và dàn Radar kiểm soát không trung và lãnh hải tại khu vực chiếm đóng bảo vệ bởi Quân Trung Quốc.

Phía Việt Nam duy trì kiểm soát tại 21 vị trí, kể cả Trường Sa lớn và Trường Sa Đông. Hoa Kỳ, tuy có bang giao với Việt Nam nhưng không có Hiệp định hỗ trợ Quốc phòng cho nhau nên Hoa Kỳ không có “nghĩa vụ đương nhiên” yểm trợ Việt Nam khi bị nước ngoài tấn công. Trường hợp này khác với mối quan hệ Quốc phòng giữa Mỹ và Phi Luật Tân cũng như giữa Mỹ và Đài Loan. Hoa kỳ không có bang giao chính thức với Đài Loan nhưng quan hệ đôi bên vẫn khắng khít hơn bao giờ hết. Bảo vệ quyền ngoại giao của Mỹ ở Đài Loan do Viện nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đài Loan (the American Institute in Taiwan,AIT). Đại diện cho Đài Loan ở Hoa Kỳ là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa, đặt trụ sở ở Washington D.C. (Taipei Economic and Cultural Representative Office in the United States, TECRO)

Về phương diện quốc phòng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một Nghị quyết giúp Đài Loan duy trì quyền tự vệ, đồng thời cam kết sẵn sàng dùng vũ lực để chống lại những mưu toan làm rối loạn an ninh, kinh tế và xã hội của Đài Loan. (Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ).

QUỐC PHÒNG 4 KHÔNG

Song song với chính sách ngoại giao được gọi là “độc lập”, Việt Nam cũng tuyên bố theo đuổi chính sách Quốc phòng “bốn không” gồm:

 

(1) Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự;

(2) Không liên kết với nước này để chống nước kia;

(3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;

(4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam giải thích thêm: Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.” 


Tuy nhiên, Việt Nam cũng dè dặt phòng thủ khi nói: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.”
 

Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình.

Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.” (Báo Tuần Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền Thông), ngày 17/09/2021)

Nói “ngoại giao” như thế không khó, chỉ khó là khi xẩy ra chiến tranh. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có lịch sử chiến tranh dài hàng nghìn năm. Hai cuộc chiến biên  giới (1979) và Trường Sa năm 1988 là bằng chứng hận thù giữa hai nước vẫn chưa tan, vì hai bên vẫn “bằng mặt nhưng không bằng lòng” trên nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 01 tháng 11 năm 2022, vẫn phải tươi cười để cam kết với Lãnh tụ Trung Hoa, Tập Cận Bình rằng: “Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh” ; hay: “Kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Trong khi đó, Dân Quân biển của Trung Quốc, có võ trang và tầu Hải quân hộ tống, vẫn tiếp tục đánh cá để dành chủ quyền ở Biển Đông. Không có dấu hiệu Hải quân Việt Nam đã xua đuổi thành công các tầu đánh cá của Trung Hoa khi chúng xâm nhập vùng biển của Việt Nam.

 

Như vậy thì Việt Nam có lợi gì khi chọn chính sách “khôn lỏi” như “không chọn bên” để cầu may?

 

– Phạm Trần

(12/022)







 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 6 tháng 6, Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kết án ông Đặng Đăng Phước, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk tám năm tù giam và bốn năm quản chế với tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước", vì các hoạt động giúp đỡ dân oan và ủng hộ tự do, dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa của nhà giáo này, theo tin từ BBC và RFA.
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, gồm có 9 chương và 23 điều khoản. Nội dung mà Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ VNDCCH, Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTMNVN đồng thuận không phải là thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua, mà nhằm quy định việc ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam, QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại, Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ, VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình...
Làm sao để giữ vững tư tưởng trong Quân đội và Công an là vấn đề sống còn năm 2023 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Lý do vì năm con Mèo (Quý Mão) có Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa đảng XIII, dự trù vào khoảng tháng Sáu, để bỏ phiếu tín nhiệm các cấp Lãnh đạo từ Trung ương xuống địa phương. Cuộc bỏ phiếu này sẽ là cơ hội cho các cấp tranh đua, chạy chức, chiếm quyền lãnh đạo. Và kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ đặt nền tảng cho Đại hội đảng khóa XIV để bầu lên Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mới nhiệm kỳ 2026-2031...
Chứ chả lẽ cái chết thảm thiết của bà Cát Hanh Long và của hàng bao nhiêu triệu lương dân khác nữa (ở khắp ba miền đất nước, từ hơn nửa thế kỷ nay) thì đất/trời có thể dung tha được hay sao?
Từ lâu, dân gian tự hỏi không hiểu giữa người làm báo đảng và báo cáo viên, tuyên truyền viên nhà nước có khác nhau gì không hay cùng một loại. Tìm hiểu ra thấy rằng, tuy hai nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng có một mục tiêu là tuyên truyền để bảo vệ chế độ, kể cả những sai trái...
“Đến hẹn lại lên” là chuyện thông lệ, không có gì đặc biệt, nhưng lãnh đạo mà cũng chỉ biết làm đến thế thì dân lo. Chuyện này xẩy ra ở Việt Nam vào mỗi dịp cuối năm khi các cơ quan đảng và chính phủ tổng kết tình hình năm cũ để đặt kế hoạch cho năm mới. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, người có quyền lực cao nhất nước, cũng đã làm như thế. Nhưng liệu những điều ông Trọng nói có phản ảnh tình hình thực tế của đất nước, hay ông đã nói tốt để đồng hóa mặt xấu?
Người ta có thể thông cảm và thông hiểu thái độ nhẫn nhục của những người phụ nữ bị đè nén xuống tận đáy xã hội. Họ có cha già, mẹ yếu, con thơ phải chăm lo nên làm to chuyện e cũng chả đi đến đâu mà nhỡ “vỡ nồi cơm” thì khốn khổ cả nhà. Còn cả một tập đoàn lãnh đạo chỉ vì quyền lợi của bản thân và gia đình mà bán rẻ danh dự của cả một dân tộc thì thực là chuyện hoàn toàn không dễ hiểu...
Đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên từ nhiệm để bảo vệ danh dự sau 15 năm không chống nổi “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên...
Khó mà phủ nhận được rằng Hun Sen là một tay bản lĩnh (có thừa) nhưng bản lĩnh của ông, tiếc thay, đã không giúp được cho dân tộc Khmer có đủ áo cơm, dù đã phải cầm cố gần nửa phần (45%) đất đai của Cambodia!
Ngày 2/12/2022, Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách “theo dõi đặc biệt” (Special Watch List) vì tiếp tục vi phạm quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhưng Việt Nam phủ nhận và cho rằng Mỹ đã xuyên tạc tình hình để chống phá Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.