Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

25/06/200700:00:00(Xem: 2665)

(Tiếp theo...)

Lực không dám bước xuống lòng đường nữa, nó xách cái thùng gỗ đi trên lề, đôi mắt dáo dác nhìn quanh tìm kiếm khách hàng. Thật tội cho thằng bé, ở cái đất Sài Gòn phồn hoa nhưng mà khốn khổ này có mấy ai ra đường mà đi giày đâu. Họa hoằn lắm mới có một vài người đàn ông mang giày, những chiếc giày cũ mèm chắc đã lâu không còn được đánh lên nước bóng nữa, nên khi Lực mừng rỡ chạy đến cố cất giọng lễ phép hỏi, thì họ đã lạnh lùng xua tay bỏ đi, trước cặp mắt mở to tiu nghỉu của thằng nhỏ. Lang thang từ con đường này sang con đường khác dưới dưới sức nóng hừng hực của một ngày mùa hè, đôi lúc Lực thấy hoa mắt choáng váng, bởi mệt và đói, nhưng nó vẫn không dám đụng đến cái gói tiền của mẹ cho. Lực đã thề với lòng là nó sẽ gởi trả số tiền này về cho mẹ, còn bây giờ, nó phải kiếm ra tiền trên chính sức lực của mình.
Lực cứ đi, lơ lơ lửng lửng như một con người trong cơn mộng du, nó không còn biết đã đi đến những đâu nữa. Nỗi háo hức dâng tràn ngập lòng lúc buổi sáng đã theo ánh mặt trời chiều le lói sau những đỉnh cao ốc tàn lụi dần. Buổi trưa, Lực rảo bước ra chợ Bến Thành, miệng mồm khô cứng tựa chừng chẳng còn lấy một tí nước bọt, nên mỗi lần nó cố co vòm họng để vắt ra một chút chất nước cứu sinh ấy nuốt vào cho đỡ khát, chỉ hoài công mà còn thấy nhói đau chỗ đầu thanh quản. Lực chợt nhìn thấy một cái nhà vệ sinh công cộng, nó mừng rỡ chạy sang định chui vào tìm nước uống, vì nó nghĩ chắc hẳn phải có vòi nước máy. Nhưng khi nó vừa đặt chân đến ngạch cửa định đưa tay xô vào, thì một người đàn bà ngồi trên ghế bên cạnh một cái tủ kính nhỏ đựng thuốc lá đã đưa tay ngăn lại:
-Ê, thằng nhỏ, mầy đi đâu đó"
Lực sững người ngơ ngác:
-Dạ cháu vào đi tiểu ạ.
-Mầy phải đưa tiền trước, mầy không thấy tấm bảng đề chữ gì hả"
Lực thảng thốt lùi lại, trong cái đầu óc nhỏ bé ngây thơ, nó cứ tưởng người ta xây cái nhà vệ sinh này là để giúp cho người dân xả những chất thừa trong cơ thể mà không phóng uế bừa bãi trên hè phố và hoàn toàn miễn phí. Thằng bé ngẩng đầu lên nhìn tấm bảng kẻ huệch hoạc như gà bới, chữ được chữ mất mà nó không thể đọc hiểu hết: Vào Nhà Vệ Sinh Xin Trả Tiền Trước: 500 Đồng. Cám Ơn. Lực gãi đầu nài xin:
 -Bác làm ơn cho con vào tí là ra ngay, con chỉ muốn uống nước, con hứa sẽ giữ gìn thật sạch.
Người đàn bà xì một tiếng:
-Không được, công tao quét dọn rửa ráy hộc xì dầu ra mới được thơm tho như vầy, ai cũng đòi vào chùa như mầy thì tao cạp đất ăn à"
Bà giữ nhà vệ sinh phun ra một tràng dài những từ ngữ lạ tai, Lực chỉ hiểu lỏm bỏm:
-Dạ con chỉ vào trong nhà cầu thôi ạ.
Người đàn bà ôm bụng cười ngặt nghẽo:
-Thằng nhỏ Bắc kỳ nói chuyện nghe tức cười quá. Năm trăm đồng!
Lực lùi lại ngẩn ngơ. Năm trăm đồng đối với người khác chỉ có giá trị ngang bằng với một viên kẹo, nhưng với một thằng bé lội bộ gần long gân suốt cả nửa ngày trời nay mà chưa chộp được một xu lẻ nào, thì đó là một món tiền lớn. Thằng nhỏ xách cái hộp gỗ buồn thiu quay lưng bỏ đi, trong ý nghĩ của nó hiện ra một cái góc phố tối tăm hay một cái bãi cỏ hoang vắng nào đó, là những nơi mà Lực sẽ vào đó để trút những chất cặn bả đã tích lũy từ sáng và đang căng cứng trong thân thể nó. Đi được mấy bước, bỗng Lực nghe tiếng người đàn bà gọi giật lại:
-Ê, thằng nhỏ, mầy có bao nhiêu tiền nói nghe coi"
Lực quay lại buồn bã lắc đầu:
-Cháu không có tiền!
Người đàn bà ái ngại nhìn chiếc hộp đánh giày trong bàn tay nhỏ xíu của thằng bé:
-Mầy đánh giày mà nói không có tiền à"
-Dạ cháu mới ra nghề hôm nay, ế ẩm không có khách bác ạ, cháu khát nước quá nên mới xin bác…
Người đàn bà thở dài não nuột:
-Ôi sao thế gian này người ta khổ nhiều vậy, nhìn đâu cũng thấy một lũ con nít rách rưới đi lang thang trên đường phố.
Bà xua tay:
-Thôi, cho mầy vào chùa lần này đó nghe, lần sau mầy phải trả tiền. Vào nhanh nhanh lên con, nhớ đừng cho mấy thằng bạn mầy biết, đứa nào cũng đòi đái với ỉa là chết tao…
Không nghe được hết những lời than vãn của bà bác, Lực ù té chạy vào bên trong, bởi nếu cứ lần khân đứng chôn chân một chỗ mãi e bà ta đổi ý thì khốn, Lực biết nó sẽ không kềm nỗi cái bọng đái đã căng cứng hết mức như một cái bong bóng chứa đầy nước. Lực trông thấy một cái thùng phuy được sơn phủ bằng một lớp hắc ín đen bóng, bên trên có một cái vòi nước. Nó gục đầu ngay vào và đưa tay mở cái vòi. Lực uống lấy uống để, cật lực cho đến khi cái bụng nó to phềnh lên như bụng một con ểnh ương. Lực mở cửa è ạch đi ra, nước sánh óc ách trong dạ dày theo từng bước chân, nó cúi đầu chào người đàn bà tốt bụng:
-Dạ cháu cảm ơn bác, lần sau có vào thì cháu trả tiền ạ.
Người đàn bà nhìn thằng bé bằng ánh mắt thương hại:
-Mầy cứ theo con đường trước mặt đi thẳng tới mấy cái nhà hàng với khách sạn lớn, trong đó Việt kiều nhiều lắm, thế nào mày cũng tìm được khách hàng.
-Dạ cháu cảm ơn bác, chào bác cháu đi ạ.
Lực đi trên lề con đường Lê Lợi, tia nhìn của nó đã bắt gặp phía cuối dãy phố san sát có nhiều tòa nhà lộng lẫy, chắc là khách sạn hay nhà hàng rồi. Nó chạy nhanh đến, trong lòng lại trào dâng một niềm hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ấy lại xẹp dần như một cái ruột xe cũ xì hơi, khi thằng bé trông thấy chừng một tá đứa trẻ xách hộp gỗ như nó tha thẩn đi vòng quanh trước cửa những tòa nhà. Lực cũng nhìn thấy ngần ấy những người ăn xin trong những mảnh y phục tơi tả, già trẻ lớn bé, lành lặn, mù què, đủ cả, đang nằm ngồi lê lết bên những gốc cây giương mắt cố nhìn xuyên vào những cánh cửa kính lớn trong suốt và lộng lẫy, với những người bồi trong bộ trang phục đỏ chói đẹp mắt đứng bên cạnh. Mỗi lần có một người khách ra hay vào, anh bồi cung kính khom lưng đưa tay mở cửa. Hàng đoàn người nhộn nhịp đến và đi, anh gác cửa làm việc không ngừng nghỉ, nhưng được cái thỉnh thoảng có vài khách sộp thưởng cho ít tiền đô la, khiến anh bồi sáng mắt lên cảm ơn rối rít.
Lực đứng tựa vào gốc một cái cây lớn cành lá xum xuê lặng lẽ trông theo những con người sang trọng trong những bộ quần áo đắt tiền. Có người xách chiếc cặp da sáng lóa, hẳn là nhà doanh gia máu mặt. Có kẻ bệ vệ khoác tay một bà phu nhân ăn mặc diêm dúa, từ đầu đến chân vàng óng màu nữ trang, với khuôn mặt trét đầy phấn, từ thân thể toát ra mùi hương sực nức. Một vài gã Tây trẻ chỉ mặc có cái quần kaki ngắn, lưng cởi trần trùng trục phô bày làn da màu đồng đỏ, có lẽ vì rám nắng Sài Gòn, cùng những đám lông tơ mịn vàng xoăn tít. Những đôi nhân tình trẻ âu yếm cặp tay nhau nói cười tíu tít. Và trời ơi, từ đáy lòng Lực bỗng quặn thắt một nỗi xót xa cay đắng, khi trông thấy nhiều đứa trẻ cũng trạc độ tuổi nó ăn vận những bộ quần áo nhiều màu sắc đẹp đẽ tung tăng theo ba mẹ hay anh chị từ bên trong bước lên những chiếc xe hơi bóng lộn, hoặc đi vào bên trong, trên tay ôm những gói quà bọc giấy sặc sỡ. Dường như đằng sau cái khung cửa sáng choang và bí ẩn kia là một thế giới hoàn toàn khác, trong đó có những con người thuộc một chủng loại khác, siêu đẳng và cao quý gấp trăm ngàn lần những con người thuộc về thế giới ở bên ngoài. Ở hai phía của khung cửa kính, bên kia giống như một cõi thiên đàng có thật, phía bên này là một cõi địa ngục của những con người cùng khổ đang hiện hữu giữa cõi trần gian này.
Cánh cửa lại xịch mở, hai thanh niên người Việt ăn vận đơn giản xuất hiện, áo tròng đầu bỏ trong chiếc quần Jean màu xanh nhạt, đầu tóc cắt chải rất khéo, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Nhưng cái cốt lõi quan trọng nhất là hai đôi giày da đen bóng mà họ đang mang và bước đi trên những tấm gạch vuông lót lề đường, mới trông đã biết giày da thật và khá đắt tiền. Bọn trẻ đánh giày tranh nhau chạy đến mời chào inh ỏi:
-Chào chú, chú đánh giày không, xi ra con tốt lắm, bóng nhăn răng cũng thấy, chú cho con phục vụ chú nha, giá rẻ mà giày bóng khỏi chê, không bóng không lấy tiền, nha chú"
Bọn trẻ tranh nhau chào hàng, mỗi đứa một câu văn chương bóng bẫy, mà trong đó dường như vướng vất chút âm hưởng đau thương của những con người nghèo hèn bất hạnh, chúng vây quanh hai anh thanh niên như những con ong tranh nhau một nụ hoa đầy mật ngọt. Nhưng thật thất vọng làm sao, một trong hai người trai trẻ đã thô bạo gạt bọn nhỏ ngã rạp qua một bên:
-Tránh ra, tụi mày hôi hám bỏ mẹ, ai cần tụi mày hả, bộ tao không biết tự đánh lấy giày à"
Bọn trẻ tiu nghỉu lùi lại, lấm lét giương mắt nhìn. Người thanh niên kia hiền lành hơn, anh dịu dàng nói với chúng:
-Để lúc khác nghe mấy em, bọn anh bận đi chuyện gấp lắm không có thì giờ.
Như để đền bù lại một phần nỗi thiệt thòi cho bọn nhỏ, chàng móc ra mấy tờ giấy bạc đưa ngón tay trỏ lên vui vẻ chỉ vào từng đứa một:
-Nào để xem, một, hai, ba, bốn, năm,... ôi chao sao nhiều thế, chết anh rồi!
Chàng dúi vào tay mỗi đứa một tấm giấy bạc năm ngàn đồng Việt Nam:
-Anh cho mấy em ăn quà.
Bọn trẻ nhảy lên reo hò, ánh mắt ngời lên một niềm sung sướng vô ngần:
-Con cám ơn chú!
-Con cám ơn chú!
Năm ngàn đồng chỉ ăn được một tô phở loại xoàng, nhưng mà đối với lũ trẻ đói khổ này là cả một niềm hạnh phúc to tát, như một phép mầu nhiệm hiện ra giữa lúc tuyệt vọng nhất. Lực co giò chạy tới, trong lòng chứa chan niềm hy vọng được chia phần, nhưng đã quá muộn, chàng thanh niên đã quay lưng đi, tiếp tục câu chuyện dang dở. Người bạn lắc đầu càu nhàu:
-Mày cứ hào phóng mãi như thế, tao thấy vô ích lắm. Cả cái thành phố này, đất nước này có hàng triệu đứa bé như thế, mày bố thí làm sao cho hết chứ hả"
Chàng thanh niên giang tay ra cười:
-Đã đành là vậy, nhưng mà thấy tụi nó nheo nhóc quá tao chịu không được, mình cứ cho, cho được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
-Mày chỉ làm chuyện tầm phào. Đồng tiền mồ hôi nước mắt đi cày sặc máu mũi máu mồm ra, chứ phải tiền chùa đâu.
-Ơ hay, làm việc thiện mà mày cho là tầm phào, đợi khi tao ăn cắp hay giết người thì mày mới cho là phải à"
Gã bạn nhất định không chịu nhượng lý lẽ của chàng thanh niên:
-Tụi mình về đây là để nghỉ ngơi và hưởng thụ cho bõ những ngày làm việc vất vả, chứ không phải dây thêm gánh nặng vào người.
-Nhưng mà đối với tao, tao sẽ rất hạnh phúc khi được nhìn thấy bọn trẻ nghèo khổ này vui sướng, niềm vui của tao là ở chỗ chia sẻ những gì tao có cho những người thiếu thốn. Đó cũng là cái cách tao nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống. Cái tao cần là sự trong sáng và thanh thản của tâm hồn chứ không phải những thứ vật chất hào nhoáng nhưng rỗng tuếch.
Gã bạn nhún vai cười nhạt:
-Bởi gàn dở như vậy nên đến giờ này chẳng có ma nào chịu lấy mày…
Chàng thanh niên vỗ vai bạn:
-Ơ hay, thế còn những thằng không gàn dở như mày, sao cũng chẳng có con ma nào đến với mày vậy"
- Ơ hơ…, chỉ vì tao thích bay nhảy tự do hoa lá cành cho đời lúc nào cũng tươi mát mà không bị ràng buộc, chứ thiếu gì em, đầy ra đấy, ngoắc tay một cái là có ngay.
-Nhảy đi con, nhảy cho đến ngày con nhận ra đang chống gậy đi từng bước, thì lúc ấy cuộc đời con đã khô héo mất rồi!


Lực lẽo đẽo đi theo phía sau hai chàng thanh niên, muốn mở lời xin các anh cho phục vụ, mà nó biết chắc sẽ nhận được lời từ chối, nhưng biết đâu anh thanh niên tốt bụng chẳng thưởng cho nó một tờ giấy bạc như bọn kia. Lực cứ ấp úng mãi mà nói chẳng thành lời, nó xấu hổ vì liên tưởng đến sự ăn xin, điều mà trong đời nó chưa từng làm bao giờ. Lực bước chầm chậm, khoảng cách càng tăng dần… Đến một lúc, Lực chống tay tựa đầu vào một cây cột đèn trước mặt, vừa nhìn theo lưng hai chiếc áo sơ mi thơm phức đang lẩn vào dòng người đông nghịt trên hè phố vừa khóc thút thít, những giọt nước mắt rơi lả chả xuống nền gạch thành những đốm nước tròn nhỏ. Lực thất thểu đi trở lại tòa nhà tráng lệ mon men đến gần đám trẻ đánh giày. Một thằng bé nhìn Lực chằm chặp từ đầu đến chân hỏi cộc lốc:
-Mày thuộc băng nào"
Lực ngơ ngác:
-Dạ băng gì ạ"
-Xì, thì là đảng, là nhóm nào"
-Dạ em thuộc băng tự do ạ, em không có nhóm nào hết.
Thằng bé cười gằn, đôi mắt ánh lên vẻ thương hại:
-Băng tụi tao cắm dùi ở đây rồi, mày đi chỗ khác mau lên, không thôi mấy thằng lớn chúng đánh thì mày chết.
Lực buồn rầu nài nỉ:
-Mấy anh cho em vào băng với, chứ em biết đi đâu bây giờ.
Thằng bé xua tay:
-Vào băng thì mày phải đóng tiền hàng ngày cho anh Tiến Đen, mày chịu thì tao nói anh Tiến cho mày vào.
Thằng bé hất đầu, Lực trông theo. Nó nhìn thấy một gã thanh niên ăn vận chải chuốt đang ngồi trên một chiếc xe gắn máy bóng lộn phía bên kia đường gần bên gốc cây to, miệng phì phèo một điếu thuốc. Lực rùng mình như có một giòng điện rần rật chạy xuyên suốt qua sống lưng, trong ý nghĩ hiện lên khuôn mặt lạnh lùng của má Tư, nó còn đang lo ngay ngáy không biết ăn nói làm sao với bà ấy khi trở về với chiếc túi rỗng tuếch, giờ đây lại thò ra thêm cái ông Tiến Đen này nữa, thì làm sao sống nỗi. Lực liên tưởng đến tờ giấy bạc năm ngàn đồng của bọn trẻ đánh giày, hẳn đã là đã êm ấm nằm trong túi áo của gã thanh niên ấy mất rồi. Thằng bé u buồn lắc đầu bỏ đi.
Lực xách chiếc thùng đồ nghề loanh quanh mãi đến chiều mà vẫn không tìm được một người khách để thực hành cái nghề đánh giày nó mới học nhưng rất tự tin là nó sẽ làm khách hài lòng. Mặt trời đã gần chìm khuất phía sau những tàng cây, chỉ còn yếu ớt hừng lên một màu hồng mờ nhạt, không đủ xua tan đi cái màu xám xịt của bóng đêm đang lan dần đến. Thành phố Sài Gòn chìm ngập dưới một bầu trời u ám đã lấp lánh mấy ánh sao sớm. Những chiếc đèn bóng trắng ở mãi trên ngọn cột đèn nhôm cao bừng lên, hắt xuống những tia sáng lấp lóa chói mắt. Giòng xe cộ vẫn ầm ì chuyển động trên những con đường phố lớn, như những con thác chảy tràn không mệt mỏi qua ghềnh đá. Đôi chân mỏi nhừ, Lực nặng nhọc lê từng bước trở về cái mái hiên giang sơn của vợ chồng má Tư. Cái thùng gỗ, chao ôi, giờ đây đã nặng như một khối đá. Cái lưỡi của thằng bé đã khô cứng không còn có cảm giác vì nữa vì cái khát cháy họng. Lực có thấy một vài cái nhà vệ sinh công cộng, nhưng không dám mò đến, vì nó biết không phải người gác cửa nào cũng có lòng thương người như bà bác bán thuốc lá ấy. Sau giờ tan sở, trong các quán ăn lẫn quán nhậu đông nghìn nghịt người là người. Lực ngẫn ngơ đứng nhìn cái hoạt cảnh người thành phố ngồi ken đặc bên những chiếc bàn đầy những dĩa thức ăn bốc mùi thơm phức, bên cạnh những ly bia sóng sánh chất nước vàng óng, hay những chai rượu mạnh màu nâu thẫm. Có những quán ăn người ta bày cái lò nấu ăn ngay bên cửa ra vào, những người đầu bếp luôn tay không ngừng nghỉ xốc cái giá sáng loáng sâu vào lòng cái chảo lớn đảo đều đám cải xanh cùng với những con tôm nóng chín ửng màu đỏ như son, quyện cùng những miếng thịt heo trắng hồng. Khối lửa xanh biếc từ chiếc lò chạy bằng hới đốt nung nóng đáy chảo, làm cho khối thức ăn bên trên rên rỉ trong những âm thanh xèo xèo.
Lực đói. Nó đứng nép vào bên một cái quán ăn đông đảo thực khách, thèm thuồng nhìn vào những cái dĩa thức ăn thừa mứa ngỗn ngang trên bàn. Từ đáy dạ dày của nó, Lực cảm thấy như có một cái ống trục đầy gai đang cuốn xoắn lấy, khiến cho cái dạ dày quặn thắt một cơn đau kinh khủng. Cái gói xôi tình nghĩa buổi sáng của thằng Hiền đã mất biến vào cõi hư vô từ lúc trưa. Cái đói hành hạ Lực, đôi chân thằng nhỏ nhẹ tênh, vì chẳng còn chút năng lượng nào, những chiếc bóng đèn từ quán ăn nở phình thành những khối cầu tròn sáng nhòe nhoẹt trước mắt Lực. Thằng bé đói đến hoa cả mắt, nó nhìn đâu cũng thấy cảnh vật như chập chờn tách ra thành hai, hay ba bốn. Đôi cánh tay của thằng bé yếu ớt, rã rời, đến nỗi nó phải ôm chặc cái thùng gỗ vào ngực, vì sợ không đủ sức giữ lấy, nó sẽ rơi xuống đất. Lực nhìn trừng trừng về phía những gương mặt đỏ au với những cái nọng thịt núng nính dưới hàm và đôi má bóng mỡ. Những bàn tay mập bự đưa cao lên những ly bia đầy cụng nhau chan chát quyện cùng những tiếng cười hê hả. Một bọn trẻ ăn xin rách rưới đứng gần bên, đôi mắt hau háu nhìn chòng chọc vào những dĩa thức ăn nham nhở, lòng tràn trề hy vọng. Lực ngao ngán bỏ đi. Ở đâu thì cũng thế thôi, lúc nào nó cũng là một đứa đến sau nhất, không phe nhóm, không băng đảng. Hàng tá đứa trẻ ăn xin vây kín quanh những cái bàn như thế kia, còn chỗ nào cho Lực chui vào. Trong cái đầu óc đã quá mệt mỏi và tuyệt vọng của thăng nhỏ bỗng hiện lên khuôn mặt dễ thương của cón bé Lành, với thằng A Ca quàng trước ngực. Giờ này hai chị em Lành đang ở đâu nhỉ, chúng có xin được cái ăn đem về không. Trước mặt Lực cũng có mấy con bé ăn xin, đứa nào đứa ấy đều mang một cái lon nhôm dài trước ngực, hẳn là xin thức ăn thừa đem về cho anh em chúng.
Sang được bên kia đường, Lực đuối sức, nó ngồi bệt xuống dựa vào một cái gốc cây me nhìn vào cái quán ăn, chắc là nấu phở, vì nó trông thấy một cái nồi nhôm to tướng bắc trên một cái lò lửa cháy phừng phừng. Nước súp nấu xương thơm lừng mùi phở cứ xộc vào mũi Lực, đến cái lưỡi đã khô cứng mà cũng phải ứa nước dãi tràn trề. Cái tủ kính lớn sáng loáng bên trong có những cái dĩa sứ vun lên những miếng thịt bò đã thái đỏ tươi, ở cạnh môt cái tô thủy tinh lớn đầy ắp những cọng giá trắng ngần tươi rói, cùng những cái rổ nhựa chất rau thơm xanh ngát, mà từ mãi ngoài lề, Lực cũng có thể ngửi được mùi nồng nồng của húng và quế, mùi hăng hăng của ngò gai. Tất cả những hương vị ấy hợp tấu thành một sự quyến rũ ma quái lôi cuốn hàng đoàn thực khách ùn ùn tuôn vào. Đột nhiên Lực giật mình nhảy nhổm lên như dẫm phải lửa, trời ơi, nó có nhìn lầm không. Hai anh thanh niên cư ngụ trong cái khách sạn lộng lẫy kia vừa mới dẫn chiếc xe gắn máy to tướng lên lề đường. Hai chàng thanh niên chưa kịp hành động gì cả, thì một gã trẻ tuổi chừng mười sáu, mười bảy đã chạy đến nắm lấy chiếc xe chào đón rất lễ phép, bàn tay chìa ra một tấm thẻ nhôm nhỏ:
-Mấy anh đưa xe cho em, cái này là của quán ăn giữ cho mấy anh không tính tiền. Chúc hai anh một bữa ăn ngon lành. Còn cái này là số lấy xe.
Gã thiếu niên nhanh nhẹn dắt chiếc xe tấp vào một hàng xe gắn máy gần bên. Hai chàng thanh niên nhìn theo, gật đầu hài lòng cung cách chiêu đãi khách của quán phở. Nguồn sinh lực từ tận đáy cạn kiệt của Lực bùng lên trong một cố gắng cuối cùng, nó chạy bổ nhào vào chận trước mặt chàng thanh niên nhân hậu thở hổn hển, tiếng được tiếng mất:
-Chào hai chú, hai chú cứ ngồi ăn cho con chui dưới bàn đánh giày cho hai chú, con đội ơn…
Anh chàng thanh niên khó tính được dịp phô bày cái bản chất thô bạo của hắn, gã đẩy mạnh thằng nhỏ khốn khổ té nhào:
-Bọn ăn xin kỳ cục, tao chưa ăn, đói bỏ bố mà cứ lải nhải đòi đánh giày là đánh làm sao, hôm nay là ngày bị quỷ ám hay sao ấy.
Lực loạng choạng ngã nhào, nó yếu quá rồi, không gượng nổi nữa, nhưng thật may mắn, chàng thanh niên đã kịp đỡ lấy thằng bé vào lòng, anh lắc đầu thương cảm nói với bạn:
-Mầy chỉ mới đói có một tí, còn những thằng bé đáng thương này chúng đói triền miên biết bao nhiêu ngày rồi. Mày không đánh giầy thì tao đánh.
Lực rưng rưng nước mắt, nó cố nói nhanh: "Con cám ơn chú, con mới ra nghề, suốt ngày nay con chưa đánh được đôi giày nào, cho con phục vụ chú, con lấy rẻ thôi..."
Chàng thanh niên nhíu mày quay qua nói với gã bạn:
-Ê, Tần, thằng bé này nó nói giọng Quảng Ninh thì phải"
Tần đang sốt ruột nghĩ đến tô phở bốc khói, gã lơ đãng gật đầu:
-Quảng Ninh thì đã sao nào"
Chàng thanh niên kêu lên: "Trời ơi, là đồng hương của tụi mình đó!"
Tần bĩu môi xua tay:
-Ôi dào, cái thành phố này có biết bao thằng Quảng Ninh như nó.
Tần vừa ngồi xuống bàn thì một cô gái trẻ chưa quá hai mươi tiến đến tươi cười hỏi, đôi đồng tiền lún sâu duyên dáng trên khuôn mặt xinh xắn:
-Chào anh, cám ơn anh đã chọn quán phở Quê Hương của nhà em, anh dùng gì ba em nấu đặc biệt đãi anh"
Tần quên khuấy đi anh bạn và thằng bé đánh giày, chàng tươi cười hệch hạc với cô gái:
-Xin lỗi tôi… gọi tên cô là gì nhỉ"
Cô gái ném cho Tần một cái nhìn thật ướt át:
-Ba mẹ em vẫn gọi em là con nhỏ… Năm, anh cứ gọi em là… Năm đi.
Tần có chút cụt hứng, chàng đang hớn hở mong đợi một cái tên tuyệt đẹp như con người nàng. Ít nhất cũng phải Phượng, Hồng, Loan, Trúc, hay gì gì ấy cho nó mỹ miều lên, chứ Năm thì… xoàng quá. Tần biết cô gái muốn trêu chàng, nhưng được rồi, cứ đợi đấy, rồi ta cũng có cách truy ra mỹ danh của em thôi. Tần hắng giọng tán tỉnh:
-Chúng tôi ở khách sạn Continental, ở đó cũng có nhà hàng và phở chứ, nhưng nghe quán Quê Hương của… Năm nấu phở ngon tuyệt trần, nên chúng tôi tìm đến đấy… Năm.
Năm mỉm cười cúi đầu e thẹn, cái anh chàng này mới trao đổi có mấy câu mà đã xem chừng đã muốn giở trò sàm sỡ rồi:
-Trời ơi, từ mãi ngoài ấy mà các anh chịu khó vào đến đây, vậy chắc anh là Việt kiều mới về thăm quê nhà phải không"
Tần gật đầu, cố tạo giọng ngọt ngào quyến rũ:
-Đúng thế Năm à, chúng tôi về đây trước là công tác cho hãng, sau là thăm lại đất nước sau bao năm xa cách. Nhớ quê hương nhiều lắm, nhưng riêng với tôi thì tôi nhớ nhất bát phở quê… nhà. Ba của Năm khéo đặt tên lắm. Ôi, quán phở Quê Hương, cái tên toát lên một tình tự đất nước và mùi vị đậm đà của quê nhà, ăn bát phở để nhớ lại một mảnh dĩ vãng mà mình đã từng sống trong đó, chiêm nghiệm thân phận lạc loài của người tha hương và tìm về với cội nguồn mà mình đã tưởng lìa xa vĩnh viễn…
Năm bưng miệng cười khúc khích trước đoản văn ứng khẩu tuyệt vời của người khách, chứ nàng có biết đâu rằng Tần đã vồ lấy cái đoạn tả tình với quê hương này của một nhà văn ở hải ngoại đăng trên một tờ báo chợ nào đó.
-Thế, anh thích mùi vị gì thì xin cho em biết, em dọn phục vụ anh ngay.
Tần xoa tay hào hứng:
-Ăn phở bò mãi cũng chán, Năm cho tôi xin món phở gà nhé.
-Da, anh thử món đặc biệt nhất của quán em nhé.
Tần đưa tay ra làm như vô tình nắm lấy chóp bàn tay của Năm:
-Ấy, chậm tí đã. Tôi xin Năm dọn cho món phở gà với thành phần nội dung như sau, mình, cánh, da gà, lòng, trứng non, nước béo, hành trần và tiết, chỉ thế thôi, có được không… Năm"
Để yên mấy ngón tay trong lòng bàn tay ấm áp của khách, cô gái cười hinh hích:
-Anh khôn thế, lấy hết của người ta nguyên con gà mái đẻ rồi, chỉ còn thiếu có mỗi hai cái cẳng gà với cái đầu thôi.
Tần cười hề hề:
-Thế mới đáng gọi là xơi phở gà chứ!
Tình thực thì Tần đã ăn phở mòn cả răng ở ngoài hải ngoại rồi, còn lạ gì món phở gà nữa, chàng chỉ muốn lần khân kéo dài câu chuyện với Năm cho vui thôi, trong lòng dậy lên một niềm mong ước và toan tính điên rồ, rằng biết đâu duyên trời dun rủi, nàng sẽ nhận lời mời đi chơi riêng với chàng, thì cái mảnh đời héo hon cô độc của Tần sẽ được thăng hoa tươi đẹp biết bao.  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.