Hôm nay,  

Tin Tức Úc Châu

04/11/200100:00:00(Xem: 4423)
CƠ QUAN KIỂM SOÁT TRẠI GIAM LÊN ÁN TÌNH TRẠNG TỒI TỆ CỦA TRẠI TAM GIAM TỴ NẠN

PERTH: Một cơ quan kiểm soát tình trạng trại giam tại Tây Úc đã miêu tả tình trạng của các trại tạm giam người tỵ nạn của chính phủ Liên Bang là "tồi tệ" và đã kêu gọi cho việc thành lập một cơ quan thanh tra độc lập nhằm nâng cao tiêu chuẩn trong các trại này.

Thanh tra của Dịch Vụ Trại Giam tại Tây Úc, giáo sư Richard Harding, cho biết, một cuộc viếng thăm trại cấm Curtin vào tháng Sáu vừa qua đã cho thấy chỗ ở chật chội, cầu tiêu bị hư hỏng và các dịch vụ nha khoa và y tế thiếu hụt tại đây.

Giáo sư Harding nói rằng việc thành lập một cơ quan kiểm tra liên bang sẽ bảo đảm rằng các trại cấm sẽ được các công ty tư như Australasian Corrective Services điều hành một cách đúng đắn. Ông cũng nói thêm rằng bộ Di Trú đang góp phần bôi nhọ vào danh tiếng của nước Úc về vấn đề người tỵ nạn.

Ông nói thêm: "Chúng ta ngày càng mở thêm nhiều trại cấm ở những nơi càng xa Úc, và chúng ta có thể tiên đoán rằng tiêu chuẩn tại các trại này sẽ bị hạ thấp hơn nữa.

Tổng trưởng Di Trú Ruddock thú nhận rằng các trại cấm này có bị người đông, đất hẹp, tạo tình trạng chật chội, nhưng ông phủ nhận tình trạng tồi tệ tại các trại này. Thêm vào đó, ông cho biết, hiện nay, tình trạng chật chội không còn nữa vì chính phủ đã giảm thiểu rất nhiều số người trong các trại này bằng cách ngăn chận, không cho phép thuyền nhân đến đất Úc. Ông nói: "Về cách đối xử với những người bị giam, phương cách của chúng tôi rất là nhân đạo".

TỐI CAO PHÁP VIỆN: VỤ TAMPA ĐƯỢC ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU ĐỂ XÉT XỬ

MELBOURNE: Hôm đầu tuần, một chánh án của Tối Cao Pháp Viện Úc đã ra quyết định rằng vụ tòa liên quan đến các người tỵ nạn trên tàu Tampa cần được xét xử khẩn cấp.

Chánh án Kenneth Hayne đã đồng ý với đơn xin được quyền kháng án lên tối cao pháp viện của luật sư Eric Vandarlis, đại diện cho các thuyền nhân, và đồng thời thỏa thuận cho buổi tố tụng về quyền được kháng án này được ưu tiên xét xử trước tòa. Ông đã định ngày cho phiên tòa được nhóm họp là 14/12 tới đây, tại Melbourne hoặc Sydney.

Ông Vardalis, sau đó cho biết rằng sở dĩ ông xin quyền ưu tiên xét xử này là vì, nếu không, thì vụ tranh cãi phải đợi từ 6 đến 8 tháng mới được ra trước tòa, và như thế người tỵ nạn sẽ bị dời sang các quốc gia khác trước khi vụ tòa, biến nó thành vô ích.

Tưởng cũng nên nhắc lại, tháng rồi, tòa án liên bang đã quyết định, với tỷ số 2-1 rằng chính phủ Úc không bắt giam những người tỵ nạn trên tàu Tampa và chính phủ có quyền tự nhiên để ngăn chặn di dân lậu vào hải phận Úc.

Ông Vandarliss, một luật sư độc lập, đã tranh đấu bảo vệ quyền lợi của người tỵ nạn từ ban đầu.

Theo bộ trưởng tư pháp liên bang, ông Daryl Williams cho biết rằng vụ xử tại Tối Cao Pháp Viện chỉ làm tốn tiền thuế vô ích mà thôi.

CHÍNH SÁCH BỒI HOÀN THUẾ SAU KHI SANH CỦA LIÊN ĐẢNG BỊ TẤN CÔNG DỮ DỘI

TIN TỔNG HỢP: Chính sách bồi hoàn thuế cho các sản phụ sau khi sanh đứa con đầu tiên và ở nhà nuôi con trong vài năm sau khi sanh đã bị tấn công dữ dội từ nhiều phía.

Ngay sau khi thủ tướng Howard tuyên bố chính sách nói trên trong buổi khai mạc chính thức chiến dịch vận động tranh cử của đảng Tự Do hôm cuối tuần qua, một trong những cơ quan đại diện cho phụ nữ, Women's Electoral Lobby, và đảng Dân Chủ đã đồng thanh tấn công chính sách này, cho rằng thay vì bồi hoàn thuế, chính phủ nên có những biện pháp khác trong vấn đề nghỉ hậu sản (maternity leave) thì tốt hơn.

Tổng công đoàn ACTU cũng tấn công chính sách này, cho rằng nó mang tính kỳ thị và là một thất bại đối với những phụ nữ phải đi làm.

Và theo công ty Rehame, công ty chuyên theo dõi và phân tích phản ứng về những vấn đề thời sự nóng bỏng của dân chúng qua hệ thống thông tin, thì 64% số người gọi đến các chương trình trực thoại (talkback) đã bày tỏ sự phẫn nộ với chính sách này.

Quý vị phụ nữ cho rằng chính sách này phản ảnh một quan niệm lỗi thời của thập niên 50 rằng phụ nữ phải ở nhà nuôi con và không nên đi làm. Thêm vào đó, những phụ nữ quyết định không sanh đẻ thêm nữa cũng chẳng được tí lợi lộc nào từ chính sách. Một số lớn cho rằng chính sách này sẽ giúp cho những người có lợi tức cao nhiều hơn những người có lợi tức thấp.

Tuy nhiên, tổng trưởng kinh tế, ông Peter Costello cho biết, việc những phụ huynh giàu có hơn sẽ được lợi nhiều hơn với chính sách này là một chuyện bình thường, bởi vì họ đóng thuế nhiều hơn.


ĐỐI LẬP: CHÍNH PHỦ NSW CẦN CÓ KẾ HOẠCH NGĂN NGỪA TỆ NẠN BẠO HÀNH TRONG TRƯỜNG HỌC

SYDNEY: Phe đối lập tại NSW đã lên tiếng kêu gọi chánh phủ Carr phải có một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn chận nạn bạo hành tại các trường công lập của tiểu bang, sau khi các con số liên quan đến vấn đề này được phổ biến hôm đầu tuần.

Theo các dữ kiện này thì trong sáu tháng đầu của năm nay, đã có hơn 10,300 vụ học sinh bị đuổi học ngắn hạn (suspensions) liên quan đến việc bạo hành. Nếu chiều hướng này tiếp tục cho cả niên học, thì tệ nạn này đã gia tăng 22% so với niên học trước.

Tuần trước, phe đối lập cũng đã phổ biến những dữ kiện cho thấy trong hai năm vừa qua, có 450 giáo viên bị học sinh hành hung.

Lãnh tụ đối lập tiểu bang, bà Kerry Chikarovski nói những con số này chứng minh rằng hiện nay, trong hệ thống giáo dục công lập có những vấn nạn nguy cấp cần được giải quyết thỏa đáng.

Bà nói: "Việc chúng ta có thể thấy được là xu hướng bạo hành ngày càng gia tăng tại học đường. Chúng ta đã thấy được sự gia tăng trong con số giáo viên bị hành hung, và bây giờ là những con số về chuyện đuổi học tạm thời. Chúng ta cần bộ trưởng giao dục cho biết ông đã có những kế hoạch gì về những trẻ em như thế trở lại trong hệ thống giáo dục. Bằng cách nào ông ta có thể xác định được chúng là những kẻ thích bạo hành, có xu hướng bạo động và ông ta sẽ làm gì với chúng"

TT DI TRÚ CAN THIỆP CẤP CHIẾU KHÁN NHẬP CẢNH CHO CHA MỘT ĐẢNG VIÊN TỰ DO

SYDNEY: Theo một bản tin đăng tải trên trang nhất của tờ Sydney Morning Herald (SMH) hôm 30/10 vừa qua, thì TT Di trú Phillip Ruddock đã can thiệp với nhân viên bộ di trú về việc cấp chiếu khán nhập cảnh cho cha của một đảng viên đảng Tự Do, từng ra tranh cử ghế dân biểu tiểu bang NSW.

Được biết ông Samuel Baba, người Iraq, là cha của ông Bob Robertson, cựu nghị viên HĐTP Fairfield và từng là ứng cử viên cho đảng Tự Do ở đơn vị Smithfield trong hai kỳ tuyển cử tiểu bang năm 1995 và 1999.

Và vào năm 1998, ông đã được cấp chiếu khán du lịch mặc dù nhân viên bộ di trú đã khuyến cáo với văn phòng ông Ruddock rằng họ lo ngại ông Saba sẽ lợi dụng nó để xin thường trú tại Úc. Ông Saba sau đó đã được cấp chiếu khán vợ chồng và tư cách thường trú nhân.

Theo như tài liệu di trú mà tờ SMH đã thu thập được thì một nhân viên cao cấp của bộ Di trú đã nói rằng nếu không có sự can thiệp của văn phòng bộ trưởng thì ông ta đã không cấp chiếu khán cho ông Baba. Ông này cũng cho biết thêm rằng ông muốn áp đặt thêm điều kiện khi đến Úc ông Baba sẽ không được quyền xin chiếu khán vợ chồng hoặc xin thường trú tại Úc.

Và cũng theo hồ sơ này thì trường hợp của ông Baba đã được cứu xét một cách thuận lợi sau khi ông Robertson gặp ông Ruddock vào ngày 16/4/98.

Tiết lộ trên quả là một chấn động lớn trong thời điểm này, khi đang có một cuộc tranh cãi nóng hổi về vấn đề mà chính phủ Howard gọi là sự "lấn hàng" của những người xin tỵ nạn, và cũng là lúc mà chính phủ đang có chính sách vĩnh viễn xóa bỏ quyền đoàn tụ gia đình của những người tỵ nạn Iraq đến Úc bằng thuyền.

Sau khi nghe tin này, ông Ruddock thoạt đầu cho hay ông biết ông Robertson nhưng ông hoàn toàn không nhớ về trường hợp ông Baba bởi vì ông "được nhiều vụ nhờ cậy, và rất khó mà nhớ hết tất cả những lần người ta cậy nhờ". Thế nhưng ngày hôm sau, ông lại tuyên bố vì ông Baba đã được chấp thuận cho định cư tại Úc, việc giúp ông là một việc hợp lý.


THÈM LÀM TÌNH, QUÊN CẢ SỢ HÃI!!

NEWCASTLE: Hôm đầu tuần, tại tòa địa phương ở Newcastle, đã có một vụ án khá ly kỳ, có chút liên quan đến vấn đề bạo hành trong gia đình.

Nội vụ như sau: Leah White và Darren Fullerton là tình nhân, chung sống với nhau như vợ chồng trong vòng hai năm qua và cùng đứng tên mua một căn nhà. Thế rồi, đến 22/7 vừa qua, sau khi hai người không còn yêu nhau nữa thì cô White xin lệnh cấm hành hung tạm thời (Interim Apprehended Violence Order - AVO) để ngăn cản anh Fullerton trong việc hăm dọa hay đánh đập cô.

Đấy là vì cô cáo buộc rằng ngày đó, khi mỗi người tự dọn về một căn buồng riêng, thì anh Fullerton đã "xé hết quần áo treo trong tủ" của cô, quẳng các tập vở đại học của cô vào mặt cô, và có những hành vi đầy vẻ hăm dọa khiến cô sợ hãi và cô phải liên lạc với cảnh sát yêu cầu giúp đỡ và đã được khuyên phải xin một AVO.

Và cô đã có được lệnh tòa theo như ý muốn, với những điều kiện rằng anh Fullerton không được quyền hành hung cô cũng như không được đến gần cô trong vòng 12 giờ sau khi nhậu nhẹt.

Thế nhưng, hôm đầu tuần, tại tòa địa phương Newcastle, dưới sự thẩm vấn của luật sư biện hộ cho anh Fullerton, cô Leah White đã thú nhận rằng vào ngày 12/8, nghĩa là 3 tuần sau khi cô xin lệnh tòa vì "sợ" anh Fullerton, cô và anh đã có ăn nằm với nhau.

Bằng chứng cũng được đưa trước tòa rằng anh Fullerton, ngày 12/7, vì e ngại nếu ân ái với người tình cũ trong lúc bị lệnh AVO sẽ có những hậu quả không hay, cho nên đã yêu cầu cô White viết giấy chấp thuận. Và cô đã viết như sau: "Tôi thèm được làm tình và không bị ai ép buộc cả, và tôi khởi tác chuyện làm tình này".

Tuy nhiên cô khăng khăng phủ nhận chuyện đã xin AVO với dụng ý ép anh Fullerton phải dọn ra khỏi ngôi nhà mà cả hai cùng làm chủ.


CẢNH SÁT QUEENSLAND ĐIỀU TRA LÃNH TỤ ĐẢNG ONE NATION

BRISBANE: Cảnh sát Queensland đang điều tra xem bà Pauline Hanson, lãnh tụ đảng One Nation, có gửi số tiền lên đến dăm bảy ngàn Úc kim do ủng hộ viên gửi tặng đảng vào trương mục của đảng hay không.

Đội điều tra lường gạt của cảnh sát đã xin trát tòa đòi hai ngân hàng tại Ipswich phải giao nạp hồ sơ liên quan đến các trương mục này trong nỗ lực xác định tung tích của các số tiền thu nhập và chi tiêu của đảng One Nation.

Bà Hanson, dựa theo lời khuyên của luật sư, đã từ chối không cộng tác với cảnh sát điều tra và không cho họ biết rằng số tiền quyên góp đó có được chi tiêu hợp lệ hay không.

Hôm đầu tuần, bà đã từ chối không tiếp chuyện với giới truyền thông về vấn đề này mặc dầu trước đây bà đã cương quyết phủ nhận việc mình lạm dụng quỹ đảng. Bà đã từng tuyên bố rằng nguồn tin bà lạm dụng quỹ đảng được những kẻ thù chính trị của bà tung ra để nói xấu mà thôi.

Chủ tịch toàn quốc của đảng One Nation, ông Frank Hough, cho biết ông rất vững tin rằng bà Hanson không làm điều gì sai quấy cả. Ông nói: "Tôi đã có hỏi bà ta về vấn đề này và bà đã khá quả quyết. Tôi cảm thấy khá hài lòng rằng bà đã không xài tiền đó cho những mục đích riêng của bà".

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuộc điều tra đương thời tiếp nối cuộc điều tra trước đây sau khi Tòa Thượng Thẩm Queensland ra phán quyết năm 1999 rằng đảng One Nation đã được đăng ký một cách dối trá. Và kết quả của cuộc điều tra ấy là bà Hanson đã bị cáo buộc với tội đã thủ lợi một cách không thành thực từ vụ đăng ký và đã gian lận trong việc nhận tài trợ chính phủ cho cuộc vận động bầu cử. Bà sẽ phải ra tòa thẩm định về vụ này vào tháng 4/02.


CHÁY RỪNG TẠI NHIỀU NƠI TRÊN TOÀN NSW

SYDNEY: Hôm đầu tuần đã có nhiều vụ cháy rừng tại tiểu bang NSW, từ Kempsey qua Cessnock đến Blue Mountains.

Theo như nhân viên điều tra thì các vụ hỏa hoạn này đều do những kẻ phá hoại phóng hỏa. Nỗ lực dập tắt lửa gặp nhiều trở ngại do thời tiết khô nóng và gió lên đến hơn 60km/giờ.

Hơn 100 nhân viên cứu hỏa thiện nguyện thuộc Dịch Vụ Cứu Hỏa Thôn Quê đã phải tiếp sức với lính cứu hỏa thuộc Dịch Vụ Cứu Hỏa NSW để ngăn chận vụ hỏa hoạn tại Emu Heights và Glenbrook không lan tràn sang các khu dân cư.

Bốn chiếc trực thăng được dùng để tưới nước xuống ngọn lửa trong khi hơn 30 xe chữa lửa cũng cố dập tắt nó.

Tuy vậy, tại Emu Height, lửa vẫn cháy sát đến khu dân cư trên đường Walker. Và tại Glenbrook thì cư dân đường Bowaga đã được bảo phải chuẩn bị di tản khi thêm một ngọn lửa bùng cháy tại Mt. Riverview.


CẢNH SÁT NAM ÚC BỐ RÁP SÀO HUYỆT BĂNG DU ĐÃNG XE GẮN MÁY

ADELAIDE: Trong một chiến dịch quy mô càn quét sào huyệt của các băng đảng xe gắn máy tại Nam Úc hôm đầu tuần, cảnh sát đã đạt được thành quả khả quan.

Trên 140 cảnh sát viên trong chiến dịch Calypso đã bố ráp hơn 30 căn nhà và hai tiệm bán đồ trồng cây không cần đất (hydroponic) tại Adelaide, và câu lưu chín người vì đã dính líu đến ma túy cùng phạt vạ thêm bảy người khác và tịch thu 11 khẩu súng bất hợp pháp và nhiều cây dao. Thêm vào đó là một lượng ma túy đáng kể bao gồm 67 cây cần sa, 10 ký cần sa khô và một số lượng amphetamine, cocaine. Ngoài ra, cảnh sát còn tìm được nhiều bộ da thú nhồi bông như gấu, sư tử, nai và nhiều bộ da thú khác.

Nhà chức trách cho hay tất cả những ngôi nhà và các thương nghiệp bị bố ráp đều có liên hệ mật thiết với những băng đảng xe gắn máy hoạt động tại Nam Úc.

Phụ tá tổng tư lệnh cảnh sát, ông John White tuyên bố rằng cảnh sát sẽ tiếp tục "tấn công không ngừng nghỉ vào các tổ chức tội phạm". Ông nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mãi, cho đến khi nào họ tuân theo pháp luật thì thôi. Các băng đảng xe gắn máy phạm pháp sẽ ngày càng cảm thấy khó hoạt động tại tiểu bang này. Tất cả mọi nỗ lực của chúng tôi đều nhắm vào các hoạt động phi pháp chứ không nhằm chặn đứng các sinh hoạt hợp pháp".


HỌC TRÒ HƯ ĐỐN KHIẾN THẦY ĐỨNG TIM

BRISBANE: Cho đến thứ Ba 30/10/01 vừa qua, ông John Dale, hiệu phó trường tiểu học Jinbara phía bắc của Brisbane vẫn còn hôn mê bất tỉnh, và ở trong tình trạng nguy ngập. Và thủ phạm đã đưa ông đến tình trạng này là một cậu học trò 9 tuổi, hiện đang bị tạm đuổi học trong vòng 20 ngày, để chờ đợi cuộc điều tra của bộ giáo Dục Queensland về việc này.

Hôm đầu tuần, cậu bé lần đầu tiên tường thuật lại nội vụ giằng co đã khiến cho ông Dale bị đứng tim, ngất xỉu cho nhật báo Courier Mail.

Cậu cho biết hôm xảy ra sự việc, cậu bị đuổi ra khỏi lớp học vì đã bắn giây thun vào người một giáo viên. Cậu nói: "Nó văng ra khỏi tay em và bắn vào người thầy".

Sau đó, ông Dale, trong giờ chơi đến tìm cậu để bàn thảo về sự việc. Khi ông nắm lấy cánh tay cậu thì cậu vùng vẫy để giựt tay lại. Cậu nói: "Em đá thầy và ổng buông tay em ra, rồi ổng ngã nhào. Sau đó, em đi ra một góc, ngồi xuống, rồi bị rầy tơi bời hết, rồi thì bị đuổi về nhà".

Cha cậu đã lên tiếng bênh vực cho con mình và phủ nhận nguồn tin rằng cậu đã từng bị đuổi ra khỏi nhiều ngôi trường khác. Ông nói cậu có bị đuổi khỏi trường ở Gold Coast, nhưng đó là trước khi khám phá ra rằng cậu bị bệnh Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD). Ông cũng cho biết thêm tại trường Jinbara, cậu gặp ông Dale mỗi ngày trong chương trình giúp cậu kềm chế căn bệnh của mình.

Hiện giờ, cậu bé rất lo sợ, không dám ra khỏi nhà vì sợ bị cảnh sát bắt. Tuy nhiên, cảnh sát tại Văn Phòng Giúp Đỡ Thiếu Niên Deception Bay cho biết cậu sẽ không bị truy tố vì dưới 10 tuổi, tuổi luật định có trách nhiệm về những hành vi phạm pháp.


BIỂU TÌNH ĐÒI QUYỀN "CHUỔNG CỜI" NƠI CÔNG CỘNG

MELBOURNE: Cách đây ba tuần, tại Melbourne đã có một cảnh được quay phim rầm rộ và đưa vào tin tức nóng bỏng trong ngày, khắp nơi trên nước Úc. Đó là việc 4000 người đã khỏa thân trần như nhộng, tạo hành một cảnh kỳ thú cho nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ Spencer Tunick chụp ảnh, đưa vào bộ sưu tập đặc biệt của ông.

Thế rồi, cuối tuần qua, dựa theo những tiếng vang của việc này, đã có hai người đàn ông Melbourne, thuộc tổ chức Tự Do Quốc Tế (Freedom International), anh Tony Pitman và Andrew Sinclair, quyết định tổ chức một cuộc biểu tình không tiền khoáng hậu: họ kêu gọi mọi người hãy tham gia vào một buổi picnic khỏa thân tại Treasury Gardens, nhằm phản đối đạo luật cấm khỏa thân nơi công cộng của tiểu bang Victoria.

Theo đạo luật này thì chuyện khỏa thân nơi công cộng là một hành vi có tính công xúc tu sỉ, có thể bị phạt vạ hoặc phạt tù. Anh Pitman nói: "Khỏa thân là một chuyện vô hại, thế mà nó bị xem là một tội ác ở Victoria".

Tuy nhiên, mặc dù hai anh đã quảng cáo rầm rộ cho cuộc biểu tình, cuối cùng, ngoài ban tổ chức hai người, chỉ có thêm một người đàn ông nữa tham dự buổi picnic. Tiếc một điều, ông ta lại mặc quần lót!

XÀO XÁO TRONG NỘI BỘ ĐẢNG TỰ DO TASMANIA

HOBART: Ông Greg Barns, đảng viên đảng Tự Do và đồng thời là chủ tịch của Australian Republic Movement (Phong Trào Cộng Hòa Úc), đã lớn tiếng kết án một số đảng viên đảng Tự Do đang tổ chức một chiến dịch bêu xấu ông từ khi ông lên tiếng sẽ ra tranh quyền đại diện đảng để ứng cử cho đơn vị Denison trong kỳ bầu cử tiểu bang tới đây.

Ông Barns, 39 tuổi, đã chỉ trích kịch liệt cả thủ tướng Howard lẫn phe đối lập về vấn đề người tỵ nạn. Thêm vào đó, hôm cuối tuần qua, ông đã phát hành một thông cáo, trong đó, ông cho biết, ông là một đảng viên Tự Do, chứ không phải bảo thủ và ông tin tưởng rằng đảng Tự Do tại Tasmania, nếu muốn tồn tại, phải trở về lại với những giá trị mà đảng từng nắm giữ. Ông nói: "Khi nói giá trị của đảng Tự Do, tôi muốn nói đến vấn đề hài hòa, không chia rẽ phân biệt trong xã hội, đến tính bao dung vị tha, đến lòng từ bi trắc ẩn và sự ghi nhận rằng chính sách cần được bàn thảo một cách công khai và rộng rãi trong đảng".

Chủ tịch đảng Tự Do tại Tasmania, ông Richrad Colbeck, thủ lãnh đảng Tự Do đối lập, ông Bob Cheek, và người cũng sẽ tranh quyền đại diện tại đơn vị Denison, ông Steve Mav đều lên tiếng chỉ trích ông Barns về việc ông lên tiếng kết án người đồng đảng trong thời điểm này.

Ông Colbeck nói: "Tất cả mọi người nên chuyên chú vào cuộc tổng tuyển cử liên bang sắp tới đây. Tranh cãi trong lúc sắp có cuộc tổng tuyển cử là một điều không tốt".

Ông Mav thì tuyên bố rằng các lời phát biểu của ông Barns chẳng giúp ích gì cả. Ông nói: "Trong khi có những phần tử thời thượng trong giới truyền thông chỉ trích thủ tướng, đại đa số người Úc thầm lặng đã yểm trợ chính sách của đảng Tự Do trong việc ngăn chận thuyền nhân bất hợp pháp đến Úc".

HỌC SINH TRUNG HỌC MUỐN ĐƯỢC HUẤN NGHỆ SẼ PHẢI TRẢ THÊM NHIỀU LỆ PHÍ

MELBOURNE: Giới hiệu trưởng trung học Victoria cho rằng vào niên học tới, phụ huynh học sinh trung học tại tiểu bang này sẽ phải trả thêm hàng trăm đồng nếu con em họ muốn học các môn huấn nghệ tại các trường TAFE.

Theo quý vị hiệu trưởng này thì nhiều trường trung học sẽ bị áp lực để giảm thiểu hoặc ngưng cung cấp nhiều môn học vì các trường kỹ thuật TAFE dự tính sẽ tăng giá lệ phí cho các trường này lên đến 70% lệ phí hiện tại.

Các trường đang lo ngại rằng khả năng học sinh lấy bằng tú tài VCE qua cách học các môn huấn nghệ (VET) tại TAFE sẽ bị hạn hẹp lại vì sự gia tăng lệ phí này.

Một nhóm đặc nhiệm bao gồm nhân viên cao cấp của bộ Giáo Dục, của TAFE và đại diện các trường đang khẩn trương nghiên cứu cách giải quyết vấn nạn này.

Tuy nhiên, một phát ngôn nhân của bộ giáo dục cho biết việc phụ huynh trả lệ phí sẽ không thay đổi cho một số rất lớn các môn VET. Ông cũng cho biết thêm chính phủ tiểu bang đã tăng trợ cấp cho các môn VET thêm 60%, với tổng số ngân khoản là $4,7 triệu, trong khi đó, chính phủ liên bang lại cắt giảm ngân khoản phần họ.

Các trường TAFE dự trù tăng lệ phí từ các trường trung học lên ngang hàng với lệ phí từ các công ty tư nhân muốn gởi nhân viên đi huấn nghệ. Ông Richard King, tổng giám đốc Hiệp Hội Trường TAFE Victoria, cho biết: "Chúng tôi chỉ muốn được trả cùng một số tiền để huấn nghệ cho một học sinh hoặc cho bất kỳ ai khác tại tiểu bang này".

Rất nhiều hiệu trưởng cho biết những môn VET này rất tốt trong vấn đề giữ học sinh lại học đường và giúp các em tìm được việc làm, tuy nhiên, họ cũng cho biết rằng sự khác biệt quá lớn giữa trợ cấp mà trường nhận được (cho những môn VET này) và lệ phí trường TAFE dự tính đòi hỏi sẽ khiến cho họ ngại ngần trong việc yêu cầu phụ huynh phải trả thêm nữa.

HỌC SINH TRUNG HỌC TẠO KỶ LỤC THẾ GIỚI

Sau một cuộc viếng thăm Nam Dương của 14 học sinh và 4 giáo viên của trường Mercedes College hồi cuối tháng 7 vừa qua, các em học sinh của trường quyết định vạch kế hoạch nhằm giúp đỡ cho Dự Án Chống Nghèo tại Đông Ba Li.

Và cuối tuần qua, các em đã gây quỹ bằng một phương pháp thật hứng thú và đồng thời tạo thêm kỷ lục thế giới. Các em đã xào một đĩa mì khổng lồ lớn nhất thế giới.

54 em học sinh, dưới sự hướng dẫn của chủ nhân nhà hàng Pondok Bali tại Adelaide, đã miệt mài xào nấu 150 quả trứng, 3 ký tỏi và 187 gói mì khô ăn liền Mie Goreng trên một chảo nóng dài 10 thước trên sân trường, trong dịp hội xuân thường niên của trường. Kết quả là một đĩa mì xào vĩ đại 225 ký.

Tất cả mọi ghi nhận về diễn tiến của công việc sẽ được gởi đến cho Guinness Book Of Records để kiểm chứng, sau khi tổ chức này đã chấp thuận đề nghị của trường rằng đề mục Dĩa Mì Lớn Nhất Thế Giới được tính vào trong sổ kỷ lục.

Bà Janet Bartold, giáo viên ngôn ngữ Nam Dương cho biết: "Chúng tôi phải cân tất cả mọi thứ, ghi chép hết mọi việc, chúng tôi có quay băng thâu lại tất cả diễn tiến và sẽ gửi tất cả hồ sơ này đi".

Đĩa mì khổng lồ này sau đó đã được chia ra làm 400 phần ăn và bán với gia là $4 một phần. Tất cả số tiền thâu được sẽ được gởi đến Dự Án Chống Nghèo.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRẺ EM PHẢI NẰM BỆNH VIỆN CÓ NGUY CƠ BỊ SUY GIẢM

BRISBANE: Giới giáo chức cùng giới phục vụ y tế tại Queensland vừa lên tiếng báo động về nguy cơ các lớp học dành cho trẻ em phải nằm bệnh viện đang có nguy cơ bị giảm thiểu do đề nghị giới hạn dịch vụ này.

Theo một bản thảo về chính sách do bộ Giáo Dục Queensland soạn thảo, các em thiếu nhi phải nằm bệnh viện ít hơn năm ngày sẽ không được tham gia các lớp học này.

Phối hợp viên của tổ chức Association for the Welfare of Child Health, cô Linda Shields cho biết đề nghị trên gây nguy hiểm cho những lớp học tại các bệnh viện miền quê bởi vì các lớp này phần lớn dạy dỗ cho những em vào nằm bệnh viện trong thời gian ngắn hạn.

Một trong những đề nghị thay đổi khác của bản thảo chính sách này là sự giới hạn quyền theo học các lớp tại bệnh viện của những em thiếu nhi có anh chị em hoặc người thân phải nằm bệnh viện lâu ngày. Theo bản thảo đề nghị, thì thay vì được quyền tự do theo học các lớp này cho đến khi người thân xuất viện, những thiếu nhi ở trong tình trạng này sẽ chỉ được theo học tối đa 15 ngày, rồi sau đó phải ghi danh theo học tại một trường địa phương gần bệnh viện.

Bà Denise Nasser, một phụ nữ có bốn con đã lên tiếng cho rằng đề nghi ấy sẽ tạo thêm áp lực kinh khủng đối với những gia đình vốn đang trong cơn bối rối vô cùng, như gia đình bà. Gia đình bà đã phải lên Brisbane, từ Rockhampton, để chữa trị bệnh hoại huyết cho chồng bà, và ba đứa con bà trong lứa tuổi học sinh, đã theo học tại các lớp trong nhà thương từ tháng 7 đến nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.