Hôm nay,  

Chính Trường Việt Nam Trước Đại Hội Đảng: Ai Nắm Quyền, Ai Hạ Bệ?

15/04/200600:00:00(Xem: 5662)
LTS: Trong lúc Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ đến Hà Nội và Tổng Thống Bush sẽ đi Việt Nam vào cuối năm nay, báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông nhận định về những biến đổi có thể xảy ra tại Việt Nam. (VietUSA News)

Muốn biết về tình hình chính trường Việt Nam - như ai đi ai ở, ai lãnh đạo ai hưu trí, ai nâng cấp ai hạ bệ thì chỉ có thể căn cứ vào lời đồn đoán và suy luận dựa trên những thông tin không được xác nhận. Hệt như dưới thời chiến tranh lạnh, các phân tích gia Phương Tây chỉ còn cách dựa vào những chi tiết nhỏ như gỡ bỏ hình của một lãnh tụ, sắp xếp lại thứ tự ghế ngồi, vị trí đứng của từng người tại buổi lễ Lao Động 1 tháng Năm để mò đoán chuyện lớn của chính trường Sô-Viết.

Cũng vậy, mỗi 5 năm một lần, các doanh thương, giới ngoại giao và học giả trong và ngoài nước lại chăm chú theo dõi giới lãnh đạo VN kín đáo chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra trước Đại Hội Đảng. (ghi chú: ngày Đại Hội chỉ là công bố việc chọn lựa đã xong.) Một biến chuyển phía sau hậu trường khó quên nhứt liên quan đến khoa học gia nguyên tử Nguyễn Đình Tú. Năm 1996 ông được bầu vào Bộ Chính Trị, nhưng khi được thông báo về chức vụ cao cấp này, ông ngất xỉu và chết hai ngày trước khi biểu quyết.

Vì bí mật vẫn bao phủ quanh các nhân vật đang và sẽ nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong đảng và chính quyền nên việc chuẩn bị cho ngày đại hội tuy rầm rộ bên ngoài nhưng chẳng ai biết được bên trong hậu trường sự tranh giành căng tới mức độ nào.

Thủ tướng hiện nay là Phan Văn Khải, 72 tuổi, đã ngồi trong chức vụ này từ 1997 và chắc sẽ rút khỏi chính trường. Nhưng ai sẽ thay ông không chỉ gợi sự tò mò mà người nắm chức thủ tướng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của Việt Nam.

Với dân số hơn 82 triệu – đứng hàng thứ hai sau Indonesia, Việt Nam cần phát triển mạnh về mặt kinh tế để không bị tụt hậu với các quốc gia trong vùng. Việt Nam có khoảng 60% dân số dưới 30 tuổi do đó có nhu cầu lớn về công ăn việc làm và nhiều người kỳ vọng cả vào vị trí tốt trong xã hội, trong phú túc và trong cả chính trường.

Được đào tạo tại Liên Sô, ông Khải, một kinh tế gia chuyển thành nhà cải cách, đã đóng vai trò lớn trong công cuộc đổi mới. Sau những đấu tranh ý thức hệ với nhóm chủ trương cứng rắn và những bước khởi đầu ngập ngừng, kế hoạch đổi mới đang mang lại kết quả tốt. Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhứt từ trước đến nay với tỉ lệ 8.4%, trong khi đầu tư trong nước lẫn từ nước ngoài đều gia tăng, và niềm tin của người dân được củng cố. Ngay cả thị trường chứng khoán ít oi cũng được giới đầu tư Việt Nam và nước ngoài quan tâm theo dõi.

Tầm nhìn của ông Khải vào tương lai thật rõ ràng khi phát biểu rằng Việt Nam phải nỗ lực vươn lên và cải cách triệt để. “Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp vào năm 2010,” ông nói.

Người tiền nhiệm, ông Võ Văn Kiệt cũng là một đồng chí gốc Nam Bộ, lại thẳng thừng hơn. Trả lời một cuộc phỏng vấn với một tờ báo chuyên đề kinh tế, ông Kiệt lưu ý về tính tự mãn.

“Tiến trình đổi mới từ 20 năm qua là một bước tiến bộ nhưng tôi nghĩ rằng không thể hài lòng với những kết quả đó,” ông nói với báo Đầu Tư.

Nhân vật tương đối trẻ, Nguyễn Tấn Dũng, được xem là người có thể thay Khải trong việc quản lý nhà nước. Ông Dũng, 55 tuổi, có chân trong Bộ Chính Trị, từng nắm giữ chức phó bộ trưởng nội vụ, bộ phận cực kỳ quan yếu trong chế độ cộng sản, và hiện là phó thủ tướng.

Gốc rễ từ Cà Mau, ông Dũng được xem là có nhiều uy tín bên trong đảng cũng như là một nhà cải cách có tiếng dưới quyền ông Khải. Ông Dũng chịu trách nhiệm trong hai lĩnh vực kinh tế và nội vụ và đã nằm giữ chức quyền chủ tịch ngân hàng nhà nước trong suốt thời kỳ Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Nếu ông Dũng bị gạt, người ta sẽ nhìn sang Vũ Khoan, một phó thủ tướng trong nội các của Khải. Từng nắm ngành ngoại giao và thương mại, ông là nhân vật được kính trọng. Ở độ tuổi ngoài 60, Vũ Khoan không còn trẻ nhưng được xem là một nhà lãnh đạo chính trực trong lúc hệ thống hành chánh Việt Nam chìm ngập trong tham ô và lãng phí.

Cho dù ai thay ông Khải, thì nhân vật đó cũng không nắm hết quyền bính. Việt Nam xưa nay vẫn do tập thể chỉ huy. Những người cao niên trong đảng đều tìm cách chia xẻ quyền lực dựa trên nhiều yếu tố: Người Nam Bộ phải cân bằng với đảng viên người miền Bắc, người bảo thủ và người cải cách, quân đội và công an.

Trên nguyên tắc, người nhiều quyền nhứt là tổng bí thư đảng hiện do Nông Đức Mạnh, 65 tuổi nắm giữ. Được đào tạo ở Nga, ông Mạnh thăng tiến trong sự đồng thuận tương đối. Ông nắm đảng trong lúc Việt Nam đi vào thời đại thực tiễn. Lời đồn đãi cho rằng ông là con ngoại hôn của lãnh tụ Hồ Chí Minh khiến ông được nhiều cảm tình ở trong nước.

Trần Đức Lương, hiện nắm chức chủ tịch nước, và chức vụ nghi lễ này chắc sẽ không thay đổi. Những tên tuổi khác có chủ trương tiến bộ cũng được nhắc tới còn có Nguyễn Minh Triết, nắm giữ đảng bộ tại TP/Hồ Chí Minh, Nguyễn Vạn An, chủ tịch Quốc Hội.

Ông Triết, người đứng đằng sau những thành quả kinh tế của TP/HCM và ông An, người đóng góp nhiều vào việc biến đổi sinh hoạt quốc hội bù nhìn từ việc chỉ biết “gật đầu thuận” thành một cơ chế có ý nghĩa.

Chọn người sạch và tài giỏi để điều khiển đất nước là những yếu tố quan trọng nhứt mà đảng CSVN đang cân nhắc trong lúc vẫn muốn xiết chặt quyền lực.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.