Hôm nay,  

Chú Tiểu Chùa Báo Quốc

22/01/200400:00:00(Xem: 4866)
  • Tác giả :
Bài viết này dành cho những người Việt Nam có dịp đi ra nước ngoài, kể lại một trong muôn vàn chuyện thật ở Việt Nam mà do sống lâu năm trong nước, bạn không nhìn ra.Nó giống như khi sống lâu năm với một cái gì, dù xấu hay tốt, thì mình cũng quen đi, không nhìn rõ bản lai diện mục của điều ấy.Nó giống như đồng bào mình ở đồng bằng sông Cửu Long, đã quen ‘sống chung với lũ’, chứ không nghĩ đến nguyên nhân, và phương cách khắc phục lũ.
Nó giống như đồng bào mình ở Huế, bây giờ quen nói ‘chừ nước sông Hương đục ngầu en nợ’, chứ không nghĩ đến nguyên nhân làm nước sông Hương thôi trong.
Nó giống như những người ngày ngày đi qua Văn Thánh Huế, nơi có bia tiến sĩ của triều đình Huế, đã quen với cảnh cửa đóng then gài và hoang tàn đổ nát, không thấy đau lòng phế tích.
Nó giống như bạn nhìn không ra, vì không biết, cách Văn Thánh nửa cây số là chùa Linh Mụ, nơi mà có dịp đến Huế ai cũng đi. Nhưng không biết đi sâu ra sau tháp bảy tầng, tận phía sau, đi qua một nghĩa trang, là chùa Phước Duyên, nơi đó Thượng tọa Thích Thái Hòa không được bước ra khỏi khuôn viên chùa bé nhỏ.
Nó giống như Huế cuối năm lúc nào cũng mưa, bạn đã quen rồi. Ừ thì Huế, câu chuyện này xảy ra ở Huế lúc cả nước đang bừng lên vì hãnh diện được tổ chức Seagames.
***
Từ bên này đèo Hải Vân, Nam Ô,mưa đã tầm tả. Lên đến đỉnh sương mù sà thấp che tầm nhìn xuống biển. Rồi cứ lai rai, ì ì, và liu riu mưa cho đến Huế. Cũng không lạ cơm mưa cuối năm ở thành phố nổi tiếng nhiều thứ này, trong đó có mưa, và Phật giáo.
Mấy ngày này, báo và ti vi liên tục phát thông báo của Nhà nước phản kháng Nghị quyết HR 427 của Mỹ và nghị quyết của Nghị viện châu Âu về tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Tuyên bố bác bỏ hai ‘nghị quyết sai trái’ này đưa ra khi Quốc hội đang họp, truyền hình trực tiếp chiếu một tu sĩ Phật giáo, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế, đứng giữa Ba Đình ca ngợi tự do tôn giáo ở Việt Nam (mà ông là một bằng chứng... sống và động vì ông là thầy tu nhưng vẫn được nghênh ngang đứng giữa hội trường Ba Đình).
Tôi thật sự nghi ngờ không biết đó có phải là biểu hiện của nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc hay không. Rằng khi sống lâu năm với dối trá và sự hung dữ thì con người, thường thường là, không biết ngượng. Nếu bạn từng tự hào mình là một dân tộc có lịch sử mấy ngàn năm, tự hào là bất chấp những khó khăn ‘khách quan’ nhưng kinh tế mỗi năm cứ tăng trưởng đều đều và đều đều, thì không chừng bạn thuộc vào thành phần không biết ngượng. Nghĩa là bạn cũng như bà Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cực kỳ hớn hở bắt tay Bộ trưởng Mã lai sau khi ký Bản ghi nhớ xuất khẩu lao động qua xứ Mã. Bạn có thấy tím mặt thay bà Bộ trướng vì xấu hổ không, khi mình phải xuất người qua một nước Đông Nam Á, ăn xin cái nước ‘ăn bốc’ mà người Việt mình vẫn có truyền thống coi thường.
Cho nên khi mà ‘mặt sao dày dạn gió sương’đã lên tới hàng Trung ương Ủy viên, thì cũng nên thông cảm với vị thầy tu chân yếu tay mềm. Tôi thật sự tin ‘ổng’ biết mình đang phạm giới ‘vọng ngữ’ và ‘báng Tăng khinh Phật’ khi đứng giữa Ba Đình lên án ‘anh em’ đồng đạo, ‘ổng’ không làm gì khác được và cuối ngày, không chừng sẽ lâm râm đọc kinh sám hối. Nhưng quan trọng nhất là ông muốn được càng nhiều người càng tốt, tin rằng ông là một người nói dối. Cả người nói và người nghe đều biết rằng những gì mình phát ra là dối trá, những gì mình nghe được cũng là dối trá, sống chung với nhau như thế riết rồi người ta cũng quen đi, giống như quen sống chung với lũ.
Cái ồn ào nơi hội trường Ba Đình, sự náo động của Sài Gòn Đà Nẵng lịm đi khi chân bước dưới con mưa dầm của Huế. Quả thật nếu là tâm trạng của du khách thì Huế có một vẻ quyến rủ dịu dàng. Thành nội trầm trầm u uẩn. Những dòng người đạp xe thong thả. Những hàng cây im im dưới bầu trời xam xám chợt như lừng khừng mỏi mệt và rả rời từ lâu lắm rồi. Huế không có gì lạ nơi những con đường nhỏ, rất nhỏ, rất đìu hiu ở khu Gia Hội dù đã có thêm một cây cầu lớn vượt chợ Dinh bắt qua sông Hương đến tận ngõ vào làng An Truyền. Huế với con đường cong nhỏ lượn theo sông Hương từ cầu Bạch Hổ lên Linh Mụ, qua Văn Thánh, đến Huyền Không tự trong leo loét ánh đèn và những vũng nước ổ voi trước những cổng tam quan cũ kỹ của những phủ vương hầu khanh tướng. Huế buồn muôn thưở, cái buồn im lặng đến não lòng.
Nhờ lạc đường tôi đến chùa Trúc Lâm trong sáng sớm. Trước con đường chính đạo dẫn vào chùa là một hồ rau muống rộng, uốn cong theo thế đất xây chùa, trên hồ có cái cầu gỗ nhỏ vừa một người đi bắt ngang. Trên mặt hồ bên trái, các thầy đặt một tôn tượng Thích Ca khoác y vàng đứng trên một bệ tròn nổi cao hơn mặt nước chừng nửa thước. Đức Phật cúi xuống dìu đỡ một đệ tử đang quỳ gối, đầu ngẩng lên cung kính van xin. Trước màu xanh của những hàng thông xa xa trên đồi, giữa nước hồ, giữa những màu xanh của những chiếc lá rau nho nhỏ, màu áo vàng bật lên ấm áp và sống động, một nơi yên bình giữa một thành phố yên bình, không một tiếng động, không một bóng người, không một chủ tiểu, không tiếng tụng kinh, của chùa đóng, thấp thoáng những bảo tháp và bia đá ghi công đức của các thầy trụ trì. Một ngôi chùa được ghi trong bản đồ du lịch. Im lặng quá. Dưới một cụm thông cao sửng, trên một bệ thờ cao, tượng đức Phật nhập Niết bàn nằm nghiêng, ngó xuống những phần mộ lành lạnh.
Mãi tối hôm đó gặp một Phật tử thường xuyên ở một ngôi chùa khác nói, tôi mới biết Trúc Lâm đang nằm trong tầm ngắm của công an. “Mô có ai tới đó”, người Phật tử đã trọng tuổi nói. Lúc ở đó, tôi thật sự không có cái cảm giác bị ai theo dõi mặc dù vẫn cảnh giác vì tình hình Phật giáo ở Huế, thật sự đang có một sự sôi động trong cái bề ngoài yên ả. Tôi cứ nhẩn nha đọc hết các bi ký ghi lịch sử ngôi chùa, công đức của các thầy trụ trì đã tạ thế,hay nhất là tấm bia ghi đầy đủ công đức của Đức Tăng thống với dòng chữ lớn “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, giáo hội mà theo đúng ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam, là “hiện nay chỉ là tập hợp của một nhóm người nuôi dưỡng những động cơ chính trị, chống lại lợi ích dân tộc và thể hiện tham vọng cá nhân. Họ ngang nhiên vi phạm pháp luật hòng gây đối đầu, chia rẽ tín đồ Phật giáo và do đó những người này hoàn toàn bị cô lập trong lòng cộng đồng Phật giáo và cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Tuổi Trẻ 26.11.2003).
“Một nhóm người” thì không thể “thể hiện tham vọng cá nhân”. Hai cụm từ mâu thuẫn và chỉ chứng tỏ một sự lúng túng của chính quyền trong việc kết tội. Họ cố gắng đưa cộng đồng dân tộc nằm trong và nằm chung với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (dựng lên từ năm 1981), và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là một nhóm người... cá nhân. Đó là một lối lý luận không biết ngượng (giống như bộ mặt hớn hở của bà Bộ trưởng xin được xuất người qua Mã lai), cho nên tội nghiệp. Điểm đáng khen trong lời buộc tội trích dẫn ở trên, là chính quyền nhấn mạnh chữ “hiện nay”, nghĩa là không thể và không cách nào phủ nhận GHPGVNTN trước nay, ít nhất cũng là trước năm 1981 khi bộ Chính trị quyết ra tay ‘thống nhất’ Phật giáo theo kiểu đưa súng đạn vào để thống nhất Việt Nam.

Nhưng càng dối trá càng sơ hở. Nếu đã bảo chỉ có “GHPGVNTN hiện nay” mới là một nhóm người đầu cơ chính trị, thì đương nhiên trước đó ‘cái nhóm người đó’ không phải như thế. Tức là chỉ sau khi họ bị khai tử họ mới thành ‘hiện nay’. Nhưng GHPGVNTN chưa bao giờ tự khai tử. Như các tôn giáo khác, Phật giáo kiêng... tự sát! Coi đó như một phương cách trốn nghiệp ngu xuẩn, một cách chạy trốn chính cái bóng ngã của mình.
Nhưng sẽ lầm lẫn hơn nữa nếu cứ loanh quanh phân biệt giữa hai tổ chức có và không có chữ ‘thống nhất’. Tôi phải nói kỹ kỹ một chút chỗ này vì chắc bạn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa hai giáo hội.
Trên tất cả, không phải GHPGVNTN là một thực thể đối lập với với Giáo hội Phật giáo Việt Nam bởi vì tổ chức nào dù lớn cách mấy cũng không bao giờ đại diện hết tất cả. Ngay cả cái tổ chức duy nhất thể hiện ‘ý chí và nguyện vọng của nhân dân’ cũng không phải đại diện cho cả nước nếu bạn tổ chức được một cuộc thăm dò dư luận khách quan như kiểu các công ty thăm dò thị trường trước khi tung ra ‘hàng Việt Nam chất lượng cao’.
Vậy thì, những loay hoay so sánh giữa một bên là GHPGVNTN, và một bên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không có chữ ‘thống nhất’ tức tổ chức do chính quyền dựng đại ra), chỉ khiến cho tình hình đàn áp thực sự về tôn giáo, và Phật giáo, ở Việt Nam bị thu hẹp. Nhà nước độc tài, và cả những người chống độc tài, sẽ bị đánh lạc hướng nếu đồng hoá GHPGVNTN là Phật giáo đồ Việt Nam, chứ không phải là đại diện của tổ chức tự nguyện. Sự thật là, có hay không có GHPGVNTN hiện nay thì Phật tử ở Việt Nam vẫn đang bị đàn áp tinh vi và nghiêm trọng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do đó, là một biểu tượng cho những Phật tử đang bị hành hạ và hành hung. Người Phật tử luôn chống cái ác, cho nên khi chống lại cường quyền, chống lại những cô lập bằng bạo lực, chống lại những đe dọa tinh thần, thì không phải vì họ là người của GHPGVNTN. Mà là sự cần thiết phải đứng chung trong một tổ chức tự nguyện để tạo sức mạnh cho dự án chung dễ thành công hơn.
Nhiều Phật tử ở Huế cũng bị đánh lạc hướng dưới mưa tuyên truyền của chính quyền. Khi nói đến những ngôi chùa bị theo dõi, khi nhắc tên các thầy bị đàn áp, thì họ nói một cách đơn giản là do ‘các chùa đó không thuộc giáo hội’, quên mất cái cốt tủy là không phải ngôi chùa đó, không phải chỉ riêng các thầy đó, mà là Phật giáo bị đàn áp, tôn giáo bị đàn áp.
Sự đàn áp ấy, dù tinh vi đến đâu, vẫn thấy được.
Khi quyết định đi đến chùa Báo Quốc, không phải tôi chỉ muốn coi ‘chính quyền hành các thầy’ ra sao, mà thực ra muốn chia sẻ một cách nào đấy với Hoà thượng Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Báo Quốc, và các thầy khác, đang bị cô lập trong đó. Đó là một ý tưởng lãng mạn bởi tôi chẳng muốn vào... ở chung với các thầy. Tôi cũng không đủ can đảm để tuyệt thực như thầy trụ trì.Tôi chỉ có một lời nói thầm, một lời nguyện, tự thâm tâm phát lên thật mạnh mẽ: Con xin đứng ngoài cửa chùa, cung kính đảnh lễ các thầy. Con kính lạy thập phương chư Phật gia thêm sức mạnh cho các thầy.
Tôi ăn mặc như một ‘Tây ba-lô’, máy ảnh cầm tay, lò mò đến cổng Báo Quốc. Từ ngã ba của con đường đất rẽ vào chùa, có mấy anh xe ôm nhìn nhìn, cất tiếng mời. Tôi biết các anh xe ôm ấy đang nhìn theo khi tôi đứng dưới các bậc thềm cấp, ngẫng đầu lên nhìn cổng tam quan rêu phong, cũ kỹ. Một chú tiểu tóc để chỏm, mặc bộ áo lam, đang cầm chủi rành quét thềm cấp trước cổng. Tôi bấm hàng loạt pô ảnh, rồi lửng thửng vừa đi vừa ngắm cảnh, bước qua cổng phụ. Trước sân, có ba đứa trẻ đang chơi nhảy lò cò. Dãy nhà bên phải, mấy năm trước tôi ghé qua nghe tiếng niệm Phật vang lên trước giờ học pháp của các thầy, bây giờ cửa đóng then gài, vắng ngăn ngắt. Chính điện đóng cửa, nhưng ngay trướccánh cửa đóng, có một cô gái độ trên hai mươi đang ngồi dựa lưng vô tường, cúi đầu đọc sách. Tôi chỉ hơi nghi đó là một công an chìm, nhưng thấy cô chỉ ngẩng đầu lên nhìn rất nhanh, rồi lại cúi xuống, thỉnh thoảng mới ngừng đọc, ngửng đầu lên, rồi lại cúi xuống trang sách. Cô ta không phản ứng gì, và tôi hơi yên tâm, từ từ tạt qua mé trái, bước sấn vào hông chùa.
Liền lập tức, từ khuôn viên nhỏ thờ Phật Quán Âm phía trái chánh điện, xuất hiện một thanh niên. Anh ta có vẻ hơi bất ngờ khi thấy có người lạ xuất hiện. Tôi thoáng thấy anh ta dợm đứng lên rất nhanh, xong ngồi ngay xuống, lật một tập vở học trò ra, nhưng rõ ràng là ánh mắt bám sát từng cử chỉ của người mới đến. Cái vẻ lúng túng của anh ta khi thấy tôi vẫn cứ tiến sâu váo hông chùa cho thấy đó là một công an chìm hạng xoàng, và rất dễ để kết luận đó là một công an chìm vì tôi đi đủ gần để thấy tập vở của anh ta chỉ toàn giấy trắng. Anh ta cúi xuống đọc... giấy trắng! Phía bên trái tôi, nếu kéo một đường thẳng từ gã công an này, khuất sau một tấm bia, và trên thành mộ, một cô gái cũng đang ngồi đọc... giấy trắng. Vô hình chung tôi đứng giữa hai cớm chìm. Cả hai người đều ngửng lên nhìn, rồi cúi xuống. Tôi đến đủ gần để thấy mắt họ lúng túng dò xét. Tôi mỉm cười với anh ta, nhưng anh ta không cười mà cúi xuống tập giấy trắng. Tôi bấm vài pô ảnh cho có, thoáng thấy bóng một vị thầy mặt áo lam sau hậu liêu. Đúng lúc đó, nơi chỗ cô gái mà tôi gặp đầu tiên ngồi ở cửa chánh điện, xuất hiện thêm hai người nữa, không biết từ đâu. Rõ ràng họ đã được báo động một cách nào đó. Và bây giờ họ có tất cả năm người, khéo làm sao lại ngồi tuy cách nhau vài thước, nhưng lại vừa một hàng ngang thẳng tắp nếu kéo một đường thẳng từ cửa chánh điện sang bên trái.
Tôi bấm thêm vài pô ảnh, từ từ lui ra. Ba đứa trẻ chơi lò cò trước sân đã biến đâu mất. Có thể chúng là người đi báo tin cho hai người mới đến tiếp viện nơi cửa chánh điện.
Ra tới ngoài cổng, chú tiểu vẫn đang quét lá. Nếu không có cái cảm giác căng thẳng thì đúng là một hình ảnh đẹp theo kiểu truyền thống. Cán chổi cao quá đầu, chú đứng nghiêng nghiết quét lá, không nhìn ai, đôi mắt chú thật buồn.
Nếu bạn là người hãnh diện với đất nước mình, bạn có ngượng không khi nghe chủ tịch Quốc hội tuyên bố không có áp bức tôn giáo, và nơi chùa Báo Quốc có những công an thường phục ngồi canh.
Tôi ngượng cho ông chủ tịch.
Tôi ngượng cho đất nước mình.
Và tôi tin rằng khi bạn bước ra khỏi nước, dù chỉ là vài ngày trong một chuyến du lịch trọn gói, nhìn thấy xe cộ lao xao nơi xứ người, nhìn thấy những thương nhân tất bật lo toan nơi những khách sạn ‘chất lượng cao’, bạn sẽ không thể tin nổi là tại sao có một nơi gọi là Việt Nam, nơi mà vài ngày nữa bạn sẽ trở về, lại có những cổng chùa im vắng não lòng.
Tôi chúc bạn có một nỗi buồn như đôi mắt chú tiểu chùa Báo Quốc.
LKM
30.11.2003
(http://www.phattuvietnam.org/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.