Hôm nay,  

Cuối Tháng 4/75 Với Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Vnch

30/04/200000:00:00(Xem: 13039)
Các biến cố chính trị, quân sự xảy ra dồn dập, hoàn toàn bất lợi cho Miền Nam. Thủ Tướng Chánh Phủ từ chức. Nội các mới thành lập. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân, Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, được đề cử thay thế Dược sĩ Ngô Khắc Tỉnh trong chức vụ Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên. Từ sau khi Tổng Nha Thanh Niên được sáp nhập vào Bộ Giáo Dục và sau khi Ông Quốc Vụ Khanh Mai Thọ Truyền qua đời, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa cũng được sáp nhập vào Bộ Giáo Dục, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã trở thành Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, một Bộ lớn, đông nhân viên, nhưng kém thế lực và nghèo nhứt trong các Bộ. Chỉ cần tháp tùng Ông Tổng Trưởng ra Quốc Hội hàng năm để điều trần về Ngân sách thì thấy rõ diều nầy.

Buổi Lễ Bàn Giao cuối cùng chức vụ Tổng Trưởng đã được diễn ra tại trụ sở của Bộ ở đường Lê Thánh Tôn một cách đơn giản và nhanh chóng trước ngày 30-4-75 chỉ vỏn vẹn có hai tuần lễ! Sau đó Ông Tân Tổng Trưởng đã vội vàng ra xe đi họp Hội Đồng Nội Các.

Kể từ năm 1973, do đề nghị của Đoàn Phân Tích Quản Trị, và nằm trong khuôn khổ của kế hoạch cải tổ cơ cấu tổng quát, chức vụ Đổng Lý Văn Phòng được bãi bỏ, ĐLVP Nguyễn Xuân Huệ được điều động sang phục vụ Tổ chức Unesco Việt Nam tại Paris. Bộ Giáo Dục được điều khiển bởi một Tổng Trưởng và một Thứ Trưởng và được chia ra làm ba Khối: Khối Hành Chánh Tài Chánh do Tổng Thư ký Nguyễn Long Châu điều hành, Khối Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục do Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng Nguyễn Thanh Liêm điều hành và Khối Nghiên Cứu và Phát Triển Giáo Dục do PTĐBTT Phạm Hữu Hiệp điều hành. Trong đợt cải tổ nhân sự cuối cùng nầy, Tổng Thư Ký Nguyễn Long Châu được đề cử làm Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng và Nguyễn Văn Bon được cử làm Tổng Thư Ký thế Nguyễn long Châu. PTĐBTT Nguyễn Thanh Liêm thăng chức Thứ Trưởng thay thế Giáo sư Bùi Xuân Bào trở về làm Khoa Trưởng Dại Học Văn Khoa. PTĐBTT Phạm Hữu Hiệp vì đang cầm đầu Phái đoàn dự Hội Nghị Unesco tại Paris nên chưa thấy đề cập đến. Đại loại các chức vụ quan trọng tạm thời là như thế còn các chức vụ từ Giám Đốc, Thanh Tra, Chánh sở chưa thấy nói đến, có lẽ vì chưa kịp xét đến, công việc điều hành thì tạm thời vẫn như cũ, chưa thấy chỉ thị gì mới.

Riêng Ông Tân Tổng Trưởng Nguyễn Duy Xuân và tôi thì trước đây, những lần Ông về họp các Viện Trưởng Viện Đại Học Saigòn, Đà Lạt, Cần Thơ Huế, Tiền Giang, Chúng tôi đều có gặp nhau, khi thì trong phòng họp, khi thì tại Phòng tôi, bên cạnh Phòng họp, trong khi chờ đợi giờ khai mạc. Ông người hiền hậu, ít nói, chân chất, cái chân chất của người Miền Nam, nhiều khi không có lợi trong các vấn dề chính trị. Tôi nghĩ Ông là một chuyên gia hơn là một chánh trị gia, nhưng lần nầy Ông lại tham gia Nội các với tư cách một Tổng Trưởng. Từ sau ngày Ông nhận lãnh nhiệm vụ tại Bộ, tôi không có dịp trò chuyện với Ông để tìm hiểu nguyên do Ông tham chính, nhưng tôi nghĩ một cách tổng quát là trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, lúc đó mọi người đều nôn nóng muốn làm một cái gì cho đất nước trước khi buông xuôi hai tay! Nguyên nhân mà chúng tôi ít gặp nhau sau ngày Ông nhậm chức là Ông quá bận rộn và Văn Phòng Tổng Trưởng nằm trong Biệt thự bên nầy đường Lê Thánh Tôn còn Văn Phòng của tôi nằm ở tầng 2 trong dãy Building nhiều tầng bên kia đường, cạnh VP các PTĐBTT Nguyễn Thanh Liêm và Phạm Hữu Hiệp.

Những ngày cuối Tháng Tư công việc tại Bộ Giáo Dục cũng diễn tiến một cách đều đặng, bình thường mặc dù các biến cố dồn dập xãy ra và cuộc sống bị dao động một cách mạnh mẽ. Nguyên do chính là vì Bộ Giáo Dục không phải là một Bộ “chiến đấu” như Bộ Quốc Phòng hay Bộ Nội Vụ, hoặc Bộ Thông Tin Tâm LÝ Chiến chẳng hạn, mà là một Bộ Văn Hóa, có những hoạt động trường kỳ, trào nào, thời kỳ nào, Đảo chánh hay Cách mạng, hoạt động vẫn cứ đều đều như vậy, chỉ trừ những lúc có xáo trộn lớn thì.. đóng cửa Trường một thời gian rồi thôi.
Chính điều nầy đã tạo cho những người làm công tác giáo dục, những Thầy Cô giáo một cuộc sống bình lặng, gần như ỷ lại, không hề nghĩ đến việc phải đối phó, phải bỏ chạy, khi nghĩ rằng mình có làm tội gì đâu, chỉ là dạy học chứ có chém giết ai, bắt bớ ai, cướp giựt gì của ai đâu! Cho đến khi vào những Trại Cải tạo Tập trung, mới “được” bọn Cán bộ Cộng sản cho biết “tội tày trời” của mình: “Tiếp tay với Ngụy quyền đầu độc thanh niên, hết thế hệ nầy đến thế hệ khác, chỉ biết căm thù cách mạng và cầm súng bắn phá Cách mạng!”

Ngày 30 tháng 4 đã đến! Từ đêm qua, tôi vẫn “cố thủ” trong căn bếp của tôi, với một tấm đan dày bằng bê-tông phía trên đầu và bốn bức tường dày chung quanh! Đến lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, dân chúng túa ra đường, chạy đi chụp giựt mua thực phẩm, xăng nhớt, xe đạp, linh tinh, gia đình tôi mới bương bả theo đồng bào đi mua sắm, quý nhứt là mua được 2 chiếc xe đạp mới toanh ở Ngã Bảy để sau nầy có mà dùng, nhờ quen với chủ tiệm nhà ở Hòa Hưng, nhưng cũng phải chờ đợi hết cả ngày, phải rút vào phía trong tiệm, đóng cửa lại, để tránh dân chúng tràn vào giành giựt và phải trả giá đến gấp đôi ngày thường! Còn chiếc xe hơi mà tôi vẫn dùng đi làm hằng ngày thì sau ngày 30-4 “ai đẩy đi đâu thì đẩy, chúng tôi cám ơn”, để tránh bọn cán bộ CS hạch sách, khó dễ “tiền đâu mua, mua để làm gì, liên lạc với ai, CIA hả” toàn là những câu hỏi làm cho nhà tôi nhức đầu trong khi tôi đi cải tạo!

1 tháng 5 Lễ Lao Động, 2 tháng 5, chúng tôi lục tục ra Bộ làm việc, tôi sử dụng một trong hai chiếc xe đạp mới mua, còn chiếc xe hơi thì bỏ lại trong ga-ra mặc dù tôi có mua được 20 lít xăng và không còn dịp nào lái nó nữa. Ai làm sao mình làm vậy cho chắc ăn! Tôi gặp lại Ông Nguyễn Duy Xuân, thì ra Ông chưa đi, mà vẫn còn ở lại với anh em, Ông đến Bộ bằng một chiếc xe Vespa do Cán bộ CS cấp, có tài xế lái xe cho Ông đi. Sau Nầy mới biết nó là tên công an CS có nhiệm vụ kiểm soát “sự đi đứng” của Ông. Biết được việc đó, Ông cương quyết trả xe lại cho CS và đi xe đạp đến Bộ như chúng tôi. Cửa Cổng Bộ khép kín, một tên “cán bộ” cầm AK đứng gác. Tên nầy tôi nhớ là một anh em phục dịch trong Bộ, không biết đã nằm vùng hay thuộc Tiểu Đoàn 304 được CS sử dụng trong những ngày đầu cướp chánh quyền. Có điều trông hắn có “cô hồn” lắm, hay là tại mình có mặc cảm chăng" Còn một điều nữa là sau khi đi cải tạo về tội vào Bộ xin một vài giấy tờ, cũng đã bị một tên đại loại như vậy đưa cây AK ra cảng lại và hất hàm hỏi tôi: “Anh ở đâu"” Tên nầy trước ngày 30-4, khi tôi lái xe vào Bộ làm việc, có lẽ hắn đã khép nép chờ tôi nhờ hắn làm một việc nào đó! Đúng là đổi đời! Tiểu đoàn 304 có vẻ đông lắm. Chính nhờ bọn nầy mà CS mới chiếm thành phố một cách nhanh chóng và dễ dàng! Nghe đồn có một Ông Giám đốc đưa CS đến treo cờ Mặt Trận Giải Phóng tại Bộ. Xin trở lại ngày đi làm đầu đến tại Bộ Giáo dục sau 30 tháng tư. Chúng tôi kể cả Ông Tổng Trưởng được chỉ thị “chờ lệnh” báo ngoài cổng, kiểm điểm, chúng tôi thấy ngoài Ông Tổng Trưởng còn có tôi, TTK Nguyễn Văn Bon, Một vài Giám đốc tại Bộ như GĐ Nha Tạo Tác, GĐ Nha Du học (có những Nha nằm ngoài khuôn viên của Bộ, nên thông thường khi đi làm, GĐ không phải có mặt tại Bộ) và một số Chánh sở.

Chúng tôi tụm năm tụm bảy nói chuyện với nhau. Nhóm của tôi gồm các Ông TT, GĐ Nha Du Học Hồ Liên Biên, GD Nha Tạo Tác Thoại (tôi không nhớ họ). GĐ Nha Nhân Viên Hồng (tôi không nhớ họ), sau nầy, đi cải tạo về Anh có cầm cho tôi 20 đồng “để bỏ túi” tôi vẫn nhớ mãi. Thật ra, chúng tôi cũng không nói gì với nhau nhiều, mỗi người đều có những ưu tư riêng, những lo lắng riêng, những toan tính riêng, tuy không phải là giữ kẻ với nhau, nhưng cũng không tiện nói ra. Đứng mỏi chân, chúng tôi ngồi xuống hai bên lề đường. Thỉnh thoảng có những chiếc xe chạy vô Bộ, mang về rất nhiều “chiến lợi phẩm” sau những cuộc tiếp thu các cơ sở trực thuộc Bộ, từ các máy đánh chữ cho đến các chiếc TV, tủ lạnh, đàn dương cầm... Những tên 30-4 thuộc Bộ mang giép râu, đội nón cối, lăng xăng mở cửa xe cho các ông chủ mới và phụ khiêng chiến phẩm vào các Văn phòng với vẻ sốt sắng và “tự hào” lắm! Không biết có phải vậy không, dù sao trong đám nầy chắc cũng có những người “nắng bề che bề đó”, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”!

Sang ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba, chúng tôi vẫn túc trực bên lề đường, cũng có một số “không thèm đến” với tình trạng chờ đợi và bấp bênh nầy, mà đã tìm đường vượt biên, lánh nạn, trốn tránh hoặc tìm công việc khác làm ăn! Thấy có người tụ tập đông đảo, các xe nước đá đẩy lại bán bên lề đường. Thường thì mỗi xe như thế có mang theo một vài chiếc ghế xếp. Chúng tôi bèn gọi nước ngọt, bánh lọt đậu xanh, xưng xa nước cốt dừa v.v.. để vừa giải khát vừa có chỗ ngồi nói chuyện cho đỡ vất vã. Và trước lúc chia tay ra về, khi thì Ông TT trả tiền, Khi thì chúng tôi luân phiên nhau trả. Chưa lúc nào tình “thầy trò” tại Bộ lại thân mật đến như vậy! Thỉnh thoảng chúng tôi cũng trao đổi nhau về tin tức của vài nhân vật quan trọng của Bộ như Thủ Tướng Nguyễn Thanh Liêm từng hẹn với chúng tôi đến họp mặt tại Bộ ngày 27-4 nhưng sau đó gọi điện thoại hoãn lại và cũng chính ngày đó đã ra đi, thỉnh thoảng có tiếng người Mẹ gọi trên đài phát thanh kêu con trở về, Bộ Trưởng Nguyễn Long Châu vẫn còn ở lại, Cựu Tổng Trưởng Ngô Khắc Tỉnh đã ra đi cùng với gia đình bằng một chuyến Dakota sang Hồngkong ngày 26-4 v.v..
Đến ngày thứ năm thì cánh cửa cổng hé mở và các cấp chỉ huy như Ông TT và chúng tôi được “mời” vào bàn giao, Bộ cho cấp Lãnh đạo mới mà cụ thể là tên Chính Ủy Bộ Hồng Sơn, nghe nói chỉ là một tên giáo viên Miền Bắc, Nhưng lại là một Đảng viên CS trung kiên nên được cử làm Chính Ủy, quyền hạn bao trùm cả Bộ trên cả Bộ Trưởng Nguyễn Văn Kiết (giáo sư Pháp văn của ĐH Văn Khoa mà tôi không thấy xuất hiện trong thời gian nầy), Thứ Trưởng Mười Chí và một số cán bộ cấp dưới tôi không nhớ tên. Tôi bàn giao một phần ba Bộ tức là Khối Nghiên Cứu và Phát Triển TTK Nguyễn Văn Bon bàn giao Khối Hành Chánh Tài Chánh còn Khối Trung Tiểu Học Bình Dân Giáo Dục tôi không nhớ ai bàn giao, có lẽ là Thanh Tra Nguyễn Khánh Hải. Công tác bàn giao kéo dài độ một tuần lễ, các văn phòng lại được đóng cửa, niêm phong, và chúng tôi, các cấp bậc chỉ huy, từ Chánh sở trở lên, được lệnh trình diện học tập cải tạo tập trung tại Trung Tâm Tập trung TH Gia Long, hạn chót là ngày thứ sáu 12-5. Chúng tôi bèn hẹn nhau ngày hôm đó sẽ cùng đi trình diện một lượt, mhưng không có hẹn rõ giờ nào. Nghe kể lại Ông Tổng Trưởng và một vài anh em trình diện buổi sáng, được đưa lên Suối Máu (Biên Hòa) và sau đó đưa ra cải tạo ngoài Bắc, còn tôi lục đục mãi vì thu xếp việc gia đình, nên cần nán lại đến chiều mới đến trình diện thì Trung Tâm không nhận vì đã hết chỗ và chỉ thị cho chúng tôi, trong đó có GĐ Nha Du Học Hồ Lien Biên và GĐ Nha Văn Hóa Cao Thanh Tùng trở về trình diện bộ chờ lệnh. Trên đây là những ngày cuối cùng của chúng tôi với Ông TT Nguyễn Duy Xuân, một cấp chỉ huy hiền đức, một chuyên gia hơn là một nhà Chính trị, chỉ nhận bàn giao, Bộ Giáo dục có 2 tuần lễ mà phải đi cải tạo với cấp bậc Tổng Trưởng và đã chết trong Trại Cải tạo Nam Hà!

Riêng trường hợp của tôi, sau đó được cho đi cải tạo ngắn hạn tại Trung Tâm Văn Hóa Đức, do Bộ Giáo dục tổ chức cho tất cả nhân viên còn lại của Bộ, nửa chừng lại được lệnh một mình trở về trình diện Bộ để đưa đi cải tạo tập trung, tôi về Bộ “hỏi” tên Hồng Sơn “tại sao tôi phải đi” thì hắn giở giọng CS “Các cấp Chỉ huy tại Bộ, chứ không phải một mình hắn, thấy tôi làm việc được nên muốn gởi tôi đi học tập để sớm thành người tốt trở về làm việc tại Bộ! Đây là một ân huệ chứ không phải một biện pháp!” Tôi cương quyết từ chối không nhận “ân huệ” nên được hắn ký giấy cho tiếp tục “học tâp” tại TTVH Đức, nhưng rồi cuối cùng, theo một thông cáo chung, vẫn phải đi cải tạo tập trung cùng với tất cả các Sĩ quan Biệt phái Bộ Giáo dục vì: “Ngụy quyền đã đưa một số Sĩ quan từ Quân đội sang ngành Giáo dục để khủng bố, kềm kẹp, bắt bớ, đàn áp Giáo sư, sinh viên và Học sinh” như tên Thứ Trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Dung đã viết trong Tạp Chí Cộng Sản năm 1977. Dó là tội lỗi mà CS đã gán ghép cho chúng tôi.

California, ngày 30 tháng 4 năm 2000
THIỆN TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.