Hôm nay,  

Việt Nam: Tham Nhũng Đá Bóng, Nhà Nước Thổi Còi

21/07/200600:00:00(Xem: 1894)

Hoa Thịnh Đốn.- Bỗng dưng chuyện tìm thuốc chữa tham nhũng trở thành một phong trào ở Việt Nam từ sau khi Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng.  Liệu phong trào này có bền hay chỉ tồn tại  được một vài trống canh cũng còn tùy vào những người nói nhiều đến chống tham nhũng như Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư; Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước và  Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội.

Bàn dân thiên hạ  thì cứ bình chân như vại  trước cảnh nhộn nhịp khua chuông, gõ mõ của  “đợt sóng mới”  thi đua hô hào “người người chống tham nhũng, nhà nhà chống tham nhũng”.   Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, có quyền giám sát việc làm của nhà nước và cán bộ nhưng bất lực từ lâu, dịp này lại ra công đòi được chia quyền chống tham nhũng.

Theo dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc  hội, sẽ được thảo luận cuối tháng này (7-06),  thì Thủ tướng sẽ là Truởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng, kiêm Trưởng ban Nội chính Trung ương là người  có nhiều phần sẽ  phụ trách trực tiếp điều hành việc chống tham nhũng . Các uỷ viên Ban chỉ đạo gồm : Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, Tổng thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước v.v..

Dự thảo Nghị quyết  đã dành khá nhiều quyền cho  Ban chỉ đạo, chẳng hạn như:

- Được ủy quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ không quá 3 tháng đối với cán bộ, công chức tới cấp bộ trưởng, chủ tịch HĐND (Hội đồng Nhân dân), chủ tịch UBND (Ủy ban Nhân dân) cấp tỉnh khi có dấu hiệu tham nhũng và gây khó khăn cho hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan chức năng; đối với cán bộ, công chức cấp cao hơn thì có quyền kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc Hội quyết định tạm đình chỉ chức vụ.

- Có quyền yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền xử lý kỷ luật lại cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc có quyền trực tiếp ra quyết định kỷ luật lại đối với cán bộ liên quan đến tham nhũng khi cấp có thẩm quyền không xử lý kỷ luật hoặc kỷ luật chưa đúng mức.

Xem cách tổ chức của  Ban chỉ đạo  thì hai năm rõ mười là việc chống quốc nạn tham nhũng của Ban này sẽ lấn sang quyền của cơ quan Tư pháp, Lập pháp và  Ban Kiểm tra của Đảng.  Lo ngại này cũng đang được tranh cãi trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội và  Mặt trận Tổ quốc.

Nhưng  quanh đi quẩn lại,  dù có bao nhiêu người và tổ chức tham gia thì cũng chỉ  do  Đảng  và  Nhà nước làm cả.  Cái vòng luẩn quẩn  chống tham nhũng đi như thế này:

- Cán bộ, đảng viên tham nhũng.

- Nhà nước, Đảng là chủ quản các cơ quan, tổ chức nơi những kẻ tham nhũng phục vụ.

- Quốc hội của  Đảng chấp thuận  luật chống tham nhũng do đảng đưa ra.

- Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng  là người của đảng và nhà nước  do Đảng lãnh đạo.

Nhân dân, báo chí, trí thức không có đại diện trong Ban chỉ đạo thì tính độc lập, vô tư của nó ở đâu"

Như vậy công tác phòng, chống tham nhũng đã thành một vòng tròn trịa có phân công phân nhiệm đàng hoàng, nhưng các diễn viên lại chỉ  là người của  đảng và nhà nước thành ra  công việc trọng đại này lại hoá ra  tầm thường như chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi của đám trẻ miệt vườn.

Việc tổ chức như thế xem chừng cũng  chưa ngả ngũ vì còn có nhiều ý kiến khác nhau về quyền hạn của Ban chỉ đạo, trong khi những kẻ tham nhũng thì cứ tiếp tục tìm ăn ở khắp mọi nơi và trong mọi ngành.

Điển hình của cuộc tranh cãi này là ý kiến ủng hộ để cho đảng và nhà nước nắm trọn gói chống tham nhũng của  Vũ Mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Trong cuộc phỏng vấn của VNNET ngày 11/7 (06), Mão đối đáp:

- (H): Theo tờ trình của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là Thủ tướng, tham gia vào còn có đại diện cơ quan bên Đảng, Quốc Hội, toà án, viện kiểm sát... Cơ cấu như vậy có hợp lý không, thưa ông"

- (Đ): Không ít người hiểu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ vì đây là cơ quan hành pháp, hơn nữa Thủ tướng là Trưởng ban. Do đó, không cần đại diện các ban Đảng, toà án, viện kiểm sát cũng như Mặt trận Tổ quốc tham gia vào. QH làm chức năng giám sát cũng không nên tham gia Ban chỉ đạo.

“Lâu nay chúng ta dùng chữ ''Trung ương'' theo nghĩa rộng, không chỉ nói Chính phủ mà cả hệ thống chính trị. Vì thế, theo tôi, Ban chỉ đạo nên gồm đại diện của Chính phủ, toà án, viện kiểm sát, các ban của Đảng. Còn việc Mặt trận Tổ quốc hay cơ quan của QH có tham gia hay không thì cần cân nhắc thêm.”

Khi đề cấp đến vai trò của báo chí trong công tác chống tham nhũng, đảng và nhà nước Việt Nam thường một mặt đề cao báo chí đã có những đóng góp to lớn cho nỗ lực của chính phủ, nhưng  lại cảnh giác người làm báo phải đặt mục đích tuyên truyền về công tác này là chính. Nhà nước cũng buộc báo chí phải chắt lọc loại bỏ các tin tiêu cực dễ gây hoang mang trong dư luận và  làm mất niềm tin của nhân dân vào đảng.

Vũ Mão và VNNET:

- (H): Trong thẩm quyền của Ban chỉ đạo có việc ''chỉ đạo việc tuyên truyền, đưa tin chính xác về đấu tranh phòng chống và các vụ việc tham nhũng''. Theo ông, quy định này có ''bó'' báo chí trong việc đưa tin chống tiêu cực, tham nhũng"

- (Đ):  “Ban chỉ đạo dù quyền hạn lớn đến đâu cũng phải tuân thủ Luật báo chí và các luật khác có liên quan. Có những vụ việc nổi lên, báo chí làm tốt thì biểu dương, chưa tốt phải nhắc nhở, góp ý nhưng vẫn phải tuân thủ theo pháp luật về báo chí  Không thể Luật báo chí quy định thế này mà anh lại yêu cầu báo chí làm khác luật được!”

 “Ngay ở QH, nhiều đại biểu cũng nói, thời gian gần đây, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được khám phá ra, báo chí có công lao rất lớn. Nhưng cũng có những bài báo thông tin chưa thật chuẩn xác. Vì phóng viên cũng là con người cho nên không khỏi có những sơ suất, thiếu sót. Cái đó cần được giúp đỡ, uốn nắn.”

Trong cuộc phỏng vấn của báo chí  ngày  28-6 (06), Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng nói: “Luật Phòng chống tham nhũng đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống. Sắp tới, Trung ương Đảng sẽ chỉ đạo một số vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề này nhằm tạo sự nhất trí trong Đảng và trong nhân dân. Về phía Chính phủ sẽ ra văn bản quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt là thanh tra công vụ. Ngoài ra, cần sự đóng góp của báo chí.”

Những việc sẽ làm này cũng đã được Phan Văn Khải, Cựu Thủ tướng và Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư nói đi nói lại trong suốt nhiệm kỳ IX nhưng không làm được.

Trọng  còn nói với báo Tuổi Trẻ: “Chống tham nhũng là công việc cực kỳ khó khăn. Nhưng nếu không làm thì đảng sẽ mất uy tín với dân, không làm thì uy tín của VN trên trường quốc tế không còn, không làm thì kinh tế đất nước đến năm 2010 không thoát khỏi tình trạng nước nghèo.”

 “Vì thế mà phải làm! Quan điểm của tôi, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách nhưng lâu dài, phải kiên quyết và làm kiên trì”

Nhưng “lâu dài” và “kiên trì” thì cũng phải có một thời hạn nào đó chứ không thể liên tu bất tật để mất cả chì lẫn chài trong 15 năm qua, kể từ khi đảng mở cuộc tổng tấn công tham nhũng!

Nhân dân đã bị đảng cho ăn nhiều bánh vẽ quá rồi. Bụng của dân đã chướng lên vì những lời hưá mà không bao giờ được thực hiện của lãnh đạo.

Cho đến nay, Đảng vẫn chưa giải quyết được thắc mắc của dân tại sao mỗi  khi Lãnh đạo  nói kiên quyết chống tham nhũng  thì tham nhũng lại nhiều hơn, năm sau cao hơn năm trước"

VẪN NHƯ HÒN BI

 Cũng liên quan đến “truyện dài Tham nhũng”, Gia Hy của Báo Người Lao Động đã mỉa mai trong số báo ra ngày 3-7-06: “Kỳ họp Quốc hội (QH) lần 9, khóa XI kéo dài 45 ngày đã kết thúc. QH đã thông qua 10 dự án luật, 3 nghị quyết và nhiều vấn đề bức xúc của cử tri cũng được giải quyết. Tuy nhiên, xâu chuỗi lại tất cả những bức xúc của cử tri và đại biểu thì các vụ án tham nhũng, hối lộ... mới chỉ được dừng lại ở mức độ là “mổ xẻ”. Còn vấn đề trách nhiệm, hình thức xử lý với những sai phạm vẫn còn nhiều điều phải nói. Nó như một “nốt lặng” trong sự thành công của kỳ họp.”

Gia Hy viết tiếp: “Ngẫm lại, nhiều người vẫn không thể biết chính xác trách nhiệm để xảy ra vụ tiêu cực tại PMU 18 thuộc về ai. Vụ án được dư luận đánh giá là rất nghiêm trọng, làm cử tri cả nước phẫn nộ. Còn các nhà tài trợ nước ngoài thì đặt câu hỏi về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của VN... Bảo là trách nhiệm của Bộ GTVT là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi việc quản lý vốn ODA, tài sản công của Nhà nước (xe công mà Bùi Tiến Dũng cho các cơ quan khác mượn)... còn dính đến Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính. Nhưng khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tỉnh... bơ: “Việc cấp phát vốn ODA không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ KH-ĐT. Còn việc thất thoát bao nhiêu, do ai làm bộ cũng không thể biết”.

“Còn trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu trong việc quản lý tài sản công" Một câu nhận trách nhiệm cũng... lưng chừng của người đứng đầu bộ này: “Nếu chúng tôi xử lý sớm (việc Bùi Tiến Dũng cho mượn xe công-PV) thì không có những thiệt hại nặng như thế này”.

Dưới tiểu đề: Xử lý kiểu “huề cả làng”, bài báo kể tội Nhà nước: “Có lẽ ít ai trong các đại biểu QH và cử tri cả nước có thể hài lòng với cách xử lý những sai phạm nghiêm trọng trong các vụ án vừa qua. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đưa ra sự so sánh làm nhiều người không khỏi chạnh lòng. Có 3 công nhân của Công ty Sóng Âm Thanh tỉnh Bình Dương lấy cắp mỗi người một cặp loa 300 W, công ty báo công an thu lại toàn bộ hiện vật, sau đó làm đơn bãi nại và bảo lãnh cho 3 công nhân trên. Nhưng Công an tỉnh Bình Dương vẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn với lý do tài sản ở mức trên 500.000 đồng và phạt họ 10 tháng tù giam. Trong khi vụ tham nhũng ở công trình kho cảng Thị Vải, những người đứng đầu, nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí đều có dấu hiệu phạm tội, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ bị xử lý hành chính, với lý do “tuổi cao, có nhiều công lao đóng góp cho ngành dầu khí”.

 “Nhiều người đặt câu hỏi: Trong điều kiện đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng hiện nay, nếu có “vùng cấm” trong xử lý những cán bộ cấp cao của Nhà nước như vậy, liệu có đáp ứng nhiệm vụ chính trị của chúng ta hiện nay đang đặt ra hay không" Và xử lý như thế thì làm sao thực hiện được những nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật"”

Gia Hy đã vẽ ra những hình ảnh rất thật của  Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thật cay đắng cho dân, những người đã đổ mồ hôi nước mắt ra lao động và đóng thuế  để cho nhà nước chi tiêu hoang phí cho các phấn tử mất phẩm chất và thiếu lương thiện.

Nhưng Nông Đức Mạnh vẫn tiếp tục hứa với dân như đã làm  trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 5-7 (06).  Mạnh  lập  lại  câu đã nói nhiều lần như là: “Quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.” Và: “Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, cần sự góp sức của toàn Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, của các cơ quan, đoàn thể và báo chí.”

Nhưng nhân dân, dù dưới chiếc dù Mặt trận Tổ quốc, cũng không được đảng lắng nghe như đã hứa khi các vụ khiếu kiện chạm đến những kẻ có chức có quyền trong guồng máy cai trị của đảng và nhà nước.

Tiếng nói của dân, trong qúa khứ và  hiện tại, đã bị đảng bỏ ngoài tai nên những kẻ tham nhũng mới có cơ hội hoành hành, phá hoại tổ quốc để đưa đất nước đến đói nghèo và lạc hậu.

Thành phần cán bộ, đảng viên tham nhũng bây giờ không còn  là “một bộ phận” nữa mà là “nhiều bộ phận” có khả năng tự sinh, tự dưỡng để đối kháng với nhân dân và Tổ quốc.

Trách nhiệm này, nếu không thuộc  về đảng CSVN thì về  ai" Cho nên dù công tác phòng, chống tham nhũng có hồ hởi rấy lên như đang diễn ra nhưng chừng nào đảng và nhà nước chưa chống thật lòng thì phong trào này cũng tan mau mà thôi. -/-

Phạm Trần

(07-06)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.