Hôm nay,  

Thiền Sư Nhất Hạnh Hồi Tưởng: “có Nhiều Chuyện Để Kể...”

23/06/200200:00:00(Xem: 3656)
LTS. Tháng 9 năm 2002 sẽ là dịp kỷ niệm 20 năm Làng Mai, trung tâm tu học đạo Bụt do Thiền sư Nhất Hạnh thành lập tại nước Pháp.

“Hôm nay Ban Biên Tập của Tập Kỷ Yếu 20 năm Làng Mai yêu cầu tôi nói một bài về Làng Mai để có thể đánh máy ra và in vào. Có nhiều chuyện để kể thành ra tôi không biết nên bắt đầu chỗ nào.” Thiền sư Nhất Hạnh nói vậy.

Và với tựa đề “Ngày em hai mươi tuổi” Thiền sư đã lần lượt hồi tưởng không chỉ về Làng Mai mà còn về “nhiều chuyện để kể” từ 40 năm qua.

Việt Báo trân trọng giới thiệu bài Hồi Tưởng đặc biệt của thiền sư. Xem Việt Báo từ số ra ngày Thứ Bẩy 22-6-2002.


Làng Mai vô tướng

“... ở bên Đức số lượng những người Việt và những người Đức tu học theo pháp môn Làng Mai rất đông. Có những pháp thoại ba ngàn người Đức tham dự, có những pháp thoại bảy ngàn người Đức tham dự, có những buổi thiền hành bốn ngàn người Đức tham dự.”

Năm 1983, đứng ở trên đỉnh đồi nhìn xuống thì tôi đã thấy hoa mai nở trắng cả đồi. Đó là cái nhìn trong bản môn. Cái tên Mai Thôn rất đẹp. Vì vậy sau này chúng ta đã đổi tên Làng Hồng thành Làng Mai. Trên thực tế ta chỉ trồng có mấy chục cây hồng thôi trong khi đó trồng tới 1250 cây mai. Vào khoảng bốn năm sau thì đến mùa xuân hoa mai nở rất đẹp. Vào mỗi tháng tư chúng ta đều có tổ chức Hội Hoa Mai, có trà, có bánh, có ca hát, có thi ca. Ở Làng Mai có hai hội hoa: một gọi là Hội Hoa Mai và một gọi là Hội Thủy Tiên vì trên Xóm Thượng vào cuối tháng ba thì hàng ngàn, hàng chục ngàn bông thủy tiên nở. Mình chưa bao giờ trồng những bông thủy tiên ấy. Chúng nằm sẵn ở khu gọi là Pháp Thân Tạng. Chúng ta thường tổ chức Hội Thủy Tiên vào cuối tháng ba. Sau đó độ chừng nửa tháng thì tổ chức Hội Hoa Mai ở Xóm Hạ. Về Làng vào tháng tư thì quý vị sẽ được dự Hội Hoa Mai rất đẹp và rất thơ.

Bây giờ Làng Mai đã có thêm Xóm Mới tức là Chùa Từ Nghiêm, rồi Xóm Mới Đầu Thôn và Xóm Mới Lưng Đồi. Trên Xóm Thượng chúng ta lại có thêm Xóm Trung và Xóm Đoài. Khi tới Làng Mai, nhìn vào Làng Mai thì cố nhiên chúng ta có một ý niệm về Làng Mai. Nhưng nhiều người trong chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy Làng Mai không giống như cái mình tưởng tượng. Ta tưởng tượng Làng Mai ghê gớm lắm. Với phái đoàn của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc, chúng ta đã cảnh cáo trước rồi, nói rằng bên chúng tôi không có gì hết, chỉ toàn là cây thôi, toàn là những chuồng bò xây dựng lại làm thiền đường và tăng xá. Đã nói rất là nhiều lần mà khi qua tới họ vẫn còn ngạc nhiên như thường. Họ không ngờ Làng Mai nghèo, đơn sơ và thanh bạch như thế.

Tôi nhớ hồi xưa khi hòa thượng Tắc Phước ở bên Úc qua, ngài đem theo một cái máy thu hình (camcorder). Khi tới Làng ngài rất ngạc nhiên và nói: "Làng Hồng không có gì hết à"" Mà đúng là Làng Hồng không có gì hết: không có một mái chùa cong, không có một tượng Phật lớn. Vì vậy cho nên ý niệm của mình về Làng Mai và cái sự thật về Làng Mai rất khác nhau.

Hiện bây giờ chúng ta có hòa thượng Minh Cảnh đang thăm viếng Làng Mai. Ngài mới tới đây độ chừng hai tuần hay ít hơn hai tuần. Ngài nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một rờ." Ngài đã thấy, ngài đã rờ, nhưng mà chưa chắc ngài đã biết được sự thật về Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn tới trước, và cố nhiên cái thấy của Thượng tọa đã khác với cái thấy của hòa thượng vì thượng tọa Nguyên Chơn đã có cơ hội thấy những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai.

Nhìn vào Làng Mai như thế nào để thấy được những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn đã được đi Hoa Kỳ, đã được tiếp xúc với tăng thân của Làng Mai ở Hoa Kỳ, và vì vậy thượng tọa thấy được Làng Mai sâu hơn hòa thượng Minh Cảnh. Nhưng thượng tọa Giác Trí lại đã được thấy Làng Mai sâu sắc hơn vì thượng tọa Giác Trí đã được đi theo những chuyến hoằng pháp tại Âu châu, đã đi Đức, đã đi Ý, đã thấy được tăng thân Làng Mai tại Đức, tại Ý; và vì vậy cái thấy của thượng tọa Giác Trí đã rất khác. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta có một cái thấy về Làng Mai.

Sư chú Pháp Cần lớn lên ở bên Đức, học ở bên Đức và qua tu ở Làng Mai. Năm vừa rồi được tháp tùng phái đoàn đi Đức, sư chú đã khám phá ra một nước Đức rất mới. Trong suốt những năm ở Đức sư chú chưa bao giờ được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Đức. Về Đức lần này sư chú thấy rõ ràng rằng ở bên Đức số lượng những người Việt và những người Đức tu học theo pháp môn Làng Mai rất đông. Có những pháp thoại ba ngàn người Đức tham dự, có những pháp thoại bảy ngàn người Đức tham dự, có những buổi thiền hành bốn ngàn người Đức tham dự. Trở về nước Đức, sư chú khám phá ra một nước Đức hoàn toàn mới lạ. Làng Mai đang nằm trong nước Đức thế nhưng ở 7, 8 năm bên đó sư chú không thấy. Chúng ta phải tìm thấy sự thật bằng con mắt vô tướng. Những yếu tố không-phải-Làng-Mai nằm ở khắp nơi, nằm ở trong lòng mình.

Sư chú Pháp Đôn cũng vậy, lớn lên ở tiểu bang Florida, đã đi chùa bên đó, đã được gặp tôi trong một khóa tu bên Mỹ, đã qua Làng tu học. Mùa thu vừa rồi được tháp tùng tôi và phái đoàn đi Mỹ, sư chú đã khám phá ra một nước Mỹ rất mới. Tại vì lần đầu tiên sư chú được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Hoa Kỳ, khắp nơi, khắp nơi. Vì vậy, tới đây, với một cái camcorder để thâu hình chưa chắc thâu được Làng Mai. Làng Mai không phải là một ngôi chùa Việt Nam đặt trên mảnh đất Âu châu. Trong Làng Mai ta thấy có văn hóa Ấn Độ, ta thấy có văn hóa Trung Quốc, ta thấy có văn hóa Việt Nam, ta thấy có văn hóa Tây phương. Vì vậy nhìn Làng Mai cho kỹ ta thấy có những yếu tố không phải là Làng Mai nằm ở trong Làng Mai. Vì vậy Làng Mai cũng là một đối tượng thiền quán. Nhìn càng sâu, ta thấy càng rõ. Nếu không thì nhìn Làng Mai ta chỉ có một khái niệm rất cạn, rất mơ hồ về Làng Mai.

Nếu nhìn Làng Mai cho kỹ thì mình thấy Làng Mai cũng bất sinh và bất diệt. Ngày xưa khi đi thăm tu viện Kỳ Viên, Jeta Grove, ở Ấn Độ thì tôi thấy tu viện Kỳ Viên không còn nữa. Có một phái đoàn khảo cổ Nhật đang khai quật khu đất tu viện Kỳ Viên, phát hiện ra nền móng của nhiều tu viện san sát nhau. Tất cả tu viện Kỳ Viên đều đã bị san bằng theo thời gian và đất cát đã phủ lấp lên. Bây giờ nhờ đoàn khảo cổ đó khai quật lên chúng ta mới thấy rõ ràng những tu viện rất lớn nằm bên nhau san sát. Chúng ta nhận ra được đây là chánh điện, đây là tăng xá, đây là giảng đường.

Nhưng tu viện Kỳ Viên đâu có phải không còn, vì khi chúng ta đi qua các nước khác, thấy các tu viện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Tây Tạng thì chúng ta lại thấy rằng Kỳ Viên vẫn còn đó trong những hình thức mới của nó. Vì vậy Kỳ Viên tính là bất sinh bất diệt. Làng Mai cũng vậy. Ví dụ ngày mai này họ đóng cửa Làng và có người xây cất siêu thị ở Xóm Thượng và Xóm Hạ thì Làng Mai vẫn còn, còn dưới những hình thái mới của nó ở khắp nơi, nhất là trong lòng chúng ta.

Vì vậy, tới Làng Mai, ta phải nhìn Làng Mai cho kỹ để thấy được tính bất sanh bất diệt của Làng Mai, thấy thực tại của Làng Mai vượt ngoài các tướng.


Đường xưa mây trắng
Năm đầu khi mở cửa Làng Mai vào mùa hè, tôi thường hay cư trú trên phòng của cư xá Hồ Đào gần với cây Tilleul. Ở dưới có quán sách và ở trên là phòng tôi ở. Vào năm đầu và năm thứ hai chúng ta có ít phòng lắm nên tôi đã ngủ chung với mấy thiếu nhi. Bốn năm đứa trẻ ngủ chung với tôi và ban đêm các cháu đã nằm lăn ra khắp nơi. Bài hát "Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời..." tôi có chủ ý làm cho thiếu nhi hát. Tôi nghĩ là thiếu nhi phải hát chứ tụng thì chưa đủ. Hôm đó tôi ngồi thiền buổi chiều trong thiền đường Yên Tử. Trước mặt tôi có một tảng đá vì các bức tường của thiền đường Yên Tử đều được xây toàn bằng đá. Đang ngồi thiền thì thấy tự nhiên những nốt nhạc của bài "Con về nương tựa Bụt" đi ra. "Con về nương tựa Bụt, Namo Buddhaya". Sau đó tôi sửa lại "Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời" rồi mới tới "namo Buddhaya".

Tôi tự nghĩ: "Mình đang ngồi thiền chứ đâu phải đang sáng tác nhạc. Thôi để ngồi thiền xong rồi sẽ sáng tác tiếp." Nhưng ngồi một lát nữa thì những nốt nhạc lại trở về. Tôi nghĩ: "Thôi, nếu đã như vậy thì mình sáng tác ngay lúc này." Và trong khi ngồi thiền tôi tiếp tục sáng tác bài "Con về nương tựa Bụt". Ngồi thiền xong thì tôi ra thâu bài hát vào băng nhựa vì sợ quên. Trong thời gian thiền sư Baker Roshi tới thăm Làng Mai, tôi đã khởi thảo tập sách Thiền Hành Yếu Chỉ. Rất nhiều người muốn có một tập sách hướng dẫn về thiền đi. Sau đó thì những bài thi kệ nhật dụng bằng tiếng Việt được sáng tác. Tôi còn nhớ là hồi đó tôi viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết, mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ ba anh em ông Ca Diếp. Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông" Và tôi có một niềm tin rất vững chãi là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Cái chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Mình đã thành Phật rồi, mình đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình mình vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của em. Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả, giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột ra hết các vòng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó.

Số tới: Hồi tưởng khi rời đất nước năm 1966

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.