Hôm nay,  

Tin Tức Úc Châu

14/01/200200:00:00(Xem: 4489)
16 TNS, DB Úc Gửi Kháng Thư Đòi Tự Do Tôn Giáo Tại VN

MELBOURNE: Theo bản Thông Cáo Báo Chí của Liên Minh Việt Nam Tự Do/ Úc Châu đề ngày 4/1/2001, 16 Nghị sĩ Úc gồm các Thượng nghị sĩ và Dân biểu thuộc Liên Bang và tiểu bang Úc đã gởi thư đến nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phản đối sự đàn áp thô bạo đối với các vị lãnh đạo tinh thần ở trong nước. Sự đồng tình biểu lộ của các nghị sĩ Úc về vấn đề tự do tôn giáo được tóm tắt qua 3 điểm chính: 1.Lập tức thả Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Cụ Lê Quang Liêm và các tù nhân lương tâm khác; 2.Lập tức ngưng tất cả các hình thức đe dọa, sách nhiễu đối với các vị lãnh đạo tinh thần; 3.Tôn trọng những nhân quyền căn bản và sự tự do hành đạo.

Theo lời của BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong, Ủy viên Ngoại Vận của Liên Minh Việt Nam Tự Do tại Úc Châu: "Dù kết quả vận động chính giới còn khiêm nhường, nhưng đã góp phần làm cho các vị nghị sĩ tại Úc hiểu rõ hơn về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam và chắc chắn sẽ tạo những áp lực cần thiết lên nhà cầm quyền CSVN hiện nay".

Ông Đặng Quốc Sủng, Ủy viên Trung Ương và là thành viên đại diện của Liên Minh Việt Nam Tự Do tại Úc cho rằng: "Chúng tôi hy vọng là qua những nỗ lực này, vấn đề Việt Nam sẽ không bị thế giới quên lãng, và những lẽ phải công bằng tại Việt Nam sẽ không khi nào có được dưới sự cai trị độc tài và tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN. Chỉ khi nào thật sự có tự do tôn giáo, thật sự tự do dân chủ thì người dân Việt Nam mới được trọn vẹn hưởng những quyền căn bản này".

Theo bản Thông Cáo Báo Chí thì công tác vận động này được sự phối hợp của Liên Minh Việt Nam Tự Do tại Úc Châu với Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt tại tiểu bang Victoria. Được biết Liên Minh Việt Nam Tự Do cũng đang nỗ lực vận động giải Nobel Hòa Bình cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ và Linh Mục Nguyễn Văn Lý cho năm 2002.

Được biết, những vị Nghị sĩ hỗ trợ cho cuộc vận động tự do tôn giáo cho Việt Nam gồm có: DB Christine Campbell (Labor) State Member for Pascoe Vale, Victoria. Minister for Community Services; DB Annette Ellis (Labor) Federal Member for Canberra, Canberra. Parliamentary Secretary to the Shadow Minister for Family and Community Services; TNS Marise Payne (Liberal) Federal Senator for New South Wales; DB Laurie Ferguson (Labor) Federal Member for Reid, New South Wales; DB Jim McKiernan (Labor) Federal Senator for Western Australia; TNS Tsebin Tchen (Liberal) Federal Senator for Victoria; DB T Samios (Liberal) State Member for New South Wales; DB Jeanette Powell (National Party) State Member for North Eastern Province, Victoria; DB Reba Meagher (Labor) State Member for Cabramatta, New South Wales; DB D Allen (Labor) State Member for Benalla, Victoria; DB Geoff Howard (Labor) Member for Ballarat East, Victoria; Dr. Peter Wong (Unity Party) Leader of the Unity Party; DB M Gould (Labor) Member for Doutta Galla, Victoria; DB R Best (National) Member for North Western Province, Victoria; DB John D'orazio. Member for Ballajura, Western Australia; DB Leonie Burke (Liberal) Member for Prahran, Victoria.

HỌA TRUNG HỮU PHÚC

SYDNEY: Một cặp bông tai cẩn hột xoàn và một mặt dây chuyền là tất cả tài sản mà gia đình McWilliam còn sót lại sau khi ngôi nhà của họ tại Stanwell Tops bị bà hỏa thiêu rụi vào ngay đêm Giáng Sinh.

Tuy nhiên họ vẫn còn rất may mắn, và giấc mơ xây dựng lại cuộc đời của họ đã có cơ được hiện thực sau khi hãng bảo hiểm NRMA trao cho họ tấm ngân phiếu tiền bồi thường cho ngôi nhà đã bị cháy tiêu thành tro.

Ông McWilliam nói: "Chúng tôi thực tình không biết ngôi nhà của chúng tôi được bảo hiểm với giá trị như thế nào. Tuy nhiên, số tiền này sẽ giúp chúng tôi xây lại một căn nhà tương đối tốt và giúp chúng tôi trổi dậy sau cơn tai biến này".

Tuy không tiết lộ tổng số tiền bồi thường là bao nhiêu, ông Williams cho biết gia đình ông chỉ có đủ thời gian để bỏ của chạy lấy người. Ông nói: "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi được an toàn, thế rồi tôi leo lên nóc nhà và tôi có thể thấy lửa cháy phừng phừng và gió thổi rất mạnh và lửa tiến về phía chúng tôi thật nhanh, và tôi biết ngay rằng chúng tôi sẽ bị đại nạn".

Ông McWilliam cho biết ông và vợ cùng hai trong số ba đứa con của ông vội vã thu tóm những món đồ cá nhân cần thiết hoặc mang nhiều kỷ niệm trước khi căn nhà bị thiêu hủy. Ông nói: "Chúng tôi mang được một số nữ trang, vài album hình, đầu máy điện toán và vài bức tranh ra khỏi nhà trước khi chúng tôi phải di tản đến nơi an toàn".


PHILIP RUDDOCK: NGƯỜI TỴ NẠN ĐẾN ÚC CHỈ VÌ MUỐN THAY ĐỔI LỐI SỐNG!

MELBOURNE: Theo TT Di Trú Philip Ruddock thì phần lớn người tỵ nạn xin đến Úc thực ra không phải trốn chạy sự đàn áp gì cả mà chỉ vì họ đã "làm một sự lựa chọn về lối sống".

Ông tuyên bố rằng những người này từ bỏ những nơi an toàn, thông thường là tại đệ tam quốc gia giữa quê hương họ và nước Úc, để đến đây xin tỵ nạn. Và việc này khiến cho những người tỵ nạn thực thụ bị mất chỗ.

Trong một diễn văn đọc tại đại hội toàn quốc của Thanh Niên Tự Do, chi nhánh thanh niên của đảng Tự Do, ông Ruddock cũng cho biết ông thật sự đau buồn khi thấy có người đã anh hùng hóa những kẻ tự động rời khỏi nơi chốn an toàn để đến Úc và đồng thời "quỷ hóa" chính sách Di Trú của Úc. Ông nói: "Phần lớn những người tìm cách đến Úc và xin tỵ nạn không ra đi để trốn chạy sự đàn áp. Họ đến từ một nơi an toàn. Có thể là họ không thể trở về nguyên quán được, tuy nhiên, họ đã làm một sự lựa chọn về việc thay đổi lối sống".

Những lời tuyên bố này đã bị Refugee Council of Australia tấn công kịch liệt. Phát ngôn nhân của tổ chức thiện nguyện chuyên giúp người tỵ nạn này, bà Margaret Piper, miêu tả những lời tuyên bố ấy như một hành động "quá đơn giản hóa" vấn đề. Bà nói: "Không phải là một sự lựa chọn thay đổi lối sống, thực ra, trong vô số trường hợp đấy là sự lựa chọn giữa cái chết và sự sống".

Phát ngôn nhân của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Úc, ông Michel Gabaudan, nói: "Thông điệp gì sẽ được đón nhận bởi các quốc gia trong những tình trạng nguy khốn hơn Úc, thường xuyên tiếp nhận số người tỵ nạn nhiều gấp bội Úc""

BÁO CHÍ HOA KỲ LÊN ÁN CHÍNH SÁCH DI TRÚ CỦA ÚC

CANBERRA: Hình ảnh nước Úc như một thiên đàng hạ giới đã bị phá hủy bởi một bài báo nằm trên trang nhất của một tờ nhật báo khá quan trọng ở Hoa Kỳ. Bài báo này đã miêu tả nước Úc như một quốc gia kỳ thị, bài ngoại với một chính sách tỵ nạn thật vô nhân đạo.

Tờ The Los Angeles Times, ấn bản cuối tuần, đã cho đăng tải phần hai của thiên phóng sự hai phần về cách chính phủ Úc đối xử với người xin tỵ nạn, nhan đề "Tội Đã Là Một Người Tỵ Nạn Trẻ Tuổi"

Bài báo này, do ký giả Richard Paddock viết từ Sydney, đặt câu hỏi rằng có phải Úc hiện đang tạo nguy hiểm cho tính mạng của những thiếu nhi tỵ nạn chỉ vì "sợ rằng sẽ bị làn sóng di dân tràn ngập".

Bài báo tiết lộ rằng trẻ em không được quyền đi học, phải chứng kiến cảnh bạo hành, và đồng thời bài báo đã cáo buộc rằng trẻ em hai tuổi cũng bị trói buộc, xiềng xích (physically restrained). Bài báo viết: "Được thành lập như một thuộc địa của đế quốc Anh năm 1788, Úc Đại Lợi, trong gần suốt lịch sử của nó, đã liên tục thực thi việc kỳ thị chủng tộc. Khác với tất cả các thể chế dân chủ Tây Phương, Úc Đại Lợi có chính sách bắt nhốt tất cả những người xin tỵ nạn chính trị đến bến bờ Úc mà không có đầy đủ giấy tờ hộ thân".

Thiên phóng sự miêu tả cuộc sống trong các trại cấm ở Úc còn khắc nghiệt hơn đời sống tại các trại giam hình sự. Bài báo cũng cáo buộc rằng thiếu nhi tỵ nạn bị đàn áp vô cùng và có nguy cơ bị hãm hiếp. Bé Shana Avesta, 13 tuổi, tại trại cấm Curtin ở Tây Úc, được trích đăng đã tuyên bố rằng: "Chúng tôi bị trừng phạt như những tội phạm hình sự và chỉ được gọi bằng số tù chứ không phải bằng tên. Chúng tôi giống thú vật".

Ông Aamer Sultan, một bác sĩ trốn khỏi Iraq năm 1999 và đã bị nhốt 2,5 năm tại trại cấm Villawood, kịch liệt chỉ trích thái độ của nước Úc đối với người tỵ nạn. Ông nói: "Chúng tôi không phải đang trả giá rất đắt cho những gì chúng tôi đã phạm phải. Chúng tôi bị trừng phạt chỉ vì chúng tôi là chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đến một quốc gia vô cùng kỳ thị. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã lầm lẫn một cách khủng khiếp".

Tuy nhiên, TT Di Trú Philip Ruddock đã gạt bỏ thiên phóng sự như một bài viết không trung thực. Ông tuyên bố rằng bài báo có nhiều điểm hoàn toàn sai trật và ông đang thảo một lá thư phản kháng gởi đến tờ báo. Ông nói tờ báo đã nhắc đến tất cả những người đang bị giam trong trại cấm là tỵ nạn, trong khi, theo ông, họ là những người tìm nơi tá túc, mong mỏi có được "một thành quả kinh tế". (Một cách gọi những người này là "tỵ nạn kinh tế", ghi chú của người dịch).

Ông cực lực phủ nhận lời tuyên bố của bài báo rằng trẻ em không được đi học, tuy nhiên, ông cho biết rằng một số lớn các em không đủ trình độ đọc và viết để có thể được đến trường thông thường. Ông nói: "Đối với nhiều đứa, nhất là nếu chúng đến, như chúng tuyên bố, từ A Phú Hãn, và là con gái, thì lần đầu tiên trong đời mà chúng được giáo dục là khi đến Úc".

Ông cũng tuyên bố rằng tất cả những hành vi bạo động mà trẻ em tại các trại cấm mục kích được, đều là lỗi của những người khác ở cùng trong trại. Tuy nhiên, ông thú nhận rằng chuyện cưỡng bức tình dục có xảy ra, và thường xuyên do thân nhân trong gia đình gây nên, dù ở tỷ lệ thấp hơn trong xã hội Úc.

CITYRAIL RA CHỈ TIÊU BẮT NGƯỜI ĐI LẬU XE LỬA

SYDNEY: Các nhân viên soát vé của CityRail đã được cảnh cáo rằng nếu không phạt vạ hơn bốn người một ngày sẽ bị cho là "những người có năng suất kém" và khó có cơ hội được thăng thưởng.

Trong nhiều năm qua, CityRail luôn luôn phủ nhận rằng họ có đặt ra chỉ tiêu về việc phạt vạ những người không mua vé, và ngay cả sau khi bài phóng sự của tờ Daily Telegraph hôm đầu tuần được xuất bản, vẫn tiếp tục phủ nhận việc này.

Tuy nhiên, biên bản của một buổi họp của ban giám đốc chi nhánh bảo vệ mức thâu nhập (Revenue Protection) của CityRail có vạch ra phương cách theo dõi tài sức làm việc của nhân viên, và chỉ tiêu phạt vạ là mốc hàng đầu.

Biên bản buổi họp ghi rõ rằng năng lực của nhân viên phải được thẩm định chiếu theo số giấy phạt họ phân phát, số nơi họ soát vé, số lượng than phiền cũng như số ngày vắng mặt của họ. Theo biên bản thì "Chính sách phạt vạ phải được triệt để tuân hành, và chỉ du di cho khách hàng tật nguền mà thôi. Những nhân viên với 3,5 tới 4 (giấy phạt) mỗi ngày sẽ được xếp vào hạng năng suất kém và sẽ phải nói chuyện cùng với đội trưởng của họ".

Biên bản này được bà Jane Plicta, giám đốc văn phòng bảo vệ mức thâu nhập. một phát ngôn nhân của CityRail xác định sự chính xác của biên bản ấy nhưng đồng thời phủ nhận sự hiện hữu của hệ thống đặt chỉ tiêu phạt vạ.

Quyền lãnh tụ đối lập NSW, ông Barry O'Farrell đã lớn tiếng kêu gọi chính phủ Carr dẹp bỏ hệ thống ép buộc nhân viên soát vé phải đạt được chỉ tiêu. ông nói: "Theo như bằng chứng mà chúng tôi nhận được từ một số thanh tra kiểm vé thì họ bị áp lực mỗi ngày phải phân phát một số giấy phạt nhất định".

NỮ SINH VIÊN MẤT TÍCH

SYDNEY: Một nữ sinh viên gốc Mã Lai đã bị mất tích từ đầu tháng 12/01 đến nay. Cô đã đặt mua trước vé máy bay về nước vào ngày 11/12/01 nhưng cuối cùng đã không lên phi cơ.

Yoke Phin Loh, 38 tuổi, còn được biết dưới tên Gene Loh, cư dân Homebush, dự định sẽ về thăm quê hương và tham dự buổi họp đoàn tụ đại gia đình vào ngày Tân Niên. Tuy nhiên, em cô, Cheng Loh, sinh sống tại Nhật Bản, đợi cô suốt ngày tại phi trường Kuala Lumpur - nơi cả hai cùng hẹn sẽ gặp nhau để sau đó về nhà, gây ngạc nhiên cho cha mẹ - mà không hề thấy bóng dáng cô đâu.

Cô Cheng Loh nói: "Chị tôi không bao giờ bỏ đi mà không cho ai biết chị ấy đi đâu. Chúng tôi rất lo cho chị".

Cô Gene Loh, tuy theo học tại một trường Nghệ Thuật Tạo Hình ở North Sydney, cũng không tham dự buổi lễ mãn khóa vào ngày 10/12. Người bạn chia phòng với cô đã đến báo với cảnh sát về sự mất tích của cô vào ngày 13/12/01 sau khi anh nhận thức được rằng cô đã không về nhà từ ngày 6/12.

Đêm 6/12 là lần chót có người gặp cô Loh phía trước siêu thị Woolworths trên đường Evaline ở Campsie. Người bạn này đưa cô một số quà để mang về Mã Lai cho đứa cháu của cô.

Hạ sĩ cảnh sát Sean Wallace, thuộc đồn cảnh sát Lidcombe, người chịu trách nhiệm điều tra về sự mất tích của cô Loh, nói: "Việc này cho thấy cô vẫn còn dự định về thăm nhà. Chúng tôi đã kiểm tra các trương mục của cô, và không có gì thay đổi cả".

KHỐI BÊ TÔNG TRONG HẦM TÀU: TAI NẠN HAY PHÁ HOẠI"

ADELAIDE: Một đồi bê tông khổng lồ mọc sừng sững trong hầm tàu sâu thẳm đầy bụi xi măng của tàu hàng CSL Yarra.

Số bụi xi măng tràn ngập, tích đọng trong suốt hai năm chuyên chở các kiện hàng toàn xi măng, đã đóng cứng lại thành khối bê tông hơn 1000 tấn này sau khi vòi nước cứu hỏa được cố tình mở, hoặc bị rỉ, trên đoạn đường từ Brisbane đến Adelaide hôm tuần qua.

Cảnh sát liên bang Úc đã bỏ ra hai ngày Chủ Nhật và Thứ Hai vừa qua để thẩm vấn thủy thủ đoàn 17 người hầu xác định được rằng đấy là một tai nạn hoặc do người cố tình phá hoại.

Được biết hiện chiếc tàu hàng này sắp được hãng CSL bán lại cho một công ty Á Châu trực thuộc hãng, và sau đó thì sẽ sử dụng thủy thủ đoàn ngoại quốc với mức lương dĩ nhiên là thấp hơn thủy thủ đoàn người Úc để tiếp tục lèo lái con tàu trong những công việc của hãng. Khi khám phá ra vào khoảng Giáng Sinh rằng họ có thể bị mất việc, thủy thủ đoàn của tàu Yarra và công đoàn đại diện của họ là Maritime Union Of Australia, gọi tắt là MUA, đã bắt đầu tranh cãi với hãng.

Tuy nhiên, công đoàn hàng hải MUA vẫn xác quyết rằng đấy là một tai nạn chứ không phải là một vụ phá hoại. Thuyền trưởng của tàu, John Briggs, cho biết khoảng đầu năm ngoái đã có hai vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu gây thiệt hại nặng nề cho khu cư trú của thủy thủ đoàn, và những việc này xảy ra trước khi họ biết được về dự định bán tàu.

Ông Briggs cũng dùng cơ hội này để tấn công chính phủ Howard đã "biểu lộ việc không yểm trợ cho ngành chuyên chở hàng hải của Úc" qua hành động cho phép bán những tàu hàng như CSL Yarra cho ngoại quốc. Ông nói: "Họ đã hết lòng ngăn cản ngành vận tải hàng hải Úc. Chính phủ có thể yểm trợ ngành hàng hải vận tải nội địa, hoặc hạn chế hoạt động của các tàu hàng ngoại quốc".


ĐỐI LẬP: CHÍNH PHỦ QLD "THỜ Ơ VỚI MÔI SINH".

BRISBANE: Chính phủ tiểu bang QLd đã bị lên án "thờ ơ với môi sinh" sau khi tiết lộ rằng con số nhân viên kiểm lâm (park ranger) tuần tiễu các công viên thiên nhiên quốc gia tại tiểu bang này bị sụt giảm 5% so với năm 1998.

Bộ Trưởng Môi Sinh Dean Wells, sau khi bị lãnh tụ đảng Tự Do Bob Quinn đặt câu hỏi, đã thông báo với quốc hội tiểu bang rằng con số nhân viên kiểm lâm tương đương với số nhân viên toàn thời gian được giao trách nhiệm cai quản các công viên thiên nhiên quốc gia đã sụt giảm từ 390 người trong năm 1998 còn 369 người.

Ông Quinn lớn tiếng lên án chính phủ tiểu bang, cho rằng những con số trao nộp lên quốc hội cho thấy chính phủ Beattie đã thất bại trong việc quản trị các công viên thiên nhiên của tiểu bang. Ông cũng cáo buộc rằng chính phủ Lao động Beattie đã bị bắt quả tang đã thờ ơ với môi sinh trong ba năm đầu tiên tại vị.

ông Quinn cũng bày tỏ mối lo ngại về việc số nhân viên kiểm lâm bị sụt giảm bởi vì các công viên này có nguy cơ bị các loại cỏ dại và thú hoang xâm lấn dùng làm nơi sinh sôi nảy nở khi không được chăm sóc chu đáo. Ông nói: "Khoe khoang và quảng cáo về các công viên này làm gì nếu chúng không được quản lý đúng đắn".

CHÍNH PHỦ LAO ĐỘNG TASMANIA CÓ CƠ TÁI ĐẮC CỬ

HOBART: Theo một cuộc thăm dò dân ý do tiến sĩ Richard Herr, một nhà khoa bảng về môn khoa học chính trị (political science) của đại học Tasmania cho thấy trong kỳ bầu cử tiểu bang tới, chính phủ Lao động đương nhiệm sẽ đại thắng và đảng Xanh có cơ hội thắng thêm một ghế thứ nhì trong quốc hội tiểu bang.

Cuộc thăm dò hơn 600 cử tri trên toàn tiểu bang Tasmania trong khoảng thời gian từ 18-20/12 vừa qua cho thấy đảng Lao Động sẽ giành được 46,1% của tổng số phiếu, tuy thấp hơn cao điểm là 57% trong một cuộc thăm dò dân ý hồi năm ngoái, nhưng vẫn còn rất cao so với sự ủng hộ của 27,8% dân chúng cho đảng Tự Do.

Tiến sĩ Herr nói: "Đảng Tự Do vẫn giữ vững vị trí trước đây của họ. Có nghĩa là họ vẫn nằm đâu đó dưới đáy thùng của sự yểm trợ của cử tri"

Cuộc thăm dò còn cho thấy thủ hiến Jim Bacon được 45,7% cử tri tín nhiệm, trong khi lãnh tụ đối lập Bob Cheek chỉ được 16% tín nhiệm.

Ông Bob Cheek, khi biết được kết quả của cuộc thăm dò, tuyên bố rằng đảng Tự Do lúc nào cũng biết rằng mình là phe yếu thế. Ông nói: "Chúng tôi biết rằng chúng tôi còn phải cố sức lắm mới bắt kịp, nhưng chúng tôi vững tin rằng dân chúng Tasmania sẽ hân hoan đón nhận dự án của chúng tôi cho tương lai của tiểu bang này. Ông Bacon là thủ hiến hơn ba năm rồi trong khi tôi mới nắm quyền lãnh tụ có bốn tháng thôi".

CHÍNH PHỦ TÂY ÚC KHÔNG MUỐN BỎ TÙ NHỮNG NGƯỜI PHẠM TỘI VẶT VÃNH

PERTH: Chính phủ Gallop đã lên tiếng kêu gọi các quan tòa của tiểu bang Tây Úc gởi những người phạm tội vặt vãnh đi làm việc công ích xã hội hơn là tuyên án tù ở cho họ. Đồng thời, chính phủ tiểu bang cũng lên tiếng mời gọi những tổ chức cộng đồng đang cần nhân lực để thực hiện các công tác của mình hãy mạnh dạn tiến lên sử dụng nguồn nhân lực này.

Những lời kêu gọi trên đánh dấu cho nỗ lực của chính phủ tiểu bang Tây Úc trong việc cắt giảm tỷ lệ tù nhân, vốn cao nhất nước Úc, của tiểu bang.

Bộ Trưởng Công Lý Jim McGinty và bộ trưởng cảnh sát Michelle Roberts đều nói rằng những kẻ phạm tội vặt vãnh nên trả nợ xã hội bằng cách phục vụ xã hội. Những tội vặt vãnh bao gồm trộm cắp vặt, phá hoại đồ đạc, gian lận an sinh xã hội, không trả tiền phạt và lái xe không bằng lái.

Ông McGinty cho biết thêm rằng ngân khoản phải chi ra để giữ họ trong tù đang được sử dụng để thuê mướn thêm nhân viên và triển khai thêm những chương trình công ích xã hội. Để giữ một tội phạm trong tù mỗi ngày cần $180 trong khi chi phí để kiểm soát một người bị phạt làm việc công ích xã hội chỉ có $12.

Ông nói: "Những tên phạm tội trầm trọng thì phải bỏ tù. còn những người phạm tội vặt vãnh, nếu họ có thể bị tuyên án phải làm việc công ích xã hội, thì chúng tôi hy vọng tòa án sẽ đi theo hướng đó".

Được biết bộ Công Lý hiện đang tuyển mộ thêm 18 nhân viên cải huấn cộng đồng để giám thị những người phạm tội làm việc công ích. Và bộ cũng đang lắng nghe những đề nghị về các công trình mà những người phạm tội nên làm. Ông McGinty cho biết những công trình này phải là những dự án môi sinh và cộng đồng với những ích lợi thực thụ, thí dụ như cạo sơn vẽ bậy. các công tác này phải là một sự trừng phạt thích đáng chứ không phải một cách đền tội dễ dãi.


PHÁT MINH HIỆN ĐẠI CỦA MỘT CỰU CHÁNH ÁN

ADELAIDE: Khi còn là chánh án và thẩm phán, ông Kingsley Newman đã từng phán xử không biết bao nhiêu vụ tòa liên quan đến tai nạn xe cộ. Và bây giờ, sau khi đã về hưu, với ước vọng giảm thiểu được các vụ như vậy, ông đã trở thành một nhà phát minh.

Ông Newman, từng là thẩm phán từ 1968 đến 1975, và sau đó là chánh án tòa Trung Thẩm (district court) cho đến năm 1995, cùng một người bạn đồng nghiệp tại Anh, Lord Michael Young, đã sáng chế ra một hệ thống đèn thắng có thể giúp ngăn chận việc xe tông vào đít nhau, mệnh danh là LifeLight (tạm dịch là Đèn Cứu Mạng). Hệ thống này bao gồm việc sử dụng đèn thắng nhấp nháy liên tục khi xe phải thắng gấp.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng tài xế lái xe phản ứng nhanh chóng hơn với các loại đèn nhấp nháy, và do đó, giảm thiểu việc tông vào đít xe phía trước. Cuộc nghiên cứu của đại học Monash ở Victoria cho thấy thời gian phản ứng được cắt bớt 0.27 giây. Nếu xe đang chạy với tốc độ 60km/g, thì khoảng thời gian này làm tăng thêm khoảng cách xe thắng lại ngang với chiều dài một chiếc xe. Hệ thống đèn nhấp nháy này sẽ được tác động khi chiếc xe giảm tốc độ với gia tốc lớn hơn 0.3G Forces, sức mạnh tương đương với khi thắng gấp.

Tuy nhiên, còn một khúc mắc cần phải vượt qua trước khi hệ thống này được sử dụng: luật pháp. Cho đến bây giờ, xe thường không được quyền gắn đèn nhấp nháy. Ông Newman nói: "Đây là tàn dư của thời xa xưa khi đèn nhấp nháy chỉ được dùng riêng cho các loại xe cấp cứu. Tuy nhiên, các loại đèn nhấp nháy được xài bây giờ đã quá tiên tiến không ai có thể nhầm lẫn LifeLight với đèn xe cứu thương, xe cảnh sát hay xe cứu hỏa cả. Thế giới đã tiến tới thì luật pháp cũng phải thay đổi theo"

Ông Newman và Lord Young đã thành lập một công ty tên gọi Youngking để giới thiệu phát minh của họ, và hiện đang cố gắng thuyết phục những người có quyền thế trong nhiều kỹ nghệ tại Úc cũng như ở ngoại quốc. Hy vọng của ông là hệ thống đèn nhấp nháy (chỉ tốn khoảng $1.00 để gắn), sẽ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong tất cả mọi chiếc xe.

CẢNH SÁT MONG DÙNG THUẬT THÔI MIÊN ĐỂ PHÁ ÁN

VICTORIA: Cảnh sát Victoria đang dùng thuật thôi miên với hy vọng sẽ bắt đưộc hung thủ đã hạ sát một nhà đại phú Melbourne.

Cảnh sát tin rằng những ký ức bị đè nén vì khủng hoảng của vợ ông Christos Saristavos, sáng lập viên của hãng Poseidon Dips, có thể là chìa khóa để vén màn bí mật của án mạng này. Bà Tammy Saristavos đã phải mục kích cảnh chồng mình bị bắn chết khi ông cố che chở bà không bị tên cướp tấn công hồi tháng 10/2000. Và cảnh sát tin tưởng rằng những đầu mối quan trọng về chân tướng của kẻ sát nhân hiện đang bị chôn sâu trong ký ức bị đè nén của bà.

Cuộc thôi miên do một phân tâm học được cảnh sát chấp thuận đã làm sáng tỏ những giây phút tưởng như bị mất đi trong ký ức của bà Saristavos về đêm hãi hùng đó.

Bà cho biết thật khó khăn khi phải sống lại, dưới sự thôi miên, những giây phút cuối cùng của chồng bà. Tuy nhiên, bà cho biết sẽ tiếp tục tham gia cuộc thôi miên nếu có thể giúp đỡ cho việc tìm ra thủ phạm. Bà nói: "Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để có thể trợ giúp".

Thanh tra thám tử Brian Rix, thuộc đội đặc nhiệm điều tra lùng án mạng, cho biết bà Saristavos đã được thôi miên một lần, nhưng bà đã bị chấn động nặng nề. ông cho biết bà cần phải tĩnh tâm lại trước khi tham gia vào một cuộc thôi miên nữa.

NGỘ SÁT TRONG VỤ CƯỚP BẤT THÀNH HOẶC CỐ SÁT VÌ LÝ DO RIÊNG"

SYDNEY: Ông Josef Logozzo, chủ vựa trái cây tại chợ Flemington là một người siêng năng cần cù, làm việc bảy ngày một tuần, đôi lúc 15 giờ mỗi ngày, để tạo thành công cho thương nghiệp của mình.

Thế nhưng, khuya Chúa Nhật vừa qua, người đàn ông di dân gốc Ý 53 tuổi, cha của bốn người thanh niên đã bị hạ sát ngay tại nhà ở vùng Cecil Hills, Tây Nam Sydney, khi hai tay súng bịt mặt đột nhập vào và nả súng giết ông và gây thương tích cho vợ ông.

Được biết vào khoảng 12g25 khuya Chúa Nhật, rạng sáng thứ Hai, khi ông bà Logozzo, sau một đêm vui chơi tại Marconi Club, vừa về đến trước cửa nhà, thì hai tên gian, mặc đồ màu sẫm, đeo găng tay và nón len blaclava phủ mặt, mang kiếng lặn trên mắt xông ra dùng súng uy hiếp hai người phải vào nhà.

Sau đó, trong khi một tên trông chừng ông bà thì gã đồng lõa lên lầu truy lùng tìm kiếm, và phát hiện được hai trong số 4 đứa con trai của ông và một người bạn gái đang say ngủ. Cả ba người này đều được lệnh phải đi xuống lầu. Thế nhưng, khi họ vừa bước vào trong phòng khách thì ông Logozzo bắt đầu vật lộn với một hung thủ.

Thanh tra thám tử Mark Brett của đồn cảnh sát Green Valley nói: "Một cuộc vật lộn xảy ra trong nhà và ông ta đã bị thương trí mạng tự một phát súng vào ngực. Có cả thảy hai phát súng được bắn. Phát thứ nhì bắn vào tay vợ ông khi bà cố gắng giúp đỡ ông".

Hai hung thủ sau đó bỏ chạy dưới trời mưa sấm sét tơi bời. Thanh tra Brett cho biết cảnh sát chưa tìm được nhân chứng nào nhìn hấy hung thủ đến hoặc rời nhà ông Logozzo. Ông cũng nói thêm rằng không có dấu hiệu gì chứng tỏ đây là một vụ cướp có vũ trang vì hung thủ tưởng lầm rằng ông Logozzo có giữ một số tiền mặt tại nhà. Mà ngay cả trước khi có vụ nổ súng, cả hai hung thủ cũng không hề cho biết ý định của chúng là gì. Ông Brett nói: "Chúng tôi không hề được thông báo là hung thủ đòi tiền và, ở thời điểm này, không biết được nguyên do của án mạng".


MẸ: NHÀ THƯƠNG LÀM CON TÔI CỤT NGÓN TAY!

CANBERRA: Một bé trai 11 tháng đã bị mất khúc đầu của một ngón tay bên trái, bởi vì, theo như lời cáo buộc của mẹ em, nhà thương Canberra không có sẵn bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ (plastic surgeon) để gắn lại phần ngón tay đã đứt và không chịu sắp xếp việc chuyên chở em đến một nhà thương ở Sydney có khả năng ấy.

Bà Shane Marie Tindall nói rằng nhà thương rõ ràng có thái độ không quan tâm qua những câu như "không hề hấn gì vì nó còn quá nhỏ để đeo nhẫn". Bà cho biết bà sẽ đệ đơn chính thức khiếu nại về việc này.

Cơn ác mộng của bà bắt đầu từ trưa thứ Bảy, khi Ryan, đứa con trai lớn của bà, khoảng 2,3 tuổi, đóng sập cửa vào tay bé Jackson, lúc ấy đang để tay trên khung cửa. Bà nói: "Máu chảy tùm lum khắp nơi. Chúng tôi gọi xe cứu thương và họ bảo rằng phải chờ 20 phút xe mới đến được, lúc đó máu đã ướt sũng cả cái khăn lông".

Bà Tindall cho biết bà và cha bé đã cố gắng làm mọi việc họ có thể làm để cứu vãn phần ngón tay đứt lìa của bé. Bà nói:"Chúng tôi lượm nó lên và bỏ nó vào hộp nước đá để mang vào nhà thương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi thì bác sĩ trực cho biết cần phải có bác sĩ giải phẫu, mà tuần đó bệnh viện không có bác sĩ giải phẫu túc trực. Họ nói Jackson phải đi Sydney, rồi sau đó họ hỏi chúng tôi có bảo hiểm y tế không. Chúng tôi không có. Họ bảo chúng tôi phải tự lên đó và rồi họ nói may lại làm gì, không đáng, bởi vì không có xương, rồi họ vứt mẩu tay đi".

Một phát ngôn nhân của nhà thương cho biết nhà thương không thể tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào cho đến khi nhận được lời than phiền chính thức của bà Tindall.


CẶP TÂN HÔN LẠ ĐỜI

PERTH: Cuộc đời của cặp tân hôn Shelly và Glen Bovenkerk luôn luôn xoay quanh môn thể thao banh bầu dục AFL.

Họ gặp nhau qua một trận đấu banh, hứa hôn với nhau trong khi xem một trận đấu giữa đội nhà West Coast Eagles và đội Essendons hồi tháng 8/01 vừa qua, và hôm cuối tuần, họ đã thành hôn ngay giữa sân banh Subiaco.

Cả hai người đều được bà con họ hàng cho là những kẻ ghiền AFL một cách điên rồ.

Cô Shelly làm nghề tiếp viên cho West Perth Football Club trong khi cậu Glen chơi cho đội Kingsley Footbal Club. Họ gặp nhau 2 năm về trước, khi một người bạn của cô Shelly bắt đầu chơi chung đội banh với cậu Glen, và cô đã bị thu hút bởi chàng cầu thủ đẹp trai trong hàng phòng thủ ấy. Cô nói: "Không ai cản được ảnh cả".

Thế rồi họ bắt đầu đi chơi với nhau. Cô Shelly nói: "Tôi mê AFL và ảnh cũng vậy và ảnh luôn miệng nói về banh bầu dục".

Thêm một điểm tương đồng giữa cặp tình nhân này là họ đều là ủng hộ viên của đội West Coast Eagles, và rồi trong trận đấu tại sân nhà của đội Eagles, cậu Glen đã ngỏ lời cầu hôn cùng cô Shelly.

Cô Shelly cho biết, nhờ vào những sự quen biết của cô trong giới banh bầu dục, cô đã có thể tổ chức đám cưới có một không hai này: sau hôn lễ trân trọng dưới mái lều được căng ngay giữa sân banh, cặp tân hôn đã ôm banh ra tung hứng ở một góc sân, trong khi đội East Coast đang luyện banh gần đó!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.