Hôm nay,  

Truyện Ngắn Trung Hoa: Người Mẹ Đẻ Thuê - Tác Giả: Jou Shih

30/03/200600:00:00(Xem: 6687)
LGT: Sàigòn Times vừa hân hạnh nhận được truyện dịch rất cảm động nhan đề, Người Mẹ Đẻ Thuê, do dịch giả Nguyễn Vạn Lý gửi. Theo dịch giả Nguyễn Vạn Lý, truyện ngắn này của Jou Shih đã được một số dịch giả dịch ra Việt ngữ, và phổ biến trên internet, nhưng đó chỉ là trích dịch, hoặc lược dịch, nên không được đầy đủ bằng bạn dịch sau đây của ông. Sàigòn Times xin chân thành cảm ơn dịch giả Nguyễn Vạn Lý, và xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần giới thiệu tác giả và tác phẩm của dịch giả, và truyện ngắn mô tả cuộc đời đầy thương cảm, đầm đìa nước mắt của một người phụ nữ Trung Hoa sống cách đây ngót một thế kỷ.

*

Tác Giả Và Tác Phẩm: Jou Shih (1902-1931) sinh tại Ninh Hải thuộc tỉnh Chiết Giang Trung hoa. Ông là một nhà giáo. Trong lúc còn là học sinh trung học, ông tham gia Phong Trào Văn Học Mới. Năm 1928, Chu Thạch tới Thượng Hải, và gia nhập nhóm của văn hào Lỗ Tấn. Cùng với Lỗ Tấn, ông viết cho tờ Kẻ Tầm Phào. Ông viết rất hăng say; ngoài ra ông cũng có công giới thiệu văn chương ngoại quốc cho độc giả Trung hoa. Năm 1930, Ông gia nhập nhóm Các Nhà Văn Tả Khuynh, và bị mật vụ Lam Y của Tưởng Giới Thạch xử tử năm 1931.
Jou Shih không những chỉ viết về giới trí thức, mà còn viết khá nhiều về cuộc sống của giới nông dân cùng khổ ở thôn quê, đặc biệt là những người đàn bà nhà quê bị phong tục tập quán cổ hủ đè nén áp bức. Truyện ngắn Người Mẹ Đẻ Thuê dưới đây là một truyện ngắn nổi tiếng của Jou Shih viết năm 1930, trong đó ông mô tả nỗi khốn cùng của giai cấp nghèo trong xã hội cũ.

*

Chồng nàng là một người lái buôn da thú, chuyên đi mua da thú và da bò của các thợ săn miền quê rồi đem bán tại các hải cảng lớn. Đôi khi hắn cũng làm công việc đồng áng vào vụ mùa tháng sáu, giúp người khác cấy lúa. Hắn có tài cấy được những luống rất thẳng. Nếu có dăm người thợ cấy cùng làm việc thì hắn thường được chọn làm người dẫn đầu để cho người khác theo hắn. Tuy thế hắn chẳng bao giờ khá. Nợ chồng chất hết năm này qua năm khác, vì thế hắn bắt đầu hút thuốc, uống rượu và cờ bạc. Hắn trở thành một người tàn ác hung hăng, và ngày càng nghèo thêm. Không ai muốn cho hắn vay mượn tiền bạc, dù là một món tiền nhỏ.
Sau một cơn bệnh, thân hình hắn trở thành một màu vàng tái, khuôn mặt vàng khè như màu chiếc trống đồng; ngay tròng trắng mắt cũng ngả mầu vàng. Người ta nói hắn bị bệnh hoàng đản. Trẻ con thường chạy theo hắn và gọi hắn là "Vàng Bủng." Một hôm hắn nói với vợ:
"Không xoay sở cách gì được. Nếu cứ tiếp tục thế này thì mình sẽ phải bán đến chiếc niêu cuối cùng thôi. Ta đang suy tính. Ta phải tìm cách dùng đến nàng. Nàng chết đói cùng với ta thì có ích gì đâu""
"Dùng tôi"" nàng khẽ lắp bắp. Vợ hắn đang ngồi sau bếp lò, ôm đứa con vào lòng. Đứa bé vừa mới ba tuổi và vẫn còn bú.
"Phải." Giọng chồng nàng có vẻ uể oải từ khi bị bệnh. "Ta đã cầm nàng rồi..."
"Cái gì"" Người vợ muốn ngất xỉu.
Căn phòng im lặng một lát. Rồi hắn khò khè nói, "Cách đây ba ngày, lão Vương Chó Sói tới đây và ở đây suốt nửa ngày để đòi nợ. Ta đưa hắn về và đi tới Ao Cửu Mẫu. Ta không còn thiết sống nữa. Ta ngồi ngay dưới một gốc cây, cái cây mà người ta có thể trèo lên và nhẩy xuống ao. Ta nghĩ đến cách đó nhưng ta không có đủ can đảm làm như thế. Ta nghe thấy một tiếng cú kêu. Tiếng cú kêu làm ta hết can đảm và ta đứng dậy đi về nhà. Nhưng trên đường về nhà ta gặp Trần Lão Bà. Lão bà hỏi ta làm gì mà đi khuya thế. Ta kể tình cảnh cho lão bà nghe và hỏi lão bà có thể cho ta vay ít tiền, hoặc giới thiệu một cô nào bằng lòng cho ta vay ít quần áo hoặc nữ trang để ta đem cầm một thời gian. Nếu không thế thì cặp mắt chó sói của lão Vương Chó Sói sẽ quắc lên hàng ngày trong nhà của ta. Nhưng lão bà chỉ mỉm cười:
"Anh vẫn còn giữ vợ trong nhà để làm gì" Hãy nhìn lại thân hình anh, anh vừa bệnh tật vừa xọm người như thế kia."
Ta đứng trước mặt lão bà, đầu cúi xuống, không biết nói gì. Lão bà nói, "Anh chỉ có một đứa con trai, và dĩ nhiên anh không thể đem bán con được, nhưng vợ anh..."
"Ta nghĩ không biết có phải lão bà muốn ta bán vợ" Nhưng lão bà tiếp tục nói, "Nhưng vợ anh - mặc dầu nàng là vợ chính thức của anh - khi anh nghèo, thì cũng đành. Anh còn giữ vợ trong nhà làm gì""
"Rồi lão bà nói thẳng, "Có một vị tú tài. Ông ta đã năm mươi tuổi rồi mà không có con trai, và muốn mua một người hầu thiếp. Nhưng bà vợ cả của ông ta không chịu và chỉ cho phép ông ta thuê một người vợ bé trong vài năm thôi. Ông ta bảo ta đi tìm kiếm một người như vậy, khoảng ba mươi tuổi, đã có hai hoặc ba con trai rồi. Người đó phải ít nói, lương thiện, và sẵn sáng làm việc và phục tùng bà vợ cả. Lần này chính bà tú tài yêu cầu ta. Nếu ta tìm được một người hợp đúng các điều kiện trên, họ sẵn sàng trả tám chục hoặc một trăm quan. Ta đã đi tìm kiếm một người như thế đã lâu rồi mà vẫn chưa được." Lão bà nói vì lão bà gặp ta nên chợt nhớ đến nàng. Tất cả mọi thứ về nàng đều đúng mẫu người họ đang tìm kiếm. Lão bà hỏi ta nghĩ thế nào. Ta khóc nhưng lão bà cứ ép buộc mãi nên ta đã đồng ý."
Hắn gục đầu xuống, giọng yếu hẳn đi, rồi ngừng bặt. Vợ hắn cực kỳ kinh hoàng đến nỗi không thể nói được một lời. Một lúc lâu, hắn tiếp tục nói:
"Ngày hôm qua Trần Lão bà đã tới nhà tú tài. Lão bà nói cả vợ chồng tú tài đều hài lòng. Giá họ trả là một trăm quan trong thời hạn năm năm, trừ phi nàng có thể đẻ được một đứa con trai trong ba năm. Trần Lão Bà cũng đã định ngày - ngày mười tám tháng này, còn năm ngày nữa. Ngày hôm nay lão bà đi lấy văn tự hợp đồng."
Đến đây thì vợ hắn đã run lẩy bẩy cả người. Nàng hoảng hốt nói, "Tại sao chàng không nói cho tôi biết trước""
"Suốt ngày hôm qua ta đi đi lại lại trong nhà nhưng ta không đủ can đảm nói cho nàng hay. Nhưng sau suy nghĩ kỹ, ta nhận thấy rằng nếu ta không dùng nàng để ra khỏi cảnh khó khăn này thì chẳng còn cách nào khác."
"Như vậy là xong cả rồi phải không"" Hàm răng của nàng run lập cập.
"Tất cả đều xong suôi rồi, trừ tờ văn tự hợp đồng."
"Ôi số kiếp mạt vận! Còn cách nào khác nữa không, bố thằng Xuân Bảo""
Xuân Bảo là tên đứa con trai đang nằm trong tay nàng.
"Quả thực là mạt vận. Ta cũng nghĩ như vậy. Chúng ta nghèo, nhưng nếu chúng ta không muốn chết thì chúng ta làm gì khác được" Năm nay ta không nghĩ ta có thể cấy lúa được."
"Chàng có nghĩ đến Xuân Bảo không" Nó mới chỉ có bốn tuổi đầu. Làm sao nó sống không có mẹ được""
"Ta sẽ coi sóc nó. Nó đã thôi bú rồi mà."
Hắn dường như bực mình tức giận và bước ra ngoài. Nàng bắt đầu khóc.
Nàng nhớ lại điều xẩy ra đúng một năm trước; nàng vừa sinh được một đứa con gái. Nàng nằm trên giường như thể người chết rồi. Tuy nhiên nếu chết thì chắc cơ thể nàng còn toàn vẹn, nhưng lúc đó chân tay và người nàng dường như rời rã khỏi nhau. Đứa bé sơ sinh nằm trên một đống lá khô trên nền nhà và khóc to tiếng, hai bàn chân nó co lên và hai bàn tay nắm chặt lại. Cuống rún hãy còn quấn ngang mình đứa bé và bọc nhau còn nằm bên cạnh. Nàng cố sức định ngồi dậy để tắm rửa cho đứa bé, nhưng khi nàng nhấc đầu lên thì thân thể nàng vẫn dính chặt vào giường. Nàng trông thấy chồng, cái con người tàn ác cứng cỏi ấy, mặt đỏ bừng, tay bưng một chậu nước sôi về phía đứa bé. Nàng dùng hết sức mạnh để hét lên với hắn, "Khoan đã! Khoan đã!" Nhưng gã đàn ông này vốn tàn ác từ trước khi ngã bệnh, không để cho nàng một giây phút bàn cãi. Không trả lời vợ, hắn nhấc đứa bé sơ sinh đang la hét lên bằng bàn tay thô kệch của hắn, giống như người đồ tể nắm con cừu để giết thịt, và quẳng đứa bé vào chậu nước đang sôi. Ngoài tiếng động của nước và tiếng lèo xèo của nước sôi khi đụng phải da đứa bé, nàng không nghe thấy tiếng gì khác nữa. Nàng lấy làm lạ tại sao hài nhi không hét lên" Có phải đứa bé vui lòng được giết chết mà không có một tiếng kêu phản đối" Ồ, bây giờ nàng hiểu rồi, chính là vì hài nhi đã tắt thở trước rồi. Hài nhi tắt thở như thể là máu trong tim đã đông lại.
Trong lúc nàng mải nhớ lại chuyện cũ, nước mắt của nàng cuối cùng đã khô. Nàng thở dài ảo não. "Ôi, cái đời cùng khổ này!" Thằng Xuân Bảo ngừng bú, ngẩng nhìn mặt mẹ và kêu, "Má má. Má má!"

* * *

Đêm trước khi nàng ra đi, nàng chọn chỗ tối nhất trong phòng để ngồi. Một chiếc đèn dầu thắp trước lò bếp, ánh sáng chập chờn như đom đóm. Nàng ôm Xuân Bảo vào lòng, đầu nàng gục xuống mớ tóc của nó. Tư tưởng của nàng dường như trôi đi thật xa, nhưng nàng không biết chắc là đâu. Rồi từ từ tư tưởng nàng trở lại, ngay trước mắt nàng, trở lại với đứa con của nàng. Nàng khẽ thì thầm với con:
"Xuân Bảo, con yêu quý của mẹ!"
"Má má!" Thằng bé kêu ọc ọc sữa, vẫn còn đang nút đầu vú nàng.
"Má má phải ra đi ngày mai."
"Hử"" Đứa bé dường như chẳng hiểu gì, nhưng linh tính khiến nó gục đầu vào vú mẹ.
"Má má không trở về nhà nữa, ít nhất là ba năm."
Nàng lau nước mắt. Đứa bé đã thôi bú và hỏi, "Má má đi đâu" Đi chùa hả""
"Không, cách đây ba mươi dậm, tới một gia đình họ Lý."
"Con cũng muốn đi theo."
"Xuân Bảo, con không thể đi theo được."
"Oa!" đứa bé phản đối, và bú tiếp.
"Con ở nhà với ba con. Ba con sẽ chăm sóc cho con. Ba sẽ ngủ với con và dẫn con đi chơi. Bây giờ con phải ngoan ngoãn và nghe lời ba. Trong ba năm..."
Nàng chưa kịp nói hết thì đứa trẻ đã muốn òa khóc, và nói, "Ba sẽ đánh con!"
"Ba sẽ không đánh con nữa." Nàng vuốt ve thái dương bên phải của đứa con bằng bàn tay trái. Bố nó đã đánh nó vào thái dương này bằng một cái cán cuốc, ba ngày sau khi hắn giết chết đứa con gái sơ sinh. Vết thương sưng tấy lên, nhưng bây giờ coi như lành rồi.
Nàng dường như còn nhiều điều muốn nói với đứa con, nhưng chồng nàng bước tới cửa. Hắn tiến lại phía nàng, một tay thò vào túi áo, và rút ra một cái gì, và nói, "Ta đã lấy được bẩy mươi quan rồi. Họ sẽ trả nốt ba mươi quan kia mười ngày sau khi nàng tới đó."
Ngừng một lát, hắn nói thêm, "Họ đồng ý gửi một chiếc kiệu tới đây." Một lát sau, hắn lại tiếp tục, "Họ cũng hứa cho những người khiêng kiệu ăn điểm tâm trước khi sai họ tới đây sáng mai." Sau đó hắn bước đi vào trong nhà. Tối hôm đó, nàng và chồng nàng không ăn cơm tối.
Sáng hôm sau có một trận mưa xuân.
Kiệu chắc sẽ tới sớm, nhưng nàng không ngủ được suốt đêm ấy. Nàng vá lại vài cái quần áo ít ỏi của Xuân Bảo. Mùa xuân hầu như đã hết và mùa hạ sắp tới rồi, vậy mà nàng lấy chiếc áo nhồi bông của con mặc mùa đông và định đưa cho chồng. Nhưng người chồng đã đi ngủ. Nàng ngồi bên cạnh chồng, định nói với chồng vài điều, nhưng cả đêm trôi qua mà nàng không nói được một lời. Khi nàng lấy hết can đảm để gọi chồng vài lần, nhưng nàng đều lúng búng không rõ; hắn không nghe thấy gì cả. Cuối cùng nàng đành thôi và nằm xuống ngủ. Khi những ý nghĩ của nàng vừa lắng xuống và nàng sắp sửa ngủ được thì Xuân Bảo thức giấc. Thằng bé lay nàng dậy và gọi, "Má má, con muốn dậy."
Trong lúc mặc quần áo cho thằng bé, nàng nói, "Xuân Bảo, ở nhà con phải ngoan và không được khóc, nếu không ba sẽ đánh con. Từ nay, má má sẽ mua kẹo và mang về nhà cho con. Con không được khóc nhé."
Đứa bé không hiểu đau buồn là gì. Nó há miệng và bắt đầu hát. Nàng hôn nó và nói, "Đừng hát bây giờ, con sẽ đánh thức ba dậy đó."
Những người khiêng kiệu ngồi trên ghế đẩu ngoài cửa và nói chuyện gẫu với nhau. Một lát sau Trần Lão bà từ làng bên cạnh tới. Người đàn bà mai mối khôn ngoan này bước vào nhà, giũ những hạt mưa khỏi quần áo và nói, "Trời mưa. Thế này là điềm tốt, gia đình này sẽ thịnh vượng từ nay trở đi."
Bà già đi quanh phòng hối thúc và đi tới chỗ bố đứa bé. Bà lão đang cố moi thêm tiền về phần mình, vì nhờ cố gắng của bà mà hắn có được một hợp đồng lợi như thế.
Bà ta nói, "Nói thực cho bố thằng Xuân Bảo nghe, chỉ cần thêm năm mươi quan nữa ông già ấy có thể mua đứt được một người hầu thiếp đấy."
Bà quay lại giục người đàn bà. Nàng đang ôm thằng Xuân Bảo, ngồi đó không có ý định nhúc nhích. Bà già lớn tiếng, "Những phu khiêng kiệu phải về tới nhà để ăn trưa đó. Mau lên chứ!"
Nhưng người đàn bà chỉ nhìn bà lão, như thể muốn nói, Tôi không muốn đi. Hãy để tôi ở lại đây để chết đói. Những lời nói đó vướng trong cổ họng nàng, nhưng bà lão hiểu. Bà bước lại phía nàng, mỉm cười thật tươi.
"Cô em thực là một người đàn bà khờ dại! Thằng cha "Vàng Bủng" cho cô em được gì" Những người bên đó có thừa đồ ăn, ăn không hết; họ có hơn hai trăm mẫu ruộng. Họ rất giầu có. Họ làm chủ nhà của họ, họ mướn người nuôi trâu bò. Đại nương tính khí ôn hòa và rất lịch sự với mọi người. Mỗi khi đại nương gặp ai, bà cũng cho họ ăn. Và ông già - thực ra cũng không già lắm - trông rất trắng trẻo và không để râu. Vì ông ấy đọc sách nhiều quá nên lưng hơi gù, nhưng thực là một người nho nhã. Ta cũng không cần phải kể cho cô em nghe. Cô em sẽ trông thấy tận mắt và cô em sẽ thấy ta không đặt điều nói sai đâu."
Người đàn bà lau nước mắt và như muốn nói với chính mình, "Xuân Bảo. Làm sao tôi bỏ con tôi thế này được""
Bà lão đặt một tay lên vai nàng, và ghé mặt lại gần hai mẹ con và nói, "Đừng lo ngại cho nó. Nó đã bốn tuổi rồi. Người ta thường nói "Con lên ba đã khỏi lòng mẹ rồi." Nó có thể sống không cần có cô em. Nếu cô em may mắn sinh được một hoặc hai con trai cho ông già đằng ấy thì mọi sự sẽ tốt đẹp."
Những người khiêng kiệu lên tiếng họ phải lên đường ngay, và nói láu táu với nhau, "Nàng không phải là cô dâu thì tại sao phải khóc nhỉ""
Bà lão kéo Xuân Bảo khỏi tay nàng, và nói, "Nào hãy để ta trông nom thằng Xuân Bảo cho." Đứa bé kêu khóc và dẫy dụa, nhưng cuối cùng bà già cũng lôi được nó ra ngoài. Khi nàng bước lên kiệu, nàng quay lại phía chồng và bà già, "Đem thằng bé vào nhà đi. Trời mưa đó."
Chồng nàng ngồi thực im lặng, hai tay ôm lấy đầu.

* * *

Hai làng cách xa nhau khoảng ba mươi dậm, nhưng khi các người khiêng kiệu hạ kiệu xuống lần thứ hai thì tới nơi. Cơn mưa nhẹ mùa xuân hắt vào trong kiệu làm ướt quần áo nàng. Một người đàn bà trên năm mươi tuổi, mặt mập tròn với cặp mắt xảo quyệt ra đón chào nàng. Nàng nghĩ chắc đây là Đại nương. Nhưng nàng chỉ nhìn người đàn bà một cách bối rối đến quên cả chào bà ta. Đại nương thân mật dắt nàng ra khỏi kiệu bước xuống bậc thềm. Một người đàn ông mập tròn với bộ mặt dài và mỏng xuất hiện. Ông ta quan sát nàng thật cẩn thận rồi mặt nở một nụ cười hài lòng, và hỏi, "Đến sớm thế" Quần áo của nàng ướt cả rồi."
Người đàn bà lớn tuổi làm như không nghe thấy lời nói của chồng và hỏi, "Có còn gì bên trong kiệu nữa không""
"Không." Nàng trả lời.
Một vài người đàn bà lối xóm đứng bên ngoài cổng, và dòm lén theo vào bên trong khi mọi người đã đi vào trong nhà.
Nàng không hiểu tại sao mà tâm trí nàng chỉ nghĩ đến căn nhà cũ của nàng, và nàng không ngừng nhớ đến Xuân Bảo. Hiển nhiên nàng có thể hạnh phúc trong ba năm đầu sống tại đây. Nhà này và người chồng sắp làm chủ nàng bằng hợp đồng, có vẻ khá hơn nhà và người chồng cũ của nàng, và về sau ông Tú tài trở nên rất có thiện cảm với nàng như nàng nghe nói. Ông ta nói năng rất dịu dàng. Ngay Đại nương cũng không như nàng tưởng tượng trước. Trong cách nói chuyện, bà ta có vẻ quan tâm và tử tế. Bà ta nói về cuộc đời chồng vợ với ông Tú tài, từ ngày hai người mới kết duyên với nhau cách đây ba mươi năm. Bà ta cũng có chửa một lần, khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, và sinh được một đứa con trai. Theo bà kể thì đứa con đó rất đẹp đẽ và thông minh, nhưng bị chết về bệnh đậu mùa trước khi được mười tháng. Sau đó bà ta không sinh đẻ nữa. Người đàn bà ngầm ý rằng chính bà ta muốn chồng lấy vợ bé, nhưng không hiểu sao chuyện đó không thành. Có lẽ vì ông ta yêu bà ta quá nên không thể lấy thêm một người đàn bà nữa, hoặc không tìm được người đàn bà nào vừa ý. Dẫu sao Đại nương cũng không nói rõ ràng ở điểm này, và hoàn cảnh gia đình bà tới bây giờ cũng vẫn không thay đổi. Nhưng điều rõ ràng là cuộc nói chuyện của Đại nương đã làm người đàn bà trẻ buồn rầu, chua chát, sung sướng và chán nản trong một ít lâu, mặc dù nàng là một người bản chất tốt. Cuối cùng, người đàn bà lớn tuổi nói với nàng điều nàng đang hy vọng. Mặt nàng đỏ bừng bối rối, nhưng người đàn bà lớn tuổi nói tiếp:
"Cô em đã có con cái và dĩ nhiên cô em biết. Chắc cô em biết rõ hơn ta." Đến đó bà ta bỏ đi.
Tối hôm đó, Tú tài nói cho nàng nghe hết về gia đình ông ta, hoặc là để nàng thán phục hoặc là để tán tỉnh nàng. Nàng ngồi bên một chiếc tủ quần áo bằng gỗ hồng tâm và nhìn cái tủ chăm chú, bởi vì đó là thứ mà nhà nàng không có. Tú tài ngồi xuống trước cái tủ và hỏi:
"Tên nàng là gì""
Nàng không trả lời mà cũng không mỉm cười, chỉ đứng dậy bước lại giường. Tú tài đi theo nàng, vừa hỏi vừa mỉm cười, "Nàng mắc cỡ hả" À, có lẽ nàng đang nhớ chồng! Nhưng bây giờ ta là chồng của nàng." Ông ta nói nhẹ nhàng và cầm tay áo nàng. "Hãy vui lên đi. Có phải nàng cũng nhớ con phải không" Nhưng..."
Ông ta không nói hết, mà chỉ cười và cởi chiếc áo choàng ra.
Nàng có thể nghe thấy tiếng Đại nương đang lớn tiếng chửi bới ai bên ngoài phòng, nhưng nàng không biết bà ta chửi ai. Có thể là bà ta chửi người làm bếp hoặc chính nàng cũng nên. Vì Đại nương khó chịu với nàng nên nàng có thể là người bị chửi. Tú tài gọi nàng từ chiếc giường, "Lại đây. Bà ta hay cãi nhau chửi bới như vậy. Bà ta rất thích một tên gia nhân, nhưng tên gia nhân đó hay nói chuyện với bà Hoàng trong bếp, nên bà ta chửi bà Hoàng đó."
Ngày tháng trôi qua. Ký ức của nàng về căn nhà cũ đã phai nhạt dần. Đời sống hiện tại của nàng trở nên quen thuộc với nàng hơn. Tuy thế, đôi khi những lời nói của Xuân Bảo vẫn vọng lại trong tai nàng. Nàng nằm mơ thấy con vài lần. Nhưng những giấc mơ như thế thưa dần đi khi mà công việc làm hàng ngày của nàng cứ gia tăng thêm. Nàng biết người vợ lớn hay ghen và nghi ngờ nàng. Bề ngoài bà ta xử sự một cách đại lượng, nhưng lòng ghen của bà ta khiến bà ta hành động như một người dò thám, theo dõi mọi hành vi và cử chỉ của chồng. Đôi khi Tú tài đi đâu về, nếu ông ta tình cờ gặp nàng trước thì ông thường nói chuyện với nàng trước. Thế là bà vợ lớn nghi ngờ chồng mua cho nàng cái gì đặc biệt. Ngay đêm đó, bà ta sẽ gọi chồng vào phòng bà và nặng nề dạy chồng, "Có phải ông đã mê muội vì cái con chồn cái đó không" Ông đi cân thử xem, bây giờ chỉ là một bị xương mà thôi! Thế mà vẫn không biết xấu hổ ở tuổi của ông!"
Nàng đã nghe thấy những lời nói như thế nhiều hơn một lần. Sau đó bất cứ khi nào nàng trông thấy Tú tài đi đâu về và Đại nương ngồi bên cạnh nàng, thì nàng vội vàng tìm cách lánh mặt ông ta. Ngay cả khi nàng ngồi lại thì nàng cố gắng tránh xa ông ta; tuy thế nàng phải cố bỏ đi một cách tự nhiên không để ai nhận thấy, vì sợ Đại nương nổi giận và nói nàng chủ ý muốn làm nhục bà ta. Sau đó nàng rất bận với công việc trong nhà mỗi ngày một nhiều hơn, và địa vị của nàng không khá hơn một người đầy tớ. Nhưng nàng là một người đàn bà khá thông minh. Đôi khi người vợ lớn thay quần áo, nàng thường giặt quần áo cho bà ta. Mỗi lần như thế Đại nương thường nói, "Tại sao cô em phải giặt quần áo cho ta" Ngay quần áo của cô em, bà Hoàng cũng phải giặt cho cô em." Rồi ngay sau đó Đại nương thường nói ngay, "Cô em nên ra coi chuồng heo. Tại sao những con heo đó kêu dữ thế. Có thể heo vẫn còn đói. Bà Hoàng không bao giờ cho heo ăn no."
Sau tám tháng, vào mùa đông năm sau, sự thèm ăn của nàng thay đổi: nàng không thiết ăn cơm nữa, và chỉ thèm ăn mì sống hoặc khoai lang. Nhưng sau một vài bữa, nàng lại chán mấy món này mà lại thèm ăn vằn thắn. Nếu nàng ăn nhiều thì nàng bị ói mửa. Ngoài ra nàng lúc nào cũng thèm thuồng bí ngô và mận. Nhưng phải sáu tháng nữa mới đến mùa hai thứ đó và bây giờ rất khan hiếm. Làm sao có được bí ngô và mận bây giờ" Tú tài biết rõ lý do sự thay đổi này. Suốt ngày ông đi quanh quẩn trong nhà và mỉm cười. Ông cố gắng tìm cho nàng những thứ nàng thèm. ị Xem tiếp trang 64
ị Tiếp theo trang 55Ông tự đi mua cam và sai người đem quýt về cho nàng. Ông thường đi bách bộ ngoài hàng hiên và lẩm bẩm một mình. Khi ông trông thấy nàng xay bột cho ngày Tết với bà Hoàng thì ông bảo nàng phải nghỉ trước khi nàng xay được ba lít gạo. "Thôi nghỉ đi. Để cho người khác làm cho. Ai mà chẳng thích ăn bánh gạo nếp""
Đôi khi về buổi tối, khi những người trong nhà nói chuyện với nhau, ông thường bỏ đi ngồi một mình bên ngọn đèn và đọc cuốn Kinh Nhạc:

Quan quan thư cưu
Tại hà tri châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.

Rồi mấy người làm công hỏi, "Chủ nhân sẽ không đi thi nữa thì còn đọc sách làm gì""
Ông khẽ vuốt ria mép đã cạo nhẵn râu và trả lời một cách sảng khoái, "Phải rồi. Các ngươi có biết những cái sướng của đời người là gì không" Thứ nhất là lúc đốt đèn trong phòng hoa chúc hợp cẩn, thứ nhì là thi đậu. Các ngươi có hiểu thế là gì không" Đó là những giây phút sung sướng nhất một đời người. Ta đã trải qua hai cái sướng đó. Nhưng ta còn có một điều sung sướng hơn thế nữa."
Mọi người đều cười, trừ bà vợ già của ông ta.
Bà vợ già thực sự rất khó chịu. Thoạt đầu bà cũng vui mừng khi nghe tin nàng có thai, nhưng khi bà thấy Tú Tài hết sức chiều chuộng nàng thì bà thấy tủi ghét sự không sinh đẻ được của mình. Một lần trong tháng thứ ba của năm thứ hai nàng sống tại đây, nàng cảm thấy bịnh và nhức đầu, và phải nằm li bì trong phòng ba ngày. Tú Tài thì muốn nàng nằm nghỉ và thường đến xem nàng có cần ăn uống gì không. Bà vợ già tức giận như điên cuồng. Bà buộc tội nàng giả vờ bệnh và chửi nàng suốt ba ngày đó. Thoạt đầu bà độc ác chế riễu nàng, nói rằng nàng đã làm bộ ngay từ ngày đầu tiên nàng tới đây - nào là đau lưng, nào là đau đầu - làm điệu làm bộ như một người hầu thiếp thực sự vậy. Bà nói không tin rằng nàng được cưng chiều hồi nàng còn ở nhà nàng. Đúng ra nàng chỉ là một con chó ghẻ. Bụng chứa một bầy chó con mà vẫn phải tất tả đi xin ăn ngay trước khi đẻ con. Nhưng bây giờ vì có "lão khọm già" - cái tên Đại Nương dùng để chỉ chồng - cứ luồn cúi nịnh nọt nàng khiến nàng hư hỏng.
Có lần bà nói với bà Hoàng trong bếp, "Ai mà chẳng có con cơ chứ" Chính ta cũng đã từng có chửa - có khó khăn gì đâu" Hơn nữa cái bào thai trong bụng cô ả bây giờ mới chỉ là tên trong sổ của Diêm Vương thôi. Ai dám bảo đảm rằng đó là con trai hay chỉ là một con cóc sần sùi" Chỉ khi nào cái thai đó chui ra cho ta trông thấy thì cô ả hãy làm bộ trước mặt ta. Còn bây giờ thì chỉ là một cục máu thôi. Mụ có nghĩ rằng cô ả làm bộ sớm quá không""


Đêm đó người đàn bà trẻ đi ngủ mà không ăn cơm tối. Khi nàng nghe thấy những lời chửi xiên xéo và chế riễu, nàng bắt đầu ứa nước mắt. Tú Tài vẫn còn mặc quần áo và ngồi trên giường. Ông ta đổ mồ hôi lạnh và bắt đầu run lên khi nghe thấy những điều Đại Nương vừa nói. Ông muốn thắt chặt áo choàng, đứng dậy, ra đánh cho Đại nương một trận đích đáng - phải túm lấy tóc con mẹ và đập cho một trận để hả cơn giận. Nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó, ông dường như không đủ can đảm; ngay các ngón tay của ông cũng run rẩy, còn cánh tay thì vừa đau vừa rời rã. Ông thở dài, "Hỡi ôi, ta đã tử tế với con mụ này quá. Ta đã lấy mụ hơn ba mươi năm rồi mà chưa bao giờ đánh mụ. Móng tay của ta chưa từng đụng làm trầy da mụ, thành ra mụ trở thành khó dậy như một bà Hoàng hậu."
Nói thế xong, ông nằm bò xuống giường của nàng, nhích lại gần nàng và thì thầm, "Nín đi, đừng khóc nữa. Cứ để mụ ấy la hét. Đúng ra mụ là một con gà mái không có tử cung. Nếu nàng cho ta một đứa con trai, ta sẽ cho nàng hai món nữ trang - Ta có một chiếc nhẫn bích ngọc và một chiếc bạch ngọc..."
Ông không nói hết điều ông muốn nói, vì ông không thể nào chịu đựng được những tiếng cười chế nhạo của Đại Nương đang vang dội bên ngoài cửa phòng. Ông vội vàng cởi áo choàng ra, chui vào mền và gục đầu vào ngực nàng, "Ta có bạch ngọc..."
Bụng nàng mỗi ngày một to hơn, cho tới lúc bằng một cái thúng nhỏ. Cuối cùng bà vợ già cũng phải mướn một mụ đỡ, và công khai may quần áo trẻ sơ sinh bằng những mảnh vải hoa.
Tháng sáu là tháng nóng nhất trong năm khi mùa hạ sắp chấm dứt, nhưng cả nhà sống trong hy vọng. Vào lúc đầu mùa thu, những ngọn gió mát bắt đầu thổi khắp làng.
Một hôm, niềm hy vọng của họ lên tới cực điểm. Không khí trong nhà bỗng rộn rã hẳn lên. Tú Tài bỗng hồi hộp một cách bất thường, cứ đi đi lại lại trong sân. Ông cầm một cuốn sách niên giám trong tay, vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc thuộc những ngôi sao để tính vận mạng cho đứa bé sắp sinh. Thỉnh thoảng ông lo lắng quay nhìn về căn phòng đóng kín cửa sổ. Trong phòng ấy, người mẹ đau đẻ đang khẽ rên rỉ. Rồi ông nhìn lên mặt trời bỗng nhiên bị một đám mây che khuất, rồi đi về phía cửa, và hỏi bà Hoàng lúc đó đang đứng tại cửa:
"Này, nàng thế nào""
Bà Hoàng khẽ ra dấu hiệu gật đầu, rồi một lát sau nói thêm, "Sinh đến nơi rồi."
Thế là ông lại cầm cuốn niên giám và đi đi lại lại ngoài hành lang. Cứ thế cho tới xẩm tối. Khi khói bếp tỏa lên không trung và trong nhà đã thắp đèn trông như những đóa hoa xuân bừng nở, thì đứa bé chào đời. Đó là một đứa con trai.
Đứa bé khóc vang trong nhà. Tú Tài gục xuống góc nhà, sung sướng đến muốn bật khóc. Không ai còn muốn ăn cơm tối hôm đó. Trước những đĩa đồ ăn sơ sài trên bàn, Đại Nương ra lệnh cho mọi người:
"Phải giữ bí mật một thời gian kẻo con mèo con đó gặp tai vạ. Nếu có ai hỏi thì cứ nói là con gái."
Tất cả mọi người gật đầu, mỉm cười một cách hài lòng.
Một tháng sau, bộ mặt trắng mịn màng của đứa bé tươi sáng trong nắng thu. Người mẹ trẻ ngồi cho con bú trong lúc các người đàn bà lối xóm đứng xem chăm chú. Người thì khen cái miệng đứa bé, kẻ khác thì khen tai, còn có người lại khen mẹ đứa bé và nói nàng khỏe hơn trước và da dẻ trắng trẻo hơn. Đại Nương tỏ ra che chở và lẩn thẩn như một bà nội, và nói, "Thôi đủ rồi, đừng làm nó khóc lên bây giờ."
Tú Tài moi óc tìm một cái tên cho đứa bé, nhưng không kiếm được một tên nào ưng ý. Bà vợ già thì muốn dùng một chữ, từ những câu nói "Thọ Lộc Danh" hoặc "Phúc Lộc Thọ". Nhưng tên hay nhất vẫn là "Thọ" hoặc một tên tương tự như "Bách Niên" hoặc "Bành Tổ". Nhưng Tú Tài không chịu những tên đó, cho rằng những tên đó tầm thường quá. Đó là những tên mà ai cũng chọn được. Vì thế ông lật từng trang của các cuốn sách cổ như Kinh Dịch hoặc Kinh Xuân Thu, nhưng hơn nửa tháng trôi qua, rồi một tháng nữa cũng qua mà ông vẫn chưa tìm được một cái tên thích hợp. Cái tên đó một mặt phải đem lại may mắn cho đứa bé, mặt khác phải có ý nghĩa rằng ông có đứa con đó lúc đã về già. Quả thực là một việc làm khó khăn!
Một hôm, trong lúc ông bồng đứa con ba tháng, ông lật trang sách để kiếm một cái tên. Ông đeo kính và đưa cuốn sách vào gần ngọn đèn. Người mẹ đứa bé ngồi ngây như tượng gỗ bên cạnh, mải suy nghĩ, rồi bất thình lình buột miệng nói: "Tôi đang nghĩ không biết có nên gọi nó là Thu Bảo không"" Mọi người quay nhìn nàng và yên lặng nghe nàng nói tiếp, "Có phải nó sinh vào mùa thu không" Kho tàng của mùa thu - hãy gọi tên nó là Thu Bảo."
"Đúng rồi." Tú Tài vội reo lên và nói tiếp ngay. "Ta vẫn cố gắng nghĩ một cái tên như thế. Ta đã già hơn một nửa thế kỷ rồi - quả thực là mùa thu của đời ta. Đứa bé sinh trong mùa thu. Mùa thu là mùa mà mọi vật đều chín mùi. Thu Bảo quả thực là một cái tên hay cho nó! Có phải Kinh Xuân Thu chẳng viết: "Rồi sẽ có mùa Thu" là gì" Bây giờ ta thực sự có mùa thu!"
Rồi ông ca ngợi người mẹ, và nói quả thực một con mọt sách như ông chẳng được tích sự gì vì sự thông minh là do thiên bẩm. Lời ca ngợi của ông làm nàng thấy mgượng ngùng. Nàng cúi xuống và buồn bã mỉm cười, ứa nước mắt. Nàng tự nghĩ, "Chẳng qua là vì ta nghĩ tới Xuân Bảo, kho tàng mùa xuân của ta."
Thu Bảo trở thành một đứa bé xinh đẹp. Nó không chịu rời mẹ. Đôi mắt nó tròn to và nhìn người lạ không chán mắt. Tuy nhiên nó có thể nhận ra mẹ nó ngay từ đàng xa. Nó đeo cứng lấy nàng suốt ngày. Mặc dầu Tú Tài yêu thích nó nhiều hơn nàng nhưng nó không thích ông ta. Bề ngoài Đại Nương yêu thích nó như thể là con ruột của bà vậy, nhưng cặp mắt tròn to của đứa bé vẫn nhìn bà như một người lạ. Nó lúc nào cũng ôm chặt lấy mẹ, trong khi cái ngày mẹ nó phải trở lại nhà cũ mỗi lúc một gần hơn. Mùa xuân thay thế mùa đông, rồi mùa hè lại tới gần mùa xuân, và mọi người nhớ đến thời hạn ba năm trong hợp đồng của người mẹ sắp sửa chấm dứt.
Vì Tú Tài yêu đứa bé quá nên đã mở đầu vấn đề với Đại Nương. Ông ta muốn bỏ ra một trăm quan nữa để mua đứt người mẹ. Nhưng bà vợ cả trả lời:
"Nếu ông muốn mua nàng ta thì ông hãy đầu độc cho tôi chết trước đã."
Khi nghe vợ nói thế, Tú Tài giận đến nỗi ông thở phì phì và không thể nói được một lúc thật lâu. Một lát sau, ông cố nở một nụ cười và nói, "Hãy nghĩ đến đứa nhỏ không có mẹ..."
Bà vợ già the thé nhạo chồng, "Ô hay, tôi không đáng là mẹ nó sao""
Người mẹ đứa bé cũng rất đau khổ với những cảm giác trái ngược: một mặt, ý nghĩ "ba năm" luôn luôn hiện ra trong trí nàng. Ba năm sẽ trôi qua thật mau, mặc dầu nàng đã trở thành như một người đầy tớ trong nhà Tú Tài. Thằng Xuân Bảo trong trí tưởng tượng của nàng vẫn còn sống động và đáng yêu quý trước mắt nàng. Nếu nàng không bỏ được Thu Bảo thì nàng cũng không bỏ được Xuân Bảo. Nhưng mặt khác, nàng thực sự muốn sống trong căn nhà mới này mãi mãi. Nàng nghĩ rằng bố thằng Xuân Bảo chắc cũng không sống được lâu vì bệnh tật của hắn. Hắn chỉ sống chừng ba năm hoặc năm năm nữa thôi. Lúc đó nàng có thể năn nỉ người chồng thứ hai cho Xuân Bảo đến ở với nàng. Như thế Xuân Bảo sẽ đoàn tụ với nàng.
Một lần nàng ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang, nhăn nhó vì mệt nhọc. Trong những tia nắng của đầu mùa hạ, tâm trí nàng rất dễ mơ mộng. Thu Bảo ngủ trong cánh tay nàng, vẫn ngậm đầu vú nàng, nhưng nàng cảm thấy dường như Xuân Bảo cũng đứng bên cạnh nàng. Nàng vươn tay ra ôm lấy Xuân Bảo, cùng một lúc nàng muốn nói với cả hai đứa con trai của nàng,... nhưng đó chỉ là ảo ảnh.
Trái lại trong khuôn cửa cuối hành lang, nàng chỉ thấy người vợ lớn đứng đó với bộ mặt từ thiện và đôi mắt tàn ác. Đôi mắt bà ta nhìn nàng chăm chú. Ngay lập tức nàng giật mình tỉnh khỏi giấc mơ. "Ta nghĩ ta nên rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Bà ta theo dõi ta như một thám tử." Nhưng đứa con trong tay nàng vừa bắt đầu khóc thì nàng lại trở về với thực tế trước mắt.
Một thời gian sau, Tú Tài thay đổi kế hoạch. Ông muốn gọi Trần Lão bà tới và sai bà ta đến nói chuyện với chồng của người đàn bà trẻ, và hỏi xem hắn có đồng ý nhận thêm ba mươi quan nữa, hoặc tối đa là năm mươi quan nữa, để gia hạn hợp đồng thêm ba năm nữa. Ông ta lý luận với Đại Nương, "Khi Thu Bảo được năm tuổi thì nó có thể xa mẹ được."
Lúc đó Đại Nương đang lần chuỗi niệm kinh. Do đó, giữa những tiếng A Di Đà Phật, bà ta trả lời, "Đứa con đầu lòng của người ta vẫn còn ở nhà; ông phải cho nàng ta trở về xum họp với chồng nàng một thời gian chứ."
Tú Tài cúi đầu lẩm bẩm không rõ ràng, "Hãy nghĩ đến Thu Bảo mới có hai tuổi mà đã phải mất mẹ..."
Đến đây thì bà vợ già bỏ hẳn sâu chuỗi ra một bên và nói, "Tôi có thể nuôi nó. Tôi có thể săn sóc nó. Có phải ông sợ tôi sẽ làm hại nó không""
Khi Tú Tài nghe thấy câu nói cuối cùng, ông liền vội vã bỏ đi. Nhưng bà vợ già không ngừng lại, và vẫn tiếp tục nói:
"Đứa con trai này đẻ ra là cho tôi. Thu Bảo là con của tôi. Tôi không có con và như vậy gia đình này sẽ tuyệt tự, nhưng tôi vẫn còn ăn cơm trong nhà này. Ông đã thực sự bị mê hoặc rồi, ông già rồi nên ông lú lẫn rồi vì ông không biết suy nghĩ cho ra vấn đề này. Ông còn sống được bao nhiêu năm nữa" Vậy thì tại sao ông muốn lôi cuốn nàng ta bên mình ông" Ông định đặt bài vị của nàng ta bên cạnh bài vị của tôi trong nhà từ đường phải không" Không đời nào!" Bà vợ già còn phun ra thêm nhiều lời độc địa cho ông ta nghe nữa, nhưng ông ta vội vàng bỏ chạy ra xa để khỏi phải nghe.
Mùa hè năm đó trên đầu đứa bé nổi một mụn nhọt, và đôi khi nó bị sốt nhẹ. Bà vợ già không ngừng cầu nguyện Phật và cố xin mấy món thuốc ở chùa đem về bôi lên cái nhọt hoặc bắt nó phải nuốt. Người mẹ của đứa bé coi việc đó không cấp thiết và không muốn làm khổ con để con khóc tới vã mồ hôi. Một lần nàng vừa bí mật đổ thuốc đi khi đứa bé vừa nhấp thuốc, thì nàng nghe thấy bà vợ già thở dài và than phiền với Tú Tài:
"Hãy nhìn nàng ta xem. Nàng không biết lo cho bệnh của con một chút gì. Nàng còn nói thằng bé không gầy đi một tí nào. Tình yêu trong tâm mới là sâu xa nhất, còn tình thương bề ngoài chỉ là giả dối."
Người mẹ trẻ không thể nào cầm được nước mắt. Tú Tài chỉ ngồi im lặng.

* * *

Vào ngày đầy năm của Thu Bảo, cả nhà tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật suốt một ngày. Ba bốn chục khách tới dự. Người thì mừng quần áo, người thì mang mì sinh nhật hoặc những con sư tử làm bằng vàng bạc để đeo vào cổ đứa bé. Có người còn cho tượng Ông Thọ mạ vàng để gắn lên mũ của nó. Các khách đem quà mừng nhét vào ống tay áo. Họ tới cùng với lời cầu chức cho tương lai đứa bé được thành công và sống lâu. Chủ nhân thì cực kỳ hoan hỉ, như thể cặp má của ông phản ảnh áng mây hồng của buổi hoàng hôn.
Nhưng cũng chính ngày hôm ấy, khi các thực khách ngồi vào bàn ăn lúc chập tối thì có một người khách nữa tới. Người khách này tới khi nắng hoàng hôn đã nhạt màu và bước lại bàn tiệc ngoài sân. Mọi người đều nhìn người khách mới một cách chăm chú: một người nhà quê gầy ốm tiều tụy, mặt mũi râu ria không cạo và mặc quần áo vá chằng vá đụp. Hắn cũng có một gói quà nhét dưới ống tay áo. Tú Tài ngạc nhiên chạy ra chào đón hắn và hỏi hắn từ đâu tới. Hắn trả lời ngập ngừng như thể hắn có bệnh nói ngọng. Tú Tài bối rối một giây và rồi hiểu ra ngay. Hắn chính là tên lái buôn da thú. Tú Tài dịu dàng hỏi hắn, "Nhưng tại sao ông cũng mang quà tặng tới" Ông không cần phải làm thế!"
Người khách dụt dè nhìn quanh và trả lời, "Dĩ nhiên tôi phải có lễ vật chứ... Tôi tới để chúc đứa bé sống lâu..."
Giọng nói của hắn kéo dài ra. Hắn lấy cái gói quà dưới cánh tay và mở ra. Tay run rẩy, hắn mở hai ba lần giấy gói ra, và cầm lên một cái khuôn cao mười phân mạ bạc với hàng chữ "Trường Thọ như Nam Sơn."
Đại Nương chạy lại, nhìn hắn chăm chú với một vẻ khó chịu. Nhưng Tú Tài đẩy hắn ngồi vào bàn tiệc trong lúc các thực khách thì thầm bàn tán với nhau.
Sau hai giờ ăn uống, thực khách trở nên hứng chí và bạo dạn. Họ chơi trò đố ngón tay, la hét lớn tiếng và đưa đẩy một bát rượu lớn để bắt người thua phải uống rượu phạt. Tiếng la hét của họ gần như làm xập nhà. Người lái buôn da thú, mặc dù đã uống hết hai chén rượu, là người duy nhất còn ngồi yên tại chỗ của mình. Những người khác không mời hắn tham gia cuộc chơi. Rồi khi sự hăng say của họ tàn dần, các thực khách vội vàng ăn ngấu nghiến cho hết chén cơm, sau khi đã trao đổi những lời khôi hài, rồi từng hai hoặc ba người một ra về, bước ra khỏi vùng ánh sáng của chiếc đèn lồng.
Người lái buôn da thú vẫn còn tiếp tục ăn cho tới lúc các đầy tớ bước ra dọn bàn. Lúc đó hắn rút lui vào một só tối của hiên nhà, tại đó hắn gặp được người vợ mà hắn đã cầm cho chủ nhà.
Người đàn bà hỏi một cách tội nghiệp, "Chàng tới đây làm gì""
"Tại sao tôi muốn tới ư" Tôi không còn lựa chọn nào khác."
"Vậy thì tại sao chàng tới trễ thế""
"Tôi biết lấy tiền ở đâu để mua quà mừng" Tôi đã phải chạy hết chỗ này chỗ kia suốt cả buổi sáng để năn nỉ vay tiền. Rồi tôi phải ra tỉnh để mua quà mừng nữa. Tôi vừa mệt vừa đói. Vì thế tôi đến đây trễ."
Người đàn bà thay đổi đề tài và hỏi, "Xuân Bảo đâu""
Hắn ngập ngừng, rồi trả lời. "Chính vì nó mà tôi phải tới đây."
"Vì nó"" người đàn bà hốt hoảng lập lại.
Gã đàn ông chậm chạp giải thích, "Kể từ mùa hè, Xuân Bảo gầy ốm lắm và đến mùa thu thì nó bịnh. Tôi lấy tiền đâu để đưa nó tới thăm thày lang và mua thuốc cho nó" Bây giờ nó bịnh nặng lắm, và nếu mình không chạy chữa cho nó thì thế nào nó cũng chết!" Sau một lúc im lặng, hắn nói tiếp, "Tôi tới để vay nàng ít tiền."
Nỗi đau đớn của nàng giống như trái tim bị mèo cào ra từng mảnh rồi nhai ngấu nghiến vậy. Nàng muốn bật khóc nhưng không dám, vì đó là ngày mọi người đang mừng sinh nhật cho Thu Bảo. Nàng cố nuốt nước mắt và nói với chồng, "Tôi biết lấy tiền ở đâu ra" Họ chỉ cho tôi mỗi tháng hai mươi xu để tiêu vặt. Vì tôi chẳng cần đến tiền nên tôi đã tiêu hết cho đứa bé rồi. Vậy chúng ta có thể làm gì bây giờ""
Cả hai im lặng. Rồi người đàn bà hỏi, "Hiện giờ ai trông chừng Xuân Bảo""
"Một người hàng xóm. Tôi muốn trở về nhà tối nay. Tôi phải về." Hắn vừa chùi nước mắt vừa nói. Người đàn bà nức nở và bảo hắn, "Khoan đã. Để tôi xem có thể vay tiền của ông ta được không."
Rồi nàng bước đi.

* * *

Ba tối sau, Tú Tài bỗng nhiên hỏi nàng, "Cái nhẫn bạch ngọc ta cho nàng đâu rồi""
"Tôi đã cho hắn đêm hôm đó và hắn đã đem cầm rồi."
Tú Tài giận dữ hỏi lại, "Ta đã cho nàng vay năm quan rồi còn gì""
Người đàn bà cúi đầu, im lặng rồi trả lời, "Năm quan không đủ."
Tú Tài thở dài. "Dù ta tử tế với nàng thế nào thì nàng cũng vẫn tha thiết với chồng và con cũ của nàng. Lúc đầu ta muốn giữ nàng thêm hai năm nữa, nhưng bây giờ ta nghĩ nàng nên trở về vào mùa xuân tới đây!"
Người đàn bà bị xúc động đến nỗi nàng không thể khóc được.
Vài ngày sau, Tú Tài nói với nàng, "Cái nhẫn đó là của di sản ta muốn nàng giữ và truyền lại Thu Bảo sau này. Có ai ngờ nàng đem cầm nó ngay lập tức như thế" Thật là may mà bà ta không biết chứ nếu không thì bà ta sẽ ray rứt cả ba tháng."
Người đàn bà mỗi ngày một gầy và vàng tái hơn. Cặp mắt thờ ơ của nàng nhìn như thất thần, và trong tai nàng văng vẳng những tiếng chế nhạo và chửi rủa. Nàng thường nhớ tới cơn bệnh của Xuân Bảo. Nàng cố gắng tìm một người quen biết nào từ làng của nàng, hoặc bất cứ người nào đi về hướng làng ấy. Nàng hy vọng nghe được tin rằng Xuân Bảo đã mạnh khoẻ lại rồi, nhưng nàng chẳng nghe được tin gì cả. Nàng muốn vay hai quan và mua kẹo bánh gửi về, nhưng không gặp ai đi về hướng đó.
Nàng thường đứng bên đường gần cổng chính, bồng Thu Bảo trong tay, nhìn xuống con đường nơi người ta đến hoặc đi tới làng của nàng. Đại Nương rất khó chịu và thường nhắc nhở Tú Tài, "Nàng ta không muốn ở đây. Nàng ta không thể chờ đợi đến ngày trở về."
Trong mấy đêm liền nàng bỗng khóc lóc trong giấc ngủ trong lúc vẫn ôm Thu Bảo. Thu Bảo giật mình sợ hãi và khóc ré lên. Tú Tài hỏi nàng thật cặn kẽ, "Nàng làm sao thế" Cái gì vậy""
Nàng không trả lời, chỉ ừ hữ và vỗ về Thu Bảo. Nhưng Tú Tài vẫn hỏi tiếp, "Có phải nàng mơ thấy đứa con kia chết, và bật lên khóc phải không" Nàng làm ta cũng tỉnh cả giấc ngủ."
Lập tức người đàn bà trả lời, "Không, không... nhưng hình như có một nấm mồ nổi lên trước mặt tôi."
Tú Tài im lặng. Hình ảnh buồn bã ấy một lần nữa hiện lên trước mắt nàng: nàng đang lại gần một nấm mồ.

* * *

Vào cuối mùa đông, từng đàn chim ngay bên dưới cửa sổ của nàng chiêm chiếp báo hiệu mùa xuân sắp tới và hối thúc ngày ra đi của nàng. Trước hết đứa bé bị bắt cai sữa, và sau đó một đạo sĩ được mời tới làm bùa làm phép để bảo đảm sự an toàn của đứa bé trong giai đoạn khó khăn khi xa mẹ. Như vậy sự chia ly vĩnh viễn của đứa bé và người mẹ thực sự của nó đã được định đoạt lần cuối cùng.
Ngày hôm ấy, bà Hoàng kín đáo hỏi bà vợ già, "Tôi có nên thuê kiệu cho nàng trở về nhà không""
Bà vợ già đang lần chuỗi niệm kinh. Bà trả lời, "Cứ để nàng ta đi bộ. Tiền mướn kiệu sẽ phải trả khi nàng ta về tới nhà. Nàng ta sẽ lấy tiền đâu mà trả" Ta nghe nói chồng nàng không có cả cơm mà ăn nữa. Nàng ta không nên làm như một người giầu. Cũng không xa lắm. Chính ta cũng từng đi bộ ba mươi hoặc bốn mươi dậm, và bàn chân nàng ta to hơn bàn chân ta mà. Nàng có thể về tới nhà trong nửa ngày."
Sáng hôm ấy khi nàng mặc quần áo cho Thu Bảo, nước mắt chảy đầm đìa trên má nàng và đứa con phải kêu lên, "Dì, Dì." Bà vợ già muốn đứa bé gọi bà ta là "Mẹ", vì thế bà ta chỉ cho phép nó gọi người đàn bà trẻ là "Dì". Nàng trả lời con bằng một giọng nghẹn ngào nước mắt. Nàng muốn nói với nó vài lời, như là: "Mẹ sắp rời con, con yêu quý của mẹ. Mẹ kia của con sẽ tử tế với con. Con cũng phải tử tế với bà ta khi con lớn lên. Con đừng nghĩ tới mẹ nữa." Nhưng nàng không thể nói ra lời. Dĩ nhiên nàng biết rằng đứa bé một tuổi rưỡi sẽ chẳng hiểu gì.
Tú Tài lặng lẽ lại gần nàng từ phía sau và dúi cho nàng hai sâu tiền và khẽ nói, "Đây là hai quan tiền. Nàng cầm lấy."
Nàng cài nút quần áo cho con và nhét tiền vào một cái túi bên trong ngực. Bà vợ già bước vào phòng, và khi trông thấy Tú Tài rời khỏi phòng bà ta liền nói với nàng, "Để ta ẵm Thu Bảo cho nếu không nó sẽ khóc khi nàng ra đi."
Nàng không trả lời, nhưng Thu Bảo không muốn người đàn bà già bồng. Nó đập vào mặt bà ta tới tấp. Cuối cùng bà ta nổi giận và hét lên, "Được rồi. Đi ăn sáng với nó đi. Khi ăn xong đưa thằng bé cho ta."
Bà Hoàng ép nàng ăn thêm, "Cả nửa tháng nay cô em cứ ăn thế này không hà. Cô em gầy hơn là ngày cô em đến đây. Cô em hãy soi gương mà coi. Hôm nay cô em phải ăn hết một chén đầy. Cô em còn phải đi bộ ba mươi dậm nữa mà."
Nàng trả lời thờ ơ, "Bà tử tế với tôi quá."
Mặt trời đã lên cao và thời tiết mát mẻ, nhưng Thu Bảo không chịu rời xa nàng. Bà vợ già tàn nhẫn giật thằng bé khỏi tay nàng. Thu Bảo đạp vào bụng bà, và hai bàn tay nhỏ bé cào vào mặt bà, và la hét vang nhà. Nàng đứng bên cạnh và nói, "Cho tôi đợi đến sau bữa ăn trưa."
Bà vợ già quay lại và lạnh lùng trả lời, "Hãy thu gói đồ dùng và đi khỏi đây ngay! Đằng nào cô em cũng phải ra đi mà, dù sớm hay muộn."
Nàng bước dần ra xa vùng tiếng khóc của đứa con.
Trong lúc nàng thu gói quần áo, tai nàng vang lên tiếng khóc của con nàng. Bà Hoàng đứng một bên, an ủi nàng và canh chừng những thứ nàng gói mang theo. Cuối cùng nàng kẹp bọc đồ vào nách và bước đi.
Khi nàng bước ra khỏi cổng chính, nàng vẫn nghe thấy tiếng kêu khóc của Thu Bảo; sau khi nàng đi được ba dậm, nàng vẫn còn nghe thấy tiếng khóc của nó.
Con đường bừng lên với mặt trời ấm áp trải dài trước mặt nàng tới vô tận như bầu trời. Khi nàng tới một con sông, nàng muốn chấm dứt những bước chân mệt mỏi của nàng bằng cách gieo mình xuống dòng nước trong như gương ấy. Tuy nhiên, sau khi nghỉ một lát bên bờ sông, nàng lại tiếp tục lên đường, mang cái bóng của nàng theo sau.
Mặt trời đã lên tới đúng ngọ khi một nông dân già cho biết nàng còn phải đi mười lăm dậm nữa. Nàng nói với ông lão, "Xin thúc thúc gọi cho cháu một chiếc kiệu. Cháu không thể đi được nữa rồi."
Ông già hỏi, "Cô em bịnh hả""
"Dạ." Nàng trả lời rồi ngồi nghỉ ngay tại cổng làng.
"Cô em từ đâu tới""
Người đàn bà ngập ngừng rồi trả lời, "Cháu định đi đến đó. Hồi sáng cháu tưởng cháu có thể đi bộ đến đó được."
Tội nghiệp cho nàng, ông lão không hỏi thêm nữa, và kiếm được hai người khiêng kiệu cho nàng. Cái kiệu này không có mái che vì là mùa cấy lúa mùa xuân.
Khoảng ba hoặc bốn giờ chiều, chiếc kiệu không có mái đi vào một con đường làng nhỏ và dơ bẩn. Nằm dài trên chiếc kiệu là người đàn bà trung niên với một khuôn mặt sầu héo như màu của một lá rau cải khô vàng úa. Đôi mắt lõm sâu và mất tinh thần của nàng nhắm chặt lại. Hơi thở của nàng thực là yếu. Các người đi đường chăm chú tội nghiệp nhìn nàng. Một toán con nít đuổi theo chiếc kiệu, như thể là một sự việc hãn hữu xảy ra trong cái làng nhỏ bé hẻo lánh này.
Xuân Bảo là một trong những đứa trẻ chạy sau chiếc kiệu. Nó chạy theo và la to như là đi chăn heo vậy. Nhưng khi chiếc kiệu rẽ đi về hướng nhà nó, nó giơ hai tay lên kinh ngạc. Khi chiếc kiệu tới cửa nhà nó, nó lặng người tại chỗ ngó theo chiếc kiệu từ đằng xa. Nó tựa người vào một cái cột và nhìn thẳng vào chiếc kiệu. Lũ trẻ khác thì bẽn lẽn vây quanh chiếc kiệu. Người đàn bà bước xuống. Mắt nàng hoa lên và lúc đầu không nhận ra đứa bé bảy tuổi đứng trước mặt nàng, mặc quần áo tả tơi và tóc rối bù, cũng chỉ lớn bằng ba năm trước, chính là Xuân Bảo của nàng. Bất chợt nàng gọi to, "Xuân Bảo!"
Lũ trẻ bỗng giật mình. Xuân Bảo sợ hãi đến nỗi nó tránh vào bên trong. Bố nó đang ngồi trong nhà.
Người đàn bà ngồi trong căn nhà tối một lúc lâu. Nàng và chồng không trao đổi lấy một lời. Rồi đêm đến. Hắn ngẩng đầu về phía nàng và nói, "Đi nấu cơm tối đi."
Người đàn bà đành đứng dậy. Nàng chậm chạp nhìn quanh góc phòng, và thờ ơ trả lời chồng, "Hũ gạo trống không."
Gã đàn ông cười cay đắng. "Nàng làm như vẫn còn sống trong nhà trưởng giả đó. Gạo cất ở hộp đựng thuốc hút đằng kia kìa."
Đêm ấy, người đàn ông nói với con, "Xuân Bảo, đi vào ngủ với mẹ mày."
Nhưng Xuân Bảo đứng bên cạnh lò bếp và khóc. Nàng bước lại gần và nói, "Xuân Bảo, con yêu quý của mẹ."
Nhưng khi nàng vươn tay để vuốt ve nó thì thằng bé né tránh xa nàng. Người đàn ông liền nói, "Mày đã quên mẹ mày nhanh thế" Tao đánh chết mày bây giờ."
Nàng nằm trên một chiếc giường hôi hám bẩn thỉu, hai mắt mở to. Xuân Bảo nằm ngủ bên cạnh nàng như một kẻ lạ. Trong trí óc tê dại đờ đẫn của nàng, hình như thằng Thu Bảo bụ bẫm đẹp đẽ đang đạp và giẫy dụa bên cạnh nàng. Nàng đưa tay ôm lấy nó, nhưng chỉ thấy Xuân Bảo bên cạnh nàng.
Xuân Bảo đã ngủ say. Nàng quay lại và ôm chặt con. Đứa bé thở đều đặn, mặt nó chúi vào lòng nàng và đưa tay sờ vú nàng.
Đêm dài, yên lặng và lạnh lẽo như sự chết, dường như kéo dài đến vô tận.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.