Hôm nay,  

Người Việt Làm Nông Trên Đất Mễ

27/12/200300:00:00(Xem: 4340)
PHOTO: Các anh Thể (trái) và Thiện (phải) trong ruộng trồng khổ qua.

Nguyễn Ngân
Công ty "Tran Intrenacional" là một công ty con của Cty Đồng Hương. Tọa lạc ngay bên rìa thị trấn Santiago Ixcuintla, thuộc tiểu bang Nayarit của Mễ Tây Cơ.
Văn phòng, kho lạnh, nhà máy sửa chửa nông cụ chiếm một tòa nhà kiên cố xây bằng gạch và bê tông rộng 60 ngàn Sqf trên khu đất 100 ngàn Sqf có hàng rào bao bọc chung quanh mua lại của Cty John Deer. Cơ sở rộng thêng thang này được hai anh Thu và Thiện chăm sóc suốt 7 năm nay.
Sáng hôm sau, ngày 17 tháng 12 tôi được anh Thu và anh Thể đưa ra thăm "ruộng" trồng bí đao, bầu và khổ qua. Trên đường ra ruộng anh Thu tâm sự:
- Nói là Giám Đốc thì nghe kinh quá. Vào tháng 6-1996 tôi với ông Thiện tới đây. Lúc đó Cty mướn 1 căn nhà (Anh chỉ sang bên kia đường) đối diện với cơ sở này. Chúng tôi: ăn, ngủ, làm việc trong 1 căn phòng chưa tới 30 mét vuông. Cty lúc đó đang là sở hữu một khu rừng và đang trồng mít tận bờ biển Santa Cruz cách đây hơn 30 cây số. Tôi thì không biết một chữ Mễ nào, đi đâu cũng cầm theo cuốn sách dạy tiếng Tây Ban Nha. Cũng may mà có "lão Thiện" làm bạn không thì chết vì buồn, nhìn tới nhìn lui chỉ có hai thằng. Cho đến bây giờ cũng chưa ai chịu nổi ở đây lâu hơn. Trước đây có mấy người từ Mỹ qua làm rồi cũng phải đi. Vì buồn quá".
Tại ruộng bí đao chúng tôi thấy hàng mấy chục nông dân đang được phân công để bắt đầu hái bí. Anh Thu nói tiếng Tây Ban Nha khá lưu loát chỉ dẩn cho người đội trưởng chọn lựa loậi trái đúng với tiêu chuẩn. Những người nông dân này phần lớn cư ngụ từ các ngôi làng nhỏ. Đa số họ là người có nguồn gốc thổ dân da đỏ, một ít đã bị lai người tây phương, tất cả khá cao lớn và khỏe mạnh so với người Á đông.
Sau đó vừa đi vào các luống bí đao. Anh vừa kể tiếp về giai đoạn hình thành Cty Tran Internacional như sau:
-Lúc đó khu vực này hoàn toàn là do các Cty thuốc lá khai thác, dân trong tỉnh phần lớn là làm việc cho các Cty trồng thuốc lá. Lúc đó chúng tôi tới xin mướn một khu đất cỡ chục mẩu trồng thử thì họ nhượng cho ngay, giá cả cũng không đáng kể.
Bây giờ thì khác rồi, vì thuốc lá đang bị xuống dốc, các loại nông sản đang được khai thác nhiều. Hiện nay có mấy Cty người Việt mình, mỗi Cty cũng dùng ít nhất cả trăm mẫu trở lên. Như vậy mới đủ chi phí, mới đủ sống.
-Vậy Cty Tran của mấy anh khai thác bao nhiêu mẫu"
Trước đây, không kể vườn mít, Cty khai thác khoảng 300 mẫu. Bây giờ xuống bớt vì chăm sóc không xuể. Hơn nữa mình có kế hoạch thu mua các loại từ các trang trại nhỏ hơn. Hiện nay Cty đang thu hoạch khoảng 60 mẫu các loại: Bầu, bí đao, cà tím, khổ qua và quan trọng hơn hết là đậu đũa đang được giá nhất. Vừa qua Cty đã thuê được cũng từ Cty thuốc lá 28 mẫu đất. Chúng tôi đã dọn dẹp, làm đất xong. Nếu không trở ngại thì vài tuần nữa sẽ cho xuống đậu đũa. Để lại ít mẫu trồng đu đủ.
Ngày mai (18- 12) chúng tôi sẽ chở về Los 22 tấn gồm có đậu đũa, bí đao khổ qua và nhiều nhất là đu đủ mới thu mua xong của các nơi quanh đây.
-Hiện nay trung bình anh chở về Los mỗi tuần bao nhiêu tấn nông sản"
-Chúng tôi có xe đi hầu như mỗi ngày, mỗi xe là 22 tấn. Nhưng chính xác thì phải nói trung bình là 4-5 chuyến 1 tuần, ít khi được 7 chuyến, vì cuối tuần khó huy động nhân công. (Anh nháy mắt hóm hỉnh nói tiếp: hơn nữa cũng phải nghĩ ngơi chút chút).
Chúng tôi đi dạo giữa các luống bí đao xanh ngát. Từng trái bi bằng cổ tay, xanh đậm còn phủ một lớp lông măng trắng sương, mới đủ tiêu chuẩn, còn lớn hơn hay méo mó là bị vứt ra ngoài.


Anh Thu cho biết mỗi ngày bỏ đi cả hàng tấn như thế. Nông dân quanh đây đến xin về cho bò ăn.
Anh Thể đi bên cạnh tiếp lời:
-Đoạn đường từ đây về Los hết 22 giờ lái xe. Không phải là lúc nào cũng thông suốt. Không kể chuyện kiểm nghiệm mức độ thuốc trong sản phẩm. Nội chế độ bảo hộ mậu dịch của hai quốc gia Mỹ-Mễ cũng như thái độ "làm khó" của mấy anh chàng cảnh sát, nhân viên kiểm nông của Mễ cũng không phải dễ vượt qua, phải chi tiêu những khoản tiền rất khó nói.
Khi về tới Los. Chúng tôi có một Cty khác mang tên "Tran Produce" cũng là chi nhánh của chúng tôi đón nhận. Ngay sau đó tất cả phải nổ lực đưa đi về nơi tiêu thụ bằng xe nhỏ và cả bằng phi cơ qua miền Đông ngay tức khắc. Phẩm chất của loại nông sản không đông lạnh này sống chết là nằm ở khâu thời gian. Chậm một ngày nhiều khi mất đi cả bạc ngàn như chơi.
Tại khu vực trồng khổ qua cũng đang có mấy chục nông dân đang hái. Mỗi luống khổ qua dài 100 mét. Họ cứ đi hết một luống như thế (100 mét) thì lại quay về đổ vào thùng, nơi đây một số người chọn lại lần thứ 2 mới bỏ lên xe kéo, đưa về phòng lạnh của Cty.
Tại phòng lạnh, các công nhân phải rửa hết thuốc trừ sâu còn sót lại, gói từng trái vào giấy để khỏi trầy vỏ, bỏ gọn trong thùng rồi mới đẩy vào phòng lạnh chờ xe tới đưa đi.
Tôi hỏi anh Thu về sinh hoạt, lương bổng của nông dân làm việc anh Thu cho biết:
-Lương hiện nay là 80 Pesos mỗi ngày (1 Mỹ kim = 11 Pesos). Họ đi làm ghi tên nơi người đội trưởng, cuối tuần sẽ phát một lần vào ngày thứ bảy. Đây là số lương đã vượt hơn mức tối thiểu của chính phủ, chứ không phải thấp đâu. Vì cũng không dễ kiếm người làm nếu chúng ta trả thấp hơn nơi khác.
-Vậy nếu đúng lúc thu hoạch mà không có người cũng mệt.
Anh cười nói:
-Thứ bảy này phát lương anh sẽ đến coi tất cả hàng trăm nông dân ở các khu vực đều về đây. Có một cách giữ được họ, dù chỉ là tương đối, không chắc chắn lắm. Đó là phát lương còn thiếu nợ lại họ chút chút. Một phần mình ít khi đủ tiền sau khi chi các phí khoản về vật liệu vì số tiền chuyển từ Cty mẹ về phải ưu tiên trang trải các chi phí sản xuất trước. Một phần khác cũng cần phải làm vậy để câu họ lại tuần kế tiếp.
Nói chung là người nông dân nào cũng rất chất phác, dễ thương. Ngoài giờ làm việc cho Cty ai cũng có một mãnh vườn nho nhỏ canh tác thêm. Đặc biệt với người Mễ thì chẳng phải ở Santiago mà ở đâu cũng vậy, họ lè-phè hơn người Việt mình vì không kinh qua sự mất mát bất thường trong đời sống. Họ làm ngày hôm nay thì xài hết. Ngày mai làm tiếp.
Những ngôi nhà chúng tôi tới thăm trang bị đơn giản, ít tiện nghi khiến mình có cảm giác những người nông dân này chỉ sống tạm bợ một thời gian mà thôi. Lãnh lương xong là họ kéo nhau vô quán bia. Lắm khi lương một tuần chỉ đủ trả một bữa nhậu suốt đêm với nhau.
Còn người Việt Nam chúng ta như hai anh Thu và Thiện. Bỏ gia đình từ Mỹ để về nơi khỉ ho cò gáy này thật đáng khâm phục. Anh Thiện bên ly trà đậm đặc nói với chúng tôi:
-Thời gian đầu, tôi đã muốn bỏ rồi. Buồn không thể nào chịu nỗi. Tiếng Mễ lại không biết. Một trong hai người có việc đi đâu đó là coi như mình câm luôn. Cứ đến sau 5 giờ chiều là vắng hoe, TV thì mở ra cho có chứ đâu hiểu gì.
Thấm thoát vậy mà đã 7 năm, bây giờ quen rồi, lắm khi có dịp về thăm nhà ở Cali vài ngày lại nhớ mấy Amigos, Amiga (ông-bà) thì muốn qua ngay.
Anh Thu triết lý hơn:
-Nông dân ở đâu cũng khổ, riêng gì nông dân Mễ" Một trái bí đao về tới tay người tiêu dùng chỉ đáng mấy mươi cent. Nhưng những bà nội trợ có biết nó đã trải qua một đoạn đường dài lắm hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.